Một câu chuyện cảm động

vichia

Active Member
Hôm nay đọc xong cái này trên vnexpress, mới thấy con người có thể yêu nhau đến mức nào ....http://vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/08/3B9E19C5/

Nhật ký về cuộc chiến chống bệnh ung thư

Choáng và hận là cảm giác của Phan Văn Hòa khi biết vợ bị ung thư; hận vì y học đã chữa được nhiều bệnh mới mà bó tay với căn bệnh cổ xưa này. Rồi hy vọng đã đến với những ai cần nó. Ngọn lửa ấy khi bùng lên, khi lay lắt, nhưng chưa bao giờ tắt trong những ngày cả hai chiến đấu với bệnh tật. VnExpress xin trích đăng nhật ký của anh.

Hà Nội, 29/03/2005

- Tìm thày chạy thuốc

- Viết cho người ra đi

Hôm qua, tôi phải dùng tới thuốc giảm đau Fentanyl cho vợ. Nó được thể hiện dưới dạng lá cao dán DUROGESIC. Lúc đầu cũng định để dành, phòng trường hợp đau quá nặng. Tuy nhiên, tính ra, vợ tôi chịu đau cũng tới trên dưới 8 tháng trời rồi. Vợ tôi khẳng định là cường độ đau không tăng, nhưng vì đau lâu quá, nên rất mệt mỏi và khó chịu. Sau khi nghiên cứu, tôi quyết định cứ dùng thử cho vợ xem sao.

Sáng dậy, vợ tôi kêu buồn ngủ. Tối qua ngủ có ngon hơn, không biết có phải do thuốc giảm đau mới không. Chắc không phải, vì thuốc này chỉ có công hiệu sau 12 tiếng đồng hồ thôi. Tôi khuyên vợ tôi đi ngủ, rồi tôi thì đi làm.

Gần trưa, cỡ khoảng 11 giờ sáng, vợ tôi gọi điện, nói rằng mệt lắm, và nhịp tim lên tới 125. Tôi vội vàng tắt máy tính, chạy về ngay. Về đến nơi mới nhớ ra là mất điện từ sáng. Và về vội quá, nên tôi cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ lại về tác dụng phụ của DUROGESIC nữa, mặc dù trước đó đã đọc, và nhớ rằng không có tác dụng phụ nguy hiềm.

Lại phải chạy vào Bán đảo Linh đàm, tìm một hàng Cafe Internet. Đọc kỹ ra thì thấy Fentanyl có khi còn làm chậm nhịp tim, chứ không phải tăng. Nhưng có thể làm suy hô hấp. Mà vợ tôi vốn đang rất yếu về phổi. Quay về, định dùng một số phương pháp hỗ trợ hô hấp, thì vợ tôi đã kịp chuẩn bị và bắt đầu dùng bình oxy để thở. May mà trước đó, tôi cứ quyết mua bình oxy để đề phòng trường hợp con ốm. Lúc này, mạch vợ tôi lên tới 133.

Được một lúc, nhịp tim có chậm lại. Vợ tôi mệt quá thiếp đi. Dậy có uống được một cốc sữa, vài viên thuốc. Có vẻ vẫn mệt, và buồn ngủ nữa. Không biết có phải do Fentanyl không. Giờ cô ấy vẫn đang nằm ngủ, nhịp thở có vẻ vẫn hơi nhanh. Nhịp tim chắc vẫn khoảng 120-125 gì đó...

Hà nội ngày 31 tháng 3 năm 2005

Hôm nay là một ngày kinh khủng đối với chúng tôi. Sáng dậy, lọ mọ đo nhịp tim cho vợ, thấy có giảm được tý ty, nghĩa là còn 120 nhịp một phút. Chưa có gì sáng sủa. Nhưng cũng có vẻ đỡ. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn có vẻ mệt, dù đã tươi tỉnh hơn hôm qua rất nhiều.

Tôi và vợ tôi quyết định sẽ đi chụp lại phổi vào khoảng cuối giờ sáng. Khi nhận tấm phim X-quang, tôi lặng người đi, còn vợ tôi kêu lên thảng thốt và hốt hoảng. Trên phim, một nửa tấm phim hiện lên trắng phớ. Vợ tôi đã MẤT NGUYÊN MỘT BÊN PHỔI. Tôi quay xe đi thẳng về nhà. Vợ tôi lặng đi, không nói được thêm một lời nào nữa. Vậy đó! Mới chỉ được khoảng 1 tháng từ lần chụp phim trước. Và bây giờ, khối u từ một nửa lá phổi đã ăn lan ra hết cả một lá! BẤT CHẤP BA BỐN LOẠI THUỐC tôi đang cho vợ tôi uống! THẤT VỌNG. Còn gì để nói nữa đây?

Gần đến nhà, tôi mới an ủi vợ tôi được một câu. Có lẽ vợ tôi cũng chẳng để ý nghe được tôi nói gì nữa. Giờ thì tôi cũng chẳng nhớ tôi đã kịp nói gì với vợ tôi.

Về đến nhà, bố vợ tôi nhìn thấy vẻ mặt chúng tôi và tái mặt. Cụ không nói không rằng, rút tấm phim ra xem và cũng bàng hoàng ngồi thịch xuống salon! Không ai nói được gì. Một lúc, tôi nói với cụ: "Con sẽ khởi động ngay". Khởi động ở đây là khởi động phương án dự phòng. Tôi có bàn qua với cụ trước đó mấy ngày. Và bây giờ, phải bắt đầu hành động. Việc đầu tiên, tôi gọi điện cho một anh bác sỹ quen ở viện K. Anh lập tức hẹn tôi đầu giờ chiều lên gặp. Trong tình huống khẩn cấp, tôi nghĩ ngay đến việc phải đưa vợ tới viện K để xạ trị, sớm ngày nào hay ngày ấy, dù trước đây tôi không muốn làm điều này.

Rồi lập tức, tôi cầm máy điện thoại gọi thẳng sang Singapore. Với tôi, viện K chỉ là phương án tạm thời để lấp chỗ trống trong khi tôi chờ tới lúc có thể bay sang Singapore. Rất may, người ta cho tôi gặp ngay người tôi cần: Dr. Ang Peng Tiam. Tôi lập bập nói bằng tiếng Anh với bác sỹ về bệnh tình của vợ. Ông nhẹ nhàng giải thích qua một số điểm, và đề nghị tôi xác nhận khi nào tôi có thể tới Singapore được. Tôi cũng mô tả qua tình hình, và nói sẽ cố gắng cuối tuần sau bay sang. Tôi chẳng dám nói thực là theo một số thông tin tôi biết, giá chữa bệnh ở Singapore là rất cao so với mức sống của người Việt nam, và tôi cần một số thời gian để huy động tiền bạc. Vị bác sỹ nói với tôi khi nào sẵn sàng, gọi điện trước cho ông và ông sẽ cho tôi một cái lịch hẹn. Thế là bước đầu cũng tạm gọi là may mắn, may trong cái rủi, trong một số quyết định sai lầm của tôi. Tiếp sau đó là một loạt các cú điện thoại đến bạn bè để huy động tiền bạc. Với đa số người Việt chúng ta, tổng chi phí cho đợt chữa bệnh này ở Singapore là quá lớn, nói chung là khó có thể lo được. Tôi ước tính có lẽ phải lên tới khoảng 40 ngàn USD. Nhưng còn nước còn tát, tôi phải cố hết sức thôi. Bạn bè đều trả lời sẵn lòng, kẻ ít người nhiều. Chắc đầu tuần tới tôi cũng sẽ được bạn bè giúp cho một phần quan trọng về tài chính.

Đầu giờ chiều lên viện K, anh bạn bác sỹ mắng tôi một chập. Làm thế nào được anh? Một lựa chọn của tôi có thể đúng, cũng có thể sai. Tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi. Tôi lên một mình. Lần trước, anh đã giúp tôi để tôi có thể đăng ký vào viện ngoại trú mà không cần có mặt bệnh nhân. Tôi nói với anh tôi không muốn cho vợ tôi biết, chỉ muốn nếu cần xạ trị thì tôi đưa vợ tôi lên, xạ chừng 15 phút, rồi lại chở về ngay. Rồi tôi lại ngần ngừ và rút hồ sơ, không cho vợ tôi vào xạ. Lần này, anh nói nặng rồi, bắt buộc phải có bệnh nhân mới được. Và anh nói không nên giấu vợ tôi nữa. Thế là tôi lại phải hẹn lại anh sáng sớm mai đưa vợ tôi vào.

