Truyện dịch

fruit NHO

Active Member
ICH STERBE [*]

Ich sterbe. Nó là cái gì vậy? Đó là những từ tiếng Đức. Những từ ấy có nghĩa là tôi đang chết dần. Nhưng từ đâu tới, nhưng tại sao đột nhiên thế? Bạn sẽ biết, hãy kiên nhẫn. Chúng đến từ xa, chúng đến (như người ta vẫn bảo: “tôi chợt nhớ ra”) từ đầu thế kỷ này, từ một suối nước khoáng ở Đức. Nhưng thật ra nó đến còn từ xa hơn thế nhiều... Nhưng chúng ta đừng vội, trước tiên hãy nhìn cái gần hơn đã. Vậy thì đầu thế kỷ này — nói chính xác hơn, là năm 1904 — trong phòng khách sạn một thành phố có suối nước khoáng ở Đức, có một người đang hấp hối ngồi bật dậy trên giường mình. Ông là người Nga. Các bạn biết tên ông: Tchekhov, Anton Tchekhov. Đây là một nhà văn rất nổi tiếng, nhưng điều này không quan trọng lắm trong trường hợp này, bạn có thể chắc chắn là ông không nghĩ tới chuyện để lại cho chúng ta một lời phát biểu nổi danh của người đang hấp hối. Không, ông không phải là người như thế, chắc chắn không, đây hoàn toàn không phải là phong cách của ông. Danh tiếng của ông ở đây không có gì quan trọng ngoài chỗ là nó đã cho phép những từ kia không mất đi, như chúng có thể mất đi nếu người nói ra là bất cứ ai, bất cứ một người đang hấp hối nào. Nhưng cái quan trọng của ông giới hạn ở chỗ đó. Một cái gì khác cũng quan trọng vậy. Tchekhov, như các bạn biết, là một người thầy thuốc. Ông bị ho lao và ông đã đến đấy, trong thành phố suối nước nóng kia, để chữa bệnh, nhưng thực tế, như ông đã tâm sự với các bạn bè bằng cái giọng mỉa mai nhắm vào chính mình, kiểu khiêm tốn độc địa, kiểu hạ mình mà chúng ta ai cũng biết nơi ông, để “chết”. “Ta đến đấy để chết”, ông nói với họ. Vậy thì ông là thầy thuốc, và vào giây phút cuối cùng, khi bên cạnh giường có một bên là vợ ông và bên kia là một bác sĩ người Đức, ông bật dậy, ông ngồi, và ông đã nói, không phải bằng tiếng Nga, không phải bằng thứ tiếng của mình, mà bằng thứ tiếng của người kia, tiếng Đức, ông đã nói to và phát âm rõ ràng chữ “Ich sterbe”. Và ông ngả người xuống, chết.

Và giờ đây những từ ông nói ra trên chiếc giường kia, trong căn phòng khách sạn ấy, cách nay ba phần tư thế kỷ, đến... do ngọn gió nào đẩy đến... nằm ở đây, một mẩu tro than đã ngả đen, đang đốt cháy trang giấy trắng... Ich sterbe.



Khôn ngoan. Khiêm tốn. Biết lẽ phải. Lúc nào cũng rất ít đòi hỏi. Bằng lòng với những gì người ta cho mình... Và ông bị lột hết sạch, mất hết chữ... ông không có chữ nào... nó chẳng giống bất cứ gì, nó chẳng nhắc nhở điều gì cho đến nay đuợc bất cứ ai kể lại, cho đến nay chưa hề ai tưởng tượng... nó chắc chắn chính là cái mà người ta bảo là không có chữ để nói ra... không còn có chữ nào ở đây... Nhưng thế thì gần đấy thôi, trong tầm tay ông, sẵn sàng để sử dụng... với cái túi bác sĩ, những dụng cụ kia... đấy là một từ chế tạo ở Đức, một từ mà ông bác sĩ Đức kia thông thường dùng để chứng nhận một cái chết, để thông báo cái chết cho những người bà con, một động từ chắc và mạnh: sterben... cám ơn, tôi sẽ chọn nó, chính tôi tôi cũng sẽ chia động từ đúng cách, tôi sẽ sử dụng nó đúng như cần thiết và sẽ đem áp dụng khôn ngoan cho chính mình: Ich sterbe.

Chính tôi, tôi sẽ mổ xẻ... chẳng phải tôi cũng là bác sĩ đó sao?... sắp xếp thành những chữ... Một ca mổ sẽ đưa trật tự vào cái mớ vô trật tự vô bờ bến kia. Điều không nói được sẽ được nói. Điều không suy nghĩ được sẽ được suy nghĩ. Điều vô lý sẽ được trả về cho lý trí. Ich sterbe.

Cái trong con người tôi đang bềnh bồng... đang chùng xuống... đang chệnh choạng... đang run rẩy... đang phập phồng... đang rung rinh... đang chia tách... đang sổ tung... đang phân rã... Không, không phải nó... hoàn toàn không phải loại đó... Nó là cái gì? A nó đây rồi, nó ở đây, nó đến ẩn náu ở đây, trong những từ rõ ràng, đóng kín kia. Nó lấy hình dáng của chúng. Những đường viền quanh vạch rõ nét. Nó bất động. Nó đông đặc. Nó dịu lại. Nó nguôi dần. Ich sterbe.

Bị lôi kéo, bị cuốn đi, đồng thời vẫn cố gắng cưỡng lại, bám víu, níu chặt vào cái đang nổi bật trên bờ mép kia, chỗ nhô lên... đá, cây, rễ, hòn đất... nắm đất xứ lạ... đất rắn: Ich sterbe.

Không ai đến tận nơi tôi đang có mặt có thể... nhưng tôi, thu hết những gì còn lại trong sức mạnh của mình, tôi bắn phát súng ấy, tôi gửi đi tín hiệu ấy, cái dấu hiệu mà người quan sát tôi từ nơi ấy nhận ra tức thì... Ich sterbe... Bạn nghe tôi nói chứ? Tôi đã đến tận cùng... Tôi ở tận bờ mép... Nơi tôi đang có mặt đây là điểm cực cuối... Chỗ nó chính là đây.

Ich sterbe. Một tín hiệu. Không phải một tiếng gọi kêu cứu. Nơi tôi đang có mặt không thể có gì cứu được. Không còn gì trông nhờ được. Bạn cũng biết như tôi biết cái gì đã xảy ra. Không ai có thể biết hơn bạn biết tôi đang nói tới cái gì. Vậy nên bạn chính là người mà tôi nói: Ich sterbe.

Nói với bạn. Bằng ngôn ngữ của bạn. Không phải với nàng bấy giờ cũng có mặt ở đấy, bên cạnh tôi, không phải bằng ngôn ngữ của chúng tôi. Không phải với những từ quá êm dịu của chúng tôi, những từ đã được luyện mềm, những từ đã hóa ẻo lả bởi chúng tôi cứ đem sử dụng mãi, bởi chính chúng bị quay nhồi trong những chùm cười chúng tôi bật ra khi chúng tôi không đủ sức chống phải chịu bó tay... ôi hãy dừng tay, ôi tôi đang chết đây... những từ nhẹ tênh mà chúng ta đã đưa vào những tiếng thì thầm của chúng ta, đã để trút ra trong những tiếng thở dài của mình, khi trái tim đập phong phú những nhịp đời... tôi đang chết.

Anh đang nói gì đấy, anh yêu, anh không còn biết mình đang nói gì rồi, không có chữ “tôi đang chết” giữa chúng ta, chỉ có chữ “chúng ta đang chết”... nhưng chuyện này lại không thể xảy ra cho chúng ta, không cho chúng ta đâu, không cho em... anh biết rõ là anh đã nhầm ra sao khi anh nhìn thấy mọi thứ đều bàng màu đen, khi anh có những khoảnh khắc tuyệt vọng của mình... và anh biết, chúng ta đều biết, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy, anh và em, như thế nào, sau đó, mọi thứ lại đâu đấy ổn thỏa... đúng, đúng, vâng, em nghe anh đây... nhưng nhất thiết anh hãy đừng tự làm mệt mình, đừng có kích động như thế, hãy đừng ngồi... không tốt cho anh đâu... đấy, đấy, vâng, em hiểu, vâng, anh đang đau... vâng, đau đớn lắm... nhưng rồi nó sẽ qua, anh sẽ thấy, như cơn đau những lần khác... nhưng nhất thiết anh hãy nằm xuống, đừng nhúc nhích, hãy yên tĩnh...

