Ý kiến của 1 tác giả tâm huyết về sự phát triển của xã hội ta !

Lời từ trái tim

Tác giả Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Australia. Ảnh: Phạm Hải
"Tôi là người viết bài “Thời cơ vàng của Đảng ta” chân thành cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các bạn với quan điểm của tôi. Sự chia sẻ này tự nó đã nói lên: Những suy nghĩ của chúng ta đồng cảm hay khác nhau như thế nào chăng nữa, trong tim mỗi chúng ta chỉ có chung một Tổ quốc VN vô vàn yêu quý!". Sau khi bài viết của ông được đăng tải, hàng nghìn ý kiến chia sẻ đã được gửi về. Một lần nữa, tác giả Nguyễn Trung lại xuất hiện và lại mang đến những tiếng nói từ trái tim mình.

VietNamNet xin đăng tải nguyên văn suy nghĩ của ông, như một tiếng nói đại diện cho những tấm lòng tâm huyết đối với Đảng và dân tộc:

"Sẽ là sự khiếm nhã và thiếu nghiêm túc mà tự tôi không thể cho phép mình xử sự như vậy, nếu như tôi chỉ nhận những lời “khen” trong các thư phản hồi của các bạn, và làm ngơ trước không biết bao nhiêu câu hỏi các bạn dành cho tôi sau khi các bạn đã đọc bài viết hoặc nghe ý kiến của tôi. Đến tay tôi có không biết bao nhiêu thư phản hồi và các cuộc gọi điện thoại.., thực tình tôi không đếm chính xác được bao nhiêu - chỉ biết là rất nhiều! Tất cả những thông điệp này, bên cạnh việc chia sẻ sự đồng tình, còn kèm theo cũng không biết bao nhiêu câu hỏi - nếu không chát chúa thì cũng đầy day dứt, về mọi lĩnh vực của cuộc sống, mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước chúng ta. Sự giống nhau chung nhất và cũng là duy nhất: Tất cả những câu hỏi này đều nặng lòng với đất nước vào thời điểm vận hội mới đang tới với đất nước.

Từ đáy lòng mình, tôi muốn được bàn bạc về những câu hỏi các bạn đã từ trái tim mình nói lên trong những ý kiến phản hồi, mong đấy cũng là cách tôi cảm ơn các bạn. Tôi không có một tư cách nào khác ngoài tư cách cũng là một công dân của nước ta như các bạn, để tâm tình với các bạn. Ngoài nghề nghiệp chính là viên chức đối ngoại, cấp bậc đại sứ, đảng viên thường của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi không phải là học giả hay nhà nghiên cứu, càng không phải là một chính trị gia, xin cho phép nghĩ sao nói vậy.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong tâm khảm mỗi chúng ta cùng chung một ý tưởng thiêng liêng: Tổ quốc trên hết! Đại đoàn kết tất cả vì sự nghiệp chấn hưng Việt Nam ! Vì vậy, dù những điều sau đây tôi sẽ tâm sự với các bạn nông sâu sai đúng thế nào, xin các bạn hiểu cho đấy là những lời từ trái tim đến với trái tim.

Đặc biệt quan trọng, tôi hy vọng đôi điều tâm tình của mình sẽ cổ vũ các bạn đem hết tâm huyết góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội X đã được công bố để xin ý kiến đóng góp của toàn dân.

Xin lần lượt nêu suy nghĩ của tôi về từng cụm câu hỏi của các bạn.

Bàn tròn: Đột phá giành "thời cơ vàng"!
(VietNamNet) - Liệu chúng ta có đủ bản lĩnh để tận dụng thời cơ vàng? Mời quý vị theo dõi Bàn tròn với tác giả bài viết "Thời cơ vàng của Đảng ta".

Cụm câu hỏi thứ nhất: Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen?

Nhiều thư, thậm chí có cả bài báo, các cuộc nói chuyện điện thoại đã nhắc nhở tôi: Khi nói đến thời cơ vàng của nước ta, phải nói liền theo đó đến hiểm hoạ đen. Có ý kiến còn nói hiểm hoạ đen hay "thời cơ đất sét cùng với thời cơ vàng ở nước ta trong hoàn cảnh hiện nay chỉ là một thôi, vì từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay đã bao nhiêu lần thời cơ lớn bị bỏ lỡ và đã có phen đẩy đất nước lâm vào gian nguy rồi.

Có thư phản hồi của bạn đọc còn viết: Bọn tham nhũng đã nắm được thời cơ vàng, đất nước thì chưa! (Tôi - Nguyễn Trung - tự hỏi mình: Còn lời nói nào đau lòng hơn thế nữa không?)

Từ những hiểm hoạ "lấp ló"

Sự thật là: Thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau trong cuộc sống như hình với bóng, đổi chỗ cho nhau có thể chỉ trong nháy mắt! Ví dụ điển hình nhất ở nước ta theo suy nghĩ của tôi là từ đỉnh cao 30 Tháng Tư đất nước rơi nhanh quá vào 10 năm khủng hoảng trầm trọng sau đó về mọi mặt. Không ít những thách thức và hiểm nguy hồi ấy mầm mống ngay từ trong những thắng lợi và quán tính của chúng ta, rồi bối cảnh bên ngoài tác động vào, nhanh đến mức độ khi chúng ta “tỉnh” ra thì sự nghiệp cách mạng của đất nước đã đứng bên bờ vực thẳm. Ngày nay tôi nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hãi hùng! Vẫn cứ xin nhắc lại: Ôi, nếu không có 20 năm đổi mới thành công sau này!..

Hay tôi là người yếu bóng vía? Không biết! Đúng là bây giờ nghĩ lại vẫn chưa hết hãi hùng!

Các ý kiến phản hồi nhắc nhở về hiểm hoạ đen , hỏi suy nghĩ của tôi về hiểm hoạ đen đã nêu lên rất đúng mối nguy của quốc nạn tham nhũng và những hư hỏng của một số không ít các cán bộ đảng viên có chức có quyền. Đấy là những cảnh báo nghiêm khắc, không thể bỏ ngoài tai, và cho đến nay, hàng ngày trên dư luận công khai có không ít những lời cảnh báo như vậy. Điều lo lắng của tôi là từ nhiều năm nay cảnh báo thì cứ cảnh báo, nhưng hư hỏng cứ tiếp tục hư hỏng.

Góp phần vào cảnh báo này, tôi chỉ xin mọi người đừng quên: Hiểm họa đen còn đang rình mò, lấp ló từ nhiều phương trời khác nữa trong đời sống của đất nước.

Đấy là những hiểm họa từ cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng còn nhiều yếu kém, từ những chính sách vỹ mô bất cập, từ những quyết định kinh tế không đúng - ví dụ như thường xảy ra trong lĩnh vực đầu tư - điển hình là chuyện mía đường và xi măng lò đứng, câu chuyện đang tranh cãi về lọc dầu Dung Quất.., từ tình trạng đất đai vô cùng phức tạp và đầu cơ đất đai đang diễn ra như hiện nay, từ sự phân hóa giầu nghèo và biết bao nhiêu vấn đề khác trong vấn đề phát triển nông thôn…

Rồi đến những hiểm họa mới trong sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường so với sức chịu đựng của nền kinh tế, những hiểm họa từ những yếu kém trong chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, từ biết bao nhiêu khoản nợ khó đòi trong không ít các doanh nghiệp nhà nước, rồi bây giờ là H5N1, hạn hán, lũ lụt, những thách thức truyền thống và phi truyển thống khác, là sự khập khiễng chưa có cách gì thu hẹp lại giữa một bên là cải cách hành chính và hệ thống chính trị và một bên là những đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội và của hội nhập quốc tế…

Bây giờ còn phải nhấn mạnh thêm những hiểm họa lấp ló từ những khó khăn và mối nguy khôn lường của cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, từ những quyết sách bắt buộc phải cân nhắc, phải lựa chọn của một nền kinh tế có tới khoảng 60% của cải làm ra hàng năm buộc phải dành cho xuất khẩu - nếu không thì nghèo đói to, từ một nền kinh tế thường xuyên có nhập siêu lớn…

Nhìn dài hạn hơn nữa là những hiểm họa đang thai nghén từ nền giáo dục còn nhiều bất cập và yếu kém hiện nay, từ những xuống cấp khác đang xảy ra trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.., và ngay trong sinh hoạt Đảng.

Tất cả mọi thành tựu đạt được, dù to lớn đến đâu, đáng tự hào đến đâu, cũng không cho phép chúng ta làm ngơ trước những hiểm họa đang lấp ló mọi nơi mọi phía như vậy. Sự vận động của cuộc sống bao giờ cũng đa chiều đa cạnh như thế, không có gì mà phải hoang mang lo sợ. Nhưng sẽ thật là đáng lo sợ nếu cái tai, con mắt và tâm trí của chúng ta không quen hay không thích nhận dạng cuộc sống như thực nó tự đang diễn ra đủ mọi chiều cạnh tốt xấu như thế.

Hiểm hoạ từ sự vô cảm

Lớn hơn những hiểm họa vừa nói trên, có lẽ còn phải nêu lên những hiểm họa đến từ những lãng phí vô hình và hữu hình, lãng phí chất xám, lãng phí thời gian và cơ hội.., những hiểm họa đến từ sự thiển cận hay kiêu ngạo, từ sự ru ngủ hay tự giam hãm lẫn nhau trong tư duy lỗi thời và cằn cỗi, từ sự sa sút ý chí cách mạng và lòng yêu nước, những hiểm họa do tụt hậu và lạc lõng trong một thế giới đã bước lên một nấc thang phát triển mới…

Nếu sống theo câu châm ngôn cổ Trung Hoa xảy chân một bước hận nghìn thu, gương tày liếp là sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ, chuyện mới đây là cơn bão tài chính tiền tệ năm 1997 gần như trong một đêm tàn phá tan hoang những nền kinh tế năng động vào bậc nhất ở châu Á.., thì việc nêu lên và ý thức hết những hiểm họa nói trên không phải là một sự hù dọa, càng không phải là chuyện vạch áo cho người xem lưng, mà là một phẩm chất phải có do cuộc sống hôm nay đang đòi hỏi ở mỗi quốc gia và từng con người, trước hết ở mỗi đảng viên và toàn Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tôi chân thành nghĩ như vậy!

