Tính hai mặt của việc “thú nhận” trên mạng

lion

Moderator
Staff member
Thời gian qua, hàng loạt trang cá nhân trên Facebook mang tên "Confession" đã ra đời và thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ tại Việt Nam. Confession, dịch sang tiếng Việt nghĩa là “sự thú nhận” hay “tự thú”. Khi tham gia các trang confession, với hai ưu điểm nổi bật là không mất phí và không ai biết mình là ai, các bạn trẻ có thể dễ dàng nói ra những điều không thể nói. Tuy nhiên, đọc những lời “thú nhận” của học sinh Hà Nội trên các trang này có thể thấy trào lưu này không phải chỉ có mặt tích cực.

Giới trẻ thích bày tỏ quan điểm qua Facebook
Các trang confession có cách hoạt động khá đơn giản, thành viên muốn thú nhận chỉ cần gửi thông điệp của mình qua email, một đường dẫn cho sẵn ở phía dưới tên trang. Người quản trị của trang confession sẽ chọn lọc, đăng tải lên internet và sau đó tất cả mọi người có thể đọc và bình luận. Điều đặc biệt là mọi thông tin cá nhân của người gửi đều được đảm bảo tính bí mật thông qua một trang trung gian (thường là Google docs) và không có một ai khác biết người gửi là ai kể cả người quản trị của trang confession.

Được nói những lời không dám nói
Nắm bắt trào lưu mới, học sinh Thủ đô đã lập ra nhiều trang confession để cho mọi người “thú nhận”. Trong đó, đa số là học sinh cấp THCS, THPT. Một số trang confession nổi bật, được nhiều người thích có thể kể đến trang của học sinh các trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với hơn 9.000 người nhấn nút “like”, trường THPT Chu Văn An với hơn 6.000 người theo dõi, trường THPT Phan Đình Phùng với 7.000 người theo dõi, trường THPT Lương Thế Vinh với hơn 3.000 người thích…

Nhiều học sinh thông qua trang confession để bày tỏ tình cảm của mình với thầy cô giáo. Những tâm sự như thế luôn nhận được những bình luận tích cực của những người đọc. Ví dụ, một bạn trẻ đã viết: “Rất muốn nhắn gửi tới cô giáo chủ nhiệm ngày xưa lớp 10A1 khóa 2007- 2010 là cô Bích Vân, mặc dù biết nó sẽ không tới được cô, rằng: Đứa học trò ngày xưa bé gần nhất lớp, học dốt gần nhất lớp, hay bị gọi điện về nhà nhiều nhất lớp... Nay con đã trưởng thành và có một công việc tốt. Mặc dù không phải là cơ quan nhà nước hay văn phòng nhàn hạ, chỉ là một nghệ sĩ quèn, nhưng cũng là thu nhập tạm ổn và quan trọng là hạnh phúc với nó. Cảm ơn cô vì những ngày ở Đinh Tiên Hoàng, con yêu cô và chúc cô sức khỏe!”

Confession cũng là cơ hội cho học sinh bày tỏ quan điểm, nhận định của các em dù đôi khi có sự đối lập mà không sợ bị phán xét. Một học sinh viết lời tự thú với hàng loạt câu hỏi: “Tại sao trường mình không có phòng thí nghiệm? Tại sao số tiết thực học trong trường lại khác số tiết "quảng cáo" trên hồ sơ? Tại sao trường đề ra mục tiêu giáo dục toàn diện mà lại chỉ tập trung cốt để thi đại học điểm cao? Tại sao học sinh phải nhồi nhét cả vạn thứ "đáng nhớ" mà không ai dạy chúng những điều thiết thực trong cuộc sống? Phải chăng tệ nạn gia tăng ở giới trẻ là do nhà trường chú trọng hoàn toàn vào trí tuệ (mà không chắc đã hiệu quả) rồi bỏ quên tâm hồn học sinh?”.

