Biết đủ là đủ!

una-rapina

Moderator
Theo www.Tuoitre.com.vnBiết đủ là đủ
23:51:07, 08/04/2006​



Phương Nguyên - Như Lịch - V.Anh - Trí Quang - Đỗ Tuấn - B.Hạnh
Bắt đầu từ một sự đối chiếu: Cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện cho biết: 43% người Việt Nam cho rằng mình hạnh phúc trong cuộc sống (tỷ lệ này ở người Nhật là 39%, Trung Quốc là 23%...). Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của VN năm 2005 là 600 USD, VN vẫn là một trong những nước nghèo trên thế giới. Điều đó có gì mâu thuẫn?

Một trong những câu trả lời là: hạnh phúc không hẳn phụ thuộc vào chuyện "nhà giàu, nhà nghèo". Vậy làm thế nào để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt nhất trong hoàn cảnh có thể? Có phải "Biết đủ là đủ"? "Biết đủ" để hạnh phúc - tại sao không? Đem câu hỏi này đi tìm những người tâm đắc, chúng tôi ghi nhận được những câu chuyện lạ mà không lạ...
Câu chuyện thứ nhất: "Không may nên phải làm doanh nhân..."
Một công ty có cái tên thật thanh thản: Sơn Ca, phòng làm việc có tên "Phòng suy nghĩ"... Đằng sau giọng nói từ tốn, phong thái bình dị là một doanh nhân bản lĩnh và một trái tim nghệ sĩ, anh Lê Văn Chính - cố vấn Công ty cổ phần truyền thông Sơn Ca thường làm người khác bất ngờ bởi chính triết lý sống giản dị của mình.
Thuở còn là sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM, có anh chàng thường xuyên "cúp cua" để sang Đại học Văn khoa học ké văn học nước ngoài, thơ văn Lý-Trần để rồi sau này chọn bút danh Văn Khoa ký dưới mỗi bài tản văn anh viết. Đam mê nhạc Trịnh, nhiếp ảnh, sách và chịu ảnh hưởng nhiều bởi đạo Phật..., vậy mà anh lại trở thành một doanh nhân.
Đang làm phó tổng giám đốc cho một công ty nước ngoài, anh bỏ ra làm riêng, chỉ để đạt được mong muốn cho ra đời nhãn hiệu Vitek - VTB với mục tiêu cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm nước ngoài như Sony, Panasonic, JVC... Hiện nay, là người cố vấn cho Công ty Sơn Ca, anh chia sẻ suy nghĩ về quan niệm "biết đủ là đủ": "Tôi vẫn lo âu khi thấy mình hưởng được từ cuộc đời này nhiều hơn những gì mình đã đóng góp. So với biết bao cảnh đời bất hạnh khác, tôi quả thật đã rất may mắn. Mỗi buổi sáng tỉnh dậy, tôi có đầy đủ một ngày tinh khôi, mắt còn nhìn thấy, tai còn nghe được, tay chân lành lặn, có gia đình, có bạn bè, có công ăn việc làm... thật quá đủ những điều kiện cho một ngày hạnh phúc". Và anh "mơ mộng" chẳng giống doanh nhân tí nào: "Nếu được học làm đạo diễn phim, tôi sẽ làm một video clip về việc đếm tiền. Đếm tiền là một công việc giản dị, thường ngày nhưng đằng sau những thao tác đếm tiền luôn ẩn giấu những điều lớn lao hơn nhiều. Hạnh phúc và đau khổ bắt đầu từ đây. Có thể khung hình sẽ ghi nhận bàn tay nhỏ bé của em bé đánh giày, ngồi ở vỉa hè đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi kiếm được trong ngày sẽ đem về cho mẹ. Có khi khung hình sẽ lướt qua ngón tay trên bàn phím và nét mặt cau có của một vị doanh nhân ngồi kiểm tra tài khoản tháng này lãi ít lãi nhiều. Rồi những ngón tay tần ngần của cô công nhân may trong khu công nghiệp ngày về quê, món tiền dành dụm cả năm trời buộc kỹ mấy lần giấy gói buộc kỹ dây thun, với bao mơ ước ngày về. Nhiều tiền đến mức nào thì sẽ có hạnh phúc ? Câu hỏi không dễ gì giải đáp".
