mỗi ngày một truyện

fruit NHO

Active Member
TÍN HIỆU TRONG ĐÊM -HOÀNG NGỌC THƯ

Âm thanh ấy phát ra mỗi khi tôi nằm trên giường, sắp chìm vào giấc ngủ.

Thoạt đầu, tôi không quan tâm lắm đến âm thanh lạ lùng ấy. Vả lại, mùa hạ năm ấy thật oi nồng, lũ ve như phát cuồng, thay nhau gào ra rả suốt đêm. Hơn nữa, theo như tôi biết, những đêm hạ thường thôi thúc bao loài sinh vật, kể cả cỏ cây,làm những việc ngông cuồng khó giải thích nổi.

Trong bầu không gian đầy ắp những sinh hoạt và âm thanh ấy, những tín hiệu đều đều phát ra, có lúc rõ nét, có lúc chìm lẫn vào những âm thanh kỳ lạ khác trong đêm khiến tôi dăm ba lần thao thức. Rồi mùa hạ tàn lụi, không gian trầm lắng hơn, và mùa thu đến, mang theo cái tĩnh lặng của những buổi hoàng hôn lành lạnh. Muông thú chậm rãi rút lui về nơi ẩn náu, chuẩn bị cho mùa đông đến.

Vào một đêm se lạnh, khi tôi thong thả cuộn người vào làn chăn ấm, những tín hiệu ấy chợt phát ra, rõ nét, thôi thúc như thể có điều gì gấp gáp cần được loan báo. Tôi dừng lại, chăm chú lắng nghe và ngạc nhiên trước vẻ cấp bách, khẩn thiết khác hẳn như bao lần trước tôi từng nghe thấy. Sau một lúc trăn trở và đắn đo, tôi không thể làm ngơ được nữa. Khoác lên người chiếc áo choàng mặc đêm, tôi chậm rãi bước ra vườn.

Những mảng trăng xám nhạt loang lổ trải xuống khu vườn. Những lùm cây đứng yên, thỉnh thoảng nép vào nhau khi có làn gió lướt qua và bầu không gian trong đêm tinh khiết như mới vừa được gột rửa. Tôi dừng lại ở mé thềm, những bậc thang chìm trong bóng tối nơi hàng cây ngả bóng khiến khu vườn như chợt khuất xuống đâu đó bên dưới. Những tín hiệu đã dừng lại từ lúc nào tôi không rõ, nhưng khi tôi chợt nhớ ra lý do tôi có mặt nơi này, cái vắng lặng khiến tôi ngỡ ngàng. Sau một thoáng do dự, tôi mạnh dạn bước xuống những bậc thềm ra vườn.

Những tiếng cỏ lao xao dưới chân tôi như đánh thức khu vườn, và chẳng rõ từ đâu, những tín hiệu lại khe khẽ phát ra lần nữa. Tôi dừng lại, nín thở. Những tín hiệu phát ra rõ hơn, nhưng trong cái bát ngát của đêm trăng, tôi không thể định hướng được nơi chúng phát ra. Những tiếng lào xào của gió trong đám lá và những âm thanh bí ẩn khác trong đêm như cùng hợp lực với những tín hiệu chơi trò trốn bắt với tôi, khiến đôi ba lần tôi ngỡ đã định hướng được chúng rồi lại lạc mất lần nữa. Cuối cùng, tôi đành chịu thua, và dừng lại bên khóm hoa, tôi cất tiếng khe khẽ hỏi.

“Ở đâu đấy?”

“Bên này”, những tín hiệu đáp lại từ phía bên trái góc vườn.

Tôi lần về hướng có tiếng trả lời. Đám hoa lá đứng yên, mặt trăng dừng lại dưới chân tôi và tôi nghe thấy cả tiếng hơi thở của mình.

Nấp dưới bóng râm của tàn cây, tôi tìm thấy một tảng đá, và dường như những tín hiệu phát ra từ đấy. Tôi dừng lại, ngạc nhiên tột độ. Dưới ánh trăng mờ mờ, tôi nhận ra tảng đá mang hình một cái đầu người với đôi mắt nhướn cao như thể đang dò hỏi. Không thể kìm mình, tôi buột miệng:

“Nhưng… chỉ là một tảng đá!”

“Không hẳn”, nó đáp lại.

Tôi bước lại gần hơn. Những tín hiệu phát ra đều đặn, thong thả, và khi tôi tựa người vào gốc cây, chuẩn bị bắt đầu cuộc đối thoại kỳ lạ, những tín hiệu hoàn toàn dừng lại.

Chúng tôi yên lặng quan sát nhau. Tảng đá không giấu được vẻ hiếu kỳ trong cách nó không ngừng thay đổi những biểu hiện trên mặt. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nó ở đấy. Tôi không hề nhớ đã thấy nó nơi này, nhưng quả thật, đã lâu lắm rồi tôi chưa ra thăm vườn. Sau một khoảng im lặng do dự, tôi hỏi.

“Sao lại phát tín hiệu?”

“Thích.”

Vẻ phấn chấn của nó và tính hiếu kỳ của nó như lây sang tôi. Tôi muốn tìm hiểu thêm về điều làm nó thích thú nhưng không đoán được lý do, cuối cùng tôi đành dò dẫm.

“Thích tôi?”

“Không”, nó toét miệng, vẻ hớn hở vẫn còn nguyên trên mặt. Trông nó thật buồn cười và tôi thấy vui lây mặc dù vẫn chưa hiểu nó thích gì. Không nghe nó nói gì thêm, tôi lại hỏi:

“Thích gì?”

“Nói.”

“Sao không nói với cỏ cây?”

“Đã.”

Tôi nghĩ, vậy tảng đá muốn nói với tôi điều gì? Sau một thoáng băn khoăn, tôi thấy mình hoàn toàn không hề có khả năng ước đoán ý nghĩ của tảng đá biết nói này, nên tôi quyết định trao đổi thẳng thắn với nó.

“Nói gì?”

Không do dự, nó đáp lại bằng một câu hỏi:

“Có gì vui?”

À, ra thế! Tôi suýt bật cười, nhưng rồi tôi dừng lại. Có gì vui? Gia đình, bè bạn, rong chơi, ăn uống? Thôi thì cứ lượt theo thứ tự ấy.

“Gia đình,” tôi vui vẻ bảo nó.

“Ai chả có!” nó đưa mắt đi nơi khác, vẻ không thích thú.

Ừ nhỉ, nó nói phải. Tôi ngần ngại, không biết có nên kể lể dông dài có gì vui trong gia đình tôi không, nhưng vẻ mặt nó làm tôi từ bỏ ý định ấy. Thôi thì kể tiếp vậy.

“Bạn bè,” tôi hớn hở bảo nó.

Nó im lặng, một mắt nhướn lên như muốn bảo “Chỉ có thế thôi ư?”

Tôi hơi thất vọng, nhưng chần chừ mãi mà nó chẳng nói gì thêm, tôi đành chuyển sang mục tiếp theo.

“Rong chơi, xem cảnh.”

“Đâu chả thế!” nó bảo.

Tôi không đồng ý.

“Thiên nhiên lộng lẫy, kiến trúc tráng lệ, mỗi nơi mỗi vẻ, không lời lẽ tả xiết!”

Nó gạt đi.

“Ảnh!”

Tôi cực lực phản đối:

“Không thể cảm nhận một kỳ quan qua mức thâu tóm hạn hẹp của ảnh được!”

Nó nóng nảy:

“Có gì vui?”

Tôi phát bực, nhưng tôi không hy vọng gì có thể giải thích cho cái đầu đá hiểu được sự choáng ngợp và những cảm xúc cá nhân của mỗi con người trước những kỳ quan tráng lệ. Sau một khoảng yên lặng để xua đi cơn bực dọc, tôi thay đổi đề tài, hy vọng lần này nó sẽ hưởng ứng điều tôi đưa ra.

“Ăn,” tôi thong thả bảo nó.

“Rồi thải cả,” nó dấm dẳn.

Bực thật, tôi không ngờ những thứ tôi cho là thú vui trên đời đều bị nó bài bác thẳng tay như thế. Phải có thứ gì thú vị hơn và khác hơn những thứ mà lũ cây cỏ, chim chóc quanh đây đã tuyên truyền lệch lạc cho nó. Trong lúc tôi còn đang vắt óc suy nghĩ, nó nóng nảy hối thúc.

“Có gì vui? Có gì vui?”

May sao, tôi vừa nghĩ ra.

“Yêu,” tôi đưa mắt cười lém lỉnh với nó.

“Gì thế?” nó tò mò, vẻ thích thú hiện rõ trên mặt.

Chết thật, tôi chẳng biết làm thế nào để giải thích với cái đầu đá. Tôi biết, nếu tôi càng dài dòng văn tự chừng nào, nó càng nóng nảy chừng ấy. Tốt nhất là tôi thôi không trò chuyện với nó nữa và tìm cách rút lui.

Khi nó bắt gặp tôi đưa mắt vào hướng nhà và có vẻ muốn rời gốc cây, nó hối thúc liên hồi.

“Nói, nói, nói…”

Tôi đành từ bỏ ý định rút lui và cố tìm cách giải thích. Cẩn thận, tôi dò dẫm, cố tìm chữ thích hợp để nó có thể hiểu.

“Yêu… như say…”

Tôi còn loay hoay, chưa tìm ra những từ thích hợp để giải thích xong điều muốn nói, nó đã ngắt lời.

“Say là gì?”

Tôi cuống lên. Tôi không thể ví như kẻ uống rượu, càng không thể mô tả như một thứ đam mê. Nghĩ, nghĩ, nghĩ… Tôi tự bảo mình. Những thứ này chắc chắn đầu đá chưa hề nghe qua, phải có thứ gì đó tôi có thể ví mà nó có thể hiểu được. May sao nó không hối thúc tôi nữa mà kiên nhẫn chờ. Cuối cùng, tôi tìm ra một ẩn dụ thô thiển nhưng tôi nghĩ nó có thể hiểu được.

“Say… như đứng lâu dưới nắng…”

Rõ ràng là nó hiểu, nhưng chẳng hiểu sao vẻ khinh bỉ hiện ra trên mặt nó.

“Rồ,” nó bảo.

Tôi bối rối và thất vọng vì sự kém cỏi của mình. Chắc chắn là có cách giải thích khác chính xác và thi vị hơn, nhưng tôi chỉ là một kẻ tầm thường, may mà chẳng có ai nghe được, chứ không thì tôi sẽ được nghe một bài giảng ra phết! Trong lúc tôi còn đang luống cuống cố tìm cách giải thích thêm, tôi nghe nó làu bàu.

“Rồ… nhưng mà cũng được việc trong những ngày đông tháng giá.”
 

fruit NHO

Active Member
Tôi suýt bật cười thành tiếng. Tôi cố nén tiếng cười, rồi quay đi, vờ ho, tôi trút ra hàng chuỗi âm thanh sặc sụa cho đến khi nước mắt tràn ra quanh mi. Tôi không thể nhịn cười trước sự vụng về, thô thiển của mình và cái ngờ nghệch của nó. May sao, chừng như đã thoả mãn với điều vừa mới biết được, nó đưa mắt bảo tôi:

“Đi đi.”

Tôi ngần ngừ. Tôi còn muốn giải thích thêm đôi điều, nhưng nó đã đưa mắt đi nơi khác. Tôi đành rời gốc cây, bước vào nhà.

Khi tôi vừa quay lưng bước đi, tôi nghe nó lẩm bẩm:

“Yêu… như đứng lâu dưới nắng…”

Tôi rảo bước, rồi chạy vào nhà. Quả là một cuộc đối thoại điên khùng. Tôi vùi đầu vào chăn, không có những tín hiệu bên ngoài, nhưng tôi như còn có thể nghe tiếng nó thúc giục.

“Có gì vui? Có gì vui?…”

*

Nhiều tuần sau, vào một đêm tối trời, những tín hiệu trong đêm lại phát ra. Thoạt đầu, tôi quên bẵng nó vì có quá nhiều việc bận rộn. Vả lại, nhiều đêm, vì quá mệt mỏi, có lẽ tôi đã ngủ vùi trước khi thật sự ngả người vào giường. Nhưng đêm ấy tôi lại trằn trọc và những tín hiệu quen thuộc như thôi thúc, van lơn, lúc hối hả, lúc rã rời, khiến tôi không thể làm ngơ được. Cuối cùng, tôi đành khoác chiếc áo dạ lên người rồi lần ra vườn.

Đêm đen thẫm và lạnh. Cái lạnh như thấm vào áo quần, cấu vào da thịt, và tôi có cảm giác hai tai mình như đông cứng lại. Không như lần trước, tôi đã biết lối đi đến tảng đá. Tôi tìm đến dưới gốc cây, nơi chiếc đầu đá đang nằm chờ và phát ra những âm thanh rền rĩ.