Quay về công ty, giải quyết một số việc, tôi sực nhớ ra một người bà con ở viện Lao, người đã từng chữa bệnh cho tôi. Lại lọ mọ lái xe lên viện, mang theo phim phổi của vợ. Mãi mới gặp được cô. Sau khi xem, cô giải thích cho tôi rất nhiều điều. Và, các bạn biết không: Chưa chắc đã phải là khối u ăn lan ra toàn bộ lá phổi. Khối u vốn có gốc sát với gốc khí quản. Chỉ cần nó lớn lên một chút, là có thể bít mất gốc phế quản của lá phổi rồi! Và một khí gốc phế quản bị bít, lá phổi sẽ bị xẹp xuống, rồi nhanh chóng thành lá phổi sẽ bị dính vào nhau. Lập tức, phim phổi bị trắng. Vậy nghĩa là, tôi lại có HY VỌNG rồi! Đúng hay sai, chưa biết, nhưng như thế là còn hy vọng. Tôi ra về vơi đi bao nhiêu gánh nặng. Áo phông dần dần khô lại sau suốt mấy tiếng đồng hồ ướt nhẹp, do tôi căng thẳng toát mồ hôi liên tục.

Tối về, tôi liên lạc với những người đã được bác sỹ Tiam chữa trị. Có những người khá là nặng. Tỷ như người bình thường có độ đo ung thư ở mức 5, thì một bác người Việt mình, khi sang với ông Tiam, có chỉ số bệnh lên tới 500! Rất cao. Bác cũng bị ung thư phổi, trắng một lá phổi trái như của vợ tôi. Nhưng còn nặng hơn nhiều. Đã bị di căn xuống gan và háng. Hạch háng sưng vù, không đi nổi. Khi các con bác đưa bác sang Singapore, người ta phải khiêng bác đi. Và sau 7 lộ trình chữa bệnh bằng hóa trị, bác đã đi lại được. Chỉ số bệnh còn 11! Một chỉ số ĐẦY HY VỌNG...

Và tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin về bác sỹ Peng Tiam. Rất nhiều thông tin hay. Bác sỹ Tiam dùng hóa trị là chủ yếu, nhưng điểm đặc biệt là bệnh nhân không đau, không bị rụng tóc! Có vẻ kỳ diệu đấy chứ? Câu châm ngôn mà tôi sử dụng ở đây, chính là của bác sỹ Tiam đấy. Tóm lại, tôi đã thất vọng, và lại tràn đầy hy vọng. Tôi quyết định sẽ đưa vợ tôi sang Singapore bằng được!
 

vichia

Active Member
Singapore, 09/04/2005

Nhớ lại hôm đầu tiên lên khám bác sỹ Ang, ngày 06 tháng 04. Chúng tôi đến trước giờ hẹn một chút, vậy mà vẫn phải xếp hàng. Mất độ 1 tiếng rưỡi thì chúng tôi mới được vào khám - tư vấn. Sau khi nghe tôi trình bầy xong, bác sỹ xem phim, và khám cho Lan Anh một chút. Và bác sỹ nói với chúng tôi rằng Lan Anh chắc chắn có "serious problem". Vâng, chắc thế rồi, tôi cũng biết vậy. Sau đó, bác sỹ nói tiếp rằng ông đã từng chữa những ca tương tự. Tuy nhiên, ông nói ông chỉ có thể dự đoán khoảng 60% là ông có thể làm khối u nhỏ lại, hoặc biến hẳn đi. Tôi nghe xong lại choáng người! Trời ơi, người ta giới thiệu về ông hay là thế, vậy mà ông nói chỉ có 60% xác suất thôi sao? Ông gọi chúng tôi lại bên màn hình vi tính, cho chúng tôi xem một số phim chụp của các bệnh nhân ung thư phổi ông đã chữa cho, trước và sau khi chữa trị. Rồi ông hỏi chúng tôi là có muốn để ông chữa trị không? Ồ, nghe có vẻ buồn cười nhỉ! Chúng tôi đã vượt bao nhiêu cây số tới đây, dù chỉ còn 10% hy vọng cũng phải chiến đấu chứ! Tất nhiên là tôi nói OK ngay, chả cần suy nghĩ. Có gì để mà nghĩ?

Lập tức, ông bác sỹ khẩn trương ngay. Sau một loạt các cú điện thoại, ông hoàn tất nốt các thủ tục giấy tờ và lập tức chúng tôi được đưa sang khoa X-quang để chuẩn bị chụp chiếu và làm thủ thuật hút dịch. Tôi làm theo các chỉ dẫn của bác sỹ như máy, trong tình trạng vẫn chưa hết choáng vì con số 60%. Về sau, khi ngồi ăn trưa một mình trong cafe của bệnh viện, tôi mới hoàn hồn. Thực ra, 60% nghĩa là câu trả lời là "Nhiều khả năng tôi sẽ chữa được!" Và thế nghĩa là tự tin lắm rồi. Chứ bạn nghĩ, nếu bạn là bác sỹ, bạn có dám chắc rằng bạn chữa khỏi được căn bệnh ung thư không? Dù bạn có là chuyên gia cấp I đi nữa về căn bệnh ung thư, chả chắc bạn dám nói là chắc chắn tôi chữa khỏi. Vậy là tôi dần dần lấy lại được bình tĩnh. Dù sao thì tôi cũng có câu trả lời mang tính khẳn định. Chứ bác sỹ nói không hy vọng nhiều, chỉ 30% thôi, thì mới đáng sợ. Mà kể cả còn có 30% thì cũng vẫn phải cố, chứ không lẽ lại ngồi chờ chết? Và nếu 60% của bác sỹ Ang là hiện thực, thì tôi sẽ tiếp tục bằng thuốc đông y để diệt trừ nốt căn nguyên sau khi bác sỹ Ang kết thúc lộ trình hóa trị. Tôi tin là sẽ ổn...

Và như tôi nói hôm trước, thực ra, sau khi chụp chiếu và làm sinh thiết, mới biết Lan Anh đã mắc tới giai đoạn IV, giai đoạn di căn rồi. Tổng cộng cũng chỉ có 4 giai đoạn thôi mà. Và nếu như ngày mới phát hiện ra bệnh, giá mà các bác sỹ Việt nam chẩn đoán chính xác giai đoạn 4 cho tôi, thì tôi đã không dùng đông y, mà sẽ tìm cách đưa sang Singapore sớm hơn được 1 tháng, là kết quả sẽ ổn hơn rất nhiều... Nhưng thôi, không giá mà...

Singapore, 11/04/2005

Hai ngày cuối tuần cũng trôi qua êm ả. Vợ tôi vẫn mệt lắm, nhưng đã bắt đầu ăn được. Theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, ngày thứ 7 tôi chỉ cho vợ tôi ăn nước súp trong. Mua một ít khoai tây, cà rốt về, nấu với thịt nạc, và chắt lấy nước. Ngày chủ nhật, tôi bắt đầu cho vợ tôi ăn cháo, nhưng rất loãng. Tính tôi nóng, hay sốt ruột, thế là đi chợ mua được một bịch cánh gà, dễ có đến hơn nửa cân, tôi đem về đổ tuốt vào nồi cháo. Trông ra thì cánh gà Singapore rất ngon, và nạc. Thế nhưng nấu xong cháo thì mỗi bát múc ra chắc phải gần nửa cm... là mỡ. Đành phải bỏ đi nấu lại.

