Các chú sinh sau đẻ muộn không hiểu có biết chuyện thầy Thắng bị ung thư không, cho các chú xem bài này
Thầy bảo rằng “Trong những bó hoa các lớp tặng tôi nhân dịp 20-11, tôi chỉ thích bó hoa của lớp này”. Cả lớp cười ồ lên “Thầy chỉ khéo khen, chắc vào lớp nào thầy cũng nói thế”. Ngừng một lát, thầy cười, nụ cười quen thuộc “Trong bó hoa có một loài hoa tôi thích nhất: Hoa lay ơn”.
Cho đến giờ, chúng tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao thầy lại thích loài hoa ấy. Đứa thì bảo “Hoa lay ơn trông sang lắm, chắc thầy thích sự thanh cao”. Đứa lại lắc đầu “Thầy thích gì không thích lại thích ngay loại hoa đắt thế không biết”. Nói thì nói vậy, nhưng cứ mỗi dịp đến nhà thầy, chúng tôi lại cất công đi mua hoa, mà phải đúng là hoa lay ơn.
Nhưng lần này, không giống như những lần trước, chúng tôi được tin thầy ốm mà lại rất nặng nữa là đằng khác. Theo nguồn tin bên lớp D2 (lớp thầy chủ nhiệm), thầy bị đau ruột thừa hay đau dạ dày gì đó và đang năm ở bênh viện. Mấy đứa trong lớp lục đục kéo đến thăm thầy. Thầy gầy đi nhiều quá, mà khổ, thầy vốn đã gầy từ trước rồi, hai mắt trũng sâu xuống, da sạm lại. Chúng tôi đến khi thầy đang cầm trên tay cốc nước gì đó đang uống dở. Nhìn thấy chúng tôi thầy cuời, vẫy vẫy: “Ngồi xuống đây. Tôi đang phải uống cái cốc nước này, nước gì mà khét lèn lẹt như mùi cao su, thế mà phải uống những hai lít, ai mà chịu được!”. Vẫn nụ cười ấy, cùng giọng nói nửa đùa nửa thật, thầy kể cho chúng tôi nỗi ám ảnh duy nhất của thầy là không được ăn cơm, suốt ngày chỉ có húp cháo. Khổ nỗi, cái khách sạn bên cạnh, cứ đến tầm 12h mùi thức ăn lại bay sang ngào ngạt, thầy đành ngồi chơi trò “ngửi mùi đoán món”. Cả lũ ngồi nghe thầy kể chuyện, cười toe toét, quên mất rằng đến là để thăm thầy. “Thầy ơi! Liệu một tháng nữa thầy có khỏi được không, để còn dạy chúng em?”.” Ừ, chắc là một, hai tháng nữa tôi sẽ khỏi”.
Thế mà thầy nghỉ đến giờ đã là ba tháng, chúng tôi đã đổi giáo viên môn Lý. Không còn những buổi giao lưu, những tiết hát hò ầm cả lớp, không còn những phút cười như nắc nẻ trước những câu chuyện “trời ơi đất hỡi” của thầy. Thầy ốm nặng, nặng lắm, lại vẫn cái chứng u lành u ác từng hành hạ biết bao nhiêu người. Chúng tôi đến lần thứ hai khi thầy vừa mổ xong. Thầy yếu lắm, cố mãi mới nói được vài câu “Sống rồi, thế là sống rồi”. Chúng tôi nhìn thầy, mắt rưng rưng đau đớn, cố mãi mới không trào nước mắt. Ai có thể tượng tượng được, một con người vốn yêu đời là thế, vốn nhiệt tình với học sinh là thế, lại có thể suy sụp như thế này. “Thầy ơi! Thế cảm giác của thầy lúc nghe bác sĩ báo tin mình bị u thì như thế nào ạ?”. Thầy cười, khuôn mặt đăm chiêu “Lúc ấy, mình cảm thấy như mất hết tất cả, người như hoá điên! Nhưng may quá, giờ thì không sao!”. Đúng là may thật, chúng tôi suýt nữa đã mất đi một người thầy, người thầy mà chúng tôi yêu quý nhất. Thầy không chỉ cho chúng tôi kiến thức, mà còn dạy cho chúng tôi thế nào là cuộc sống. “Thầy ơi! Mau lành bệnh thầy nhé! Để chúng em còn có dịp được nhìn thấy thầy đứng trên bục giảng, say sưa kể chuyện “ném bom”, được nghe thầy đọc thơ và sản xuất ra những câu mang tầm cỡ “Minh Vượng”: “Em dê một bằng em dê hai” (tức mg1 = mg2) và cả câu này nữa em vẫn còn nhớ mãi “Khi đi qua một cánh đồng lúa mì, làm thế nào để chỉ đi qua một, ta có thể chọn được bông to nhất và chắc nhất. Trong cuộc đời, có những lúc ta phải đứng trước những sự lựa chọn như thế, các em ạ!”.