“Chết là gì?” nó cất tiếng hỏi khi tôi vừa nhận ra nó trong bóng tối.

Tôi dừng lại. Cái lạnh như tăng lên gấp bội quanh tôi và hai tay tôi giá buốt đang sờ soạng tìm chút hơi ấm bên trong ống tay áo.

Tôi dừng lại, suy nghĩ. Chết là gì ư? Sao nó lại hỏi tôi? Tôi không tìm thấy chút khôi hài nào trong vấn đề này. Hơn nữa, cái lạnh theo cơn gió ném vào mặt tôi hàng trăm mũi kim đau buốt. Tôi cần trả lời nó gấp rồi rời nơi này, đây không phải là lúc đùa bỡn dông dài.

“Chết là hết,” tôi bảo. “Hết ăn, hết thở, hết thấy, hết cảm xúc.”

Tôi dừng lại, cố chống chọi với cái lạnh.

“Cảm xúc là gì?” nó hỏi. Vẻ nghiêm trọng trong giọng nói của nó khiến tôi không thể trả lời quấy quá.

Tôi cẩn thận chọn từng lời để tránh gây thêm rối rắm.

“Cảm xúc là cảm giác khi nắng, khi mưa, khi ngã, khi va…”

Nó ngẫm nghĩ một đỗi, rồi ngập ngừng hỏi:

“Hết… yêu?”

Tôi kinh ngạc:

“Vâng!”

Nó hiểu! Nó hiểu! Tôi không thể ngờ nó có thể hiểu được điều tôi nói. Hoá ra nó cũng có khả năng tư duy, mặc dù hạn hẹp, nhưng có lẽ nhờ sự ham mê tìm hiểu, “thích nói” với muôn loài nên nó không giống như những tảng đá khác. Có lẽ vì thế mà nó dần dần đổi dạng giống cái đầu.

“Rồi sao?” nó nhìn tôi thắc mắc.

Tôi ngẩn ra. Cái gì rồi sao, tôi không hiểu. Những cơn gió lạnh buốt luồn vào khe hở của vạt áo, ống quần, vào sau gáy, xuống cổ chân. Người tôi run lên trong cái lạnh và cảm giác lao đao khó tả. Phải mất vài phút tôi mới định thần được và nhớ lại cái chủ đề mà tôi và nó vừa mới trao đổi với nhau. Hết sức cố gắng, tôi thều thào:

“Chết… rồi tan ra … vào đất…”

Nó hỏi lại:

“Như cây, như thú?”

Tôi gật đầu:

“Như cây, như thú.”

Nhưng chợt nhớ ra, tôi vội vã thêm:

“Yêu còn lại …”

Nó vội vã ngắt lời:

“Làm thế nào?”

Tôi cố hết sức dồn hơi ấm lên cổ:

“Với người còn sống…”

Không thể tiếp tục được nữa, tôi quấn chặt chiếc áo choàng quanh người, vội vã vào nhà. Nó còn nói với theo sau lưng:

“Làm thế nào…”

*

Sau đêm đó, những cơn bão cuối mùa kéo về sầm sập, rồi mùa đông trút xuống khu vườn những cơn giá buốt xương. Nhiều tháng trôi qua, tôi không đặt chân ra vườn. Cho đến một hôm, vào một ngày nghỉ, tôi tình cờ dạo quanh vườn trong lúc cố tận hưởng những tia nắng yếu ớt hiếm hoi cuối đông. Khi đến gần gốc cây lúc trước, tôi ngỡ ngàng nhận ra tảng đá không còn ở đấy. Cạnh gốc cây, chẳng rõ từ đâu một đụn đá vụn rơi vãi như có ai trút xuống làm xéo nát đám cỏ xung quanh.

Tôi thẫn thờ vào nhà. Nhiều năm sau đấy, thỉnh thoảng tôi có cảm giác như còn đang nghe tiếng những tín hiệu trong đêm lẫn vào tiếng ve hay tiếng gió hú sau vườn. Những tín hiệu trong đêm trầm buồn, cô quạnh như tiếng bánh xe lăn trên đường sắt xa dần, mất hút.
 

fruit NHO

Active Member
BẢY



Một tháng nữa sẽ đúng bảy năm tròn từ ngày anh quen vợ anh. Con số bảy, con số anh vẫn xem thường, bây giờ nghiệm ra, lại mang ý nghĩa sâu đậm. Có bảy ngày ở giữa những phiếu lương. Ngày làm việc của anh dài bảy tiếng, không kể giờ ăn trưa. Ban đêm, anh làm thêm việc khác, bảy tiếng nữa. Với tuổi tác của anh, bảy ở vị trí cuối, ba mươi bảy. Và bây giờ, chỉ còn bảy tiếng đồng hồ, vợ anh sẽ tới. Nhưng có lẽ lâu hơn vì hải quan phải khám hành lý của cô theo thủ tục. Cô ắt lẫn vào đám đông chờ anh phía bên kia cửa kính của phi trường JKF. Đó chỉ là giả thuyết nếu chuyến bay đến từ Port-au-Prince không bị trễ như thông lệ hay bị hủy bỏ.

Anh sống dưới tầng hầm một căn nhà cho thuê vùng East Flatbush, Brooklyn, và trọ chung với hai người đàn ông khác. Anh dọn phòng mình sạch sẽ để đón vợ. Chiếc áo sơ mi màu đỏ đã bị anh quăng vào sọt rác vì anh biết cô rất ghét nó. Anh lên lầu một, báo cho bà chủ nhà biết vợ anh sắp đến. Bà là một kế toán viên người Haiti. Bà bảo với anh “Tôi nghĩ việc vợ anh đến không thành vấn đề.” Bà đang hâm nóng thức ăn đông lạnh. “Tôi hy vọng cô ta là người sạch sẽ.”

“Cô ấy sạch lắm.” Anh trả lời.

Trong nhà này, anh mới chỉ được thấy căn bếp. Bà giữ nó rất sạch, không một vết bẩn. Bát đĩa nằm ngăn nắp trong tủ chè. Căn phòng lúc nào cũng thơm ngát mùi nhựa thông.

“Anh đã báo cho mấy anh kia biết chưa?” Bà hỏi.

Bà mở lò nướng và mang ra hai đĩa nhỏ bánh phó mát dâu tây.

Anh nói “Tôi đã bảo họ rồi.”

Anh chờ câu nói bà sẽ tính thêm tiền nhà, vì trong hợp đồng cho thuê ghi chỉ một người (không phải hai), một người đàn ông độc thân.

Bà thêm “Tôi không biết phải sắp xếp thế nào nếu ai cũng có vợ đến ở chung.”

Anh không dám tiết lộ với bà Michel và Dany cũng có vợ. Tuy nhiên anh không rõ vợ họ có tới đây ở không.

“Một người phụ nữ sống giữa ba người đàn ông.” Bà nói. “Có lẽ vợ anh sẽ cảm thấy bất tiện.”

Anh muốn nói với bà, vợ anh không phiền hà điều đó, cho hay không cho ở, do quyết định của bà. Anh đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, khi thấy bà tỏ ra không hài lòng lắm về sự hiện diện sắp đến của vợ anh. Anh sẽ dọn ra riêng và tìm phòng trọ khác.

Bà mở ngăn tủ lấy muỗng, nĩa, bảo “Được rồi, bây giờ là đầu tháng, anh phải trả nguyên tháng nhé.”

“Cám ơn bà nhiều, Madame.” Anh nói.

Lúc bước xuống thang lầu, anh tự trách mình sao gọi bà là Madame, sao hành động như một tên đầy tớ sau lời phán của chủ vậy. Thật ra, anh tỏ ra tôn trọng bà không phải vì bà ở tầng lớp xã hội cao hơn, vì bà nói được tiếng Pháp hay vì anh ở đó năm năm và chỉ phải trả 350 đô mỗi tháng, mà vì vợ, anh đã tỏ ra lịch sự với bà.

Sau khi nói chuyện với bà chủ nhà, anh thấy có điều cần phải nói thêm với hai người bạn trọ chung. Một ngày trước khi vợ tới, anh gặp họ. Anh thấy họ chỉ mặc chiếc quần đùi lỏng lẻo, không đồ lót, và đảo đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ về phía anh.

“Tụi bay hiểu mà, cô ta là phụ nữ.” Anh nói với họ.

Anh không lo cô ta sẽ nổi giận khi thấy họ như vậy (họ chỉ có xương và da). Tuy nhiên sự ăn mặc gần như loã thể của họ sẽ làm cô khó chịu vì anh còn nhớ cô rất nhạy cảm.

Hai người bạn tỏ ra cảm thông. Michel nói “Nếu là vợ tao …” Dany gật đầu nói theo “Tao cũng cảm thấy vậy thôi”. Họ sẽ khoác thêm áo choàng như Michel hứa.

Thực ra, họ không có cái áo choàng nào cả — cả ba đều rõ điều này. Nhưng Michel sẽ mua để tỏ ra tôn trọng vợ anh. Michel, 40 tuổi, người lớn tuổi nhất trong bọn đã khuyên anh nên trang trí lại căn phòng. Anh nên mua hoa lụa, giấy dán tường (không phải tranh khoả thân) và hương liệu làm thơm căn phòng, thứ mùi vanila sẽ dễ chịu hơn mùi nhựa thông của bà chủ nhà.

Dany nhắc lại kỷ niệm những buổi tối họ hay đi chơi với nhau. Những đêm đi khiêu vũ ở Rendez-Vous (bây giờ là hộp đêm Cenegal). Tuy nhiên họ không thường đi nữa từ ngày nơi này trở nên nổi tiếng vì Abner Louima bị bắt ở đấỵ, bị hành hung và cưỡng dâm trong một trạm cảnh sát gần bên. Anh bảo Dany đừng nhắc gì đến chuyện vui chơi này. Vợ anh không biết gì và cứ đinh ninh anh là một người chân chỉ hạt bột chỉ biết làm việc.

Ban ngày anh làm lao công cho trường đại học Medgar Evers College, đêm anh lau chùi quét dọn cho bệnh viện Kings County Hospital. Anh cũng dấu nhẹm chuyện lâu lâu anh đem phụ nữ về phòng những buổi sớm trời còn nhá nhem tối. Những người đàn bà này phần lớn đã có gia đình, bạn trai, fiancé hay người yêu. Họ đối với anh không có nghĩa gì.

Michel, người đã trở thành mục sư ở một nhà thờ nhỏ gần Rendez-Vous và chưa bao giờ từng khiêu vũ ở đó, cười lớn nhạo anh.

“Con gà trống thôi không còn gáy sướng nữa.”

Michel thêm “Nửa cuộc đời còn lại mày dành cho chúa là vừa.”

Dany khôi hài “Tội quá, chúa cũng không biết làm gì với nửa đời còn lại của mày.”

Không còn nữa những trò chơi Domino về khuya. Số điện thoại của những phụ nữ mà anh có từ năm năm qua sẽ đi vào quá khứ (Anh cũng không cần họ gọi anh làm gì).

Bây giờ chỉ còn nỗi lo lắng không nhận diện ra vẻ mặt vợ mình khi anh đứng giữa đám đông những người đợi chuyến bay đến từ Kingston, Santo Domingo và Port-au-Prince.

Nghĩ đến đó anh thấy vui và tự dưng muốn nhẩy cẫng lên chụp lấy bất cứ người đàn bà nào có nét hao hao như bức hình mới nhất cô vừa gởi cho anh.

Họ đang kiểm soát hành lý của cô. Tai sao lại phải khám? Cô chỉ có cái túi vơi gồm vài món quà cho chồng và những món mà người thân cô không chận lại kịp sau khi giải thích cho cô biết bên đó cái gì cũng có, đừng “chở củi về rừng”. Riêng cô, vài bộ đồ lót, áo ngủ, chiếc jumper đỏ và cái áo đầm màu xanh công chúa cô đang mặc trên người. Cô đã nghe theo kinh nghiệm những người đi trước gói cẩn thận tất cả như quà tặng để tránh hải quan mở ra ở phi trường New York. Bây giờ nhìn nhân viên hải quan đang xé toạc từng món quà, những mảnh giấy gói bay tả tơi, cô thấy hỡi ơi cho công trình của mình.
 

fruit NHO

Active Member
“Ki sa l ye?” Viên chức hải quan giơ cao một món quà trước khi mở và quát hỏi cô bằng thứ tiếng Creole ngọng nghịu.

