Lê Lựu: Học mà đi ăn cắp thì học mà làm gì?

(VietNamNet) - Có một số người viết trẻ chẳng mới mẻ gì hết! Văn của họ chỉ là sự học đòi, bắt chước mà không thành. Khi tôi nói điều này trên báo chí còn bị một nữ văn sĩ trẻ xinh đẹp gọi điện đến mắng là tôi rằng: ông có quyền gì mà phát biểu như thế?

Nhiều người đã nhận xét ông viết văn như bản năng?


- Không phải người ta nói mà phải buộc viết theo bản năng của mình. Nếu viết kỹ thuật thôi thì chỉ là thợ xếp chữ, có thể cho ra hàng trăm cuốn tiểu thuyết mà không có ai đọc. Ý họ muốn nói tôi viết văn kỹ thuật chưa cao mà chủ yếu viết bằng bản năng tự nhiên không được rèn luyện thì đúng.Tôi học hành ít. Nhưng tôi rất phản đối những người đi học mà mài chữ ra làm trăm mảnh rồi ghép lại. Tôi có cái may của cái ngu.

Bởi vì viết như bản năng, cho nên có thể có những tác phẩm hay nhưng chỉ là ăn may?


- Không có sự ăn may nào cả. Bản năng không xấu không có khuyết tật và viết văn là khai thác triệt để những gì anh có những gì là của riêng anh. Nhà văn cũng phải học, phải đọc nhưng tránh hết mức những gì người ta đã làm. Nếu không tạo ra con đường riêng, con đường duy nhất của mình mà đi học theo người khác thì giỏi lắm cũng chỉ là kẻ thứ hai. Trong văn chương chỉ có số một, duy nhất chứ không có số 2, số 3...

Tôi xin nhắc lại rằng sự hẹp rộng nông sâu của một tác phẩm không do nhà văn học nhiều hay học ít. Lụy vào cái sự học thì nhà văn chỉ là thợ ghép chữ mà thôi. Đâu phải cứ là người có học thì yêu hàng nghìn cô mà chẳng thất bại bao giờ?

Với những người vừa có học vừa có một chút tài giời cho thì sẽ như thế nào?


- Cẩn thận kẻo cái này đánh cái kia, học là đọc, là đi, là chiêm nghiệm...tác phẩm của anh phải mang ý tưởng gì ? Có nhiều ông là tiến sĩ này tiến sĩ nọ tưởng tác phẩm của mình sẽ như cái đình nhưng cuối cùng không bằng hạt cám! Tôi phản đối những người kêu có học hay không có học trong văn chương. Tôi là thằng vô học. Trần Đăng Khoa lên ba, lên năm học gì thế nhưng viết giỏi hơn bây giờ? Ông Tô Hoài, ông Nguyên Hồng, ông Chế Lan Viên ….tuổi thanh niên viết được những tác phẩm đến bây giờ vẫn chưa có ai đạt được. Thế thì cái trình độ học nói lên điều gì? Đấy chỉ là một lối nói khinh bỉ những người nhà quê, khinh bỉ những người ít học. Tài năng đâu phải cứ học là được!

Ông vừa nói ông có cái may của cái ngu, ông có thể nói rõ hơn điều này qua những tác phẩm của ông?


- Tức là không lấy sự học làm lụy. Tôi không có điều kiện đến trường nhưng tôi cũng đã phải học bằng tất cả mọi cách, tôi đã từng trùm chăn suốt đêm trong rừng chỉ với một cái đèn pin để đọc sách. Thế thì đâu phải là không đọc, không học? Nhưng vì không đến trường nên không có bằng cấp. Thôi thì tôi cứ nhận là tôi vô học, tôi mù chữ...nghĩa là tôi ngu. Chính vì tôi ngu nên tôi không bị ảnh hưởng của người khác nên tôi may mắn không là con khỉ bắt chước từ sách vở, từ giọng văn của người này người nọ… Cái may nhất của tôi là đã không trở thành thằng lưu manh. Học mà đi ăn cắp thì học làm gì? Theo tôi, học để biết nhưng mà phải tránh hết sức những người thầy vô hình, hữu hình không thì tài lắm mình cũng chỉ là thằng bám đuôi mà thôi. Không thể nào hơn!

Ông là một trong số ít những nhà văn không sống bằng báo chí?


- Tôi không sống bằng được báo chí, bằng văn chương. Tôi chỉ sống bằng lương quân đội có đồng nào ăn đồng ấy. Mấy phen định đi buôn nhưng thất bại, thành ra cũng không sống được bằng nghề buôn.

