Cười tí nào!

Bệnh thành tích ảo
Mấy bữa nay, bệnh viện Nhi Đồng rối lên vì một ca cấp cứu đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: bệnh nhân Nguyễn Văn A, cầu thủ bóng đá giải thiếu niên nhi đồng. Nghi bị ngộ độc huy chương. Siêu âm ba chiều cho thấy trong bao tử của bệnh nhi lổm nhổm nhiều dị vật hình tròn.
Bác sĩ trực đề nghị chuyển qua khoa ngoại để giải phẫu. Nhưng bác sĩ siêu âm bàn:
- Không cần đâu. Những cái huy chương này không phải bằng vàng thực, thậm chí cũng không phải bằng kim loại màu vàng. Một số cái bắt đầu phân rã, chứng tỏ đây chỉ là loại huy chương bánh vẽ, làm bằng bột gạo, bột củ mì hay củ năng gì đó để đánh lừa bọn con nít thôi: chỉ cần cho uống một liều Nabica làm mềm dị vật, sau đó cho uống một liều thuốc xổ Fugacar thì bao nhiêu huy chương cùng giun đũa, giun móc... đều bị tống ra hết thôi.
Thế là bệnh nhi được chuyển vào khoa nội điều trị theo phương án trên. Sau mấy bữa, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đôi chút nhưng ổ bụng càng ngày càng cứng ngắt, đại, trung và tiểu tiện vẫn không thông. Lạ hơn nữa, bệnh nhân này ở lứa tuổi thiếu nhi mà chỉ nằm bệnh viện mấy hôm, toàn thân bỗng mọc đầy râu ria lông lá. Chẳng lẽ các loại thuốc Nabica, Fugacar lại có những phản ứng phụ đáng sợ như thế?
Bệnh viện Nhi Đồng đành phải mời thêm một bác sĩ chuyên khoa bên ngành thể dục thể thao sang hội chẩn. Vị bác sĩ này sờ nắn bệnh nhân một hồi rồi nói:
- Vận động viên này vai u thịt bắp, bàn tay chai sần, râu ria lông lá... e phải đến 30, 31 tuổi chứ không phải thiếu nhi đâu. Các bác sĩ ở đây đã điều trị đúng hướng nhưng chưa đủ liều. Thay vì liều dành cho trẻ em, phải dùng liều thực mạnh dành cho người lớn mới được.
- Sao kỳ vậy. Rõ ràng khi mới nhập viện, y vẫn là một cậu bé sạch sẽ trơn tru mà?
Bác sĩ biệt phái của ngành thể dục mỉm cười giải thích:
- Vậy là quý đồng nghiệp có điều chưa hiểu. Đây là một trong rất nhiều trường hợp khai sụt tuổi để dự thi đấu giải thiếu niên nhi đồng. Trước khi thi đấu, vận động viên này đã được các săn sóc viên dùng dao Gilette siêu mỏng để cạo mặt; dùng kềm cộng lực nhổ trụi lông. Lại dùng các loại mỹ phẩm dành cho các siêu sao, người mẫu sơn phết để tạo nên làn da mịn màng... Cứ thế chạy ào ào trên sân bóng thì ai mà biết được nó là U13? Nay đá xong giải, chân tướng mới lộ ra.
- Ủa mà sao trong bụng nó lắm huy chương đến thế?
- Thì đây cũng là loại ngôi sao chạy “sô” mà. Hết địa phương này đến địa phương khác thi đua lập thành tích để lên hạng, trụ hạng gì đó thì những nhân tài loại này phải lên ngôi chứ.
Thế là rõ rồi. Bệnh viện Nhi Đồng bèn chuyển sang tuyến điều trị dành cho người lớn.
Lúc này trên hành lang còn có rất nhiều bệnh nhi khác ngồi chờ khám. Các bệnh nhi này đều mặc đồng phục học sinh. Bé nào cũng xanh xao hốc hác, mắt trõm sâu, mặt mày đờ đẫn, ngơ ngáo. Một bác sĩ nói:
- Hình như chúng có triệu chứng của bệnh Alzheimer
- Bậy nào! Alzheimer là bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi, chẳng lẽ số này cũng là... cầu thủ bóng đá mà khai gian nhiều tuổi đến thế ư?
Bác sĩ trưởng khoa nghi ngờ bảo cô y tá:
- Kiểm tra hồ sơ lại xem thử tụi nó thực sự là U... mấy?
Cô y tá thưa:
- Các cháu này là học sinh cấp I, cấp II, tên tuổi đều là thứ thiệt. Các cháu không hề thi đấu bóng đá nhưng mới trải qua mùa thi học kỳ. Các cháu không bị khai gian tuổi nhưng đầu óc bị nhồi nhét nhiều thứ gian lận khác trong học hành, ôn tập, thi thử, thi tuyển, thi đấu, thi đố... lại bị ám ảnh bởi những con số chỉ tiêu thành tích: 100% - 99,99% - Hỡi ơi! Thời buổi này ai bảo chỉ có người cao tuổi mới mắc bệnh Alzheimer?