“Cái này là cái gì?” Cô cuống lên không còn biết nó là cái gì nữa. Cô chỉ còn biết đoán theo hình dạng và kích thước thôi. Ông ta mở hết các gói quà. Nào là xoài, mía, cam, mứt vỏ bưởi, đậu phộng, hạt điều, mứt dừa, trái bơ, cà phê. A lê hấp, tất cả đi vào cái thùng rác xanh có vẽ hình rau cỏ, trái cây bị một vách đỏ to tướng vạch ngang.

Dường như chỉ có một món duy nhất có thể thoát cửa hải quan là cái gói nhỏ đựng lông gà mà chồng cô thường dùng để ngoáy tai. Lúc trước, ngay từ khi anh đi, cô đã từng thử ngoáy những cọng lông này vào tai như anh và khám phá ra chúng tạo được khoái cảm gọi là jwisans tức khoái lạc hay một thứ tuyệt đỉnh ái ân. Cô tự nhủ có lẽ những chương trình TV ngoại quốc nói đúng khi có câu “Tình dục hầu như nằm giữa hai tai.”*

Khi nhân viên hải quan cầm đến gói lông gà, ông nhìn chăm bẳm rồi quay qua cô. Ánh mắt ông lướt chậm trên mặt rồi đến tai cô. Dĩ nhiên, ông đã từng thấy những cọng lông gà này. Rồi chúng cũng đi vào thùng rác, chung số phận với những món kia.

Khi ông thi hành xong nhiệm vụ, cô chỉ còn một ít đồ. Hành lý giờ nhẹ tênh làm cô đi nhanh hơn.

Cô theo sau một người đàn ông đang đẩy xe, chiếc xe dềnh dàng dưới sức nặng của ba cái hộp lớn. Thình lình cô thấy mình đứng trước một cửa kiếng tự động. Cô đứng, thì nó đóng, cô nhích tới trước, nó mở và cô đã nhìn thấy anh. Anh ôm chầm và bồng cô lên hổng mặt đất. Lúc anh thả cô xuống, cô mới thực sự tin cô đang ở một nơi khác, mặt đất khác, trong một quốc gia khác.

Anh có thể cảm được cô hạnh phúc như những bức hình cô gởi cho anh mà anh đang treo trên tường ở đầu giường. Trên đường lái xe về nhà anh suýt đụng xe hai lần. Anh cũng không rõ tại sao anh lái xe nhanh như thế. Họ lượt sơ những mẩu chuyện nhỏ, kiểm kê lại tình trạng sức khoẻ gia đình, bạn bè và người thân. Cô không đi sâu vào chi tiết chuyện của bất cứ ai. Người thì chết, người còn sống. Anh cũng không nhớ hết. Cô có vẻ mập hơn lúc anh đi, ở đây người ta thường gọi là có da, có thịt. Điều có thể nhận rõ là cô đã vào tiệm làm tóc vì tóc cô được chải khéo và săn sóc cẩn thận, cộng thêm một búi tóc giả kết phía sau đầu. Cô thơm phức mùi nước hoa chanh. Anh chỉ muốn mau mau đưa cô về nhà, về phòng mình (nếu căn phòng đó được xem như nhà anh). Anh còn muốn thâu ngắn khoảng cách giữa hai người, hôn cô cho đến khi cô không còn không khí để thở và anh cũng vậy, khỏi thở luôn.

Chuyến đi đón vừa rồi gợi anh nhớ hôm chú anh lái đưa hai người đi hưởng đêm trăng mật ở khách sạn Ifé Hotel, anh đã năn nỉ ông lái nhanh hơn vì sáng hôm sau anh phải lên máy bay về New York. Đêm đó anh không biết rằng bảy năm sau anh mới gặp cô lần nữa. Anh dự trù tất cả. Anh biết anh không thể hợp thức hoá tình trạng di trú của hai người ngay được vì anh chỉ được lưu lại với một chiếu khán du khách. Nhưng anh đã làm việc cực nhọc để có tiền, tìm một luật sư lo thẻ xanh cho hai người. Thẻ xanh mất sáu năm chín tháng mới xong. Tuy nhiên, giờ cô đã ở đây, đang ngắm những bức ảnh treo tường mà tưởng như người trong ảnh không phải là cô.

“Em nhớ bức đó không?” Anh hỏi để xác định và chỉ vào một tấm ảnh được lồng khung 8x12. Cô đang nằm trên tấm thảm đỏ trải gần cây giáng sinh bé tí trong phòng chụp ảnh. “Em gởi cho anh Noel năm rồi?” Cô nói nhớ. Trong ảnh, cô nhìn giống như đang tuyệt vọng, cố tìm đủ cách để gợi anh nhớ đến cô.

Anh bảo “Anh không bao giờ quên em, dù một giây.”

Cô kêu khát.

“Em muốn uống gì?” Anh liệt kê các thức uống trái cây anh mua ngoài chợ của người Cuba dưới đường. Có đủ thứ, anh chắc là cô thích, đu đủ, xoài, ổi, thơm và mãng cầu.

“Một chút nước lã thôi.” Cô thêm, “Lạnh nhé anh.”

Anh không muốn bỏ cô một mình khi anh đi ra bếp lấy nước. Nếu anh có thể gọi xuyên tường nhờ lũ bạn lấy dùm anh đã gọi rồi. Tuy nhiên có lẽ chúng ẩn trong phòng khoá kín cửa dành cho tự do cho anh. Khi anh trở lại với ly nước, cô xem có bụi bặm gì không và nốc cạn. Dường như cô chưa uống gì từ sáng tới giờ.

“Em uống nữa không?” Anh hỏi. Cô lắc đầu.

Anh nghĩ thật khó để diễn tả bằng tiếng Creole chữ yêu, renmen, vì thế khi nói yêu cô, anh cố gắng dùng tất cả mọi từ ngữ để diễn tả cường độ mãnh liệt của nó. Tình yêu đó, ngày càng sâu đậm từ ngày xa cô, mênh mông và bát ngát hơn đại dương cô mới bay qua. Để tránh phải lập lại những câu tình yêu lẩm cẩm ướt át, anh nhảy chồm lên người cô và đè cô xuống giường. Cô không còn vẻ nhút nhát, e thẹn đêm tân hôn nữa. Cô kéo mạnh chiếc cà vạt đen của anh đến nỗi cần cổ ắt phải sưng vù lên. Anh hăm hở cởi nút áo đầm, ném qua một bên, trong khi cô nhanh tay cởi chiếc sơ mi trắng được hồ cứng và ủi thẳng nếp kỹ lưỡng của anh.

Anh đã không bịt miệng ngăn tiếng rên của cô như đã dự tính. Anh mặc kệ lũ bạn có nghe tiếng rên hay không. Anh thoáng nghĩ thật tiếc cho họ nếu họ chưa được trải qua những giây phút tuyệt vời như vậy.

Anh mệt rũ người khi cô khoác tấm khăn trải giường quấn quanh người đi vào phòng tắm.

“Anh đưa em đi nhé.” Anh bảo.

“Không không,” cô nói, “em tìm ra mà.”

Anh không thể ngăn được không ngắm cô đang quay người, biến đi. Anh nghe tiếng động dưới bếp, cô nói chuyện với bạn anh, giới thiệu chính mình. Anh bật dậy bước ngay ra khỏi giường khi nghĩ đến cô không có gì trên người ngoài tấm khăn trải giường. Khi anh vừa tới cửa, anh đụng cô đang bước trở vào.

Cô nói với anh có hai người đàn ông chơi Dominoes trong bếp mặc áo choàng hồng bằng Satin bóng.

Anh đi làm lại ngày hôm sau cùng với hai người bạn và không quên đưa cô chìa khoá cửa với lời dặn đừng mở cửa cho ai vào.

Anh chỉ cho cô cách sử dụng lò nướng và phương pháp dò tìm các đài phát thanh Haiti trên chiếc Radio AM/FM đầu giường.

Cô dậy trễ, nằm nướng, nhớ lại đêm qua và trận cười của hai người khi anh cho cô biết lũ bạn anh vì muốn tôn trọng cô đã vội vã đi mua trúng hai chiếc áo choàng phụ nữ.

Họ làm tình lần nữa và lần nữa. Họ gắng bảo nhau cố giữ im lặng tuyệt đối. Tất cả bảy lần, anh đếm — mỗi cái tượng trưng cho một năm hai đứa xa nhau — nhưng theo cô đếm thì ít hơn.

Anh nhắc cô mình đã lấy nhau, làm phép cưới trước cha, trước chúa, không việc gì phải mắc cở. Điều anh nhắc thật quan trọng vì nó tượng trưng cho sự gắ0
 

fruit NHO

Active Member
ĐÀN BÀ ĐÊM



Tôi co mình lại vì hơi nóng của đêm trên mặt. Tôi cảm thấy trần trụi như rách toạc da thịt. Đêm nay tôi già hơn nhiều so với hai mươi lăm năm tôi đã sống. Đêm là thời gian mà tôi kinh hãi nhất trong đời. Tuy nhiên nếu tôi muốn sống, tôi phải tuỳ thuộc vào nó.

Những bóng người chập chờn trên tấm màn ren khi con tôi trèo vào giường. Tôi nhìn nó duỗi mình lớn dậy từ một thằng bé thành một gã đàn ông dong dỏng, chiều cao của cơ thể nó vươn lên ngăn căn nhà một gian thành hai khoảng không gian, hai tấm chiếu, hai thế giới riêng biệt.

Trong khoảnh khắc, tôi suýt lầm tưởng nó với hồn ma của bố nó, một người tình cũ mất dạng từ lâu cùng với những chiếc bóng trong đêm. Giường của nó nằm nơi góc phòng, cách xa tấm sáo rèm mỏng mảnh. Tôi nhìn nó vùi đầu vào gối tạo ra những nếp nhăn. Nó xoay trở thân thể nhỏ nhắn của mình thật cẩn thận để khỏi làm nhàu bộ đồ vía mặc vào Chủ Nhật. Nó quấn chiếc khăn quàng dài đỏ thắm của tôi quanh cổ, chiếc khăn quàng mà tôi làm duyên để quyến rũ khách. Tôi cho nó khoác vào ban tối, để lúc nào nó cũng có một vật gì đó của mẹ khi tôi không ở cạnh.

Tôi nhìn bóng nó đứng im trên màn rèm. Mắt tôi bị hút vào nó, như những vì sao soi xuyên qua những lỗ thủng nhỏ trên mái nhà, những lỗ thủng mà không một vị khách nào sửa giúp, vì họ muốn nhìn mảng trời đêm khi nằm trần truồng trên chiếu.

Một con đom đóm bay quanh phòng, lượn đến với thằng bé mà không đến với tôi. Có lẽ nó là một con muỗi đã học được phép hoá lửa mầu nhiệm. Thằng bé luôn đập chết những con muỗi đậu trên mặt mà không hề tỉnh giấc. Sáng dậy, trên trán nó dính những vết máu nhỏ tí, như thể suốt đêm qua nó đã mải miết hôn một người đàn bà có những vết thương lở loét khắp mặt.

Trong giấc ngủ, nó lăn trở và ú ớ như thể nó đã tìm được niềm khoái lạc trong việc rờ rẫm chính mình. Hai mẹ con chưa hề nói chuyện về tình yêu. Nó cần phải biết những gì đây? Tình yêu là một trong những bài học mà khi lớn lên bạn sẽ biết, như cách bạn biết chiếc giầy nào vừa với bàn chân để khỏi bị khó chịu.

Có hai loại đàn bà: đàn bà ngày và đàn bà đêm. Tôi thì bị kẹt giữa ngày và đêm, kẹt trong một màu đồng vàng hổ phách. Mắt tôi màu đất, gần như màu vàng đồng nếu tôi đứng trong nắng. Tôi muốn bới mái tóc mình thành những lọn xoăn ngay từ khi tôi vừa học được cách bới cả đầu tóc mà không làm cho đôi tay mình tê cứng.

Hầu hết mọi đêm, tôi nghe một lời thầm thì nho nhỏ. Thân tôi tê dại khi tôi tự hỏi sẽ mất bao lâu để thằng bé vượt qua tấm màn và tìm thấy tôi.

Nó gọi, “Mẹ…”

Thì tôi nói, “Cưng yêu.”

Chẳng hiểu sao vào ban đêm, nó luôn thì thầm gọi tôi. Tôi nghe tiếng o o từ cái máy ra-đi-ô của nó. Âm thanh giòn như tiếng của một lon Coca. Một trong những gã theo đuổi tôi đã cho nó để nhét vào tai lúc đi ngủ trong khi má làm việc.

