Lý thuyết "chê" và thành phẩm âm nhạc

Chê bao giờ cũng dễ hơn khen, vì qua hành động chê, người chê có thể nói thả cửa những gì mình thích bằng chính suy nghĩ chủ quan của mình mà không nhất thiết phải hiểu rõ về đối tượng chê. Trong sinh hoạt ca nhạc, những lời chê rộ lên quanh một sản phẩm, một hiện tượng âm nhạc bao giờ cũng thu hút sự tò mò của đám đông hơn là những lời khen. Có lẽ điều này đã khiến những người thích chê bai cảm thấy... tự tin và vì thế hăng hái hơn trong công cuộc đả phá nhiệt tình của mình...

Chê và những thói quen hoá thạch

Ai cũng biết khen hay chê, nếu xuất phát từ một thái độ khách quan, đều có tác dụng tốt đến sự hoàn thiện của một sản phẩm âm nhạc hay sự thành công của một ca sĩ, nhạc sĩ... Nhưng chê lấy được, chê để che đi cái sự không biết, sự lười biếng, sự chậm tiến bảo thủ... thì hẳn là chỉ có "tác dụng" kéo lùi lại sự phát triển của nền âm nhạc chung mà thôi. Không khó gì để nhận ra những lối chê ấy khi nhìn lại thị trường âm nhạc hiện nay. Chúng ta sẽ thử cùng "bắt bệnh" những lối chê bạt mạng hiện nay trên cơ sở đối chiếu với những thành phẩm âm nhạc là đối tượng của những châm chích ấy.

Chê một cách "văn minh", tức là chê đúng, chê để người bị chê phải tâm phục khẩu phục, không phải là chuyện dễ. Chê như thế đòi hỏi người chê một tầm hiểu biết phải bằng hoặc hơn người đã làm ra sản phẩm bị chê kia. Nhưng "tiêu chuẩn" ấy có lẽ quá tầm của đa số những người thích chê hiện nay. Vì không với được tới những điều kiện ấy, phe thích chê liền bám ngay vào một cái phao tạm được gọi là "truyền thống" mà thực ra chính là những thói quen đã hoá thạch. Bám vào đó - những thói quen - cố cựu, người ta có thể sẵn giọng mà chê bai, thậm chí mạt sát những người đã dám bằng những nỗ lực sáng tạo cá nhân của mình mà phá bỏ những không gian thưởng thức âm nhạc cũ kỹ.

Việc 2 sản phẩm âm nhạc liên quan đến Trịnh Công Sơn trở thành tâm điểm của những khen chê lẫn lộn mấy tháng qua càng cho thấy rõ sức nặng của những tảng đá "thói quen" đè nặng lên những lớp hậu sinh. Theo lý thuyết của "thói quen" thì những người đã làm ra album "Này em có nhớ" và show diễn "Đêm thần thoại" hẳn là những kẻ táo tợn đã dám phá hoại nhạc Trịnh, bởi đã dám đem nhạc Trịnh đặt vào một không gian âm nhạc khác hẳn với những gì mà "thói quen" đã quy định.

Những fans trung thành nhất, đến mức cuồng tín, của Trịnh Công Sơn đã từ lâu tự đề ra một thước đo với những "chuẩn" có thâm niên vài chục năm, trong khi cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, và cả chính Trịnh Công Sơn lúc còn sống cũng đã nghĩ và viết rất khác thời trước. Những fans như thế tự cho rằng ai làm gì khác với cái khung tiêu chuẩn mà họ tự dựng lên tức là đã dám phá hỏng nhạc Trịnh, trong khi thực tế việc ấy chỉ là phá tan hay bước ra khỏi cái khung mà chính Trịnh Công Sơn cũng không hề biết đến hay có ý định tạo ra, nói cách khác, tức là quay lưng lại với những fans chẳng liên quan gì tới bản thân âm nhạc của Trịnh nhạc sĩ mà thôi. Chuyện ấy và chuyện "phá" nhạc Trịnh khác nhau hoàn toàn!

Sự giận dữ của các fans nhạc Trịnh trước những kẻ "ương bướng" kia đôi khi trở nên quá đà. Và đó đây người ta đọc được hay nghe thấy những lời chê giống như mạt sát nhiều hơn. Xuất phát từ lòng tự ái bị tổn thương, rằng mình và những sở thích cá nhân của mình bị coi thường, những fans cốt cán và cực đoan nhất không ngần ngại quy kết và gán cho những sản phẩm âm nhạc trái tai họ những gì tầm thường nhất, thậm chí có những lời chê rất thiếu văn hoá và chỉ cho thấy sự cuồng tín của người chê mà thôi, như trường hợp một bài viết về album "Này em có nhớ" trên một tờ báo lá cải ở hải ngoại và được nhiều người ở phe anti-Thanh Lam truyền tay nhau đọc một cách thích thú (một sở thích kỳ lạ khi đối diện với những ngôn từ rất thiếu văn minh như thế!).

