PMU18 vụ án lớn nhất năm.

PMU 18 - Giờ đến lượt các bộ trưởng đá nhau. Nực cười.

Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách Quốc Hội Tào Hữu Phùng:

Tôi đau xót nhất là họ xem vốn vay ODA như "của chùa"

Ông Tào Hữu Phùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận như thế và phân tích trách nhiệm từng mắt xích trong hệ thống đó khi trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

* Những tiêu cực ở PMU18 xảy ra trong một thời gian dài như vậy, song các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp nguồn vốn ODA như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính... vẫn không hề phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh. Như vậy trách nhiệm của những cơ quan này đến đâu, thưa ông?

- Đúng là một thời gian dài mà không phát hiện là có vấn đề thật sự! Ở đây có thể thấy có vấn đề trong việc phối hợp giữa Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Trong đó, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là quản lý chung về tài sản của nhà nước, song bộ này không kiểm tra để PMU18 cho mượn ôtô trái luật trong một thời gian dài là một trách nhiệm rất lớn.

Trả lời trên báo, Bộ trưởng Đào Đình Bình (Bộ GTVT) cho rằng việc cho mượn, điều ôtô về bộ này là không sai thì tôi xin khẳng định đây là một việc làm hoàn toàn sai luật. Bởi vì, ở đây là sử dụng tiền ngân sách để mua, khi sử dụng xong anh phải đưa về cho Nhà nước bán đấu giá nộp vào ngân sách.

Những chiếc ôtô này là tài sản của Nhà nước, Bộ GTVT chỉ được phép sử dụng chứ không phải là cơ quan quản lý công sản.Việc quản lý công sản là do Bộ Tài chính nắm, nhưng bộ này lại không kiểm tra giám sát để cho họ lộng hành như vậy đó chính là trách nhiệm của bộ.

Bộ Tài chính cũng buông lỏng việc kiểm tra để cho PMU18 lợi dụng việc nhập xe quá số lượng qua các dự án để trốn thuế.

* Thưa ông, có điều gì bất bình thường?

- Bộ Tài chính không phát hiện được điều gì trong chuyện này! Đó là điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận. Việc phân bổ và sử dụng lãng phí nguồn vốn ODA nhưng Bộ Tài chính không có một cuộc thanh tra tài chính nào. Giả sử nếu không phát hiện được vụ Bùi Tiến Dũng đánh bạc thì không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ.

Trong nghị định 17/2001 NĐ-CP của Chính phủ cũng nói rất rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính rất lớn trong việc quản lý về tài chính của các dự án có sử dụng vốn ODA. Vì vậy, theo tôi, phải lật lại trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT trong chuyện này.

Tôi cho rằng trong kỳ họp QH tới đây, QH phải yêu cầu Chính phủ trả lời chất vấn xung quanh việc buông lỏng quản lý đối với nguồn vốn ODA. Bản thân tôi sẽ chất vấn ra trước QH về trách nhiệm của bộ trưởng Bộ KH-ĐT với vai trò là cơ quan chủ trì trong việc quản lý hiệu quả sử dụng vốn ODA đã tròn trách nhiệm của mình đến đâu, bộ trưởng Bộ Tài chính vai trò là quản lý tài sản, nguồn vốn đã kết hợp với các bộ khác như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy. Còn Bộ GTVT thì căn cứ vào đâu để thành lập mô hình này, trách nhiệm quản lý của bộ này, kể về mặt nhân sự?...

* Trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng việc quản lý vốn ODA hiện nay đang xảy ra tình trạng quản lý cắt khúc. Nghĩa là mỗi bộ quản lý một công đoạn, do đó khi xảy chuyện thì trách nhiệm chính không biết thuộc về cơ quan nào, ông bình luận như thế nào về quan điểm này?

- Nghị định 17 của Chính phủ đã nói rất rõ trách nhiệm chính là Bộ KH-ĐT trong việc phân bổ, theo dõi, đánh giá việc sử dụng vốn ODA phân bổ vào đâu để đạt hiệu quả, nhưng qua thực tế cho thấy bộ này gần như “khoán trắng” cho các bộ GTVT, NN-PTNT - bộ chủ quản thực hiện dự án. Còn Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra theo dõi quản lý về mặt tài chính đối với các dự án ODA. Như vậy trách nhiệm của cơ quan nào trong vấn đề này là quá rõ.

* Với Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ trì việc theo dõi đánh giá, kiểm tra tình hình quản lý, thực hiện hiệu quả của các chương trình dự án ODA, ông nghĩ sao khi hàng loạt dự án sử dụng vốn của PMU18 đều có vấn đề?

- Trước hết đó là sự thiếu trách nhiệm, một khoảng thời gian dài như vậy nhưng không kiểm tra giám sát, hiệu quả sử dụng thế nào. Tôi thật sự đau lòng khi biết rằng cọc tiêu theo thiết kế là trụ sắt nhưng họ lại cho cọc tre vào thì không thể nào chấp nhận được. Có thể nói rõ một hành động vô đạo đức nghề nghiệp. Quốc lộ 18 chỉ mới sờ có một ít mà đã phát hiện gần 50 tỉ đồng phải xuất toán, chưa nói đến việc đánh giá chất lượng cầu Phả Lại.

Đây là công trình ép tiến độ thi công gây nứt như vậy thì chắc chắn chất lượng công trình phải có vấn đề. Trách nhiệm rất lớn, nhưng một ông thứ trưởng lại được quyền tăng dự toán lên vài chục tỉ đồng là điều bất bình thường. Vì vậy ở đây có thể khẳng định Bộ KH-ĐT không thực hiện theo nghị định 17 của Chính phủ mà buông lỏng quản lý hoàn toàn.
 
* QH hằng năm đều có thông qua dự toán ngân sách, song điều đáng nói là QH cũng không thực hiện việc giám sát phần vốn sử dụng của các dự án ODA. Như vậy, QH cũng có trách nhiệm trong vụ việc này, thưa ông?