Vô cảm, hay khoanh tay cảnh giác trước những hiểm họa này đều vô nghĩa. Điều tôi ước muốn là làm sao từng đảng viên, từng công dân của đất nước ta luôn nhận được những thông tin, luôn được trang bị những hiểu biết mọi chiều cạnh, để nhận biết và để tự mình có cách ứng xử tích cực và quyết liệt - đối với chính bản thân mình và xã hội, đối với toàn bộ hệ thống quản lý đất nước, nâng cao trách nhiệm của chính mình đối với toàn bộ cuộc sống của đất nước. Nếu suy nghĩ như vậy được chấp nhận, sẽ có rất nhiều việc trong toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của đất nước phải làm khác đi.
 
Sự thật, trong sinh hoạt Đảng, trong học tập và tu dưỡng… cũng như trong công tác tuyên truyền và thông tin báo chí, trong học tập, trong việc giáo dục con người - từ trẻ em trên ghế nhà trường cho đến mọi người đang gánh vác các công việc khác nhau trong xã hội… - chúng ta còn đứng cách khá xa đòi hỏi sống còn này. Không có lý do gì để duy trì mãi hay để thanh minh bào chữa cho khoảng cách này.

Nhìn thẳng sự thật - khả năng nhận biết hiểm hoạ

Trên hết cả là hệ thống chính trị của cả nước phải tìm mọi cách thường xuyên nuôi dưỡng trong toàn Đảng, toàn dân tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đại hội VI, đó là: Ý chí và khả năng nhận biết mọi hiểm họa từ khi chúng còn là mầm mống, ý chí và khả năng không thỏa hiệp với bất kỳ sự tha hóa và bất cập nào, ý chí và khả năng đương đầu thắng lợi với bất kỳ hiểm họa và thách thức nào… Lịch sử nước ta, nhất là lịch sử cận đại, đã nhiều lần nghiệm trải: quán tính của tư duy cũ và thói phô trương mẹ hát con khen hay là kẻ đã nhiều lần dẫn lối đưa đường cho nhiều hiểm họa đến với đất nước…

Còn phải nói đến nơi đến chốn về sự bạc nhược của mỗi người chúng ta - trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên - đối với mọi sai trái xảy ra chung quanh ta. Chẳng dám đấu tranh với mọi sai trái, thì phải chấp nhận chung sống với nó thôi!

Nói thêm về sự bạc nhược, thú thực tôi không ít lần cảm thấy hổ thẹn trong lòng với người xưa Chu Văn An tâu sớ thất trảm. Song cũng không ít lần một con người khác trong tôi xúi giục đừng dại gì mà làm cái việc “tâu sớ thất trảm”. Tôi không đến nỗi bị “trảm” trước khi mình “tấu” đâu, nhưng danh hiệu “cầm đèn chạy trước ôtô” thì đã được tặng đôi ba lần rồi! Cuộc sống đang dành cho “sỹ phu Bắc Hà” không ít lời chê bai. Tôi không bao giờ dám tự coi mình là sỹ phu - thế mà cũng động lòng xấu hổ, thật vô duyên làm sao! Hay là thời buổi nay học rởm lấn át học giả, nên các sỹ phu Bắc Hà im hơi lặng tiếng?


Hiểm họa lớn nhất từ khả năng giác ngộ

Các bạn thân mến, hiểm họa lớn nhất trên con đường đi lên của đất nước ta nằm ngay trong thách thức lớn nhất: Cuộc sống đang đòi hỏi dân tộc ta với tư cách là chủ nhân ông của đất nước phải giác ngộ sâu sắc chính mình và thế giới chung quanh, để tồn tại, để cùng đi, để cùng đua tranh với cả thế giới! Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc phải được nâng lên một tầm cao mới, với trí tuệ và ý chí mới!

Giác ngộ cho bằng được thách thức lớn nhất này của dân tộc cũng là thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam - với tính cách là đảng lãnh đạo, với vai trò là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc trên con đường chấn hưng đất nước. Đứng mũi chịu sào cho cả dân tộc, Đảng phải chấp nhận thách thức này!

Có nghĩa là Đảng phải làm mọi việc mở đường cho việc đưa vào chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc những nội dung mới mà thời đại ngày nay đòi hỏi - bắt đầu từ thực hiện thật tốt công bằng dân chủ văn minh trong toàn bộ đời sống của đất nước, từ thay đổi một cách triệt để nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, giáo dục… Nhất thiết không thể duy trì lối thông tin một chiều, thiếu đầy đủ trái phải, thiếu rõ ràng, nghèo nàn về nội dung, và nặng về uốn nắn theo một định hướng, hoặc theo kiểu gọt chân cho vừa giày... như hiện nay đang làm.

Xin hãy đến thăm với tất cả ý chí thực sự cầu thị bất kỳ hiệu sách nào trên đất nước ta, xin hãy đọc những quyển sách được nâng lên đến mức được coi là lẽ phải của chúng ta, xin hãy mở đọc sách các thể loại ta đã xuất bản… rồi so sánh tất cả với thế giới bên ngoài. Tất cả những gì ta có, đúng là không đến nỗi là con số “không”, tuy nhiên so với thiên hạ thì sự nghèo nàn về nội dung và khoảng cách trí tuệ thật là đáng sợ (đương nhiên, nếu thích làm cái việc lá cải so với lá cải thì chúng ta là người giầu có, nhưng so đo như thế ta sẽ chẳng thông minh lên được bao nhiêu nếu không muốn nói rằng có thể sẽ bị nhiễm độc thêm). Từ chuyện so sánh này lần ngược trở lại về hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta, tôi hiểu thấm thía:

Cái nghèo hèn nếu kéo dài ra mãi vào tương lai thì sẽ bắt đầu từ chỗ này!.. Vô cảm vô lo làm sao được? Đã thế thời đại ngày nay gia cầm thì có H5N1, còn người thì có nhiều hiểm bệnh mới về thị giác: ngại đọc, lười đọc, không biết đọc, không cần đọc… Tôi không biết các bạn nghĩ gì, nhưng về phần mình tôi buồn và rất lo về điều này! Trong thế giới ngày nay nghèo hèn hiển nhiên bắt đầu cả từ nghèo hèn về trí tuệ! Chẳng lẽ đổ lỗi cho dân mình lười nhác?

Tôi còn cả nghĩ rằng trên thế giới ngày nay không một đảng cầm quyền nào, kể cả ở những nước phát triển nhất, dám xem nhẹ thách thức lớn nhất này của chính mình, Lại càng không có đảng cầm quyền nào dám dại dột theo đuổi chính sách ngu dân, bởi họ hiểu làm như thế là dẫn đảng của họ vào con đường tự sát. Cuộc sống trên thế giới ngày nay là như vậy.

Để kiểm nghiệm suy nghĩ này của tôi, xin các bạn hãy tự tìm đọc và tự nhận xét ví dụ gần đây nhất: Bà Angela Merkel khi tranh cử đã nói nhân dân Đức phải làm gì, bà đã và đang làm gì cho nước Đức kể từ khi giữ cương vị Thủ tướng của nước công nghiệp hàng đầu châu Âu này!

Một ví dụ xa: Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của người dân Hàn Quốc được trau giồi vun đắp tốt từ ghế nhà trường trở đi là một trong những nguyên nhân quyết định nhất đã cứu nền kinh tế Hàn Quốc khỏi đổ vỡ hoàn toàn sau cơn bão tài chính – tiền tệ 1997. Tinh thần Hàn Quốc này đã tâp hợp các tầng lớp nhân dân hậu thuẫn mạnh mẽ những quyết sách đau đớn của chính phủ, dân và chính phủ là một trong lúc đất nước chịu đựng sóng gió, nhờ đó họ đã sớm đưa đất nước mình ra khỏi khủng hoảng, đã phục hồi kinh tế mau chóng nhất so với những nước cùng cảnh ngộ - đành rằng nước nào cũng đày rãy những vấn đề riêng của mình. Như thế rõ ràng là yêu nước phải được trang bị bằng phẩm chất mới và trí tuệ mới (ở phạm vi nhất định, nước ta cũng có những ví dụ đáng tự hào như thế trong chiến đấu chống dịch cúm gia cầm H5N1! Cần phát huy ý chí này, nhưng cũng cần trừng trị nghiêm khắc một số kẻ lừa đảo!).

Một ví dụ xa hơn nữa: Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ vừa qua, các đảng cầm quyền ở Phần Lan (vì có sự thay đổi qua các kỳ bầu cử) đã thúc đẩy mọi nỗ lực của nhân dân mình chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp còn nhiều mặt lạc hậu của nước mình lên nền kinh tế tri thức. Họ đã thành công. Còn liền kề với nước chúng ta, lãnh đạo nước bạn láng giềng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, từ nhiều thập kỷ nay đang làm tất cả để thức tỉnh và thúc đẩy nhân dân Trung Quốc lấy lại 5 thế kỷ bị đánh mất, hiện nay là với chiến lược “Trung Quốc trỗi dạy hòa bình”… Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của các quốc gia trên thế giới ngày nay là như vậy!

Rõ ràng yêu nước và đoàn kết dân tộc trong thời đại ngày nay có nhiều nội dung mới lắm, đòi hỏi ý chí kiên cường và nhiều trí tuệ mới lắm.

Thời cơ vàng sẽ là gì nếu Đảng và dân tộc Việt Nam "bình chân như vại" trong một thế giới như vậy? Nhất là Đảng lãnh đạo phải làm gì để nuôi dưỡng và phát huy cao nhất tinh thần yêu nước và ý chí của toàn dân tộc một lòng đoàn kết vươn lên đua tranh với cả thế giới?!

