Truyện Phan Thị Vàng Anh

Nhân trường hợp chị thỏ bông


Bạn tôi, vợ về quê thăm mẹ. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật, thì buồn. Alô cho một người bạn, và cả hai đi mát-xa.

Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Cô kể chuyện chị thỏ bông đi lạc.

"Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ bông đành ở lại.

Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, 'muốn biết thì ở lại đây đêm nay'. Chị thỏ đen tặc lưỡi ở lại.

Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Ði được một đoạn thì thấy nhà, với anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang."

Cô mát-xa đố: "Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì?"

Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông..., mãi cũng sai, đành hỏi cô.

Cô bảo: "Muốn biết thì ở lại đây đêm nay".

Ðương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái massage tinh ranh làm anh buồn cười - cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.

*
Thưa chị em phụ nữ,

Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.

Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói. "Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình." Nghe như một châm ngôn.

Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy.
Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa.
Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác.
Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác.
Bởi vì các chị quá hiền,
Bởi vì các chị quá dữ,
Bởi vì các chị quá ngăn nắp,
Bởi vì các chị quá bừa bộn...

Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.
Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.

Trong khi đó,
Thưa các chị,
Một món quà nhân ngày phụ nữ mà tôi muốn tặng cho các chị, dù mở ra các chị có thể nhăn mặt, thấy vô đạo đức, gói lại không nhận, là phần phân tích sau vụ việc chị thỏ bông vừa qua để các chị biết thực lực các chị đến đâu:

1. Các chị dễ rơi vào tình huống "chị thỏ bông" hơn các anh .

Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan. Không báo nào răn đe người đàn ông rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; như một nơi an ủi, như một chốn yêu thương; chỉ rất may cho anh, rằng chị đã ở cái thế "bàn thờ" của phụ nữ Á đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì...

2. Luôn có những người khác mà chị không biết

Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.

Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.
Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Ðó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Ðàn ông không nói với các chị rằng, nếu càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chị thành bông hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.

Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.

Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.

3. Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị .

Chị thỏ bông có cái khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ cùng nhai cà rốt với mình.

**
Tóm lại:
Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ?

Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi.

Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi xử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.
Hôm nay, nhân vụ chị thỏ bông, tôi lấy lại chút bình đẳng cho các chị. Còn bây giờ, tôi phải đi. Có người đang đợi tôi để hỏi: muốn làm hoa dại hay hoa nhựa.

Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi chỉ hung hăng thế thôi. Ðể không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.
 
Cuối cùng là lè luỡi

- Lè lưỡi để làm gì?
- Ðể liếm ghế.
- Ghế gì?
- Ghế cô giáo.

Ai đọc mẩu đối thoại trên mà không hiểu thì đúng là chưa đọc báo Tiền Phong, số ra ngày 9.03.2003, với câu chuyện có thật sau mà tôi xin tóm tắt lại:

Cô giáo Phương Lan, 26 tuổi, dạy tiếng Anh, vào lớp, thấy ghế của mình đã bị trò nào vẽ đầy phấn. Cô nổi điên, không chịu để lớp thay ghế mới, không chịu để lớp lau ghế cũ, mà bắt thủ phạm phải tự ra khai báo và lau.
Thủ phạm không đầu thú.
Hình phạt của cô dành cho cả tập thể dung dưỡng tội phạm là: cả lớp lên liếm cho sạch ghế của cô.
47 học sinh lớp 7 của trường PTCS Liên Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã lên liếm sạch ghế cho cô.
Nhưng, cô chưa hả giận. Cô bắt bỏ phiếu kín khai báo thủ phạm. 47 cái phiếu thu về toàn phiếu trắng.
Cô tức giận ra lệnh: lên liếm ghế đợt hai, và không được liếm dối.
47 học trò lớp 7 lại lên liếm lần nữa, ngoan ngoãn.

*

Phần tôi, đọc xong, thấy giận cái "con" cô giáo kia 1, thì giận đám học trò kia 47 (bởi có 47 trò mà!). Giả sử tôi có con học trong cái lớp ấy, nếu đi học về cháu mách, bố mẹ ơi hôm nay con phải liếm ghế cho cô,
- Thế mày không dám bỏ ra khỏi lớp rồi lên mách ông hiệu trưởng à?
- Không ạ!
thì tôi ắt sẽ quật cho cháu nó một trận đến... thụt cả lưỡi vào. Bởi vì, cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!
Và sau khi đánh con xong, phụ huynh (như tôi) sẽ nghiến răng trèo trẹo:
"Hừ hừ... hừ hừ... Ðể xem cái ngành giáo dục lần này xử ra sao, xử ra sao... Thật tức quá, giận quá, tức quá!..."
Rồi lật tung sách Ðạo Ðức của con mình ra, xem thử có bài nào dạy về lòng tự trọng hay không.

*
Lòng tự trọng, đó là cái mà từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã tước dần tước mòn của học sinh, khởi đầu bằng những việc tưởng như nhỏ.

