Nói về tệ nạn xã hội, đây cũng là vấn đề không chỉ của Việt Nam, mà của cả những nước phát triển và giàu mạnh, căn nguyên của nó cũng vẫn là ý thức. Hoàn cảnh xô đẩy cũng có nhưng nếu được trang bị đầy đủ kiến thức và bản lĩnh, chúng ta sẽ không mắc phải những thói xấu này. Đầu tiên xin bàn về phần “trang bị đầy đủ kiến thức”. Tivi, đài báo, đường phố, đâu đâu cũng có những lời kêu gọi tránh xa ma tuý, mại dâm,.. Không chỉ có thế, số lượng những đội tình nguyện viên, những đoàn thể xã hội được lập ra với mục đích giáo dục kiến thức và hiểu biết cho người dân thì không mấy ai đếm xuể. Như vậy, công tác tuyên truyền của ta theo như tôi thấy là rất tốt và phải nói là rất sâu rộng. Vậy tại sao hàng năm số lượng thanh thiếu niên mắc nghiện hút vẫn tăng, những con số thống kê về tỷ lệ nạo thai, nhiễm HIV/AIDS, sử dụng chất kích thích vẫn đều đều không giảm? Nguyên nhân nằm ở vế thứ hai: “bản lĩnh”. Một bộ phận không nhỏ thanh niên hôm nay trước hết chưa biết quý trọng bản thân mình, vì thế mà tham gia hút chích ma tuý, heroin, sử dụng thuốc lắc đê tự hành hạ chính mình, tự làm hại sức khoẻ chính mình mà không hề suy nghĩ. Thứ hai, họ không biết quý trọng đồng tiền. Dù họ tự kiếm được hay xin của cha mẹ thì hành động ăn chơi vô độ hay mắc phải các tệ nạn cã hội đều là vô lương tâm, coi thường cố gắng và nỗ lực của mọi người. Lý do họ đưa ra toàn là những nguyên nhân từ phía gia đình và xã hội: bố mẹ bỏ mặc, không được bạn bè quan tâm,... Dẫu những lý lẽ đó có đúng đi chăng nữa, tôi cũng thấy ít ai nhận khuyết điểm về mình, ít ai nghĩ xem mình đã làm gì sai trái mà vội vã đổ hết lỗi lầm cho người khác. “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, thế mà khi bị bắt, họ sẵn sàng đem cha mẹ, người thân, bạn bè ra gánh chịu lấy những lỗi lầm mà họ mắc phải. Chưa dừng lại ở đó. Khi đã ăn chơi, hút hít cạn tiền bạc, vi phạm pháp luật gần như là hệ quả tất yếu. Cướp giật, trộm cắp,... là những biểu hiện dễ thấy nhất của những con người này. Đáng buồn hơn nữa là nhiều thanh niên còn lừa đảo cả chính bố mẹ, anh chị em, họ hàng ruột thịt để có tiền ném vào những thú vui nguy hiểm. Pháp luật lúc này phải nghiêm trị những hành động như thế bì nó gây ra những rạn vỡ trong gia đình và xã hội. Đôi khi tôi băn khoăn không hiểu vì sao họ lại không tìm đến rất nhiều những con người mà tôi đã đề cập ở trên để tìm sự cảm thông, giúp đỡ mà cứ dấn thân ngày càng sâu hơn vào tội lỗi, vào sai lầm. Tôi cũng từng nghe ai đó nói: “Đã dính vào rồi thì không thoát ra được nữa” , tuy không rõ thực hư ra sao nhưng tôi tin : Một khi ai đó có quyết tâm và ý chí, mọi khó khăn đều có cách giả quyết thoả đáng. Xã hội không quay lưng với những người biết tìm về ánh sáng và tôi cũng muốn tin tưởng rằng: ai cũng mong có cuộc sống lương thiện, có việc làm ổn định, có bạn bè, người thân xung quanh. Vi phạm pháp luật, chẳng những họ đánh mất niềm tin nơi gia đình, xã hội, mà có khi còn không thể tìm lại được nhứng thứ quý giá ấy. Suy cho cùng, ý thức cá nhân là nguyên nhân và động cơ giúp người ta phấn đấu tốt lên hay chìm sâu thêm vào lầm lạc.
