Alex_sanda
New Member
Lưu Quang Vũ còn mãi trong “Tôi và chúng ta”
</SPAN>
Nói đến Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nói đến một cây bút tài hoa đã để lại dấu ấn trong nhiều thể loại: thơ ca, văn xuôi và đặc biệt là kịch. Anh bước vào làng viết kịch chuyên nghiệp từ năm 1980, bắt đầu bằng vở “Sống mãi tuổi 17”, khép lại cuộc đời và sự nghiệp bằng vở “Cái chết của chim Sâm Cầm”.
Hơn 50 vở kịch của anh đã làm thay đổi bộ mặt và giọng nói của sân khấu, thậm chí có lúc kịch của Lưu Quang Vũ đã ngự trị sân khấu cả nước, trong đó có những vở xứng đáng là đại diện cho nền kịch nói Việt Nam xuất hiện trên sân khấu quốc tế như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”... Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm “Tôi và chúng ta” và “Lời thề thứ chín”.
Năm 1979, Lưu Quang Vũ cuốc nhát cuốc đầu tiên trên thửa ruộng kịch bản sân khấu bằng vở “Sống mãi tuổi 17”. Nhà hát Tuổi trẻ vừa mới ra đời đã bắt gặp cái duyên lồ lộ của anh ngay từ kịch bản đầu tay. Năm 1980, trong Hội diễn sân khấu toàn quốc vở “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ đã được tặng Huy chương vàng. Thành công ban đầu đã tạo được niềm tin để Lưu Quang Vũ viết tiếp một số vở kịch như: “Mùa hạ cuối cùng”, “T15 đi về đâu”, “Cô gái đội mũ nồi xám”... Rồi cái chết đột ngột của người cha - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận đã tác động không nhỏ trong sáng tác kịch bản của Lưu Quang Vũ. Khi ngòi bút đã chín, Lưu Quang Vũ viết khá nhanh, có vở viết trong một tuần hoặc mười ngày là xong. Có những sự kiện, báo chí đang rộ lên thì người ta đã thấy xuất hiện ngay trong kịch của Lưu Quang Vũ. Bên cạnh tính nhanh nhạy là sự phong phú về thể loại kịch của Lưu Quang Vũ, từ kịch dân ca đến tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch hát...
Hơn 50 tác phẩm kịch của anh đã được khai thác bởi chất liệu khác nhau. Có những vở dựa vào một số tích cũ của văn học dân gian trong và ngoài nước như: “Lời nói dối cuối cùng”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nàng Si Ta”... Có những vở dựa vào một cốt truyện văn học để chuyển thành kịch như: “Hẹn ngày trở lại”, “Muối mặn của đời em”, “Đôi dòng sữa mẹ”... Còn lại là những sáng tác mới của Lưu Quang Vũ, trong đó đáng kể là “Tôi và chúng ta” và “Lời thề thứ chín”. Ông Quý Hải (nguyên đoàn trưởng Đoàn kịch nói Quân đội) đã gặp Lưu Quang Vũ để đặt anh viết cho đoàn một vở. Bàn đi tính lại về đề tài, chủ đề...ông Hải nói: “Anh cứ chọn một trong chín lời thề của người chiến sĩ quân đội mà viết”.
