Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm học 2011-2012

lion

Moderator
Staff member
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2011-2012 của Sở GD&ĐT Hà Nội, thời gian tuyển sinh được áp dụng thống nhất trên địa bàn TP từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2011. Sau thời gian này, nếu chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao, các trường báo cáo Phòng GD&ĐT xem xét, giải quyết. Việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 được thực hiện bằng phương thức xét tuyển, theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho trường công lập và ngoài công lập. Mức phấn đấu huy động tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường năm học 2011-2012 là 28%, mẫu giáo 85%, trong đó ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập 1 năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Các trường tiểu học, THCS cũng sẽ bảo đảm chỗ học cho 100% số trẻ 6 tuổi đủ điều kiện vào lớp 1 và 100% số HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.

Hà Nội không thiếu chỗ học
Theo tính toán củaNgành GD&ĐT Hà Nội, học sinh tiểu học Hà Nội không thiếu chỗ học. Vấn đề khiến tuyển sinh đầu cấp mãi bức xúc là ở chỗ phụ huynh cứ đổ xô vào một số trường mà họ cho là có tiếng, là trường “điểm”. Do nhu cầu lớn, khả năng đáp ứng có hạn nên áp lực trái tuyến năm nào cũng nặng nề, gây những “cơn sốt” không đáng có trong xã hội. Dư âm của những cuộc “chạy đua” trường này, trường nọ đã khiến dư luận có cái nhìn chưa đầy đủ về công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội…Trong khi khảo sát thực tế tại các trường cho thấy, còn rất nhiều trường tỷ lệ học sinh trên lớp chưa đạt chuẩn (35 học sinh/lớp). Ở quận Hoàn Kiếm, chỉ 3 trường tiểu học có sĩ số học sinh/lớp cao là Trần Quốc Toản 44,9, Quang Trung 44,7, Trưng Vương 43,9, còn lại hầu hết đều bằng hoặc ở dưới mức quy định như Điện Biên 36, Phúc Tân 32, Trần Nhật Duật 30, Nguyễn Bá Ngọc 29... Tại quận Đống Đa cũng chỉ có 3trường có sĩ số học sinh/lớp từ 51 đến 54, còn lại đều chỉ từ 21 đến 29 như Trung Phụng, Tam Khương, Quang Trung, La Thành...

Trường Tiểu học Trung Phụng (quận Đống Đa) từ nhiều năm nay rất khó tuyển đủ chỉ tiêu vào lớp 1 dù cơ sở vật chất không thua kém các trường công lập khác trên địa bàn. Cả 9 chỉ tiêu ngành giáo dục đề ra, trường đều được đánh giá tốt, đội ngũ giáo viên có tới hơn 70% đạt trình độ trên chuẩn. Năm nào, trước thời gian tuyển sinh trường cũng vận động các gia đình trên địa bàn cho con học đúng nơi cư trú... Nhưng kết quả vẫn không khả quan, số trẻ trên địa bàn nhập học vào trường chỉ bằng hơn 1/3 số trẻ đến tuổi đến trường. Điều đáng nói là trong số những học sinh vào trường có không ít con em gia đình lao động ngoại tỉnh thuê nhà gần đó xin học trái tuyến.

Trường Tiểu học Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), cũng nằm trong số những trường luôn thiếu học sinh. Mặc dù, trường đã đạt chuẩn quốc gia và có nhiều thành tích nhưng do "không mấy tên tuổi", nên học sinh của phường đều kéo đi trường khác. Trường Tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa) cũng nằm trong tình trạng tương tự. Lý do chủ yếu vì trường nằm giữa ngã ba đường, việc đi lại khó khăn nên nhiều phụ huynh e ngại. Mặc dù, quận Đống Đa đã chỉ đạo các trường tiểu học khác trong quận không được tiếp nhận học sinh có hộ khẩu tại phường Phương Liên để giúp trường tăng sỹ số, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn...

Trường “điểm” có phải là tất cả?
Ngoại trừ số ít người muốn xin con học vào trường “điểm” vì gần nhà thì mục đích chính của các cuộc “chạy đua” bao giờ cũng là mong muốn vào trường điểm con mình sẽ giỏi, sẽ tốt hơn của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Bởi thực tế có rất nhiều học sinh học ở các trường điểm nhưng học lực lúc nào cũng vừa đủ khá. Với chương trình chung và tiêu chuẩn chung cho giáo viên, mức chênh lệch giữa các trường chỉ vài phần trăm chứ không phải “một trời một vực” như nhiều phụ huynh tưởng tượng. Đa phần, các phụ huynh bị thu hút bởi những hoạt động ngoại khóa, năng khiếu hơn là chất lượng đào tạo của các trường. Và không thể phủ nhận là hầu hết phụ huynh đều biết đến các trường nổi tiếng qua truyền miệng chứ số lượng tìm hiểu kĩ càng về trường chẳng có bao nhiêu.