Cuối cùng là vấn đề an toàn giao thông và văn minh đô thị. An toàn giao thông thì khỏi nói ai cũng nhận thức được tầm quan trọng cũng như những bất cập hiện nay của nó, trong đó thanh niên chúng ta cũng giữ một vai trò quan trọng. Những tin tức về tình hình giao thông hiện nay đã chiếm một thời lượng tương đối lớn trong các bản tin thới sự trên tivi, thông tin tổng hợp trên các báo, và ngay trong câu chuyện nói với nhau giữa những người quen,... Xin nói ngay thanh niên là lực lượng nòng cốt để thay đổi bộ mặt của giao thông nước nhà trong tương lai. Vì giới trẻ hôm nay đã có cái nhìn khác nhiều so với ông bà ta ngày trước. Đường phố hiện giờ đã rộng rãi, khang trang hơn. Các thiết bị đèn báo, biển giao thông đã được cắm tương đối hoàn thiện thì cũng là lúc ý thức của chúng ta phải bắt kịp với những thay đổi đó. Đa phần những vụ lạng lách, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi, phóng nhanh vượt ẩu là những “tác phẩm” của thanh niên. Tại sao thế? Bây giờ làm gì có chiến tranh mà vội vã như ông bà, cha mẹ ngày xưa? Lý do là họ phải thể hiện mình, phải khoe khoang cái “chơi trội” của mình với bàn dân thiên hạ. Nhưng cách làm này quả là xấu xí. Không tuân thủ luật giao thông để rồi nhận lấy những hậu quả khôn lường, làm ảm đạm thêm bức tranh giao thông của đất nước.
Văn minh đô thị là khía cạnh khiến giới trẻ Việt Nam mất điểm lớn trong con mắt bạn bè quốc tế. Số lượng khách du lịch tới Việt Nam chọn xe buýt làm phương tiện đi lại không nhiều. Nhưng tôi đã từng được chứng kiến không ít những người nước ngoài lắc đầu khi các bạn trẻ của ta chen lấn nhau lên xe buýt bất kể xe đông hay vắng. Tuy nhiên, điều đó còn đỡ hơn việc hằng ngày và khắp mọi nơi, từ trong ngõ ra đến đường cái, đâu đâu cũng có rác rưởi, có vỏ kẹo, có bã kẹo cao su. Còn có chuyện buồn cườii đến phi lý mà có thực. Cậu con trai học cấp I ăn kẹo xong gói vào giấy, nhét vào cặp để mang về nhà vứt. Nhưng ông bố lại mắng con ngốc, bắt lôi ra vứt xuống đường. Ý thức kém đã ăn vào bản chất nhiều người dân. Nếu ý thức của thanh niên ngày nay mà còn kém thì xã hội ta quả thật đáng thương. Ý thức kém biến chúng ta thành những công dân hạng hai, lấy đâu ra tư cách để hội nhập, để sánh vai cùng các nước hùng mạnh khắp năm châu khi một đứa trẻ của họ cũng biết phải giữ cho đường phố sạch sẽ, không bóng rác bằng hành động thiết thực chứ không chỉ ở trong lớp, trong vở.
Để kết luận, tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức thanh niên trong đấu tranh chống tiêu cực học đường, trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh thành tích của giáo dục, trong bài trừ tệ nạn xã hội và chấp hành an toàn giao thông, giữ gìn văn minh đô thị. chỉ có cuộc cách mạng về ý thức của mỗi người mới làm nên bộ mặt mới cho xã hội Việt Nam hiện đại, để thanh niên xứng đáng đảm nhận vận mệnh của Đấn nước, để xứng đáng với tuổi trẻ của chúng ta.