Vấn đề tranh luận "Âm nhạc đương đại"

"Âm nhạc đương đại" ở Việt Nam
http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/447859/


1. Nên hiểu cụm từ "âm nhạc đương đại" như thế nào?

Thời gian gần đây, nhiều phóng viên báo chí, một số nhạc sĩ đã và đang dùng tràn lan cụm từ "âm nhạc đương đại" mà có lẽ họ chưa hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ này. Trong một vài lần trả lời phỏng vấn và bài viết của tôi, tôi đã cố gắng giải thích về cụm từ này, theo cách hiểu của giới chuyên môn âm nhạc.

Ở ta, "âm nhạc" thường được coi như đồng nghĩa với "ca nhạc". Nhưng "âm nhạc" là một khái niệm rộng hơn "ca nhạc" rất nhiều. Có nhiều loại "âm nhạc", có thể gọi tắt là "nhạc", thường được báo chí chia thành những "dòng" chính như: nhạc giao hưởng thính phòng (còn gọi là nhạc không lời), nhạc truyền thống (còn gọi là nhạc dân tộc), và nhạc trẻ (hay nhạc nhẹ).

Trong "dòng" giao hưởng thính phòng có nhiều loại: nhạc giao hưởng - được soạn cho những dàn nhạc lớn với cả trăm nhạc công vẫn thường thấy biểu diễn ở Nhà hát lớn hoặc đôi khi trên truyền hình; nhạc thính phòng - soạn cho những nhóm nhạc cỡ 10 nhạc công trở lại; và các bản độc tấu nhạc cụ như piano, violin, guitar... Trong "dòng" nhạc truyền thống có: nhạc truyền thống cải biên, là những dàn nhạc hoặc nhóm nhạc "dân tộc" thường thấy biểu diễn tại các sân khấu ngoài trời, các tiết mục dân ca có nhạc đệm trên Đài phát thanh và Đài truyền hình; và nhạc dân tộc cổ truyền như ca trù, hát chầu Văn, hát chèo, nhạc cung đình Huế... Cuối cùng là nhạc trẻ với những "chương trình trực tiếp" (live shows) như Sao Mai - Điểm hẹn, MTV - Bài hát tôi yêu, Con đường Âm nhạc... và đó chính là "ca nhạc", một phần nhỏ bé trong thế giới "âm nhạc" rộng lớn đa dạng.

Quay trở lại chuyện "âm nhạc đương đại", nhiều người nghĩ rằng "đương đại" nghĩa là những gì đương diễn ra trong thời đại hiện nay, vậy "âm nhạc đương đại" là tất cả những loại nhạc đang có và đang diễn ra hiện nay. Vì vậy, có người coi ca khúc nhạc trẻ, phần nhạc đệm (hòa âm) cho ca khúc, hòa tấu kèn saxophone, DJ, hoặc nhạc nhảy trong quán bar (dance music)... là nhạc đương đại! Thật ra thì không phải vậy.

Trong giới chuyên môn âm nhạc, cụm từ "âm nhạc đương đại" được dùng để chỉ dòng nhạc bác học được phát triển lên từ âm nhạc cổ điển, nguyên chữ tiếng Anh là classical-contemporary music (nhạc cổ điển - đương đại), sau viết tắt thành contemporary music (nhạc đương đại). Âm nhạc đương đại hiểu theo nghĩa này gồm các dòng nhạc soạn cho dàn nhạc giao hưởng, cho hòa tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng. Sự phát triển từ âm nhạc cổ điển có nguồn gốc châu Âu như sau: nhạc cổ điển thế kỷ 17-18, nhạc lãng mạn thế kỷ 19, nhạc cận đại đầu thế kỷ 20, nhạc hiện đại và hậu hiện đại từ nửa sau thế kỷ 20, và hiện nay là nhạc đương đại. Vậy cụm từ "âm nhạc đương đại" không bao gồm nhạc pop, rock, hip-hop, DJ, hòa tấu kèn saxophone, nhạc đệm (thường gọi là "hòa âm") cho ca khúc... đang phổ biến hiện nay.

"Âm nhạc đương đại" hiện nay đã được mở rộng thêm bao gồm âm nhạc ngẫu hứng (improvisation music), nhạc thể nghiệm (experimental music), nhạc điện tử - máy tính (electronic-computer music, còn gọi là digital music) và một vài biến thể khác như việc sử dụng tiếng động (sounds) và tiếng ồn ngoài đường phố (street noise) ...

Cần phải nói rõ rằng, việc sử dụng kỹ thuật và phần mềm máy tính để soạn hòa âm (làm phần đệm - music arrangement) cho ca khúc, việc ứng dụng các kỹ thuật và hiệu quả âm thanh (sound effect) trong quá trình thu âm và xử lý hậu kỳ, thường được làm trên hệ thống máy tính, cho ca khúc hoặc hòa tấu nhạc trẻ (thực chất là chuyển soạn các bài ca khúc hoặc làn điệu dân ca cho saxophone, piano, guitar... chơi trên phần đệm hòa âm đã được làm sẵn, hoặc chơi với nhóm nhạc trẻ (electric guitars, bass, bộ trống jazz..) - những việc đó không gọi là làm "âm nhạc đương đại".



2. Việt Nam có âm nhạc đương đại không?

Đầu năm 2003, một nhóm nghệ sĩ ở Hà Nội đã thành lập nhóm "Dân Ca Miền Không Biết" thể nghiệm một lối hát & đàn mới dựa trên nền truyền thống, đó là lối hát thơ và lối đàn ngẫu hứng lòng bản vốn là đặc trưng của người Việt. CD đầu tay của nhóm đã cho thấy sự kết hợp hợp lý giữa lối đàn ca truyền thống với phong cách và tinh thần mới. Không hề sử dụng một làn điệu hoặc nét dân ca có sẵn nào, mà tất cả là tạo mới, một giọng ca theo kiểu "hát thơ" (hát lên những lời thơ), một bộ gõ chèo, một đàn phím điện tử (electronic keyboard), và một guitar điện, chơi theo lối ngẫu hứng có "lòng bản" (có sơ đồ hoặc sự giao ước về cấu trúc của bài ca/đàn), tuy vậy, âm hưởng rất mới, rất mạnh, và như chính những thành viên trong nhóm đã nói về "Dân Ca Miền Không Biết", là sự tiếp nối của dân ca Việt trong cuộc sống hiện tại, vừa truyền thống, vừa đương đại.