Nguyễn Trung
 
Bài 2: Những yếu kém cần phải thay đổi trong hệ thống
16:45' 08/02/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - "Tha hóa và bất cập trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước có nguyên nhân nằm trong hệ thống, khắc phục những yếu kém này nhất thiết phải khắc phục những yếu kém của hệ thống". Tiếp tục đưa ra những quan điểm đóng góp xây dựng Đảng, tác giả Nguyễn Trung viết.

Cải cách đúng là quy luật của phát triển

Suy nghĩ này ra đời vào khoảng những năm 1960, 1970 khi các nước Liên Xô Đông Âu cũ tìm đường cải cách. Các nước Liên Xô Đông Âu cũ đã sụp đổ, nhưng ngày nay những suy nghĩ theo hướng này vẫn đầy ắp tính thời sự. Các cuộc cách mạng các màu sắc đang diễn ra ở nhiều nước trong quá trình chuyển đổi minh chứng tính thời sự này, với không ít sóng gió không phải quốc gia nào cũng chịu đựng nổi.

Trong các ý kiến phản hồi của các bạn gửi đến tôi, cũng có những ý kiến cho rằng chừng nào nước ta chưa chấp nhận thay đổi trong cả hệ thống, sẽ không có cách gì khắc phục được quốc nạn tham nhũng và những bất cập khác của hệ thống chính trị và bộ máy quản lý đất nước. Có một số câu hỏi được đặt ra khá gay gắt.

Tôi xin trình bày suy nghĩ của mình:

Ý nghĩ thứ nhất: Tôi cũng cho rằng nhiều tha hóa và bất cập trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước của nước ta có nguyên nhân nằm trong hệ thống, khắc phục những yếu kém này nhất thiết phải khắc phục những yếu kém của hệ thống.

Nhưng câu chuyện đặt ra là khắc phục như thế nào?

Ý nghĩ thứ hai: Tôi còn cho rằng Đảng và Nhà nước ta đã làm nhiều việc cải cách hệ thống, nhưng nhận thức chưa đúng tầm, làm cũng chưa thật dứt khoát và chưa đúng tầm, có việc làm sai, có việc miễn cưỡng phải làm - nghĩa là thiếu tự giác, còn nhiều sức ỳ và quán tính nguy hiểm, còn những vùng kiêng cấm lẽ ra không được duy trì!

Dưới đây tôi sẽ tìm cách minh họa hai suy nghĩ nói trên của mình về vấn đề hệ thống ở nước ta, để góp phần gợi ra những suy nghĩ của các bạn trong tìm kiếm câu trả lời.

Mỗi quốc gia có một hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và bối cảnh quốc tế riêng, không có một công thức chung nào cho việc thay thế hay sửa đổi một hệ thống. Tuy nhiên, về đại thể, trí tuệ cơ bản của thế giới có hai cách xử lý những vấn đề của hệ thống: (1)cách mạng, (2)cải cách.

Đối với sự nghiệp phát triển một đất nước, một nền kinh tế.., cách mạng thường là phá thì dễ và xây thì khó. Trên thế giới, theo hiểu biết của tôi, chí ít từ Cách mạng Pháp năm 1789 cho đến nay là như vậy.

Kết cục Cách Mạng Pháp 1789 như thế nào, các bạn đã biết: Nó không dựng lên được tòa nhà nó mong muốn và đã thiết kế, nhưng nó góp phần quan trọng mở ra một quá trình phát triển mới. Cách mạng Tháng Mười Nga sau 70 năm xây dựng thành công chính quyền xô-viết, cuối cùng vẫn phải đi tới cải cách, và đau đớn thay là Liên Xô đã đổ vỡ trong cải cách. Đã 15 năm hay gần 20 năm cải cách rồi, mà nước Nga ngày nay vẫn còn khắc phục chưa xong những đổ vỡ đầy ác mộng, vẫn chưa lấy lại được vị thế siêu cường đã từng có.

Tuy nhiên, bình tĩnh ngẫm nghĩ lại thì cơn đại hồng thủy này là có thể hiểu được: Cuộc sống vô cùng phong phú và vận động không ngừng, tư duy của con người thường không đuổi bắt kịp, sự hụt hẫng nào cũng phải trả giá…

Trong khi đó Trung Quốc (đi trước ta 10 năm) và Việt Nam cũng phải cải cách, và cho đến nay hai nước này đã đạt được những thành công đầu tiên để tìm đường đi tiếp.

Như thế lại thêm chuyện mới: Cải cách cũng có nhiều đường, với những hệ quả hay kết quả khác nhau. Song dù thế nào cũng đã ló ra một điều: Cải cách đúng là quy luật của phát triển.

Thành công 20 năm đổi mới là đổi mới hệ thống

Có phải như vậy không?

Tôi thì tin như vậy, và cũng xin thưa ngay: Cải cách đòi hỏi phải có những quyết định quyết liệt, nhưng giải pháp và thực hiện thì phải kiên định và kiên trì, cải cách có nhiều điều không có tiền lệ nên phải rất độc lập tự chủ và sáng tạo, bất kỳ giải pháp và phong cách “mỳ ăn liền nào” cũng sẽ lĩnh đủ như các nước Liên Xô Đông Âu đã từng lĩnh đủ.

Xin nói vào chuyện của nước ta:

Sau 20 năm đổi mới với những thành công bước đầu rất quan trọng, những thành công thay da đổi thịt và nâng cao vị thế của đất nước, chúng ta lựa chọn giải pháp nào cho tiếp tục khắc phục những tha hóa và yếu kém đang tồn tại của hệ thống? Xóa tất cả đi để làm lại từ đầu, hay là tiếp tục cải cách?

Tôi xin để ngỏ câu hỏi này cho suy nghĩ tự do của mỗi người - nghĩa là không áp đặt câu trả lời (mà tôi có muốn áp đặt cũng không được). Tôi chỉ muốn trình bày những suy nghĩ riêng của mình bằng cách tiếp cận những việc 20 năm đổi mới đã làm.

Nhận xét chung nhất của tôi là: 20 năm đổi mới, chúng ta đã và đang bắt tay vào cải cách hệ thống. Những gì 20 năm đổi mới đã làm nên, có căn nguyên cơ bản nằm trong những thay đổi, đổi mới và sự phát triển mới của hệ thống. Xin dừng quên điều này.

Tuy nhiên trong quá trình này còn nhiều mặt chưa với đúng tầm, cả về nhận thức cũng như về hành động, còn nhiều mặt chưa tự giác - nghĩa là còn nhiều việc do tình thế thúc ép - và như đã nói: có không ít việc làm sai.

Từ nền kinh tế khép kín và bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường với tất cả các thành phần kinh tế và hội nhập vào kinh tế thế giới - dứt khoát đó là cải cách hệ thống! Từ quản lý nhà nước của nền kinh tế chỉ huy, sang quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo quy luật của thị trường - dứt khoát đó là cải cách hệ thống!..

Suy nghĩ theo hướng này, sẽ tìm thấy Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cải cách khác thuộc về hệ thống! Bây giờ, với việc phấn đấu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta đang phải chủ động dấn thêm một bước quan trọng nữa trong cải cách toàn bộ hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý và hệ thống chính sách của đất nước - đấy là những bước cải cách hệ thống rất quan trọng!

Đẩy mạnh đổi mới để khắc phục yếu kém của hệ thống

Đó là những bước tiến rất quan trọng trên con đường cải cách hệ thống. Xin mời suy nghĩ tiếp theo hướng này…

Song đúng là còn nhiều chuyện nhận thức chưa tới tầm, còn nhiều việc “dùng dằng nửa ở nửa về”, còn nhiều chuyện mỗi người không làm đúng việc của mình, còn nhiều vùng chồng lấn hoặc nhiều hiện tượng dẫm đạp lên nhau trong phân công công việc và trong làm việc của hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước, còn nhiều việc làm sai…

Trong toàn Đảng và toàn dân còn nhiều hiện tượng kỷ cương phép nước chưa giữ được như Hiến pháp và luật pháp hiện hành quy định. Trong Đảng còn nhiều việc chưa làm được như Điều lệ của Đảng đòi hỏi đối với toàn Đảng nói chung cũng như đối với từng đảng viên nói riêng…

Tất cả những chuyện này đều có nguyên do từ hệ thống, có những phương diện tệ hại đến mức đang hình thành hay xuất hiện những “văn hóa” bệnh hoạn (“văn hóa phong bì”, “văn hóa quan hệ”, “văn hóa bằng thật học giả” “văn hóa nói dối”…)!

Theo tôi, kết luận cần rút ra là: Cái gì sai, cái gì còn tồn tại thì sửa tiếp, cái gì đã sửa mà chưa đến nơi đến chốn thì quyết làm cho dứt điểm, cái gì phải hướng tới thì cố vươn lên đạt lấy.

Tóm lại, con đường tiếp tục khắc phục những yếu kém thuộc về hệ thống là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới!

Tôi nghĩ rằng: Đã đặt chân lên con đường đổi mới rồi, đã định ra được hướng đi, và đã bước được những bước đầu tiên rồi, phải nhìn xa trông rộng, nhìn trong nhìn ngoài để đi tiếp. Cái gì phải làm và chưa làm được thì cần cố làm bằng được, nhưng dứt khoát đừng dại dột gì xóa đi làm lại từ đầu! Còn dừng lại để cố thủ hay rẽ ngang thì chẳng còn chuyện gì để bàn.