- Đúng là QH hằng năm đều có thông qua dự toán ngân sách, nhưng với vốn ODA này thì vay về, vài chục năm sau mới trả nợ nên chưa đưa vào quyết toán ngân sách hằng năm của QH. Và cho đến nay QH cũng chưa nhận được bản báo cáo nào về việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Còn nói về trách nhiệm thì đúng là ngoài trách nhiệm của các bộ, Chính phủ, QH cũng có trách nhiệm liên quan là không tổ chức giám sát phần vốn này, đáng lý ra QH phải yêu cầu báo cáo hằng năm. Sự việc để xảy ra như vừa qua, theo tôi, cần phải xem xét trách nhiệm của cả QH và Chính phủ.

Điều tôi cảm thấy đau xót nhất hiện nay là người ta xem vốn vay ODA như "của chùa”, trong khi đó chúng ta nên nhớ rằng đây là vốn vay ưu đãi, trong 5-10 năm nữa chúng ta sẽ phải lấy vốn ngân sách ra để trả và lúc đó nếu chúng ta không quản lý tốt điều này thì con, cháu chúng ta sẽ phải è lưng trả nợ.

Trong vụ PMU18, theo tôi, ngoài các bộ, cả Chính phủ, QH đều buông lỏng quản lý, xem vốn ODA là vốn ngoài ngân sách nên không ai quan tâm, kể cả hằng năm QH cũng không thông qua như duyệt vốn ngân sách.

Trong khi đó, ngay từ khi soạn thảo ra PMU, mô hình này không có căn cứ pháp lý: không phải đơn vị hành chính sự nghiệp, cũng không phải hoạt động theo mô hình DN. Họ được trao quá nhiều quyền lực nhưng lại không qui rõ trách nhiệm, quyền hạn của các PMU đến đâu, trách nhiệm của bộ chủ quản như thế nào. Mặt khác, nhược điểm lớn nhất ở đây chính là khép kín toàn bộ: từ khâu lập dự án, thiết kế, thi công, giám định kiểm định chất lượng, nghiệm thu,...

* Rõ ràng mô hình quản lý kiểu PMU như vừa qua đã xuất hiện quá nhiều nhược điểm, vậy theo ông mô hình nào là phù hợp?

- Muốn chấn chỉnh vấn đề này, theo tôi, cần phải dẹp bỏ hết các ban quản lý dự án kiểu như PMU, và vì đây là vốn nhà nước nên cần phải thành lập một cơ quan quản lý như Tổng công ty quản lý vốn nhà nước và phải được quản lý chặt theo đúng như vốn ngân sách hằng năm được QH phân bổ. Tổng công ty này sẽ thay mặt Chính phủ quản lý toàn bộ phần vốn trên. Đồng thời qui định rõ trách nhiệm quyền hạn của cơ quan này đến đâu và phải có một cơ quan giám sát của Chính phủ.

Có nhiều uẩn khúc

* Thưa ông, dư luận đang đặt vấn đề xảy ra việc một số cá nhân thuộc các cơ quan Chính phủ giao nhiệm vụ bắt tay “đi đêm” giữa các bên?

- Tôi không thể khẳng định điều này, nhưng tôi thấy có nhiều vấn đề uẩn khúc cần phải làm sáng tỏ. Tôi thật sự không hiểu Chính phủ có qui định, song một số cơ quan lại không thực hiện. Vì vậy để chấn chỉnh vấn đề này, theo tôi, không chỉ vốn ODA mà cả vốn ngân sách cũng phải được thực hiện đúng theo Luật đầu tư.

* Dư luận cũng cho rằng để dự án được giải ngân sớm thì các chủ đầu tư thường phải lót tay các cơ quan có chức năng quyết định việc này. Với kinh nghiệm chín năm công tác trong ngành tài chính, ông có nghe đến chuyện này?

- Khi xảy ra PMU18, nhiều đơn vị thi công cũng đã lên tiếng tố cáo đơn vị này “ăn chặn" 15-20% giá trị công trình. Từ đây đã dẫn tới việc các đơn vị thi công bớt xén vật tư, thay đổi kết cấu,...

Tất nhiên, những tố cáo này chính xác đến đâu phải xem lại, song theo tôi là hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu không thì họ lấy đâu ra tiền hàng triệu USD để đi đánh bạc, ăn chơi sa đọa...

Ở đây chúng ta phải qui lại trách nhiệm của người đứng đầu, để xảy ra những sai phạm như vậy thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

XUÂN TOÀN - NHẬT LINH (Tuổi Trẻ)
 
3 đời bộ trưởng đều... “có chuyện” với PMU18

Trách nhiệm để xảy ra tiêu cực tại PMU18 không chỉ thuộc về bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình mà còn liên quan tới hai đời bộ trưởng Bộ GTVT trước là: ông Bùi Danh Lưu và ông Lê Ngọc Hoàn. Đã có căn cứ cho thấy cả hai vị này đều liên quan đến việc điều chuyển xe không đúng qui định.

Tờ trình xin xe của Trường Kỹ thuật và nghiệp vụ GTVT3. Trên tờ trình này có bút phê của nguyên bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn và thứ trưởng Phạm Thế Minh

Chuyện cho mượn ôtô đắt tiền của PMU18 không phải chỉ đến đời tổng giám đốc (TGĐ) Bùi Tiến Dũng mới xảy ra mà từ trước đó. Đáng chú ý, việc cho mượn xe đều được các bộ trưởng “bật đèn xanh” bằng cách tự mình kiếm lấy một xe để đi.

Từ đời ông Nguyễn Việt Tiến làm TGĐ, bộ trưởng Bộ GTVT thời đó là ông Bùi Danh Lưu đã điều chuyển một xe lên bộ; khi chuyển sang làm việc tại Ban Kinh tế trung ương, ông cũng “cõng” theo một xe.

Cụ thể, ngày 14-1-1997, ông Bùi Danh Lưu, khi đó là phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đã có thư tay gửi văn phòng Bộ GTVT và TGĐ PMU18 Nguyễn Việt Tiến đề nghị làm thủ tục chuyển giao một chiếc xe do PMU18 quản lý cho ông sử dụng. Sau đó, PMU18 đã thực hiện việc chuyển giao chiếc xe này không theo qui định quản lý công sản.

