DJ ở Việt Nam

Pham Vu Ngoc Ha

Active Member
DJ - những 'phù thuỷ' của sàn nhảy


Quần cạp trễ hở... đồ lót, áo phông in những hình thù kỳ quái, xăm trổ đầy mình, những DJ này là người tạo nên sự sôi động của các sàn nhảy, quán bar. Còn dân chơi - bị lôi cuốn bởi thứ âm nhạc do các DJ mang lại - vẫn thường gọi họ là các 'phù thuỷ âm nhạc'.

Nhiều DJ tự nhận mình là kẻ điên trong giới âm nhạc, và một trong những "tên điên" đó là Tùng - DJ trẻ của Hale Club. Mới chỉ hơn 20 tuổi nhưng tay mix nhạc này đã lưu lạc khắp Bắc - Trung - Nam để hành nghề. Là dân gốc Bắc nhưng theo gia đình vào Nam sinh sống, Tùng học được nghề DJ từ một Việt kiều Mỹ. Ban đầu cũng chỉ là ham lạ, nhưng chơi lâu thành mê. Hơn nữa thu nhập của nghề này cũng không phải là kém. Theo ghi nhận của VnExpress thì lương trung bình của các DJ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Cá biệt có những người đã nổi tiếng trong nghề, có bằng cấp hoặc học ở nước ngoài, mức lương có thể lên đến 20 triệu.

Không dám nhận mình là giỏi nhưng Tùng tự hào vì mình biết mix nhạc bằng đĩa than. "Chơi đúng kiểu là phải dùng đĩa than. Đĩa CD chỉ tiết kiệm và tiện lợi. Các sàn nhảy, quán bar Việt Nam sợ tốn kém nên ít nơi dám đầu tư đồ độc này cho các DJ", Tùng nói. Đây cũng là yếu tố gây ấn tượng cho ban giám khảo trong các cuộc thi DJ. Trên thế giới, các dàn mixer đĩa than phổ biến hơn đĩa CD.

Giới chuyên mix nhạc cho biết, trung bình một bộ mixer đĩa CD có giá vào khoảng 3.000 USD. Nhưng nếu chơi thực thụ thì một bộ ngon phải mất vài chục nghìn mới đáng mặt dân chơi. Bộ đĩa than đắt hơn một chút nhưng lùng hơi khó vì phải xách từ nước ngoài về. Như bộ mix đĩa than của Tùng cũng phải nhờ người mua hộ mới có được. Tính riêng một chiếc kim cũng đã 150 USD. Giá đĩa thì thay đổi tuỳ theo độ "hot" của bài hát. Chẳng hạn, cần một bài đang đứng Top của Billboard thì giá có thể xấp xỉ 50 USD. Còn những bài cổ điển có khi chỉ vài USD là mua được.

Chơi đĩa than khó nhất là giữ đầu kim và bị hạn chế bởi lượng bài hát ghi trên đĩa. Trung bình một đĩa than chỉ ghi 2 bài. Vì thế DJ "nâng đĩa như nâng trứng", xước một chút là có vấn đề ngay. Biểu diễn trong sàn nhảy không được phép sai sót. Giữ đĩa đã mệt, giữ kim đọc còn khó hơn bởi nó mong manh như đầu kim, tay không dẻo, không khéo là... cạch, bỏ tiền túi ra đi mua cái mới tức khắc. Vậy nên để chắc ăn, trong túi DJ lúc nào cũng găm sẵn vài ba chiếc dự phòng.

Một DJ hay là phải biết quậy, biết lúc nào cần khuấy động không khí, nắm được tâm lý của các dancer. Sơn "Thần", một thành viên cũ của ban nhạc rock Đại Bàng Trắng hiện làm tại Hale Club, cho biết: "Có những lúc chỉ DJ độc diễn, nhưng có những lúc phải biết ngắt nhạc để khách hát theo một điệu nhạc cuốn hút. Hay đơn giản như cần tạo ra những khoảng lặng, nhạc chậm. Đó không chỉ là lúc để người nhảy tạm nghỉ mà để họ sẵn sàng cho một cao trào mới. Tất nhiên sau đó DJ phải mở một đoạn nhạc cực kỳ sôi động". Nói tóm lại, cả DJ lẫn người nhảy phải hoà vào dòng nhạc. "Kẻ lạc loài", cái tên do một số DJ Hà Nội đặt cho Mỹ Quyên, nữ DJ duy nhất trong cuộc thi Tài năng DJ lần 1, cũng nhờ khả năng lôi kéo khán giả mà đoạt giải quán quân.