Nhân dân ta - đã không từ một hy sinh nào trải qua 30 năm chiến tranh để giành lại đất nước, đã đổ mồ hôi sôi nước mắt trong 30 năm độc lập thống nhất đầu tiên để tìm đường đi lên, nhân dân ta sẽ không thể chuốc thêm những đổ vỡ mới, sẽ không cam chịu số phận làm vật thí nghiệm cho ”những cuộc cách mạng da cam da quýt” nào đó. Nhân dân ta có đủ bản lĩnh tự bảo vệ mình trước mọi ý đồ như vậy. Tôi đứng về phía suy nghĩ này. Là đảng viên, tôi hiểu đấy cũng là lập trường dứt khoát của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tuy nhiên, câu hỏi nghiêm khắc đặt ra là: Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể đi tiếp trên con đường đổi mới hay không?Nghĩa là có tiếp tục khắc phục được những yếu kém thuộc hệ thống không?

5 vấn đề cần cải cách

Trước khi nêu lên suy của riêng mình để tìm câu trả lời, tôi thừa nhận câu hỏi vừa nêu trên là câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?!”.

Tôi thừa nhận cải cách để khắc phục những vấn đề thuộc về hệ thống là cực kỳ khó, càng những bước về sau càng khó, khó nhất là làm sao cho cải cách của hệ thống chính trị và quản lý nhà nước tiến kịp với cải cách và phát triển của kinh tế.
 
Có thể kể ra nhiều lắm, song những vấn đề lớn nhất (theo sự hiểu biết của tôi) có lẽ tựu trung lại là:

(1) Hiện nay hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước còn thấp - nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước, còn rất nhiều điều không hợp lý đang tồn tại trong nó.

(2) Mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của nhà nước pháp quyền thế nào là tối ưu nhất cho sự phát triển đất nước? Hiện nay vừa chưa có câu trả lời thỏa đáng, vừa chưa đưa ra được một mô hình ưu việt nào khả thi - nhất là trong thế chế chính trị một đảng – đây thực sự là một vấn đề khó đối với một nước kém phát triển, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nữa...

(3) Chống tham nhũng không đạt được kết quả mong muốn, nguyên nhân chính là mầm mống của tham nhũng nằm trong hệ thống –những việc đã làm được trong chống tham nhũng phần lớn mới chỉ thuộc phạm vi xử lý “phần ngọn”.

(4) Sự xuống cấp trên những phương diện nhất định về văn hóa – xã hội có nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong hệ thống, không thể đơn giản trút mọi tội lỗi lên cơ chế thị trường.

(5) Vấn đề tồn tại lớn nhất mang tính hệ thống nằm ngay trong những vấn đề thuộc nhiệm vụ xây dựng Đảng. Những vấn đề tồn tại lớn nhất này ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước…

Xin để ngỏ những vấn đề này cho sự thảo luận rộng rãi đãi cát tìm vàng, hoặc dành cho những bài viết, những cuốn sách mới cần viết ra...

... và hai ví dụ lớn

Trong phạm vi bài trả lời bạn đọc, tôi chỉ xin đụng chạm vào một hai vấn đề làm ví dụ, với hàm ý nói lên rằng nếu có tâm và có trí tuệ, có ý chí thì vấn đề nào Đảng ta cũng có thể có được giải pháp tốt đáng mong muốn. Không vấn đề nào là không có giải pháp.

Ví dụ 1: bàn về xí nghiệp quốc doanh: Hiện nay trong đổi mới đang nổi lên vấn đề thành lập các tập đoàn kinh tế, với lập luận cần những “quả đấm thép” để cạnh tranh có hiệu quả trên thương trường – dù ở trong nước hay trên thế giới.

Ai không mong cho nước Việt mình có những công ty xuyên quốc gia (TNCs) có thể cạnh tranh ngang ngửa với cả thế giới? Petro Vietnam Nam và Petronas (của Malaysia) ra đời cùng khoảng thời gian 1974- 1975, xin các bạn hãy so sánh hai tập đoàn này với nhau, và sẽ thấy câu chuyện thật đáng buồn cho đất nước ta như thế nào. Hiện nay Petronas kinh doanh và khai thác dầu khí với 31 quốc gia, có nhiều công trình thăm dò và khai thác ở nước ngoài, còn Petro Vietnam?

Bây giờ thành lập tập đoàn kinh tế đang trở thành đề tài nóng hổi ở nước ta. Tôi chỉ xin lưu ý: Trước khi đi tới một quyết định kinh tế nào đó, xin cân nhắc kỹ với cái tâm - ở đây là trách nhiệm đối với đất nước, và với trí tuệ được huy động ở mức cao nhất.

Tôi lấy ví dụ việc thành lập tập đoàn than (hình như còn bao gồm cả nhiều khoáng sản khác nữa). Có nhiều câu hỏi phải đặt ra: Hiện nay năng lượng là vấn đề chiến lược đau đầu đối với cả thế giới, than đối với chiến lược năng lượng của nước ta là gì? Chẳng lẽ là cứ phá môi trường thật nhiều để xuất khẩu than và nhập điện về dùng? Các quốc gia khác họ làm thế nào? Mỗi năm khai thác khoảng 30 chục triệu tấn than, có nghĩa là phải bóc rỡ khoảng hai trăm triệu tấn đất đá, xin hỏi đổ đi đâu? Phải hoàn trả lại môi trường như trước khi khai thác - đòi hỏi này đã được ghi vào luật - thì ngành than hiện nay sự thực sẽ là lỗ hay lãi? Mỗi năm hàng triệu tấn than xuất lậu - thành lập tập đoàn than sẽ giảm bớt được hay làm trầm trọng thêm tình trạng này? Nên duy trì và phát triển Quảng Ninh xanh hay đẩy mạnh khai thác than để tạo ra một Quảng Ninh đen? Khai thác và xuất khẩu nhiều than hơn nữa thì đất nước giầu lên hay nghèo đi?.. Sẽ đi lên kinh tế tri thức với tập đoàn than?

Tôi không rõ những câu hỏi như thế có được đặt ra không và được trả lời như thế nào trước khi đi tới quyết định thành lập tập đoàn than. Đây cũng là một dẫn chứng về những yếu kém của vấn đề thông tin cho dân và vấn đề thực hiện công khai minh bạch trong kinh tế, vấn đề thực hiện dân chủ trong ban hành những quyết định kinh tế lớn mang tầm quốc sách...

Trên tivi tôi chỉ được nghe giải thích: thành lập tập đoàn để có quả đấm thép, tập đoàn không phải là đối tượng quản lý của luật pháp.., thông tin như vậy người dân làm sao biết được mọi ngóc ngách của việc thành lập tập đoàn than? Hay là tôi đã nghỉ hưu nên không đủ thông tin?

Xin nhắc lại chuyện cũ: Khi thành lập các tổng công ty 90 và các tổng công ty 91, lúc ấy cũng được lập luận là để tạo ra những “quả đấm thép”. Xin hỏi: Hiện nay có bao nhiêu tổng công ty 90 và tổng công ty 91 đã thực sự trở thành “quả đấm thép”? Có bao nhiêu trong số những tổng công ty này trong sạch, có hiệu quả, miễn dịch được đối với những tham nhũng và bê bối lớn? Có bao nhiêu trong số những tổng công ty này bị những “quả đấm thép” của tệ nạn tham nhũng và những yếu kém khác nốc-ao hay no đòn - đến mức ngân sách nhà nước đang phải mang nợ lớn? Có bao nhiêu công ty con trong các tổng công ty này là “quốc doanh vỏ”?… Xin công bố công khai để rộng đường dư luận cho những việc có liên quan.

Ngay cả vấn đề như cổ phần hóa đã thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng có không ít cái sai - việc thực hiện cổ phần hóa khách sạn Phú Gia và khách sạn Dân Chủ ở Hà Nội có lẽ là những ví dụ điển hình cần phân tích mổ xẻ kỹ để rút kinh nghiệm. Nói chung hiện nay chúng ta còn đang tránh né cụm từ “tư nhân hóa” cho việc cổ phần hóa, và hình như việc tránh né này bị lạm dụng để che chắn cho không ít chuyện đau đầu trong tiến hành cổ phần hóa… Còn nhiều xí nghiệp quốc doanh lớn đáng cổ phần hóa lắm, nhưng nhà nước vẫn “ôm”. Tình trạng “bao cấp” dưới mọi dạng trực tiếp hoặc trá hình, vô hình hoặc hữu hình chưa xóa bỏ được hết đâu…

Phải thừa nhận, không có giải pháp “mỳ ăn liền” nào cho những vấn đề khó này, có ở trong cuộc mới biết được (nếu để xảy ra những đổ vỡ trong cải cách kinh tế như ở nước Nga theo kiểu làm thất thoát nghiêm trọng tài sản, của cải và nhiều nguồn tài nguyên của quốc gia, người lao động thì bị bật ra khỏi xí nghiệp.., có lẽ nền kinh tế nước ta không chịu đựng nổi). Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận “trì trệ” và “đặc quyền đặc lợi” càng làm cho những cái khó này khó thêm – ví dụ: chỉ riêng vấn đề xóa bỏ “cơ chế chủ quản”, đã được đề ra từ cuối những năm 1980, thế mà đến nay vẫn chưa thực hiện được – mà nguyên nhân chủ yếu thường là vì người chủ quản và khá nhiều kẻ bị chủ quản đều yêu mến cơ chế chủ quản!

Trên thế giới có hàng ngàn, hàng ngàn ví dụ tốt xử lý vấn đề xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, hoàn toàn có thể nghiên cứu để vận dụng có hiệu quả vào nước ta. Cho đến nay nước ta đã cử hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn cán bộ, nhóm hay đoàn ra nước ngoài đi nghiên cứu vấn đề này rồi. Chỉ còn lại câu chuyện có quyết làm hay không thôi!

Ví dụ 2: bàn về xây dựng Đảng: Thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của nhà nước pháp quyền như thế nào có lợi nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước?