Sau ông Bùi Danh Lưu, (nguyên) bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn và thứ trưởng Phạm Thế Minh cũng góp phần phân phát xe công cho các đơn vị khác. Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và nghiệp vụ GTVT 3 Nguyễn Văn Quỳnh có tờ trình ngày 19-3-1999 gửi bộ trưởng xin trang bị một xe du lịch phục vụ công tác.

Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Long khi còn là trưởng phòng kinh tế kế hoạch phụ trách dự án cầu trên quốc lộ 1 (giai đoạn 2) đã thiếu trách nhiệm giám sát dự án gây thất thoát ngân sách nhà nước; trưởng phòng kỹ thuật Lê Hữu Chiến có nhiều sai phạm liên quan đến cầu Hoàng Long và tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ từ khi hoàn thành đến nay vẫn chưa được nghiệm thu do lún; kế toán trưởng Lưu Việt Khoa duyệt chi 426 triệu đồng cho UBND phường Mai Dịch trái phép đã bị yêu cầu xuất toán nhưng cả ba cán bộ này đều “bình yên vô sự”, vẫn chưa bị xử lý.

Tờ trình này đã được thứ trưởng Phạm Thế Minh xem xét, sau đó “bút phê” với nội dung “trình bộ trưởng giải quyết cho trường một xe từ PMU1 hoặc PMU18”. Tiếp theo ông Minh, ông Lê Ngọc Hoàn đã chỉ đạo bằng “bút phê” vào tờ trình yêu cầu “giải quyết cho trường một xe đã sử dụng”. Vậy là Trường Kỹ thuật và nghiệp vụ GTVT 3 được PMU18 cấp cho một xe theo ý muốn. Sai phạm nối tiếp sai phạm, đến đời bộ trưởng Đào Đình Bình, việc cho mượn xe diễn ra bừa bãi hơn nhưng ông Bình vẫn không hay biết.

Cán bộ sai phạm không bị xử lý

Ngay từ khi thành lập, PMU18 đã có một loạt cán bộ là họ hàng con cháu của ông Nguyễn Việt Tiến. Số cán bộ này chủ yếu chỉ có trình độ trung cấp, sau khi về PMU18 được học tập, tu nghiệp thêm để có bằng cấp, bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng. Phó TGĐ PMU18 Nguyễn Ngọc Long (cháu ruột Nguyễn Việt Tiến) là một ví

dụ. Ông Long vốn chỉ là một anh nhân viên trung cấp nhưng vì trong “dây” của ông Nguyễn Việt Tiến nên thăng quan rất nhanh. Hiện ông Long đang bị cơ quan điều tra xem xét về liên quan đến hai vụ đánh lộn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước đó, Nguyễn Ngọc Long từng bị công an tạm giam ba tháng vì hành vi buôn bán đất đai trái phép. Vụ việc đã từng râm ran tại PMU18 nhưng trong hồ sơ Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) và hồ sơ Đảng, Nguyễn Ngọc Long đều không khai báo.

Nhiều năm liền, PMU18 luôn tồn tại “luật im lặng” và cấp trên là người quyền uy tối thượng. Mới đây, khi tiếp xúc với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Sức (bảo vệ PMU18) vẫn còn bất bình về những chuyện bị phó TGĐ Nguyễn Đình Thoàn đánh vào ngày 23-8-1999.

Bộ GTVT đã đình chỉ công tác ông Thoàn để kiểm điểm nhưng rốt cuộc ông Thoàn vẫn giữ chức vụ cho đến nay. Không chỉ có vụ hành hung đó, mỗi khi say rượu ông Thoàn vẫn thường chửi mắng nhân viên, nhất là các nhân viên phục vụ. Những lá đơn của cán bộ công nhân viên PMU18 đã được gửi đi nhiều nơi nhưng sau đó tất cả vẫn im lìm.

Minh Quang (Tuổi Trẻ)
 

Grenouille_vert

Moderator
Là phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế và ngân sách mà ông này nói như ông ý là 1 người dân thường, không có liên quan gì đến việc sử dụng bừa bãi vốn ODA, mở mồm chỉ trích Quốc hội, chính phủ mà quên rằng ông ta cũng là một viên chức, là một đại biểu quốc hội, hơn nữa lại phụ trách mảng này, thật không thể hiểu nổi!
 

Grenouille_vert

Moderator
Tham nhũng ở PMU18: Ngoài sự tưởng tượng của người soạn Luật

(Dân trí) - Luật Phòng chống tham nhũng vừa được ban hành nhưng trước những diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức tham nhũng mà điển hình là vụ PMU18 đã khiến một thành viên Ban soạn thảo, ông Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra thốt lên: Không thể tưởng tượng nổi!

Người được nhờ vả phải có chức vụ rất cao

Dư luận gần đây hết sức quan tâm đến vụ tham nhũng ở PMU18, nhất là khi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận (GTVT) tải bị bắt tạm giam. Là người tham gia Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, ông đánh giá gì?

Tôi thật sự bất ngờ. Những sự việc diễn ra ở PMU18 và Bộ GTVT là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những vụ tham nhũng càng về sau, càng lớn về giá trị tài sản, chức tước người tham gia và đặc biệt là sự móc nối.

Khi soạn thảo Dự luật, chúng tôi lo ngại nhất là sự móc nối trong - ngoài (DN nhà nước - DN tư nhân) làm thất thoát tiền bạc, tài sản. Bây giờ, sự nguy hại về tổn thất kinh tế không đáng sợ bằng việc tiếp tay, che chắn của những người có chức, có quyền. Ví dụ vụ chạy án ở PMU18 thì chạy ai? Đương nhiên, với chức vụ như thế, quyền lực như thế, người ta chỉ chạy lên cao hơn chứ ai chạy xuống dưới, chạy giật lùi.

Nghĩa là...?