Cuối tháng 11/2004, Nguyễn Xuân Sơn và Trần Kim Ngọc đã thực hiện đêm hòa nhạc ngẫu hứng tại Goethe Institute số 56 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, một sự kết hợp giữa bộ gõ chèo, máy tính (laptop computer) & giọng hát. Trên tinh thần trầm, chậm và chìm của phần nhạc người ta thấy nổi lên âm thanh lanh lảnh của giọng hát (hát không lời, chỉ sử dụng giọng - voice) - một đêm hòa nhạc rất khó nghe (theo nhận xét của nhiều khán giả) vì nó không có giai điệu, không có hòa âm đẹp, không tìm thấy những nét nhạc dịu dàng du dương như nhiều khán giả đã mong đợi, bởi vì những gì mà khán giả chờ đợi (theo cách nghĩ cổ điển) đã hoàn toàn bị phá bỏ, thay thế, và làm mới bằng một quan niệm khác về âm nhạc: "Tại sao âm nhạc cứ phải có giai điệu đẹp, hòa âm ngọt ngào, tiết tấu nhịp nhàng dễ nghe?" Nếu không có những điều đó, nếu quan niệm đó được thay thế, nếu đẩy "âm nhạc" đến với những khái niệm rộng hơn, đa dạng hơn, thử thách hơn.. thì sao?

Đêm 10/4/2005, tôi và một người bạn họa sĩ đã thực hiện chương trình âm thanh, sắp đặt & video mang tên Vạc & Xổm, tại Hội đồng Anh số 40 Cát Linh, Hà Nội. Chương trình dài 90 phút trong đó phần âm nhạc/âm thanh hết 40 phút và phần Hỏi/Đáp (Q&A) 30 phút dành cho khán giả và báo chí. Tôi đã sử dụng máy tính xách tay và những phần mềm làm nhạc chuyên dụng kết hợp hệ thống tăng âm và loa, tạo ra không gian âm nhạc/âm thanh rộng và mạnh. Cuối chương trình, trong phần Q&A, một số khán giả đã chất vấn tôi: "Anh đã làm cái mà theo chúng tôi vừa được nghe, thì đó không phải là âm nhạc, mà là âm thanh, tiếng động, và âm thanh điện tử trộn lẫn vào nhau. Vậy theo anh, nên gọi phần trình diễn của anh là gì?". Tôi đã trả lời rằng có thể gọi phần trình diễn của tôi là âm nhạc, cũng có thể gọi là âm thanh, hoặc gắn cả hai vào thành âm nhạc/âm thanh cũng được.
 
Tiếp tục

Quả thật, trong phần trình diễn, tôi đã sử dụng tổng số 6 kênh tiếng (6 channels), trong đó có 3 kênh âm nhạc, 2 kênh âm thanh điện tử, 1 kênh tiếng động mà tôi đã thu âm từ tiếng ồn ào đến tiếng rao hàng ngoài phố. Trong phần trình diễn, tôi đã đẩy âm nhạc sang hướng âm thanh, đưa âm thanh lại gần âm nhạc, và trộn lẫn chúng với nhau.

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, nghề chính của tôi là soạn nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, cho hòa tấu & độc tấu nhạc cụ - kể cả nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng lẫn nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Trong lĩnh vực soạn nhạc, tôi luôn cố gắng đưa ngôn ngữ mới, phong cách mới vào cả nhạc cụ cổ điển (nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng) lẫn nhạc cụ cổ truyền (nhạc cụ truyền thống). Khi soạn nhạc, tôi luôn muốn thoát khỏi và thoát thật xa khỏi quan niệm rằng âm nhạc (nhạc không lời) phải có giai điệu đẹp, hòa âm êm tai, tiết tấu nhịp nhàng! tại sao cứ nghĩ rằng âm nhạc phải như vậy mới là âm nhạc? Tại sao không mở rộng ra, không thay đổi cái quan niệm đã quá cũ ấy mà trên thế giới người ta đã thay đổi rất nhiều, đã mở rộng rất nhiều ...

Cùng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và làm nghề soạn nhạc như tôi, có một cô gái trẻ, Trần Kim Ngọc, hiện đang tu nghiệp ở Mỹ. Một vài tác phẩm của Ngọc gần đây soạn cho nhóm nhạc cũng đã đẩy âm nhạc lại gần với âm thanh hơn và kéo âm thanh sát với âm nhạc hơn. Trong những lần "buôn chuyện" về âm nhạc, chúng tôi đã không nhận thấy sự khác biệt nhiều giữa âm nhạc và âm thanh, hay nói cách khác, có thể gọi một tác phẩm (của tôi hoặc của Ngọc) là âm nhạc hay là âm thanh, đều được, tùy vào cảm nhận của người nghe. Bản thân chúng tôi cũng không chủ ý phân biệt điều đó. Khi soạn nhạc và sau khi soạn nhạc, những cái khó mà chúng tôi gặp phải có nhiều thứ:

- phần đông những người trong giới nhạc không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, không thông cảm.

- phần lớn khán giả vốn đã không được làm quen, không được tiếp xúc với âm nhạc cổ điển, thậm chí đến âm nhạc cổ truyền của Việt nam họ cũng ít (hoặc không) biết và ít (hoặc không) yêu thích, thì khi nghe nhạc hiện đại/nhạc thử nghiệm, họ đã quay lưng lại.

- người trong giới nhạc không (chưa) ủng hộ vì không (chưa) hiểu biết về âm nhạc hiện đại/thử nghiệm, người nghe không (chưa) thích vì không (chưa) được tiếp xúc, vì vậy mà âm nhạc/âm thanh của chúng tôi hầu như không thể bán ra thị trường. Đã vậy, hệ thống các nhà/các quĩ tài trợ cho nghệ thuật nói chung và cho âm nhạc nói riêng, đặc biệt là cho âm nhạc hiện đại/thử nghiệm ở nước ta, là hầu như không có.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn soạn nhạc, vẫn làm âm thanh, vẫn theo đuổi con đường mình thích, giống như những kẻ "hâm hâm" vậy!

3. Viết thêm

Nói về chuyện âm nhạc, còn một từ nữa tôi muốn bàn thêm ở đây, là từ "nhạc sĩ". Khi gọi một người là "nhạc sĩ" thì người đó làm thể loại âm nhạc nào? Thật ra thì "nhạc sĩ" là một từ rất chung chung, bởi vì cũng có thể gọi một lão nghệ nhân hát dân ca hay một cô bé đang tập viết bài hát trong chương trình văn nghệ quần chúng là "nhạc sĩ".

Chúng ta có thể còn chưa quen với việc gọi một người tốt nghiệp chuyên ngành soạn nhạc tại Đại học Âm nhạc (ở ta gọi là Nhạc viện) chuyên về soạn nhạc giao hưởng - thính phòng, là "nhà soạn nhạc" (composer), một người tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu lý luận âm nhạc và hoạt động trong lĩnh vực này là nhà nhạc học (musicologist) hoặc nhà phê bình âm nhạc (music criticizer), một người cũng tốt nghiệp Đại học Âm nhạc (Nhạc viện) chuyên về biểu diễn âm nhạc là "nhạc công, hay người chơi nhạc, hoặc người biểu diễn âm nhạc" (player), một người viết ca khúc là "người viết bài hát" (songwriter), một người làm hòa âm và chuyển soạn ca khúc là "người chuyển soạn" (music arranger)... và còn nhiều danh từ chuyên sâu hơn nữa.