Phải nhìn nhận rằng, hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước được tổ chức và vận hành như hiện nay đang tạo ra những vùng “chồng lấn” hoặc những “khoảng trống” rất lý tưởng cho tha hóa, cho bất cập và cho mọi tệ nạn tham nhũng hoành hành… Bài báo nhỏ “Quyền gật và lắc của Quốc hội” (Tuổi trẻ ngày 05/01/2006) đủ phản ánh tình trạng này. Có không biết bao nhiêu sự việc Quốc hội được coi như một cơ quan thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong thực tế có không ít văn bản hay lời nói công khai trên báo chí: Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính tri, Quốc hội đã… Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã…

Khi báo chí chất vấn bộ trưởng Đào Đình Bình tại sao lại bổ nhiệm và sử dụng người như Bùi Tiến Dũng vào chức vụ phụ trách PMU 18, trả lời: đấy là công việc của cấp ủy Đảng hữu trách! Báo chí hỏi đảng ủy tại chỗ vì sao lại để xảy ra chuyện này, trả lời: Bùi Tiến Dũng đã được nhắc nhở, nhưng không chịu nghe lời.

Ông Đào Đình Bình không nói sai, đảng ủy tại chỗ không nói sai. Song cái nguy hiểm nằm ngay ở chỗ không nói sai này! Sự thực đúng 100% như vậy! Sự thực này nói lên những bất hợp lý nằm trong tổ chức, cơ chế và sự vận hành của hệ thống. Sự thực này cắt nghĩa vì sao trước “Bùi Tiến Dũng” hiện tại, đã có không ít “Bùi Tiến Dũng” quá khứ, ví dụ liền kề là Lương Cao Khải... Cũng có nghĩa là nếu còn giữ nguyên hệ thống như thế này, lúc nào đó lại sẽ có những “Bùi Tiến Dũng” mới - nghĩa là sẽ không có khả năng ngăn chặn từ xa những “Bùi Tiến Dũng” mới.
 
Phải nói cho đến nay bàn tay của cơ chế, của tổ chức - kể cả tổ chức cơ sở đảng - và của luật pháp, hầu như không chủ động ngăn chặn được những vụ bê bối, thường thì chỉ với tới được chúng khi chúng bị lộ.., đến nỗi trên báo chí có khi người ta đã phải dùng đến cách xưng hô “Thưa các đồng chí chưa bị lộ!..” Không hiếm chuyện đã “chạy” được chức vụ gì đó rồi thì sau khi nhậm chức phải làm mọi việc để hoàn vốn đã bỏ ra cho việc chạy ghế, rồi còn phải tính chuyện kiếm lãi nữa... Chuyện bí mật công khai này bí mật đến mức cho đến nay, hầu như chưa làm sao bắt được tận tay day tận trán lấy một trường hợp về tội chạy ghế!..

Tất cả những chuyện này giải thích vì sao Tổng bí thư hay Thủ tướng nhiều lần lên tiếng đòi chấm dứt ngay tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thế mà dưới vẫn không nghe! Cách chức một quan chức yếu kém nào đó – dù ở cấp hạng bét, là việc vô cùng khó khăn ở nước ta...

Những “vùng chồng lấn” và những “khoảng trống” nằm trong hệ thống như thế là nguyên nhân chính vì sao cứ tha hồ chống, tha hồ diệt, song những bệnh hoạn này vẫn cứ tha hồ phát triển.

Phải đối mặt với mặt trời!

Đúng đây là bài toán khó.

Nguyên nhân chính là chưa dám vượt qua cái bóng của mình.

Trong một thư phản hồi cho tôi, có lẽ là của một sinh viên, viết: Chọn hướng đi quay lưng lại với mặt trời thì làm sao vượt qua được cái bóng của mình!

Ôi, thà bạn ấy xát muối vào ruột tôi còn hơn!

Tuy nhiên, ngẫm nghĩ thêm, tôi càng tin là quay mặt về phía chân lý thì dứt khoát sẽ vượt qua được cái bóng của mình!

Quả thực trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều chuyện “dùng dằng nửa ở nửa về” - nhân danh yêu cầu “Đảng phải lãnh đạo toàn diện”, nhân danh xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nhân danh vân vân…

Những chuyện “nhân danh” như thế khiến tôi nghĩ: đang tồn tại cách hiểu rất sai lệch về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Không hiếm trường hợp cụm từ “xã hội chủ nghĩa” gán cho nhà nước pháp quyền bị lợi dụng làm bình phong hay sự biện hộ cho những việc làm chẳng dính dáng đến, thậm chí là trái với thể chế của nhà nước pháp quyền sơ đẳng nhất.

Nhân đây cũng xin nói rằng, dù là phát triển thị trường, dù là xây dựng nhà nước pháp quyền, dù là làm những việc gì khác nữa.., không thể cứ chua thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là mọi chuyện sẽ trở nên hoàn hảo! Không có chuyện này đâu.

Sự chua thêm vào như thế không làm cho chế độ ta tốt đẹp lên, cũng chẳng nâng cao được năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng. Tôi không rõ có một đề tài khoa học nào đã được sản xuất ra - kể cả ở cấp quốc gia, nghĩa là chi phí tiền tỷ - có thể đảo ngược đựơc sự thật này không? Trong khi đó, cuộc sống không có sự chân không hay tĩnh tại, cái gì mất đi thì ngay lập tức sẽ có cái khác chiếm chỗ, cái gì không tốt lên thì ngay tức khắc cái xấu sẽ lấn át. Đấy là quy luật thép trong vận động của sự vật.

Lại phải nhìn thẳng vào sự thật.

Lời giải nằm trong tầm tay của Đảng!

Kết luận cần rút ra không phải là xóa bỏ khái niệm “lãnh đạo toàn diện”. Đã là đảng lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm toàn diện, phải lãnh đạo toàn diện. Nhưng Đảng phải tạo ra cho mình phẩm chất và khả năng làm đúng, làm thật tốt chịu trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo tốt toàn diện. Tuyệt đối không được biến tướng nhiệm vụ trọng đại này sang “nắm toàn diện”, cũng như đừng biến tướng nhiệm vụ của “đảng cầm quyền”* thành nắm mọi quyền lực!

Hiến pháp hiện hành của nước ta không cho phép làm như thế. Điều lệ Đảng hiện hành cũng không cho phép làm như thế! Đây là sự nhầm lẫn chết người! Khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống phải bắt đầu từ khắc phục sự nhầm lẫn này. Nhưng xin nói ngay, chuyện này không dễ, vì nó đối kháng quyết liệt với ma lực của quyền lực và quyền lợi.

Song cũng xin thưa trên thế giới có nhiều đảng cầm quyền ở những nước khác nhau, nhất là ở các nước phát triển, đã giải quyết tốt ở mức này mức khác bài toán khó nàyª*; nguyên nhân chính có lẽ là họ làm được cái việc chuyện nào đi chuyện ấy, ai làm đúng việc nấy, đảng là đảng thực sự, nhà nước là nhà nước thực sự, không thể vừa là đảng vừa là nhà nước, càng không thể đảng trong đảng, nhà nước trong nhà nước! Tất cả bắt buộc phải làm việc trong khuôn khổ của hiến pháp!

Như thế rõ ràng là bài toán khó này có lời giải.

Chẳng có một định luật hay quy luật nào bắt Đảng không được học hỏi các đảng cầm quyền trên thế giới cách giải bài toán khó này! Câu chuyện còn lại vẫn là cái tâm và trí tuệ cần phải có để tạo ra ý chí đi tới lời giải đúng.

Đối vế chế độ chính trị có một đảng, thì còn phải xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành “người đại diện thực sự và có thẩm quyền” của các tầng lớp nhân dân khác nhau, có tiếng nói của chính mình đối với Đảng, đối với mọi công việc của đất nước, chứ không phải là biến họ thành “những cánh tay nối dài” của Đảng.

Trong một vài năm gần đây đồng chí nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều ý kiến nói khá rõ vấn đề này, rõ đến mức xin đừng coi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và gìn giữ tình làng nghĩa xóm là nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, mà phải làm cho MTTQVN trở thành một trong những cột trụ chính của hệ thống chính trị!.. Đồng chí đã phê phán thẳng thắn hiện tượng “đảng hóa” trong hệ thống chính trị và trong hệ thống quản lý nhà nước… Thiết nghĩ đấy là những ý kiến xác đáng, chứa đựng lời giải mà chúng ta đang tìm kiếm.

Lời giải thực ra đã phần lớn đã nằm trong tầm tay của Đảng: Hiến pháp, Điều lệ Đảng và nhiều bộ Luật hiện hành khác của Nhà nước! Phải học tập lại, làm lại cho đúng và tiếp thục hoàn thiện toàn bộ thể chế hiện có của đất nước. Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta chưa thể nói là hoàn chỉnh, nhưng khá đầy đủ, cái khó nằm ở chỗ việc thực thi pháp luật nhiều khi bóp méo hoặc vô hiệu hóa pháp luật hoặc các thể chế tốt.

Bàn về sự thay đổi hay chuyển hóa của hệ thống, không thể bỏ qua vấn đề vai trò cá nhân của con người trong hệ thống - ở mọi cấp, mọi thang bậc trong hệ thống. Bên trên tôi đã nói đôi lời về sự bạc nhược của mỗi cá nhân. Tới đây xin nhấn mạnh từng cá nhân trong hệ thống quyết tâm đổi mới, không có lý do gì không thực hiện được đổi mới. Người đảng viên lại càng phải như vậy.

Vai trò cá nhân của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đối với Đại hội VI là một tấm gương sáng cho toàn Đảng noi theo. Nếu từng cá nhân trong hệ thống không có cái tâm và trí tuệ tạo ra ý chí đổi mới, thì đành phải để cho cuộc sống dạy dỗ, chăm sóc thôi - với sự trả giá của tất cả, trước hết là dân!