Không, không phải những từ của chính chúng tôi, quá nhẹ, quá mềm, chúng sẽ không bao giờ có thể vượt qua được cái hiện giờ đang mở ra giữa chúng tôi, đang há rộng... một khe hở mênh mông... mà là những từ kết chặt và nặng mà chưa một làn sóng vui vẻ, khoái lạc nào từng lướt khắp, chưa một nhịp mạch nào từng đập, chưa một làn hơi nào dao động... những từ trơn nhẵn và cứng như những quả bóng xứ Basque,[1] mà tôi dùng hết sức mình ném mạnh vào con người ấy, vào một tay chơi bóng lão luyện được đặt đứng vào chỗ tốt và đã đón nhận chúng không nao núng đúng ngay chỗ chúng phải rơi xuống, trong cái đáy rổ[2] hẹp được đan bện chắc chắn.

Từ nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, từ bao lâu nay, nó vẫn ở đó, phía sau tôi, cái mặt trái không tách rời của tôi... và thế là chỉ bằng một phát một, chỉ với hai từ đó, với một cái vặn nguyên người ghê gớm tôi tự lật ngược mình... Bạn thấy đó: mặt trái của tôi đã trở thành mặt phải. Bây giờ tôi là con người như tôi vẫn phải là trước đây. Rốt cuộc mọi thứ đều trở về trật tự: Ich sterbe.

Với những từ mài giũa kỹ ấy, với lưỡi dao chế tạo tuyệt hảo ấy, lưỡi dao tôi chưa hề dùng tới, chưa hề có gì làm cho dao cùn đi, tôi đi trước thời gian, và tôi, chính tôi nói dứt khoát: Ich sterbe.

Sẵn sàng cộng tác, rất ngoan ngoãn và đầy thiện chí, trước khi bạn có thể bắt tay làm, tôi đặt mình vào chỗ của bạn, cách xa tôi, và cùng cách như bạn sẽ làm, với cùng những lời lẽ như lời lẽ của bạn, tôi lập biên bản ghi nhận.

Tôi gom hết sức lực của mình, tôi nhổm dậy, tôi ngồi lên, tôi kéo về mình, tôi hạ thấp ngang mình phiến đá lát, tấm đá bia mộ nặng... và để nó nằm vào thật đúng chỗ của nó, tôi nằm dài dưới nó...

Nhưng có thể... khi ông nâng phiến đá lên, khi ông dang hai cánh tay giữ nó nằm bên trên mình và sắp hạ nó xuống trên người mình... ngay cái lúc ông ngã ngửa người dưới nó... có thể đã có cái gì giống như một nhịp tim đập yếu ớt, một sự rùng mình cực kỳ mơ hồ, một chút nhỏ dấu hiệu chờ đợi sinh động... Ich sterbe... Và con người bấy giờ đang quan sát ông, và là người duy nhất có thể biết được, thí dụ người ấy sắp can thiệp vào, nắm chặt tay ông, giữ ông lại... Nhưng không, không còn ai nữa, không còn tiếng nói nào nữa... Bây giờ đã là trống vắng, im lặng.



Như các bạn thấy đó, đây chỉ là vài ba cái rối rắm nhẹ, vài ba lượn sóng ngắn bắt được giữa tất cả những lượn sóng, vô số, sinh sản từ những từ kia. Nếu có ai trong số các bạn thấy trò chơi trên tiêu khiển được, những người ấy có thể — ở đây cần có kiên nhẫn và thời gian — vui chơi bằng cách phát hiện những trò chơi kiểu ấy. Trong mọi trường hợp họ sẽ có thể chắc chắn là mình không nhầm lẫn, tất cả những gì họ nhận ra được đều có ở đấy, trong mỗi chúng ta: như những vòng tròn cứ sẽ tiếp tục lớn dần khi, được ném từ rất xa và ném rất mạnh, những từ kia rơi vào chúng ta và làm rung chuyển toàn bộ con người chúng ta: Ich sterbe.
 

fruit NHO

Active Member
TRÁI TIM CHÁY

J.-M. G. LE CLÉZIO
1



Người mà cô muốn nhìn thấy, ấy chính là Pervenche, chỉ mình Pervenche thôi, đúng như con bé xuất hiện trên tấm ảnh mùa hè năm 82, gần ba tuổi, chút người nữ nhỏ xíu mặc một cái quần xà lỏn trắng và một cái áo thun tay ngắn có in hình một con hoàng yến Tweety màu vàng, đứng trước ngôi nhà ở đường Tulipanes và cái mảnh vườn lan tràn cỏ dại, cùng với nguyên đám những đứa trẻ, Josefina tức Pina, con chị cả, Rosalba la Güera rất xanh xao, dáng bệnh hoạn, Clementina, con bé Maïra, Beto thằng chăn cừu, và Carlos, người ta gọi nó là Carlos Quinto, đứng hơi trước những đứa khác, cái áo sơmi hở bụng, tóc để dài như con gái do trước đó mẹ nó đã khấn cho nó được lành chứng bệnh ban đỏ độc địa. Dĩ nhiên có cả Chavela, con bé mồ côi, nhưng nó không muốn xuất hiện trên tấm ảnh, lúc nào cũng mặc quần áo cũ, mặt mày đen đủi vì khói và tóc thì xoăn tít dựng đứng trên đầu và lẫn những cọng rơm. Và trong căn nhà nhỏ bằng xi măng gần đấy, mẹ con bé Pina, một người đàn bà đẹp dáng hơi uể oải, suốt ngày ngồi sơn móng tay, và bên cạnh bà là ông của nó, một ông già có cái vẻ một trưởng lão chuyên gọi ong đến bằng cách lấy muỗng đánh lên một cái soong cũ.

Clémence muốn thời gian này kéo dài thêm nữa. Trên tấm ảnh, Pervenche đứng sát vào người cô, hai cánh tay nhỏ mũm mĩm đưa cao ra phía sau để tìm bàn tay của chị nó, một nụ cười e thẹn trên khuôn mặt tròn quay của nó, trông gần như một kiểu nhăn mặt trước khi khóc. Nó nói không được rành rẽ, nó kêu “aboua” khi nó khát, “doucé” khi nó xin một cái kẹo. Clémence không khi nào chịu rời tấm ảnh đó, ngay nhiều năm sau này, khi là sinh viên ở Bordeaux cô đã lấy băng keo dán tấm ảnh trên tường phòng cô ở Trường tòa án. Đây là hình ảnh thật của Pervenche, thật hơn cả mọi sự có thật tiếp nối sau đó. Tấm ảnh ngả màu nhạt, khô cứng vì ánh nắng, đi từ cái tủ lạnh bên trên lò sưởi đến tận văn phòng cô ở Tòa án, nơi nó đứng hơi nghiêng tựa vào tủ xếp giấy tờ, chặn bằng một cái túi da đựng bút chì. Nhưng không bao giờ, nhất là không bao giờ, Clémence cho nó vào khung. Trong ảnh, cái áo thun tay ngắn ngả màu cháo lòng, bức tường trắng có vẻ tróc vôi và đám cỏ dại thì khô héo. Nhưng Carlos da vẫn một màu nâu rất đậm, đầu tóc phủ xuống vai như một tên Jivaro[1]. Mỗi lần Clémence nhìn tấm ảnh, cô có thể còn cảm thấy sức nóng ngoài đường, ánh nắng giữa trưa đốt cháy mặt đất đầy bụi. Xa hơn một chút, đi quá căn nhà con chó Scooby-doo, ở góc đường, có một vòi nước uống, và một hàng phụ nữ đang đứng đợi để hứng nước đầy những cái soong hay những cái xô của họ làm bằng những hộp mỡ với một thanh gỗ dùng làm cán. Clémence dẫn Pervenche theo cô đi lấy nước. Pervenche sợ mấy con ong cứ quay cuồng bay quanh cái vòi nước. Đây chính là nơi bọn trẻ gặp nhau mỗi chiều, sau khi tan học, lúc nào cũng cùng giờ ấy. Rosalba và Pina, nhưng còn có cả Beto, và Chavela là con bé không đi học. Nước chảy từng tia nhỏ, nhưng sạch và trong. Hélène thoạt đầu nấu ăn bằng nước giếng, nhưng bọn trẻ đứa nào cũng đau vùng thắt lưng, và Édouard thì bảo chúng nó rằng sở dĩ nước bẩn là do những thứ thuốc trừ sâu mà dân trồng trọt rải tràn ra trên đất đai của họ. Nước máy thì lạnh, và đến từ một dòng suối ở chân núi lửa, phía bên kia làng. Đôi khi nước không chảy nữa. Người ta bảo rằng suối cạn là bởi đám người giàu ở những khu mới, bên kia con kinh, cho xây những bể bơi trong vườn nhà họ. Những khu của họ có tên là Resurrección, Paraíso, Ensueño[2], những cái tên gọi như thế nhưng không giữ đúng hứa hẹn của mình. Nước hơi thiếu khắp vùng trên của ngôi làng, và trong khu San Pablo phụ nữ nối đuôi nhau đứng dài cả một cây số, chờ giờ này qua giờ khác để hứng đầy xô nước của mình.