Cá nhân tôi hy vọng và mong muốn là sẽ có thêm nhiều diễn đàn nữa, nhiều tranh luận nữa, về các vấn đề âm nhạc nói chung, về âm nhạc đương đại (và về âm nhạc cổ truyền) nói riêng, thúc đẩy âm nhạc Việt ngày một mạnh hơn, giàu có hơn, đa dạng hơn.


Vũ Nhật Tân
 
"Âm nhạc đương đại" - xin được nói thêm
http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/450365/

Đọc bài viết của nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân, tôi biết thêm được nhiều điều nhưng cũng băn khoăn không ít: Vì sao cụm từ âm nhạc đương đại lại không thể dùng cho nhạc pop?



Để tránh tranh cãi, tôi muốn nói rõ, pop ở đây không phải là thể loại nhạc pop mà là popular music, tức bao gồm nhiều thể loại - tạm gọi là nhạc trẻ - mà tôi muốn đề cập ở đây - một dòng chảy của văn hoá đại chúng ở thời kỳ điện tử cộng-hoá âm nhạc.

Tác giả của bài viết "Âm nhạc đương đại" ở Việt Nam có nhấn mạnh rằng: … cụm từ "âm nhạc đương đại" được dùng để chỉ dòng nhạc bác học được phát triển lên từ âm nhạc cổ điển, nguyên chữ tiếng Anh là classical-contemporary music (nhạc cổ điển - đương đại), sau viết tắt thành contemporary music (nhạc đương đại). Âm nhạc đương đại hiểu theo nghĩa này gồm các dòng nhạc soạn cho dàn nhạc giao hưởng, cho hòa tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng. Và theo ý nghĩa này, tác giả phủ nhận khái niệm đương đại trong pop music.

Theo tôi, đó là một lập luận mang tính từ chương, thiếu sự cập nhật. Việc đặt tên để chỉ một giai đoạn phát triển của nhạc cổ điển là đương đại, không có nghĩa rằng tên gọi đó là một thuật ngữ dành riêng cho nhạc cổ điển. Quả nhiên trong dòng nhạc classical, người ta có dùng tính từ contemporary để phân định cho một giai đoạn phát triển của thể loại này, nhưng đó cũng chỉ là từ ngữ ước lệ, vay mượn từ các nhà lý luận nhằm làm sáng tỏ cột mốc thời gian và tính kỹ thuật trong việc phân loại.

Và như vậy, dứt khoát, không có nghĩa contemporary music chỉ tải một nội dung duy nhất là âm nhạc soạn cho dàn nhạc giao hưởng, cho hoà tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng. Nói tóm lại, không có nghĩa là chỉ dành cho nhạc classical. Trong một tuyển tập của Nhà xuất bản McGrawhill, ấn hành năm 1977, về các siêu sao nhạc jazz, người ta đã thấy cụm từ contemporary jazz xuất hiện trong chú giải về các ngôi sao jazz đương đại. Âm nhạc đương đại – contemporary music – bao gồm tất cả các khía cạnh của văn hoá pop, cả dance music, rock, rap, ballad… được nhắc đến như một điều hiển nhiên và được gọi tên chính danh trong các khoá học về âm nhạc của các trường âm nhạc lớn trên thế giới. Chẳng hạn Viện âm nhạc ACM, một trong những viện giáo dục âm nhạc hàng đầu của châu Âu đã tự giới thiệu khoá học 2006 bằng nguyên ngữ như sau: “ACM - The Academy of Contemporary Music is Europe's leading school for rock and pop musicians” (tạm dịch: Viện ACM, Viện âm nhạc đương đại hàng đầu châu Âu cho các nhạc sĩ rock và pop).

Trong ấn phẩm The New Rolling Stone Encyclopedia of rock & roll do Nhà xuất bản Simon&Schuster N.Y. phát hành năm 1995, cụm từ contemporary music là để nói đến các thể loại âm nhạc hiện đại/điện tử như rock, pop, dance music…

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, tôi tạm giới giới thiệu nhằm làm rõ rằng khái niệm contemporary music – âm nhạc đương đại không hề là danh từ riêng để nói đến nhạc classical, mà được sử dụng đại trà cho âm nhạc hiện tại (và hiện đại) mà trên thế giới đã sử dụng rất bình thường, không có gì sai trái cả.

Mà âm nhạc đương đại là gì? Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1990, có nói rõ: đương đại có nghĩa là (tính từ) thuộc về thời đại hiện nay. Chính xác như vậy, chứ hoàn toàn không như ý kiến của tác giả Vũ Nhật Tân: “nhiều người nghĩ rằng "đương đại" nghĩa là những gì đương diễn ra trong thời đại hiện nay, vậy "âm nhạc đương đại" là tất cả những loại nhạc đang có và đang diễn ra hiện nay. Vì vậy, có người coi ca khúc nhạc trẻ, phần nhạc đệm (hòa âm) cho ca khúc, hòa tấu kèn saxophone, DJ, hoặc nhạc nhảy trong quán bar (dance music)... là nhạc đương đại! Thật ra thì không phải vậy.”

Điều này cho thấy định nghĩa contemporary music của tác giả Vũ Nhật Tân là không đúng. Ngay cả việc tác giả xác định cách chơi nhạc với trống jazz, đàn guitar, bass… không thể gọi là “âm nhạc đương đại” cũng sai lầm. Trong chuyên đề giảng dạy DJ toàn thế giới tại Singapore 2005, người ta phân loại rất kỹ các remix âm nhạc qua từng thập niên với lời quảng cáo: “How to become the best DJ of contemporary music and post modern tech?” (tạm dịch: Làm thế nào để trở thành một DJ giỏi biết remix âm nhạc đương đại và kỹ thuật hậu hiện đại?”. Như vậy, âm nhạc đương đại mang rất rõ ý nghĩa tương quan của nó với đời sống hiện đại và việc sử dụng thuật ngữ này không phải kèm theo mặc cảm nào về thiếu sót, hụt hẫng kiến thức cả.

Rõ ràng, việc tác giả Vũ Nhật Tân cống hiến cho chúng ta những kiến thức quý báu về sự phân định dòng/thời kỳ của nền âm nhạc cổ điển là cần thiết nhưng thiết nghĩ, tất cả kiến thức đó cần phải được gắn kết với sự vận động của thế giới hiện thực.

Ns. Tuấn Khanh
 
Những khuynh hướng âm nhạc đương đại

http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2004/01/46199/


Xuất phát từ một số buổi biểu diễn được các tác giả tự gọi là "nhạc đương đại" tại Festival 2002 ở Huế và nhất là một số buổi biểu diễn gần đây tại Hà Nội, Giai Điệu Xanh mở chuyên đề “Nhạc đương đại” và đã có một số bài viết về đề tài này. Ở đây, tôi muốn góp thêm vài ý về nguồn gốc của cụm từ Âm nhạc đương đại (Contemporary music).

