1 góc nhỏ của cuộc sống.

henry998

Member
Gán nhãn
Nguyễn Vĩnh Nguyên

1. Cô cũng làm thuê. Con thấy cô cực khổ không? Con lấy cắp sách thì tiền đâu cô bù lại cho người ta? Nào, nghe mẹ, vòng tay lại xin lỗi cô, hứa lần sau không nghịch ngợm nữa đi con!

Thằng bé mếu máo làm theo lời mẹ. Nó xin lỗi cô nhân viên bán sách mà nước mắt vắn nước mắt dài. Bà mẹ thấy con biết ăn năn hối cải cũng tỏ ra nhẹ nhõm, bằng lòng. Chị vừa dạy con mình một bài học mà nó đã biết ngoan ngoãn nghe theo.

Thằng Tý chiều nay nghe bạn nó (tạm gọi là Tèo!) vào hiệu sách thó sách lận vào trong lưng quần đem ra ngoài bán kiếm tiền đi chơi games. Tụi nó làm được ba phi vụ, đến chuyến thứ tư, chưa kịp lận vào thì cái con mắt camera trên trần nhà đã rõ ràng đưa nó lên màn hình theo dõi. Thế là hết. Hết chối. Cô nhân viên trẻ mặc áo dài màu đỏ tỏ ra giận dữ, đe dọa: nếu không kêu mẹ lên thì sẽ gọi điện cho công an tới làm việc, bắt về đồn, ở tù. Thằng Tý sợ quá, khóc lóc năn nỉ. Trong lúc đó, đồng bọn của nó, thằng Tèo mặt xanh như tàu lá chuối, chạy đi đâu mất tiêu…

Rốt cuộc thì mẹ thằng Tý cũng bỏ cái gánh hàng để tới gặp nhân viên nhà sách, xin lỗi, bắt con nhận lỗi, hứa sẽ chuộc sách trả. Chị không buồn vì mất tiền chuộc hàng (dù số tiền ba cuốn sách cũng gấp 3 - 4 lần khoản lời chị kiếm được trong ngày bằng cái gánh hàng rong bên cầu Thị Nghè) mà chị buồn vì con mình nghe bạn xấu, lần đầu tiên đi làm điều dối trá…

Thằng Tý hứa từ nay không phạm lỗi nữa. Vì hắn biết rằng, nếu phạm lỗi, không ai khác, mà mẹ nó, người yêu thương và lo lắng cho nó nhất trên đời sẽ là người khổ sở đầu tiên và nhiều nhất. Nó khóc thút thít bám tay mẹ đi ra khỏi hiệu sách trước sự cảm động của mọi người.

Người mẹ và nhân viên nhà sách đã không hắt hủi, coi thằng Tý là kẻ cắp, còn mở đường cho nó có cơ hội ăn năn.

2. Chuyện cách đây chưa lâu. Tại một nhà sách, người ta chứng kiến cô nhân viên bắt một cháu nhỏ mang chình ình trước ngực cái bảng: Ðây là kẻ cắp! Nhìn thằng bé tủi nhục khi bị người lớn gán cái nhãn to tướng vào cổ mà xót. Nó có sai. Nó có lấy sách một, hai, hay nhiều lần… ở đấy, nhưng không lẽ vì những lỗi phạm đầu đời (không quá trầm trọng!) ấy mà cả cuộc đời nó bị nỗi ám ảnh, mặc cảm bất lương theo đuổi mãi? Nó khóc. Người ta nhìn vào mắt nó không thấy nước mắt. Chỉ thấy sự u ám tủi hờn. Tôi sợ ánh mắt bị thương tổn ấy. Tôi sợ những tiếng nấc nghẹn vượt ngực ấy. Tôi sợ cái ngày hôm ấy sẽ hằn sâu vào ký ức nó những vết cùi hủi, khủng hoảng trong niềm tin vào điều tốt đẹp, lòng bao dung ở đời.

Ðừng gán nhãn cho trẻ con. Các em hiếu kỳ và đáng thương. Các em vụng về, hồn nhiên và dễ tổn thương lắm. Người lớn ơi, một nhãn tốt có khi làm cho cả đời em sáng lên. Nhưng một sự trừng phạt quá quắt có khi làm cả đời em đen tối như cái nhãn mà em phải mang lấy đầy tủi hổ.

3. Chưa lâu. Cách đây 17 năm, có một thằng bé nghịch ngợm lấy ná cao su bắn con gà trống của hàng xóm. Con gà kêu oác oác, xoay mấy cái rồi... nốc ao. Sợ người lớn đánh đòn, nó đã bỏ nhà vào rừng, đi bụi một ngày trời. Khi trở về, nó thất thểu vì đói khát và lo sợ. Nhưng mẹ nó đã quăng chiếc roi tre lên trời mà ôm lấy nó. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó líu ríu xin lỗi mẹ, xin lỗi nhà hàng xóm mà nó đã làm thiệt hại... một con gà.