Đối với trẻ con, đây thật ra không phải là một cực hình. Lúc nào cũng có những trò chơi, những trận cười và những tiếng la ó. Chúng xịt nước lên nhau, những cái xô lật ngửa. Beto đến trên chiếc xe đạp cũ đa dụng có cái yên ngồi lung lay, nó đi trở lại mang theo những thùng nước đầy giữ thăng bằng trên cái ghi đông, trên sườn xe. Trước khi đến máy nước để hứng đầy nồi, Clémence đưa Pervenche đi xem con khỉ nhện[3] người ta xích vào một sợi dây trong vườn một ngôi nhà cũ, ở đầu đường. Trong nhà này không bao giờ có người ở, chỉ có mỗi con khỉ đen to đùng với bộ lông dựng đứng, dữ tợn, thảm thương, cứ mỗi lần làm bộ tấn công, thì những chiếc răng nanh vàng nhe ra trên cái mặt nhăn xấu xí. Pervenche ôm chặt Clémence, nó giấu mặt, rồi đánh bạo liếc một cái, và sau đó cả hai vừa bỏ chạy vừa cười vang. Những kỷ niệm ấy nay đã xa, tuy nhiên vẫn còn rất sống động. Clémence chưa bao giờ quên những ngày tháng ấy, đến nay cô vẫn thường xuyên đắm mình về thời ấy như trong một giấc mơ liên tục.

Giờ đây ban đêm Clémence không sao còn ngủ được. Cô chưa hề có được một đêm yên lành từ khi Pervenche ra đi. Mỗi buổi sáng, khoảng ba, bốn giờ, cô bị đánh thức bởi một tiếng chuông, tiếng ngắn nhưng nhấn mạnh, cô vã mồ hôi ngồi dậy trên giường, tim đập mạnh. Paul ngủ yên trong một góc, hơi ngáy.

Bấy giờ Clémence loại bỏ mọi thứ. Kiên quyết như một người đang theo đuổi một kế hoạch bí mật, cô xua đuổi những chỗ quen biết ở trường, những tối hẹn hò với bạn bè. Paul không hiểu được khi cô quyết định ngủ trong phòng làm việc của cô, trên ghế xô pha. Cô làm như thế không một lời kêu la trách móc, gương mặt bướng bỉnh, vẻ thản nhiên, để không còn phải làm tình, để khước từ những cử chỉ âu yếm có thể giúp quên và làm dịu những vết thương lòng.

Mùa hè khi Pervenche ra đi trời rất nóng. Nhựa đường chảy trên đường phố, cây chết khô trong các chậu. Bầu trời xuống thấp, lẫn vào biển khơi xám xịt, nước biển nặng nề, màu chì, chỉ chuyển động một chút, và về đêm mọi thứ mang một màu hồng ngọc, đẹp tuyệt vời và không lành mạnh. Clémence nhớ lại những ngày ấy, tựa như sức nóng và màu của trời và biển đã đóng một vai trò quyết định trong việc Pervenche bỏ trốn, đã đưa con bé vào thảm họa, hủy diệt. Khí trời và nước khép kín, ngột ngạt kia đã đi vào người Pervenche và đẩy nó xuống vực thẳm.

Mọi việc đã xảy ra trong suốt mùa hè nóng bỏng ấy, khi Hélène dọn nhà về Cannes, trong một căn có sẵn đồ đạc ở đường Antibes với Jean-Luc là người bạn trai mới của bà. Có cả thằng du côn kia, cái tên bệ rạc, người ta gọi là thằng Đỏ do chỗ tóc của hắn, tên thật là Laurent, và người đàn ông nọ, Stern, tự xưng là nhà nhiếp ảnh, thích chạy theo mấy con bé không có đầu óc, mấy con bé đã đưa Pervenche vào bẫy. Đó là điều Clémence muốn tin là thật, nhưng trong thâm tâm, cô biết đích xác là cái xấu rắc rối hơn thế, và nó đến từ xa hơn.

Trước kia, khi đêm xuống. Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh. Bọn trẻ con đốt lửa trên đường Tulipanes, với những mẩu ván thùng, những cành cây nhỏ. Hộp diêm chuyền từ tay này qua tay nọ. Ngay cả những đứa bé tí teo như Maïra cũng ném vào lửa những nhánh cây mục, cỏ khô, những mẩu giấy. Những tia lửa quay cuồng, bay lên trời. Carlos Quanto la hét, nó chạy dọc theo bức tường bằng gạch, tóc sổ ra, một luồng sáng đỏ trên mặt. Nó trông giống như một đứa bé sống trong hoang sơ.

Sau đó chúng bắt đầu những trò chơi. Clémence chưa quên. Đường phố bấy giờ là của bọn trẻ. Mấy đứa gái cầm tay nhau, chúng đi về phía trước bằng những bước nhịp nhàng, chắn nguyên mặt đường. Chúng nó hát: ¡Amo, ato, matarilerilero!

Ở cuối đường, một nhóm họp lại, những thằng con trai, cùng với chúng có cả vài đứa con gái, Beto, Eriberto, el Gordo, Pastora. Chavela khônmg thích đứng bên cạnh bọn con gái. Con bé đứng lùi lại một tí, bên cạnh bọn trai, người ngả về phía trước, hai cánh tay dang ra, dựng đứng như một con khỉ nhện. Chúng hát đáp lại, tiếng vọng, nghe đinh tai nhức óc: ¡Amo, ato, matarilerirelo! Bọn con gái tiến lên: ¿Que quire Usted? ¡Matarilerirelo! Bọn trai chế nhạo: ¡Queremos dulce, matarilerilero! Bọn gái tiến lên nữa, chúng hét: ¿Y que mas pide? ¡Matarilerilero! Bọn trai: ¡Nos dan un beso! !Matarilerilero! Bọn gái dừng lại: ¡Ni un hueso! ¡Matarilerilero! [4] Rồi chúng quay ngoắt lại, và mỗi nhóm trở về quãng đường của mình, và một nhóm khác họp nhau và bắt đầu lại.