Vậy thì chuyển hết các cháu sang bệnh viện tâm thần Chợ Quán.
- E rằng bên đó cũng đã quá tải rồi.
- Thôi được. Trước mắt hãy nấu một nồi cháo đậu xanh cho các cháu ăn để bạt tà, giải độc bớt đi đã.
- Rồi sau đó thì sao, thưa bác sĩ?
Vị trưởng khoa nhìn các bệnh nhi, thở dài nói:
- Về lâu dài, bệnh viện Nhi Đồng chúng ta cần mở thêm một khoa gì đó chuyên trị các rối loạn tâm sinh lý liên quan đến chữ dục như: thể dục, đức dục, trí dục, công dân giáo dục và tính dục... Nói chung là những thứ bệnh xã hội do chạy theo thành tích ảo làm hư hỏng các thế hệ thiếu niên nhi đồng. Cần lắm chứ!

Xứ sở nụ cười

Sau chuyến tham quan 33 ngày ở các nước có ngành du lịch phát triển, thị trưởng thành phố Hoa Biển quả quyết: "Ăn nhau ở con người, thành phố chúng ta sống nhờ vào du lịch, cần phát động phong trào toàn dân làm du lịch".
Lệnh được ban ra, một cuộc họp quy tụ các chuyên gia của đủ thứ lĩnh vực từ du lịch đến văn hóa, văn nghệ, môi trường, đạo đức, kinh tế... được triển khai. Sau nhiều tranh cãi nảy lửa, người ta đi đến kết luận: “Trong những thứ có thể thu hút khách du lịch thì con người là quan trọng nhất, và điều quan trọng nhất của cái quan trọng nhất đó chính là nụ cười”. Một nghị quyết nhanh chóng được đưa ra: biến thành phố Hoa Biển thành “thành phố nụ cười”.
Ngay ngày hôm sau, trên các đường phố xuất hiện nhiều băngrôn với các dòng chữ: “Cười là yêu thành phố”, “Mỗi nụ cười là một viên gạch xây dựng thành phố giàu đẹp”, “Nụ cười, nền tảng của ngành công nghiệp không khói"...
Sau ba tháng phát động và treo băngrôn, ngành du lịch thống kê được rằng số khách du lịch tăng hơn một người so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là có triển vọng. Hội nghị các chuyên gia lại được mở ra để đánh giá tình hình.
Tất cả các nhân vật ưu tú nhất thành phố trong nhiều lĩnh vực đều thống nhất rằng các biện pháp tuyên truyền cần phải bình dân hơn một chút cho mọi người dễ hiểu. Các công việc cần thiết được triển khai ngay. Ngành truyền hình thuê hẳn mấy nhóm tấu hài cấp tốc dựng lên chương trình “Gặp nhau cuối ngày” với những tiểu phẩm hài hước dễ hiểu và dễ cười nhất.
Ví dụ như nhóm “Cù nhầy” với tiểu phẩm về một cô nàng bị chồng bỏ vì cái tội quá mê hát karaoke, nhờ hay cười với du khách đã được một ông Tây cưới làm vợ vì mê nụ cười rộng mở của nàng.
Nhóm “Lãng xẹt” lại có tiểu phẩm “Lọ Lem tân kỳ” kể về một cô bé nghèo khổ nhờ luôn nở nụ cười mà được một nhóm khách du lịch đang nhậu tặng một lon bia. Dưới nắp lon bia may mắn ấy là một giải thưởng trị giá cả tỷ đồng, thế là cô bé trở nên giàu có và cưới được một chàng hoàng tử đẹp trai như anh Long Vũ...
Ngành thông tin tuyên truyền cũng có những thay đổi đáng kể. Các băngrôn cũ được hạ xuống và thay bằng các khẩu hiệu khác hình tượng hơn như: “Hãy cười với những người đến từ phương xa”, “Hãy cười thân thiện với những người mũi cao, đeo balô, mặc quần soọc và áo thun ba lỗ”...
Ba tháng nữa trôi qua trong sự hồi hộp chờ đợi của những người có trách nhiệm. Kết quả là số khách nước ngoài tăng hơn hai người so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành truyền hình cho biết lượng người xem tivi tăng vọt. Đặc biệt khoa cấp cứu bệnh viện tỉnh đã đón được số bệnh nhân nhiều gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, đa số là tai nạn giao thông do mải đọc các khẩu hiệu.
Các chuyên gia lại có dịp ngồi lại để trổ tài hùng biện. Có vị cho rằng các biện pháp tuyên truyền vẫn chưa cụ tahể, thiết thực. Có vị lại kể rằng dân tình đã cười nhiều hơn nhưng họ chỉ cười khi xem các tiểu phẩm hài hoặc khi đọc các câu khẩu hiệu giăng đầy trên đường, còn khi gặp du khách thì họ lại chìa ra cái mặt như đưa đám. Vị này lắc đầu, chán nản bảo rằng trình độ dân trí của tỉnh ta còn thấp lắm, chịu thua thôi. Tốt nhất là đưa chương trình “Nụ cười cho du lịch” vào chương trình giáo dục ngay từ lớp mẫu giáo. Cuối cùng ý kiến của chuyên gia ngành kinh tế được mọi người đồng tình nhất, vị này cho rằng tốt nhất là đưa ra chương trình “Nụ cười có thưởng”.
