Thế này mọi người sẽ an tâm hơn chăng???

hatovica

Member
"Trị tội" xe buýt

Người dân đã truyền cho nhau kinh nghiệm: nhìn thấy xe buýt thì tốt nhất tránh xa. Ai từng một lần bị xe buýt ép nhảy lên vỉa hè hút chết cũng tự hỏi “ai giữ chân xe buýt”. Công an? Không! “Khắc tinh” của họ là sự dõi theo của phòng kiểm tra giám sát...

Thông báo trực ban

9h38, xe tuyến 17 biển số 4913: khách đang lên, xe đã lăn bánh. 17h53, xe 7990 bỏ điểm dừng ở dốc Tân Âp. 16h20, trên xe 3191, nhân viên bán vé không đeo thẻ. Xe 8221 mở hết cửa kính khi đang trên đường về Nhổn lúc 15h15. 9h51, xe 5484, bán vé đi dép lê khi làm nhiệm vụ... Đây là một số thông tin trong bản “Thông báo nhanh những trường hợp vi phạm” của phòng kiểm tra giám sát (Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội) ngày 14/11/2004. Theo đó, hai trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản tại trận, đề nghị xí nghiệp nhắc nhở chín vụ!

Sáng nào cũng vậy, cứ đầu giờ làm việc một bản thông báo như trên sẽ được phòng kiểm tra giám sát fax cho các xí nghiệp xe buýt thành viên để xử lý cán bộ - lái xe. Đó là kết quả công việc “tuần tiễu” của mấy chục “con mắt vàng” ngày hôm trước. Báo cáo ra rất đều đặn, ngày nào cũng có gần chục trường hợp bị xử lý nên phòng kiểm tra giám sát được cánh tài xế và nhân viên bán vé xe buýt thủ đô đặt tên là “sát thủ”.



Lúc nào cũng đi hai người, theo cơ chế hiện hành, nhân viên phòng kiểm tra giám sát có quyền yêu cầu lái, phụ xe buýt chấp hành mọi biện pháp kiểm tra. Gặp sai phạm, biên bản được lập, chỉ cần hai nhân viên giám sát tự nhận định và ký, nhân viên bán vé hoặc lái xe tùy lỗi vi phạm có thể sẽ bị… đuổi việc ngay lập tức. Nếu được nhìn những file hồ sơ vi phạm lưu trữ ngồn ngộn tại phòng kiểm tra giám sát, những ai từng hú vía vì xe buýt sẽ tìm được cảm giác yên tâm hơn.



Đội quân “chìm - nổi”



3h30 sáng. Hôm nay đến phiên kiểm tra đầu tuyến, anh Lương Ngọc Khang phải đặt chuông đồng hồ reo. Dậy, mặc đồng phục nhanh để ra phố vào 4g, những buổi đi làm tinh mơ thế này không phải hiếm đối với những người làm nhiệm vụ “cầm chân” cánh lái, phụ xe buýt. Với hơn 7.000 lượt chạy một ngày, đa số xe chấp hành tốt kỷ luật nhưng nói gì thì nói, cứ thả lỏng sẽ không thiếu lái, phụ xe buýt “có vấn đề”.



Vì vậy, lái xe bắt đầu công việc lúc nào, nhân viên phòng kiểm tra giám sát cũng phải chia ca giống hệt thế. Trước đây, khi đi làm anh Khang không được mặc đồng phục vì nằm trong đội “chìm”. Sau gần ba năm anh chuyển qua đội “nổi”. Sở dĩ phải chia ra hai dạng nhân viên như thế, theo trưởng phòng Nguyễn Công Nhật, là để cánh lái, phụ xe luôn có cảm giác bị giám sát, nhưng không thể biết là ai để tránh bị đưa vào “vòng ngắm”.



Anh Khang có thể là nhân viên “nổi” ở tuyến này nhưng sang tuyến khác anh lại là quân “chìm”. Với những vi phạm nhỏ, thường nhân viên “chìm” gọi cho quân “nổi” lên xử lý. Chính vì những biện pháp phong phú như vậy nên rất nhiều cách đối phó của giới lái và phụ xe trước đây đã bị “bắt bài” và vô hiệu hóa.



Song, tuy nổi hay chìm, công việc của nhân viên kiểm tra giám sát là làm sao phát hiện tới hơn… 100 lỗi của lái, phụ xe buýt mà họ đã thống kê được. Từ không mặc đồng phục, chạy chậm đón trả khách đến các lỗi mà dư luận rất bức xúc như nhân viên bán vé chửi bậy, cằn nhằn thu tiền không đưa vé…



Tất cả đều có chế tài nghiêm khắc. Nhẹ nhất: nhắc nhở; nặng hơn: phạt tiền; và nếu phạm vào lỗi thuộc dạng ăn cắp doanh thu thì biên bản của nhân viên giám sát coi như là một thông báo buộc thôi việc! Theo giới lái xe, bị giám sát bắt được tội đi ẩu thì vô cùng nghiệt ngã. Đỗ sai điểm dừng: phạt 200.000đ, bỏ điểm đỗ: 300.000đ...