“Contemporary” theo nghĩa đen là “đương đại” - nghĩa là những gì đang diễn ra - song nếu hiểu “contemporary music” là âm nhạc đang hiện hành thì quá đơn giản. Cụm từ “contemporary music” hay “musique contemporaine” (được dịch là “âm nhạc đương đại”) hiểu theo bối cảnh xuất xứ của nó, chúng ta phải nhìn lại lịch sử phát triển khí nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

“Contemporary music” không phải để chỉ âm nhạc đương đại chung chung, nó cũng khác hẳn với “contemporary pop”, “contemporary jazz”, “contemporary rock”... mà nó dùng để chỉ đích danh những tác phẩm khí nhạc thuộc dòng nhạc chính thống của châu Âu đầu thế kỷ 20 - những tác phẩm âm nhạc phủ nhận hệ thống giọng điệu đã tồn tại gần 3 thế kỷ.

Khí nhạc - thành phần quan trọng thiết yếu của dòng nhạc chính thống các nước châu Âu

Ở đây tôi không hề có ý áp đặt quan điểm về nhạc chính thống của châu Âu đối với các quốc gia hay dân tộc khác, mà chỉ muốn nêu lên một số dữ kiện để thấy rõ xuất xứ của cụm từ “contemporary music”. Vì dẫu đúng hay sai, đó cũng là quan điểm của người châu Âu đã tồn tại trong một thời gian khá dài mà giờ đây, một số người làm những tiết mục "sắp đặt âm thanh" (sound installation) ở Việt Nam muốn dùng cụm từ này cho các thử nghiệm của mình.

Âm nhạc các nước châu Âu có rất nhiều loại hình sinh hoạt, song những loại hình sinh hoạt tồn tại trong các nhà thờ từ thời Phục hưng, sau đó phát triển mạnh mẽ trong các cung điện, lâu đài của giới quí tộc phong kiến rồi được bảo tồn phát triển qua hệ thống đào tạo kỹ lưỡng khi các học viện âm nhạc ở châu Âu ra đời. Dòng nhạc đó được người châu Âu xem là “dòng nhạc chính thống” (chúng ta còn gọi là "nhạc bác học").

Nhạc chính thống châu Âu được chia ra làm 2 bộ phận chính là khí nhạc và thanh nhạc, hay nói nôm na là nhạc đàn và nhạc hát. Nhạc đàn gồm có độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, hòa tấu thính phòng, giao hưởng... Nhạc hát có đơn ca, hợp xướng, thanh xướng kịch...

Trong quá trình phát triển của khí nhạc, các nhạc cụ không ngừng được cải tiến và hoàn thiện về kỹ thuật, âm sắc, khả năng biểu hiện. Các tác phẩm khí nhạc có khả năng diễn tả những điều mà giọng người không thể diễn tả được, nó dần dần chiếm địa vị độc tôn trong dòng nhạc chính thống và đó cũng là điều mà châu Âu thường dùng để đánh giá trình độ âm nhạc của mỗi quốc gia (ít ra từ cuối thế kỷ 19 trở về trước).

Các nhà soạn nhạc của châu Âu đã dành hết tài năng sáng tạo của mình cho lĩnh vực khí nhạc. Lịch sử âm nhạc thế giới đã ghi nhận những nhạc sĩ vĩ đại là những nhạc sĩ có tác phẩm viết cho dàn nhạc (F.Schubert có 600 lied nổi tiếng thế giới, nhưng tác phẩm danh tiếng của ông là bản Symphonie Inachevé mở đầu cho kỷ nguyên của nhạc giao hưởng lãng mạn).

Nói chung ta có thể đi đến kết luận: Tiêu biểu cho nền âm nhạc của mỗi quốc gia châu Âu là dòng âm nhạc chính thống mà đại diện cho âm nhạc chính thống là khí nhạc.

Âm nhạc đương đại - đỉnh điểm của sự tan rã hệ thống giọng điệu

Suốt thời gian dài gần 3 thế kỷ, âm nhạc với hệ thống giọng điệu thống soái gần như hoàn toàn trong các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển, lãng mạn, ấn tượng. Đến nửa sau thế kỷ 19, hệ thống giọng điệu đã bắt đầu bị “xói lở”, bởi nhiều nhạc sĩ đã quá nhàm chán với những hòa âm thuận tai, những hòa âm nghịch đơn giản được chuẩn bị và giải quyết... Ta có thể tìm thấy điều đó trong một số tác phẩm như: hệ thống chromatique của Richard Wagner với cách chuyển điệu bất tận, Hector Berlioz với các điệu thức cổ và điệu thức dân gian, Clause Debussy với các điệu thức vùng Viễn Đông, gamme toàn cung...

Và sang đầu thế kỷ 20, Igor Stravinsky tuy vẫn dùng hệ thống diatonique nhưng hợp âm của ông được xếp tầng, mỗi tầng thuộc một giọng điệu; hòa âm có khi được tính theo chiều ngang, 3 bè chồng lên nhau, mỗi bè đi hợp âm rải thuộc một giọng điệu khác nhau. Kết quả của những vấn đề trên là làm lu mờ giá trị của hệ thống giọng điệu, giọng tính trở nên lơ lửng không xác định. Và tác phẩm Le sacre du printemp của I.Stravinsky viết năm 1913 được xem như kết liễu số phận của hệ thống giọng điệu đang hấp hối. Sự kiện Le sacre du printemp được nhiều nhà viết sử xem là vụ “tai tiếng” đẹp nhất của lịch sử âm nhạc, nó chính thức mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của khí nhạc thuộc dòng nhạc chính thống châu Âu: ÂM NHẠC ĐƯƠNG ĐẠI.

Nhạc đương đại (contemporary music) được bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 và Arnold Schönberg được xem là người đứng ra lật đổ ngai vàng của hệ thống giọng điệu khi đưa ra lý thuyết dodécaphonie, xóa bỏ tính chất trưởng-thứ, xóa bỏ công năng, tính chất chính-phụ của các bậc trong âm giai, đem lại sự bình đẳng cho 12 bậc trong âm giai 12 bán cung.

Một số khuynh hướng của âm nhạc đương đại

Như chúng ta đã thấy, thực chất của nhạc đương đại là đi tìm một ngôn ngữ âm nhạc mới không phụ thuộc vào hệ thống giọng điệu trưởng-thứ đã ngự trị trong gần 3 thế kỷ. Ngoài ra ở một số tác giả, nó còn là sự từ chối về mặt hình thức (forme), từ chối kiến trúc tác phẩm dựa trên sự cân đối mà hệ thống giọng điệu đã qui tắc hóa như: sự nhắc lại (reprise), sự tái trình chủ đề sau phần phát triển... từ đó có những khuynh hướng đi tìm những “ngôn ngữ” mới cùng những hình thức thể hiện hoàn toàn mới lạ mà trong đó có một số hình thức được xem là “quá đà”.