Chương trình “Nụ cười có thưởng” được thực hiện ngay lập tức. Mỗi người dân thành phố được phát một cuốn sổ. Đại khái là: Ngày... cười với ông S., người Anh, ký nhận. Ngày... cười với bà M., người Pháp, xác nhận... Đến cuối tháng đem sổ tới lĩnh thưởng. Quy định là mỗi nụ cười đổi được 10 kg cà phê hoặc một tạ muối, hay 6 kg đường hoặc một con cá ba sa 2,1 kg.
Chương trình này có hiệu quả ngay lập tức. Một đồn mười, mười đồn trăm, người tứ xứ đổ về ào ạt. Dân tình khấm khá hẳn lên nhờ trúng thưởng. Riêng các ông chủ nhà hàng và khách sạn thì cười suốt ngày nên phần thưởng xài không hết liền đem góp ngay cho các quỹ từ thiện. Chỉ một rắc rối nho nhỏ là bệnh viện phải mở thêm khoa đặc biệt chuyên chữa sái quai hàm và ngộp thở do cười quá nhiều.
Bây giờ nếu giở cuốn sách hướng dẫn du lịch (in bằng tám thứ tiếng) ra xem thì các bạn sẽ thấy sáu ngôi sao to tướng (nghĩa là “nơi không thể không đến”) ở trang giới thiệu về thành phố Hoa Biển.
 
Hệ tại... gia
Năm học mới bắt đầu. Biết các bác đang bộn bề bê bối, đáng nhẽ dân đen bọn cháu nên an phận thủ thường, tập trung vào cái “vi mô” như đưa con đón cháu, khuân sách vác vở... để các bác lo toan các bài toán “vĩ mô”. Nhưng thú thật, thấy các bác vất vả mà thương quá! Nhà cháu trong khi trằn trọc nghĩ cách hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí đầu năm mới sực nảy ra một ý.
Này nhé, hiện nay đang có chủ trương “xã hội hóa giáo dục”. Theo nhà cháu hiểu, chủ trương này nhằm huy động sức lực của xã hội vào việc chăm lo cho giáo dục! Nhưng chật vật quá phải không? Thật ra việc này dễ ợt! Muốn mọi người tích cực tham gia chỉ cần đưa nó lên một tầm cao mới, đến tột đỉnh... Đó là “giáo dục hóa... xã hội”. Đến mức này rồi, rõ ràng việc giáo dục là của dân, ắt họ phải lo thôi!
Nói thì nghe rối như vậy. Nhưng biện pháp tiến hành dễ ợt! Chỉ cần “đa hệ” thêm một chút nữa. Nghĩa là ngoài những gì đang có như chính qui, tại chức, dân lập, từ xa..., chỉ cần thêm một hệ đào tạo mới, đó là “hệ tại... gia”! Nó tương tự như hệ tại chức của người lớn nhưng dành cho trẻ con. Hoạt động theo nguyên tắc “học tại nhà, ra thi tại lớp”. Nghĩa là cứ giao phó việc dạy cho gia đình lo, bọn học trò cứ phởn phơ ở nhà mà học. Bố mẹ, anh chị sẽ đảm đương việc dạy dỗ chúng, còn các bác chỉ lo mỗi việc tổ chức thi cử, cấp bằng.
Xin phép trình bày một số ưu điểm của hệ này:
Thứ nhất, nó sẽ giải quyết toàn bộ những “tâm tư” về cơ sở vật chất từ đó đến giờ. Lúc này làm gì còn tình trạng thiếu trường thiếu lớp, ca bốn ca ba, bàn cao ghế thấp, bảng lóa bảng mờ...! Kể cả tình trạng thiếu giáo viên sẽ không còn nữa. Thậm chí các bác còn phải lo bố trí việc làm cho họ đấy!...
Nó sẽ giúp chấm dứt ngay hiện tượng học thêm đang làm các bác đau đầu. Không có ai lại ép con xin tiền mẹ đóng cho bố để học thêm bao giờ... Ngoài ra, nó còn khẳng định trách nhiệm giáo dục một cách cụ thể. Lúc này rõ ràng “con hư tại mẹ” còn trò hư đương nhiên là tại... cha! Giữa nhà và trường không còn nhập nhằng đổ lỗi cho nhau.
Thứ hai, nó sẽ giảm tải cho phụ huynh! Từ nay chấm dứt cảnh sáng đưa trưa đón, chiều chờ đêm đợi... Vĩnh biệt chạy đua vào lớp chọn trường chuyên... Và nhất là khỏi ưu tư về “phí” học.