Lương theo chế độ ngạch bậc nhà nước, phần quan trọng trong thu nhập của lái xe buýt hiện nay (từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng) là tiền chất lượng dịch vụ. Nếu làm giảm chất lượng dịch vụ, họ có thể không được hưởng số tiền kia. Bị đánh vào túi cơm cộng những con mắt ngầm luôn dõi theo nên không khí trên xe buýt ở Hà Nội đã bớt “nóng”, tình trạng chạy ẩu, gây tai nạn được giảm thiểu. Những pha coi khách như… rơm rác của nhân viên nhà xe cũng cơ bản không còn.



Đụng độ



Cách đây chưa lâu, anh Hoa Văn Thức và một đồng đội mua vé bình thường để bám theo chuyến xe buýt xuống khu vực Mai Động. Nhân viên xe 29N… thu tiền nhưng… không phát vé. Theo đúng tinh thần “lạnh” nổi tiếng của giới giám sát xe buýt Hà Nội, anh Thức đứng dậy rút biên bản: “Anh đã ăn cắp doanh thu của công ty”.



Chiếu theo đó, nhân viên kia chắc chắn bị đuổi việc. Biết rõ độ rắn tay của giới giám sát, nhân viên bán vé thay vì xin đã gằn giọng. Anh ta huy động kiểu gì mà ngay lúc ôtô chưa kịp về bến, bốn thanh niên cởi trần tay cầm dao ngồi trên hai xe máy đã kẹp chặt hai cánh cửa xe buýt. “Anh cứ cầm biên bản xuống xe là em bảo chúng nó chém”… Lâm vào tình huống này, anh Thức phải tính đến nước cuối cùng: đóng chặt cửa xe, cầu viện binh từ công ty và gọi cảnh sát hỗ trợ. Rất may mọi chuyện êm đẹp, anh về trụ sở mà không bị… chảy máu.



Khác với taxi, chưa có chuyện giám sát chặn đầu xe mà tài xế vẫn… nhấn ga phóng tới, tuy vậy, không ít trường hợp căng thẳng đã xảy ra với những người làm nghề giám sát xe buýt, nhẹ là những lời đe dọa: “Tao bị đuổi việc thì cũng xin mày cái tai”...



Đã có nhân viên khi bị lập biên bản tức khí xông ngay vào “quyết chiến” với giám sát. Rất may từ khi tuyển vào, nhân viên kiểm tra giám sát đã phải “có nghề”, sau này lại thường xuyên được huấn luyện nên chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Từ năm 2000, hơn 200 lái, phụ xe phạm lỗi đã bị Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội đuổi việc.



Theo các nhân viên phòng kiểm tra giám sát, ngoài những trường hợp trên, có lái xe xin xỏ không được đành chấp nhận ký vào biên bản, nhưng họ rất buồn, có người chỉ buông một câu: “Thế là vợ con mất nhờ”… Chính sự rắn tay đó mà xe buýt Hà Nội đã trật tự hơn.



Va chạm với người nhà đã khó, đội ngũ kiểm tra giám sát còn phải góp phần bảo đảm an ninh trên xe. Nên mới có những tin trên báo kiểu: “Ngày... có hai thanh niên không mua vé, rút dao chém nhân viên xe buýt ngay khi bị mời xuống. Đã bắt giao công an phường xử lý”. Đó là những vụ bắt nóng do nhân viên kiểm tra giám sát trực tiếp thực hiện ngay khi đối tượng giở thói côn đồ.



Theo Công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Hà Nội, chuyện hành khách lên xe nhưng “không thích” mua vé là vấn đề mãi còn “vương vấn” tại một số tuyến đi qua khu vực ngoại thành. Khi xin không được thì “cay” rồi cậy gần nhà “oánh” liền. Không phải một lần nhân viên bán vé đã bị đánh tới trọng thương. Tình trạng này đè nặng lên vai đội ngũ kiểm tra giám sát.



Khi tôi đang ngồi ở “đại bản doanh” xe buýt Hà Nội (32 Nguyễn Công Trứ), có tin báo về: một hành khách đang dọa nhân viên bán vé. Với chủ trương “làm mạnh tay”, lập tức một nhóm giám sát được cử đi. Họ lặng lẽ áp sát xe buýt. Nghiệp vụ cao của giới giám sát đã khiến mấy “thượng đế liều” bị tóm gọn khi vừa giở thói “anh hùng mạt vận”. Sáu trường hợp móc túi trên tuyến 32 cũng vừa bị phòng kiểm tra giám sát phục bắt.



Khác với cảnh sát hình sự, nhưng người giám sát xe buýt cũng phải theo dõi, tìm qui luật hoạt động của bọn lưu manh phá hoại xe buýt và ra tay bắt nóng ngay. T. - một nhân viên giám sát chìm - nói: “Nghề này khá mệt nhưng nhiều lúc vui vì được hành khách vỗ tay khen rầm rầm”.



Chắc chắn sẽ còn vui hơn nữa nếu chế độ “biên bản chế” của nhân viên giám sát “giữ chân” được giới tài xế chặt hơn để xe buýt thật sự là “xe vua”- với ý nghĩa phương tiện chủ đạo trên đường phố tránh giao thông lộn xộn, chứ không phải nỗi kinh hoàng di động như bấy lâu nay.


Theo Tuổi Trẻ
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top