E hèm, hôm nay tớ sẽ nói với các bạn về 1 chủ đề muôn thưở: cách học tiếng Anh. Chắc là ai cũng biết cả rùi, trong bữa cơm tiếng Anh có 4 món cần xơi: nghe, nói, đọc và viết. Nếu có ai đó không biết cái kiến thức sơ đẳng này thì đó chính là mấy vị đang làm việc trên sở Giáo dục nước ta. Cái quyển sách English 10 do các vị ấy soạn ra cho chúng ta, ở phần Intro thì viết 1 dòng chữ rất bắt mắt: “It continues to train the students for the four language skills: listening and understanding, speaking, reading and writing.” Nhưng còn nội dung thật sự bên trong thì sao? Mỗi Unit có được 1 bài đọc cũng không lấy gì làm hấp dẫn lắm, còn lại là ngữ pháp, ngữ pháp và ngữ pháp. Mà đâu chỉ lớp 10 thôi, từ lúc bắt đầu biết đến môn tiếng Anh, năm học nào chúng ta chẳng phải học 1 chương trình từa tựa như thế?
Các bạn nghĩ sao về cái chương trình học tiếng Anh kiểu đó nào? Nhàm? Chán? Buồn ngủ? OK, tớ đồng ý với tất cả. Nhưng các bạn cũng phải đồng ý với tớ về chuyện này: dù chúng ta có muốn hay không thì đó vẫn cứ là những gì chúng ta phải học mỗi ngày (ít ra là cho đến khi Bộ Giáo dục của chúng ta có được cái nhìn mới hơn 1 chút về môn tiếng Anh), dù các bạn có chán ngấy mấy bài ngữ pháp thì các bạn vẫn cứ cần phải nhồi chúng vào đầu để được điểm cao trong các kì thi - một sự thật hơi bị đau lòng đau ruột. Nhưng mà, nghe tớ nói này: đừng có than vãn nữa, chẳng giải quyết được gì đâu, thay vào đó, hãy xắn tay áo lên mà bắt đầu chiến đấu với môn tiếng Anh. Cổ nhân đã dạy đấy thôi: phải đánh nhau trước, xong rồi mới thành bạn bè được. Biết đâu sau khi vật lộn với mấy bài ngữ pháp ấy khoảng 1 vài tháng, các bạn lại chẳng quay ra cổ vũ cho chương trình học hiện thời của Bộ? Lúc ấy thì nhớ cho tớ biết với nhé!!!
Trong chiến đấu thì binh pháp là điều tối quan trọng, đúng không? Tớ đây thì chưa đủ trình độ để soạn ra cả 1 bộ sách mấy chục mấy trăm chương như ông Tôn Tử thời xưa, nhưng cũng có 1 ít mẹo vặt, đủ để giữ cho cái thành trì, à quên, cái cột điểm tiếng Anh của mình không bị sập xuống dưới mức 6,5. Nào, cùng tham khảo nhé:
1. Theo kinh nghiệm của tớ, chỉ có cái gì tớ thích thì tớ mới làm đến nơi đến chốn được. Cho nên, việc đầu tiên cần làm là phải tạo được hứng thú đối với môn tiếng Anh, hay ít ra là tìm cho mình một lí do để học.
Bọn học sinh tụi mình chắc đứa nào cũng phải có ít nhất vài đứa bạn trên net. Bây giờ mình cần viết cho đứa bạn 1 cái mail bằng tiếng Anh mà lại phạm phải những lỗi căn bản về ngữ pháp thì nó sẽ cười cho thối mũi, đúng không? Không biết mọi người nghĩ thế nào, chứ tớ thì cực kì khó chịu khi phải nhận 1 cái thư kiểu ấy => tớ quan niệm: đã viết cái gì thì phải thật chuẩn mới được, bút sa gà chết mà lại => 1 lí do để học ngữ pháp.
Tớ rất muốn được đi du học, bạn cũng thế chứ gi? OK, chẳng ai đánh thuế ước mơ cả. Nhưng bạn có biết rằng cái admission essay là thủ tục không thể thiếu khi xin học vào các trường đại học / cao đẳng ở nước ngoài không? Tưởng tượng xem nhé: bài luận của bạn cực hay, ý tưởng rất chi là phong phú nhưng ngữ pháp thì... sai be bét – 1 viễn cảnh chẳng lấy gì làm hay ho lắm!!! => thêm 1 lí do nữa để học!
Chưa nói tới chuyện du học, nếu bạn muốn có được những chứng chỉ kiểu như TOEFL hay IELTS thì ngữ pháp luôn là 1 phần không thể thiếu => lại 1 lí do nữa rồi nhé!
Đấy, cứ chịu khó suy nghĩ 1 tẹo thôi là thể nào bạn cũng sẽ tìm ra cả mớ lí do để học ngữ pháp, mà toàn là những lí do hợp lí chết người ấy chứ! Now, let’s study Grammar!