Hôm nay thì vợ tôi ăn được cháo đặc hơn. Và kinh nghiệm nấu cháo của tôi cũng khá hơn nhiều. Chắc chưa đủ để về mở quán ăn, bán cháo cà rốt hầm với thịt lợn, nhưng chắc đủ để vợ tôi ăn mà không chê gì nữa. Vợ tôi vẫn mệt. Có khá hơn, đi lại được một chút trong nhà, nhưng phần lớn cả ngày vẫn nằm thiêm thiếp, đôi khi đến trông li bì lắm. Tôi đọc lại phác đồ chữa bệnh, biết rằng cảm giác mệt mỏi và bải hoải là một trong những tác dụng phụ của phác đồ điều trị GemCisplat, nên đành phải chấp nhận.

Lại nói về phác đồ GemCisplat. Số là ngày thứ 5, mồng 7 tháng 4, lúc 11 giờ, chúng tôi lại có mặt ở văn phòng bác sỹ Ang Peng Tiam. Trước khi mời chúng tôi vào, bác sỹ Ang đã kịp hội chẩn qua điện thoại với bác sỹ X-quang. Ông cho biết kết quả sinh thiết làm lại là kết quả khẳng định: vợ tôi bị ung thư. Vợ tôi nghe không rõ, cứ cuống lên hỏi tôi là bác sỹ nói gì. Tôi vẫn chưa muốn cho vợ tôi biết vì sợ tình trạng sức khỏe còn yếu quá, sợ không chịu nổi thêm một sức ép tâm lý quá nặng nề nữa. Nên tôi nói ầm ừ rằng bác sỹ nói có u, và phát triển nhanh, nhiều. Vợ tôi trước đó hỏi tôi ung thư tiếng anh là gì, tôi cười bảo là "carcinoma". Vợ tôi hỏi khối u là gì? Tôi đáp là "tumor". Cố gắng tránh từ cancer, vì từ đó mọi người dùng thường xuyên quá. Về sau, tôi cũng giải thích đại từ "cancer" cũng là khối u nói chung. May là vợ tôi rất tin tôi, nên cũng chả buồn tra từ điển. Mà tôi nghĩ, chắc vợ tôi yếu quá, cũng chả có sức mà tra từ điển nữa kia.

Khối u đã bắt đầu di căn sang lá phổi bên cạnh, và đặc biệt là di căn vào thực quản. Tôi lập tức liên tưởng lại hiện tượng nghẹn của vợ tôi, và hiểu rằng ngay sau tết, khi vợ tôi kêu nghẹn, là khối u đã bắt đầu di căn sang thực quản rồi. Ông nói rằng vợ tôi sẽ không thể ăn được, thậm chí gần như sẽ không uống được trong suốt quá trình điều trị, chỉ đến khi khối u bị tiêu diệt, thì mới hy vọng nuốt được. Thứ ba là ống thực quản bị rò. Dẫn đến chuyện trong dịch phổi phát hiện thấy cả rau!

Rồi ông đề nghị hai giải pháp để giải quyết vấn đề thực quản trước. Một là đặt ống xông dạ dầy thông qua mũi, đưa thẳng tới dạ dầy. Sau đó, hàng ngày phải bơm sữa và thức ăn xay nhỏ trực tiếp xuống dạ dầy. Phương pháp này rẻ tiền, nhưng vô cùng bất tiện cho người bệnh, và chắc chắn là bơm thẳng thức ăn vào dạ dầy không phải là phương án tốt nhất rồi. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn phương án thứ hai, đặt ống nong thực quản. Và bác sỹ Ang thu xếp để ngày hôm sau, chúng tôi hoàn thành tốt đẹp ca thủ thuật phức tạp đó.

Còn vấn đề chính, là căn bệnh ung thư. Bác sỹ Ang cho chúng tôi bắt đầu điều trị ngay tức khắc sau buổi khám bệnh. Phác đồ bao gồm 4-6 vòng điều trị, mỗi vòng dài 21 ngày. Ngày thứ nhất, truyền cả hai loại thuốc. 8 ngày sau, truyền thêm một liều Gemcitabine. Rồi bệnh nhân được nghỉ hai tuần, và thế là hết một vòng điều trị. Tùy bệnh nặng nhẹ mà quá trình điều trị có thể kéo từ 4-6 vòng như vậy.

Singapore, 13/04/2005

Mới chỉ sau vài ngày, Lan Anh đă có vẻ khá hơn nhiều, lần truyền này không phải nằm nữa. Ngồi trên ghế bành suốt ba tiếng đồng hồ mà thấy nhẹ như không. Chiều về ăn được và thấy khỏe hơn nhiều.

Nóng quá, cuối giờ chiều hai vợ chồng rủ nhau đi cắt tóc. Cắt xong, trông vợ tôi trẻ ra gần chục tuổi, cứ như sinh viên... Chả bù cho lúc đau, trông đi cứ lom khom, như cụ già bẩy mươi tuổi... Cắt tóc xong thấy vợ tôi vui vẻ, tôi gạ chụp ảnh, và chớp được vài kiểu. Nếu biết là vợ tôi bị bệnh th́ chắc nghĩ là bị... rụng tóc. Còn nếu không, chắc bạn cũng nghĩ như tôi, trông cứ như sinh viên, chắc không ai nghĩ là đă có tới hai con!
 

vichia

Active Member
Singapore, 20/04/2005

Ngày hôm nay đối với chúng tôi cũng có một vài sự kiện nho nhỏ. Buổi sáng, có một người bạn tôi ở hiện đang ở Singapore biết tin về vợ chồng tôi qua một anh bạn. Và cô tìm cách liên lạc được với tôi. Cô thông báo ngày mai cô về Việt nam hai tuần. Thế là tôi gạ vợ tôi đi siêu thị mua một món quà nho nhỏ gửi về cho con gái. Vợ tôi cũng không ngần ngừ gì lắm, đồng ý luôn. Tôi đưa vợ tôi đến một khu mua sắm không xa nhà lắm. Vào đến bên trong, vợ tôi đảo mắt nhìn một vòng và... xuýt ngất xỉu! Vì nó to quá. Bẩy tầng nhà. Mỗi tầng to phải bằng tổng cộng cả bốn năm tầng của cái Tràng Tiền Plaza cộng lại. Mà vợ tôi thì mệt, cứ ngỡ tôi định lôi đi hết! Tôi cười, chỉ một khu ngay cạnh cửa, bảo rằng tôi chỉ định đưa vợ tôi vào đó, mua xong quà cho con gái là về ngay, vợ tôi mới đỡ... choáng. Chập chững một hồi, chúng tôi cũng tới được khu đồ chơi đang bán sale. Mua xong là về luôn, đúng kế hoạch. Vậy mà về nhà vợ tôi cũng mệt lử, nằm ngủ luôn hơn hai tiếng đồng hồ. Xong, lúc dậy, vừa lúc cô bạn tôi tới lấy quà, vợ tôi lại thấy thoải mái, khỏe khoắn. Lại còn đòi uống sữa bổ dưỡng nữa. Tôi thì chỉ muốn cho vợ tôi dần dần hòa nhịp lại với cuộc sống bình thường. Chứ suốt ngày nằm trên giường hẳn cũng không phải là tốt.

Sự kiện thứ hai là buổi tối, đang định múc cháo, thì vợ tôi lại đòi ăn... cơm. Mừng quá, tôi múc cơm, chan canh cho dễ ăn, đưa cho vợ tôi. Loay hoay một lúc cũng ăn được một bát khá khá lớn, với một quả trứng, và canh bí cà chua nữa! Mừng được nửa tiếng, thì vợ tôi ho, sặc, và lại cho ra mất quá nửa bát cơm. Nghỉ một lúc, hai vợ chồng lại hâm lại cháo, ăn lại. Dẫu sao cũng vui, vì tóm lại là vợ tôi bắt đầu ăn cơm được. Còn chuyện sặc ra thì phải chấp nhận thôi. Cái ống thực quản nhân tạo kia không thể tốt bằng đồ "thật" được. Sẽ dễ bị trớ như trẻ con vậy. Căn bản là người đang yếu, lại phải uống kèm quá nhiều nước, dễ bị nhanh no, mà là no ảo. Bụng chắc toàn nước, lại đầy, thì ho mạnh một cái là dễ nôn, dễ sặc. Sặc ra thì lại phải ăn lại thôi. Ăn uống bây giờ đối với vợ tôi cũng trở thành những cuộc chiến.