Chúng ta hãy điểm qua một số khuynh hướng âm nhạc đương đại châu Âu (và của thế giới) mà nhiều người thường nhắc đến:

1. Nhạc sériel (xem bài “Musique sérielle” và bài “Lần theo dấu vết một khúc nhạc sériel” trên Giai Điệu Xanh).

2. Nhạc concrète (cụ thể): xuất hiện từ 1948 ở Paris và sau đó phổ biến ở một số nước như Đức, Mỹ... Concrète thu lại những âm thanh, tiếng động rồi xử lý chúng với kỹ thuật magnétophone (phóng lớn, thu nhỏ, tăng dài, rút ngắn...) Họ có thể biến âm thanh của một giọt nước thành âm thanh của một dòng thác, tiếng vượn hú nghe như sấm rền...

3. Nhạc minimal (tối giản), là loại nhạc đơn giản, "ngây thơ". Nhạc minimal không có những tìm tòi sâu xa hoặc những tư tưởng cao siêu, nó rất giản dị với sự sử dụng tiết kiệm nhạc cụ cũng như âm thanh. Nó được xây dựng và phát triển từ một nốt thành một cụm hai hoặc ba nốt và cứ thế dần dần phát triển, đặc biệt là về tiết tấu, màu sắc... nhưng điều đáng nói là nó phát triển rất ít và rất chậm, đôi lúc trong một thời gian dài, chúng ta phải chú ý mới thấy được sự biến đổi của nó.

4. Nhạc khối lượng (stochastique) với sự hỗ trợ của máy tính điện tử: xuất phát từ toán học, nó được áp dụng trong định luật các số lớn, cơ sở của toán xác suất. Định luật các số lớn chỉ rằng các hiện tượng càng nhiều thì chúng càng có xu hướng tiến về một đích được xác định. Nhạc sĩ Iannis Xenakis (gốc Hy Lạp) đã tư duy âm nhạc bằng những khối lớn và đưa vào đó qui tắc dựa trên toán xác suất. Ông đã dùng một máy tính điện tử để tổng hợp tất cả những số liệu của rất nhiều bài toán cần thiết cho việc hoàn thành tác phẩm.


5. Nhạc điện tử (computer): Thực hiện với những tính năng của máy tính điện tử. Ví dụ I.Xenakis đã chế ra một chiếc máy có tên là UPIC, ông đã phát triển một hệ thống cho phép bất kỳ ai cũng có thể soạn nhạc bằng cách "vẽ". Từ hình vẽ, máy sẽ giải mã ra thành âm thanh. Đó là một phương tiện làm việc dùng cho nhà soạn nhạc, nhà âm học và là phương tiện giảng dạy giúp cho trẻ em tư duy âm nhạc mà không phải qua ký âm pháp hoặc phối khí.
 
Tiếp tục

6. Nhạc ngẫu nhiên (aléatoire). Gọi là nhạc ngẫu nhiên bởi nó được qui định về mặt thời gian, ví dụ với một thời gian nhất định, dàn violon glissando lên xuống theo lối ngẫu hứng và chính vì thế chiều dọc (vertical) sẽ là do ngẫu nhiên mà tạo thành.

Ngoài ra còn vô số những cách sáng tác và biểu diễn âm nhạc được gọi là “âm nhạc đương đại” và nhất là vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khuynh hướng sáng tác còn được kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác, để thưởng thức khí nhạc không chỉ thoả mãn nhu cầu “nghe” mà còn cả về nhu cầu “nhìn”. Có khi âm nhạc chỉ là cái cớ hoặc chỉ là yếu tố thứ yếu, cũng có những “sáng tác” mà nhà soạn nhạc không cần phải có trình độ âm nhạc, có những tác phẩm âm nhạc khi biểu diễn không cần nhạc cụ và cũng chẳng cần nhạc công, thậm chí chỉ là một trò chơi tiếng động tuỳ tiện...

Âm nhạc đương đại từ lúc ra đời là để chỉ những tác phẩm khí nhạc thuộc dòng nhạc chính thống châu Âu với những tiêu chí khá rõ ràng về ngôn ngữ âm nhạc. Tuy nhiên những năm gần đây, một số festival âm nhạc đương đại ở Pháp vẫn có sự góp mặt của cả nhạc jazz và opéra. Festival âm nhạc đương đại châu Á, Việt Nam sẽ đăng cai vào năm 2005, theo nhạc sĩ Trần Trọng Hùng, "chủ yếu tập trung vào mảng khí nhạc, đồng thời cũng có các loại hình khác như oratorio, cantate, âm nhạc điện tử và âm nhạc dân gian".

Hữu Trịnh
 
“Âm nhạc đương đại” và việc sử dụng thuật ngữ

http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/454841/


Trong loạt bài “30 năm nhạc Việt” trên Bàn tròn Âm nhạc vừa qua, nhiều bài viết đã sử dụng khái niệm “âm nhạc đương đại” với hàm nghĩa: những gì diễn ra trong đời sống âm nhạc ở thời điểm hiện tại. Sau đó,một số tác giả khác đã có ý kiến về nội dung của khái niệm này (bài “Âm nhạc đương đại ở Việt Nam” của Vũ Nhật Tân, bài “Âm nhạc đương đại” - xin được nói thêm của Tuấn Khanh, bài Những khuynh hướng Âm nhạc đương đại của Hữu Trịnh, ý kiến của độc giả Nguyễn Văn Đức trao đổi về việc sử dụng thuật ngữ này …)

Trong các bài viết về âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, “âm nhạc đương đại” là một khái niệm học thuật và cũng là một khái niệm đại chúng, tuỳ theo văn cảnh và tuỳ theo cách hiểu cũng như cách sử dụng thuật ngữ của mỗi tác giả. Ở đây xin được không thảo luận về khái niệm “âm nhạc đương đại” mà các tác giả đã khoanh vùng nội dung cho nó, chỉ bàn về cách sử dụng thuật ngữ âm nhạc của chúng ta hiện nay, qua đó hy vọng tìm ra một phương thức tạo thuật ngữ đơn giản và có thể chấp nhận được trước tình trạng du nhập ồ ạt những khái niệm mới mẻ từ các nền văn hoá khác, cụ thể là từ Anh ngữ.

“Âm nhạc đương đại”, trước hết, là một khái niệm của người Việt đương đại dùng để chỉ một sự vật tồn tại khách quan, nhưng sự vật ấy là gì thì mỗi người hiểu một cách khác nhau, tức là hoàn toàn chủ quan. Không phải chỉ khác ở khái niệm “đương đại” mà còn khác ngay ở khái niệm “âm nhạc”. Trước một sự kiện thính giác nào đó, có người cho đó là “âm nhạc” nhưng cũng có người gọi nó là “âm thanh”, và có người lại chỉ coi là “tiếng ồn” … Một sự vật “đương đại”, nếu chỉ căn cứ vào từ nguyên thì là những gì đang có, đang diễn ra, trong khoảng thời gian mà chúng ta coi là nằm trong “cõi sống” của mình. Nhưng nếu căn cứ vào sách vở, tư liệu thì tính từ “đương đại” đã được sử dụng từ lâu, bởi những tác giả đến nay không còn là “đương đại” nữa, mà lại là những tác giả lớn, tức là những thẩm quyền học thuật hay thẩm quyền văn hoá. Vậy phải hiểu khái niệm này theo cách hiểu và cách viết của các tác giả “phi thời gian tính” ấy, hay phải điều chỉnh nội dung khái niệm theo cách hiểu của chúng ta, nghĩa là của người Việt “đương đại”?