Với chức danh Giám đốc Trung tâm doanh nhân văn hóa thì phải nói là ông phát về đường buôn bán chứ?

- Đây không phải là nghề, đây là tôi làm văn hóa. Tôi tập hợp các nghệ sỹ, các nhà báo, các nhà khoa học để, thứ nhất tôn vinh các doanh nhân Việt Nam, thứ hai đặt ra những tiêu chí, chuẩn mực cho họ sống làm sao có văn hóa hơn.

Ông đã từng phát biểu, thế này: Trước đây những nhà văn chúng ta ca ngợi nông dân, công nhân, còn nhiệm vụ của những nhà văn hôm nay là ca ngợi tầng lớp doanh nhân. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này?

- Ca ngợi hay tôn vinh ai không phải cứ nghiễm nhiên mà được! Ngày xưa cả dân tộc sống và đánh giặc bằng hạt gạo của người nông dân. Họ một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời… Đấy chính là sự xúc động, cuộc sống tạo ra sự xúc động cho người nghệ sỹ. Nhưng bây giờ làm giầu cho cuộc sống hôm nay lại chính là những doanh nhân, một hecta trồng lúa làm sao bằng được khi xử dụng một hecta ấy để làm công nghiệp?

Doanh nhân là giai tầng mà trước đây người ta lãng quên, bây giờ chúng ta phải khôi phục vị trí cho họ. Phải ca ngợi tôn vinh vì họ đích thực là người quyết định cuộc sống hôm nay. Trước đây là anh lính , nông dân….và bây giờ doanh nhân chính là những dũng sỹ trong cuộc sống mới này để làm giàu cho dân tộc mình. Chúng tôi muốn xây dựng những nề nếp, chuẩn mực thế nào là một doanh nhân văn hóa. Để họ hiểu hơn truyền thống dân tộc như thế họ mới có đủ bản lĩnh để tham gia hội nhập quốc tế.

Ông có ngại người ta sẽ nói rằng nhà văn như thế là những kẻ xu thời không?

- Không phải xu thời mà là ngạy cảm với xã hội, đi theo nông dân thì được cái gì? Theo nông dân, anh lính, công nhân thì được cái gì? Chỉ có những kẻ dùng văn chương để làm phương tiện chứ không phải vì mục đích mới nói nói như thế. Xu thời là mượn văn để đi buôn bán, lừa lọc,…Sự nhạy cảm khác với xu thời.

Nói như thế có đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình lãng quên hình tượng người nông dân trong văn học?

- Lãng quên thì không nhưng bây giờ không ai dám nhịn đói để viết về những người nông dân. Hơn nữa phải là người sống, những người ở cùng chung sống với nông dân thì mới viết sâu sắc được. Những người nông dân khốn kổ khốn nạn không phải do nhà văn quên họ mà do xu hướng mới đã làm cho nhà văn quên đi sự khốn khổ của họ. Lớp người nào tác động đến sự thay đổi của xã hội thì nó hấp dẫn người viết. Nhà văn là những người dự báo xã hội.
 
Chị Dậu, Giang Văn Sài, lão Khúng, được coi là những hình tượng nông dân điển hình của văn học Việt nam hiện đại, là đồng nghiệp của Ngô Tất Tố, Nguyễn Minh Châu, ông đánh giá các nhân vật này thế nào?

- Thôi, bỏ thằng Sài đi. Lão Khúng mới đích thực là nhân vật văn học. Anh Châu viết về những người nông dân rất giỏi.Mục tiêu của văn học là khai thác tâm lí con người chứ không phải viết việc nọ việc kia. Những việc đó chỉ là cái cớ để làm bật lên được tâm lí, logic tâm lí nội tại của nhân vật…Tôi không đánh giá cao Tắt Đèn, nó mang tính tố cáo, người khổ việc khổ, chỉ là số phận không làm nổi bật được tính cách. Đẩy đến đâu hay đến đấy, nhân vật chị Dậu rất bình thường…

Tôi thích những nhân vật trong văn học Việt nam từ trước đến nay như Kiều, Xuân tóc đỏ, Chí Phèo…Thời nào cũng có thằng cơ hội, ăn may, thời nào cũng có Chí Phèo…thì những nhân vật này còn mãi với thời gian. Đến khi người sướng việc sướng thì ai còn đọc Chị Dậu?

Thành công của nhân vật Sài, là do ông thân thuộc môi trường nông thôn và những người nông dân?