Nghĩa là người được “chạy” đến nhờ vả chắc chắn phải là người có chức vụ, quyền hạn rất cao, có thể quyết định quyền lợi chính trị của các “ông lớn” này. Mà sự che chắn này sẽ tác động rất lớn đến công cuộc chống tham nhũng vì ai dám tố cáo khi mà người bị tố cáo không sao còn người tố cáo lại bị đe dọa, hành hung?

Tôi còn nghe nói, những “ông lớn” này còn được dự định giới thiệu vào những chức vụ cao hơn nữa thì thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Ông là thành viên của Ban soạn thảo Luật lại nói “không tưởng tượng” hết bộ mặt của tham nhũng liệu có thuyết phục?

Sự thực là như thế. Đây là vấn đề rất phức tạp. Luật pháp thường lạc hậu vì nó là ý thức xã hội nên thường đi sau thực tế đời sống. Tuy nhiên, trong Luật chống tham nhũng vừa qua, cũng có một số điểm mới như công khai, minh bạch tài sản chẳng hạn.

Không thể tác yêu tác quái nếu không có “bảo kê”

Có ý kiến cho rằng công tác xử lý của ta tương đối tốt nhưng việc phát hiện và đặc biệt ngăn chặn thì chưa hiệu quả. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

Đúng là chúng ta còn nhiều việc để làm. Về cơ chế hiện nay, một số người được giao quá nhiều quyền nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng. Ví dụ như đối với PMU18, nó không phải chủ đầu tư, cũng không phải doanh nghiệp. Đáng lý sau khi hoàn thành sứ mệnh của dự án quốc lộ 18 là giải thể. Thế nhưng nó cứ tồn tại dai dẳng để dựa vào cơ chế “mạnh ai nấy làm”.

Không có cơ chế, chẳng có chuẩn mực, ai “vận động” giỏi thì người đó được làm. Hậu quả là trao vào tay PMU18 khoảng 2 tỉ USD. Và sự móc nối lúc này không còn giới hạn trong – ngoài nữa mà nó tạo thành một vòng tròn khép kín.

Và từ đó, xuất hiện kiểu “công ty gia đình”?

Nó không còn dừng ở mức gia đình mà mở rộng tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Một số người có địa vị lợi dụng đưa con, em, người thân, cánh hẩu của mình vào những vị trí nhiều bổng lộc.

Ngay ở PMU18, dư luận là có một số là con em các vị có chức vụ, quyền hạn nên trở thành “lá bùa” che chắn để họ toàn quyền tác yêu, tác quái. Nếu không có sự “che chắn, bảo kê”, PMU18 sẽ không bứng được những dự án béo bở và các “VIP” ở đây cũng không thể vơ vét và sa đọa như báo chí nêu.

Tôi không mong điều đó xảy ra. Nhưng...!
Có sự cấu kết, móc nối. Có sự thanh trừng lẫn nhau... Theo ông, vụ tiêu cực ở PMU18 có phải là một dạng maphia kinh tế?

Tôi không biết áp dụng vào đây có đúng không nhưng chắc chắn là có hệ thống và có tổ chức. Mà hai điều này là đặc trưng cơ bản của maphia. Vì vậy, nếu gọi đây là maphia có thể chưa chính xác nhưng cũng không sai.

Nếu một ngày nào đó, chúng ta tiếp tục phát hiện những vụ lớn hơn có khiến ông ngạc nhiên?

Quả thật tôi không ngạc nhiên nữa dù vẫn rất xót xa. Mất tiền bạc, mất cán bộ, mất niềm tin thì làm sao không đau xót? Nhưng ngược lại khi đó, chắc cũng thanh thản vì thấy cái xấu, cái ác đã bị trừng trị. Và ở góc độ nào đó, chính việc làm này sẽ mang lại niềm tin của nhân dân.

Tôi không mong điều tệ hại này sẽ xảy ra ở những người có chức vụ cao hơn nhưng giả sử điều đó xảy ra thì cũng được an ủi bởi nó phản ánh quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Đang có một cuộc “cách mạng” chống tham nhũng
Có lần ông nói, tham nhũng đã trở thành “xã hội hoá”. Vậy phải chăng đã đến lúc cần phải có một cuộc “cách mạng” cho vấn đề này?

Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Cách mạng là tiêu diệt cái gì xấu, xây dựng cái gì tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập). Vì vậy, nếu như có một cuộc cách mạng cũng là điều cần thiết và thực tế, tôi thấy chúng ta đang làm cuộc cách mạng này.

Không đặt vấn đề chống hay không
Ngày Quốc hội họp bàn và thông qua Luật phòng chống tham nhũng, được truyền hình trực tiếp, tôi rất ngạc nhiên khi không nhìn thấy một nhà nào mở ti vi theo dõi. Phải chăng, người dân đã quá quen đến mức vô cảm trước tệ nạn này?

Có thể một bộ phận người dân thấy các phiên họp của Quốc hội chưa thật sự hiệu quả, nói là chính. Nhưng tôi nghĩ giống như trong bóng đá, chống tiêu cực là tốt nhưng để khán giả đến sân lại là chuyện khác, cần phải có thời gian.

Dù sao, đây cũng là dấu hiệu tích cực trong việc chống tham nhũng. Việc người dân có quan tâm hay không là do chúng ta làm có hiệu quả hay không. Khi đi lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho bản Dự thảo, có một vị tướng quân đội đã hỏi thẳng chúng tôi rằng không biết Đảng có thực lòng chống tham nhũng hay không?

Và các ông đã trả lời sao?

Đồng chí trưởng đoàn chúng tôi đã trả lời rằng bây giờ không còn là lúc muốn hay không muốn, làm hay không làm mà bắt buộc phải làm, dứt khoát phải làm. Đây là phản ứng của quần chúng nhân dân trước sự lan rộng của tệ nạn này.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)


Thêm một quan chức nữa thao thao bất tuyệt về vụ PMU 18 với tư cách 1 quan sát viên, bản thân vô tội! Nực cười!
 

chouchou

Member
Khổ thân chúng ta và con cháu của chúng ta, phải lăn lưng ra làm việc để trả nợ ODA... Hy vọng vụ này sẽ lôi đc các bác nào "ăn bẩn" ra ánh sáng... Chứ đừng có kiểu sau dăm bữa nửa tháng hồ sơ chui vào góc tủ thì chán lắm :(

Dù sao thì cũng phải nên hy vọng!
 