Đám người lớn ngồi trước nhà nhìn, và tiếng la hét lại bật ra lần nữa trên đường phố tối hù, những tiếng rõ ràng cố hết sức cất cao giọng, như một tiếng gọi: ¡Amo, ato, matarilerirelo!
 

fruit NHO

Active Member
Mỗi buổi tối đều như thế, cho đến mười một giờ, có khi tới nửa khuya. Bọn con gái chỉ nghĩ đến chuyện đó, đến đêm, những trò chơi trên đường phố, những ngọn lửa sắp chiếu sáng, những tiếng la hét, những tiếng cười. Phần còn lại trong ngày, đường phố thuộc về những chiếc xe vận tải đi đi về về đến tận hợp tác xã đóng gói Anáhuac. Buổi chiều, khi mặt trời đốt cháy đất, bọn người say sưa nhậu trước cửa hàng người bán bia, và sau đó ngủ ngay dưới những cây xiêm gai và những cây phượng. Có cả tiếng ồn, những đám bụi mù. Dưới ngọn roi của các Thổ dân ở Capacuaro, những đoàn xe la từ dãy núi kéo xuống, da miệng bị lột vì những sợi dây dắt, chở những cây gỗ về hướng nhà máy cưa. Có những bà già Thổ dân đi theo, trùm kín trong những cái khăn choàng màu xanh, mang những quả bơ, quả xoài, những quả lê nhỏ li ti cứng như gỗ. Trong hơi nóng của buổi chiều, ngay cả những con chó trông cũng khác. Chúng vàng vọt, đói, và nguy hiểm. Chúng đến từ khu phố Parachutistes,[5] dọc theo con kênh. Scooby-doo chạy thoát và rượt theo chúng, nhưng đôi khi chúng liên kết với nhau tấn công nó và làm nó phải bỏ chạy bằng cách nhe ra những cái răng nanh đầy nước dải.

Clémence nghĩ đến con đường Tulipanes, đột nhiên cô lại ở rất xa chỗ văn phòng tòa án của cô, cô ra khỏi thể xác mình và đang ở đấy, trên một hành tinh khác, như trong một khu vườn lớn mà cô cũng như Pervenche lẽ ra không ai nên bỏ đi.

Khi đêm xuống, con đường Tulipanes thuộc về đám trẻ. Các xe hơi, xe vận tải không còn đi qua đây nữa. Người lớn rút lui, ai nấy đứng trên ngưỡng cửa, hầu như không nói chuyện, để nhớ lại có lẽ. Bọn trẻ thì ăn rất nhanh miếng bánh mì mềm, và uống cốc sữa, để còn ra đường sớm chừng nào hay chừng ấy.

Clémence học theo rất nhanh. Lúc đầu, cô để Pervenche ở nhà với Hélène, và Édouard Perrine thì hút xì gà. Pervenche sợ lửa, những tiếng la hét của bọn trẻ làm nó phải thu mình dưới chân mẹ nó.

Thế rồi một buổi tối, Clémence không nhớ như thế nào, Pervenche đã đặt bàn tay nhỏ nhắn của nó trong tay cô và cả hai cùng bước đi trên đường phố, cùng với những đứa con gái hát om sòm. Tên chăn cừu Beto bấy giờ mê Clémence, hắn theo cô ấy đến chỗ lửa. Beto là kẻ có khiếu làm những quả cầu. Hắn đem phơi khô giấy nghiền nát dưới đáy nồi, và hắn buộc vào quả cầu một cái giỏ nôi bằng hộp đồ hộp chứa đầy dâm bào hoặc gai xơ tẩm dầu đốt. Hắn châm lửa và quả cầu bay lên trời tối đen được chiếu sáng bởi ngọn lửa trong giỏ nôi, trông giống như một cái đầu bị chặt đứt. Nhưng hắn chỉ ném những quả cầu như thế vào những đêm nào đó thôi, chẳng hạn như trong ngày lễ hội. Khâu chuẩn bị lâu lắm, và không phải quả cầu nào cũng bay lên. Vả chăng đây cũng là chuyện người ta cấm. Có một đêm, một quả cầu rơi trên một ngôi nhà trong khu San Pablo, và mái nhà suýt cháy. Nhưng cảnh tượng một ngôi sao nhợt nhạt bay lên trong đêm thì thật là đẹp. Clémence vẫn còn có cảm giác tim cô đập mạnh hơn, cô cảm nhận bàn tay của cô em gái siết chặt bàn tay mình, trong khi cô nhìn quả cầu chiếu sáng bên trên con đường Tulipanes.
 

fruit NHO

Active Member
2



Mùa hè năm ấy ở Provence trời nóng, một sức nóng áp chế, đe dọa. Khoảng tháng Bảy, Pervenche ra đi. Ngay tú tài nó cũng chẳng đi thi, để làm gì chứ? Nó chẳng làm gì cả, nó biết chắc là nó sẽ không thể thi đậu. Suốt năm, nó đi lang thang, nhất là với thằng Laurent “Đỏ”, trong các tiệm rượu, các hộp đêm, các lễ hội, hay đơn giản là chỉ ra đường. Nó uống bia, nó hút thuốc lá. Buổi chiều, nó lại đến gặp Laurent trước một nhà xe bỏ hoang, dưới chân đồi. Laurent kéo tấm bạt bằng tôle lên, và hai đứa chui vào bên trong. Nơi đây bốc mùi dầu bẩn, và còn có một mùi khác buốt hơn, như là mùi rơm rạ, hay mùi cỏ lên men. Chúng làm tình dưới đất, trên một tấm chăn.

Trong đường hẻm, có một nhóm chơi ném hòn tụ tập. Khi Pervenche đi ngang qua, chúng nhìn nó với vẻ ranh mãnh, chúng hẳn là có dùng lời diễu cợt, nhưng nó phớt tỉnh. Laurent muốn đánh nhau với chúng, hắn siết chặt những nắm đấm, hắn gầm lên: “Anh sẽ lấy mấy quả cầu đập vỡ mồm chúng ra!” Bọn này hẳn còn vui hơn vì được nhìn thấy con gà trống non kia nổi giận.

Pervenche làm tình không cởi quần áo, lưng bầm tím vì vôi gạch vụn mặc dù đã có tấm chăn. Nó rất thích nghe tiếng tim Laurent phập phồng trong ngực nó, mồ hôi hắn rỉ rả chảy xuống vai, nó uống hết mồ hôi trong miệng với cả nước bọt của mình. Nó để yên cho cái giống cháy bỏng kia lớn lên trong người nó. Đây là những khoảnh khắc huy hoàng. Nó có thể quên đi những giờ khắc buồn nản ở trường, những trận cãi nhau triền miên với mẹ nó, cái nhìn thù nghịch của Jean-Luc, sự khinh bỉ thầm lặng của Clémence. Một ngày nọ chị nó bảo nó: “Mày thì trong đời mày sẽ chẳng bao giờ làm được gì, cái mày có thể làm, ấy là thay đổi tình nhân như thay áo.” Pervenche đã nghĩ: thật ra con người có thể làm được cái gì đó trong cuộc đời mình?

Tháng Bảy là tháng nó quen với Stern. Laurent không dính dáng gì đến chuyện này. Chính Pervenche đã trả lời một tin rao vặt trong báo, hoặc có thể nó biết qua một con bạn gái nào đó. Stern hồi ấy ít nhiều lúc nào cũng đang tìm một cô gái mới để chụp ảnh, làm mẫu thời trang hay làm quảng cáo. Công việc ông này làm không rõ ràng. Ông thuê một văn phòng khá rộng ở trung tâm thành phố, tầng trên một tiệm cà phê. Đây là nơi trước khi ông đến đã được các nghệ sĩ sử dụng, theo như người ta đồn thì ngay cả Nicolas de Staël cũng từng vẽ ở đây. Nơi này là một phòng hoàn toàn quét loại sơn dẻo màu trắng, chiếu sáng nhờ những hốc cửa lớn có kính mà người ta dùng trục lăn để làm cho mờ đục, và tỏa một thứ ánh sáng lạ kỳ, lạnh và buồn ngay cả giữa mùa hè.