Nhưng dù gì thì những sản phẩm âm nhạc vừa kể vẫn là những thành phẩm đúc kết từ quá trình sáng tạo thực sự chứ không phải từ những cuộc chơi ngẫu hứng. Xét về mặt vật chất, sản xuất nghệ thuật rất tốn kém và không ai lại đem cả đống tiền ra để rảnh rỗi phá chơi cho thiên hạ bực tức. Chỉ có lòng ham sáng tạo tột bậc mới khiến họ "liều" đến thế. Mà phán xét những quy trình sáng tạo không phải là việc dành cho những người kém hiểu biết, bởi như đã nói từ đầu, người muốn chê phải ở cái tầm bằng hoặc hơn người bị chê. Mà những người chê chỉ biết bám vào độc một cái phao "thói quen" thì mong gì ở họ sự sáng tạo tự thân để có thể phán xét người khác?

2. Chê & hậu quả của thói đố kỵ

Chê nhau vì đố kỵ tài năng, đố kỵ trước sức ảnh hưởng thị trường... là những điều không khó nhận thấy trong sinh hoạt ca nhạc hiện tại. Tuy nhiên, những lời chê sau lưng kiểu ghen ghét nói xấu thì không có gì đáng bàn, chỉ là một trong vô vàn những tật xấu cố hữu của bất cứ ai mà thôi. Ở đây, xin nói đến những lời chê đầy tính nghề nghiệp mà lại thường không xuất phát từ những tiêu chí nghề nghiệp, hoặc chỉ mượn nghề nghiệp như một phương tiện cho cuộc đả phá nhau. ( VỤ BẢO CHẤN VÀ BẢO QUỐC CHĂNG)

Dân làm âm nhạc cổ điển trước giờ vẫn hay có thái độ coi thường dân nhạc nhẹ, vì thế ở Sài Gòn đã có lệ là nếu nhạc sĩ nhạc nhẹ làm show có mời nhạc công cổ điển đến chơi thì hãy chuẩn bị trước tinh thần để cho những vị khách quý kia muốn làm gì thì làm, kể cả đánh có phô khiếp lên thì cũng phải chịu, nói đừng hòng ai nghe không chừng còn bị mắng lại là không biết gì. Lệ là thế, vì thế hầu hết những chương trình ghi âm hay biểu diễn nhạc nhẹ lớn nhỏ ở Sài Gòn rất hiếm khi có sự tham gia của dàn nhạc dây cổ điển, nếu có thì chủ yếu là làm cảnh, cho đẹp sân khấu, còn hiệu quả âm nhạc thì rất thấp. (CÓ QUÁ LỜI KHÔNG THẾ :()

Ở không gian lớn hơn, trên thế giới, chuyện chê bai nhau giữa giới làm nhạc cổ điển không hiếm, nhất là khi giới nhạc pop có vài tài năng xuất chúng tìm cách lấn sân sang lãnh địa nhạc cổ điển. Khi lấn sân như thế, họ thường mang theo những cung cách sản xuất âm nhạc hiện đại và thành quả cuối cùng là tác phẩm được công bố, đứng tên ai thì cũng vậy, vai trò cá nhân không trở nên tuyệt đối (hoặc gần như tuyệt đối) như với âm nhạc cổ điển và đó là một trong những cơ sở để giới âm nhạc cổ điển "chính thống" vin vào để đả phá. Hồi Paul McCartney công bố 2 tác phẩm âm nhạc classical của mình, Liverpool Oratorio và thơ giao hưởng Standing Stone, ông đã phải gánh chịu biết bao mỉa mai từ giới làm nhạc cổ điển. Điều lạ là họ không nhắm vào bản thân tác phẩm, mà chỉ thích châm chích cái cách sáng tác của những ê-kíp làm nhạc pop đã làm ra những sản phẩm ấy. Những tác phẩm kia thực sự không hề tồi một chút nào, Standing Stone còn kết hợp rất xuất sắc nhạc cổ điển đương đại với cổ điển "truyền thống". (Oe oe dẫn chứng cái nói thế này đụng chạm hết anh em rồi)

