Thử tìm ý nghĩa của một câu tục ngữ quen thuộc
Câu tục ngữ này tôi được biết từ thuở bé, nhiều năm sau này vẫn chưa hiểu hết nghĩa đích xác của nó.
Ðó là câu :
Gái thương chồng, đương đông buổi chợ
Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm.
Ðại để, chỉ hiểu được rằng, tình thương của người vợ đối với người chồng và tình thương của người chồng đối với người vợ có sự khác nhau. Tôi đã từng hỏi nhiều thầy giáo dạy văn và nhiều nhà nghiên cứu, nhưng cũng chưa lần nào nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Câu tục ngữ này toàn tiếng nôm na, giản dị nhưng có cái cực khó là cha ông ta đã rút gọn bớt một yếu tố có tính chỉ hướng nằm giữa vế 1 (trước dấu phẩy) và vế 2 (sau dấu phẩy) mà ngữ pháp tiếng Hán gọi là sự tỉnh lược. Mặt khác, hình ảnh đương đông buổi chợ và nắng quái chiều hôm cũng là những tín hiệu mờ vì chắc chắn mang ý nghĩa tượng trưng hoặc đa nghĩa, hoặc cả hai.
Tôi xin nêu ra cách tiếp cận và lý giải của mình về câu tục ngữ này như sau:
1- Chú ý đến chữ: Trước hết là chữ gái và chữ trai. Gái và trai ở đây có thể thay cho vợ hoặc chồng một cách bình thường và cũng có thể có dụng ý tu từ, để chỉ về tình cảm của những đôi vợ chồng còn son trẻ. Tuy nhiên đây không phải là ước định để không cho phép câu tục ngữ nói về tình cảm vợ chồng nói chung. Tôi cũng chú ý đến chữ thương. Thương là yêu, là thương yêu hay tình thương? Tôi nghiêng về phía thương yêu là phía có ân ái, có tình thương và ân nghĩa.
2- Tìm yếu tố bị tỉnh lược: Yếu tố bị tỉnh lược đó có thể là:
- Như
- Vào lúc
3- Xác định nghĩa của hình ảnh "đương đông buổi chợ" và "nắng quái chiều hôm". Chợ xưa ở các làng quê Việt Nam không như chợ và siêu thị ngày nay, mà thường chỉ họp một buổi, có khi nửa buổi và chợ đông cũng chỉ diễn ra một lúc, khoảng một tiếng đồng hồ.
"Chợ đông", ta có thể hiểu theo các nghĩa chính sau: Lúc hàng còn tươi ngon, sẵn, lúc còn lắm kẻ mua, người bán và đó là lúc sôi nổi nhất. Eo sèo và đáng buồn thay là cảnh vãn chợ, ế hàng !
"Nắng quái" là cái nắng của buổi chiều những ngày mùa hè, rất gắt, khó chịu hơn cả cái nắng vào đúng ngọ. Ðó cũng là thời điểm mệt nhất của người lao động, nhất là những phụ nữ đi cấy vụ mùa, không phải không có người say nắng ngất xỉu cho nên có câu "Gái thương chồng lúa lợ, trai thương vợ cấy chiều".
Nắng quái chiều hôm cũng có thể hiểu là cái nắng gắt gỏng, thiêu đốt nhưng chóng tắt, đang chuyển về đêm tối.
4- Xác định nghĩa của câu trong cấu trúc hoàn chỉnh. Khi chúng ta cảm thụ cái đẹp của sự vật, con người hay tác phẩm văn chương, thì chúng ta chỉ cảm giác (trong đó đã có tri thức được tích lũy) và nhận biết trong tổng thể, trong cái toàn bộ của nó.
Ngày xưa, một phụ nữ luống tuổi, nhiều kinh nghiệm cuộc sống ở làng đã từng nói với tôi rằng, xem gái có thương chồng hay không là xem lúc chị ta có mặt vào lúc chợ đang đông để chọn cho kỹ, mua cho chồng được miếng ăn ngon (trong cái vốn tiền ít ỏi mọi phụ nữ nông thôn xưa) hay không. Và với tư duy của một cậu bé nông dân, ngay lập tức tôi suy ra câu thứ hai là xem người chồng có thương vợ hay không là khi nắng quái, anh ta có xách nước uống ra đồng cho vợ hay không, có đỡ đần công việc cho vợ lúc ấy hay không?
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Khoa Văn, Ðại học Khoa học xã hội và nhân văn, hồi đi điền dã ở Diêm Ðiền, Thái Bình năm 1999 có thu thập được câu: "Gái thương chồng như lông lợn chợ; Trai thương vợ lái (lưới) kéo chiều hôm".
Từ sự tương đồng đó, có thể hiểu là: Gái thương (yêu) chồng thì dào dạt, mạnh mẽ với toàn bộ cảm xúc (như cái ồn ào, náo nhiệt của chợ đông; như lợn đem đi bán ở chợ, ai đụng vào đều rùng da, dựng đứng hết cả lông lên nghĩa là rất nhạy cảm, là bằng toàn bộ cảm xúc. Còn trai thương (yêu) vợ thì có thể nồng cháy đấy, nhưng chỉ được một lúc rồi tắt nguội nhanh như nắng quái chiều hôm, hoặc uể oải như anh kéo lưới buổi chiều, vì cá đã có rồi, mà sức cũng yếu rồi.
Hiểu theo cách ấy, tức là chọn định hướng so sánh về tính chất và mức độ của sự yêu thương mà yếu tố đã bị tỉnh lược là "như".