Trung Quốc: Quan tham tràn lan trong ngành giao thông
13:37' 10/04/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại Trung Quốc, giao thông là một trong ba ngành đứng đầu về tệ tham ô, hối lộ. Bài viết của CTV VietNamNet từ Bắc Kinh phân tích những kẽ hở về cơ chế khiến tham nhũng trở nên phổ biến trong ngành giao thông ở nước này.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Trung Quốc, từ năm 1998 đến năm 2003, Trung Quốc đã đầu tư 1700 tỉ NDT để xây dựng các công trình giao thông - một con số khổng lồ. Nhưng đồng thời đây cũng là một khe cửa thuận lợi để các quan chức TQ tìm mọi cách "tung hoành ngang dọc". Và cũng chính vì vậy giao thông mới có thể ngang hàng sánh vai cùng đất đai, y tế hình thành nên ba ngành đứng đầu về phủ bại ở Trung Quốc.

Từ năm 1997 đến năm 2005, trong vòng 8 năm tổng cộng đã có 17 vị giám đốc Sở giao thông các tỉnh trên toàn TQ bị xử lí vì tội nhận tham ô hối lộ. Đặc biệt ở tỉnh Hà Nam còn xảy ra trường hợp ba vị giám đốc sở giao thông của ba nhiệm kì liên tiếp đều "ngã ngựa" vì tội tham ô.

Từ các nhân vật "có máu mặt nhất"…

Lư Vạn Lí nguyên vốn là giám đốc sở giao thông tỉnh Qu‎ý Châu, bị tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ. Trong danh sách các tham quan ngành giao thông TQ bị truy tố trước pháp luật thì Lư Vạn Lí là nhân vật "nổi trội" nhất. Tổng tài sản mà Lư tham ô lên tới gần 25 triệu Nhân dân tệ (khoảng gần 50 tỷ VND)–đây là mức độ nghiêm trọng nhất từ trước tới nay đối với cấp giám đốc sở giao thông một tỉnh.
Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất của TQ, đường sá giao thông ở đây cũng rất thô sơ, lạc hậu. Chính vì lí do đó mà chính phủ TQ rất quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Qu‎ý Châu được phát triển.

Những người đã từng tiếp xúc với Lư Vạn Lí đều nói "Lư là một con người ngạo mạn, dám làm mọi chuyện".

Một phóng viên đã tả lại cảnh khi phỏng vấn Lư: "vừa ngồi ghếch chân lên thành ghế sô pha vừa trả lời câu hỏi của phóng viên. Đang phỏng vấn thì có người đến gặp để xin ý kiến . Lư quay mặt vào tường, không thèm nhìn người đó và ra lệnh: "cho anh 3 phút"- không khác gì bộ tịch của dân xã hội đen.

Tuy tác phong cá nhân không được nghiêm chỉnh cho lắm nhưng theo điều tra của cơ quan công an thì trước khi lên làm giám đốc sở giao thông Lư không nhận tham ô hối lộ. Năm 1998 là cột mốc đánh dấu sự sa đà của viên quan này vì đó là năm mà chính phủ TQ bắt đầu rót vốn tập trung đầu tư vào Qu‎ý Châu.

Biện pháp mà Lư thường hay áp dụng nhất là sắp xếp các cơ hội thi công cho những đơn vị mà mình "ưng ý". Đổi lại, Lư thường hay gợi ‎ý để các chủ thi công mua nhà, xe hơi cho con gái mình hoặc trực tiếp bỏ ngay vào túi mình. Thậm chí có những công ty không đủ tư cách thi công đường sá, nhưng có được sự chiếu cố của Lư, các công ty này cũng kiếm được công trình thi công. Mỗi "vụ" như vậy, Lư lại đút túi từ 1 đến 2 triệu NDT. Nhiều công ty trong vòng hai năm đã hối lộ cho Lư gần 8 triệu NDT (16 tỉ VNĐ).

Chính vì có tính thích "ngao du" nên Lư rất hay dùng các món tiền bất chính này để mua biệt thự. Qu‎ý Châu, Quảng Châu, Bắc Kinh… là những nơi mà Lư hay tới lui. Để đảm bảo an toàn, Lư luôn kiên trì 4 nguyên tắc khi nhận hối lộ. Một là, đối với đối tượng đưa hối lộ phải có sự lựa chọn. Thứ nhất là những người không hay bị tổ chức hoặc các cơ quan pháp luật để ý tới; thứ hai là bạn chí cốt, không thể xảy ra chuyện bán đứng nhau; thứ ba là trợ thủ cấp dưới tâm đắc nhất, thậm chí còn coi nhau như anh em.

Hai là: Giữ uy tín, được người khác cho "ăn" thì sẽ có sự cảm ơn thích đáng. Một khi đã hứa với ai điều gì sẽ tìm mọi cách để làm được, khi đó có nhận hối lộ thì cũng không dễ bị lộ chân tướng. Một khi đã nhận tiền rồi thì chắc chắn Lư sẽ "giúp đến nơi đến chốn".Ba là: Giữ mối quan hệ lâu dài với những kẻ đưa hối lộ. Số tiền lớn mà Lư nhận thường chỉ tập trung vào một số ít những chủ thầu công trình. Bốn là: Khi nhận tiền chỉ có một đối một, không thể có người thứ ba xuất hiện tại hiện trường.

Theo giới thiệu của cơ quan điều tra, Lư thường không nhận tiền ở Qu‎ý Dương (thủ phủ của tỉnh Quý Châu). Sau khi hai người đã thương lượng kĩ càng sẽ hẹn cùng mua vé máy bay đến sân bay. Trên máy bay sẽ vờ như không quen biết, đến đích mới trao tiền. Theo như Lư thì cách này rất an toàn, chỉ cần hai bên không chịu nhận thì sẽ không thể xảy ra chuyện gì.

