Kỳ tích bất ngờ... Kỷ lục mới... Những từ ngữ đó ngày càng trở nên quen thuộc với giới truyền thông và người hâm mộ theo dõi SEA Games 22. Từ những cuộc đua tài sôi nổi và quyết liệt, chúng tôi đã gặp gỡ họ, những người đã làm nên một phần thắng lợi của Đại hội thể thao lớn nhất khu vực lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Tuyệt vời các cô gái điền kinh VN!
"Vào lúc này, em vẫn chưa hình dung hết những giây phút vừa rồi. Bất ngờ quá!". VĐV Nguyễn Thị Tĩnh đã phát biểu như vậy ngay sau khi hoàn thành phần thi ở nội dung chạy 400m với thành tích 51 giây 83, phá sâu kỷ lục SEA Games cũ là 52 giây 42. Điều quý giá hơn, đây là lần đầu tiên điền kinh nước chủ nhà phá kỷ lục SEA Games.
Chiến thắng này có lẽ là món quà quý giá nhất mà "cô gái chân đất" Tĩnh dành tặng cho chính mình trong ngày sinh nhật 8/12. Cách đây 5 năm, Tĩnh đã nổi danh với 5 chiếc HCV ở giải toàn quốc bằng... đôi chân trần. Cô cũng đã lập 3 kỷ lục quốc gia nội dung 400m và cùng các đồng đội lập kỷ lục quốc gia chạy tiếp sức nữ 4x4.000m và từng giành HCĐ châu Á ở cự ly 400m nữ năm 2002. Chiều 10/12 cô một lần nữa lập nên kỳ tích khi về đích ở nội dung 200m nữ với thành tích 23 giây 16, hơn kỷ kục cũ của Đại hội đúng 0,14 giây.
Cũng trong ngày 8/12 chỉ sau chiến tích của Tĩnh chưa đến nửa giờ, cô gái nhỏ bé người Đông Anh, Hà Nội Nguyễn Lan Anh đã lập kỷ lục Đại hội ở nội dung chạy 1.500m với thành tích 4 phút 19 giây 46 (kỷ lục cũ 4 phút 21 giây 50 thuộc về VĐV người Indonesia Supriati Sutono năm 1995), vượt qua thành tích 4 phút 27 giây 74 của nhà vô địch SEA Games 21, đàn chị Phạm Đình Khánh Đoan. Mấy ai biết rằng trước khi cuộc thi diễn ra, cô gái 18 tuổi về đích thứ ba tại giải Tiền SEA Games suýt bị loại khỏi nội dung 1.500m vì mỗi nước chỉ được cử 2 VĐV. Từ khi được gửi sang tập huấn tại Trung Quốc cách đây 4 năm, Lan Anh đã luyện tập rất nỗ lực và chỉ về nước khi nào có giải thi đấu. Cô tâm sự: "Đây là thành tích lớn nhất của em, lại trong lần đầu tham dự một giải thi đấu tầm cỡ như SEA Games nên em vô cùng hạnh phúc. Em xin gửi chiến thắng này cho tất cả những người thân của em".
Thời tiết Hà Nội chiều 8/12 rất lạnh nhưng trên hai gương mặt tân kỷ lục gia SEA Games vẫn bừng lên một sức nóng - sức nóng của hạnh phúc và niềm tin chiến thắng.
Galalad Gretchen: Biết người biết ta...
Cô gái người Philippines không giấu niềm hạnh phúc sau khi đánh bại niềm hy vọng vàng của karatedo VN, đương kim vô địch ASIAD 2002 Bảo Ngọc ở trận bán kết và đăng quang ngôi vô địch ở nội dung kumite (đối kháng) cá nhân nữ hạng trên 60 kg. "Tôi cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Giành chiến thắng trên đất nước của các bạn mang lại cho tôi cảm giác tuyệt vời".