Chỗ đang đứng ở thời điểm hiện nay của cải cách hệ thống không phải là vạch xuất phát của con số “không”. Sự thật là đất nước ta đã đi được một đoạn đường có ý nghĩa quyết định trong cải cách hệ thống. Đòi hỏi quan trọng hơn nhiều là phải ý thức đúng các mặt tốt hoặc xấu trong những việc đã làm, và xin đừng lúc nào quên càng những bước về sau càng khó, càng đòi hỏi nhiều phẩm chất và trí tuệ – nhưng phải đi tiếp, chứ không thể quay ngang hoặc quay lùi!

Đảng nhất thiết phải đi đầu trong việc Sống và làm việc theo pháp luật!

Vậy là bài toán khó nhất này là về Đảng hiển nhiên có lời giải. Ắt những vấn đề khó khác cũng phải có lời giải.

Nguyễn Trung


--------------------------------------------------------------------------------

* Tôi e rằng đang có sự hiểu lầm khái niệm đảng cầm quyền. Khi Bác Hồ trong một dịp nào đó nhắc nhở Đảng ta là đảng cầm quyền, tôi hiểu đấy là Bác nhắc nhở đến trách nhiệm nặng nề của Đảng, khái niệm “đảng cầm quyền” ở đây có lẽ nằm trong bối cảnh tư duy của Bác nhìn nhận về hệ thống chính trị tại các nước phương Tây mà bác đã từng sống.

ª* Lịch sử nhân loại đến nay chưa có nhà nước nào trong sạch đến chân không đâu!
 

kiwi_vn

Active Member
Vấn đề chính trị rất nhạy cảm . Nhưng dù sao bài này cũng đã được đăng trên Vietnamnet . Đây là 1 nhân vật chính trị , nhưng chỉ nói được những vấn đề cơ bản của xã hội , vấn đề này xin nói thẳng là nhà nước ta đã nhận ra từ lâu rồi . Các vị hỏi tại sao biết mà không thay đổi luôn đi ? Dưới góc độ dân chúng các vị cứ đòi hỏi nhiều mà khong hiểu nguyên nhân sâu xe .
Các nhà lãnh đạo có góc nhìn giống như các nhà nghiên cứu chiến lược , trước thực trạng quá rộng lớn mà xin nói thẳng , nếu làm triệt để thì đất nước này không thể còn bộ máy , vì vậy phải tiến hành 1 cách từ từ & hợp lý để không làm xáo trộn lớn trong xã hội .
 
Bài 3: Người tài bị đố kỵ và không được trọng dụng
16:33' 09/02/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Người tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí suy thường báo hiệu thời mạt vận sắp đến. Sự "cố thủ" của một số người sẽ triệt tiêu cơ hội cho những người tài - với nghĩa là cả đức và tài - được thể hiện mình trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.

"Đổ tội cho hệ thống, hay trước hết hãy quy lỗi cho chính mình? Suy nghĩ của tôi là đi tìm căn nguyên ở cả hệ thống và con người". Tác giả Nguyễn Trung, với những tâm huyết đáng trân trọng của mình tiếp tục đưa ra những ý kiến đóng góp cho Đại hội Đảng X.

Lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm tàu lớn

Tác giả viết: Để có đầu có đuôi, tôi xin kể lại một chuyện cũ. Cách đây nhiều năm, khi Thủ tướng Nhật lần đầu tiên đi thăm chính thức nước ta, trong diễn văn đáp từ tại tiệc chiêu đãi, ông ta nói đại ý: Trong Quốc tử giám có bia ghi rằng người tài là nguyên khí của quốc gia, xin chúc Việt Nam giữ được nguyên khí ấy!

Lúc ấy tôi thực sự rùng mình, hỏi đồng nghiệp, hỏi cấp trên: Thủ tướng Nhật khen chúng ta, hay Thủ tướng Nhật nhắc nhở chúng ta? Tôi liên tưởng đến nhiều điều khoản trong Bộ Luật Hồng Đức quy định trừng phạt nghiêm khắc những tội như cờ bạc, đánh cờ tướng ăn tiền, làm văn bằng giả.., địa phương nào có người tài mà giấu vua thì quan phụ trách sẽ bị trị tội…

Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng lời ông Thủ tướng Nhật vẫn canh cánh trong lòng tôi: Nếu đấy là lời nhắc nhở thì trời đất ơi, nguy hiểm quá! Lịch sử nước ta cuối thời các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã từng dạy: nguyên khí suy thường báo hiêụ thời mạt vận sắp đến… Và một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tầu đấy!

Nhiều lúc, tôi có cảm nghĩ chúng ta, những người đảng viên, nói rộng ra nữa là Đảng ta, hình như rất quan tâm đến nắm chắc lấy con tầu, làm mọi việc để giữ lấy con tầu, nhưng lại chưa làm được như thế trong việc giữ gìn hướng đi của con tầu, lại càng chưa làm được như thế trong việc chăm lo xử lý những lỗ hà lỗ hổng bám vào con tầu!

Về hướng đi của con tầu Đảng ta bây giờ có thêm được cái la bàn của công cuộc đổi mới. Câu chuyện bây giờ tùy thuộc vào bản lĩnh thao lược sử dụng la bàn – lại trước hết là vấn đề người tài với ý nghĩa là nguyên khí của quốc gia – người tài hay những người tài ở đây với nghĩa là cả đức và tài trên cương vị chèo lái con thuyền quốc gia.

Sự "cố thủ" và những căn bệnh độc hại

Còn về con tầu?

Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tầu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tầu. Nhưng sự "cố thủ" đó vẫn là chưa đủ - vì như đã nói ở trên: quan trọng không kém là còn phải giữ cho con tầu đi đúng hướng, giữ cho con tầu sạch mọi vết bám của các con hà con hổng! Quan trọng hơn nữa là còn phải giữ cho con tầu chiến thắng mọi phong ba bão táp trên đại dương!..

Sự "cố thủ" rõ nhất nằm trong cố thủ về ý thức hệ và trong tha hóa, nói cho đến cùng và thực chất thì vẫn chỉ là nằm trong tha hóa mà thôi! Rõ ràng đây vừa là chuyện của hệ thống, vừa là chuyện của từng con người.

Xin bàn thêm sự cố thủ này trong vấn đề sử dụng người tài.

Nếu phải nói vấn đề này trong một câu, thì đó là: Sự cố thủ trong quyền lực vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự cố thủ trong vấn đề phát triển và trọng dụng nhân tài, căn bệnh điển hình là bệnh cơ cấu, bệnh đảng hóa…

Bệnh cơ cấu, bệnh đảng hóa đang là những nguyên nhân chính làm nảy sinh những “văn hóa” độc hại đối với chuẩn mực và các thang giá trị trong xã hội. Bệnh bằng thật học giả, bệnh chạy ghế, bệnh quan hệ, bệnh chạy tội, bệnh phô trương hình thức, bệnh nói dối … có nguyên nhân sâu xa từ bệnh cơ cấu và bệnh đảng hóa.

Trong cơ chế thị trường, lại sinh trưởng trong các vùng chống lấn, trong các khoảng trống của hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước, virus của những bệnh hoạn này đang làm cho xã hội xuống cấp nguy hiểm trên những phương diện nhất định.

Chung cuộc, các loại bệnh này đang có nguy cơ sản sinh ra một thứ văn hóa đi ngược với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đang có nguy cơ lấn át những nỗ lực của Đảng ta trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc - điều này cũng có nghĩa là hủy hoại môi trường phát huy người tài, bởi lẽ cái nhược điểm cơ bản của người tài là không tồn tại và không phát huy được trong môi trường thiếu văn hóa.

Xin nói thêm một câu nữa: Nếu để cho những kẻ làm giầu bất chính câu kết với sự tha hóa trong hệ thống quyền lực tiếp tục lũng đoạn xã hội theo “văn hóa” riêng của họ, thì mọi người tài đức chân chính và mọi thang giá trị xã hội đều có nguy cơ bị lộn ngược.
 
Kẻ thù núp ngay sau bóng của chúng ta!

Tôi muốn nói thẳng thắn thế này: Chế độ chính trị nước ta không đố kỵ với người tài, hoàn toàn có thể là đất dụng võ của người tài, nhân dân ta luôn có truyền thống tôn vinh người tài. Chỉ xin nhớ lại thời Cách Mạng Tháng Tám, bao nhiêu người tài đã theo tiếng gọi của Bác Hồ, của đất nước đứng ra giúp nước, rồi đến vai trò của những người tài trong hai cuộc kháng chiến, những người tài trong 20 năm đổi mới vừa qua!..

Nhân đây cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chỉ có 50/50 cái hay, và có cả 50/50 cái dở. Cái dở lớn nhất là tập thể có quyền quyết nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cái dở lớn không kém là đôi khi chỉ có một ý kiến đơn lẻ trong tập thể bàn ngang, thế là ý kiến sáng suốt của đa số đành gác lại, chờ đợi hay bỏ xó - việc gia nhập ASEAN chậm, việc ký kết FTA Việt - Mỹ chậm, việc vào WTO chậm được báo chí nêu lên có những nguyên nhân như vậy!..

Một ví dụ, trong nghiên cứu, có những ý kiến bàn bạc rất xác đáng về sự cần thiết phải xây dựng nhà nước pháp quyền đích thực, phải phát triển xã hội dân sự để làm nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế… Nhưng có một ý kiến bàn ngang, thế là các ý kiến đúng tạm thời bị ngáng lại. Nếu các ý kiến đúng này sẽ bị xếp xó thì sao?..

Đây là những câu chuyện khó, liên quan mật thiết đến vấn đề nhân tài, đến vấn đề thông tin, đến vấn đề công khai minh bạch trong toàn xã hội, đến thể chế hóa bằng Hiến pháp và luật pháp vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân cũng như của từng cơ quan trong bộ máy của hệ thống…

Trong một hội thảo khoa học, một cán bộ cao cấp trình bày: Đưa vấn đề đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân vào Báo cáo chính trị của Đại hội X còn nhiều khó khăn lắm, một số cụ đảng viên lão thành đã viết thư lên Bộ Chính trị không đồng tình với chính sách mới này. Cuộc sống có những cụ lão thành cách mạng chân thành nghĩ như vậy – đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được, phải kiên trì lý giải… Nhưng đồng thời cũng phải nhận rằng lâu nay cứ thông tin tuyên truyền một chiều mãi thì việc phải trả giá cho những chuyện như thế này là không tránh khỏi – một thể loại của câu chuyện “gạy ông đập lưng ông!” hoặc “gieo gì gặt nấy!”