- Tôi không thuộc môi trường nhà quê như chị Thường hay một số nhà văn khác. Nói về Giang Văn Sài thì thế này: một thời chúng ta sống không có nhân cách cá nhân. Sài cứ sống nhưng cuộc sống đó không phải là của anh ta. Để người khác phải sống hộ mình, trở thành anh hùng bù nhìn, ai bảo gì làm theo vậy. Và phàm những kẻ muốn thăng quan tiến chức đều muốn tạo cho gia đình mình môt không khí êm ấm dù giả tạo. Sài phải câm nín không dám phá đi. Từ Cô Tuyết, rồi cô Châu, dù không yêu hay không hề hạnh phúc, Sài vẫn câm nín, và cứ hèn đi như thế. Hèn như thằng ở! Tất cả đều âm u, mông muội nén vào lòng, thế này mới đáng sợ. Sông sâu còn có người dò còn tôi nén tất cả vào lòng, ai biết? Phương Tây rất sợ điều này của Phương Đông.

Trong hành trình viết văn của ông, ông tìm thấy đồng cảm với nhân vật nào nhất?

- Tất cả những đứa con mà tôi sinh ra tôi đều yêu quý vì tôi nghĩ là của mình chứ không nghĩ là lang chạ của ông nào cả.

Ông đang khô kiệt sự sáng tạo?

- Cũng đúng, tôi không viết được nữa. Nhưng Doanh nhân văn hóa cũng coi như tác phẩm mà tôi nung nấu đó chứ? Nếu ai có thể làm giúp tôi việc này, tôi sẽ dành cho thời gian viết tiểu thuyết. Không phải viết ít, viết nhiều hay không viết, tôi vẫn viết đấy chứ nhưng viết tiểu thuyết thì tôi không có thời gian.

Nghe tin Trung tâm của ông có viết thuê điếu văn?

- Không, đấy chỉ là sự hiểu nhầm tai hại, Có một công ty quảng cáo trùng tên, và họ nhận làm việc đấy. Chúng tôi bị hiểu nhầm, công ty này đã đổi tên khác đi rồi. Điều này tôi đã lời cụ thể trên báo rồi.

Ông đọc văn của ai ?

- Tôi đọc Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng…nhưng một số tác phẩm của Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường thì thường không trọn vẹn từ đầu đến cuối, đoạn cuối hay hụt lắm!

Ông có đánh giá thế nào về dòng văn học trẻ hiện nay?


- Có một số người viết trẻ chẳng mới mẻ gì hết! Văn của họ chỉ là sự học đòi, bắt chước mà không thành. Khi tôi nói điều này trên báo chí còn bị một nữ văn sĩ trẻ xinh đẹp gọi điện đến mắng là tôi rằng: ông có quyền gì mà phát biểu như thế?

Tôi thích đọc Nguyễn Ngọc Tư, tôi chưa biết cô này thế nào nhưng mà viết được. Bạn đọc Cánh đồng vô tận chưa? Thật kinh khủng, đọc xong tôi cứ nẫu cả người. Nguyễn Ngọc Tư đã làm ra bằng sức mạnh nội tại của chính chị, chị nói trong lòng nói ra trong khi một số nhà văn trẻ khác thì đang cố làm ra vẻ và bị bên ngoài tác động vào. Cố làm cho mới thì chỉ là bắt chước không tới.

Các cuộc thi người đẹp như Hà Thành, người đẹp Kinh Đô do các ông tổ chức thì có liên quan gì đến các doanh nhân?

- Doanh nhân cũng thích đẹp chứ? Chúng tôi muốn tạo ra cái gu thẩm mỹ cho doanh nhân, nhìn cái đẹp cho chính xác, điều đó cần thiết chứ!

Mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà văn?

- Tôi ghép hai cái thiếu vào với nhau. Nhà Văn thiếu tiền, vật chất để hoạt động còn doanh nhân thiếu cách vui chơi, giải trí cao cấp.

Ông tin tưởng văn họcViệt Nam sẽ có những tác phẩm lớn những nhà văn lớn?

- Tin chứ.Và đừng nên có hội nhà văn nữa. Hội nhà văn đang làm mất đi sự tự do của các nhà văn.

Phụ nữ trong các trang văn của ông không thật rõ nét, thế còn trong cuộc sống của ông?


- Phụ nữ ai cũng đẹp, ai tôi cũng yêu. Nhưng họ không yêu tôi, thế tôi mới tức tôi. Tôi không tin phụ nữ.

Vì sao ?


- Vì tôi đòi hỏi quá nhiều, chắc thế.

*
Tô Mai Trang
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top