Singapore, 02/05/2005

Tuy gầy, nhưng vợ tôi nói chung là có cảm giác khỏe khoắn hơn. Trừ những lúc thuốc "hành". Những lúc mà chúng tôi cảm giác thuốc đang có tác dụng, thì biểu hiện có vẻ rõ lắm. Tôi thường quan sát thấy những lúc như vậy, vợ tôi kêu mệt, mặt tái đi, và đôi khi, trông mặt có vẻ vàng vọt. Thường lúc đó, vợ tôi nằm ngủ một lúc, lúc tỉnh dậy lại thấy tươi tỉnh hơn.

Sáng nay, để thử xem liệu có đủ sức về Việt nam được không, tôi và vợ tôi quyết định... đi chợ. Đi chợ ở đây nghĩa là phải xuống đồi (nhà bạn tôi ở trên một quả đồi). Rồi quan trọng nhất là lúc quay về, phải trèo hơn 60 bậc thang khá dốc lên đồi. Còn đi trên đường bằng thì không ngại lắm, chúng tôi có mua một chiếc xe lăn nho nhỏ, nên lúc nào trên đường bằng vợ tôi cảm thấy mệt thì lại ngồi lên xe cho tôi đẩy. Chợ cách nhà khoảng 400-500 m. Nói chung là cuộc thử nghiệm thành công. Vợ tôi trèo về được đến nhà mà không thấy mệt lắm. Nếu tình hình sức khỏe thế này, và bác sỹ cho phép, chắc chúng tôi sẽ về được Việt Nam sớm thôi. Về mấy hôm rồi lại quay lại truyền tiếp.

Singapore, 03/05/2005

Hôm nay chúng tôi đi truyền nốt lần thứ hai vòng thứ hai. Vậy là vợ tôi chính thức kết thúc hai vòng hóa trị đầu tiên. Trước khi truyền, chúng tôi vào khám lại với bác sỹ Ang. Kết quả nói chung là khá khả quan. Chỉ số CEA của Lan Anh đã bắt đầu giảm. Chúng tôi đi thử máu ngày thứ 7 tuần trước. Chỉ số CEA còn 9.9, so với lần trước là 10.1. Bác sỹ Ang có vẻ vui vẻ lắm. Ông cười tươi, và bắt tay chúc mừng chúng tôi bước đầu.

Thêm một biểu hiện đáng mừng nữa là vợ tôi chịu đựng buổi truyền chiều nay một cách khá thoải mái. Kể cả thời gian đi lại, vợ tôi chịu đựng được 7 tiếng đồng hồ, không đến nỗi quá mệt mỏi. Truyền xong vẫn tươi tỉnh, khỏe mạnh, và kêu đói nữa. Mà hôm nay vợ tôi có vẻ bắt đầu ăn được. Tính sơ ra, vợ tôi hôm nay tiêu thụ hơn 3 quả trứng gà, cỡ hơn một lạng giò lụa Việt Nam gửi qua, hai miếng bánh ga tô, gần một con ghẹ cỡ đại, thêm một con tôm he cũng cỡ đại, cùng với cơm, mỳ đủ ba bữa, và bí xào, canh bầu nữa. Nói chung là có vẻ ổn. Mà hai ba hôm nay tình hình nôn, trớ đã giảm xuống rõ rệt, gần như không còn nữa, Chỉ khi vợ tôi quên mất tình trạng thảm thương hiện tại, ăn nhanh và nuốt to một chút, thì mới hơi bị sặc ra. Nhưng thôi, thế cũng tốt. Chứng tỏ tình hình tốt lên thì vợ tôi mới... quên được tình trạng thảm đạm của mình chứ nhỉ.

Hỏi bác sỹ về chuyện về "thăm" quê hương, bác sỹ vui vẻ nói có thể về được. Ông chuẩn bị cho một lô thuốc, 9 mũi tiêm kích hồng cầu và bạch cầu.
 

vichia

Active Member
Hà nội, ngày 12/05/2005

Lâu lắm rồi tôi mới có một giấc ngủ vùi hơn 12 tiếng đồng hồ như hôm qua. Chiều về nhà sớm, vào với vợ. Nói chuyện được mấy câu, rồi thế nào lăn ra ngủ từ khoảng 17:30 chiều. Khi tôi mở mắt ra, đã là... 6 giờ sáng ngày hôm sau. Nghe mọi người kể lại, sau khi tôi ngủ được một chốc, vợ tôi mệt cũng ngủ luôn. Tối đến, bà ngoại cứ đi ra đi vào lo không biết sao mà hai đứa ngủ khiếp thế, chả biết gì hết.

Vấn đề là do đêm hôm kia. Vợ tôi bị tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng vào hệ thống thần kinh ngoại biên, nên hai chân tê dại, có những lúc gần mất hết cảm giác. Xoa bóp thì dễ chịu, nhưng chỉ dễ chịu lúc đó thôi. Ngừng xoa bóp, là lại khó chịu. Cộng thêm với cảm giác đau mỏi trong xương, làm vợ tôi căng thẳng, ngủ không được, và vật vã suốt. Cuối cùng, chịu không nổi, vợ tôi đành uống hai viên Seduxen. Trước đó, lúc chập tối, vợ tôi đã uống một viên an thần nhẹ, mà tôi quên mất. Thế là uống Seduxen vào được độ 5 phút, là vợ tôi lăn ra ngủ, ngủ mê mệt. Đến nỗi, vợ tôi ho trong khi ngủ, ho liên tục, mà mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi phải dựng vợ tôi dậy, chờ ho cho ra đờm, rồi lại đặt nằm xuống. Tất cả quá trình diễn ra vấn trong tình trạng... mắt nhắm nghiền. Cứ thế, bao bốn lần, thì vợ tôi đỡ ho và ngủ được. Lúc đó đã gần 3 giờ sáng. Ngày hôm qua, tôi đi làm sớm, vợ tôi ở nhà vẫn... ngủ liên tục. Có lẽ ngủ trả bữa. Và vợ tôi nghĩ ngủ suốt ngày thế, tối chắc lại không ngủ được. Nhưng cuối cùng thì vợ tôi thậm chí không phải dùng thuốc ngủ nữa, tối qua vẫn ngủ ngon lành.

Singapore, 18/05/2005

Lật phim CT ra xem, bác sỹ Ang ồ lên một tiếng. Ông lắc đầu và nói rằng kết quả tốt quá mức mong đợi. Bác Ông chỉ cho tôi hai lát cắt CT và nói rằng khối u giờ này đã nhỏ lại rất nhiều, không thể tưởng tượng được. Ông lầm bầm rằng đây có lẽ là trường hợp phản ứng với thuốc nhanh nhất mà ông đã từng gặp.

Một điểm đặc biệt nữa của ngày hôm nay là chỉ số CEA của vợ tôi đã QUAY VỀ MỨC BÌNH THƯỜNG! Trên kết quả, CEA chỉ còn 2.3, hoàn toàn nằm trong vùng chỉ số cho phép, từ 0-5. CEA cũng chưa phải là chỉ số quyết định trong ung thư, nhưng đó là một tham số tham khảo rất quan trọng. 2.3 là một con số quả thực là... đẹp!

Singapore, 11/06/2005

Chưa hết mừng vì mấy nụ cười của vợ, lại đă có những hoảng sợ mới. Đêm mồng 8, vợ tôi uống một viên Stilnox và một loạt thuốc bổ sung để ngủ, nhưng không ngủ được ngay, gần 3 giờ mới ngủ được. Và thế là vợ tôi bị... ảo giác. Đang nằm, đột nhiên vợ tôi kêu lên rằng anh ơi, con nó lấy tiền chạy đi chơi ḱa! Mà con nào đâu, đang nằm trong viện kia mà, tận Singapore...