Ở Ville Rose có một nơi những hồn ma đàn bà cưỡi những con sóng trong khi chải những vì sao rời khỏi tóc họ. Nơi đó, những hồn ma tán tỉnh người đi dạo và để lại những vì sao trên lối đi. Có nhiều đêm, tôi tin rằng những hồn ma đó đang hiện hữu cùng tôi. Tôi cũng biết có những người đàn bà thức trắng đêm để gỡ những mảnh vá mà họ đã khâu được trong ngày. Những người đàn bà này cố ý phá bỏ thành quả cực nhọc của chính họ để luôn có việc để làm. Và khi có việc để làm thì họ sẽ không phải nằm bên linh hồn bất động của người đàn ông còn nồng mùi chăn chiếu với một người đàn bà khác.

Cách thằng bé phản ứng với những cái hôn lên má báo cho tôi biết rằng nó đã ngủ chưa. Nó như con bướm rập rờn bay trên hòn đá trơ trụi nằm giữa dòng suối. Đôi khi tôi thấy trong ánh mắt nó niềm mong đợi cho một điều gì còn to lớn hơn cả chính tôi. Hai mẹ con như hai người tình xa cách, nói dối nhau, dưới những vầng trăng khác nhau.

Khi ngón tay út tôi mơn trớn đường nhân trung dưới mũi nó, thỉnh thoảng lưỡi nó lè ra liếm móng tay tôi. Nó rên lên rồi quay đi chỗ khác, có lẽ nó nghĩ điều đó là một phần của giấc mộng.
 

fruit NHO

Active Member
Tôi thì thầm kể những câu chuyện về núi của tôi, những mẩu chuyện về những hồn ma đàn bà và những vì sao được cài trên tóc họ. Tôi kể cho nó nghe về những con rắn độc nằm ở một đầu của cầu vồng và chiếc mũ đựng đầy vàng nằm ở đầu kia. Tôi kể rằng nếu tôi vượt qua được dòng suối đầy nhánh dâm bụt trong suốt, tôi sẽ trở thành một nữ thần. Tôi hà hơi nhẹ vào hàng mi dài của nó để xem nó đã ngủ say chưa. Những ngón tay tôi uốn thành những hình chim đậu trên mũi nó. Tôi muốn nó quên đi việc chúng tôi đang sống trong một nơi không có điều gì là vĩnh cửu.

Tôi biết đôi khi nó cũng thắc mắc sao tôi lại quá bận tâm như vậy. Sao tôi lại vẽ những mảnh trăng khuyết lên trán lấm tấm mồ hôi và rắc những bột phấn hồng lên hai gò má. Tôi mặc cho nó bộ đồ đẹp được gấp nếp cho ngày Chủ Nhật, và bảo rằng mình đang chờ đợi một thiên thần dịu dàng, và thiên thần giáng trần nơi nào thì gia chủ nơi đó phải đẹp như những hoa dâm bụt nổi trên dòng suối vậy.

Trong khi ngủ, tay nó kéo tung những nếp gấp. Nó liếm môi vì viên kẹo đường cuối cùng mà nó đã chôm được trong ví của tôi.

Thôi nào, đủ rồi nhé, nếu không răng của con sẽ trở nên đen xỉn mất. Tôi đã quên bảo nó dùng lá bạc hà để chà răng. Nó không biết rằng một ngày nào đó một người đàn bà như mẹ sẽ đánh giá nó bởi độ trắng của hàm răng.

Chẳng mấy chốc nó ngáy nhè nhẹ. Tôi lắng nghe giọng cười bẽn lẽn từ những giấc mơ đẹp nhất của nó. Giấc mơ về những thiên thần phóng qua đầu nó, thỉnh thoảng nhón những gót chân hồng trên mũi nó.

Tôi nghe nó hát thầm ậm ừ một bài hát. Một trong những khúc ca mà họ dạy trẻ con vào những buổi trưa nóng bức trong trường học. Kompè Jako, domé vou? Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng. Xoè đôi cánh…

Hàng râm bụt lao xao trong đêm, ngoài kia. Tôi hát theo để ru nó ngủ. Tôi đánh thêm một lớp phấn đỏ Ai Cập lên má. Trong phấn có lấp lánh hạt kim tuyến để khách dễ dàng nhận ra tôi trong bóng tối.

Tối nay Emmanuel sẽ đến. Ông ta là bác sĩ, ông thích đàn bà mông to, mông tôi tuy nhỏ nhưng vẫn hấp dẫn. Ông đến vào những ngày thứ Ba và thứ Bảy. Ông mang hoa đến, như thể để tán tỉnh tôi. Tối nay ông ta tặng tôi những cánh hoa giấy. Hoa luôn luôn là một điều ngạc nhiên thú vị.

Tôi hỏi, “Vợ anh thế nào?”

“Bà ấy không đẹp như em.”

Những ngày thứ Hai và thứ Năm là phiên của một tay chơi đàn ắc-coóc-đi-ông tên Alexandre. Hắn thích giả tiếng của cây đàn ắc-coóc-đi-ông bằng miệng vào tai tôi. Suốt thời gian còn lại trong đêm, hắn lắc lư cạ cái đầu trái gấc lên rốn tôi.

Nếu thằng bé thức giấc, tôi đã chuẩn bị sẵn những lời ngụy biện. Rồi một ngày nào đó, nó sẽ đủ lớn để không bị mẹ xí gạt rằng người đàn ông lang bạt này là một ảo ảnh, và thân thể trần truồng ấy chỉ là một giấc mơ. Tôi sẽ nói với nó rằng bố nó đã đến, rằng một thiên thần đã mang ông về từ thiên đường trong chốc lát.

Những ngôi sao chậm rãi trượt khỏi lỗ thủng trên mái nhà trong lúc ông bác sĩ chìm sâu, sâu mãi dưới thân tôi. Ông ta nhịp mạnh và hổn hển thở. Tôi bịt miệng ông lại để ông khỏi gào lên. Tôi thấy gương mặt vợ ông trong những giọt mồ hôi chảy ròng xuống cằm ông. Ông ra về, cả người đẫm sương tiết ra từ da thịt chúng tôi. Ông gọi tôi là trận tuyết lở, là thác nước, khi được thoả mãn.

Sau khi ông về lúc rạng sáng, tôi ra ngoài ngồi hút một điếu thuốc lá vấn. Tôi nhìn những người đàn bà làm công đi bộ thành hàng đến khu chợ trời cách nơi họ ở gần nửa ngày đường. Tôi cám ơn những vì sao, vì ít gì đi nữa thì tôi cũng hưởng được những ban ngày cho riêng mình.

Khi trở vào nhà, tôi nghe tiếng thở đều đều của thằng bé. Tôi vội áp mặt vào môi nó để cảm nhận hơi ấm bình yên thoát ra từ miệng nó.

“Mẹ ơi, con lại hụt mất những thiên thần nữa rồi…” Nó thì thầm âu yếm, với tay ôm lấy cổ tôi.

Tôi trườn vào giường, nằm xuống bên nó, và ru nó ngủ lại.

“Đừng lo, con yêu. Các thiên thần có cả cuộc đời để đến với chúng ta mà.”





------------------
Nguyên tác: "Night Women", trong Edwidge Danticat, Krik? Krak! (New York: Vintage - reprint edition, 1996) 81-88.
 

fruit NHO

Active Member
VIẾT "ĐÀN BÀ ĐÊM"



Tôi đã viết "Đàn bà đêm" vào một đêm mất ngủ. Nằm trên giường, tôi bắt đầu tưởng tượng tôi đang chờ một người nào đó về nhà. Ngay lúc ấy, ý tưởng để viết truyện ngắn này chợt nảy ra trong óc tôi.

Thoạt đầu là một nhân vật không tên. Đó là một người mẹ vừa đặt đứa con trai nhỏ vào giường, và là một người vợ đang đợi chồng về. Người chồng đang ở đâu? Tôi tự hỏi. Ông ấy đang ở với một người đàn bà khác, tôi quyết định như thế. Và người đàn bà khác ấy là một cô gái điếm.

Thế rồi tiêu điểm của truyện chuyển từ người vợ sang cô gái điếm. Cô ấy là một người mẹ vừa đặt đứa con trai nhỏ vào giường và đang đợi một người khách — một người đàn ông đã có gia đình.

Khi nhân vật chính của tôi đã thành hình, tôi tự hỏi cô ấy sẽ giải thích "việc làm" của mình như thế nào cho đứa con trai. Tôi quyết định đặt đứa con trai vào ở chung trong căn phòng vừa để sống vừa để "làm việc" của người mẹ, và điều này khiến việc tạo ra một lời giải thích càng trở nên khó khăn hơn. Thế nên hiển nhiên là người mẹ phải đợi đứa con trai ngủ rồi mới "làm việc", và nếu nó bắt gặp mẹ nó đang hành sự, thì mẹ nó hẳn sẽ "bịa chuyện" để giải thích những gì đang diễn ra. Những "chuyện" này trở thành những huyền thoại ở ngay trung tâm của "Đàn bà đêm": những mẩu hư cấu về người cha thất tung quay về nhà với đứa con trai, về những thiên thần đến viếng nhà của họ trong một khoảng thời gian, về những hồn ma nữ có những ngôi sao trong tóc, và về những cầu vồng có bầy rắn ở đầu này và một hũ vàng ở đầu kia. Giống như cái cách chúng ta đôi khi dùng những thần thoại, truyền thuyết, và truyện dân gian để giải thích nguồn gốc sáng tạo của quả đất, mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, người đàn bà này dùng những huyền thoại nhi đồng để bảo vệ cái thế giới quan ngây thơ của đứa con trai và tự trấn an rằng mặc dù hoàn cảnh sống của họ bất bình thường, đứa bé vẫn còn được một tuổi thơ tràn đầy những ý tưởng thần kỳ và đẹp đẽ.

Trong khi viết "Đàn bà đêm", tôi đã nghĩ đến Penelope trong Odyssey. Penelope là một người vợ suốt hai mươi năm chờ đợi chồng mình, Odysseus, trở về từ chiến trận. Trong khi chờ đợi, Penelope tránh những kẻ theo đuổi mình bằng cách ngày ngày dệt một tấm khăn liệm, rồi mỗi đêm lại tháo nó ra, chỉ để bắt đầu dệt nó lại vào ngày hôm sau. Những mẩu chuyện mà cô gái điếm này kể cho đứa con trai của cô nghe trở thành tấm khăn liệm của chính cô, một lời ai điếu của cô cho cuộc sống đáng lẽ cô phải có, nếu chồng cô đã không biến mất. Những huyền thoại ấy cũng trở thành những ngọn hải đăng hy vọng cho đứa con trai, một cách để nó vượt qua cái hiện thực đau đớn và tìm thấy những lẽ sống khác.

Tôi đã sử dụng điểm nhìn của ngôi thứ nhất trong truyện này vì tôi muốn độc giả cảm thấy thật gần gũi với nhân vật chính, nghe những ý nghĩ thầm kín một cách trực tiếp, qua chính giọng nói của cô ấy. Tôi cũng muốn tránh bất kỳ sự phán xét vô tình nào từ phía tôi, nên tôi hoàn toàn tháo gỡ giọng nói của tôi ra khỏi trạng huống đó. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ lời phán xét nào, cũng như nhân vật này không hề phán xét về chính mình. Có thể người "thẩm phán" duy nhất là đứa con trai, kẻ mà người mẹ đang cố gắng một cách tuyệt vọng để bảo vệ bằng những mẩu chuyện này.

Một số độc giả đã hỏi tôi liệu đứa con trai có biết sự thật rằng mẹ của nó là một cô gái điếm hay chăng. Câu trả lời là: có. Nó biết. Và có lẽ người mẹ cũng nhận ra rằng nó biết. Tuy nhiên, vì cô quá yêu thương nó, cô cảm thấy cô có bổn phận che chở cho nó trước trạng huống đó.

Nhiều độc giả cũng đã hỏi tôi rằng tôi có xem người đàn bà này là một kẻ nói dối hay không. Trả lời cho câu hỏi này quả là không dễ dàng như thế. Theo ý tôi — và độc giả có quyền đưa ra những ý kiến khác, bởi một khi cái truyện ngắn này đã được tung ra trước thế giới, nó trở thành vật sở hữu chung của họ cũng như của tôi — theo ý tôi thì người đàn bà này chỉ đơn giản thêu dệt những mẩu chuyện để đối phó với một trạng huống khó khăn, cũng rất giống như những nhà viết truyện hư cấu phát minh ra những mẩu chuyện, chế biến ra những chuyện kể đôi khi đẹp đẽ và đôi khi đau đớn, để gửi đến các độc giả của mình.





----------------
Nguyên tác: "Writing 'Night Women'" của Edwidge Danticat, trong Mark Mills, Crafting the Very Short Story: An Anthology of 100 Masterpieces (London: Pearson Education, Inc, 2003) 90-91.
 

fruit NHO

Active Member
TIÊN_NHẬT PHỐ

1.