2. Tìm được lí do để học rồi thì bắt đầu ngồi vào bàn đi thôi! Lại quay trở lại với mấy câu mà cổ nhân đã dạy: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ngữ pháp tiếng Anh cũng như thế thôi, bạn muốn học tốt thì trước tiên phải hiểu đã. Trong SGK, mấy vấn đề ngữ pháp thường được giải thích rất chi là lằng nhằng, khó hiểu. Và đây chính là nơi mà các thầy cô giáo thân yêu của chúng ta thể hiện vai trò của mình. Trên lớp khi thầy cô giảng về ngữ pháp thì hãy cố căng tai ra mà nghe cho kĩ, có cái gì không hiểu thì lập tức hỏi luôn, đừng có mà xấu hổ hay là ngại ngùng gì cả. Bạn sợ rằng đứng lên hỏi thầy cô thì sẽ bị bọn bạn cười là học dốt ư? Đúng là suy nghĩ ngốc nghếch. Nghe đây: nếu có 1 vấn đề gì khó đến nỗi bạn không hiểu nổi thì bọn bạn của bạn cũng chẳng hiểu được đâu. Bạn đứng lên yêu cầu thầy cô giảng lại, có khi bọn nó còn phải cảm ơn bạn ấy chứ. Học tiếng Anh hay học bất cứ môn nào khác cũng vậy thôi, mạnh dạn lên nhé!
3. Đó là ở lớp, còn ở nhà thì sao đây? Tớ xin tự nhận rằng tớ là 1 đứa ham chơi hơn ham học. Và đây là lời khuyên dành cho những bạn giồng như tớ: hãy học tiếng Anh khi nào bạn thấy thích, đừng có cố học khi mà đầu óc bạn không thể tập trung được. Bạn có 24 tiếng một ngày và 7 ngày trong 1 tuần, tìm ra thời gian thích hợp để học tiếng Anh cũng không phải là điều quá khó, đúng không nào?
Còn 1 điều này cũng rất quan trọng: đừng có bao giờ cố mà học cái gọi là “lí thuyết” trong tiếng Anh. Một ví dụ đơn giản thôi nhé: trong tiếng Anh có bao nhiêu là giới từ: in, on, at, into, for, forward,..., cả 1 đống hầm bà lằng, lại có cả 1 mớ từ để đi cặp với lũ giới từ ấy. Nếu các bạn cứ ngồi tụng niệm theo kiểu “responsible thì đi với for, jealous thì đi với of”,... thì đầu óc các bạn chả mấy chốc sẽ nổ tung ra, mà kết quả thì lại chẳng lớn hơn con số không là mấy. Thay vào đó, hãy chịu khó làm nhiều bài tập một chút. Nghe có vẻ mất công, nhưng còn dễ chịu hơn là phải ngồi học theo kiểu kia. Mà, tin tớ đi, làm bài tập cực kì hiệu quả => lợi cả đôi đường => còn chờ gì nữa mà không làm theo đi!!! Nhưng nhớ là phải tìm bài tập nào vừa với sức mình mới được. Làm bài khó quá thì sẽ nản lòng mà làm bài dễ quá thì sẽ chán, cả hai đều sẽ dẫn tới phản tác dụng đấy, lúc đó thì đừng đổ cho tớ xui dại, tớ chả gánh được trách nhiệm ấy đâu (khiếp, bài tập mà nghe cứ như là thuốc uống ấy nhỉ? Phải đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, nếu không sẽ gây ra tác dụng phụ. Hehe!!!)
4. Và cuối cùng sẽ là vài kinh ngiệm xương máu, được tớ rút ra sau nhiều trận chiến đấu ác liệt với môn tiếng Anh:
#Trong binh pháp thì “36 kế, chuồn là thượng sách” nhưng trong tiếng Anh thì không có cái vụ chuồn ấy đâu nhé! Khi đi thi, gặp bài khó nếu nghĩ mãi không ra thì cứ làm bừa đi, cấm không được để trống. Để trống tức là tự đánh mất cơ hội ghi thêm điểm của mình đấy!
#Khi viết thì phải cẩn thận vào. Các thầy cô của chúng ta cực nhạy cảm với lỗi chính tả đấy. Đừng có để mất điểm chỉ vì cẩu thả rồi về lại tha hồ mà than vãn!
#Một lời khuyên cũ rích nhưng không bao giờ thừa: trước khi nộp bài thì nhớ kiểm tra lại cho kĩ, xem còn câu nào chưa làm hay không. Tớ chuyên trị bị mất điểm 1 cách ngu si như thế đấy: làm câu 1 rồi nhảy sang làm câu 3 luôn, bỏ qua nguyên câu 2, không hiểu tại mắt có vấn đề hay đầu óc hơi ngớ ngẩn nữa.
#Khi vào phòng thi thì hãy tự nói với mình như thế này: “Ta là người giỏi nhất nhất nhất. Chẳng ai sáng suốt bằng ta cả!”. Làm bài hãy làm theo ý mình, đừng có hóng hớt nghe bọn xung quanh bàn bạc rồi sai bét cho mà xem!
Phù, mỏi tay quá rồi, buổi thuyết giảng về binh pháp xin tạm dừng lại tại đây. Chúc các bạn điều binh khiển tướng ngày càng thành thạo và thu được nhiều chiến thắng thật oanh liệt nhé!!!
Tập thể "vua, tướng và quân" 10D3