Bọn học trò...? Bảo đảm là chúng sẽ sung sướng vô ngần? Nào là khỏi mang khỏi vác, không phải soạn bài, giã từ roi vọt, thôi đứng cột cờ, hết lo bị liếm ghế... Chao ơi! Có “môi trường thân thiện” nào tuyệt diệu hơn... nhà mình nữa!
Nhà cháu hiểu các bác còn đang e ấp về chất lượng phải không? Việc này cứ vô tư! Làm sao có thể thấp hơn... kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi được!... Còn chỉ tiêu vưỡn hoàn toàn nằm trong tầm khống chế của các bác. Cứ việc tổ chức thật “nghiêm túc” như các kỳ thi tốt nghiệp, làm sao chúng... rớt được mà lo. Kết quả sẽ cực kỳ rực rỡ! Sợ phụ huynh không đủ “sư phạm” ư”?! Đừng ngại, vì tương lai con em của mình họ phải cố gắng học tập. Họ sẽ lần lượt “tiểu học hóa”, “cơ sở hóa”, “phổ thông hóa”, “cao đẳng hóa”, “đại học hóa”... Dần dần chả mấy chốc mà “hóa” thành... tiến sĩ như chơi... Thật ra nó còn rất nhiều ưu điểm nữa mà nhà cháu không sao kể xiết...
Thưa các bác!
“Hệ tại gia”, nói cho cùng, không phải là sáng kiến mới mẻ gì đâu. Nó chỉ hợp thức hóa những gì đang được vận hành thôi, đừng sợ thiên hạ bị sốc! Chẳng phải từ trước đến nay bọn trẻ đến “nhà trường” nhưng vẫn học tại “trường... nhà” đấy ư?!
 
Nhà cao cấp giá bèo
Với mỗi người dân thành phố, vấn đề nhà ở không thể gọi là quan trọng mà phải gọi là quan trọng nhất. Chả thế mà giá đất, giá nhà còn được chú ý hơn giá vàng, và thị trường thì lưu truyền khẩu hiệu làm tiêu chuẩn kén chồng của các cô xinh đẹp: "Nhà mặt phố, bố làm to". Nghĩa là nhà đứng trên tất cả.
Nắm bắt được nhu cầu này, Tập đoàn xây dựng Caraven B (để phân biệt với thuốc Caraven A) đã chọn một địa điểm lý tưởng, xây dựng một chung cư vào loại hiện đại bậc nhất ở một quận trung tâm, sau đó bán các căn hộ để kiếm lời. Ngày khai trương thật rầm rộ, có cắt băng khánh thành, có truyền hình trực tiếp và múa minh họa. Giá cả đương nhiên là cao, nhưng tập đoàn đã quảng cáo nhấn mạnh những ưu điểm của căn hộ như sau:
1 - Có thang máy.
2 - Có bể bơi trong sân.
3 - Có bảo vệ canh gác suốt ngày đêm.
4 - Có hệ thống cứu hỏa tự động.
5 - Có siêu thị ngay trong khu nhà.
6 - Có hệ thống camera quan sát.
7 - Không bị kẹt xe.
8 - Gần nơi làm việc
Với 8 ưu thế vượt trội trên, tập đoàn Caraven B chắc mẩm là chỉ vài tuần các căn hộ sẽ được mua sạch (thậm chí ban giám đốc tập đoàn còn lén lút mua trước vài căn ở vị trí tốt, hy vọng sau này bán kiếm lời).
Nhưng ngạc nhiên thay, cả tuần, rồi cả tháng sau cũng chả thấy ma nào tới mua. Ban quản lý họp một tuần sáu buổi, đề ra các phương thức quảng cáo ì xèo trên tivi và báo chí, lập ra các giải khuyến mãi hấp dẫn, hứa hẹn các buổi tham quan du lịch Thái Lan kèm Mêhicô. Vô ích, vẫn chẳng có một căn hộ nào được người mua ngó tới.
Lo sợ cuống cuồng, ban quản lý dự án phải mở cuộc điều tra toàn diện. Kết quả đã gây bất ngờ, sửng sốt và choáng váng cho họ: cao ốc ấy không bán được vì nó được xây dựng bên một đại lộ bị nước mưa ngập triền miên.
Khách hàng lý luận:
1 - Việc gì phải cần đến thang máy khi tại khu phố ấy hễ mưa xuống là nước dâng tới mọi tầng lầu. Chỉ cần đeo vào thắt lưng một cái phao, ai cũng được nhẹ nhàng nâng lên tới tận cửa (và thậm chí tận giường).
2 - Bể bơi để làm gì khi mà cứ chiều chiều, toàn bộ khu phố ấy lại biến thành một bể bơi lai láng. Bể bơi chung cư chỉ có nước màu xanh, trong khi bể bơi thiên nhiên lại có màu vàng, màu đỏ và màu chuột chết rất phong phú.