Tôi bơi lượn trong bể nước mới mà nghệ nhân Ka vừa thả tôi vào để chuẩn bị cho cuộc lai giống và phối màu mới.

Ka ngồi nhìn tôi mà không biết rằng tôi cũng đang nhìn chàng.

Chàng là một nghệ nhân kỳ quặc, nổi tiếng trong giới chơi cá vì đã phối được những sắc màu huyền bí cho nhiều loài cá khó lai tạo; thế mà không bao giờ chàng để tâm tìm kiếm một giải thưởng nào cho cuộc chơi tài hoa đầy tính huyền thoại của mình.

Trong những bể kính của chàng có vô số loài cá tuyệt đẹp. Nào là bầy cá Xiêm óng ả, thướt tha và xanh như ngọc bích. Nào là bọn Hồng Kim đỏ rực màu huyết dụ, lướt đi như những thanh đoản kiếm rợn người, bay loang loáng giữa đám rong đuôi chồn rất hồ ly. Rồi thì lấp lánh màu sắc cầu vồng là những nàng Phượng Hoàng giương vây cánh quạt mà lượn lờ ẩn hiện giữa rừng rong tảo lả lướt hay các hang đá cuội quanh co.

Người ta gọi chàng là “Ka”. Đó là phát âm chữ viết tắt K. à? Nhưng nó là gì? Dẫu sao đi nữa, đấy là một tiếng dễ gọi nhất. “Ka” có thể là linh hồn, có thể là tình yêu. Hay là Không, là không gì hết. Hay là Cả, là tất cả ? Hoặc là Ca hát, đơn giản thế thôi. Theo tôi, chắc là Cá. Vì chàng yêu cá mà.

Còn tôi thì chàng gọi là cá Tiên.

Chàng có một người yêu tên là Tiên. Có gì quan hệ giữa nàng và tôi ?



2.

Cá Tiên của ta ơi, em rất đẹp. Nhưng ta muốn em đẹp hơn nữa. Ta chưa biết làm thế nào, nhưng trong bể kính mới này, em sẽ trở nên một trang tuyệt thế giai ngư. Em sẽ là cuộc sáng tạo linh diệu nhất của ta.

Em là giấc mơ của ta. Em là sinh vật nhẹ nhất, thanh tú nhất. Em hiện thân cho cái nhẹ tênh của hiện hữu, cái nhẹ tênh của tiêu giao du.



3.

Trang cùng với Huệ dạo chơi trên cầu sông Hào.

Đàn cá du kia (Trang nói) bơi lội thung dung, cá vui quá nhỉ.

Ông không phải là cá (Huệ nói), sao mà biết cá vui ?

Ông không phải là tôi (Trang đáp), sao biết tôi không biết...



4.

Người viết không phải là người đọc. Cũng như người đọc không phải là người viết.

Nhưng người đọc chính là người viết dẫu là không có bút. Người viết lại là người đọc cứ ưa cầm bút.

Người đọc và người viết không biết mình là ai, không biết mình đang đọc, không biết mình đang viết.

Người viết biết rằng con cá nó rất vui. Người đọc thì biết rằng con cá nó có thể rất không vui.

Mà như thế thì có sao đâu ?

Cá biết rằng chàng Ka kia đang ngắm cá rất vui. Nhưng... cơ mà ai vui? Ai biết?



5.

- A, Tiên! Vào đây đi em! Đợi em lâu quá rồi đó!

- Nhưng anh đang làm gì vậy?

- Ngắm Tiên.

- Thế à? Ngắm con cá Tiên của anh trong bể thì có.

- Em mới là con cá đẹp nhất.

- Không dám đâu!

- Tiên là con cá hay Tiên là con gái thì cũng thế. Tiên là con cá bơi lội giữa những kẽ tay của anh.

- Không thèm đâu!



6.

Lệ Cơ là Người Đẹp, đối với cõi người ta. Vậy mà thấy nàng thì cá lặn mất

tăm. Hãi quá!



7.

Tiên là một người đẹp. Và tôi ngắm nàng, không lặn đi đâu.

Ka đang dịu dàng tháo ra khỏi ngực nàng làn áo nịt nhung như thể đang bóc đi lớp vỏ trứng.

Tôi ngắm họ. Đẹp đôi như hai con cá. Họ đang “ép” nhau trong bể, a nhầm, trong giường.

Phải nói rằng con người “ép” nhau rất tuyệt. Ví dụ như, loài cá cũng biết hôn, nhưng chỉ hôn nhau nơi miệng. Còn con người, đã hôn thì họ hôn tất cả.

Đôi môi của Ka như một con cá đang bơi trong cái bể êm ái của làn da hồng hồng. Và cái bể xinh đẹp ấy cũng có đồi cao, lũng thấp, khe lạch, và cả đám rong đen huyền mềm mại nữa.



8.

- Anh, con cá Tiên đang nhìn mình

- Nó đang đẹp lên, em có thấy không? Và yểu điệu như một thục nữ.

- Đừng có mơ!

- Thực sự anh đang mơ rằng con cá sẽ hoá thân

- Thì cứ mơ đi! Nhưng đến giờ rồi, em phải về thôi!

- Còn sớm mà!

- Còn sớm ư? Khi mà từ Phố của anh em phải trở về Núi?

- Khi nhìn về phía Núi của em, anh cũng thường mơ thấy em hoá thân thành cá.

- Người gì đâu mà lạ! Thôi em về đây!
 

fruit NHO

Active Member
9.

Họ chia tay. Cô gái sẽ lên chiếc bus cuối cùng đi về chân núi.

Đêm nay Ka sẽ ngủ với chiếc áo lót của cô gái, chiếc áo trắng nõn có mùi nước hoa pha lẫn mồ hôi của cô mà chàng vừa xin được. Thế đấy, con người!

Tôi có bơi vào giấc ngủ của Ka không?



10.

Ta có thể biến em, cá Tiên của ta ơi, thành một kiệt tác không?

Con cá du trắng của Trang Tử như thế nào nhỉ? Có đẹp bằng em không? Ta tin rằng ông lão Nam Hoa rất yêu cá du. Ông rất yêu cá, cả cá lớn lẫn cá bé. Viết sách là ông nhắc ngay đến cá. Biển Bắc có con cá gọi là cá Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Sao hả, em ngạc nhiên ư? Trang Tử cà rỡn ấy mà. Ông luôn luôn cà rỡn. Một quyển sách cổ cho ta biết rằng không có con cá nào tên là cá Côn. Côn chỉ có nghĩa là trứng cá, dường như là cái thứ nhỏ nhất mà mắt người có thể nhìn thấy được. Thế mà Trang lấy chữ ấy đặt tên cho con cá khổng lồ bịa đặt đó.

Nhưng Côn vẫn cứ là con cá của Trang, có thể cực lớn và có thể cực bé. Trang đã làm cho nó bất tử, giễu cợt mọi thứ sinh vật học và sử học.

Em có là con cá của ta không, nàng Tiên của ta?



11.

À, tôi bắt đầu hiểu nghệ nhân Ka. Chàng muốn, không chỉ nhìn thấy tôi, mà còn sáng tạo ra tôi, con cá Tiên của chàng.

Thế đấy, con người!



12.

- Alô! Tiên ơi, em về đến Núi chưa?

- Chưa, nhưng sắp đến rồi. Lần này em sẽ nhờ bố em làm cho anh một con cá tuyệt đẹp bằng đá.

- Một nghệ nhân đá cừ khôi như bố em thì biến đá thành thứ gì chẳng được. Thậm chí, anh tin rằng lúc trước, bố em tạc ra một pho tượng xinh đẹp là em, hay tưởng tượng ra em thì cũng thế. Em hình thành từ đá của Linh Sơn, hoặc là từ giấc mơ của ông ấy.

- Thôi đi! Người gì đâu mà lạ! Không nói nữa đâu.



13.

Cái đó, con người gọi là điện thoại ư?

Loài cá chúng tôi thì cần gì thứ đó, cả ngôn ngữ cũng chẳng cần.

Con người thì lúc nào cũng bơi trong ngôn ngữ. Họ là con cá bị vây khốn trong tiếng nói và chữ viết, dù nhìn thì thấy họ rất tung tăng, rất thoả mãn với ngôn ngữ của mình.

Ngôn từ sáng tạo ra con người, và ngôn từ cũng chính là kẻ sát nhân. Họ cóhiểu được điều đó không?

Con người lúc nào cũng ba hoa, kể cả khi im lặng. Khi họ im lặng, họ vẫncứ muốn nói cái gì đó. Cái im lặng của họ cũng là một con dao hai lưỡi, không giống niềm im lặng của cá hay niềm vui của cá. Chỉ một mình Trang Tử là biết điều đó.

Tôi có bơi vào giấc ngủ của Ka không?



14.

- Alô! Anh chưa ngủ à? Em đang nằm trong bồn tắm nước nóng và nhớ anh. Em nằm trong bồn nước như con cá Tiên của anh.

- Anh đang hình dung em như thế nào trong bể nước. Ngực em có nổi trên mặt nước không? Bồng bềnh như hai hoang đảo lạnh lẽo. Không có gì có đôi mà lại cô đơn như nó, phải không ?

- Anh không phải là nó, sao mà biết nó cô đơn?

- Em không phải là anh, sao biết anh không biết?

- Người gì mà lạ!

- Tiên ơi, con cá Tiên đang biến hình.

- Thế em có bơi vào giấc ngủ của anh không, hở Ka?

- Trước mắt anh, con cá đang hoá thân thành một loài gì đó tuyệt đẹp. Nửa mình là đuôi cá óng a óng ánh. Nửa mình trông tựa như em. Mái tóc, gương mặt, bộ ngực, hai cánh tay ... thảy đều xinh đẹp, đẹp quá, Tiên ơi!

- Thế à? Đó là một giấc mơ.



15.

Tôi có bơi vào giấc ngủ của Ka không?
 

fruit NHO

Active Member
MẶT CẮT _THU PHONG

1

Hoa huỳnh-anh leo qua vòm cổng, tràn sang hai bên, ngọn vút lên lắc lư trong gió, bông vàng chen lá xanh.

Trong sân, gạch tàu lát chéo, vương vãi hoa sứ. Gốc cây, những bụi ngũ sắc mọc.

Ngôi nhà, chân tường ốp đá, sắc độ xanh không đều. Mái ngói phủ rêu và ti-gôn, mọc lên mấy cây đa non. Máng xối đầy cát. Bụi bám trên kính cửa sổ. Màu trắng của màn cửa đã ngả màu vàng nâu.

Lâu lâu,một con chim se sẻ bay đến, nhảy từ cành này sang cành khác của cây sứ già, không hót.

Thềm nhà, một tấm thảm hoa văn kiểu Ba-Tư với màu nâu, vàng, xám kết hợp,

đầy bụi. Nơi đây, sáng sớm và chiều tối, luôn luôn, chỉ có một đôi giày đàn ông — đôi giày da, cột dây.

Trong phòng khách, bộ xa-lông bằng gỗ đánh vẹc-ni, mặt ghế ngồi có cái đã nứt. Tường treo một bức tranh sơn dầu lớn mô phỏng bức “Đêm sao” của Van Gogh. Chiếc tây ban cầm treo kế bên. Gạt tàn đầy đầu lọc, tro. Vỏ bao thuốc hiệu Mélia xanh bị vò, quăng xuống nền gạch.

Một con chuột nhắt chạy lên, chạy xuống, gặm lấy những mẩu bánh mì vụn trên bàn, gây ra tiếng động do chạm vào các trang báo ở đó, chạy vào phòng ngủ.

Đồ đạc trong phòng ngủ chìm trong cảnh tranh tối tranh sáng: giường sắt 0,8m x 2m x 0,4m, bàn viết, ghế. Màu vàng của áo sơ mi, màu xám của quần ka-ki đã phai. Áo và quần treo ở móc. Một bộ nữa vắt ở thành ghế.

Con chuột nhắt chạy vào gầm giường làm động giấy rác, đứt mạng nhện.

Có lúc từ trong nhà vang ra tiếng đàn, những tình khúc về nỗi cô đơn, những âm thanh không làm bớt đi bao nhiêu vẻ câm lặng của ngôi nhà.



2

Bức hình khổ mười tám hai bốn, chụp bán thân đôi nam nữ. Cô gái chừng hai mươi bốn, trang điểm son phấn, đội khăn voan, mắt bồ câu, mày lá liễu, miệng cười, tay ôm bó hoa tươi. Chàng trai chừng hai mươi bảy, mặc áo vét cài bông ở ngực, mắt môi ẩn một nụ cười. Diện mạo họ giống nhau, như hai anh em. Bức hình được lồng trong khung chạm trổ, treo ở đầu giường.