Làm công việc văn phòng trong không lực Philippines, người lính Gretchen có nhiều thời gian theo đuổi niềm đam mê karatedo từ thủa nhỏ của mình. Cô bắt đầu tập luyện từ năm 1995 và lần đầu tiên được triệu tập vào tuyển quốc gia năm 1999. Về chiến thuật để hạ Bảo Ngọc, Gretchen "bật mí": "Tôi đã nghiên cứu rất kỹ lối đánh của chị ấy. Tôi cao hơn và có sải tay dài hơn Ngọc, vì thế tôi đã cố gắng giữ khoảng cách và chờ đợi cơ hội của mình. Trong suốt trận đấu, tôi phải tập trung cao độ và cảnh giác với những đòn tay và chân của Ngọc vì đó là lợi thế của chị ấy. Rất may mắn là tôi đã thành công".
Tấm huy chương dành cho bố
Đối với VĐV điền kinh người Malaysia Loo Kum Zee, tấm HCV ở nội dung nhảy cao với thành tích 2,15m có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đáng nhớ nhất. "Tôi đã hứa với người cha quá cố của mình rằng tôi sẽ giành chiến thắng. Tôi đã luyện tập rất gian khổ để đáp ứng sự mong mỏi của ông ấy". Bố của Kum Zee, ông Loo Cheeu Chai đã qua đời chỉ trước ngày khai mạc SEA Games 22 đúng 1 tuần lễ và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết tâm và phong độ thi đấu của Kum Zee. "Tôi đã không thi đấu thực sự tập trung... Nhưng ơn Chúa, tôi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình".
Đây là chiếc HCV thứ 5 của Loo Kum Zee tại SEA Games và là chiếc HCV điền kinh thứ 2 của đoàn Malaysia tại SEA Games 22. SEA Games lần này cũng có thể là Đại hội cuối cùng của VĐV đang ở độ xế chiều (29 tuổi): "Khi trở về, tôi sẽ bàn với vợ tôi về thời điểm treo giày".
Nữ hoàng đường đua xanh toả sáng
Kình ngư người Singapore Joscelin Yeo (ảnh) hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Nữ hoàng đường đua xanh khi ẵm trọn 4 danh hiệu vô địch tại các nội dung bơi tự do 100m, bơi hỗn hợp cá nhân 200m (2 phút 17 giây 98), bơi tiếp sức tự do 4x100m, bơi bướm 100m (1 phút 1 giây 32). Cô còn cùng đồng đội giành HCB tại nội dung bơi tiếp sức tự do 4x200m với thành tích 2 phút 6 giây 30, chỉ sau các nhà vô địch Thái Lan 0,08 giây.
Chiếc HCV thứ 4 tại SEA Games 22 là danh hiệu quán quân lần thứ 13 trong ba kỳ Đại hội (6 HCV tại SEA Games 1999 và 3 HCV tại SEA Games 2001) và cũng là chiếc HCV thứ 32 trong sự nghiệp của Joscelin Yeo. Cô gái 24 tuổi tâm sự: "Tôi đã có một sự khởi đầu rất tốt. Đó là thành quả mà tôi đã gặt hái sau nhiều năm khổ luyện và phấn đấu. Màn trình diễn của tôi trong những ngày qua đã trả lời những nhà phê bình từng cho rằng tôi đã vượt qua "ngưỡng" của mình. Trên thực tế, tôi chưa đạt đến phong độ đỉnh cao của mình".
Ấn tượng từ những kình ngư nam
Kình ngư người Malaysia Lim Keng Liat đã chứng tỏ đẳng cấp thế giới của mình khi trở thành VĐV đầu tiên giành 4 HCV tại SEA Games 22. Đặc biệt thành tích 55,04 giây ở nội dung 100m bơi bướm của anh đã xô đổ kỷ lục do đồng hương Anthony Ang lập (55,40 giây) tại SEA Games 2001.