3 - Đâu cần bảo vệ vì chẳng tên trộm nào có thể lội nước vào khu vực này. Những đồ ăn cắp được sẽ bị ướt hết, nhất là tivi, tủ lạnh. Bị nhúng nước từ đầu đến chân, tên trộm sẽ rét run cầm cập và đừng hòng lê bước nổi.
4 - Hệ thống cứu hỏa thiên nhiên ở đây thuộc loại hiện đại nhất. Do tất cả mọi thứ đều thường xuyên ướt sũng, vấn đề của dân khu vực này là làm sao cho các thứ cháy được (nhất là bếp nấu ăn) chứ không phải tắt đi.
5 - Siêu thị để làm gì khi mỗi cơn mưa vừa qua, hàng hóa đủ kiểu lại trôi bềnh bềnh từ bên nọ sang bên kia, từ đầu phố tới cuối phố. Thôi thì chẳng thiếu thứ gì: động vật tươi sống có chó mèo, đồ dùng gia đình có nồi xoong, đồ dùng học tập có sách vở...
6 - Khu phố ấy năm nào cũng thế, hễ cứ ngập nước là được lên tivi. Dân ở đây ai cũng từng là diễn viên, nên việc lắp camera quan sát của tập đoàn Caraven chả có ấn tượng gì.
7 - Lý do áp chót là không có kẹt xe: kẹt làm sao được vì cứ mưa là tất cả xe cộ đều chết máy, đứng im một chỗ. Cả thành phố đều biết điều ấy nên ai cũng tránh xa con đường này, ngay cả giữa trưa nắng, thì xe đâu mà kẹt.
8 - Ưu điểm cuối cùng: gần nơi làm việc. Do đặc điểm ngập nước của vùng này nên toàn dân nơi đây đều làm công tác sấy khô, chùi bugi, chống mốc... ngay tại nhà mình đã bao đời, cần gì phải đi đâu nữa.
Tóm lại, tập đoàn xây dựng Caraven B đã thất bại thảm hại. Những căn hộ cao cấp của họ không có người mua, nổi lềnh bểnh trên biển nước như một tảng bèo.


Xây nhà không tốn một xu
Là nhân viên quèn tại một cơ quan, tất nhiên cả đời tôi chỉ mơ ước làm sao có một căn phòng (chứ không phải căn nhà) để tấm thân gầy gò có chỗ ra vào.
Hằng ngày đi lại trên phố, nhìn những "lâu đài" cả chục tầng lầu, tôi vẫn tự hỏi sao mà trên đời này lại có những người sướng đến thế không biết, sao mà họ có thể là chủ của những tài sản khổng lồ (mà chỉ một cái bồn tắm ở đó cũng đắt hơn "căn hộ" của mình). Tôi thầm nghĩ, muốn có những tòa nhà ấy, hoặc phải có bố hay chú bác làm vua, hoặc ít nhất làm quận công từ kiếp trước, hoặc phải là chủ mỏ vàng, hoặc may mắn cưới được công chúa.
Nhưng tôi tự cho mình là kẻ thông minh. Cái gì thiên hạ sắm bằng tiền, tôi sắm bằng trí khôn. Tôi vẫn ngâm nga một câu thơ... cổ:
Làm trai sống ở nơi nhà đất
Quyết phải xây gì với núi sông!

Sau bao tháng ngày ngẫm nghĩ, tư duy, nghiên cứu, đúc kết, tôi chợt nảy và một sáng kiến mà chắc chắn sau này (nghĩa là vài tháng nữa) sẽ đi vào sử xanh.
Tôi dốc hết vốn liếng, bán xe máy, bán nồi cơm điện, bán cả quần áo cũ và kính mát, mua một mảnh đất to bằng hai cái chiếu ở một xã ngoại thành. Sau đó, tôi mang mảnh đất đi thế chấp ngân hàng để có được một món tiền còm. Tôi dùng tiền ấy xây ngay một căn nhà... tám tầng lầu, trong khi xin giấy phép xây một căn nhà... trệt! Nhưng khác hoàn toàn với các chủ nhà trong thành phố, tôi phải đích thân đi mua nguyên vật liệu vì sợ chủ thầu dùng những thứ... tốt. Có nghĩa ximăng cương quyết là ximăng giả, gạch dứt khoát là gạch mục, tôn nhất định là tôn gỉ... Tóm lại, chật lượng nhà càng xấu càng tốt.
Sau khi xây xong, ngôi nhà có dấu hiệu nghiêng và rạn nứt. Nhưng đâu có thời gian chờ đợi, tôi hớt hải thuê một chiếc xe ủi cỡ lớn tới, giao nhiệm vụ ủi vào một bên nhà mình với mục đích làm cho nó nghiêng đi.
Tất cả mọi thứ đã xong, tòa nhà thảm hại nhìn như... trái chín trên cành, nghiêng gấp ba lần tháp nghiêng bên Ý chỉ trong vòng có một đêm.