Theo quan niệm của giới làm âm nhạc đại chúng, thành phẩm âm nhạc mới là quan trọng chứ không phải là những tuyên ngôn dựa vào cái gốc "truyền thống" mà chẳng làm ra được cái gì thành phẩm. Và thành công thương mại cũng như nghệ thuật của những tác phẩm âm nhạc cổ điển do dân nhạc pop sáng tác, như Standing Stone hẳn không phải chỉ dựa vào sự nhẹ dạ của quần chúng vào cái tên của nhạc sĩ, trong trường hợp này là Paul McCartney. Nếu giới làm âm nhạc cổ điển coi dân nhạc nhẹ chỉ là "đàn em" thì những chỉ trích lia lịa vào cách thức làm ra các tác phẩm trường phái cổ điển bằng phương pháp "pop" (chẳng hạn dùng computer) cho thấy các đàn anh dường như không "quảng đại" với đàn em tí nào khi cho rằng chỉ có mình mới được đặc quyền sáng tác nhạc cổ điển theo cách mà các tiền nhân đã làm. Thậm chí còn ganh ghét khi thấy đám nhạc nhẹ này làm ăn ra trò quá!
 
Những công chúng am hiểu âm nhạc ở phương Tây hẳn không dễ bị mắc lừa khi thưởng thức những tác phẩm cổ điển kiểu như vừa nói. Và giới làm nhạc cổ điển chính thống cũng không thể vì tự ái cá nhân mà cho rằng ai thích thú những tác phẩm như thế hẳn là những kẻ tầm thường rồi từ đó thở vắn than dài về tình trạng không bình thường của công chúng âm nhạc. Điều công chúng quan tâm ở đây là thành phẩm âm nhạc, là tác phẩm hoàn thiện, chứ không phải nó được làm ra nhờ máy tính hay ký âm bằng bút chì. Việc ai đứng tên là tác giả cuối cùng đôi khi chỉ có tính "thủ tục" mà thôi, nhất là khi những nền âm nhạc phát triển đã được vận hành như một ngành công nghiệp, khi mà teamworking đã trở nên rất phổ biến và cần thiết.

Một trong những hậu quả của thói đố kỵ đẳng cấp nghề nghiệp dù ở tầm rộng là thế giới hay không gian nhỏ hẹp như ca nhạc Sài Gòn chính là sự nghèo nàn dần đi của đời sống âm nhạc. Khi những người chê đã tỏ thái độ kiểu không thèm làm xem mấy "đứa" kia làm được gì. Nhạc sĩ lớp trước chê âm nhạc hiện tại nhí nhố nên không thèm viết nữa. Mấy năm trước, một nhạc sĩ trẻ hẳn hoi - Ngọc Châu - cũng phát biểu đại loại như vậy, rằng thấy đời sống âm nhạc toàn thứ ẩm ương nên không thèm viết. Những bậc "ẩn dật" ấy tự cho mình ở đẳng cấp cao không thèm dây dưa với những gì bị coi là "thị trường" hiện tại, nhưng khi cần, họ vẫn sẵn sàng giành giật quyền lợi với đám trẻ (mà chuyện bản quyền là một thí dụ điển hình, trong khi lại rất ít hiểu biết về địa hạt này).

Đố kỵ, ganh ghét... có thể là những từ ngữ hơi "nhạy cảm" và dễ làm nhiều người tự ái khi bị gán cho những đức tính ấy. Nhưng nhìn cho kỹ thì thấy trong những sự chê bai dựa vào sự phân biệt đẳng cấp âm nhạc thường có sẵn trong đó những ganh tị đôi khi rất nhỏ, có khi là về tài năng, khi về tiền bạc... Nếu những người thích "đứng trên" không biết cách dẹp bỏ những ganh tị cỏn con ấy để chúng lớn thành những đố kỵ lớn thì hẳn là sinh hoạt âm nhạc sẽ chẳng vui vẻ gì.

Trí Dũng

Work cited

http://www.giaidieuxanh.com.vn/bantronamnhac/2005/11/506815/
http://www.giaidieuxanh.com.vn/bantronamnhac/2005/11/507666/
 
Bài viết này theo ý kiến của mình vô cùng lá cải. Lá cải ở đâu? Ở chỗ qui đồng tất cả các lời phê bình về một cái nhìn phiến diện để bảo vệ cho đối tượng được ưu ái trong bài viết. Lá cải ở chỗ qui đồng tất cả các trường hợp thành công thực sự và không thành công vào 1 đối tượng. Bài viết này chắc chắn gây nhiều tranh cãi.

Xin lắng nghe ý kiến mọi người về vấn đề này
 

chocomog_257

Moderator
Đã có 1 bài trên SVVN2! số cũ từ năm kia nói về các "bệnh" của nhà báo âm nhạc rồi... nhưng bài này ko giống thế vì bài cũ kia là của NS Quốc Bảo viết, ko vơ đũa cả nắm như thế này :)
vẫn còn nhiều bài viết phê bình nhạc chất lượng và khách quan hơn những gì nói trên này nhiều :) tất nhiên số lượng các bài báo như vậy ở VN ko nhiều...
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top