Tôi hỏi đâu, vợ tôi chỉ tay ra chỗ chiếc bàn đặt tivi, kêu lên rằng nhanh lên anh, Thảo Anh nó đang cầm tiền chạy đi chơi! Tôi lạnh hết cả người, nghĩ rằng không chết v́ ung thư, nhưng lại mắc bệnh tâm thần th́ hết chỗ nói. Cũng may là dạo này tôi có thói quen t́m hiểu khá kỹ về thuốc, đặc biệt là các loại thuốc vợ tôi phải uống. Thế là tôi sực nhớ ra rằng có thể đây là phản ứng phụ của Stilnox. Thấy đỡ sợ hơn một tí, nhưng vẫn lạnh người mỗi lần vợ tôi thấy ảo giác. Nhiều lắm. Cứ khoảng 15 phút, lại một cơn ảo giác nhẹ. Nhưng cũng đủ làm cho tôi kinh hoảng. Tôi cố gắng b́nh thường, bảo vợ tôi rằng kệ mấy đứa con. Cứ cho chúng nó nghịch tiền một tư. Vợ tôi bèn ch́a tay ra xin: "Thế cho em mấy chục đi, em ra đầu ngơ mua bim bim..." Tôi hoảng lắm, nhưng vẫn cố nhẹ nhàng, nói với vợ tôi rằng ngủ đi, mai dậy tôi cho tiền đi mua. Không dám nói rằng vợ tôi đang bị ảo giác. Rồi vợ tôi lại thấy con cánh cam trên ve áo tôi! Tôi bèn phủi mạnh một cái, bảo vợ tôi là xong rồi, tôi đă phủi nó đi. Cứ thế, hai vợ chồng vật vă đến 3 giờ sáng vợ tôi mới ngủ được. Tôi nằm một lúc mới đỡ căng thẳng, rồi cũng ngủ thiếp đi, một giấc ngủ không yên, và tỉnh giấc liên tục.

Sáng mồng 9, tôi chạy về nhà định ngủ thêm một chút, nhưng cũng chả ngủ được, bèn ngồi viết mấy ḍng nhật kư. Lúc vào viện, tôi cứ ngỡ rằng mọi chuyện đă qua, sẽ ổn thỏa cả, vì Stilnox có thể làm mất trí nhớ tạm thời, và có thể gây ảo giác trong ṿng vài tiếng đồng hồ sau khi uống. Vậy ngày mồng 9, chắc vợ tôi phải okay rồi mới phải.

Nhưng mở cửa ra, vợ tôi đón tôi bằng một câu hỏi rằng anh làm sao thế kia, sao tai lại đầy máu thế? Lần này tôi hoảng thực sự. Lúc đó đă là khoảng hơn 3 giờ chiều ngày mồng 9, đă trôi qua hơn 15 tiếng đồng hồ, kể từ khi vợ tôi uống viên thuốc Stilnox rồi kia mà... Bố vợ tôi nh́n tôi buồn buồn, nói rằng sáng nay đă mấy lần vợ tôi có hiện tượng như vậy. Nhìn trần nhà thành tường, và tường thành sàn. Cứ bắt bố tôi treo bức tranh trên tường lại đúng chỗ, mặc dù nó chưa bao giờ bị đặt sai chỗ cả.

Để chắc chắn, tôi cứ gọi bác sỹ điều trị đến. Sau khi trao đổi một lúc, bác sỹ cũng nghĩ rằng đó chỉ là phản ứng phụ của stilnox mà thôi. Và ba bố con chúng tôi lại yên tâm chờ ngày mai tới. Tất nhiên là chúng tôi bỏ ngay, không dùng stilnox tiếp nữa...

Hà nội, 01/08/2005

Vợ tôi đã truyền xong vòng thứ 5 cách đây hơn 1 tuần. Và tình hình lại bắt đầu căng thẳng. Tôi thì không nghĩ là căng thẳng do cái u. Theo kết quả CT vòng thứ 4, thì cái u có lẽ biến đi hết rồi. Căng thẳng, chắc lại là do phản ứng phụ. Vợ tôi cảm thấy khó chịu, thần kinh lại bắt đầu có vấn đề. Mấy ngày cuối tuần qua, là những ngày mệt nhất của vợ tôi. Đến hôm nay vợ tôi mới bắt đầu có chút tiến triển về thể chất, nhưng tinh thần thì vẫn căng như dây đàn. Cứ tôi ở nhà, thì vợ tôi kêu đủ đường. Mà tôi vừa bước chân đi làm, thì cứ 5 phút, lại một cú điện thoại. Vợ tôi tìm ra đủ mọi lý do để gọi cho tôi. Vẫn biết là vợ tôi mệt mỏi, căng thẳng lắm. Nhưng cứ 5 phút một cú điện thoại như thế, thì kiên nhẫn mấy, chắc cũng có lúc đứt dây đàn. Mà tôi thì vốn là người nóng nảy. Nhiều lúc phát bực. Nhưng rồi, nghĩ lại, lại thấy thương vợ. Chả biết nếu như tôi ở vào vị trí của vợ tôi, thì liệu tôi có kiềm chế tốt hơn không, hay có khi sẽ phát điên lên sớm vì hóa trị mất. Ngày thứ 7, và chủ nhật tuần vừa rồi, là ngày thứ 14-15 của vòng truyền thứ 5, là những ngày mệt nhất mà...

Cũng may, là tôi và gia đình đã có khá nhiều kinh nghiệm sau ba vòng truyền đầu tiên. Và hiện tượng của vợ tôi bây giờ, khá giống với lần khủng hoảng tinh thần lần trước ở Singapore, tuy mức độ nhẹ hơn nhiều. Vì vậy, nên chúng tôi cũng không quá sợ hãi. Khi đã biết quy luật rồi, thì ta có thể bình tĩnh hơn để đón nhận mọi chuyện. Dẫu sao, thì cả gia đình đã biểu quyết rằng vợ tôi nên dừng hóa trị sau vòng thứ 5. Tôi đã tham khảo ý kiến các bác sỹ, cả Việt nam, cả Singapore. Mọi người đều tán thành, nên chúng tôi cũng vui vẻ vì được kết thúc sớm cua hóa trị khủng khiếp này.

Chiều nay, vợ tôi bắt đầu đỡ đỡ hơn một chút. Tôi đi làm về sớm, đưa vợ tôi đi dạo dưới sân nhà. Bất chợt, chúng tôi gặp một nhành hoa Bằng lăng nở muộn. Bằng lăng thường nở hoa vào cuối tháng 5 Dương lịch. Sang tháng 6 thì hoa đã tàn, và tháng 7 là kết quả. Vậy mà giờ là đầu tháng 8 rồi, chúng tôi vẫn hái được một nhành hoa tím sậm, rất đẹp. Nhắc nhiều đến hoa Bằng lăng, vì vợ tôi sinh nhật đúng mùa hoa Bằng lăng nở rộ. Và từ khi tôi bắt đầu làm quen với vợ tôi, sinh nhật nào của vợ, tôi cũng ngắt một nhành hoa Bằng lăng đem tặng. Chả hiểu sao, tôi không thích tặng hoa hồng vào ngày đó. Chỉ có sinh nhật vừa rồi, chúng tôi ở bên Singapore, không có hoa Bằng lăng nên tôi mua một bông hồng thế vào. Không biết bông Bằng lăng nở muộn, là báo điềm gì với hai vợ chồng tôi. Chắc là điềm tốt, vì phàm cái gì hiếm hoi, đều là quý giá. Và một bông Bằng lăng nở vào tháng 8, quả thực là một sự hiếm hoi không hề dễ gặp...
 

vichia

Active Member
Hà nội, 04/08/2005

Chiều mồng 1/8, cứ tưởng vợ tôi đã đỡ hơn. Ai ngờ, mồng 2/8, tình hình lại có vẻ trầm trọng hơn. Rốt cuộc, tôi quyết định nghỉ làm, và đưa vợ tôi vào bệnh viện. Vợ tôi lúc đó ở trong trạng thái căng thẳng tột độ, cảm thấy sốt ruột không chịu nổi, và kêu rên suốt, chỉ đòi tiêm thuốc an thần liên tục để... ngủ đi cho bớt khó chịu. Thế rồi chúng tôi vào bệnh viện Hồng Ngọc, một bệnh viện tư nho nhỏ ở 95 Nguyễn Trường Tộ, nơi tôi có một chị bạn làm việc ở đó.