Sáng hôm sau, tôi hồ hởi lên đường. Gọi một chiếc taxi máy lạnh, tôi nói với tài xế:
- Chú chở tôi tới tất cả những tòa nhà cao tầng xây trái phép trong thành phố.
Anh lái xe nhăn nhó:
- Làm sao em biết?
Tôi giảng giải:
- Chú cứ tới những tòa nhà nào trông giống như que củi, hoặc những nơi chung quanh thấp lè tè lại có một ông nhô cao bất thình lình thì chắc chắn đúng.
Anh lái xe y lời và quả không sai. Đến những căn nhà ấy, tôi lớn tiếng đòi gặp chủ nhân, bộ điệu như ông lớn về làng. Khi chủ nhân ra, tôi bèn ném toẹt vào mặt một xấp hình:
- Ông tính sao?
Chủ nhân ngạc nhiên khi thấy đó là căn nhà sắp đổ của tôi ở mọi tư thế:
- Đây là chuyện gì?
Tôi gằn giọng:
- Đây là nhà tôi. Nó sắp đổ rồi. Ông liệu hồn!
Các ông chủ ai nấy đều nổi nóng:
- Việc quái gì phải liệu hồn. Nhà anh đổ thì kệ xác anh chứ.
Tôi cười nhạt:
- Đúng là đồ cạn nghĩ. Nhà tôi đổ thì sao? Thì cả thành phố sẽ ầm lên, sẽ điều tra lý do gì xây dựng trái phép mà cao đến thế, ẩu đến thế. Người ta sẽ giật mình, sẽ coi lại tất cả các nhà cao tầng cơi nới bậy bạ. Thử hỏi lúc đó ông còn ngồi chễm chệ được chăng?
Chủ nhân nghe ra, kêu trời ba tiếng, ngã vật xuống đất phải 10 phút sau mới tỉnh. Ông ta lật đật điện thoại gọi tất cả đám chủ nhà cao tầng đã hoàn công hoặc chưa hoàn công mà sai giấy phép. Cả bọn ùa nhau đến nhà tôi, nhìn thấy nó sắp đổ, họ lăn ra nài nỉ:
- Xin bác làm sao cho nó đứng yên, chứ để nó đổ thì bọn em chết.
Tôi đanh giọng:
- Biết vụ mấy cái xe buýt chưa? Cũng chỉ vì xe hỏng nên người ta mới rà soát lại. Xây dựng cũng thế, nếu không có nhà đổ thì tai nạn sẽ qua. Biết điều thì nhanh nhanh góp tiền ra đây để ta sửa nhà, không thì chết cả đám.
Các chủ nhân dạ ran, răm rắp nghe lời và tiếp hàng khẩn cấp, chở đến cho tôi xi măng ngoại, sắt thép tốt và bỏ tiền cho tôi sửa lại hoàn toàn thành một căn nhà cao vút, cứng như đá, thẳng tắp không một vết nứt.
Tôi trở thành tỷ phú, chưa kể đám chủ nhà tuần nào cũng qua thăm.
 
Ai cũng thi
Trước kỳ thi tốt nghiệp trung học sơ sở, sếp đầu ngành giáo dục tỉnh triệu tập các trưởng phòng giáo dục các huyện, ra chỉ thị: "Tỉnh ta không được để mất mặt với các tỉnh bạn, nhất là khi lãnh đạo của bộ quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục của tỉnh ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không huyện nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%".
- Sếp yên tâm... - Các trưởng phòng giáo dục đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho các trường tự lo".
Vừa về đến nơi, các trưởng phòng giáo dục liền triệu tập hiệu trưởng các trường trong huyện nhà, ra chỉ thị:
- Huyện ta không được để mất mặt với các huyện khác, nhất là khi lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục huyện ta. Do đó, tôi ra chỉ tiêu không trường nào có học sinh thi rớt. Phải đậu 100%...
- Sếp yên tâm... - Hiệu trưởng các trường đồng thanh nhất trí nhận chỉ thị. Các ngài nghĩ: "Chuyện này giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp tự lo".
Các ngài hiệu trưởng, tất nhiên, không muốn trường mình bị tụt hạng, vì điều đó có nghĩa là hiệu trưởng không có năng lực. Mà không có năng lực nghĩa là con đường tiến thủ của các ngài đi tong. Do đó, các ngài bèn triệu tập giáo viên chủ nhiệm để ra chỉ tiêu:
- Các lớp phải đậu 100%, không có học sinh yếu kém...
Các giáo viên chủ nhiệm biết rằng nếu lớp mình có một học sinh thi rớt thì mình sẽ mất tiên tiến và con đường phát triển sẽ rất là lầy lội nên đồng thanh nhất trí.
Nhưng vấn đề là làm sao 100% học sinh đậu đây! Các giáo viên chủ nhiệm chặc lưỡi: "Chuyện này để gia đình học sinh tự lo". Thế là một chiến dịch "tém dẹp" bắt đầu. Các giáo viên chủ nhiệm bèn điểm mặt học sinh yếu có khả năng thi... không đậu để hành xử. Bước đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh học sinh lên và bảo:
- Con của anh (chị) không đủ sức học trường này, tội nghiệp. Tôi đề nghị anh (chị) đưa nó sang hệ bán công...