Một bức hình khác chụp bé sơ sinh da thịt đầy đặn, từ tạp chí, gắn lên tường bằng băng keo.

Giường ngủ bây giờ 1,2m x 2m x 0,4m bằng gỗ đánh vẹc-ni, nệm cao su trải ra thêu hoa cùng màu với hai gối nằm.

Ở tủ đầu giường, một đèn ngủ có chụp, một quyển sách đang mở.

Bàn viết đã được dời đối diện với giường ngủ, và được trải khăn. Trên bàn có một ổ bánh sinh nhật, một hộp đựng cà-vạt, vớ.

Phòng ngủ thêm một bàn trang điểm, một ti-vi.

Phòng khách thêm một kệ sách có ngăn kính đựng các đồ lưu niệm, sưu tập, vỏ sò, ốc, đủ kiểu, đủ màu sắc từ biển, trái thông khô từ cao nguyên, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn bằng thạch cao. Ghế xa-lông có thêm nệm ngồi, nệm dựa lưng.

Phòng bếp không còn trống. Đã có một bàn bốn cạnh bằng nhau, bốn ghế, các dụng cụ nấu ăn.

Thềm nhà, ngoài đôi giày đàn ông lúc sáng sớm và chiều tối, bây giờ thường xuyên có một đôi guốc phụ nữ — một đôi guốc bằng da bò có quai hậu.

Mái hiên treo một chậu thanh-tú ra hoa màu xanh ẩn tím.

Sân thêm ghế xích đu. Hoa ngũ sắc mọc nhiều hơn, lấp đầy gốc sứ. Một cây nhãn mới trồng cao chừng bốn tấc, cành cứng, lá nhiều.

Không gian tràn đầy tiếng chim se sẻ.



3

Loài rầy nâu rời những cánh đồng lúa ngoại ô, chúng nhìn thấy ánh sáng.

Loài rầy nâu vượt đêm tối , bay đến khu dân cư ngoại ô.

Một đám trong lũ rầy nâu ấy

ghé lại ngôi nhà chân tường ốp đá mái ngói cổng có huỳnh anh.

Đám rầy nâu quần tụ quanh bóng đèn hiên nhà. Chúng bám vào trần, đèn, rớt xuống tấm thảm phía dưới, bất động, ngọ nguậy, bò đi bên đôi guốc đàn bà.

Loài côn trùng thực hiện cuộc di cư, ghé lại, tấp vào ánh sáng như bị cuốn trong cơn lốc định mệnh, nhảy múa ca ngợi cuộc sống trước khi chết.

Thời gian bước đi, ánh đèn hiên nhà hắt ra từ cửa sổ phòng ngủ, mỗi lúc mỗi sáng hơn, không khí mỗi lúc mỗi hạ nhiệt, chiếc ghế xích đu dưới gốc nhãn đong đưa, dừng, rồi đong đưa mấy lượt, đám rầy nâu biến dần.

Ngôi nhà rơi vào khuya, cửa chưa đóng. Đôi guốc phụ nữ quen thuộc vẫn ở đấy, nơi tấm thảm hiên nhà, cho đến khi có tiếng xe dừng ở cổng.

Vài ngày sau, đám rầy nâu tiếp tục xuất hiện, bay, rớt, bò, bất động cạnh đôi guốc.

Chiếc ghế xích đu lại đong đưa, dừng, đong đưa.

Cửa chỉ đóng sau khi có tiếng xe máy dừng ở cổng một lát. Rồi, đèn mới tắt.

Lũ cá, con có miệng giống mỏ chuột, con có vây giống cánh buồm, con có mắt như viên ngọc, con có đuôi như váy vũ nữ, bơi uốn mình, bơi tựa ngựa chạy, sống chung trong một không gian ba chiều có giới hạn. Rong, cổng gạch giả, sỏi dưới đáy hồ tạo nên khung cảnh giống môi trường sống quen thuộc của chúng trong thiên nhiên.

Buổi sáng, những viên thực phẩm không ngớt rơi xuống mặt nước. Mất vài giây những con cá dưới đáy hồ mới phát hiện. Chiều tối, chúng luôn được báo trước bằng bọt khí oxy thoát lên từ ống dẫn.
 

fruit NHO

Active Member
Ngày này qua ngày khác, lũ cá nhận thức ăn như thế. Và ở thềm nhà, đôi giày đàn ông nằm cạnh đôi guốc phụ nữ vào mỗi buổi tối. Từ đấy, suất ăn buổi tối không thay đổi, cũng số lượng thực phẩm ấy, tuy vậy, không liên tiếp theo nhau rơi xuống nước, mà, kéo dài cả giờ. Nước được khuấy động, hoà tan oxy lâu hơn. Thỉnh thoảng, trùn chỉ xuất hiện. Lũ cá bơi, cử động nhanh, nhiều hơn.

Đáy hồ, hai con Mỏ-chuột nằm chồng lên nhau, vẻ bất động.

Con Phượng-hoàng sau khi rỉa đám trùn chỉ no nê, tiếp tục canh giữ kho thực phẩm, không cho các con cá khác đến gần.

Hai con Sọc-ngựa thường xuyên đuổi nhau khắp hồ.

Con Hạc-đỉnh-hồng quẫy đuôi nhiều mỗi khi được ăn.

Lũ cá bơi, thở, ăn, không thể biết trước việc gì sẽ xảy đến.

Ban đầu, không còn thực phẩm buổi sáng. Sau đó, không có cả thức ăn buổi chiều tối. Những con Bảy-màu bám theo, rỉa trên mình cá Ba-đuôi. Đến lượt Bảy-màu bị ăn mất những chiếc đuôi xoè nhiều màu.

Bên thềm, ít thấy guốc phụ nữ và giày đàn ông cạnh nhau.

Trong phòng đôi khi có bao thuốc lá 555.

Ở tấm thảm đôi khi có đôi guốc phụ nữ không có quai hậu, đăït cạnh đôi giày đàn ông quen thuộc.

Lũ cá lần lượt chết. Cây lá oằn oại dưới mưa dông.

Ngôi nhà như lên tiếng thở dài.



4

Buổi sáng, trời không nắng, nhiệt độ xuống thấp, chim se sẻ bay sà vào bàn qua cửa sổ phòng ngủ, nơi nó thường được cho ăn khi nắng mặt trời vừa rọi tới. Từ bàn qua ghế không tìm được gì, nó nhảy xuống giường. Đôi chân nhỏ xíu của nó giẫm lên tấm ảnh.

Tấm ảnh đã bị cắt đôi. Chỉ còn khuôn mặt nhìn thẳng của chú rể, giờ đây dường như không cười.

Ngôi nhà chìm trong bóng tối về đêm, trong màn mưa trắng xoá tháng bảy như một ảo ảnh.

Lá nhãn, hoa sứ rụng xuống sân, héo đi, trôi theo dòng nước mùa mưa, khô lại những ngày nắng hạ. Số còn lại bị các lớp khác lấp lên. Ngũ sắc mọc lan vượt khỏi những hàng gạch bao quanh gốc sứ, huỳnh-anh che cả lối vào sân, ti-gôn bò rộng, vượt qua mái ngói bên kia. Trong chậu dưới mái hiên, thanh-tú héo khô.

Tất cả cá chết khô trong hồ cạn.

Bàn viết và ghế ngồi, giường ngủ và tủ áo, bếp ăn... đều ngủ yên dưới lớp bụi thời gian.



5

Cây nhãn cao vượt khỏi cây sứ già khi ngôi nhà mở cửa.

Khoảng không gian ấy trở lại như xưa.

Hoa lá được chăm sóc, thảm trải bên thềm, cửa kính lau, tranh treo, bàn ghế sắm sửa, bày biện, thanh-tú hiên nhà ra hoa.

Trong hồ cá, thời gian trôi ngược, nước dâng đầy hồ, lũ cá hồi sinh, Bảy màu lại khoe đuôi, Sọc-ngựa lại đuổi nhau chạy vòng quanh giữa những con Hạc-đỉnh-hồng, Phượng-hoàng,Mỏ-chuột, Cánh-buồm, Mắt-ngọc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Phòng ngủ vẫn có hai khung ảnh: một cô dâu chú rể, một trẻ con. Cô dâu chú rể là hai người cũ. Vẫn nụ cười ấy, cái nhìn ấy, nhưng họ không còn như ngày trước, dấu vết thời gian lưu lại trên gương mặt, mái tóc họ.

Đứa bé không phải là đứa bé trong tạp chí, nó có nụ cười của người đàn bà, và đôi mắt của người đàn ông.
 

fruit NHO

Active Member
Clarice Lispector, nhà văn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất trong văn chương Ba-tây thế kỷ 20. Ngược lại với đa số nhà văn Ba-tây đương thời, nhãn quan nghệ thuật của bà vượt qua những giới hạn thời gian và địa lý; các trạng huống và nhân vật trong truyện của bà không phản ảnh hiện thực đời sống Ba-tây, mà mang tính hoàn vũ: đó là những gì mà con người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất có thể bắt gặp và cảm nhận — những gì ở đâu đó bên trong mỗi chúng ta.

Tiểu thuyết đầu tay của bà, Perto do Coração Selvagem ("Bên trái tim man dại", 1944) được xuất bản lúc bà mới 19 tuổi, và được giới phê bình khen ngợi về tài diễn đạt tinh tế những khía cạnh đời sống phức tạp của tuổi dậy thì. Những tác phẩm sau đó, như A Maçã no Escuro (Trái táo trong bóng tối", 1961), A Paixão Segundo G.H. ("Niềm đam mê qua nhãn giới của G.H.", 1964), Água Viva ("Dòng nước sinh động", 1973), đều đào xới tâm cảm của những con người lạc lõng, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, rồi gặp lại chính mình và chấp nhận tồn tại trong một thế giới mãi mãi lạ lùng.

Văn tài của Lispector biểu lộ rõ nét nhất qua những truyện ngắn. Những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà là Laços de Família ("Những ràng buộc gia đình", 1960), A Legião Estrangeira ("Đạo quân xa lạ", 1964), A Via Crucis do Corpo ("Những trạm thể xác", 1974) và Onde Estivestes de Noite ("Nơi có anh trong đêm tối", 1974).

Dưới đây là một tuỳ bút thú vị trong cuốn A Descoberta do Mundo ("Khám phá thế giới", 1984; bản Anh ngữ mang nhan đề Selected Crônicas, do Giovanni Pontiero dịch, nhà xuất bản A New Directions Book ấn hành tại New York năm 1996).


___________________



NHỮNG SỢI TƠ NHỆN



Cho rằng Henry James là một nhà văn tuyệt diệu, một bà bạn của tôi đã đề nghị tôi nên bắt đầu đọc tác phẩm của ông ấy. Henry James có thể viết rất tối nghĩa nhưng đồng thời lại rất trong sáng. Trích lại ở đây một đoạn văn từ một trong những tiểu luận của ông ấy, tôi hy vọng độc giả không cho rằng tôi muốn gây khó hiểu. Thật là bất hạnh tột độ nếu độc giả nghĩ như thế. Nhưng có những điều tôi cảm thấy cần phải diễn tả, mà những điều ấy lại không dễ dàng chút nào. Vì thế tôi đề nghị bạn hãy đọc đoạn văn sau đây vài lần:

Kinh nghiệm thì không bao giờ có giới hạn và không bao giờ hoàn tất; nó là một cảm thức mênh mông, một loại mạng nhện khổng lồ kết bằng những sợi tơ tinh vi nhất, giăng lơ lửng trong những căn buồng của ý thức và bắt lấy bất kỳ phân tử nào bay trong không gian. Nó ở ngay trong bầu khí quyển của trí óc; và khi trí óc giàu tưởng tượng — càng phong phú hơn nữa nếu đó là trí óc của một thiên tài — thì nó bắt lấy ngay cả những ẩn ý mong manh nhất của cuộc sống, nó chuyển hoá ngay cả những tiết điệu của không khí thành những điều khải thị.
Chẳng có thiên tài chút nào, thì liệu tôi bắt được bao nhiêu điều khải thị, bao nhiêu phân tử bay trong không gian! Và con nhện khổng lồ ấy ẩn nấp trong căn buồng của ý thức tôi. Chao ôi, tuyệt vời biết mấy, cuộc sống với những mạng nhện giăng bẫy của nó.