Lần hẹn đầu tiên, Pervenche đã nhờ Laurent đi cùng với nó. Nó vừa mới đúng mười sáu tuổi, nó nghĩ là đến đấy với một người bạn trai sẽ làm cho mình có vẻ lớn tuổi hơn. Laurent ngồi yên trên một chiếc ghế dựa, trong khi Stern nói chuyện với nó, ghi ghi chép chép trong một cuốn sổ. Stern là một tên to cao hơi ẻo lả, khoảng ba mươi tuổi, tóc vàng hoe và mắt xanh hơi lồi sau cặp kính cận. Đối với Pervenche, ông ta là người lớn tuổi, khác hẳn nó, thuộc loại người nó thường hay tránh né, bởi vì nó nhận ra loại người này có cái vẻ sa đọa xấu xa khi họ nhìn nó ngoài đường phố. Stern anh anh em em với nó, nhưng nó không thể làm gì khác hơn là trả lời “thưa ông”, và gọi ông ta bằng “ông”. Phía đầu kia xưởng chụp ảnh, Laurent chán nản lật những tờ tạp chí thời trang. Hắn hút thuốc và chẳng thèm đưa mắt về phía Pervenche.
 

fruit NHO

Active Member
Sau đó Stern dẫn Pervenche vào phòng tắm, thực tế đây đúng là một góc xưởng chụp hình ngăn bằng một bức vách, trong đó có một tấm gương soi và một phòng vệ sinh. Ông ta đưa cho nó mấy cái áo tắm dùng để chụp ảnh. Pervenche người cao và khỏe, nó đã có đôi vú to và háng rộng, về chỗ này thì nó có vẻ hơn tuổi mình và Stern đã không nhăn mặt khó chịu khi nó khẳng định với ông nó mười tám tuổi. Mấy cái áo tắm quá nhỏ và siết chặt nó, nhưng dù sao nó cũng giữ được một bộ áo tắm một mảnh in hình con báo, và khi nó bước ra khỏi phòng tắm thì gương mặt Stern có hơi sáng lên. Ông ta nói: “Tốt, tốt lắm, cô hãy xoay người một chút.” Ông ta bước lùi lại và nó xoay người một vòng. Nó mang đôi dép vào lại, nó rất sợ phải đi chân không ở một nơi nó không quen. Nó cảm thấy mình lố bịch trong cái áo tắm quá nhỏ bó chặt hai đùi và làm nhô lên đôi vú, và cả cái bụng đã sẵn hơi tròn của nó, ít ra là cảm tưởng của nó, rằng khi nhìn thấy cái bụng Stern sẽ đoán là nó đang có bầu. Cái áo tắm để lộ hai vai nó ở chỗ những dải dây nịt vú để lại các dấu lằn đỏ. Pervenche xưa nay vẫn có một làn da hay để lại dấu. Khi nó còn nhỏ, Clémence thường nghịch dùng bàn tay ấn mạnh lên đùi nó, và nhìn dấu mấy ngón tay vẽ một đóa hoa màu hồng trên da. Trong khi chờ đợi, Stern rất phấn khích, ông ta vừa quay quanh Pervenche vừa bấm máy ảnh, người hơi chúi về phía trước, một mớ tóc nhầy dầu của ông chắn ngang mặt và ông bực mình hất ra phía sau, và tiếng máy bấm tạo ra một âm thanh khiêu khích hai nhịp kỳ lạ, trước tiên là một tiếng rung âm ỉ rồi đến một tiếng cách khô khan như tiếng dao máy chém, ketcha! ketcha![6] Laurent ngẩng đầu lên khi nghe tiếng động, nhưng hắn lại vùi đầu đọc mấy tờ tạp chí, vùi mình trên ghế xô pha. Pervenche chỉ nhìn thấy hai chân dài tận cùng là đôi giày, và làn khói thuốc mịt mùng của hắn. Nó nghĩ việc chụp ảnh sắp xong ngay đây, nhưng Stern bảo nó: “ Không ổn rồi, không ổn chút nào rồi.” Ông dùng bàn tay trái kéo thấp cái áo tắm xuống, trong khi vẫn cầm máy ảnh, ông lùi lại một tí, rồi ông liếm vào ngón tay trỏ của mình và dùng đầu ngón tay tẩm ướt hai đầu vú của nó để hai núm vú dựng đứng lên. Ông còn chụp thêm vài tấm nữa, và ông nói: “Với em, đúng ra là anh muốn chụp khỏa thân, với hình thể của em em không thể làm thời trang được.” Ông chụp ảnh xong và ông chậm rãi cuộn cuốn phim, và Pervenche đi vào phòng tắm mặc áo quần vào lại. Nó lau hai đầu vú bằng giấy vệ sinh. Khi nó trở ra, Stern đã lấy lại vẻ nghiêm trang của mình. Ông không còn nhìn Pervenche nữa, chỉ một chút cười mỉm khi bắt tay nó. “Anh sẽ rửa ảnh, xem nó ra làm sao. Anh sẽ gọi điện lại cho em.” Pervenche bảo là nó không có điện thoại, và Stern đưa cho nó tấm danh thiếp của mình: “Vậy thì em sẽ gọi lại cho anh tuần tới.” Laurent bấy giờ đã ra ngoài, hắn vừa vươn vai vừa ngáp chán nản. Cả Stern hắn cũng không buồn nhìn. “Thế nào rồi? Trôi chảy chứ?” Pervenche nhún vai. “Hắn là một thằng già đểu cáng, hắn chụp ảnh vú của em.” Laurent có vẻ dửng dưng. “Và trong khi chờ đợi, hắn chẳng trả tí tiền nào cho em.” Và mặc dù hoàn toàn nhận ra cái lố bịch của hoàn cảnh này, Pervenche đột nhiên cảm thấy tràn ngክp một nỗi cô đơn.



Thật là một sự uể oải kỳ lạ, một nỗi chán chường đến hơi chậm rãi, nhưng không cưỡng lại được. Laurent vẫn ngủ nướng rất trễ, nằm sấp ngang tấm chăn. Trời nóng và xám xịt. Bên ngoài, Pervenche nhận ra tiếng xe cộ lướt qua trên đại lộ, không ngớt, lúc nào cũng vẫn cùng một tiếng động ấy tựa như chỉ có một cái xe chạy quanh.

Những con người ấy đi đâu vậy? Qua một khe cửa nhỏ, Pervenche trông thấy bóng phản chiếu của những thùng xe lên trần nhà, là cái rạp hát bóng nhỏ của nó. Những vệt đỏ, xanh, xám chạy ngược. Nó thử tưởng tượng những người ngồi trong mấy cái xe ấy, rất nhỏ và hơi trong suốt, với những bàn tay và chân mảnh mai và những gương mặt mũm mĩm, giống như những bào thai.

Nó không nói gì với Laurent mà cũng chẳng nói với ai, bởi vì chuyện chỉ liên quan tới nó. Tuy thế nó đã đi đến tiệm thuốc tây để mua đồ thử. Nó không hiểu rõ chuyện đã xảy ra như thế nào. Nó mơ hồ nhớ một đêm tháng Sáu, vào mùa thi. Hồi ấy nó còn ở với Hélène và Jean-Luc. Nó nhậu say với Laurent, nó đã hút vài điếu thuốc có cần sa trong xe hơi hắn và hai đứa đã vào đến tận nhà xe. Tất cả chỉ có thế. Nó không còn nhớ rõ lắm khi nào nó đã nhận ra là nó không có kinh. Nó quên tất mọi thứ một cách rất dễ dàng. Tất cả là những chuyện vặt trong cuộc đời. Có khi nó quên ăn, hay quên đi vệ sinh. Và những chuyện vặt như thế lại trở về trong trí nhớ nó vào cái lúc nó ít chờ đợi nhất, một cách tàn nhẫn, với một nỗi đau. Một buổi sáng nó thức dậy, tim đập, buồn nôn tới tận miệng, với cái điều đã chắc kia, ở đó, giữa bụng nó, phía trên rốn một chút.

Tuy nhiên nó vẫn quyết định đi khám bác sĩ. Nó đã chọn một bà khám phụ khoa ở xa nhất, cách bốn mươi lăm phút đường xe buýt, ở ngoại ô. Một người đàn bà to lớn tóc nâu trông giống Clémence nhưng già hơn, có vẻ dữ, như một ông quan tòa. Bà phụ khoa khám cho nó, rồi bà bỏ bao tay ra và bà trở lại ngồi sau bàn viết. “Cô là vị thành niên?” Bà nói điều này như một câu khẳng định hơn là một câu hỏi. Pervenche lắc đầu. “Cô đã quyết định gì chưa?” Bà phụ khoa viết nguệch ngoạc địa chỉ một phòng khám bệnh, với một số điện thoại. Trên một tờ giấy khác bà ghi tên các thứ thuốc. “ Cái này là để dùng cho chuyện khác của cô. Khi thấy Pervenche nhìn mình không hiểu, bà ta nói cộc lốc: “Candida albicans.[7] Tốt hơn cô nên tức khắc tống nó đi.”