- Nhưng gần cuối học kỳ rồi, đâu có trường nào nhận?
Giáo viên chủ nhiệm cố thuyết phục:
- Con anh (chị) thi kỳ này cũng chẳng đậu... Nếu gia đình đồng ý chuyển sang trường nào khác, sang năm nếu không đậu thì trường sẽ nhận lại...
Đó là cách giải quyết nhẹ nhàng nhất. Nhưng còn những phụ huynh không đồng ý thì sao? Lúc ấy giáo viên chủ nhiệm sẽ chuyển sang chương trình "học sinh tự loại". Các học sinh yếu sẽ bị truy bài liên tục và giáo viên càng nhồi thì các em càng không hiểu gì cả... Và càng không hiểu gì cả thì càng bị kêu lên bảng, đứng trình diện trước lớp, được nêu tên trong danh sách học sinh yếu kém nhiều hơn... Sau cùng, không chịu đựng nổi sự tra tấn tinh thần, chính các em học sinh phải tự động... trốn học, hàng ngày vẫn cắp sách đến trường nhưng không đến trường mà lại đi đâu đó... Đến khi cha mẹ phát hiện thì cũng phải xin chuyển trường hoặc bị đuổi học mà thôi.
Từ lúc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đến khi có kỳ thi thì các trường cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu làm sạch học sinh dốt. Các em đó đi đâu về đâu, giáo viên chủ nhiệm không cần biết. Lãnh đạo tỉnh, huyện lại càng không cần biết. Chuyện ấy xã hội lo. Điều mà họ quan tâm là con số phần trăm sau các kỳ thi... thành tích mà họ phải đậu cho được.
Đời ai cũng phải thi cả mà!
Du lịch đặc sản
Sự bùng nổ khách du lịch vào nước ta khiến nhiều công ty làm dịch vụ choáng váng, sau đó sướng tê tê, say lảo đảo và cuối cùng là chạy cuống cuồng.
Xe thiếu, phòng ngủ thiếu, phòng vệ sinh thiếu và phòng... cháy cũng hơi thiếu, nhưng có lẽ quan trọng nhất là thiếu hướng dẫn viên. Ai chả biết, khác với lái xe ôm hoặc chèo đò, hướng dẫn viên du lịch phải giỏi ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, lịch sử, thông thạo kỹ năng cấp cứu y tế (chẳng hạn nhỡ khách bị rắn cắn), có một bề dày hiểu biết về truyền thống, giai thoại và... ẩm thực.
Yến Chi là nhân viên đánh máy của công ty du lịch có cái tên rất ấn tượng "Đi, nhìn và sửng sốt". Việc của cô nàng xưa nay là đánh máy, phân loại giấy tờ và bưng khay trà lên mỗi khi giám đốc có khách. Cho nên Yến Chi rất ngạc nhiên khi buổi sáng hôm đó, giám đốc bưng bình trà xuống phòng nàng:
- Cô Chi này, cô phải giúp tôi, nếu không tôi sẽ chết ngay trước mắt cô bây giờ!
Yến Chi hốt hoảng:
- Thưa anh, chuyện gì mà nghiêm trọng thế?
Giám đốc toát mồ hôi:
- Có một đoàn khách cần khởi hành gấp. Mà mọi người trong công ty đều đang bận túi bụi với các đoàn khác chưa về. Không còn ai nữa, em phải làm hướng dẫn viên khẩn cấp thôi!
Yến Chi giãy nảy:
- Nhưng em không biết ngoại ngữ.
Giám đốc tươi cười:
- Đừng lo, đã có cậu lái xe.
- Ơ, nhưng cậu này cũng đâu có thạo?
Giám đốc giảng giải:
- Nhưng vợ nó biết. Nó lại có điện thoại di động, nếu khách hỏi gì thì nó đưa máy để nói chuyện với vợ nó, rồi cô ta nói lại với nó là xong.
Yến Chi chết khiếp vì sợ:
- Nhưng còn cái vụ lịch sử và văn hóa các di tích, em có hiểu gì đâu mà thuyết trình.
Giám đốc đắc chí:
- Cái vụ đó tôi cũng đã tính đến rồi. (Ông ghé sát đầu vào tai Chi, thì thầm: Em cứ làm như thế, như thế...).
Yến Chi vui vẻ nhận lời. Nàng bỏ một thỏi son môi, một hộp kem dưỡng da và một xếp giấy chùi miệng vào ví đầm rồi leo lên xe 25 chỗ ngồi đầy ắp khách ngoại quốc, đang nổ máy sẵn trong sân công ty.
Qua chiếc loa phiên dịch của anh lái xe, nàng thông báo:
- Kính thưa quý khách, hôm nay công ty sẽ tổ chức cho quý khách một chuyến du lịch đặc sản rất hấp dẫn, độc đáo và kịch tính.