Tuy nhiên, mặc dù đã tìm mọi cách che giấu tội lỗi nhưng cuối cùng đến 5/2005 Lư đã bị tuyên án tử hình vì tội trạng nghiêm trọng của mình.

Lưu Trung Sơn nguyên là giám đốc sở giao thông tỉnh Tứ Xuyên kiêm chủ tịch hội đồng quản trị công ti xây dựng đường cao tốc tỉnh Tứ Xuyên.

Trong thời gian làm giám đốc sở giao thông tỉnh Tứ Xuyên, Lưu Trung Sơn đã cấu kết với các nhân vật có máu mặt khác làm giả, khai man giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của nhà nước trị giá 10 triệu NDT (khoảng 20 tỉ VNĐ) và đem toàn bộ số tiền này để chơi cổ phiếu. Đến thời điểm bị bắt giữ, số tiền này đã được tăng lên 13 triệu NDT và bị tịch thu toàn bộ. Ngoài ra, Lưu Trung Sơn còn lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ 54.000 NDT của Lưu Trung Sơn đã bị truy tố trước pháp luật và bị tuyên án tử hình
 
…Đến các nhân vật "thường thường bậc trung"

Lương Tiểu Bình vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông được điều động đến làm việc ở Sở giao thông tỉnh Giang Tô vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước – thời điểm mà tỉnh toàn Giang Tô đang rộ lên phong trào xây dựng cầu đường.

Sau khi đến làm việc ở Sở giao thông tỉnh Giang Tô, gần như Lương Tiểu Bình đã tham gia chỉ đạo xây dựng hầu hết các công trình giao thông quan trọng của tỉnh, trong đó có nhiều công trình trọng điểm cấp quốc gia như cầu Trường Giang, tuyến đường cao tốc Thượng Hải – Nam Kinh…và còn đã từng đạt nhiều giải thưởng về xây dựng. Không những thế Lương Tiểu Bình còn rất thành đạt trong lĩnh vực học thuật, nghiên cứu, hàng năm đều có các bài nghiên cứu quan trọng đăng tải trên các tạp chí trong ngành.

Bắt đầu tính từ năm 1984 – năm Lương Tiểu Bình tốt nghiệp đại học, hơn 20 năm Lương Tiểu Bình làm bạn với cầu đường. Nhìn các nhân vật có máu mặt trong ngành thi nhau "ngã ngựa", Lương Tiểu Bình hiểu rằng sớm muộn mình sẽ bị "sờ gáy". Ngày 15 tháng 11 năm 2005, Lương Tiểu Bình bị bắt về tội nhận tham ô hối lộ. Trong đó phần lớn có liên quan tới xây dựng đường sá, đặc biệt là đường cao tốc.

Vì muốn trúng được thầu các công trình xây dựng, bạn bè Lương Tiểu Bình đã dùng mọi cách để hối lộ cho y. Từ năm 1995 đến trước tết năm 2004, tổng cộng Lương Tiểu Bình đã 13 lần nhận hối lộ với số tiền 678.000 NDT và 20.000 đô la Mĩ.

"Lúc đầu thì còn e ngại, rụt rè. Sau khi đã quen rồi thì thật sự cảm thấy chai sạn với việc nhận hối lộ"- Lương Tiểu Bình kể. Chẳng hạn có lần phó tổng giám đốc của một công ty xây dựng nọ nói khách sáo với vợ Lương Tiểu Bình rằng: "chị có hóa đơn gì thì cứ mang đến công ty em, bọn em sẽ thanh toán cho". Vợ Lương Tiểu Bình tưởng thật nên thường hay kiếm vài ba tờ hóa đơn lặt vặt để nhờ thanh toán.

Nghĩ tới sự "ưu ái" của Lương Tiểu Bình, vị phó tổng nọ đã rất ngại từ chối. Sau đó, vì không chịu nổi nên vị phó tổng này đã chuẩn bị sẵn 20.000 USD, hẹn Lương Tiểu Bình tới và nói rằng: "20.000 USD này bọn em biếu anh chị tiêu vặt, anh nhớ bảo chị là lần sau đừng đến công ty em để nhờ thanh toán nữa, làm như thế sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho anh". Không hề lưỡng lự, Lương Tiểu Bình đút ngay 20.000 USD vào túi. Tất cả những "thành tích" này đã khiến Lương Tiểu Bình phải nhận 12 năm tù giam.

Cơ chế sinh tham nhũng

Tại sao các vụ án phủ bại trong lĩnh vực giao thông ở Trung Quốc lại liên tục mọc nên như nấm, khó diệt tận gốc? Lương Tiểu Bình – trợ lí tổng giám đốc sở giao thông tỉnh Giang Tô, từng đảm nhiệm phó giám đốc sở giao thông thành phố Túc Thiên đã tiết lộ ra rất nhiều "điểm then chốt". Theo lời của Lương Tiểu Bình thì tất cả các khâu: từ quy hoạch, thiết kế đến mời thầu, thi công đều có rất nhiều kẽ hở để các "tham quan" thi nhau "gặt hái".

Mặc dù có rất nhiều khâu bị giám sát, hạn chế nhưng phủ bại vẫn mọc lên như nấm. "Vấn đề then chốt là do cơ chế"- Lương Tiểu Bình nói. Hiện nay cơ chế đầu tư về giao thông mà Trung Quốc đang áp dụng còn quá khép kín trong nội bộ, một công trình giao thông lớn từ quy hoạch, thiết kế, mời thầu, giám sát thi công, dự toán, hạch toán tài chính đến nghiệm thu đều chỉ do sở giao thông phụ trách hoặc dẫn đầu.