Mùa hè đã đi qua thành phố. Có một hơi nóng ập vào, làm chảy cả nhựa đường, đốt cháy những bụi cây trong chậu. Đây chính là thời kỳ Pervenche bỏ nhà mẹ nó ra đi hẳn. Không hề có cãi lẫy, không xảy ra gì hết. Chỉ là một sự mệt mỏi quá độ. Lúc bấy giờ Clémence ở Bordeaux, cô vừa học xong Trường đào tạo quan tòa, cô đang chờ được bổ nhiệm. Hélène làm việc ở nhà, bà vẽ những cái chụp đèn cho một tiệm buôn ở thành phố cũ. Bà phục chế những bức tranh. Jean-Luc Salvatore muốn dựng một xưởng làm đồ gốm, quanh quẩn đâu đó trong khu này. Họ đã quyết định dù sao cũng dọn ra, đến sống trong căn nhà của người bà Lauro, ở Ganagobie. Đối với Pervenche, không có chuyện đi theo họ. Nơi họ đến ở, là nơi nặc cả mùi hôi nhựa thông, mùi của dân sửa xe đúng hơn là của nghệ sĩ. Khi Pervenche về nhà muộn, đôi mắt đỏ ngầu vì những điếu cần sa, Hélène không nói gì nữa. Chính cái im lặng ấy đã làm cho không khí trở nên khó chịu.

Pervenche đến sống với Laurent trong một căn hộ ở trung tâm thành phố. Căn hộ lớn, cổ lỗ, xô bồ vô trật tự. Đám bạn bè của Laurent cho hắn mượn một phòng. Toàn dân trộm cắp, du côn. Có một tên lớn con cạo trọc đầu, có một cái họ Nga, tên là Sacha. Cái kỳ quặc, hắn mặc đồ đen ngay cả giữa mùa hè, rất xanh xao. Hắn nhìn Pervenche hơi nghiêng, hơi nhìn trộm, theo kiểu nhìn của một tay quyền Anh. Hắn có vẻ nguy hiểm, nhưng có thể đấy chỉ là cái vẻ ngoài mà hắn muốn tạo cho mình thôi. Hắn nghe những bài ca quốc xã ghi băng cassette trong máy nghe nhạc của hắn. Hắn sống với Willie, một thằng người Antilles rất đen, mà lại kỳ thị chủng tộc. Tất cả những gì Hélène xưa nay vẫn ghét.

Lúc nào trong căn hộ cũng đầy người. Cái hành lang dài chật ních những thứ vật dụng, chủ yếu là những máy móc điện, TV, máy ghi hình từ, dàn âm thanh nổi, máy quay video xách tay trong những thùng cac tông mới toanh, ngay cả những cái lò sóng cực ngắn và những tủ lạnh trên tàu. Pervenche không hề hỏi gì về những thứ này. Nó di chuyển qua những chướng ngại kia, với nó là một trò chơi.

Cuộc sống đầy những chuyện bất ngờ trong căn hộ. Thỉnh thoảng, những cô gái ghé qua, các cô ở lại một đêm, rồi các cô ra đi. Có một số không ai nhìn thấy lại nữa. Các cô ngồi trong phòng khách trước máy truyền hình mở sáng, các cô hút thuốc và uống rượu trong ly với đám du côn, vừa uống vừa cười. Chỉ cần nhìn các cô thôi người ta cũng không buồn tự hỏi họ sinh sống bằng cách nào. Nhưng họ đúng ra là dễ thương, họ không để ý đến Pervenche. Có một cô đến từ một nước ở phía Đông, Serbie, Croatie, đại để như thế. Một cô khác, người Tunisie, có tên là Zoubida, người ta gọi là Zoubi.
 

fruit NHO

Active Member
Chung cư ở trong tình trạng bết bát. Ở tầng trệt có một cửa hàng thực phẩm, quản lý là một bà người xứ Đông dương bán những thức ăn nấu sẵn. Phần nhiều những căn hộ vả lại được người châu Á thuê, và ở tầng cuối, chiếm những căn phòng dành cho người làm là dân lao động người Maghreb và đám đồng bóng.

Trong vòng vài tuần lễ, Pervenche đã quen số lớn những người ở đây. Nó cũng hơi coi họ như gia đình mới của mình. Laurent làm việc trong một tiệm cà phê, nhưng Pervenche rất nghi là hắn hẳn là có tham gia những vố nào đó cùng với đám du côn, có thể là trong việc chuyển hàng, để giúp đưa những thùng cac tông lên xe tải của bọn chúng và chuyển lên đến tầng lầu. Nếu không, buổi chiều hắn đến nhà một người buôn đồ cổ dân miền trung Arménie, hắn ngồi vào một chiếc ghế bành và đọc những tạp chí âm nhạc của ông, những cuốn truyện trinh thám của ông. Hắn thường trả lời điện thoại khi ông chủ đi vắng. Hẳn là hắn không được trả lương bao nhiêu.

Vào cuối tháng Tám, Laurent bảo Pervenche: “ Này, anh đã hẹn giùm em với cái ông chụp ảnh đó.” Hắn nợ rất nhiều tiền với đám buôn ma túy, đặc biệt là với một tên bạn của Sacha mà người ta gọi là Dax. Pervenche lại trở lại con đường đi đến xưởng chụp ảnh và biết rất rõ Stern chờ đợi gì ở nó.
 

fruit NHO

Active Member
CÂU CHUYỆN VỀ CON THẰN LẰN CÓ THÓI QUEN ĂN THỊT CÁC BÀ VỢ CỦA NÓ VÀO BỮA TỐI


EDUARDO GALEANO
Trên bờ sông, khuất trong đám cỏ cao, một người đàn bà đang đọc sách.

Ngày xưa, cuốn sách kể, có một người đàn ông rất giàu. Tất cả đều là tài sản của ông: thị trấn Lucanamarca, mọi thứ chung quanh thị trấn ấy, mọi thứ trên cạn và mọi thứ dưới nước, mọi thứ đã đã được thuần hoá và mọi thứ còn hoang dã, mọi thứ có ký ức, mọi thứ không có ký ức.

Nhưng vị chúa tể của mọi thứ ấy lại không có con nối dõi. Hàng ngày vợ của ông cầu nguyện một ngàn lần, van xin ân huệ được một đứa con trai, và hàng đêm bà thắp một ngàn cây nến.

Thượng Đế quá chán ngán với những lời khẩn khoản của người đàn bà kiên trì ấy — kẻ cứ đòi hỏi điều mà Ngài không hề muốn ban cho. Cuối cùng, hoặc để khỏi phải nghe giọng nói của kẻ ấy nữa, hoặc vì lòng thương hại từ cõi cao xanh, Ngài đã làm phép mầu. Và niềm hoan lạc được bố thí xuống cho gia đình đó.

Đứa trẻ có bộ mặt của một con người nhưng thân hình của một con thằn lằn.

Dần dần, nó biết nói, nhưng nó bò sát đất bằng cái bụng. Những giáo viên giỏi nhất đến từ Ayacucho dạy nó đọc, nhưng nó không viết được vì bị vướng bộ móng.

Mười tám tuổi, nó đòi lấy vợ.

Người cha giàu sang của nó tìm được cho nó một cô nàng, và đám cưới diễn ra lộng lẫy trong giáo đường.

Ngay đêm đầu tiên, con thằn lằn nhảy chồm lên, đè vợ nó xuống và ăn thịt nàng. Khi mặt trời lên, trên chiếc giường hợp cẩn chỉ có một kẻ goá vợ nằm ngủ, chung quanh đầy những mảnh xương vụn.

Thế rồi con thằn lằn đòi một cô vợ khác, và một đám cưới khác và một cuộc ăn thịt khác lại xảy ra, và kẻ hám ăn lại tiếp tục đòi thêm một cô vợ khác, và sự việc cứ thế tái diễn.