Câu chuyện thứ hai: Nếu không biết đủ, sẽ dễ mất thăng bằng!
Đôi vợ chồng Hồ Đạo Hạnh và Huỳnh Thị Hoàng Cúc mỗi người giữ một "chức vụ" đáng kể trong khu phố 2, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM: Anh là Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc; chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Tuy không làm thành bản "tuyên bố chung", song đã từ rất lâu, đôi vợ chồng này lấy quan niệm "biết đủ là đủ" làm phương châm sống cho mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, anh Hạnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho chị Cúc tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ khu phố. Ngược lại, người vợ vén khéo biết điều tiết, dung hòa giữa việc nhà và việc xã hội, giúp chồng giữ vững danh hiệu "thủ lĩnh" gương mẫu của một CLB hướng đến xây dựng những gia đình hạnh phúc. Được biết, anh Hạnh làm ở bộ phận kinh doanh của một tập đoàn vận tải hàng hải có 100% vốn nước ngoài. Anh chia sẻ: "Nếu làm thêm, có thể tôi sẽ kiếm thêm được rất nhiều tiền. Tất nhiên, ai cũng muốn có nhiều tiền nhưng nếu quá tham công tiếc việc, suốt ngày ở ngoài đường khiến vợ con nhăn nhó, tổ ấm biến thành... tổ lạnh thì cũng không nên. Theo chúng tôi, nếu không biết "đủ là đủ" thì sẽ không có điểm dừng; không có điểm dừng sẽ dễ bị mất thăng bằng trong cuộc sống...". Vợ chồng anh Hạnh, chị Cúc cho rằng, "biết đủ là đủ" không phải là tình trạng an phận tiêu cực, thậm chí triệt tiêu cả nỗ lực phấn đấu vươn lên mà cần được hiểu như là khả năng biết kế hoạch, sắp xếp và thực hiện hài hòa giữa công việc xã hội và hạnh phúc gia đình. Mục đích của việc "biết đủ là đủ" là tạo sự sảng khoái, vui vẻ cho bản thân và cho những người xung quanh. Điều này lý giải tại sao cả hai vợ chồng, đặc biệt là anh chồng luôn có mặt trong các bữa cơm hằng ngày của gia đình, mặc dùâ anh (lẫn chị) có nhiều "cơ hội" để ăn cơm ngoài một cách "chính đáng"!
Câu chuyện thứ ba: "Kinh doanh để thỏa sở thích, vậy là đủ rồi!"
Quán nằm ở khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM, xung quanh là những quán cà phê rộn rịp sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng ở đây chỉ có chưa đến chục bàn ăn nhỏ, hoạt động từ 11 - 2 giờ trưa và từ 6 - 9 giờ tối, cửa thường... đóng im ỉm, không mở đón khách như bình thường. Khách muốn vào phải tự nhấn chuông, đôi khi còn phải đặt trước để giữ chỗ vì anh chàng chủ quán hay… từ chối khi thấy còn ít không gian.
Khi bắt tay kinh doanh, nhất là khai trương quán ăn, ai cũng tìm cách để thu hút nhiều khách đến quán. Nhưng với Giang Quang Tuấn, chủ nhân của quán Tuan&Tu's trên đường Trần Cao Vân, Q.1, TP.HCM thì quán ưu tiên phục vụ các khách ruột, không cần số đông, thậm chí còn ngại "nhiều người tìm đến, khách đông quá, quán sẽ không còn không khí ấm cúng và yên tĩnh". Giải thích về cách kinh doanh hơi khác người của mình, Tuấn nói: "Mình chỉ muốn khách hàng khi đến đây sẽ có cảm giác như đang trở về bên gia đình và thư giãn thoải mái, thưởng thức những món ăn miền Bắc quen thuộc. Với mình kinh doanh chỉ là để thỏa sở thích nấu ăn của hai anh em và muốn tạo ra một nơi lý tưởng để gặp gỡ bè bạn, không quá đặt nặng chuyện lợi nhuận. Làm bấy nhiêu đó là đủ rồi!", anh chàng gốc Hà Nội thổ lộ.
 