Ngày 3/8, vợ tôi lại tiếp tục kêu la đòi vào viện, mặc dù tối 2/8, vợ tôi một mực đòi về nhà. Và tôi bắt vợ tôi hứa là nếu về nhà, thì phải cố chịu đựng, không được kêu khóc. Nhưng biết là vợ tôi hứa là hứa thế, chứ lúc thần kinh đã trở nên căng thẳng, không bình thường, thì hứa với hẹn còn có ý nghĩa gì. Y như rằng, vợ tôi lại đòi vào viện, lý do sốt ruột không chịu nổi. Thế là cỡ trưa trưa, tôi lại phải kêu anh lái xe về đón vợ tôi vào viện Hồng Ngọc tiếp. Vừa vào, vợ tôi lại đòi về nhà. Khổ ghê... Nhưng thôi, cố vậy. Tôi phải thuyết phục vợ tôi mãi, vợ tôi mới đồng ý ở lại đến tối, để tôi xong việc thì rẽ ngang qua đón. Trước khi về, các bác sỹ lại tiêm cho một mũi an thần, vợ tôi ngủ ngay trên xe ô tô. Về nhà phải khá khó khăn mới đưa được vợ tôi lên tầng 7 để vào phòng... ngủ tiếp

Sáng nay dậy, vẫn chưa ổn! Tuy nhiên, tôi phải đi công tác ở Quảng ninh, nên sau một hồi "chiến đấu" với vợ, tôi cũng ra đi được. Nhưng sau vụ "chiến đấu" lúc sáng sớm đó, vợ tôi có vẻ đỡ hơn. Tối tôi về nhà thì được mọi ngưởi kể lại là hôm nay tình hình thần kinh của vợ tôi khá hơn nhiều. Tôi mừng quá. Theo quy luật, chắc cuối tuần này vợ tôi sẽ trở lại bình thường về mặt thần kinh. Hy vọng tuần sau sẽ ổn.

Hà nội, đêm 19/08/2005

Tôi về nhà không muộn lắm sau giờ làm. Nhưng trên đường về, bà ngoại Thảo Anh gọi điện cho tôi, nói rằng về ngay vì vợ tôi khó thở. Tôi cứ nghĩ mấy hôm nay, vợ tôi thỉnh thoảng lại hơi khó thở, chắc do nhiễm trùng phổi nặng, thì chỉ một lúc thôi. Cũng may là tôi có mua một cái bình ôxy năm ngóai, đề phòng con gái tôi bị hen. Thế là vợ tôi đeo mặt nạ vào, và bắt đầu thở ôxy trước khi tôi về.

Về đến nơi, thấy vợ nhợt nhạt, thở dốc, tôi cũng hơi lo. Thêm nữa, hiện tượng này hai ba hôm nay có xẩy ra, nhưng thường chỉ một lúc. Nhưng hôm nay, cho thở ôxy liên tục, vẫn thấy vợ tôi khó thở. Thậm chí, tôi đã tăng mức độ ôxy lên tới 7 lít, mà vợ tôi vẫn kêu khó chịu. Đoán là vợ tôi có vấn đề, chắc là suy hô hấp, tôi quyết định gọi điện cho cấp cứu của bệnh viện Hồng Ngọc. Bình thường thì tôi sẽ tự lái xe đưa vợ tôi đi hoặc đi bằng taxi. Nhưng lần này thấy hô hấp có vấn đề, nên tôi gọi xe cứu thương, để có hệ thống ôxy cấp cứu cho chắc chắn.

Lằng nhằng một lúc, đến phút cuối, khi xe của Hồng Ngọc đã xuất phát, tôi lại quyết định tự đi taxi. Để phòng xa, tôi ôm theo cả cái bình ôxy to tướng cho vợ tôi thở trên xe. Và tôi quyết định vào Việt Pháp, vì một lý do là đó là bệnh viện gần nhất. Và tôi cũng hơi có ý sợ, nếu vợ tôi bị nặng, thì hy vọng ở Việt Pháp, thiết bị cấp cứu tốt hơn. Lúc đó là khoảng 19:30 tối.

Quả nhiên, vào Việt Pháp, vợ tôi càng ngày càng yếu đi. Mặc cho các biện pháp cấp cứu khẩn cấp bằng oxy với mức độ 10 lít, và các loại thuốc giãn phế quản và long đờm trực tiếp, vợ tôi càng ngày càng khó thở. Giải quyết sơ bộ ở phòng cấp cứu, các bác sỹ Việt Pháp quyết định đưa vợ tôi lên phòng chăm sóc tích cực (Intensive Care Unit - ICU) để hút đờm và đặt ống thông khí quản. Lên đến phòng, các bác sỹ lập tức bắt tay vào cấp cứu. Nói chung là cảm giác của tôi là họ xử lý rất chuyên nghiệp. Và máy móc cấp cứu chắc chả thua Singapore. Nhưng tôi vẫn rất thất vọng, vì lúc lên đến phòng, vợ tôi đã gần như mê man rồi.

Lúc bắt đầu cấp cứu, các bác sỹ đề nghị tôi phải ra ngoài chờ. Và quả thực, mấy tiếng đồng hồ bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu đối với tôi là cả một khoảng thời gian dài như tra tấn. Quả thực, lúc đó, tôi đã nghĩ rằng vợ tôi sẽ không thể qua khỏi được đêm nay. Không biết có ai đó đã từng ở hòan cảnh của tôi chưa, thì chắc mới hiểu hết cảm giác kinh hoàng của tôi lúc đó. Vợ tôi thì vật vã thở dốc trên giường bệnh, mê man, không biết gì, mặt tái nhợt. Tôi thì đứng ngoài, mỗi lần nghe tiếng máy theo dõi bật lên những âm thanh báo động là một lần tôi nghe dội vào tim. Càng chờ lâu, tôi càng cảm thấy căng thẳng và hoảng sợ...

Cuối cùng, gần 11:30 đêm, bác sỹ hồi sức mới gọi tôi vào. Ông nói rằng hiện tại, họ đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, vợ tôi chỉ còn sống được nhờ máy thở. Hệ thống hô hấp gần như đã tê liệt. Và để cưỡng bức chế độ thở máy, bác sỹ đã tiêm thuốc mê và sẽ tiếp tục giữ vợ tôi trong trạng thái mê man cưỡng bức cho tới hết ngày mai, để xem tình hình tiến triển thế nào. Ông nói rằng nguyên nhân là do khối u, dù đã xẹp, nhưng gần như đã làm hỏng hoàn toàn phổi trái. Thêm nữa, vợ tôi lại đang bị nhiễm trùng cực nặng, nên gây ra tình trạng suy hô hấp. Và ngoài ra, vợ tôi còn bị rối lọan chức năng rất nhiều, thí dụ như gan, thận. Kết luận, ông nói ông sẽ không thể chữa khỏi được căn nguyên của bệnh. Vâng, điều này thì tôi biết rõ. Nhưng ông nói, trường hợp lý tưởng nhất, ông cũng chỉ có thể giúp vợ tôi vượt qua được cơn suy hô hấp này. Trời ơi, tôi mừng khỏi nói. Tôi vẫn biết là khó có thể chữa khỏi được hoàn toàn căn bệnh của vợ tôi. Nhưng tôi không thể nghĩ rằng vợ tôi có thể gục ngã sớm như vậy. Tôi vẫn mong vợ tôi sống ít nhất là dăm năm nữa, để chờ đợi những loại thuốc mới ra đời. Và dù sao, ông bác sỹ hồi sức cấp cứu ở Việt Pháp, cũng đã cố gắng hết sức, để có thể giữ cuộc sống của vợ tôi thêm một vài tiếng, một vài ngày. Tôi thì tôi tin là chỉ cần thế thôi. Chỉ cần một vài ngày nữa thôi, thì vợ tôi có thể vượt qua cơn hiểm nghèo này. Và nếu vượt qua được cửa ải tử thần lần này nữa, tôi tin là vợ tôi sẽ có rất nhiều cơ may để chiến thắng. Vì thế, dù ông bác sỹ nói rằng không dám hứa, nhưng tôi vẫn quá mừng vì tôi vẫn còn có quyền hy vọng. Dù chỉ là vài tiếng. Hay lý tưởng nhất là vài ngày nữa. Chỉ cần vài ngày nữa, thì tôi nghĩ vợ tôi có thể phục hồi được.
 

vichia

Active Member
Hà nội, 20/08/2005

Đến tận giờ, khi đồng hồ đã chỉ sang 1 giờ sáng 24/08, khi mọi chuyện đã nguôi ngoai đi một chút, tôi mới có dịp ngồi hồi tưởng lại những giờ phút cuối cùng của vợ tôi, những phút giây vô cùng nặng nề và sẽ không bao giờ tôi có thể quên được...