Hôn thê thì chẳng bao giờ thiếu. Trong những gia đình nghèo khổ, luôn luôn có một cô con gái thừa ra cho việc này.



Nằm bẹp cái bụng bọc vảy của hắn xuống bên bờ sông, Dulcidio đang ngủ trưa một giấc ngắn.

Mở một mắt ra, hắn thấy nàng. Nàng đang đọc sách. Trong đời hắn từ trước đến giờ hắn chưa từng thấy một người đàn bà mang kiếng mắt.

Dulcidio nghếch cái mõm dài về phía nàng:

— Cô đang đọc gì đấy?

Nàng hạ cuốn sách xuống, bình thản nhìn hắn, và đáp:

— Những huyền thoại.

— Những huyền thoại?

— Những tiếng nói từ xa xưa.

— Để làm gì?

Nàng nhún vai:

— Đọc chơi vui.

Người đàn bà này dường như không đến từ những vùng núi, hay rừng sâu, hay ven biển.

— Tôi cũng biết đọc nữa, Dulcidio nói.

Nàng gấp sách lại và ngoảnh mặt nơi khác.

Trước khi người đàn bà đi khuất, Dulcidio hỏi kịp một câu:

— Cô từ đâu đến?



Chủ Nhật sau, khi Dulcidio thức dậy từ giấc ngủ trưa, nàng có mặt ở đó. Không có sách, nhưng mang kiếng mắt.

Ngồi trên cát, đôi bàn chân khuất dưới nhiều lớp váy sặc sỡ, nàng đúng thật là người ở đó, bắt rễ ở đó. Nàng đưa mắt nhìn kẻ xâm nhập.

Dulcidio lật tẩy tất cả những con bài của mình. Hắn nhấc một cái móng cong vút của mình và quơ nó về phía những rặng núi xanh trên đường chân trời.

— Tất cả những gì cô thấy và không thấy đều là của tôi.

Nàng thậm chí không liếc về phía miền đất bao la ấy, chỉ giữ im lặng. Một sự im lặng bằn bặt.

Kẻ thừa tự tiếp tục thuyết phục. Nhiều đàn cừu, nhiều thổ dân da đỏ, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của hắn. Hắn là chúa tể của cả miền đất bao la kia, cả nước, cả không khí, và cả dải cát bé nhỏ mà nàng đang ngồi lên.

— Nhưng tôi cho phép cô ngồi ở đó, hắn trấn an nàng.

Hất mái tóc đen dài, nàng gập đầu:

— Cảm ơn ông.

Thế rồi con thằn lằn nói thêm rằng hắn giàu nhưng khiêm tốn, siêng năng, một người yêu lao động và, trên hết, một trang nam tử muốn lập gia đình nhưng đã phải chịu cảnh goá bụa vì sự khắc nghiệt của số phận.

Nàng nhìn ra nơi khác. Cúi đầu xuống, nàng ngẫm nghĩ về trạng huống này.

Dulcidio loay hoay tìm cách.
 

fruit NHO

Active Member
Hắn thầm thì:

— Có lẽ tôi được phép xin cô một ân huệ?

Và hắn xoay mạn sườn về phía nàng, phơi tấm lưng trần.

— Cô làm ơn gãi lên vai tôi nhé? Tôi không vói đến đó được.

Nàng đưa bàn tay sờ vào những chiếc vảy óng ánh như kim loại, và thốt lên:

— Láng như lụa vậy.

Dulcidio duỗi dài ra, nhắm mắt, há miệng, vểnh đuôi lên cứng ngắc, và thưởng thức cái cảm giác sung sướng chưa từng có.

Nhưng khi hắn xoay đầu lại, nàng không còn ở đó nữa.

Hắn tìm kiếm nàng, hối hả sục sạo khắp cả cánh đồng lau sậy, chạy ngược chạy xuôi, mọi phía. Không một dấu vết của nàng. Người đàn bà đã tan biến, như lần trước.



Chủ Nhật sau, nàng không đến bờ sông. Chủ Nhật sau nữa, cũng thế. Rồi Chủ Nhật sau nữa, cũng thế.

Từ lần đầu gặp nàng đến nay, hắn chỉ thấy nàng và không còn thấy gì khác ngoài nàng.

Kẻ nổi tiếng mê ngủ giờ đây không còn ngủ nữa, kẻ hám ăn giờ đây không còn ăn nữa.

Buồng ngủ của Dulcidio không còn là cái thánh địa hoan lạc nơi hắn vẫn đến để nghỉ ngơi, để được canh chừng bởi những người vợ đã chết. Những bức ảnh chân dung của họ vẫn còn xếp hàng đầy đủ ở đó, phủ khắp những bức tường từ trần nhà xuống đến sàn, trong những chiếc khung hình trái tim được trang hoàng bằng những chùm hoa cam; nhưng Dulcidio, bây giờ phải gánh chịu phận cô đơn, ngã nhoài xuống giữa đống nệm và chìm vào niềm tuyệt vọng. Hàng loạt bác sĩ và thầy lang từ khắp nơi được mời đến, nhưng họ chẳng làm được gì trước những cơn sốt và sự rã rời của mọi cơ năng khác.

Ôm chiếc máy thu thanh gắn pin mua được từ một du khách người Thổ, Dulcidio suốt cả ngày đêm thở dài sườn sượt và lắng nghe những bài tình ca cũ rích. Cha mẹ hắn, tuyệt vọng, nhìn hắn chết mòn vì sầu muộn. Hắn không còn đòi lấy vợ vì Tôi đang đói. Bây giờ hắn kêu rên Tôi trở thành một tên ăn mày tình yêu khốn khổ, và bằng một giọng khàn vỡ, kết hợp với một khuynh hướng phát ngôn thành vần điệu rất đáng lo ngại, hắn

dâng lời tôn vinh đau đớn lên Nàng mông lung ảo hoặc

người đã cướp mất của chàng trọn linh hồn và niềm an lạc.

Toàn thể dân chúng đổ xô đi tìm nàng. Họ sục sạo cả trên trời và dưới đất, nhưng thậm chí họ cũng không biết tên của người đã tan biến, và chưa có ai từng thấy một phụ nữ mang kiếng mắt trong láng giềng của họ hay ở những địa phương quanh đó.



Một xế trưa Chủ Nhật, Dulcidio bỗng có linh tính. Hắn nhỏm dậy, trong cơn đau, và khốn khổ lê bước đến bờ sông.

Nàng có mặt ở đó.

Nước mắt trào ra lai láng, Dulcidio tuyên bố tình yêu với người trong mộng — người phụ nữ khi ẩn khi hiện và lãnh đạm ấy. Hắn thú nhận rằng hắn đã chết vì khao khát dòng mật ngọt trên môi em, bày tỏ rằng tôi không đáng phải bị em hắt hủi, hỡi con chim bồ câu diễm lệ của tôi, và tuôn ra nhiều lời tán dương cùng cử chỉ mơn trớn dịu dàng.



Đến ngày kết hôn, ai nấy đều vui mừng, vì đã quá lâu dân chúng không hưởng được một lễ hội nào, và Dulcidio là người duy nhất có đám cưới linh đình như hội. Cha xứ lấy tiền thù lao rất bảnh, vì hắn là một khách hàng đặc biệt.

Nhạc tây-ban-cầm làm ngây ngất những con tim yêu đương, tiếng hạc cầm và vĩ cầm ngời sáng tột độ. Mọi người cùng nâng ly chúc tình yêu vĩnh cửu cho đôi vợ chồng hạnh phúc, và những dòng sông rượu tuôn chảy cuồn cuộn bên dưới những lẵng hoa vĩ đại.

Dulcidio trưng diện một bộ da mới, với màu hồng trên hai vai và màu xanh pha lục trên chiếc đuôi dài ngoại hạng của hắn.



Thế rồi khi chỉ còn lại hai người và đến giờ hợp cẩn, hắn tuyên bố với nàng: — Anh cho em trái tim anh, để em giẫm đạp lên.