Xe bon bon trên đường nhựa thẳng tắp. Các du khách háo hức nhìn qua cửa sổ, chốc chốc lại vỗ tay tán thưởng Yến Chi khi nàng hắt hơi. Đến một mô đất mênh mông, cây cối um tùm, xe dừng lại. Yến Chi thuyết minh:
- Thưa quý khách! Đây là một địa danh nổi tiếng gọi là Gò Dưa. Đặc sản ở chỗ này là dưa, xin quý khách tham quan cho kỹ.
-Những người ngoại quốc kêu lên thán phục. Họ nhanh chóng tản xuống, mân mê các trái dưa đen bóng, chụp ảnh lia lịa và quay phim ào ào. Sau 2 tiếng đồng hồ, xe chạy tiếp. Tới một vùng đất còn xây dựng ngổn ngang, người đi kẻ lại nhộn nhịp, Yến Chi hướng dẫn:
- Thưa quý khách, chúng ta đang ở trung tâm của khu văn hóa Bàu Cát. Đặc sản ở đây là cát nguyên chất, rất nổi tiếng và được bảo tồn đã hàng ngàn năm.
Các du khách lại reo lên vui sướng, xô nhau xuống xe. Người lăn bò trên cát, người len lén bỏ một nắm vào túi mang về.
Sau khi vui chơi chán chê, xe lại lên đường. Dừng ở một đầm nước rộng, sóng vỗ lăn tăn, thuyền đi lại nhộn nhịp, Yến Chi thông báo:
- Đây là địa danh nổi tiếng Đầm Sen. Ưu thế của nó là có... sen. Xin quý vị cứ tham quan thoải mái.
Tất cả du khách đều reo lên vì bất ngờ, người thì nhào xuống bơi, kẻ thì lao xuống bắt cá. Có bà còn bẻ lá sen đội lên đầu coi rất ấn tượng.
Yến Chi sung sướng mỉm cười. Nàng thấy hóa ra làm hướng dẫn viên cũng không khó khăn gì lắm. Nàng nghĩ sau chuyến này sẽ đổi nghề.
Cuối cùng, nàng mời tất cả mọi người lên xe lúc 5h chiều. Chạy tới một vùng hiu quạnh, có mấy cây cầu gỗ bắc qua sông, Yến Chi tuyên bố:
- Thưa quý khách, chúng ta đang ở khu vực toàn những cây cầu trứ danh, gọi là cầu khỉ. Cứ vài phút, khỉ lại đi qua những cây cầu này. Xin quý vị thưởng thức.
Cả đoàn khách reo mừng và vội vã lấy máy ảnh, máy quay phim ra chờ khỉ đến!
 

ark

Active Member
Một bà bước ra khỏi quán ăn, thấy tên ăn mày tôi nghiệp quá, bà ta liền dúi vào tay anh ta và nói nhỏ :
- Này ! giữ lấy mà đi ăn phở...
Đồng nghiệp ngồi cạnh thấy thế bèn hỏi :
- Ê ! Bả cho bao nhiêu dzị mậy ?
- Cho 2 miếng chanh .
 

ark

Active Member
Ông chồng gọi điện thoại về nhà, một phụ nữ lạ nhấc máy và tự giới thiệu là người giúp việc vừa được bà chủ thuê sáng nay.
- Còn tôi là chồng của bà chủ đây. Bà ấy đâu rồi?
- Ừm... bà chủ đang ở trong phòng ngủ cùng với một người tự xưng là ông chủ.
- Khốn kiếp! Quân lừa đảo! Hãy nghe đây, cô có muốn 50.000 USD không? Tôi muốn cô bắn chết 2 con người bạc nghĩa đó đi. Súng để ở ngăn kéo ấy.
- Đợi một chút.
Có tiếng mở ngăn bàn và 2 tiếng súng vang lên đanh gọn. Người giúp việc nhấc điện thoại hỏi:
- Tôi làm gì với hai cái xác đó?
- Quẳng chúng xuống hồ sau nhà.
- Ôi! Thưa ông chủ, làm gì có cái hồ nào ở đây ạ!
- Cái gì? Không có cái hồ nào ở đó sao?
- ...
- Có phải số điện thoại này là 8244983?
 

ark

Active Member
Một khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, ông đi thăm quan vịnh Hạ Long ( HA LONG BAY) trong một đoàn du lịch do một hướng dẫn viên du lịch người Việt dẫn đi. Sau khi thăm quan xong ông thấy vịnh ở VN rất đẹp và ông hỏi người hướng dẫn viên:
- Ngài có thể đưa đoàn chúng ta đi đến vịnh CAM DAI được không??
Hướng dẫn viên duu lịch:
- THưa ngài đất nước chúng tui không có vịnh nào tên như cậy cả
- Tui thấy quảng cáo kia thỏi
Rồi ông chỉ lên bức tường gần đó thấy ghi "CAM DAI BAY"
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top