una-rapina

Moderator
Câu chuyện thứ tư: Chỉ kiến thức là không bao giờ đủ7 năm được phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua, năm 2003-2004 đạt giải nhất "Viên phấn vàng" của quận, đó là thành tích đáng nể của cô giáo Trần Thị Dung Hòa đang dạy tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.7, TP Hồ Chí Minh). Cuộc sống còn khá vất vả, nhưng khác với những giáo viên lấy chuyện dạy thêm làm "thu nhập chính", cô Hòa cho biết cô chỉ thấy không bao giờ đủ về kiến thức, còn cuộc sống với mái ấm bình thường nhưng hạnh phúc của mình là quá đủ rồi.
17 năm trước, cô tú Hòa chân ướt chân ráo lặn lội từ Long An lên Sài Gòn học hệ trung cấp sư phạm, thời kỳ đó học sinh phải vừa học vừa dạy vì thiếu giáo viên. Bề ngoài mảnh khảnh yếu ớt là thế nhưng cô giáo trẻ với đồng lương ít ỏi của một giáo viên mới ra trường một mình nuôi hai em ăn học trên đất khách quê người. Vất vả về vật chất nhưng Hòa vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, vừa đứng lớp Hòa vừa kiên trì tu nghiệp để có thêm tấm bằng cử nhân của Trường đại học Sư phạm. Cô có thể "phình to" thu nhập hằng tháng của mình bằng cách "bành trướng" dạy thêm, nhưng Hòa bảo: "Mình muốn đầu tư thời gian và công sức cho học trò của mình, không muốn vì chạy theo vật chất mà chi phối đến công việc thiêng liêng này". Để tạo sự đồng đều giữa các học sinh của mình, việc dạy thêm của Hòa chỉ gói gọn ở những buổi kèm miễn phí cho 4 em học sinh chậm tiến trong lớp. Nói về cuộc sống, Hòa cho biết: "Mình có một mái ấm thật hạnh phúc bên chồng con và cả hai đứa em trai nữa, như vậy là đủ lắm rồi!".
Câu chuyện "phản đề": "Nếu biết đủ, tôi sẽ dừng lại!"
Những ngày tháng tư này, để hẹn gặp được chị - một người bận rộn - là điều không dễ. Lịch làm việc đặc kín từ sáng đến tối mịt. Vừa là Giám đốc Công ty VTTM (Vân-Theater-Movie) chuyên về lĩnh vực giải trí, vừa kiêm nghề "bầu sô" sân khấu kịch Phú Nhuận, phụ chồng quản lý nhà hàng Ngã Ba Sông nhưng NSƯT Hồng Vân vẫn chưa thấy "đủ". Chị còn tham gia dàn dựng những vở kịch mới trong vai trò đạo diễn, "dự khán" với vai trò diễn viên và làm MC trong chương trình Lăng kính thông minh trên truyền hình... Xem ra Hồng Vân không biết đủ...
Nói về điều này, chị cho biết: "Tôi là người tham công tiếc việc. Để có được những gì hôm nay tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Chính tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua bao trở ngại mà đôi lúc gần như ngã quỵ. Cùng lúc tôi có thể sắp xếp nhiều việc, trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Khi vẫn cảm thấy mình lo được chu toàn thì tôi sẽ làm, nhưng nếu không đủ sức lực, tôi sẽ dẹp bớt". Tuy nhiên chị vẫn cho rằng mình "không phải người tham vọng. Nếu ngày nào đó, tôi biết rằng như thế là đã đủ cho mình, tôi sẽ dừng lại và rút lui. Bây giờ, còn làm được những gì mình yêu thích, tôi vẫn cứ làm với tất cả khả năng của mình". "Cái đủ" của Hồng Vân xem ra lớn hơn "cái đủ" của những người khác, nhưng chị biết sức mình, hy vọng chị còn gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
[www.tuoitre.com.vn]
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top