Hãy cảnh báo tôi nếu tôi bắt đầu bộc lộ những ý nghĩ quá riêng tư. Đó là một nhược điểm của tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng khách quan. Ít ra tôi có thể chuyển hoá những sợi tơ chủ quan ấy của con nhện thành những chữ khách quan. Bất kỳ chữ nào cũng là một vật thể bày ra trước mắt và do đó mang tính khách quan. Hơn nữa, tôi có thể đoan chắc với bạn rằng người ta không cần phải thông tuệ: con nhện thì không thông tuệ, còn những con chữ, những con chữ lại là điều không thể tránh khỏi. Bạn hiểu tôi đang nói gì đấy chứ? Không hề gì. Hãy cứ đơn giản nhận lấy những gì tôi cống hiến. Hãy nhận lấy tôi với những sợi tơ nhện.




--------------------------
Dịch theo bản Anh văn: "Silken Threads", trong Clarice Lispector, Selected Crônicas, trans. Giovanni Pontiero, (New York: New Directions Books, 1996) 72.
 

fruit NHO

Active Member
ABE KOBO

(1924-1993)



TRĂNG CƯỜI



Trong tầm kinh nghiệm của tôi thì một giấc mơ dù vui vẻ đến đâu cũng không bao giờ trở thành hiện thực vui vẻ đến vậy. Nhưng trái lại, tôi thấy rằng những cơn ác mộng, trong nhiều trường hợp, lại dự báo một nỗi hãi sợ bất an trong hiện thực còn nhiều hơn thế.

Như trường hợp của tôi chẳng hạn. Trong một giấc mơ sâu thẳm quen thuộc nhất đã ám ảnh tôi không biết bao nhiêu lần, đó là cơn ác mộng có một mặt trăng cười xua đuổi tôi. Tôi nghĩ rằng lần đầu tiên tôi gặp cơn ác mộng này là vào thời tiểu học. Nỗi sợ hãi ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó, đến mức khi đêm xuống, cứ nghĩ đến chuyện phải đi ngủ là tôi lại cuống cuồng lo sợ. Tôi nhớ không được chính xác lắm, nhưng thường thì cứ một chu kỳ khoảng nửa năm đến một năm, cơn ác mộng mặt trăng cười lại đến viếng thăm tôi. Lần cuối cùng là khoảng chừng mười năm trước.

Ba mươi năm đã trôi qua, nỗi sợ hãi về cơn ác mộng mặt trăng cười vẫn theo đuổi tôi liên tục.

Là như thế này. Lơ lửng trên mặt đất khoảng ba mét, một vầng trăng tròn màu cam, đường kính khoảng một mét rưỡi, chầm chậm đuổi theo tôi. Nhìn nghiêng, gương mặt nó giống như nhãn hiệu của loại xà bông Hoa Vương[3]. Nó cho tôi cảm giác như một cái môi rách rưới kéo dài đến tận mang tai của một con quái vật vô tình. Thêm vào đó, nó còn phát ra một thanh âm nữa. Nói theo hình ảnh bây giờ, thì thanh âm đó giống như tiếng rù rì máy móc của thanh điện tử đượcsử dụng trong các bộ phim khoa học giả tưởng. Tôi chạy vòng vòng theo con đường mòn xa lạ. Cuối cùng tôi chạy đến mái hiên nhà. Khi luồn tay ra sau đóng cửa lại, tôi có cảm giác ghê tởm rằng một phần của mặt trăng bị kẹt cứng vào cánh cửa đã đóng kín. Và tôi thức dậy.

Không biết tại sao tôi lại hãi sợ hình ảnh mặt trăng đó đến vậy. Tôi sợ gì chứ nhỉ? Một gương mặt cười, một tiếng động rù rà rù rì hay cảm giác sợ bị tóm gọn nơi cánh cửa đã đóng lại đằng sau. Gương mặt cười thì quả là đáng sợ rồi. Khi ngẫm nghĩ, tôi thấy hình ảnh mặt trăng cười có lẽ giống với hình quân bài Joker trong bộ bài tây hơn là giống với nhãn hiệu xà bông Hoa Vương. Dù vậy, gương mặt đó cũng tương xứng với cảm giác hãi sợ đấy chứ. Ây dà, đáng lẽ mình phải nghĩ ra chính cái sự xua đuổi mới là điều đáng sợ chứ nhỉ. Tôi có cảm giác rằng đầu tiên chỉ là nỗi sợ hãi bị truy đuổi mà thôi. Về sau thì nỗi hãi sợ đó mới hiện hình ra thành hình ảnh mặt trăng cười. Nhưng cứ cho đây đơn thuần chỉ là giấc mơ về nỗi hãi sợ quái vật, thì con quái vật có mấy chục cái sừng có vảy trên đầu mà tôi đã nhìn thấy vào lúc nào đó mới đầy đủ sức mạnh tấn công hơn chứ nhỉ?

Chắc có lẽ là chính cái tâm lý hãi sợ được tạo thành trong khi ngủ đã phóng chiếu ra thành hình ảnh mặt trăng cười trên phông nền của giấc mơ. Chỉ có điều tôi không hiểu tại sao ảnh tượng cực hạn của nỗi sợ lại là hình ảnh mặt trăng cười. Có lẽ không có lý do nào chăng? Nếu gặp một con quái vật có vảy trong đời thì tôi cũng đã sợ rồi, nhưng nỗi sợ hình ảnh mặt trăng cười ám ảnh đến mức tôi nhìn đóa khô vĩ thảo cũng tưởng là nó và giật mình hãi sợ. Phải chăng chúng ta nên giải thích giấc mơ như là giấc mơ thôi. Còn việc phán đoán ý nghĩa của giấc mơ như trên thật chẳng có gì là thú vị.

Khi tôi ngước mắt lên nhìn bầu trời đêm, hình ảnh những ngôi sao phản chiếu trong tầm mắt ta, trong nhiều trường hợp nó điều chỉnh ánh mắt, làm cho ta không thấy được chúng nữa. Và ngược lại khi ta nheo mắt, hình ảnh của chúng lại quay về trong tầm mắt ta. Đó là hiện tượng phân chia cơ năng giữa bộ phận trung tâm của cương mô với vùng ngoại vi. Tôi cho rằng mối quan hệ giữa giấc mơ và hiện thực cũng giống như thế. Hiện thực được nắm bắt một cách rõ ràng nhờ vào phần trung tâm của ý thức, còn giấc mơ chỉ được nắm bắt ở vùng ngoại vi. Chính nhờ việc nắm bắt ở vùng trung tâm mà chúng ta không làm mất dấu đi bản chất của hiện tượng.

Nếu diễn dịch lại bằng ngôn ngữ khi ta tỉnh thức thì việc giải thích giấc mơ theo như cách hiểu của con người chúng ta đã làm ta hiểu sai đi ý nghĩa thực sự của nó. Và chúng ta nên xét đoán giấc mơ như là chính giấc mơ mà thôi.

Trước đây, không nhớ chính xác là vào lúc nào nữa, tôi có đọc được một bài báo rất thú vị giải thích giấc ngủ của chúng ta.

Nếu tôi nhớ không lầm thì người ta đã đưa ra một cách giải thích là tế bào thần kinh của đại não là khí cụ phát quang và khi chúng ta ngủ thì ánh sáng tắt đi. Hình như lượng phát quang của đại não là nhất định và để duy trì sự sống khi ta ngủ thì chỉ có một bộ phận nào đó tắt ánh sáng đi thôi còn các bộ phận khác vẫn phát quang theo tỉ lệ nghịch. Vùng tối càng mở rộng thì vùng sáng càng tập trung và sáng hơn. Và ngay khi đại não dần tỉnh thức thì vùng sáng chỉ còn lại một điểm và vùng tối lại càng sâu dày hơn. Khi chúng ta ngủ lại thì điểm sáng tập trung đó lại khuyếch tán dần ra và toàn não bộ chúng ta được bao bọc trong một làn ánh sáng mờ nhạt.

Mặt khác não bộ chúng ta cũng có hai trạng thái tương ứng nhau giữa khi ngủ và khi chúng ta tỉnh thức. Nhưng dường như là nếu chúng ta thức quá lâu và tập trung quá độ thì não bộ chúng ta không thể duy trì lượng phát sáng ra toàn thể được. Aùnh sáng ngập tràn não bộ sẽ dần dần thẩm thấu ra vùng ngoại vi và chúng ta sẽ rơi vào trạng thái gần như là ngủ gật. Và nếu chúng ta càng tập trung tinh thần bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng đạt đến gần trạng thái ngủ bấy nhiêu.

Mặc dù giấc mơ xảy ra ở vùng ngoại vi của ý thức nhưng chúng ta không thể nào xem thường nó được. Bởi chính sự linh hoạt của tư tưởng được tiến hành ở vùng ngoại vi của ý thức. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng khi có nhiều sức ép của công việc khiến tinh thần càng phải năng động bao nhiêu thì chúng ta càng ngủ mơ nhiều bấy nhiêu. Không chỉ số lần ngủ mơ tăng lên mà nội dung của giấc mơ cũng phức tạp lên nhiều, trở nên rõ ràng cụ thể tới từng chi tiết nhỏ nhất. Và những ý tưởng của chúng ta do đó cũng được thăng hoa bay bổng. Nhưng dù chúng ta cố gắng suy tư theo ý thức thông thường đến đâu đi nữa chúng ta cũng không bao giờ hiểu được. Bởi giấc mơ đi lang thang ở vùng ngoài của ý thức. Giấc mơ chính là tác phẩm của chính những ý tưởng chúng ta.

Có lẽ giấc mơ chính là ý thức bổ sung dưới dạng tiềm thức chăng? Hay giấc mơ chính là quyển tập sáng tác liên tục được ghi dưới vùng tiềm thức nhỉ? Tuy nhiên những điều kỳ quái trong giấc mơ rồi cũng nhợt nhạt đi trong ánh sáng ngày, màu sắc rồi cũng bắt đầu bị biến chất đi. Nếu như chúng ta có ý định sử dụng chúng thì hãy chế biến chất liệu này khi chúng còn tươi mới. Vì thế mà một vài năm sau này, tôi luôn mang theo một cái máy ghi âm gối đầu giường để có thể ghi lại ngay những giấc mơ của mình.

Như vậy, hình ảnh trong tâm can tôi không phải là kích thước, hay bản chất của mặt trăng cười mà chỉ là hình ảnh trăng cười mà thôi.
 

fruit NHO

Active Member
BẮT CHÓ BỎ BAO .

I



Tôi có người bạn tên là Hùng Gà, ở Đồng Xoài. Thảng hoặc chúng tôi, bạn từ xa ghé lên chơi, anh vui lắm, thường làm gà đãi bạn uống rượu. Mùa dịch H5N1 năm nay, gà bị giết sạch, không còn để thịt. Có con chó tơ hay sủa bậy và chuyên ăn vụng, anh đi gom rơm khô về để thui nó cho bữa thịt cầy đổi món. Cầm một cái bao bố tời lớn, anh búng tay gọi con chó đến, vuốt ve âu yếm rồi bồng nó lên. Con chó vẫy đuôi vui, lè lưỡi liếm mặt chủ. Bất ngờ, tay trái anh mở rộng miệng bao, tay phải dúi con chó vào lọt thỏm trong đó, rất chuyên nghiệp, nhanh và gọn. Giống chó cũng ngộ, hễ bị nhốt trong bao hay trong lồng sắt là không kêu la giãy giụa gì cả, phó thác mệnh mình cho các bợm. Hùng thắt miệng lại rồi ném cái bao nằm lăn trên sân, anh sờ tìm đầu chó rồi dùng cây gậy lớn nện xuống. Tiếng gậy đập vỡ xương sọ nghe thật chắc, cái bao giãy nhè nhẹ rồi nằm im, con chó đã bất tỉnh. Anh tháo bao lôi chó ra bờ giếng chọc tiết, chiếc thau nhỏ chứa lưng máu tươi. Anh sai người nhà múc nước sôi để cạo lông. Khi quay lại bờ giếng chúng tôi thấy con chó thình lình tỉnh lại, ồ nó vẫn chưa chết, đang hồi dương phút cuối. Trông thấy chủ, nó cố đứng dậy, cái đầu lặc lìa, máu nhỏ ròng bết đất, vết thương phì phèo bong bóng. Nó lảo đảo bước rồi té quỵ. Lại cố lết đến bên chân chủ rên khe khẽ, vẫy đuôi, và nhìn lên bằng đôi mắt buồn bã. Con chó duỗi thân ra lần nữa, lần cuối, lần này thì chết hẳn. Máu vấy lên bàn chân trần. Mọi người sững sờ, không ai nói được điều gì. Tôi nhìn qua thấy Hùng tái mặt vì xúc động. Anh dội nước rửa chân, nhờ người bạn hàng xóm làm tiếp, rồi đi ra đầu hè ngồi đốt thuốc lá. Bữa nhậu lẽ ra sẽ vui, nhưng không khí lại nặng nề tuy không ai nhắc gì về con chó. Hùng không đụng đũa, chỉ ngồi lầm lì rót rượu uống khan. Về sau mỗi khi nói về loài chó, anh luôn cho rằng chúng còn tốt lành hơn con người, tôi mong rằng anh nói sai.