Hồi bé, là lớp phó học tập, khi tôi làm bài, có trò ngồi bên luôn quay cóp. Tôi để yên cho chép nhưng rất khinh. Một lần, trò nhìn không rõ, còn nhấc cánh tay tôi lên. Tôi cáu, mắng: "Không có lòng tự trọng à!" Trò ấy giận, xin đổi chỗ, đến ngồi cạnh một trò khác dốt hơn tôi.
Ôi, cái thời hoàng kim ấy qua rồi! Cái thời mà trẻ con học giỏi học ngu rất phân minh, và nhận đúng những gì mình đáng nhận. Lòng tự trọng của trẻ con được kích thích, khi thước đo giá trị của chúng được rõ ràng.

Nhưng giờ đây, cuộc tỉ thí giữa học trò cũng đã hết. Ðề thi có khi còn được thầy cô cho biết trước. Có khi thầy cô lại còn đọc bài cho chép. Còn nếu mày không cho tao quay bài, mày để cho lớp tụt hạng thì mày chết với cô!

Và lòng tự trọng của lũ học trò chết dần, khi dễ dãi nhận những danh hiệu "giỏi", "xuất sắc" mà mình chưa đáng hưởng, khi ngoan ngoãn thủ tiêu "cái tôi" để làm theo văn mẫu, bài mẫu... Chúng trẻ con mà! Vả lại, có về nói với bố mẹ thì bố mẹ biết thế, nhưng cũng chẳng xui con mình bóp quả cam; tặc lưỡi nói con thôi chấp nhận sự giả dối đi, cho yên chuyện lên lớp.

Ðể rồi từ đó đến việc muốn cho yên chuyện thì liếm ghế, quả thật cũng không xa.

*
Ðấy là chuyện của học trò cấp nhỏ. Ðến sinh viên đại học, thì cái sự lôi thôi tự bằng lòng lại là một hình thức thiếu tự trọng khác.

Tôi nhớ có lần đi ngang một trường đại học lớn ở nước mình. Hông trường có những hàng cà phê "cóc", với các "cử nhân" tương lai ngồi đó, mà nhiều người trong số ấy, xin lỗi, trông nhem nhuốc, tối tăm. Trông họ rất "hãm" cả về quần áo lẫn thần sắc. Cứ nghĩ bụng, không biết đám sinh viên này thiếu một cái gì nhỉ?... Ừ, có lẽ họ thiếu sự kiêu căng về bản thân. (Tôi dùng chữ "kiêu căng" là mức hợm nhất đi, vô lối nhất đi, mức "chiếc áo" của ông "thầy tu" thôi đấy, chưa dám nói đến "kiêu hãnh", mà họ cũng không có được). Họ không thấy mình oai, không tự phục mình vì những gì mình đang có trong đầu. Họ chẳng làm cho đám thanh niên bán CD lậu bên đường ghen tị gì cả, vì cứ nhìn bên ngoài thì có gì khác nhau lắm đâu!

*
Ôi, cái sự kiêu hãnh về bản thân... Vì sao nó cứ dần teo tóp...
Còn nhớ khi bạn mới vào lớp 1 không? Bạn tự hào biết bao nhiêu phải không? "Con học lớp 1.", nói mà mặt nghiêm trang, không đùa đâu đấy! Cả gia đình "lợi dụng" sự kiêu hãnh này để ép bạn ăn thêm một bát cơm ("Mình lớp 1 mà!"), để nói bạn đừng trêu em ("Lớp 1 người lớn ai lại trêu em!")...

Rồi lòng kiêu hãnh ấy mất dần. Chẳng ai khuyến khích nữa. Thế rồi một ngày kia, cái đứa trẻ cách đây mới có bảy năm, bướng bỉnh nhưng đầy tự trọng khi bước vào lớp 1, qua bao nhiêu lửa luyện của một lối giáo dục, đã sẵn sàng cúi đầu liếm cái ghế sạch như lau.
 
Cái không thuộc về y đức

Thảo Hảo


Hôm qua là ngày thầy thuốc Việt Nam.
Hôm qua chúng ta đã tặng hoa và những lời biết ơn.

Nhưng bên cạnh lòng biết ơn chân thành đó, thì cũng phải xét đến điều sau.

Ðó là, phàm ở đời, cái gì người ta càng cần thì càng sợ bị mất lòng. Càng sợ bị mất lòng thì đến dịp cần chúc mừng thì càng chúc mừng nhiều. Thí dụ, kỷ niệm ngày thành lập ngành cao su thì mấy ai nhớ, nhưng ngày hiến chương các nhà giáo thì phụ huynh lũ học trò đã nô nức từ tận mấy hôm trước.

Có lẽ dân ta đối với ngành Y nước ta cũng vậy, mà còn nặng hơn. Bởi vì cái ngành này không chỉ liên quan đến sinh tử, mà còn dính líu đến vô vàn điều không liên quan đến sinh tử, nên cái "cần" và cái "sợ" của người dân đối với ngành này đi liền với nhau, lẫn lộn vào nhau, quyện thành một khối treo lơ lửng trên đầu; đầu người bệnh, và nhất là, đầu người nuôi bệnh.