Một số học sinh cũng phàn nàn về công tác quản lý của trường như “thấy trường mình có nhiều bạn nhuộm tóc “sành điệu” mà sao không bị coi là vi phạm nội quy nhỉ?”, hay các em cũng thẳng thắn phê phán cơ sở vật chất nhà trường: “Nhà vệ sinh của trường dạo này thế nào rồi? Hồi mình học, nhà vệ sinh bẩn không tả được, chả bao giờ có giấy lại lắm muỗi. Mong nhà trường tu sửa nhà vệ sinh”…

Những lời “tự thú” như thế không chỉ giúp các bạn trẻ bớt đi áp lực khi được nói ra và nghe quan điểm của các bạn khác về cùng một vấn đề. Từ đó các em có cái nhìn đa chiều hơn. Không chỉ có học sinh mà nhiều giáo viên cũng tham gia vào confession để lắng nghe ý kiến của các em. Lúc này, confession đã trở thành nơi để mọi người lắng nghe ý kiến một cách khách quan, công bằng để cải thiện vấn đề.

Đỗ Trung Anh, học sinh lớp lớp 10 Sinh, trường THPT Chu Văn An cho biết: “Em thích vào trang confession của các cựu học sinh để đọc tâm sự cùng những kỷ niệm sâu sắc, nhân văn của các anh chị khi ở tuổi học trò. Em học được khá nhiều điều từ những câu chuyện đó. Em biết, trường em cũng có nhiều giáo viên đăng tải những tâm sự của mình với học sinh”.



Vô vàn điều nhảm nhí
Tuy nhiên, những lời “thú nhận” như trên không nhiều. Các trang confession thiếu vắng những lời tâm sự, chia sẻ về việc học tập, xây dựng trường lớp, các vấn đề trong xã hội hoặc những câu chuyện nhân văn. Ngược lại, các trang này ngập tràn những lời thú nhận với nội dung nhảm nhí bởi người viết giấu mặt nên họ thoải mái nói những gì mình nghĩ, thậm chí là bịa đặt.

Đa số lời tự thú được đăng là những lời tỏ tình dấu tên như: “Mình là một học sinh khối 10. Hôm nay mình biết đến page này và mình muốn nói là mình thích Xù Mocha học lớp 10D2, tớ đã thích cậu ngay từ cái nhìn đầu tiên trông thấy cậu cười rất đáng yêu nữa. Nhưng tớ không dám làm quen vì cậu đã có người yêu. Tớ chỉ dám nhìn cậu từ xa và mong cậu sẽ hạnh phúc. Tớ thích cậu lắm! Mong một ngày sẽ được nói chuyện với cậu”. Những lời tán tỉnh nhiều đến mức nhiều người phải thốt lên: “Cái trang web này lập ra để tỏ tình à, dừng ngay cái chuyện đó lại!”

Tại các trang confession của một số trường chuyên, học sinh ngoan, cộng thêm người quản trị có sự chọn lọc cẩn thận thì những lời tự thú thiếu văn hóa không tồn tại. Tuy nhiên, một số trường khác, các em học sinh lập tới vài trang confession khác nhau. Nội dung những trang này không được quản lý tốt. Mặt khác dù có quản lý tốt thì cũng không thể kiểm định được độ chính xác của thông tin. Vì thế, nhiều bạn trẻ giấu mặt, lấy bạn khác ra để trêu trọc “hội đồng”. Thậm chí, nhiều học sinh nghịch ngợm còn giả danh cả thầy cô giáo với những phát ngôn rất thô tục. Vì vậy, có thành viên đã kết luận: “Confession là nơi để những câu thăng hoa, những câu tỏ tình lãng mạn hay là nơi để những người bạn không tốt nói xấu nhau?”

“Tự thú” có thể coi là cơ chế phòng vệ của giới trẻ đối với những sự việc mà họ không thể giải quyết được trên thực tế. Mặt khác nó cũng là cách tiêu khiển, giải trí. Tuy nhiên, Facebook dù sao vẫn chỉ là thế giới ảo, thế giới thật bao giờ cũng hơn. Nhiều bạn trẻ lãng phí quá nhiều thời gian để đọc tâm sự của các bạn khác hay cố nghĩ ra lời tự thú nào đó thật dí dỏm. Điều này giảm bớt thời gian dành cho học tập, tham gia các hoạt động thực tế.

Theo những người “sành” về mạng xã hội, trào lưu confession thực chất không mới, nó đã tồn tại từ lâu ở trong cộng đồng mạng các nước phương Tây. Trên thế giới, có không ít những người thiếu ý thức nên đã “làm bẩn” trên trang confession, gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tập thể. Một số trường đại học học như San Franscisco đã phải ra lệnh cấm sử dụng biểu tượng, hình ảnh mô hình trường vì sợ những câu chuyện thêu dệt bôi xấu hình ảnh của trường cũng như sinh viên nhà trường.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top