II



Quê ngoại tôi ở Quảng Bình. Ông ngoại tôi thời trẻ hưởng gia tài nhiều đất ruộng, chỉ vui chơi là chính, giao mọi chuyện nhà lại cho bà cố và vợ lo liệu. Ông chỉ ham mê các thú tiêu khiển là học võ, nuôi chim và đi săn. Là nhà có máu mặt trong vùng nên luôn phòng bị trộm cướp. Mẹ tôi kể rằng trong nhà luôn có những loại vũ khí đặc biệt như lựu đạn cay tự chế, làm bằng ớt bột trộn với vôi bột cho vào một cái vỏ trứng vịt nén thật chặt. Lâu ngày vôi nở ra căng cứng trong vỏ trứng, khi ném, trứng nổ tung vôi ớt bay mù mịt. Kẻ nào bị trúng phải loại lựu đạn này chỉ còn nước bưng mắt ôm mặt mà chịu đòn. Nhà còn rào tre dày để chống lại món “bút chì”, là loại vũ khí làm bằng lưỡi mai mài sắc có dây cột vào cổ tay người sử dụng, món này được nhà văn Nguyễn Tuân nhắc đến trong truyện ngắn “Ném bút chì” trong tập Vang Bóng Một Thời. Ông tôi còn thuê thầy võ về dạy và bắt con cháu trong nhà tập luyện võ nghệ. Ngoài ra còn nuôi một đàn chó được huấn luyện vừa để săn vừa chống cướp. Loại chó này rất dữ tợn. Chúng bị xích lại suốt ngày, chỉ được thả ra vào ban đêm. Đặc điểm của chúng là càng bị đòn đau thì càng điên tiết. Khi lâm trận chúng chiến đấu có đội hình, có chiến thuật. Những con lồng lộn trước mặt đối phương chỉ là nghi binh, làm động tác giả để những con khác từ phía sau và hai bên tấn công dứt điểm. Trong đàn có một con lông trắng dày như bông lau, tướng cao lớn, ông rất quý, đặt tên là con Lau. Lúc bấy giờ vùng làng đang bị Pháp chiếm đóng, đồn lính đặt gần đình làng, chỉ huy là một thằng quan ba ác độc. Một hôm thằng quan ba nhìn thấy con Lau, thích lắm, hỏi ông tôi đòi mua. Ông tiếc đứt ruột nhưng không thể từ chối đành biếu không con chó cho hắn.

Tên quan ba bày những trò bạo lực để khủng bố mọi người. Hắn luyện cho con Lau lao vào cắn xé người khi được ra lệnh. Mỗi lần đi càn về, hắn bắt người tình nghi cởi hết quần áo, trói lại, rồi cho Lau cắn nát người trước khi mang ra bắn rồi vất xác ngoài bờ đê. Lúc ấy, ai mà bị Tây bắt thì xem như đã xong đời, không mấy ai thoát.

Nửa năm sau, có tin về nhà chiều hôm ấy kẻ bị bắt là cậu ba, anh của mẹ tôi. Cậu tôi quanh năm đi làm ăn ở các vùng lân cận ít khi về nhà. Tin báo có người nhác thấy từ ban chiều. Cả nhà than khóc nhưng không một ai được ra khỏi nhà vào giờ này, nếu ra sẽ bị chúng bắn ngay. Ông tôi gọi thợ mộc đóng áo quan, lấy khăn vải trắng chuẩn bị đồ liệm, chỉ chờ đến sáng sẽ ra bờ đê mang xác con trai về. Nhưng đến gần nửa khuya, cậu tôi như một cái xác không hồn, ướt mèm, lạnh toát và xanh tái, lừ lừ đẩy cửa đi vào. Không ai tin vào mắt mình. Một lúc sau, lấy lại bình tĩnh, cậu kể rằng bị lỡ chuyến đò, phải đi bộ vòng qua cánh đồng, khi đến cổng làng thì trời đã tối. Lính Tây đi tuần bắt lại, cho vào đồn. Chúng bắt cậu cởi hết quần áo, trói hai tay vào một cây cọc. Con Lau được thả ra nhưng nó nhận ngay ra con của chủ, liền vẫy đuôi mừng. Bọn lính xùy suỵt thế nào nó cũng không chịu cắn, còn liếm mặt cậu âu yếm. Thằng đồn trưởng thấy vậy vỗ vai cậu nói bập bẹ tiếng Việt, “Tốt, tốt. Mày tốt lắm. Chó không cắn mày. Mày không phải Việt Minh. Bien, bien…”. Rồi ra lệnh cởi trói cho cậu, mặc lại áo quần ra về, còn tặng một gói thuốc lá như lời tạ lỗi. Ba tháng sau cậu bị giết, một nhát chém vào gáy, không biết ai ra tay, có người cho là một người khật khùng vốn là người làm trong nhà, nhưng người này đã bỏ đi biệt tăm. Đồn Tây sau bị phá bỏ dời đi nơi khác, không ai biết số phận con Lau ra sao.
 

fruit NHO

Active Member
III



Bạn tôi, nhà thơ Trần Tiến Dũng, kể một câu chuyện về chó bảo đảm không đụng hàng. Anh đặt tên cho câu chuyện là “Con chó chân gỗ”*. Một hôm anh đang đi trên đường ở một vùng quê. Bất chợt anh thấy một con chó vàng chạy băng ngang qua đường. Con chó chạy như bị què, chân sau bên trái lê khập khiễng. Kỳ dị thay khi nó chạy lại có tiếng như que gỗ gõ xuống mặt đường đá dăm. Anh lấy làm lạ bèn bước vội theo. Con chó chạy đến một ngôi nhà mới xây thì dừng lại ngó anh, rồi khập khiễng chạy vào sân mất hút. Dũng bước vào sân, chủ nhà ra tiếp. Anh kể lại đã thấy con chó lạ như thế. Chủ nhà mời anh uống nước rồi gọi con chó ra cho anh xem. Dũng kinh dị khi thấy cẳng chân trái sau của nó là một chiếc chân gỗ được đẽo và tháp rất khéo vào tận bẹn. Ông chủ nhà kể lại câu chuyện sau đây thay cho lời giải thích. Con chó này vô cùng đặc biệt, nó là ân nhân của gia đình chúng tôi, nhờ có nó mà cả nhà tôi thoát chết. Cách đây một năm, ngôi nhà phát hỏa vào lúc giữa khuya. Khi đó cả nhà tôi đang say ngủ mà không biết rằng ngọn lửa đã nhanh chóng phủ chụp cả mọi nơi. May làm sao Ky bật dậy chạy vào lôi mùng, đánh thức mọi người dậy. Nó còn xông vào lửa để hất đi cánh cửa cháy đỏ rừng rực đang đè lên cậu con trai cả của tôi. Chúng tôi chỉ kịp chạy ra khỏi nhà thì mấy tầng lầu đổ sụp xuống, suýt chút nữa thì đã bị chôn sống trong khói lửa. Dũng cắt lời, “Chắc Ky bị đè gãy chân trong đêm đó phải không?” “Ồ không, nó vẫn khoẻ mạnh bình an trong chuyến đó. Nhưng vì nó là con chó đặc biệt nên chúng tôi phải ăn nó một cách cũng đặc biệt. Chúng tôi ăn từng phần một, chứ không làm thịt ăn một lần. Cái chân gỗ là do thằng Cả làm đấy, nó là đứa khéo tay. Anh có thấy nó đang ngồi đẽo thêm trái tim ngoài kia không?”

Bạn có tin câu chuyện này có thật không? Tôi thì tôi tin lắm, tuy rằng nghe qua như chuyện hoang đường.





-----------------
* Tác giả thêm mắm dặm muối, phóng tác câu chuyện này theo lời kể của nhà thơ Trần Tiến Dũng.


nam đan .
 

fruit NHO

Active Member
estrella said:
Tao với mày tung hoành hả???
bank closed roài nhưng chả hỉu sao tao bắt đầu hứngn thú với trò này hơn cái trò câu bài nhạt nhẽo .....
giờ vừa post vừa đọc lun .................:))
 

fruit NHO

Active Member
KHÔNG , KHÔNG VÀ KHÔNG
JULIO CORTÁZAR

(1914-1984)



Julio Cortázar — tiểu thuyết gia, thi sĩ, phê bình gia, nhà viết truyện ngắn, và nhạc sĩ — sinh tại Brussels, nước Bỉ, năm 1914. Song thân là người Á-căn-đình. Sau Thế Chiến thứ Nhất, gia đình ông hồi hương, và ông lớn lên tại Á-căn-đình. Cortázar tốt nghiệp đại học sư phạm văn chương tại Buenos Aires vào năm 1935. Từ 1935 đến 1945, ông dạy học tại nhiều trường trung học khác nhau, và từ 1945 đến 1951, ông làm dịch giả cho một số nhà xuất bản. Trong thời gian đó, ông dịch trọn vẹn tác phẩm văn xuôi của Edgar Allan Poe, và nhiều tác phẩm của André Gide, Walter de la Mare, G.K. Chesterton, Daniel Defoe, và Jean Giono. Viện Đại Học Buenos Aires mời ông vào chức vụ Giáo Sư văn chương, nhưng ông từ chối vì chống lại chế độ độc tài Perón. Năm 1951, ông di cư sang Pháp và sống ở đó cho đến khi lìa đời vào năm 1984.




Ông Silicose hoàn toàn điên khùng nếu ông nghĩ rằng tôi sắp cho ông một con kiến. Trong lúc này ông chỉ xin một con, hy vọng thuyết phục được tôi bằng lối cư xử ôn tồn của ông, nhưng ngay lúc đầu tiên (chiều ngày 22 tháng Mười Một) ông đã đòi hỏi nhiều hơn gấp bội, ông đã muốn có nguyên những ổ kiến, những đoàn quân kiến, nói trắng ra là tất cả kiến trên trái đất. Ông điên thật rồi. Không những tôi sẽ không cho ông một con kiến mà tôi còn có ý định đi bộ ngang qua nhà ông với một con kiến trên ngực tôi, chỉ để làm ông cuồng nộ. Tôi sẽ làm như thế này: trước hết tôi sẽ mang chiếc cà-vạt màu vàng, rồi sau khi đã chọn một con kiến sinh động nhất và có hình vóc sắc sảo nhất trong bầy kiến của tôi, tôi sẽ để nó bò lên chiếc cà-vạt. Như thế, đó sẽ là một cuộc tản bộ song trùng: tôi bước ngang trước nhà ông Silicose và con kiến bước trên chiếc cà-vạt của tôi. Có phải tôi vừa nói một cuộc tản bộ song trùng? Nó sẽ là những cuộc tản bộ bội trùng mở rộng theo hình trôn ốc đến vô hạn, vì nếu con kiến đang bò trên chiếc cà-vạt của tôi, chiếc cà-vạt của tôi đang bước đi cùng với tôi, trái đất đang chở tôi theo trên quỹ đạo của nó, quỹ đạo của nó đang di chuyển xuyên qua thiên hà, thiên hà đang lang thang quanh tinh tú Beta trong chòm Nhân Mã, và ngay vào lúc ông Silicose đang tưởng mình bất di bất dịch, chồm người ra khỏi bao lơn để nhìn thấy con kiến có hình vóc hoàn hảo của tôi với đầy đủ các chân và cặp râu trên chiếc cà-vạt màu vàng của tôi, ông sẽ hiểu ngay, tội nghiệp cho ông, ông sẽ hiểu ngay cái điệu bộ hào nhoáng tót vời của tôi. Ông sẽ bắt đầu chảy nước dãi thành từng chuỗi huê dạng lòng thòng từ miệng và mũi, và vợ cùng các ái nữ của ông sẽ cố gắng làm ông hồi sinh bằng muối ngửi, rồi sẽ đặt ông nằm thẳng đuột trên chiếc ghế xô-pha trong phòng khách. Cái phòng khách ấy, tôi biết nó quá rõ, vì đã trải qua quá nhiều đêm uống trà đá ở đó với cái gia đình lúc nào cũng cháy bỏng niềm háo hức sưu tập những côn trùng.





-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: "No, no, y no", trong Julio Cortázar, Último Round (México: Siglo XXI Editores, 1969). [Tái bản khổ bỏ túi thành hai tập (Madrid, Siglo XXI Editores, 1972)]. Bức vẽ con kiến được "scan" lại từ cuốn này.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top