Chàng trai vùng Sandakan 23 tuổi cũng là VĐV đầu tiên của Đông Nam Á lọt vào vòng chung kết nội dung 100m bơi ngửa tại Giải Vô địch Bơi Thế giới 2003 tại Barcelona (Tây Ban Nha). Năm 15 tuổi, anh đã đại diện cho Malaysia thi đấu tại SEA Games 19, Chiang Mai (Thái Lan). Chàng sinh viên trường Đại học California (Mỹ) tâm sự: "Đại hội lần này là dịp kiểm tra thành tích của mình để hướng đến đích cao nhất là Thế vận hội Athens 2004. Còn mục tiêu của tôi ở đây là mang về Malaysia càng nhiều HCV càng tốt". Chiều 8/12, Keng Liat cùng với đồng đội đã giành HCB trong nội dung bơi tự do tiếp sức 4x100m, đứng sau bộ tứ của Singapore.
Trong khi đó, siêu sao đường đua xanh người Thái Lan Ratapong Sirisanont đã trở thành VĐV giành cú hat-trick HCV đầu tiên của SEA Games 22, trong đó thành tích ấn tượng 2 phút 3 giây 54 tại nội dung bơi hỗn hợp cá nhân 200m là một kỷ lục mới của Đại hội (kỷ lục cũ cũng do anh lập là 2 phút 4 giây 26 tại SEA Games 1999). Đặc biệt, kỷ lục này chỉ diễn ra sau chiến thắng của anh tại nội dung bơi ếch 100m (thành tích 1 phút 3 giây 13) chỉ 1 tiếng đồng hồ. Trước đó, ngày 6/12, anh cũng đã lập kỷ lục ở nội dung bơi hỗn hợp cá nhân 400m.
Cầu mây nữ VN phá kỷ lục ASIAD
Thành tích 4.915 điểm không chỉ mang lại cho những cô gái VN chiếc HCV nội dung vòng tròn đích mà còn vượt xa kỷ lục ASIAD 2002 (4.515 điểm) do chính đội Thái Lan - đối thủ thua kém ta đến 334 điểm trong cuộc so tài chiều 6/12.
Dưới sự chỉ huy của "nhạc trưởng" Lưu Thị Thanh, 5 nữ tuyển thủ của chúng ta chơi như đang tập và xuất sắc hoàn thành 3 hiệp đấu, đặc biệt số điểm 1.702 ở hiệp 2 là thành tích kỷ lục trong một hiệp đấu và có thể sánh ngang với bất kỳ đội nam mạnh nhất nào.
Giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi xuống sàn đấu Nhà thi đấu Hai Bà Trưng (Hà Nội)... Trong không khí tưng bừng ăn mừng chiến thắng, HLV Hà Tùng Lập gần như hét lên: "Chúng tôi đã báo thù được thất bại tại SEA Games 2001. Tôi gần như nghẹt thờ khi điểm số của đội tiến gần tới số điểm của Thái Lan. Công sức tập luyện của thầy trò chúng tôi được đền đáp bằng 1 kỷ lục mới". Cô gái vàng Lưu Thị Thanh đẫm nước mắt: "Em đã chờ đợi giây phút này từ 8 năm nay... Không có gì hạnh phúc hơn bởi đây là lần đầu tiên mẹ đến xem tôi thi đấu tại SEA Games. Tiếc là bố không còn sống đến hôm nay để chứng kiến chiến công của con gái".
Luôn tập trung luyện tập
Trong "ngày vàng" của chạy vượt rào Thái Lan (9/12) có công lao của Suphan Wongsriphuck, nhà vô địch ở nội dung chạy vượt rào 110m nam. Với thành tích 13,92 giây, anh đã vượt lên trên VĐV người Malaysia Robani Hassan (14,12 giây), VĐV người Indonesia Edy Jakariya (14,29 giây) và phá kỷ lục SEA Games.
Khoác chiếc cờ Thái Lan, VĐV 27 tuổi tâm sự: "Tôi thực sự mong chờ vượt lên thành tích của mình. Bài học từ chiến công của tôi là luôn luôn tập trung luyện tập... Tôi rất sung sướng vì trên thực tế, tôi đã có một sự khởi đầu tồi. Tôi đã bị chấn thương từ kỳ SEA Games 21 tại Malaysia. Đây là lần tham dự SEA Games thứ hai của tôi và tôi muốn tặng chiếc HCV này cho tất cả người dân Thái Lan".