Chỉ ít lâu sau Lưu Quang Vũ đã gửi ngay kịch bản “Lời thề thứ chín” cho đoàn. Kịch bản viết trực diện về người lính trên chốt với mối quan hệ với hậu phương và cao hơn là mối quan hệ giữa chính quyền và quân đội. Một vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của mọi người trong xã hội. Một kịch bản hấp dẫn với nhiều nhân vật có cá tính, có đất diễn. Đạo diễn Xuân Huyền cùng với diễn viên của đoàn dựng vở khá nhanh. Khi vở diễn lên sàn cũng là lúc Lưu Quang Vũ bị tử nạn ở đường 5. Lưu Quang Vũ không được chứng kiến sự gian khổ và vinh quang của “Lời thề thứ chín”, một vở diễn đã đem lại niềm tự hào cho Đoàn kịch nói Quân đội. Ngay từ khi ra đời vở diễn đã tạo ra hai luồng dư luận trái ngược nhau rất quyết liệt. Tính dự báo, tính chiến đấu dũng cảm hay là sự kích động, vô kỷ luật của người lính ? Vở diễn được ra hay là bị “thổi còi” ? Tại sao Đoàn kịch nói Quân đội đang diễn lại dừng lại ? Nhà hát Tuổi trẻ lại dàn dựng và đi diễn tiếp. Kết quả là 300 buổi diễn với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Với Nhà hát kịch Hà Nội, Lưu Quang Vũ lại có nhiều kỷ niệm sâu nặng khác. Vở đầu tiên của anh bén duyên với Nhà hát kịch Hà Nội là vở “Cô gái đội mũ nồi xám” - Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Khi ra mắt đã gây nên những dư luận khen, chê rất mạnh mẽ. Là một người viết nhiều, va chạm nhiều, Lưu Quang Vũ trưởng thành dần lên nhờ những bước đi sóng gió như vậy. Cái quý của anh là sức lao động, khát vọng vươn lên, khám phá hiện thực, tiếp cận với những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống.
Để chuẩn bị tiết mục cho Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985 tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, Lưu Quang Vũ và Hoàng Quân Tạo đã có nhiều cuộc trao đổi với nhau về nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại. Có những vấn đề các anh còn lúng túng chưa biết lý giải, cắt nghĩa theo hướng nào. Đây là một đoạn thư Lưu Quang Vũ gửi Hoàng Quân Tạo: “...
Sau mấy hôm Vũ và anh Tạo gặp anh Nguyễn Văn Linh, Vũ thấy cần phải viết lại vở kịch (như đã bàn hôm ấy với anh Tạo) nên Vũ đã dốc sức ngồi làm...yêu quý - nhà viết kịch khốn khổ Lưu Quang Vũ”. Sau trăn trở đầy trách nhiệm về ê kíp sáng tạo, sự lao động nghiêm túc đầy tài năng của đội ngũ diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội đã được trả giá bằng sự thành công vang dội của vở “Tôi và chúng ta” trong Hội diễn sân khấu 1985. Vở diễn đã nói hộ cho rất nhiều người về thói quan liêu bao cấp trong sản xuất và quyền dân chủ của người lao động. Ngay sau đêm biểu diễn tham dự hội diễn, đoàn đã diễn liên tiếp ở rất nhiều nơi, có ngày tới hai ba suất. Sự hưởng ứng đông đảo và cổ vũ nhiệt liệt của khán giả đã chứng tỏ niềm tin yêu và sức sống của vở kịch. Tên tuổi của các nhân vật kịch như: giám đốc Hoàng Việt, cô Thanh, ông Quých... đã đi thẳng vào đời sống công chúng khán giả. Có thể nói “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ đã đưa Nhà hát kịch Hà Nội đến đỉnh cao của vinh quang và ngược lại, Nhà hát kịch Hà Nội cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa tên tuổi Lưu Quang Vũ lên những nhà viết kịch tầm cỡ của Việt Nam trong những thập niên của thế kỷ XX.
Đã có lúc kịch của anh ngự trị trên khắp các đoàn sân khấu cả nước. Đã có người gọi sân khấu thời kỳ đó (1980) là sân khấu của Lưu Quang Vũ. Sự ra đi đột ngột của anh đã tạo ra một khoảng trống không gì bù đắp nổi cho giới sân khấu Việt Nam. Nhiều người lo lắng cho diện mạo sân khấu sau sự vắng bóng của Lưu Quang Vũ. Quả đúng là như vậy, chúng tôi là những người làm sân khấu sau anh, cứ mỗi lúc khó khăn về kịch bản lại chợt nghĩ đến anh. Giá mà... ! Giá mà... ! Nhưng thôi, những đạo diễn trẻ hôm nay trong sự đắn đo chọn lựa kịch bản tốt nghiệp vẫn lấy kịch bản của anh làm bài thi rồi đem đi biểu diễn. Tức là anh vẫn sống trong “Tôi và chúng ta” nhà viết kịch Lưu Quang Vũ kính yêu ạ!
theo HNM