"Một quyền lực lớn như vậy chỉ tập trung vào một tổ chức nhỏ hoặc tập trung vào tay vài con người, lại không có sự giám sát, đôn đốc có hiệu quả nên rất dễ xảy ra vấn đề. Lương Tiểu Bình còn tiết lộ: các nhân vật "có máu mặt" thường hay "ăn" ở khâu quy hoạch, thiết kế, mời thầu, còn những người "thường thường bậc trung" như Lương Tiểu Bình chỉ có thể "gặt hái" ở giai đoạn xây dựng, thi công

Bài học còn để lại

Đứng trước tình trạng phủ bại hoành hành trong lĩnh vực giao thông, các tỉnh như Qu‎ý Châu, Tứ Xuyên đã tiến hành phân tích và rút ra nhiều bài học xương máu trong việc quản lí cán bộ. Sở dĩ Lư Vạn Lý tham nhũng được nhiều như vậy là do quyền lực quá tập trung. Vừa là giám đốc sở giao thông, vừa là Bí thư đảng ủy đồng thời lại kiêm nhiệm cả chức tổng giám đốc tổng công ty xây dựng đường cao tốc Qu‎ý Châu.

Để rút kinh nghiệm, ban lãnh đạo mới của sở giao thông tỉnh Quý Châu đã chỉ đạo không tập trung mọi quyền hạn vào giám đốc sở giao thông nữa, sở giao thông và công ty xây dựng đường cao tốc tách riêng, sở giao thông chỉ tiến hành quản lí đối với công ty chứ không còn có quyền cụ thể vào việc chỉ đạo công trình như trước kia. Ngoài ra, Sở giao thông sẽ không còn có quyền giám sát, điều động vốn như trước kia mà phải qua các bước thẩm định chặt chẽ của Ủy ban phát triển và cải cách của tỉnh. Bốn khâu quy hoạch, thiết kế, mời thầu, thi công giờ đây phải được công khai hóa chứ không mờ ám như trước kia.

*

Thành Nam-Quỳnh Hương (từ Bắc Kinh)
 
Lưu Trung Sơn trong bài báo trên tham ô khoảng $200 000 và bị tử hình. Kẻ tham ô hàng triệu $ thì phải giết mấy lần. Hay phải chu di cửu tộc? Kể mà bây giờ chu di cửu tộc được thì cũng tốt. Phải giết gà đe khỉ. Vì cái loại này tiêu tiền mồ hôi nước mắt của dân. Thu nhập trung bình của dân ta có khoảng $450 /1 năm (world bank 2005) vậy 1 người làm bao nhiêu lâu mới đủ trả nợ ODA chúng tham nhũng. Cần bao nhiêu người làm trong 1 năm không ăn không uống kiếm được xu nào trả nợ xu ấy để trả nợ nước ngoài. Giết, giết mãi, giết hết, giết đến không còn một mống.

Hy vọng lần này Nhà nước ta sẽ thực hiện nghiêm minh luật pháp.
 

winter09

Moderator
Nhưng em đọc báo thì nói có bị kết án thì ông Dũng tổng cũng chỉ bị 20 năm thôi. Nếu được hưởng mấy tỉ USD mà bị 20 năm tù thì cũng thường. Luật VN chưa chặt chẽ và còn nhiều khe hở lắm.
 
Nhầm rồi, tham ô từ 500 triệu trở lên là xét vào khung tử hình rồi, Bùi Tiến Dũng đợt này chắc chắn bị tử hình, Nguyễn Việt Tiến cũng có khả năng bị ngồi tù, hi sinh đời bố củng cố đời con mà.
 

kiwi_vn

Active Member
các vị cứ nhầm nhọt . Theo cơ quan điều tra thì trước tiên truy tố Bùi tiến Dũng tội " cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý kinh tế " điều 165, BLHS 1999 ( Vừa học xong :D ) .Theo tội danh này thì gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng bị phạt án cao nhất là 20 năm tù . Nhưng cơ quan cảnh sát cũng đang điều tra khởi tố về tội tham ô , nhận hối lộ , đưa hối lộ . Nếu khởi tố tội này thì yên tâm là các vị đó sẽ được hưởng " cột " /
 

kiwi_vn

Active Member
Sự thực là nát quá rồi . Chiều nay được các sếp bồi bổ về thực trạng kinh tế cho lớp chuyên ngành kinh tế của các khóa , hệ .Giả , nhái , kém chất lượng , tham nhũng , lũng đoạn . Rồi vớ sang giáo dục , thầy viết lên bảng rồi hỏi : " các em thấy chữ tôi thế nào ? " " Cực xấu ạ " " Không sai , tôi là thế hệ đầu tiên của cải cách giáo dục , chữ người ta đang viết đẹp , đường nét , các vị giáo dục lại ép viết đường thẳng kiểu H , L . M " ; " cải cách giáo dục ở Việt Nam đang thế nào ? Các học sinh lớp 1 , học kỳ 1 không được viết hoa nên Bác Hồ thì chỉ được viết bác hồ , sang học kỳ 2 học viết hoc mới được viết Bác Hồ " . Bó tay !
Thêm nữa , khi ta làm mạnh tay thì sao ? cách đây 2 năm , thi TN THPT , tỉnh Khánh Hòa làm mạnh tay , kết quả trượt trên 30% -> Thi lại lần 2 cho các thí sinh này , trong khi các địa phương khác lỏng tay thì đỗ trên 90% . Tại sở GD_ĐT Hà Nội , cách đây lâu lâu , thời còn tổ chức thi tuyển từ tiểu học lên THCS , đại biểu quốc hội hỏi " các vị bỏ ra bao nhiêu tiền tổ chức kỳ thi này ? " " Dạ , trên 4 tỷ ạ " " Vậy các vị loại được bao nhiêu cháu không đạt tiêu chuẩn vào học THCS " " Dạ , được 5 cháu ạ " -> Bỏ lượng tiền lớn như vậy chỉ để lọc được 5 đứa ( theo đánh giá là chán học ) . Quản lý tổ chức kiểu gì vậy ?
Chuyển sang vấn đề quốc nạn khác : bệnh thành tích . Nước nào vượt được Việt Nam ta ?Công ty dệt Nam định thời kỳ 1992-1995 là nổi bật : năm 1992 báo cáo lãi 3 tỷ VND , thực tế lỗ 15,5 tỷ ; năm 1993 báo cáo lãi 500 triệu , thực tế lỗ 36,7 tỷ ; năm 1995 báo cáo lãi gần 300 triệu , thực tế lỗ 65 tỷ .Chuyển sang các vị giao thông ,không vị nào dám báo cáo tai nạn giao thông tháng sau hơn tháng trước vì sợ bị quở trách , thậm chí có địa phương tháng nàng chết 11 người nhưng chỉ dám báo cáo 10 người , còn 1 người ... dành cho tháng sau :) .:(. Tại kỳ học Quốc hội gần đây , thậm chí có vị đại biểu quốc hội nói thẳng 1 vị bộ trưởng 1 ngành nọ là " Tôi nghĩ , kể từ khi nhậm chức , điều tốt nhất mà đồng chí có thể làm được cho bộ của mình là đệ đơn xin từ chức "
 