Sâu chuỗi trong một mối liên quan hữu cơ kinh tế – văn hóa – chính trị - xã hội, sẽ thấy mọi điều cần phải thấy, sẽ phải tự rút ra những kết luận cần rút ra. Sâu chuỗi lại như thế, có lẽ sẽ thấy “hiểm họa đen” có khả năng như thế nào trong lũng đoạn cuộc sống đất nước trên mọi phương diện. Ai có thể vô cảm, ai có thể không đau lòng? Sâu chuỗi lại như thế, tôi chắc sẽ thấy rõ kẻ thù chủ yếu của Đảng ta, của dân tộc ta ở đâu.

Nói thêm về hệ thống giáo dục, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội: Cho đến nay chúng ta mới dành mọi quan tâm lo lắng cho cải cách hệ thống giáo dục các cấp, các loại hình. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên dành sự quan tâm như thế hoặc hơn thế cho hệ thống giáo dục, đào tạo của các trường Đảng, bởi lẽ ai cũng biết vai trò hệ thống các trường Đảng quan trọng như thế nào trong hệ thống chính trị của nước ta.

Tôi không phải là người nghiên cứu các vấn đề lý luận, song những gì lúc này lúc khác tôi lỗ mỗ đọc được trên sách báo nước ngoài, tôi nảy ra kiến nghị: Xin hãy đem giáo trình giảng dạy ở các cấp trong hệ thống các trường Đảng đối chiếu với cuộc sống, so sánh với những đòi hỏi, những vấn đề, những thách thức cuộc sống và sự nghiệp phát triển của đất nước đang đặt ra!

Để dẫn chứng, tôi đã nêu suy nghĩ của tôi về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, với nhận xét: học tập như thế là học không đúng hoặc hoặc học sai, hiểu sai, làm sai tư tưởng Hồ Chí Minh! Còn nói về học tập học thuyết Marx (nói theo ngôn ngữ chính thống của trường Đảng thì phải nói là học tập chủ nghĩa Marx – Lénine) thì xin Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hãy so sánh các sách, các giáo trình của Học viện viết ra với những công trình nghiên cứu trên thế giới từ hơn một nửa thế kỷ nay, để biết học thuyết Marx được khai thác, được phát triển thêm như thế nào – tôi xin miễn bàn đến những công trình nghiên cứu chỉ nhằm chằm chằm vào mục đích duy nhất là phản bác và chống lại học thuyết Marx.

Hầu như không có học thuyết nào trên thế giới đứng im một chỗ cả. Tất cả đều ở trong trạng thái: có cái phát triển lên, có cái phải thay đổi, có cái bị tiêu vong… Ví dụ như trong thế giới macro của không gian vũ trụ thì những quan điểm của Einstein đã vượt qua Newton, mặc dù các định luật Newton vẫn đúng ở phạm vi thế giới thông thường. Trong sự phát triển ngày nay của kinh tế tri thức, trong thế giới của công nghệ thông tin, trong thế giới của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, thế giới thuộc mọi chiều cạnh khác nhau đang tương tác vô cùng phức tạp với nhau, đang đặt ra cho nhận thức và tư duy của con người nhiều vấn đề trước đây chúng ta chưa biết đến. Học thuyết Neo-Darwin đã vượt qua học thuyết Darwin ở chỗ khám phá ra những khả năng mới của thích nghi (adaptation), đào thải và phát triển thông qua sự vận động muôn hình muôn dạng của khả năng thích nghi, khả năng hợp trội…

Có hiểu những phê phán của Trần Đức Thảo về hiện tượng thông tục hóa học thuyết Marx (nghĩa là hiểu học thuyết Marx một cách thô thiển và phiến diện), có hiểu những quan điểm khác với Marx hay chống Marx của Jean-Paul Sartre thì mới hiểu rõ thêm học thuyết Marx…

Tư duy triết học trên thế giới - dù là đang rất lạc hậu so với cuộc sống đang diễn ra, nhưng hình như cũng đã tiến rất xa so với những gì chúng ta đã viết lên được trong các giáo trình và sách giáo khoa ở các trường Đảng. Trong kinh tế, hiển nhiên kinh tế tri thức - dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu như hiện nay - đã đảo lộn không ít quan niệm kinh điển, quy luật kinh điển, ví dụ như quy luật tỷ lệ lãi cận biên giảm dần đang bị thay thế bới quy luật tỷ lệ lãi cận biên tăng lên, tri thức là nguồn tài nguyên càng sử dụng càng không bị mất đi mà lại được gia tăng thêm, bên cạnh trò chơi “zero sum game” còn xuất hiện “win – win game”…

Quản lý kinh tế, quản lý xã hội thời kinh tế tri thức và thời hội nhập toàn cầu hoàn toàn khác so với các thời trước… Có rất nhiều ví dụ như thế.

Làm thế nào khắc phục bệnh “đảng hóa” để nâng cao khả lãnh đạo của Đảng với tư cách là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, để cải cách và hoàn thiện hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước cho mục đích xây dựng và bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế thắng lợi? Làm thế nào cung cấp cho hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước những cán bộ đảng viên ưu tú có phẩm chất và năng lực xứng đáng với những đòi hỏi của nhiệm vụ mới, làm thế nào để nâng cao hơn nữa chủ nghĩa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc để nắm bắt lấy thời cơ ngàn năm có một đang đến với đất nước…

Tất cả những nhiệm vụ nặng nề này đặt lên vai hệ thống trường Đảng, trước hết là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Vì những lẽ như vậy, hệ thống trường Đảng đang đứng trước trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, nhất thiết phải đổi mới. Kết thúc điểm này tôi chỉ xin nói một câu: Tự do của mỗi người là điều kiện tự do của mọi người! Xin mỗi người cộng sản hãy khai thác những thành quả mới của văn minh nhân loại, để trung thành tuyệt đối, để xả thân hết mình, làm cho lý tưởng này của Marx dẫn dắt cuộc sống của chúng ta.

Kết thúc phần trình bày suy nghĩ của mình, tôi xin thưa: Vì muốn Đảng và dân tộc ta nắm bắt lấy thời cơ vàng, tôi đã cố gắng vượt qua cái bóng của chính mình, mạnh dạn nói lên những yếu kém của Đảng, của đất nước liên quan đến vấn đề người tài ở mọi chiều cạnh, để tất cả cùng nhau làm mọi việc quyết không cho vuột mất thời cơ vàng!

Nguyễn Trung

Để hiểu kỹ hơn nữa thế nào là dân chủ, phải quay lại học người thầy vĩ đại của chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. TrongTuyên Ngôn Độc Lập, trong Hiến pháp 1946, trong Di chúc, trong nhiều trước tác khác của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một câu nói vô cùng đơn giản: “Dân chủ có nghĩa là để cho người dân được mở mồm ra nói!”.
 
Bài 4: "Làm gì để nâng năng lực lãnh đạo của Đảng?"
09:29' 11/02/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Dù là hệ thống chính trị chỉ có một đảng, yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó.

Một trong những thành quả quan trọng của 20 năm đổi mới là đã đạt được một bước tiến lớn trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống của đất nước - nguyên nhân hàng đầu của mọi thành tựu đã dành được. Tự do dân chủ hiển nhiên là động lực, là mục đích của phát triển, là khát vọng của từng con người muốn và biết làm người. Thiết nghĩ trình bày như thế những suy nghĩ của tôi về tự do dân chủ như vậy là tạm đủ trong khuôn khổ bài viết này.


Tôi xin đi thẳng vào một số ý kiến phản hồi cho rằng Chế độ chính trị một đảng đối lập với dân chủ, muốn thực hiện dân chủ nhất thiết phải chấp nhận đa nguyên.

Tôi nghĩ rằng đa nguyên với nghĩa đúng đắn của nó là một điều kiện không thể thiếu được của thực hiện và phát huy dân chủ. Tôi cũng thừa nhận nếu không có hệ thống đa nguyên, việc chống tha hóa trong hệ thống chính trị và trong toàn bộ đời sống của đất nước có những khó khăn hoàn toàn khác và không thuận lợi như ở các nước có chế độ chính trị đa nguyên.

Đồng chí đảng viên Trần Xuân Bách vừa mới mất, lúc sinh thời còn đặt dân chủ ở tầm cao hơn nhiều: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát - do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại…”.

Còn để hiểu kỹ hơn nữa thế nào là dân chủ, phải quay lại học người thầy vĩ đại của chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Tuyên Ngôn Độc Lập, trong Hiến pháp 1946, trong Di chúc, trong nhiều trước tác khác của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một câu nói vô cùng đơn giản: “Dân chủ có nghĩa là để cho người dân được mở mồm ra nói!”.

Bây giờ tôi xin hỏi thẳng những bạn muốn áp dụng chế độ đa nguyên vào nước ta: Bằng cách nào?

Tôn trọng tự do ý kiến của mọi người, tôi đề nghị mọi người cứ suy nghĩ, nhất là suy nghĩ về khả năng thực thi tối ưu, với mục đích đạt kết quả tối ưu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suy nghĩ và kiến nghị thẳng thắn với Quốc hội hay với Đảng - tùy sự lựa chọn của các bạn.

Tôi đã nói và xin nhắc lại rõ ràng: đa nguyên đa đảng để dẫn tới “da cam da quýt” với biết bao nhiêu hỗn loạn, làm đổ vỡ nền kinh tế, đẩy đất nước vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, thì công dân đảng viên Nguyễn Trung dứt khoát chống lại!