Đêm 19/08, sau khi bác sỹ nói rằng họ đã kiểm soát được tình hình, tôi mệt bã người, và trở về nhà, lăn ra ngủ. Tôi có hỏi bác sỹ rằng sáng hôm sau, giờ nào tôi có thể vào thăm vợ được. Bác sỹ nói, phải tới 4 giờ chiều. Ông còn dặn, nếu tình hình xấu đi, ông sẽ gọi. Còn nếu không gọi, nghĩa là ít nhất tình hình không xấu đi.

Vậy nhưng tôi vẫn sốt ruột. Sáng hôm sau, chờ tới 8 giờ, là tôi gọi điện vào hỏi tình hình vợ tôi. Nhưng lễ tân bệnh viện Việt Pháp không nối máy lên phòng điều trị tích cực cho tôi, và chỉ nhắc lại rằng, nếu tình hình xấu đi, họ sẽ tự gọi cho tôi. Thôi đành chờ vậy.

Khoảng 10 giờ sáng, bố vợ tôi cũng sốt ruột, ông vào thẳng bệnh viện. Người ta cũng châm chước, cho ông vào thăm con một chút. Trưa tôi sốt ruột, bỏ việc về nhà, và được ông cho biết rằng Lan Anh có vẻ đỡ hơn, nhịp tim xuống còn khoảng 100. Tuy nhiên, vẫn đang dùng máy thở... Thấy nhịp tim giảm được, bố vợ tôi có vẻ yên tâm hơn. Và ông có hỏi qua bác sỹ, thì bác sỹ nói có vẻ như tình hình vẫn không tệ đi. Vậy là tôi yên tâm cùng con gái chợp mắt một lúc.

Hai giờ chiều, mẹ vợ tôi gọi tôi dậy, nói rằng có điện thoại từ Việt Pháp. Tôi choáng người, linh cảm thấy chuyện chẳng lành. Quả nhiên, bác sỹ nói rằng tình hình vợ tôi có vẻ xấu đi, và gọi tôi vào bệnh viện ngay để bàn phương hướng xử lý.

Tôi lập tức chạy vào bệnh viện một mình. Vào phòng bệnh, thấy vợ tôi vẫn thiêm thiếp, chỉ có lồng ngực thỉnh thoảng lại giật lên do máy thở... chắc các bạn có thể hiểu được cảm giác đau đớn của tôi lúc đó. Bác sỹ giải thích với tôi rằng tình hình của vợ tôi đang xấu dần đi. Tôi cũng kịp xem lướt qua các biểu đồ theo dõi tình trạng vợ tôi trong suốt 18 tiếng đồng hồ đã qua. Tôi phát hiện thấy khoảng từ 7 giờ sáng hôm nay, lượng ôxy bão hòa trong máu vợ tôi chỉ còn đo được xấp xỉ mức 50%. Mà dưới 85% là có vấn đề trầm trọng rồi. Tôi có hỏi bác sỹ vấn đề này, nhưng ông giải thích rằng thực ra, lượng ôxy trong máu chắc chắn cao hơn nhiều vì đang dùng máy thở, nhưng do mạch của vợ tôi đang bị co, nên bộ phận cảm ứng không đo được chính xác nữa. Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn, là huyết áp vợ tôi cứ tụt dần. Bác sỹ đã làm đủ mọi phương thức, đã truyền thuốc tăng huyết áp, nhưng vô ích... Bác sỹ hỏi tôi muốn xử trí thế nào? Tôi đoán là ông muốn hỏi tôi là buông tay để vợ tôi chết, hay là tiếp tục. Ô hay, vậy mà cũng phải gọi tôi vào. Tôi khẳng định ngay rằng ông cứ làm mọi phương án có thể. Tiền bạc không thành vấn đề. Bác sỹ nhìn tôi rất lâu, rồi bảo, vậy ông sẽ cố gắng giữ gìn sự sống cho vợ tôi lâu đến mức có thể. Tôi hỏi liệu có cứu được vợ tôi không? Liệu vợ tôi có khả năng phục hồi không? Ông trả lời là mong manh lắm. Giữ được là cố gắng lắm rồi. Vậy thì tôi nói là phải giữ. Cố gắng đến phút cuối cùng, vẫn mong vợ tôi sẽ tự phục hồi nhờ một sự màu nhiệm nào đó...

Tôi vừa ra thì bố vợ tôi lại vào. Cụ cũng sốt ruột quá, nên không chờ nổi đến lúc tôi về. Tôi định chờ cụ, nhưng cụ bảo thôi tôi cứ về trước, rồi cụ sẽ tự về. Tôi thì căng thẳng và lo lắng, nên xin phép cụ về trước.

Lúc chừng 4 giờ chiều, bố vợ tôi có gọi điện, và nói là tình hình xấu lắm. Cụ hỏi bác sỹ kỹ hơn tôi, và được biết rằng vợ tôi hiện bị nhiễm trùng phổi nặng. Cái đó thì chúng tôi biết rồi. Tuy nhiên, bác sỹ nói rằng điều quan trọng là chủng vi trùng này rất lạ, và đặc biệt, là nó kháng thuốc. Bác sỹ đã thử với loại kháng sinh thuộc loại mạnh nhất nhưng không có tác dụng gì. Bố vợ tôi hỏi, liệu có phải tình hình xấu đi là do hóa trị không, thì bác sỹ khẳng định chắc chắn là không phải. Bác sỹ nói do nhiễm trùng phổi nặng, vi khuẩn lạ, kháng thuốc, dẫn đến suy kiệt hô hấp. Đồng thời, cùng với thể trạng quá yếu, nên hậu quả tất yếu là rối loạn chức năng toàn bộ. Thận, gan, tất cả đều bị rối loạn rồi...

Tôi đau không thể chịu nổi. Thông tin bố nói, nghĩa là vợ tôi coi như chỉ còn được vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Sau khi vợ tôi đã mất, nỗi đau đớn của tôi thường là dội thành từng cơn. Nhưng chính cái lúc biết rằng có lẽ là hết hy vọng rồi, có lẽ là vợ tôi chỉ còn chịu đựng thêm được chừng vài tiếng nữa, thì cơn đau đớn vì sự bất lực trước thực tế phũ phàng quả thực là kinh khủng. Tôi chán nản, đã định buông xuôi, bỏ, không vào bệnh viện nữa, vì sợ rằng không thể chịu đựng nổi lúc vợ tôi ra đi. Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng cắn răng mặc quần áo tử tế, xuống lấy một chiếc taxi vào viện với vợ. Nói thế thôi, chứ vợ tôi có ra đi, làm sao tôi lại không có mặt bên cạnh cho đành...