Trong tục ngữ ca dao, trong lối nói hằng ngày, có những câu lấy lý trí để nhận biết làm căn bản; lại có những câu rung vào ngàn tầng cảm xúc và ám ảnh không nguôi. Ðọc câu "Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm", ấn tượng va đập vào tôi mạnh nhất là chữ thương. Chữ thương của tình cảm vợ chồng ấy lại gắn bó khắn khít, quấn quýt với quê hương làng cảnh Việt Nam ngàn đời với những buổi chợ, buổi cày, với những cơn nắng quái rát mặt, rát lưng; với những lúc đông vui và lúc buồn bã chiều hôm...
Trong tiếng Việt, có lẽ chữ "thương" có trước chữ "yêu". Người Việt lễ giáo và tế nhị, ít khi nói thẳng từ yêu để nói về tình yêu mà thường là nói đến chữ "thương". Mà chữ "thương" mới sâu sắc, mới đọng lại, mới thể hiện được tấm lòng và bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Có khi cũng chẳng cần nói đến chữ thương, chữ yêu mà vẫn nói được tình yêu: Thấy anh như thấy mặt trời, Chói chang khó ngó, trao lời khó trao.
Tôi rất biết ơn bà lão xóm giềng đã chỉ ra một nghĩa của câu "Gái thương chồng..." với nghĩa vợ chồng trẻ, trong những ngày đầu mới làm vợ chồng phải biết thương yêu, chăm lo cho nhau từng li, từng tí, đúng lúc, đúng nơi. Câu tục ngữ như một truyền dạy về kinh nghiệm. Chữ gái và trai được hiểu như vợ chồng son.
Tôi cũng biết ơn và ghi nhận những ý kiến của nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ hiểu câu tục ngữ trên như để chỉ tính chất khác nhau của hành vi yêu.
Từ trực cảm và nhiều năm suy ngẫm, suy ngẫm và kiểm tra bằng cảm xúc, tôi thấy điều nhắn gửi của cha ông có lẽ còn sâu sắc hơn thế. Câu tục ngữ được viết bằng tình cảm, đọc bằng tình cảm nên có người cho đó là câu ca dao. Là tục ngữ hay ca dao tôi không bàn. Tôi thấy ở câu này đã lấy sự khác nhau để chỉ sự giống nhau. Sự giống nhau mới là cơ bản, mới là đích hướng tới. Ở hai vế đầu, "Gái thương chồng" "Trai thương vợ" đều nói sự xoắn xuýt của vợ chồng vào một chữ thương. Chữ thương lưu lại, gợi lên. Vì vậy, tôi không đồng ý thiên hẳn về nghĩa là gái thương chồng thì sâu sắc hơn, sôi nổi hơn là cách thương chóng phai lạt của đàn ông. Có một điểm cần lưu ý là chợ đông hay nắng quái vừa chỉ một hiện tượng lại vừa chỉ thời gian, thời khắc - cái thời khắc ấy đều chóng qua, chóng hết.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, yếu tố đã bị tỉnh lược ở đây là "vào lúc". Có thể diễn đạt như sau: Gái thương chồng (được thể hiện vào lúc) đương đông buổi chợ; Trai thương vợ (được thể hiện vào lúc) nắng quái chiều hôm.
Và tôi nghĩ "đương đông buổi chợ" là lúc xuân thì của người con gái, còn nhiều cơ hội lựa chọn, phụ tình. Nhưng người con gái Việt Nam vào cái lúc đẹp nhất ấy của mình đã chọn đạo thờ chồng: Chồng em áo rách em thương; Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Nắng quái chiều hôm, chỉ vào lúc xế chiều. Người đàn bà lúc xế chiều của cuộc đời, hay ốm đau bệnh tật, nhan sắc phôi pha, vợ chồng, nhất là người chồng thương nhau cho đến xế chiều mãn bóng chính là lúc này đây.
Tình yêu thương, sự yêu thương có thể khác nhau về mặt biểu hiện, nhưng hai chiều đắp đổi, giữ vẹn thủy chung... phải chăng đó là mã thông tin cốt yếu nhất mà cha ông ta đã tự nói về mình, là điều muốn nhắn gửi tới mai sau?
Và phải chăng, nếu đọc đi, đọc lại vài lần, ta thấy có một cái gì ngân nga thắm thiết, một cái gì có thể nối điêu để thành một bài thơ trọn vẹn. Rất kiệm lời, kiệm chữ và với một cấu trúc mở, tục ngữ ca dao đi vào lòng người đọc để gieo mầm...
Vậy cuối cùng, bạn đọc có thể hỏi tôi đã xác định nghĩa đúng của câu tục ngữ "Gái thương chồng..." như thế nào?
Bạn hãy lựa chọn một hoặc nhiều cách hiểu trên đây và có thể có cách hiểu riêng của bạn. Cách hiểu nào có tính mỹ cảm, có đem lại cho bạn một cách sống tốt, một kinh nghiệm, một điều gì đó có ích đều chính là cách hiểu đúng. Tác phẩm văn chương không phải chỉ tự nó, trong một cái khuôn cứng nhắc, mà sức sống, cái hay, cái đẹp của nó chính là ở trong sự liên hệ với người tiếp nhận, giống như viên ngọc sẽ ngời lên những mầu sắc khác nhau dưới những nguồn sáng khác nhau...
NGUYỄN SĨ ÐẠI
source: http://www.nhanmonquan.net/vbulletin/archive/index.php/t-7366.html