Nàng thổi một hơi làm tắt phụt ánh nến, trút bỏ bộ đồ cưới phùng phình đầy những dải ren hoa mỹ, thong thả tháo cặp kiếng mắt, và bảo hắn, Đừng nói lảm nhảm như lỗ đít nữa, dẹp cái trò dở hơi ấy đi. Giật phăng một cái, nàng lột truồng hắn ra như tuốt kiếm khỏi vỏ, vất bộ da của hắn lên sàn, ôm chầm lấy cái thân xác trần truồng của hắn, và làm hắn bốc lên như lửa.

Sau đó, Dulcidio ngủ rất say, cuộn mình tựa vào người đàn bà, và nằm chiêm bao lần đầu tiên trong đời hắn.



Nàng ăn hắn trong khi hắn còn đang ngủ. Nàng tiếp tục nuốt hắn thành từng miếng nhỏ, từ đầu đến đuôi, gây ra những tiếng nhóp nhép. Nàng cố gắng nhai hết sức nhẹ nhàng, tránh làm hắn thức giấc, để hắn khỏi mang theo một ấn tượng xấu.
 

fruit NHO

Active Member
CON BÉ BỊT MẮT


3000 là đủ!” Đó là câu nói thường xuyên của bà, câu nói mà tôi vẫn nghe được mỗi khi bà thì thầm với một gã nào đó đứng sát cận da thịt tôi. Không chỉ mình bà nói câu đó, ngoài tiếng gió thổi làm lao xao những ngọn tóc già nua, tôi còn nghe những bà khác đứng gần đó nói y hệt như vậy. Nhưng giọng nói của bà khác họ, nó là một kiểu thẳng thừng mà lại chẳng kém phần van vỉ. Nó khác với chất giọng của những người đàn bà đến với tôi trước đó. Nó làm tôi thấy thích thú vì ý nghĩ: mình đang thật sự có ích cho một kẻ chân thật, theo kiểu chân thật của riêng họ.

Hình như con bé đó đã làm phiền bà. Hình như bà đã làm gì với con bé đó. Nó đã lớn lên nơi đây, dưới chân tôi, dưới cái bóng rộng lớn của tôi. Bà cất nó trong một chiếc rổ nhỏ. Rồi trong cái nôi. Rồi đặt nó lên vài tờ báo với tấm bao nylon màu xanh da trời che xung quanh. Bây giờ nó đã biết ngồi, vì thế, chẳng cần cái rổ, cái nôi, mấy tờ báo hay cái bao nylon màu xanh da trời nữa. Nó có cặp mắt tròn đen, làn da trăng trắng, ốm như con thằn lằn vẫn bò xung quanh bức tường sau lưng. Hình như vậy, chẳng biết tôi tả có đúng không, bởi bà mang nó đi đâu đó vào ban ngày, tôi chỉ nhìn thấy nó vào ban đêm, lúc số cột đèn ít ỏi trên con đường này uể oải bật lên thứ ánh sáng vàng vàng nhạt thếch. Nó chẳng bao giờ mở miệng. Nó không nhìn tôi, mà muốn nhìn cũng chẳng được, vì khi vừa đến chỗ tôi bà luôn lấy một dãi vải buộc lên mắt nó, bà nói, “Bịt mắt bắt dê”. Nó nghểnh mặt để bà nhét thêm vào tai nó hai cục bông gòn. Nó ngồi xếp bằng dưới chân, đàng sau lưng tôi. Khỏi phải đợi, vì bà sẽ đặt vào bàn tay xinh xắn màu sữa của nó một cái nĩa bằng inox. Nó sẽ tỉ mẩn đào lớp đất dưới chân tôi, như đang đào tìm một người bạn nhỏ nào đó thất lạc đã lâu năm.

“3000 là đủ!” Đêm nay tôi không nghe câu đó, bằng chất giọng đó nữa. Con đường dài ngoẵng vẫn như mọi tối, với những bước chân liêu xiêu của những gã xỉn ca hát yêu đời. Những chiếc xe tốc bụi mịt mù của những kẻ lịch thiệp phóng hết tốc độ qua đoạn đường, không quên để lại ánh nhìn nghi hoặc ở hai bên đường, nơi chúng tôi sống gần trăm năm nay, và đó là nơi bà vẫn đứng lấp ló. Những bà khác vẫn chăm chỉ với câu “3000 là đủ!” gần đó. Những cái quần vẫn tụt xuống vội vàng. Kéo lên vội vàng. Những cái miệng mệt mỏi vẫn chùn chụt vội vàng. Những giọt nước trắng đục vẫn bắn vào bức tường nồng mùi nước tiểu cũng theo kiểu vội vàng. Vẫn đúng với câu “3000 là đủ!”, không một chút gia giảm khuyến mãi.

Bất chợt con bé ngưng tay không đào đất nữa. Nó đứng lên, không kéo dải vải ra khỏi mắt. Cái đầu nho nhỏ quay lần tìm hướng phát ra tiếng hét của bà. Nó quên mất hai cục bông trắng muốt đang lún sâu trong tai như muốn tuột dần đến tận cùng. Gã đàn ông gương mặt cũng trắng muốt, cười nhăn nhở chạy đi với cái núm vú trong miệng. Vệt máu chảy dài dưới cằm khiến gương mặt trắng của gã thành một anh hề trên sân khấu phố huyện. Những bà khác nghiêng đầu nhìn qua, rồi đổi hướng nhìn ra đường tiếp tục chờ đợi. Bà ngơ ngác nhìn theo, sực nhớ mình vẫn chưa lấy 3000.

Trăng lên đến đỉnh đầu tôi. Đêm nay có lẽ họ sẽ thức khuya hơn. Trăng thường làm cho người ta mơ mộng hoặc cảm thấy cô đơn. Tôi nghĩ, nếu bà có ở đây, bà cũng sẽ chẳng về trước khi trăng biến mất khỏi bầu trời. Con bé sẽ lăn ra ngủ kềnh dưới chân tôi, với một chút hơi thở khò khè nhè nhẹ như người bệnh suyễn. Tôi nhớ bà, thật vậy, nhớ tiếng hát khàn khàn khe khẽ. Nhớ mùi mồ hôi nồng nặc mà lần đầu tiên tôi tin rằng bà mà đến gần chút nữa, tôi sẽ bị sặc sụa đến ứa mủ. Bà không dùng nước hoa như những bà kế bên, dù chỉ là loại nước khử mùi rẻ tiền nhất. Vậy mà tôi lại thích lúc nào chẳng biết. Tôi cũng nhớ cái mùi đặc trưng của những gã đàn ông nhỏ thó, dù cái mùi đó hiện giờ đã ăn sâu vào thịt da tôi, đã lấn át cả cái mùi đặc biệt của giống loài tôi, vì mỗi đêm họ thường bắn tung toé lên da thịt tôi đến vài lần. Thú thật, cả tiếng rên rỉ giả vờ của bà tôi cũng nhớ, tôi ước được nghe nó. Tôi muốn kéo tất cả mọi gã đàn ông về phía bà, để được nghe câu “3000 là đủ!”bằng chất giọng thẳng thừng mà van vỉ, để âm thầm thưởng thức những âm thanh kỳ cục của loài người. Hay cái co mình đỏ mặt. Cái kiểu giẫy đành đạch khi sự sung sướng đến gần. Và cái khốn khổ vô căn cứ hiện trên mặt họ lúc đưa cho bà 3000 như thoả thuận.

Đêm nay, con bé bịt mắt không ngồi đây nữa. Tôi không còn nhồn nhột bởi những nhát đào lơi nhơi yếu ớt của nó. Nó đã biết định hướng tiếng thét của bà chưa? Những cục bông trắng muốt đã trôi tuột vào tai nó chưa. Nó có biết tháo dải vải xuống để gỡ màn đêm bít bùng ra khỏi mắt. Từ đàng xa, một người đàn bà lạ xuất hiện. Bà đi dần đến chỗ tôi. Ngồi xuống. Mắt nhìn ra đường chờ đợi. Tôi nhìn xuống chân mình, ở đó, một cái hốc nho nhỏ cỡ bằng đồng bạc, nhưng sâu hoắm, nằm im lìm như một vết thương hiển nhiên, như đó là dấu tích tuổi thơ mà bà muốn con bé dành riêng cho tôi.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top