Gia đình ông Đào Đình Bình bị dọa sát hại
02:07' 13/04/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Diễn biến mới liên quan đến vụ án PMU 18: thêm 2 cán bộ công an “dính líu”, sẽ tịch thu xe Bùi Tiến Dũng tặng “chân dài”....

>> Ông Cao Ngọc Oánh rút khỏi danh sách dự ĐH Đảng X

Bùi Tiến Dũng khai thêm tên một cán bộ công an nhận 20.000 USD để “ chạy án”
Soạn: AM 681819 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Bùi Tiễn Dũng bị bắt giữ và đưa ra từ nhà riêng (Ảnh VietNamNet).

Tại trại tạm giam T16, Bùi Tiến Dũng đã khai thêm tên của một cán bộ công an tên N.H.K đã nhận từ đàn em của Dũng 20.000 USD để “ chạy án” ! Được biết ông N.H.K là cán bộ thuộc Cục CSĐT tội phạm về Quản lý kinh tế và Chức vụ. Cục này là nơi mà ông Nguyễn Hiếu Vinh từng giữ chức Phó Cục trưởng trước khi lên công tác ở Văn phòng Chính phủ. Và ông Vinh cũng là một quan chức có mặt trong bữa tiệc “chạy án”.

Song, hiện nay, ông N.H.K vẫn kiên quyết phủ nhận thông tin này.

Cú điện thoại dọa sát hại cả gia đình ông Đào Đình Bình: từ nhà riêng một cán bộ C15 !?

Hiện nay, cơ quan điều tra đã xác định được số điện thoại gọi đến đe dọa sát hại cả nhà ông Đào Đình Bình là số thuê bao 04.8515818, ở Lô 3 khu tập thể xe đạp-xe máy, 191 Tây Sơn - quận Đống Đa, Hà Nội. Chủ nhân của số thuê bao này là ông Nguyễn Quang V., cán bộ phòng 5 của Cục CSĐT tội phạm về Quản lý kinh tế và tội phạm. Ông V. đã phủ nhận mọi sự liên quan của gia đình ông đến các cuộc gọi này (!?), và ông V. nghi vấn về một khả năng câu trộm điện thoại của ai đó vào đường dây nhà ông.

Nội vụ “đe dọa” diễn tiến như sau: Khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình chưa chính thức có đơn xin từ chức, gia đình ông đã nhận được nhiều lời đe dọa sát hại. Cụ thể, sáng ngày 1-4-2006, bà Thuỷ vợ ông Bình nghe tiếng chuông điện thoại reo và nhấc máy nghe, lập tức bà nhận được giọng mạt sát của một người đàn ông bên kia đầu dây, với lời đe doạ là nếu ông Bình không chịu từ chức Bộ trưởng, cả nhà ông sẽ bị giết. Sự việc này đã được gia đình ông Đào Đình Bình báo cáo Đảng uỷ Bộ GTVT để có biện pháp bảo vệ.

“Chân dài” nhận xe của Bùi Tiến Dũng sẽ phải nộp lại xe

Sau một thời gian xác minh, cơ quan điều tra đã xác định: chiếc xe Camry 3.0 BKS 29X-0179 mà Bùi Tiến Dũng Dũng tặng một người đẹp có tên Trang là được mua từ tiền do phạm tội mà có nên sẽ bị tịch thu.

*
Nguyễn Hoàng Ngọc
 

kiwi_vn

Active Member
Hừm . Ông Vang này không ngu đến mức dùng sdt nhà riêng của mình để gọi điện đe dọa đâu , dù sao cũng là 1 cán bộ cảnh sát , không " non tay " đến mức đó , dễ dàng có thể cắt nối đường dây điện thoại nhà ông Vang để thực hiện .-> Không có căn cứ .
Nói thẳng ra , mặc dù liên tục những ngày gần đây cả nước nói chung , mà đặc biệt tại trường mình ai ai cũng dán mắt vào báo & các thông tin cập nhật gửi về , điều đó nói được 1 phần tích cực của báo chí . Nhưng báo chí cũng hơi quá đà khi đăng tin mà không dám chắc về độ chính xác của nó , cứ có tin là đăng để câu khách , đến nỗi 1 sỹ quan cao cấp của Quân đội cũng thở dài ngao ngán :" Ngày trước anh nhà báo đó hay đến chơi & viết bài Lăng xê , sau đó lại viết bài chửi chúng tôi mà không hề có căn cứ , bịa đặt hoàn toàn , thực sự là tôi chán & luôn cảnh giác với báo chí từ đó " . Còn Thượng tướng Lê Thế Tiệm , Tư lệnh cảnh sát thì phát biểu : " Đừng nên đưa ra những thông tin vội vã kẻo làm oan người ta , người bị oan thì khổ lắm . "
 

Grenouille_vert

Moderator
Chắc xem ở nguồn BBC hả? Có lẽ là chính xác đấy, nhưng official news thì không có gì đâu, hãy chờ báo chí trong nước, mấy nguồn nước ngoài khó tin tưởng lắm! Vả lại vụ PMU 18 này như 1 quả bom bi nổ, rất nhiều người bị dính nhưng không phải người nào dính cũng là có tội, phải bình tĩnh trước mọi nguồn tin!
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top