Chiều ấy, mẹ nó bắt con trống tơ nấu một nồi cháo gà thiệt ngon để đãi đứa con hoang đàng trở về trong sự hối lỗi. Mẹ nó không quên thủ thỉ dặn dò: lần sau có lỡ sai sót gì thì nói cho mẹ biết, mẹ nghe, mẹ tha lỗi cho nghe con. Con có biết cả nhà đi tìm con, còn mẹ thì khóc hết nước mắt vì con không? Con đi vào rừng cả ngày như thế, nếu có chuyện gì thì mẹ đau buồn lắm! Ðáng lẽ mẹ đánh đòn con nhưng hôm nay mẹ không đánh, vì con lớn rồi, bảy tuổi rồi, con biết nghĩ, con sẽ thương ba mẹ mà không làm mất lòng ai, không làm việc xấu thiệt hại đến người khác nữa!

Thằng bé không bị đánh đòn mà khóc như mưa...






Bức tranh bị bôi bẩn

Có một anh chàng họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Và rồi một ngày kia chàng bắt tay vào việc. Ðể tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, chàng dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió. Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt nửa năm. Chàng say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của chàng sống mãi với thời gian.

Một buổi sáng nọ, như thường lệ, chàng họa sĩ tiếp tục hoàn chỉnh những nét cọ trước sự trầm trồ của hàng chục du khách tham quan. Tuy nhiên sự có mặt của đám đông không hề ảnh hưởng tới họa sĩ. Chìm đắm trong cơn say mê điên dại, chàng ngây người nhìn ngắm thành quả lao động sáng tạo của mình. Cứ thế, chàng từ từ lùi ra xa để chiêm ngưỡng bức tranh mà không biết rằng mình đang tiến tới mép sân thượng. Trong số hàng chục người khách tham quan đang bị bức tranh hút hồn, chỉ có vài người phát hiện ra mối nguy hiểm đang chờ đón người họa sĩ: chỉ lùi một bước nữa là chàng sẽ rơi tõm xuống khoảng trống mênh mông cao cả trăm mét.Tuy nhiên, không ai có can đảm lên tiếng vì biết rằng một lời cảnh báo có thể sẽ khiến người họa sĩ giật mình ngã xuống vực thẳm.

Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong không gian. Bất chợt một người đàn ông tiến tới giá vẽ. Ông ta chộp lấy một cây cọ nhúng nó vào hộp màu và bôi nguệch ngoạc lên bức tranh. Một sự hoàn mỹ tuyệt vời đã bị phá hủy. Người họa sĩ nổi giận, anh ta gầm lên đùng đùng lao tới bức vẽ, giật cây cọ từ tay người đàn ông nọ. Chưa hả giận, người họa sĩ vung tay định đập cho người đàn ông nọ một trận. Tuy nhiên, hàng chục người xung quanh cũng đã kịp lao tới, giữ lấy người họa sĩ và giải thích cho anh ta hiểu tình thế. Rồi một vị cao niên tóc bạc phơ đến bên chàng họa sĩ và nhẹ nhàng nói: "Trong cuộc đời, chúng ta thường mải mê phác ra những bức tranh về tương lai. Tuy rằng bức tranh đó có thể rất đẹp, rất quyến rũ nhưng chính sự quyến rũ, mê hoặc về những điều sắp tới đó thường khiến chúng ta không để ý tới những mối hiểm họa gần kề, thậm chí là ngay dưới chân mình".

Vậy nên, nếu như có ai đó bôi bẩn, làm hỏng bức tranh về tương lai mà ta dày công tô vẽ, xin bạn chớ nóng vội mà oán giận. Trước tiên hãy xem lại hoàn cảnh thực tại của chính mình. Biết đâu một vực thẳm đang há miệng chờ đón ngay dưới chân bạn.
 

henry998

Member
Chú mèo không có miệng

Cuộc sống của người Nhật rất tất bật. Trong thời đại công nghiệp, máy tính và tên lửa, người lớn đi làm, trẻ em đi học, cứ thế hàng ngày, hàng tuần... Họ ít có thời gian để ý đến nhau. Cuộc sống tẻ nhạt, nhưng có lẽ họ không cảm thấy vậy, vì họ còn quá bận rộn với công việc hàng ngày.