Tôi còn nhớ, một lần cô tôi đi xe máy và bị ăn cướp giật giỏ xách, làm gãy tay
Người ta đưa cô vào bệnh viện, nằm ít hôm, chờ mổ đóng đinh vào trong xương.
Cô nằm đó, thật như một bà hoàng, ngủ thiêm thiếp cả ngày, tỉnh dậy là ăn một tí, rồi nhìn ngó chung quanh, xem mấy trang báo, đòi uống nước cam, rồi lại lim dim ngủ.

Chỉ có chúng tôi - những người đi nuôi cô là khổ.
Bị cuốn vào dòng xoáy nuôi bệnh rồi, chúng tôi không còn đầu óc đâu mà nghĩ về bệnh tật, sinh - tử. Cũng không nghĩ tới viện phí hoặc giấy tờ.
Chúng tôi chỉ đau đáu nghĩ tới giờ cô đòi... đi vệ sinh, vì mỗi lần như thế, cả đám lại phải đối mặt với cái tưởng là bé nhất mà thật ra lại rất to của các bệnh viện nước mình, ấy là khu nhà vệ sinh, tắm giặt.

Ở cái bệnh viện rất to ấy, rất đông người bệnh và người nuôi bệnh, mà cái khu vực tối quan trọng này lại ẩm thấp và tối tăm, tanh tanh mùi bông băng, đèn tù mù soi những sọt đầy giấy và rác. Ðưa cô tôi vào rồi thì bọn tôi chỉ muốn về nhà để "tẩy trần" ngay.

"Thế này là còn tốt", vẫn có người nói thế.

Bởi vì ở một bệnh viện khác, tại khoa dành cho người bị liệt nửa người, mà phòng vệ sinh là "xí xổm", khiến có bệnh nhân già yếu đành phải chọn cách ngồi bệt xuống, xung quanh là nước chảy ướt đầm đìa...

Hay như ở một bệnh viện lớn khác, nhà vệ sinh cho sản phụ lại ở ngoài hành lang đầy gió, bên trong không có đến một cái đinh móc áo, một cái gương con tối thiểu tiện nghi. Chỉ có một cái xô bẩn, mấy cái vòi, và nước thì lạnh toát. Bồn vệ sinh thì rất bẩn, người nhà thà nhịn còn hơn là phải rùng mình.

"Thế này là còn tốt". Ai cũng nhăn mặt nói thế, trong bệnh viện cô tôi nằm.

Có đi nuôi bệnh thì tôi mới "ngộ" ra, người ta sợ bệnh nhiều phần không phải vì "bệnh" mà vì sự mất vệ sinh của "bệnh viện".

Nếu như bệnh viện của ta cũng như trong phim truyền hình Hàn Quốc: ai cũng sạch, chỗ nào cũng sạch - giường bệnh, nhà tắm, với lại căng tin... thì có lẽ mỗi khi có bệnh, người dân ta đã không trù trừ khi quyết định nhập viện như thế này, đến mức người nhà nhiều phen phải năn nỉ rồi dọa nạt.

Thế đấy, cái đức hy sinh, không muốn làm phiền người khác của dân ta, nhiều khi là do hoàn cảnh (y tế) xô đẩy mà có. Lắm lúc ta không muốn nhập viện không phải vì sợ dao kéo hay kim chích; chỉ vì nghĩ đến cảnh kẻ đi nuôi mình sẽ phải ăn uống, tắm rửa, vệ sinh trong bệnh viện không thôi đã thấy rợn người, mà thương.

Vào nuôi người trong bệnh viện rồi, mới thấy ngành Y tế nếu thương bệnh nhân và người nuôi bệnh một chút, thì cũng chẳng cần phải làm gì nhiều lắm đâu: chỉ cần nghĩ rằng họ cũng như ta, cũng có cái nhu cầu được ăn trong một căng tin sạch sẽ, được tắm giặt trong một nhà tắm sạch sẽ, được thảnh thơi về những nhu cầu vệ sinh tối thiểu, dành tâm trí cho những điều đáng để lo hơn.

Và khi bất lực rồi, thì lại chỉ mong sao có ngay được một ông giám đốc bệnh viện sâu sát và quyết đoán như ông thủ tướng Hun Xen: ông này từng ra lệnh cho khu du lịch Ankor Wat phải xây nhà vệ sinh đàng hoàng, không thì ông cách chức.

Nhưng điều này có lẽ cũng rất khó.

Bởi vì ông giám đốc bệnh viện kia hẳn cũng là bác sĩ.

Mà ngày ra trường của các bác sĩ, chắc có lẽ người ta chỉ đọc lời thề Y đức, mà không đọc lời thề Vệ sinh.
 

avirax

Member
Bé ơi, đọc "nhân trường hợp chị thỏ bông" sớm thế dễ đa đoan lắm...hị hị. Đùa chút, bé đọc "khi người ta trẻ" chưa, viết cách đây đâu có mười mấy năm, đọc hay phết đấy.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top