Thường là những khái niệm giản dị mà công chúng có thể chấp nhận là những khái niệm có liên hệ thường xuyên và trực tiếp tới những gì tương tự. “Âm nhạc đương đại” phải có bà con họ hàng gần với đời sống đương đại, xã hội đương đại … cũng như “âm nhạc” phải được phân biệt với những gì “phi âm nhạc”, tạp âm, tiếng ồn … Mặt khác, khi các nghệ sĩ tạo ra một khái niệm mới từ tác phẩm của mình, các nhà lý luận phê bình đặt tên cho nó, và rồi sáng tạo đó - nếu nó có khả năng sống sót chứ không bị thời gian đào thải – sẽ bị “chết tên” với danh xưng mà người ta đặt cho nó. Và khi đã được các nhà lý luận cung ứng một nội dung ngữ nghĩa xác định, thuật ngữ ra đời.

Xung đột giữa nhiều cách hiểu một khái niệm là do khái niệm ấy, với tư cách một thuật ngữ, chưa thể bén rễ trong tâm thức cộng đồng, hoặc không thể bén rễ, vì được du nhập từ một nền văn hoá khác mà thời gian chưa đủ để khái niệm ấy bản địa hoá.

“Âm nhạc đương đại” theo một số tác giả, là những nhạc sĩ hay những người nghiên cứu âm nhạc, là một thuật ngữ phải được hiểu theo cách mà các tư liệu sách vở nước ngoài đã viết. Và khái niệm ấy - với tư cách thuật ngữ - phải được chấp nhận ở tất cả các tác giả khác. Lập luận của các tác giả này căn cứ trên những những gì được viết và được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng đáng tiếc, không một tác giả nào dẫn ra những tài liệu mà thuật ngữ ấy đã được sử dụng với nội dung mà mình giải thích. Dĩ nhiên, với dung lượng một bài báo nhỏ trên mạng, không thể đòi hỏi mỗi luận cứ phải được chứng minh và dẫn nguồn như một báo cáo khoa học, nhưng ít ra thì việc dẫn chứng để thuyết minh cho luận điểm cũng phải được làm ở mức độ tối thiểu.

“Âm nhạc đương đại” theo tiếng Anh là “Contemporary music”. Bây giờ, mời bạn đọc vào trang tra cứu www.google.com.vn và gõ contemporary music xem thiên hạ dùng chữ này như thế nào. Xin dẫn lại một vài đoạn lấy ngay ở trang đầu tiên của www.google.com.vn để chúng ta cùng tham khảo. Phần về Hiệp hội quốc tế về Âm nhạc đương đại (ISCM) có đoạn:

International Society for Contemporary Music

At the dawn of the 21st Century, the range of music that we have access to is greater than it has ever been, through the enormous technological advances of the 20th Century.

This means that a definition of what "contemporary music" might be is difficult, as composers are being influenced by more kinds of sounds - musical and other - than ever before. Performers are presenting contemporary music in many different kinds of environments to reach their audiences, and there is now a continual redefinition of the relationships which exist between composers, performers and the audience.

The International Society for Contemporary Music (ISCM) is an important international network of members from around fifty countries, devoted to the promotion and presentation of contemporary music - the music of our time. ISCM has had a distinguished history. From its foundation in Salzburg in 1922, a receptiveness to aesthetic and stylistic diversity has been a characteristic of the Society. Today more than ever with the incredible diversity which exists in contemporary musical expression around the world, this ideal is still strongly supported by ISCM members.

Phần về Chương trình hỗ trợ Âm nhạc đương đại Oxford có đoạn:

Oxford Contemporary Music is one of the leading new music promoters in the south of England. We promote over 30 events each year (including some events outside of Oxford city) from October to June, with a programme ranging from art rock and free jazz to music theatre, world music, film installations, and contemporary classical music.

Những đoạn này xin được không dịch, chỉ tô đậm vài dòng (bởi nó rất dễ hiểu) để bạn đọc không bị áp đặt bởi cách hiểu và từ ngữ của người dịch. Như vậy, contemporary music được thiên hạ dùng thoải mái lắm và có lẽ cũng như chúng ta, những người đóng khung khái niệm này trong một nội dung chặt chẽ nào đó ở ngay cộng đồng nói tiếng Anh cũng không phải là số đông. Việc dịch cụm từ contemporary music thành âm nhạc đương đại mà không kèm theo một chú thích khoanh vùng khái niệm sẽ có thể dẫn đến những cuộc tranh luận bất tận.



Căn cứ trên quá trình du nhập khái niệm và xây dựng thuật ngữ trong tiếng Việt, cũng như tương lai của quá trình này, chúng ta có một số giải pháp khả thi. Một trong những giải pháp là để nguyên dạng tiếng Anh contemporary music khi dùng nó với một nội dung khu biệt và giải thích nội dung đó cho độc giả rõ, rằng đó không phải là thứ âm nhạc đương diễn ra ở thời đại hiện nay. Việc này tương tự như chúng ta đã quen dùng world music, country music, hard rock, progressive rock … chứ không phải nhạc thế giới, nhạc thôn quê, rốc cứng, rốc luỹ tiến … Những gì mà 2 tác giả Vũ Nhật Tân và Hữu Trịnh đề nghị xác định cho khái niệm âm nhạc đương đại thì chỉ cần viết nguyên dạng là contemporary classical music, hoặc contemporary jazz, contemporary rock …

Còn tính từ “đương đại” (bằng tiếng Việt), xin cứ để lại cho nghĩa từ điển của nó là thời đại hiện nay. Như vậy, chúng ta không bị “mất toi” từ “đương đại” trong khối từ vựng thông dụng của tiếng Việt và đỡ phải tranh cãi về chuyện có được phép dùng nó theo nghĩa từ điển hay không. Tất nhiên, như thế sẽ kèm theo việc phải giải thích contemporary music là gì khi dùng nguyên dạng Anh ngữ, nhưng chúng ta đã giải thích việc dùng các thuật ngữ: hip-hop, rock, jazz, blues, country music, world music… như thế nào nhỉ?