Nói về nghề, tất cả các DJ đều thừa nhận, dân phía nam xịn hơn. Lý do đơn giản là họ đã được tiếp xúc với "trò chơi" này từ khá sớm. Hơn nữa, rất nhiều Việt kiều về nước truyền nghề cho các đệ tử ở đây. Còn phía bắc, nghề mix nhạc mới chỉ thực sự được biết nhiều trong khoảng 3-4 năm trở lại. Cũng đang có một cuộc tranh cãi về khả năng của giới DJ hai miền. Nam Vespa, DJ của Monaco Club, thừa nhận: "Dân phía nam rất giỏi nhưng là về trình độ thể hiện. Nhưng để nói về chơi thì khó qua mặt dân DJ phía bắc. Đặc điểm nổi bật của dân Hà Nội là đã chơi thì chơi cho hay, cho độc". Cũng chính nhờ yếu tố này mà Go DJ, Chương DJ, Ngọc DJ... của Hà Nội mới nổi lên và được biết tiếng khá nhanh.

Hiện các sàn nhảy đang rất ưa chuộng mix nhạc techno. Chính vì vậy mà hầu hết các DJ đang đi theo hướng mix thể loại nhạc này. Nhưng theo Nam Vespa thì chơi vậy chưa thể hiện đẳng cấp của DJ. Nếu muốn giỏi thực sự phải biết chơi cả hip-hop hoặc một số loại khác. Nói về thể loại, các DJ chia thành nhiều phái khác nhau với các loại nhạc như Trance, House, Underground, Drum&Bass...

Cũng chính vì mỗi người chuyên về một thể loại mà đôi khi các DJ không ưa nhau cho lắm. Nam Vespa nói thẳng: "Cuộc thi DJ tài năng lần thứ 2 sắp tới tôi không muốn tham dự vì chất lượng không cao. Toàn DJ chơi techno và ban giám khảo cũng không ngon. Họ dựa nhiều trên cảm tính chứ không phải được chấm bởi những chuyên gia có trình độ. Tôi thích tham dự Đại hội DJ hơn bởi ở đó anh em được thể hiện tuỳ thích, không bị sức ép giải thưởng". Tùng DJ cũng thừa nhận: "Em tham dự cuộc thi vì muốn mọi người biết đến nghề DJ nhiều hơn là để đoạt được một giải gì đó. Tất nhiên, nếu có giải thì chắc chắn sẽ được tăng lương nhưng e rằng chủ các sàn đứng ra tổ chức thi đã có bố trí cho các gà nhà rồi".

Có lẽ những tranh cãi của DJ vẫn chưa đến hồi kết thúc đơn giản vì đây là một cái nghề còn lạ lẫm. Nhưng quan trọng là họ đang đi tiên phong, đại diện cho một phong cách chơi mới của giới trẻ. Như dự đoán của các DJ thì chỉ trong vòng vài năm nữa, đây sẽ là một nghề phổ biến, được nhiều người biết đến.


Theo VnExpress
 

lexuscva

Member
hôm trước, TV cũng có một phóng sự về DJ Việt Nam...
Em thấy cái nghề đó cũng hay phết,...rất hiện đại...
 

Pham Vu Ngoc Ha

Active Member
Ừ, đúng thế, nhưng mà nghe nhạc của DJ thì nói chung là để nhảy thôi, chứ khi nào muốn yên tĩnh để nghỉ ngơi mà nghe nhạc này thì.........

Mà DJ phải biết mix sao cho nhịp thật hợp, thật "nhuyễn", chứ nếu DJ dở thì nghe đau tai lắm.... Cứ kiểu gì ý...
 

lexuscva

Member
thì nói chung...nếu đã gọi là DJ thực sự thì họ phải có một kiến thức âm nhạc tốt cũng như một sự đam mê đối với nghề
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top