Vào đến viện, tình hình vẫn vậy. Nhịp tim vẫn hơn 100, huyết áp thì thấp, đâu chỉ có khoảng 78-22 thôi. Tôi vào với vợ được một lúc, thì mẹ vợ của tôi cũng vào thăm con gái. Bà òa lên khóc, khi nhìn thấy con gái nằm mê man bất động. Tất cả mọi người trong phòng, cũng không ai cầm được nước mắt. Thế nhưng bà nghĩ thế nào, lại chỉ thăm con gái một chút, rồi quyết định ra về. Tôi lúc đó gần như cũng chả còn suy nghĩ được gì, đành cứ để một ông chú đèo bà về nhà với hai cháu. Bà vừa ra về một lúc, thì nhịp tim của Lan Anh bắt đầu giảm. Tôi nhìn thấy nhịp giảm nhanh từ khoảng 100 xuống 86 mà cảm thấy hốt hoảng quá. Lập tức, tôi nhờ mọi người gọi điện cho lái xe của tôi, bắt quay về nhà, đón mẹ vợ quay lại ngay... Chờ mãi, chờ mãi, không thấy bà đâu, mà nhịp tim của vợ tôi bắt đầu giảm xuống dưới mức báo động, không đủ 45 nhịp một phút nữa. Đau đớn vì vợ tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào mà có thể không có mẹ ở bên cạnh, tôi vội lao tới bên giường bệnh, và đặt tay lên ngực trái của vợ xoa mạnh. Tôi cũng chả biết làm thế có ích gì không, nhưng tôi thường thấy người ta gây xốc cho tim cũng bằng một cái máy gây chấn động ở ngực trái. Vì vậy, tôi chả biết làm thế nào, chỉ biết xoa mạnh và đều liên tục lên ngực trái của vợ, mong có điều kỳ diệu xẩy ra...

Không biết thế có được gọi là kỳ diệu không, nhưng nhịp tim của vợ tôi cứ giảm dần, nhưng rồi nhờ sự xoa bóp của tôi, nó lại lên một chút. Tôi giữ cho vợ tôi ở nhịp đập 48-50 nhịp/phút được một lúc, thì nhịp lại tiếp tục giàm... Có khi chi còn 36, mà mẹ vợ tôi vẫn chưa thấy vào đến nơi. Tôi vẫn cứ cố xoa xoa mãi. Tôi cũng chẳng nhớ là tôi xoa được bao nhiêu thời gian nữa, nhưng cuối cùng thì mẹ vợ tôi cũng đến kịp. Lúc này trong phòng các cô dì chú bác đã tề tựu khá đông. Tôi không thể kìm được nữa, bật khóc lên mà than với vợ tôi rằng tôi chỉ có thể giữ cho vợ tôi sống chờ mẹ đến thôi... Tôi đã cố hết sức rồi mà không thể làm gì hơn được nữa... Cũng chả biết tôi có phại là người cứng rắn hay không, chỉ biết rằng lúc đó thì tôi khóc nức lên, không thể nào kìm được... Nhịp tim của vợ tôi lúc đó bắt đầu nhảy. Lúc thì 36, lúc lại nhẩy lên tận 62, có khi 80. Tôi những tưởng sẽ có được điều kỳ diệu xẩy ra, nên cứ cố xoa xoa mãi...

Nhưng chỉ được mấy phút sau, thì đường đồ thị nhịp tim đỏ lòe cái thông báo mất cảm ứng, và khôg còn chạy được nữa. Tôi đau quá, vẫn cứ xoa, cứ xoa... Tất cả mọi người thì lặng lẽ nhìn tôi và khóc. Cuối cùng, bác sỹ hồi sức phải đến bên tôi và bảo rằng nên rút thuốc. Anh nói với tôi rằng anh cũng là người, nhìn cảnh tôi đau đớn, anh cũng không thể chịu được, dù đã nhiều năm làm việc ở phòng hồi sức cấp cứu này. Vậy là tôi hiểu. Vợ tôi lúc đó đã mất rồi. Chỉ có điều, tôi không thể tin được, nên cứ cố hoài, cố hoài mà không giải quyết được gì nữa... Tính ra, lúc tôi rời tay ra khỏi người vợ tôi, đồng hồ chỉ 18:50 phút, chiều thứ 7, 20/08/2005. Và giờ đó, coi như là giờ mất của vợ tôi.
 

vichia

Active Member
Về sau, có người hỏi tôi, vậy là vợ tôi không nói được câu nào với tôi trước khi mất à? Không phải vậy. Trước khi mất vợ tôi nói với tôi một câu, một câu mà chắc cả đời tôi cũng không thể nào quên được. Thực ra, đó là câu nói từ ngày hôm trước, trước khi đi cấp cứu. Chứ lúc vào cấp cứu, họ bơm thuốc mê cho vợ tôi, và coi như vợ tôi mê man cho tới lúc mất, không mở mắt ra dù chỉ một lần... Còn hôm trước, trước khi đi cấp cứu, lúc tôi về, vợ tôi nằm trên giường, trông nhợt nhạt lắm. Nhưng lúc đó, vợ tôi vừa bỏ ô xy ra, có vẻ dễ chịu hơn một chút. Tôi sà xuống cạnh vợ, động viên vợ rằng "Anh đã về với em rồi, đừng sợ em nhé..." Vợ tôi nở một nụ cười nhợt nhạt, trông thương lắm. Tôi thương vợ quá, mới nói với vợ tôi rằng "Mọi người đọc nhật ký của anh, đều biết rằng anh yêu em lắm" Vợ tôi hơi có ý mỉm cười. Tôi vui vẻ nói thêm: "Nhưng họ chỉ biết rằng anh yêu em nhiều như vậy, chứ họ chưa biết rằng em yêu ah đến mức độ nào..." Lần này, vợ tôi nở một nụ cười tươi thực sự, tuy rằng sắc mặt vẫn nhợt nhạt vô cùng. Nhưng nụ cười tươi lắm. Và vợ tôi thì thào nói với tôi chỉ một câu thôi "Em yêu anh lắm..." Nhìn vợ tôi nhợt nhạt mà tôi nhói lên trong lòng, vội bảo "Thôi, em đừng nói nữa, nghỉ đi. Anh biết là em yêu anh nhiều, nhiều lắm mà..." Và thế là vợ tôi yên tâm nhắm mắt nghỉ ngơi. Câu vợ tôi nói với tôi đó, câu "Em yêu anh lắm..." chính là câu cuối cùng có nghĩa, mà vợ tôi đã nói với tôi trước khi ra đi mãi mãi. Giá như tôi thực sự có năng khiếu về văn học, chắc tôi sẽ viết lại tất cả những trang nhật ký này thành một câu chuyện tình. Một câu chuyện tình yêu thật sự...

Giờ thì vợ tôi đã không còn nữa. Tôi không còn được ôm vợ tôi trong lòng, không còn được chăm sóc em như những ngày nào. Nhưng mỗi lần nhìn lại ảnh em trên bàn thờ, tôi vẫn thì thầm với em, rằng tôi yêu em lắm, tôi nhớ em lắm, chỉ nhắc đi nhắc lại hai câu đó thôi, hai câu mà chúng tôi đã từng nói với nhau hàng ngàn hàng ngàn lần, và cũng là câu nói cuối cùng của em với tôi, trước lúc em rời bỏ tôi để mãi mãi đi xa.
 

vichia

Active Member
Một câu chuyện cảm động thật sự . Không có những cảnh miêu tả sầu não, không có những đặc tả khóc lóc xót thương, chỉ có nhừng lời tâm sự rất thật ..bởi vì đây là một câu chuyện có thật .

Mình quan tâm đến cái này và muốn chia sẻ cho mọi người, vì mình cũng biết một người đang bị ung thư, cũng sắp sang giai đoạn cuối. Đó là bố của một người bạn mình.
Mình chỉ dám nhờ mẹ hỏi mẹ của cậu ấy ( mẹ cậu ấy là bác sĩ của mẹ mình ) về tình hình bác trai, mà đã không dám hỏi chình người bạn đó một câu nào về tình hình căn bệnh, nhìn vào đôi mắt lảng tránh của cậu ấy ..câu ấy dường như cố tỏ ra vui vẻ bình thưởng, đối mắt có vẻ như van xin "tao xin mày cứ cười với tao như thường, xin mày đừng hỏi tao ..". Thỉnh thoàng mẹ hỏi "con có hỏi Tùng về tình hình của bố Tùng không " . Nhìn thấy ánh mắt ấy, làm sao con mở mồm được cơ chứ ...

Mình đoán là Tùng cũng biết là mình đã biết chuyện nhưng không dám hỏi. Và cậu ấy tỏ ra không hề trách cứ gì trước thái độ của mình ...Nhưng quả thật mình vẫn thấy thât có lỗi.
Xin lỗi mọi người vì đã đem đến hai câu chuyện buồn.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top