Trúc Quỳnh
 
Về vấn đề "Nhạc đương đại" Việt Nam

http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/454851/

Trong thời gian gần đây, những khái niệm về nghệ thuật đương đại được bàn luận và làm tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu, phê bình, cũng như giới chuyên môn ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập đến mảng âm nhạc. Sau khi đọc những bài viết về "Âm nhạc đương đại" của các nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và Tuấn Khanh, tôi có một số ý kiến sau: Tác giả Vũ Nhật Tân nói rằng những thể loại nhạc pop, rock, jazz ... không phải là nhạc đương đại, nhưng hiện có nhiều nhạc sĩ làm jazz thể nghiệm, rock thể nghiệm ..., theo khái niệm mở rộng của “nhạc đương đại” bao gồm cả experimental music, thì có thể nói rằng họ đang làm “nhạc đương đại” không?

Vũ Nhật Tân cho rằng nếu chơi nhạc trên những phần đệm hoà âm có sẵn cũng không được coi là “nhạc đương đại”. Tôi có thể lấy một ví dụ: Một lần, trong một cuộc trình diễn tổ chức tại sân nhà Đào Anh Khánh (Chương trình Đáo Xuân - GĐX), nhóm nghệ sĩ ấy đã dùng nguyên một đĩa nhạc hoà tấu nhạc cụ dân tộc do các nhạc công của Nhạc viện Hà Nội diễn tấu. Họ đã trình diễn trên nền của đĩa nhạc đó. Như thế, đĩa nhạc đã là một phần của buổi trình diễn thì ta có thể nói họ đang làm nhạc đương đại không?

Buổi chơi nhạc ngẫu hứng của Nguyễn Xuân Sơn và Trần Kim Ngọc trong khuôn viên Viện Goethe, Hà Nội, là một buổi trình diễn âm nhạc đương đại ngẫu hứng khá thành công. Tuy nhiên nếu nói rằng nhạc đương đại nghĩa là chỉ có những tiếng rú rít, những âm thanh rợn người, những tiếng động kỳ quặc thì phần nào cũng hơi cực đoan. Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo trong các sáng tác của mình có những giai điệu, tiết tấu, hoà thanh hầu như không làm cho khán giả thưởng thức cảm thấy khó chịu. Và hầu như ông cũng không sử dụng những âm thanh kỳ quặc, không khai thác sự kỳ lạ đối với người nghe, càng không muốn đánh đố khán giả. Và tôi có thể khẳng định rằng nhạc của Nguyễn Thiên Đạo là nhạc đương đại. Cho dù nó có thể không còn mới mẻ gì cả thì đó vẫn cứ là nhạc đương đại. Các nhạc sĩ có thể giải thích thêm cho độc giả về vấn đề này một cách rõ ràng hơn?

Vũ Nhật Tân cho rằng khán giả không/chưa hiểu về nhạc đương đại nên nhạc của những người như anh khó bán ra thị trường. Theo suy nghĩ hạn hẹp của tôi, nhận định ấy chưa thật khách quan. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, các nghệ sĩ làm nhạc thể nghiệm nói riêng và các nghệ sĩ làm nghệ thuật thể nghiệm nói chung đều rất khó bán tác phẩm của mình. Và dường như họ làm nghệ thuật thể nghiệm đơn giản vì nhu cầu thể hiện của họ và để thể hiện, họ cần một ngôn ngữ như vậy. Nghệ thuật thể nghiệm có thể không phải dành cho đại chúng, và như vậy thì chưa chắc là vì công chúng không hiểu nhạc đương đại nên họ không mua.

Nhạc đương đại có kênh riêng của nó. Bản thân tôi cũng thích được xem, nghe, đọc những gì mới lạ. Tôi khâm phục những người làm nghệ thuật thể nghiệm mặc dù cũng phải nói thật rằng nhiều khi tôi cũng không hiểu nổi cái mà họ đang làm. Song đó cũng chính là một phần thú vị của nghệ thuật đương đại.

Vũ Nhật Tân bảo rằng ở Việt Nam chúng ta chưa quen với việc gọi một người tốt nghiệp khoa Sáng tác tại Nhạc viện, chuyên soạn giao hưởng và nhạc thính phòng, là composer. Vậy những người làm âm nhạc đương đại có gọi là composer không? Vấn đề là công việc mà họ làm và nói chính xác hơn, cái việc họ đang làm đó là việc gì chứ không phải cứ tốt nghiệp chỗ này thì là thế này, học ở kia thì là cái kia.

Vài ý kiến muốn được thông qua Giai Điệu Xanh làm rõ để sự hiểu biết về âm nhạc của cá nhân tôi nói riêng và khán thính giả yêu nhạc nói chung được nâng cao hơn.

Chân thành cám ơn,

Nguyễn Văn Đức
 
"Về khái niệm "Âm nhạc đương đại"

http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/462859/

Xin có vài ý kiến trao đổi qua hai bài Âm nhạc đương đại ở Việt Nam (của Vũ Nhật Tân) và "Âm nhạc đương đại" - xin được nói thêm (của Tuấn Khanh).

Ý nghĩa thuật ngữ

Vũ Nhật Tân cho rằng, "Trong giới chuyên môn âm nhạc, cụm từ "âm nhạc đương đại" được dùng để chỉ dòng nhạc bác học được phát triển lên từ âm nhạc cổ điển, nguyên chữ tiếng Anh là classical-contemporary music (nhạc cổ điển - đương đại), sau viết tắt thành contemporary music (nhạc đương đại)". Vũ Nhật Tân còn nói rõ rằng, "Sự phát triển từ âm nhạc cổ điển có nguồn gốc châu Âu như sau: nhạc cổ điển thế kỷ 17-18, nhạc lãng mạn thế kỷ 19, nhạc cận đại đầu thế kỷ 20, nhạc hiện đại và hậu hiện đại từ nửa sau thế kỷ 20, và hiện nay là nhạc đương đại". Như vậy tiêu chí đương đại của Vũ Nhật Tân là xếp theo niên đại (sau hậu hiện đại là đương đại - thời đại chúng ta đang sống) và chỉ dùng cho dòng nhạc kinh viện (tôi dùng chữ kinh viện thay cho chữ cổ điển). Chính vì vậy mà Tuấn Khanh cho rằng lập luận của Vũ Nhật Tân là mang tính "từ chương, thiếu cập nhật".

Và Tuấn Khanh thì cho rằng "...dứt khoát, không có nghĩa contemporary chỉ tải một nội dung duy nhất là âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, cho hoà tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng. Nói tóm lại, không có nghĩa là chỉ dành cho nhạc classical."

Hai ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng cả Vũ Nhật Tân và Tuấn Khanh đều đã không hiểu đúng cụm từ "âm nhạc đương đại" theo nghĩa của nó từ khi nó xuất hiện cách đây gần một thế kỷ, bởi vì các anh đã không đề cập đến một yếu tố vô cùng quan trong của âm nhạc đương đại mà tôi sẽ đề cập dưới đây.

"Đương đại" (contemporary) là những gì đang diễn ra, nhưng "âm nhạc đương đại" (contemporary music) thì không phải là tất cả những loại âm nhạc đang diễn ra, mà âm nhạc đương đại là cụm từ để chỉ những dòng nhạc trong sinh hoạt âm nhạc kinh viện châu Âu (mà chủ yếu là ở Tây Âu) vào đầu thế kỷ 20, chúng có chung đặc điểm là phủ nhận hệ thống giọng điệu trong âm nhạc đã tồn tại trong âm nhạc kinh viện châu Âu đã hơn 3 thế kỷ.


