Đoàn Giỏi và câu chuyện về "Sữa cọp"

Alex_sanda

New Member
Đoàn Giỏi và câu chuyện về ‘sữa cọp’
Nhà văn Đoàn Giỏi</SPAN>​



Tôi chưa hề có một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, thân mật nào để lại những ấn tượng sâu sắc thúc giục trong hành lang dài của tâm hồn tôi, giống như cuộc trò chuyện trao đổi nghề nghiệp ấy với nhà văn Đoàn Giỏi.
Hồi ấy tôi làm việc cùng một cơ quan với Đoàn Giỏi, ở Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi thì mới chân ướt chân ráo từ Huế ra Hà Nội, còn bác Đoàn Giỏi đã là một nhà văn lão thành, đã đi hết cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi nghe nói hồi kháng chiến chống Pháp, bác là chỉ huy của một đơn vị du kích đồng bằng sông Cửu Long đánh giao thông trên trục đường số 4 và chặn được một vị công tử luật sư ngày nào cũng lái xe từ miền Tây lên Sài Gòn. Vị công tử ấy chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sau này là chủ tịch mặt trận giải phóng miền Nam. Ôi! Cuộc hội ngộ lịch sử mới hoành tráng làm sao, và cuộc đời của một nhà văn cũng có những năm tháng lẫm liệt làm sao.
Hồi ấy, tôi đang sống trọ ở Hà Nội, bằng cách nương náu tạm bợ căn phòng chật hẹp, ẩm thấp của vợ tôi là sinh viên trường viết văn Nguyễn Du. Thành thật nói rằng, lúc bấy giờ Hà Nội đang diễn ra “cuộc chiến tranh nhà đất”, với cái giá tấc đất tấc vàng. Và tôi phải ngồi viết văn trong ánh sáng nhá nhem của những ao bèo nước dềnh lên đến tận chân thềm; đó đã là điều ước mơ của bao nhiêu người viết miền Trung ra định lập nghiệp tại Hà Nội như tôi. Cuối cùng, tôi đã trở lại Huế, cư ngụ tại căn nhà của tôi như bạn bè đều biết.
Một hôm, có tiếng người lao xao hỏi địa chỉ một ai đó. Tôi nghe ra giọng của bác Đoàn Giỏi đang hỏi nhà tôi. Tôi liền chạy ra xem. Bác đang mặc một bộ đồ ba ba rộng thùng thình, tay chống gậy. Tôi mời bác vào nhà. Bác ngồi xuống giường, bảo tôi đi lấy hai cái cốc, vừa rút ra từ trong ngực áo một ve rượu "quốc lủi", rót ra chén mời tôi uống. Lúc này, Tổng cục lâm nghiệp cùng với Hội Nhà văn vừa tổ chức cuộc thi về đề tài lâm nghiệp. Cả bác Đoàn Giỏi và tôi đều đoạt giải A; phần tôi là bài bút ký Đời rừng và bác Đoàn Giỏi là truyện ngắn Mả cá sấu. Tôi đoán rằng có lẽ nhân chuyện này mà bác Đoàn Giỏi có ý muốn uống rượu với tôi. Bác cũng bắt đầu câu chuyện với đề tài như thế và nói:
- Trước đây, anh có bút ký Đất Mũi tôi rất thích. Tôi tin chắc rằng anh còn đi dài dài trên mảnh đất phương Nam
Tôi liên tưởng đến cuốn sách nổi tiếng của bác Đoàn Giỏi và nói rằng:
- Đất rừng phương Nam là một cuốn sách vĩ đại, một đời tôi mơ ước nhưng tôi e rằng không thể nào đạt được.
Bác đặt tay lên vai tôi:
- Tôi cảm ơn chú em đã có lời khen. Nhưng tôi tự biết mình bây giờ đã lão lai tài tận, may ra còn hy vọng ở chú em sẽ làm được một cái gì đó cho mảnh đất Nam Bộ. Kỳ rồi, tôi có đọc bài Đất Mũi của chú em. Hay lắm, nhưng tôi tin đó chưa phải là cuối cùng.
Bác rót rượu ra ly, mời tôi uống cạn chén 100%, giọng nói bừng lên nghe thật hào sảng: hồi trẻ, tôi giang hồ ở miệt rừng Cà Mau khá nhiều, mắt thấy tai nghe nhiều chuyện thú vị. Tôi vẫn nhớ và xin trao tặng cho anh, trước tiên là chuyện “Sữa cọp”. Anh có biết sữa cọp không? Tôi ngẩn người: “Ủa, cọp thì làm sao mà vắt sữa được? Bác Đoàn Giỏi tiếp lời:
- Vậy mà dân Cà Mau vẫn lấy được sữa cọp. Hồi tôi còn bé hay đến ông già Tàu bán thuốc Bắc ở chợ Năm Căn mua từng miếng sữa cọp để ăn vặt cho đỡ buồn miệng, giống như ăn kẹo. Sữa cọp để đông cứng cắt ra từng miếng to bằng ba ngón tay, ăn vào nghe thơm và ngon giống như miếng pho mát.
- Bữa hổm tôi về Năm Căn, có ghé quán ông già bán thuốc Bắc, bây giờ đã để râu dài… Giọng bác Đoàn Giỏi ngậm ngùi: "Chắc chính là ông ta, mà cũng có thể là người khác".
Và bác dẫn tôi quay lại với câu chuyện sữa cọp đang bỏ dở:
- Cọp đẻ một lần ba bốn con, không phải chỉ một con như người ta thường thấy. Sau khi một lứa con ra đời, thì bị cọp bố ăn thịt hết chỉ chừa lại một con để nuôi.
Bác Đoàn Giỏi xòe bàn tay chặn trên không, ra hiệu bảo tôi đừng ngắt lời bác:
- Đó là quy luật đào thải tự nhiên, không muốn để cái ác tồn tại nhiều quá. Tôi tiếp lời bác: "Phải chi trong xã hội này cũng tồn tại các luật tự nhiên đó".
- Nói “Hùm dữ không ăn thịt con" là nói sai. Hùm cũng ăn thịt con.Vì hùm bố đã ăn mất mấy con nên hùm mẹ thừa ra mấy cái vú không được bú. Vú sữa căng lên làm hùm mẹ đau. Nó liền đi tìm một gốc cây cổ thụ ép vào để sữa chảy ra cho bớt đau. Sữa ấy chảy tràn lan trên mặt đất, qua đêm lạnh – bác Đoàn Giỏi tự ngắt lời, nói sang một ý khác
- Người ta hay nói “Nam Bộ không biết đến trời lạnh” cũng là nói sai. Qua đêm lạnh, sữa đông cứng lại thành một lớp mỏng, màu trắng ngà. Sáng ngày những người thợ sơn tràng đi làm rừng sớm bèn nhặt lấy, cắt ra từng miếng vuông vức như xà bông đem bán lẻ, thành một món thuốc Bắc. Đó là chuyện sữa cọp.
Bây giờ, tôi mới lưu ý rằng, bác Đoàn Giỏi vươn một cánh tay sang quàng lấy tôi, một tay bác nâng chén rượu đưa vào môi tôi, nhìn tôi uống bằng con mắt trìu mến.
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai làm nên một chút công trạng gì đều phải có thày. “Không thày đó mày làm nên”, dân gian đã tổng kết như vậy.
Suốt đời tôi luôn nhớ buổi gặp mặt đầu tiên cùng với bí kíp nghề nghiệp mà bác đã ưu ái dành cho tôi thuở tôi mới bắt đầu nghiệp chữ nghĩa. Quả thực, tôi cũng có một vị “sư phụ” để bắt đầu công việc viết lách của đời mình. Đó chính là nhà văn Đoàn Giỏi

Hoàng Phủ Ngọc Tường
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top