Một cô bé sống trong một gia đình điển hình như vậy. Bố mẹ đi làm thì cô bé đến trường, rất ít khi gặp nhau. Cô muốn nói chuyện nhưng không biết nói với ai. Chẳng ai có thì giờ ngồi nghe cô nói. Bạn bè cũng cuốn quýt với những ca học, một số thì mải mê với trò chơi điện tử hiện đại với hình ảnh ảo ba chiều như thật. Cô bé cảm thấy cô đơn và thu mình vào vỏ ốc. Nhưng cô cũng không được yên, vì cô rất bé nhỏ và nhút nhát nên hay bị những đứa trẻ lớp trên trêu chọc, giật cặp sách, giật tóc, đôi khi cả đánh nữa.

Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi trên ghế đá và khóc. Khóc một lúc, cô ngẩng lên thì thấy một ông già đang ngồi cạnh mình. Ông già thấy cô ngẩng lên thì hỏi:

- Cháu gái, tan học rồi sao không về nhà mà lại khóc?

Cô bé lại òa lên tức tưởi:

- Cháu không muốn về nhà. Ở nhà buồn lắm, không có ai hết. Không ai nghe cháu nói!

- Vậy ông sẽ nghe cháu!

Và cô bé vừa khóc vừa kể cho ông già nghe tất cả những uất ức, những buồn rầu trong lòng bấy lâu nay. Ông già cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời nhận định. Ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo cô đừng buồn và hãy đi về nhà.

Từ đó trở đi, cứ tan học là cô bé vào công viên ngồi kể chuyện cho ông già nghe. Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn lên, vui vẻ lên. Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống.

Cho đến một hôm, cô bé bị một bạn trong lớp đánh. Vốn yếu đuối không làm gì được, cô uất ức và nóng lòng chạy đến công viên để chia sẽ cho vơi bớt nỗi buồn tủi. Cô bé vội vã, chạy qua đèn đỏ...


***


Ngày biết tin cô bé mất, vẫn trong công viên, vẫn trên chiếc ghế đã mà cô bé hay ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt một hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông muốn đưa cho cô bé ngày hôm trước, nhưng không thấy cô bé đến. Hình nộm là một con mèo rất đẹp, trắng trẻo, có đôi tai to, mắt tròn xoe hiền lành, nhưng không có miệng. Ông già muốn nó ở bên cạnh cô bé, mãi lắng nghe cô mà không bao giờ phán xét.

Từ đó trở đi, trên bàn học của mỗi học sinh Nhật thường có một búp bê hình mèo không có miệng - Chú mèo hiện nay đã mang hiệu "Hello Kitty" (bạn đã bao giờ để ý mèo Hello Kitty không hề có miệng?) - chú mèo được làm ra với mục đích lắng nghe tất cả mọi người.

Tôi không biết "sự tích" Hello Kitty này có thật hay không. Tôi cũng không phải nhà quảng cáo cho thương hiệu ấy. Tôi chỉ biết mỗi lần nhìn hình chú mèo Hello Kitty là một lần tôi được nhắc nhở phải biết lắng nghe người khác - thực sự lắng nghe.





Một vài dòng...

Nhiều năm về trước, một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một công ty dầu lửa đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn 2 triệu đôla. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu tập đoàn này. Vào cái ngày đen tối mà tin tức khủng khiếp trên được lan truyền ra, hầu hết các nhân viên và ủy viên khác của công ty đều lo lắng và muốn tránh mặt Rockefeller, không ai muốn bị liên lụy gì.

Chỉ trừ có một người, đó chính là ủy viên đưa ra quyết định sai lầm kia. Ông ta là Edward T. Bedford. Rockefeller ngay hôm ấy hẹn gặp Bedford và Bedford rất đúng giờ. Ông ta đã sẵn sàng nghe một "bài diễn thuyết" nghiệt ngã từ Rockefeller.

Khi Bedford bước vào phòng Rockefeller, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn, bận rộn viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.

- A, anh đấy hả, Bedford?- Rockefeller nói rất bình tĩnh - Tôi nghĩ là anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?

Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.

- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này - Rockefeller nói - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.

Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã "viết vài dòng" là: "Những ưu điểm của Bedford". Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty đưa ra quyết định đúng đắn được 3 lần và giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.

Tôi không bao giờ quên bài học ấy. Trong nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi định nổi cáu với người khác, tôi đều bắt mình phải ngồi xuống, nghĩ và viết ra một bảng liệt kê những ưu điểm của người đó, dài hết sức có thể. Khi tôi viết xong bản đó thì thường tôi cũng thấy bớt cáu rồi.

Không biết là thói quen này đã giúp tôi bao nhiêu lần tránh được những sai phạm tôi có thể có: đó là nổi cáu một cách mù quáng với người khác.

Tôi biết ơn ông chủ tôi vì thói quen này, và bây giờ tôi giới thiệu nó cho tất cả các bạn.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top