Tôi xin hỏi thêm: Trong hiện trạng và trình độ phát triển mọi mặt của nước ta ở nấc thang hiện nay, có gì bảo đảm chắc chắn thực hiện ngay đa nguyên sẽ không dẫn tới kịch bản đầy mùi máu và nước mắt như vừa giả định bên trên? Không dẫn tới các mafia “năm Cam”, “sáu Cam ”… vô cùng tệ hại? Xin suy nghĩ và tìm những câu trả lời nghiêm túc.

Gần đây đồng chí Vũ Mão nêu kiến nghị lập Toàn án Hiến pháp, Quốc hội nên có một số ghế cho người Việt ở nước ngoài… Tôi trân trọng những suy nghĩ này và mong đồng chí Vũ Mão nói rõ thêm: kiến nghị này khả thi đến đâu trong chế độ như ở nước ta, trong mối quan hệ giữa Đảng và Hiến pháp, giữa Đảng và Quốc hội như hiện nay, làm thế nào để thực thi có thực chất kiến nghị này, có thực chất đúng với danh chính ngôn thuận… Làm sao thực hiện được những ý kiến tốt này nếu không bắt đầu từ thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng?

Tôi thừa nhận nhiều nước trên thế giới có những ví dụ rất tốt, rất đáng tham khảo; tôi cũng thú nhận bản thân mình đang rất lúng túng: biết được như thế mà chưa biết nên kiến nghị với Đảng lựa chọn giải pháp thực hiện nào khả thi nhất trong những điều kiện hiện nay của nước ta… Nhưng dứt khoát tôi tin có giải pháp, dù còn đang phải đi tìm, bắt đầu từ tìm cách đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Còn những ai muốn nói chuyện chính trị salon (cũng có thể tạm gọi là nói chuyện chính trị lúc trà dư tửu hậu), tôi xin lỗi thực tình là không có thời giờ tiếp chuyện họ.

Trong những ý kiến phản hồi từ phía bạn bè thân thiết của tôi, có câu hỏi: Đảng lấy dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh làm mục tiêu, điều này sớm muộn tất yếu sẽ dẫn tới đa nguyên! Không thừa nhận tất yếu này có nghĩa là “Đảng nói dzạy mà không phải dzạy!”

Tôi cho đây là suy nghĩ nghiêm túc. Xin tất cả suy nghĩ về ý kiến nghiêm túc này.
 
Tôi xin nói suy nghĩ của mình: Cuộc sống xã hội là đa nguyên, nền kinh tế đa thành phần là đa nguyên, đất nước Đảng đang lãnh đạo là đa nguyên, chỉ có hệ thống chính trị là một Đảng. Khỏi phải nói dài dòng về các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa thiết lập nên vị thế lãnh đạo một đảng của Đảng CSVN trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay.

Dù là hệ thống chính trị chỉ có một đảng, yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó. Không có phẩm chất và năng lực ngày một nâng cao này, thì dù có độc quyền tới mức chuyên quyền độc đoán như thế nào chăng nữa, số phận diệt vong của nó đã được cài đặt sẵn như một lẽ tất yếu ngay trong cái chuyên quyền độc đoán này.

Nguy cơ nằm trong sự cài đặt này, chứ không phải trong nguy cơ đa nguyên. Chăm lo bảo vệ và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng duy nhất chỉ có nghĩa là thường xuyên chăm lo nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của Đảng sao cho luôn luôn theo kịp với đòi hỏi của nhiệm vụ mà dân tộc đặt lên vai nó. Có phẩm chất tiền phong chiến đấu này nổi trội nhất trong hệ thống chính trị và trong toàn bộ hệ thống xã hội, thì tự do dân chủ có phát triển được đến đâu chăng nữa, Đảng vẫn giữ được vai trò lãnh đạo, dù sự phát triển này có dẫn tới đa nguyên chăng nữa - Đảng vẫn giữ được vai trò lãnh đạo.

Lý lẽ còn lại chỉ đơn giản là: Một đảng mà tha hóa thì cũng mất, đa đảng mà ưu việt nổi trội thì luôn giành được vị trí lãnh đạo (Cách Mạng Tháng Tám đã cho những bài học vô cùng quý báu cho vấn đề này), mà đa nguyên thì trước sau sẽ là kết quả tất yếu của dân chủ và đến một mức nào đó là đòi hỏi không thể thiếu được của phát triển.

Như vậy, sự lựa chọn tối ưu duy nhất cho Đảng ta là chăm lo nâng cao các phẩm chất ưu việt của mình, lấy dân chủ và phát triển để thường xuyên nâng cao hơn nữa phẩm chất ưu việt của mình.

Nói một cách khác, ngay từ bây giờ Đảng ta đã phải chủ động chăm lo nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của mình thuận với dân chủ và phát triển, tới một lúc nào đó khi ở đất nước ta xuất hiện một hệ thống chính trị đa nguyên như một lẽ tất yếu, thì đấy sẽ phải là đa nguyên do những thành quả của dân chủ và phát triển đem lại, chứ không phải là thứ đa nguyên ra đời tự phát và hỗn loạn theo các màu sắc “da cam, da quýt”. Ngay từ bây giờ người cộng sản Việt Nam cần nhận thức rõ sự phát triển mang tính quy luật này và trau dồi cho mình bản lĩnh ứng xử cách mạng nhất.

Lại vướng vấn đề “độc lập dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội”.

Lại vướng vấn đề: Như thế là ta bỏ con đường XHCN mà đi theo con đường xã hội dân chủ.

Vướng nhiều thứ khác lắm.

Song cái vướng lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình để trung thành với lý tưởng phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc, để lý làm cho tưởng cao cả của Marx dẫn dắt cuộc sống của đất nước, để Đảng trở thành đội tiền phong chiến đấu của dân tộc có đủ phẩm chất và khả năng thu phục lòng người cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Trách nhiệm được ghi bằng xương máu bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống đặt lên vai Đảng ta là phải tránh bằng được cho đất nước cảnh rơi vào hỗn loạn của đa nguyên tự phát các màu sắc “da cam da quýt”.

Trách nhiệm được ghi bằng xương máu bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống đặt lên vai Đảng ta là tạo ra điều kiện nhân hòa tốt nhất để đất nước ta làm nên tất cả trong thế giới ngày nay.

Trách nhiệm được ghi bằng xương máu của bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống đặt lên vai Đảng ta là phải đem lại cho đất nước một đa nguyên của dân chủ và phát triển với tính cách là thành quả của sự nghiệp xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Nếu xảy ra trường hợp vin vào 19 điều quy định của Đảng để khai trừ tôi khỏi Đảng vì đã trình bầy các ý kiến nói trên, trong tôi đã sẵn sàng câu trả lời: Tôi chấp nhận mọi hình thức kỷ luật sẽ dành cho tôi với suy nghĩ rõ ràng Đảng trong tim tôi và Đảng khai trừ tôi sẽ là hai đảng khác nhau. Điều tôi lo không phải là chuyện này. Điều tôi lo là đôi khi tôi cảm thấy mình yêu nước vẫn chưa đủ tầm… Tôi có nhiều bạn bè quốc tế yêu quý Việt Nam vô cùng, tận tụy cho Việt Nam vô cùng, có thể các bạn cũng biết đôi ba người trong số họ như Sybile Weber, Judith Ladinsky, André Saumier, Merle Ratner.., tận tụy đến mức đôi khi tôi phải tự hỏi chính mình có lẽ cũng chưa tận tụy được bằng họ cho tổ quốc của chính mình!..

Thay cho lời kết: Sự công khai minh bạch

Tôi muốn làm một vài con số thống kê các ý kiến phản hồi các loại, để xem tỷ lệ ý kiến thuận/ngược về bài viết Thời cơ vàng của Đảng ta như thế nào, nhưng thất bại, đơn giản là ngay trong các mail tán thành nhiệt liệt nhất cũng nêu đôi điều trăn trở, lo lắng. Tôi chỉ có thể đưa ra một nhận xét chung nhất: Hầu hết các ý kiến phản hồi đều nặng lòng với đất nước, kể cả những ý kiến ngược.

Nhất định sẽ có chuyện cố ý bới lông tìm vết, cố ý khoét sâu vào các yếu kém tôi đã nêu trong 4 cụm câu hỏi trên, để bôi đen bôi nhọ, chọc ngoáy, để phục vụ cho những ý đồ chọc ngoáy. Tôi nghĩ rằng mình đủ từng trải để thấy trước được điều này. Nhưng thực tình tôi không xúc động đối với những việc chọc ngoáy như vậy, vì đấy là công việc và chuyện cơm bữa của những người làm nghề chọc ngoáy.

Tôi còn nghĩ rằng truyền thống cách mạng của Đảng ta dù vinh quang đến thế nào chăng nữa, cũng không thể mài lịch sử ra mà sống. Để làm được chức năng là đội ngũ tiền phong chiến đấu của dân tộc trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, Đảng ta còn phải trang trải những gì cần trang trải trong quá khứ để giữ lấy lòng tin của tương lai. Tôi nghĩ công việc của chúng ta không phải là xúc động trước cái việc chọc ngoáy này.

Chúng ta chẳng có gì phải bận tâm đến sự chọc ngoáy này. Công việc đích thực chúng ta phải làm là chiến thắng sự ươn hèn của chính mình để làm được việc lớn: Xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh trong thế giới ngày nay.

Nguyễn Trung
 
Vấn đề trên được viết bởi tác giả Nguyễn Trung. Chùm bài viết của tác giả đã tạo nên nhiều làn sóng phản hồi khác nhau.

Chúng ta -- những thành viên của forum CVA -- chưa có ai từng trải và có nhiều kiến thức như tác giả Ng Trung; vì thế mong mọi người chỉ đọc và suy ngẫm. Đừng trả lời topic này dễ dẫn đến hiểu lầm gây hậu quả đáng tiếc.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top