Thông thường thì cứ khoảng "10 năm 1 lần" anh mới lại vào đây, ngó nghiêng tí rồi bỏ ra chỗ khác tán nhảm hoặc chơi game. Nhưng lần này nói chuyện với mọi người lại thấy rất hứng thú. Giống như ta đang ngồi trong một quán cafe nhỏ, bài chí đơn giản, cafe ngon và vui với những người bạn xung quanh mình.
Giếng trời và đồng cỏ, giếng thật sâu, đồng cỏ khoáng đạt và tươi mới. Nó rất khác những hình ảnh đầy sách giáo khoa như bầu trời và vực thẳm, niềm vui và nỗi buồn mang đầy tính đối nghịch. Cái giếng và đồng cỏ không có sự đối nghịch. Cái giếng nằm trên đồng cỏ, tồn tại và nương nhờ. Cái giếng sẽ không tồn tại, nếu đồng cỏ không bát ngát và rộng mở vậy, làm người ta thả mình trong nó, lang thang và vật lộn với một chú gấu nhỏ mùa xuân, và rơi xuống giếng. Và hình ảnh ấy chỉ có thể xuất hiện trong lời nói của Naoko, một cô gái có cuộc sống thuần túy tâm - tinh thần, mất dần khả năng ngôn ngữ. Cuộc sống này thật đẹp, và rộng, và tươi mới. Nhưng mỗi ngày, chúng ta đón nhận một điều tươi mới ấy chúng ta càng tiến gần đến cái giếng của tâm linh, của sự tan biến và cô đơn vô bờ bến. Nghe đầy tình phi lý nhỉ? Đúng là phi lý bởi vì chủ nghĩa siêu thực và hiện sinh là như vậy, tìm đến bản ngã từ những điều phi lý (một khía cạnh nào đó, sự phi lý bao giờ cũng tồn tại mạnh mẽ hơn sự hợp lý, sự phi lý gần với hai chữ "con người" hơn cả). Trong tâm lý học, cụ thể là lý thuyết về phân tâm học của Freud thì người ta đi từ ý thức, tìm đến tiền ý thức (tiềm thức) để tìm về căn nguyên (có nên dùng từ bản ngã ko nhỉ?) của một con người. Còn trong văn học hiện sinh thì đi ngược lại, lặn sâu vào chính con người mình, đẩy mình xuống giếng để thấy bản ngã vô thức, và trả lời câu hỏi cho ý thức. Và hiện sinh thì có trước cả phân tâm học. Có thể đọc Milan Kundera để tìm hiểu thêm.
Từ bé tới giờ, anh luôn nghĩ (và thích thế) đọc sách là một trò chơi. Nghĩ như vậy nên cá nhân anh thích những gì đừng nặng nhọc quá, đẹp đẽ và đáng yêu một tí. Nặng nhọc không có nghĩa là khó hiểu, dạng như Kundera, Gunter Grass, Anbe Camus... thì đọc còn muốn nổ tung đầu. Nhưng mà những tác giả ấy họ tìm thấy và thể hiện được những điều mà những người khác không tìm thấy hoặc thể hiện ra được, và những gì họ nói đến rất tự nhiên, không gò ép hay căng thẳng. Còn văn học bây giờ, thôi, tập trung lại, văn học đương đại phổ biến ở VN, bắt đầu dò dẫm đi theo chủ nghĩa hiện sinh, cứ coi như là một chủ nghĩa hiện sinh mới đi vì anh không biết dùng từ nào khác. Nó nhẹ nhàng hơn về tâm thức, đơn giản hóa và dễ chấp nhận, dễ đọc dễ hiểu hơn rất nhiều. Nhưng nó lại giống một quả ngon bị ngắt khỏi cành quá sớm, đem đi ép chín. Câu từ bị gò bó thảm thương, cảm xúc bị ép cho vượt lên trên chính cả cảm xúc, ý nghĩa bị vo viên và ném thẳng vào mặt người đọc một cách nào đấy đau điếng nhất, và sau những cái hoa mắt chưa định hình được gì, người ta nhận ra đấy là một ý nghĩa có kết cấu bền vững được ném thẳng vào tâm trí của mình. Nếu cần liệt kê anh có thể liệt kê tầm gần trục quyển chính xác như vậy. Nếu ai đã từng đọc Cái trống thiếc - Gunter Grass, Trăm năm cô đơn - Marquez, Narzisse & Goldmund - Herman Hess... sẽ nhận thấy đằng sau những ý nghĩa chính, nổi bật nhất của tiểu thuyết thì trong tiểu thuyết vẫn còn hàng tầng những ý nghĩa đang được gợi mở hoặc đang tồn tại. Chúng tìm - để - được - hiểu con người, và tìm gần đến. Không bao giờ tìm thấy hết, cũng như Taru, kể cả mãi mãi sau này cũng chưa thể nào tìm hết được sự ràng buộc của cuộc sống và cái chết, tìm gần đến và cảm thấy nó tồn tại mạnh mẽ, và tìm được một lý do: "Naoko chưa bao giờ yêu tôi" - chính xác là vậy, Naoko yêu cuộc sống và gần gũi Taru bởi anh là sợi chỉ nhỏ cuối cùng buộc vào cuộc sống mà cô có.
Ơ mà anh nói lắm rồi nhỉ, thao thao bất tuyệt. Thôi để lần sau tán phét tiếp, giờ anh đi kiếm tiền cho vào bụng đã. Đói thì văn chương cũng chỉ như một mớ giấy toalet thôi.:-D