A.Schoenberg - người khởi xướng nhạc sériel
Khi các nhà soạn nhạc châu Âu đã quá nhàm chán với âm nhạc giọng điệu, với những quan hệ át, chủ, hạ át... với các hợp âm, âm nghịch phải được giải quyết, sức hút của nốt cảm âm và các nốt biến âm... Tất cả những điều đó gò bó sự phát triển của một nền âm nhạc đã đi đến giai đoạn cực thịnh.

Dòng âm nhạc đương đại xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, nhưng nó có nguồn gốc từ sự "xói lở" của hệ thống nhạc giọng điệu từ trước đó. Điều này chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của Hector Berlioz (1803-1869), với việc dùng các điệu thức cổ, điệu thức dân gian; Richard Wagner (1813-1883) thì đã sử dụng hệ thống chromatique với cách chuyển điệu "bất tận"; Claude Debussy (1862-1918) với việc dùng các điệu thức vùng Viễn Đông và đặc biệt là điệu thức toàn cung; Igor Stravinsky (1882-1971) với việc sử dụng hợp âm "tầng" ..v.v... và ..v.v... Kết quả của những ứng dụng kia là làm lu mờ giá trị của hệ thống giọng điệu, giọng tính không được xác định rõ ràng.

Và vào đầu thế kỷ 20, âm nhạc cho vở ballet Le sacre du printemps của Igor Stravinsky, trình diễn năm 1913 tại Paris, là tác phẩm được xem như đã kết thúc sự "hấp hối" của hệ thống nhạc giọng điệu và mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử âm nhạc kinh viện thế giới - Âm nhạc đương đại (contemporary music). Le sacre du printemps đã phá vỡ hoàn toàn những qui tắc của hệ thống giọng điệu, với những chồng âm mà mới nghe, nhiều người nói rằng có cảm tưởng như "húc đầu vào đá". Đêm công diễn đầu tiên, khán giả la hét phản đối, ném gậy, nón, lên sân khấu... rồi bỏ ra về. Nhưng sau đó không lâu nó đã trở thành một tác phẩm mẫu mực của âm nhạc đương đại, được nhiều dàn nhạc giao hưởng biểu diễn riêng (không cùng với ballet) tại nhiều phòng hòa nhạc lớn trên thế giới.

Trào lưu âm nhạc đương đại thế giới

Sau Stravinsky có thể nói đến Arnold Schoenberg (1874-1951) với âm nhạc sériel dựa trên thuyết dodécaphonisme. Thật ra, trước Schoenberg, người ta đã dùng đến âm giai 12 bán cung nhưng cái khác của Schoenberg là ông xem tất cả các bậc trong âm giai này có quan hệ bình đẳng như nhau, không có bậc nào chính và cũng không có bậc nào phụ - một lý thuyết chống lại trực tiếp hệ thống chức năng, công năng của nhạc giọng điệu. Từ 1950, hai đại biểu kế thừa xuất sắc Schoenberg là Pierre Boulez (Pháp, sinh 1925) và Luciano Berio (Ý, sinh 1925).




J.Cage

Những nhà soạn nhạc đương đại đã có một cái nhìn rộng lớn hơn về sự phát triển âm nhạc cũng như những quan niệm về âm nhạc. Vì vậy, bên cạnh khuynh hướng âm nhạc vô điệu tính như của Stravinsky, sériel của Schoenberg, chúng ta còn tìm thấy những loại nhạc khác như: nhạc concrète, xuất hiện năm 1948 tại Paris với nhạc sĩ tiêu biểu là Pierre Schaeffer (1910-1995); nhạc spectral, đại diện là György Ligeti (sinh 1923, Hungary), và Scelci (Ý)... Những năm sau 1970, xuất hiện thêm các loại nhạc như: minimal, répétitif, computer, điện tử... Có nhiều tác phẩm vận dụng cả những nguyên lý Thiền như tác phẩm của John Cage - nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ ...

Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng, âm nhạc đương đại cho đến ngày nay vẫn không được xếp theo một niên đại nào. Những đường hướng sáng tác của các nhà soạn nhạc thì rất nhiều. Với những hướng đi tạo ra những tác phẩm được giới âm nhạc chuyên nghiệp của dòng nhạc kinh viện chấp nhận và những tác giả này được xếp vào các thời kỳ như cận đại, hiện đại... Còn lại, dẫu đã xuất hiện từ đầu hoặc giữa thế kỷ 20, họ vẫn mãi mãi được gọi là... đương đại.

Trên đây là những vấn đề thuộc bản chất và nguồn gốc của "âm nhạc đương đại" và chúng chỉ thuần túy là vấn đề của lịch sử âm nhạc thế giới tồn tại trong hệ thống giáo dục của những nhạc viện. Nếu không hiểu đúng bối cảnh xuất xứ của nó sẽ tạo ra nhiều nhầm lẫn.

Ngày nay, trong đời sống âm nhạc của thế giới, chúng ta thường bắt gặp cụm từ "đương đại" (contemporary). Thông thường, chúng đi kèm với một danh từ chỉ một loại nhạc, thể nhạc nào đó, với ý nghĩa để phân biệt với cái "kinh điển" hoặc cái "truyền thống" của chính loại nhạc đó. Ví dụ: rock đương đại, jazz đương đại, hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại ..v.v...

Nói "âm nhạc đương đại", giới âm nhạc chuyên nghiệp hiểu là dòng nhạc phủ nhận dòng nhạc mang hệ thống giọng điệu chứ không phải "âm nhạc đương đại" là tất cả những loại âm nhạc đang hiện hữu trong thời đại của chúng ta. Hiện nay có rất nhiều nhà soạn nhạc Việt Nam có những tác phẩm "mới ra lò", nhưng những tác phẩm đó đa số không được xem là "âm nhạc đương đại" bởi vì chúng được viết bởi hệ thống nhạc giọng điệu.

Các festival âm nhạc đương đại thế giới cũng chỉ là nơi trình diễn chủ yếu là những tác phẩm âm nhạc theo tiêu chí như trên, chứ không phải là nơi trình diễn những loại âm nhạc "đang hiện hành".

Hiện nay, việc sử dụng cụm từ "âm nhạc đương đại" đôi lúc không chính xác và có nhiều sự lạm dụng, kể cả trên thế giới. Điều đó cũng không có gì khó hiểu, bởi đôi lúc chính những nhà soạn nhạc đương đại cũng không hiểu thấu đáo cụm từ này.

Hữu Trịnh
 
Đây thực sự là vấn đề nóng hổi và rất nhạy cảm. Nếu bạn hiểu và nhiệt huyết với âm nhạc VN xin hãy cho ý kiến :). Mình xin mạn phép nêu sau vì đến giờ đi học rồi
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top