Thực tế đối với các trường tổ chức tuyển sinh đầu cấp, sau khi đã tuyển xong học sinh đúng tuyến, những trường còn chỉ tiêu được phép tuyển đủ học sinh. Hiện tượng nhiều trường được phụ huynh học sinh quan tâm, quí mến là đáng mừng, tuy nhiên do lượng hồ sơ xin học trái tuyến quá lớn, dẫn tới tiêu cực. Theo khuyến cáo của ngành Giáo dục, trường nào cũng chỉ có vài lớp mũi nhọn, giáo viên giỏi. Không phải cứ xin học vào trường danh tiếng thì con em mình sẽ được học cô giáo tốt, có học lực tốt. Việc giỏi hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như trí tuệ, thể lực và sự phối hợp của gia đình với nhà trường. Do đó, nếu có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp, không nên chạy theo “trào lưu” trường điểm, lớp chọn mà phải căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của mình. Hơn nữa, qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Hà Nội trong thời gian qua, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đều có chất lượng giáo dục khá, tốt, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đạt chuẩn theo yêu cầu.

Chất lượng giáo dục không phải là nguyên nhân
Quận Ba Đình vẫn có tiếng là nơi thu hút được nhiều học sinh từ các quận huyện khác về học. Nhưng ngay tại quận, cũng có trường chật vật tuyển sinh như trường THCS Mạc Đĩnh Chi.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì cơ sở vật chất và đội ngũ của các trường được đầu tư, bồi dưỡng như nhau, chất lượng cũng "một 8, một 10". Thế nhưng phụ huynh vẫn cứ nghĩ phải cho con vào những trường "tên tuổi" mới yên tâm. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, kết quả những năm học gần đây, bảng thành tích cao không chỉ tập trung ở những trường mà phụ huynh vẫn coi là có chất lượng mà xuất hiện nhiều tên mới như Tiểu học Phúc Tân, Điện Biên, Chương Dương, Nguyễn Khả Trạc, Trung Tự... Tại những ngôi trường ít tên tuổi này, sĩ số học sinh/lớp ít, giáo viên có điều kiện quan tâm tới từng học sinh, học sinh cũng không phải chen chúc trong một phòng học. Nhưng dù vậy, mùa tuyển sinh này không ít trường thành tích nhiều, tên tuổi ít vẫn cứ vất vả để tuyển sinh. Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay không ít trường ở địa bàn vẫn thuộc diện rất khó tuyển sinh. Theo giải thích của Sở thì nguyên nhân chủ yếu là do trường đóng ở các địa bàn không thuận lợi như ngõ hẹp, đường xá không tốt… Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế thì đây mới chỉ là lý do bề ngoài, còn nguyên nhân sâu xa dưới đây sẽ khiến nhiều người giật mình.

Chị Thu Hà, ở quận Đống Đa, nếu theo đúng tuyến tuyển sinh thì con chị phải đăng ký vào học ở trường Tiểu học Trung Phụng. Nhưng chị đã kiên quyết tìm mọi cách để cho con theo học trái tuyến với lý do không thể yên tâm cho con đến trường TH Trung Phụng. Chị cho biết, chất lượng giáo dục của nhà trường không phải là nguyên nhân chính mà do trường quá ít học sinh nên trường chủ yếu tiếp nhận trái tuyến đối với con em những người lao động tỉnh lẻ có thu nhập thấp. Chị lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con bởi với chị môi trường học tập là yếu tố rất quan trọng.

Nhiều phụ huynh có chung tâm lý như chị Hà. Chính tâm lý này đã làm “nóng” thêm chuyện chạy trường, chạy lớp, tạo nên nghịch cảnh trường tuyển không hết, trường lần chẳng ra. Điều đáng lo ngại là những trường liên tục tuyển sinh không đảm bảo chỉ tiêu có nguy cơ bị “xóa sổ”. Ai cũng biết trường công lập được thành lập là nhằm mục tiêu phát triển giáo dục đối với địa bàn được giao phó. Nếu phụ huynh ở địa bàn cương quyết “tẩy chay” không cho con theo học thì coi như mục tiêu đó bị phá sản, đồng nghĩa với việc trường đó sẽ bị xóa sổ. Trong khi thực tế, để xây dựng được một trường công lập để đưa vào hoạt động là cả một vấn đề, cần sự tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành.

Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục đã có kế hoạch tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Với những phường quá đông học sinh trong độ tuổi phải phân tuyến lại để san bớt số học sinh sang trường của phường lân cận. Ngành cũng có nhiều biện pháp để nâng chất lượng giáo dục đồng đều giữa các nhà trường. Xây dựng các trường vệ tinh quanh trường được coi là “điểm”, quanh trường Chuẩn để tạo sức hút với phụ huynh và học sinh. Hạn chế tình trạng đổ dồn xin học vào một vài trường. Bản thân các trường cũng có thể tự tạo ra "thương hiệu" cho mình bằng nhiều biện pháp khác nhau như tăng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích, lý thú cho học sinh.
Hoàng Anh
(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 18+19 - tháng 5+6/2011
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top