Suy nghĩ từ một cuốn sách

lion

Moderator
Staff member
Mấy ngày qua, bạn đọc, giới truyền thông và cả một số chuyên gia ngôn ngữ đã trao đổi nhiều ý kiến xung quanh cuốn sách thành ngữ bằng tranh của NXB Mỹ thuật và Nhã Nam "Sát thủ đầu mưng mủ".

Nói chuyện liên kết xuất bản, chuyện hiệu ứng ngược sau khi có lệnh ngừng phát hành… không còn là chuyện mới. Có một vấn đề khác cũng rất cần được nói tới là thái độ và cách ứng xử phù hợp của phụ huynh trước những cuốn sách với đề tài, nội dung vô cùng phong phú hôm nay.


Thực tế xuất bản

Cuốn thành ngữ bằng tranh gây xôn xao nói trên là tập hợp những câu nói cửa miệng của tuổi 15+, trong đó có nhiều câu khá phổ biến trong giới teen. Đó là một chuyển động có thật trong sự biến đổi của ngôn ngữ tiếng Việt hôm nay mà một nhà báo từng đề cập trong loạt bài "Tiếng ta trôi". PGS.TS Phạm Văn Tình trả lời trên báo chí cho rằng có nhiều sáng tạo, nhìn nhận của giới trẻ hôm nay thể hiện trong cuốn sách này và cần phải lắng nghe giới trẻ. Còn đại diện Nhã Nam thì khẳng định trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân gian cũng có nhiều câu nói "gây sốc"… Cục Xuất bản gửi công văn cho NXB với tinh thần "đúng Luật Xuất bản, yêu cầu đơn vị giải trình, nộp lưu chiểu"…

Nghĩa là cũng có những ý kiến trái chiều. Và đương nhiên sau lệnh ngừng phát hành của NXB với đối tác, tình trạng tò mò, "mua vét" tác phẩm đã xảy ra.

Có một thực tế rõ ràng, nếu tác phẩm này ở dạng một công trình nghiên cứu, hoặc có ý kiến phân tích, nhận định mang tính định hướng của chuyên gia ở đầu sách, chắc hẳn chuyện chả xôn xao quá mức như thế. Chưa kể, Nhã Nam cũng là một đơn vị liên kết với nhiều đầu sách có uy tín gần đây. Vấn đề vẫn là phải thực hiện đúng luật (nộp lưu chiểu, in sách đúng nội dung giấy phép) và hơn cả là NXB phải kiểm soát được tác phẩm mà mình cấp giấy phép để có những điều chỉnh kịp thời trước khi ấn hành.

Nhưng, Luật Xuất bản hiện đang chuẩn bị sửa đổi. Thực tế xuất bản thì không ngừng nảy sinh những vấn đề mới. Trong đó, phần lớn sách của các NXB hiện nay là do đối tác liên kết thực hiện. Có thể, sẽ có không ít sách dành cho tuổi thiếu niên, nhi đồng đã không thực hiện theo đúng giấy phép, thậm chí không được NXB thẩm định kỹ về nội dung, trở thành những tác phẩm chưa hoàn thiện, hoặc dính nhiều lỗi. Đã đến tay bạn đọc rồi, thật khó điều chỉnh, mà nếu tới mức phải thu hồi thì lại gây hiệu ứng ngược. Phụ huynh phải làm gì?

Đọc cùng con

Nhà báo, nhà văn Phong Điệp đã có lần chia sẻ với Hànộimới về việc chị phải biên tập trực tiếp khi đọc sách cho con, bởi có nhiều lỗi ngớ ngẩn về cả ngôn ngữ lẫn logic. Những cuốn sách ấy không hề "bị cấm", nó lặng lẽ đến với nhiều bạn đọc nhỏ. Nhà báo Đặng Thủy (báo Người Hà Nội) cũng bày tỏ: Nhiều NXB uy tín vẫn để lọt không ít lỗi ngôn ngữ trong những bộ sách tranh truyện cho trẻ nhỏ.

Nhưng đối tượng thiếu nhi thì còn đọc, sửa được, chứ với bạn đọc tuổi 13-15 thì cha mẹ không thể kè kè bên cạnh mà kiểm soát. Chưa kể thái độ nhìn nhận của phụ huynh và bạn đọc lứa tuổi này có độ "chênh" nhất định. Vui một tí, oánh nhau một tí, mơ mộng, tưởng tượng một tí là "món" khoái khẩu để giải trí của "teen", nhưng với nhiều phụ huynh thì đó là sách "nhảm nhí, vô bổ" hoặc ít ra là không được khuyến khích đọc. Lệnh cấm của phụ huynh ban ra đôi khi cũng bị hiệu ứng ngược. Nghĩa là trùm chăn bấm đèn pin đọc, mượn bạn bè, rồi thì qua internet…

Mới đây, NXB Văn học và Quảng Văn giới thiệu một cuốn sách về giáo dục gia đình của nữ chuyên gia Doãn Kiến Lợi (Trung Quốc), với tên gọi "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt". Bà cho rằng: "Trong vấn đề đọc cái gì, bố mẹ vừa phải định hướng cho trẻ, đồng thời cũng phải tôn trọng sở thích của trẻ, với mục đích chính là gợi hứng thú đọc sách cho trẻ… Nhiều gia đình chỉ chăm chăm cho con đọc những sách đoạt Giải Nobel, khiến trẻ mệt mỏi, mất dần ham thích đọc sách".

Doãn Kiến Lợi cũng kể một câu chuyện về một phụ huynh khác cấm không cho cậu con trai cấp hai của mình đọc tiểu thuyết của một số nhà văn trẻ Trung Quốc hiện nay. Nhưng thực tế chị chưa bao giờ đọc những tác phẩm này. Kết quả là hai mẹ con luôn tranh cãi nhau, và những sách chị giới thiệu thì con không đọc, những sách chị cấm thì con đọc trộm. Kiến nghị cuối cùng của Doãn Kiến Lợi là "Bố mẹ rất ít đọc sách thì không nên tùy tiện chỉ đạo việc đọc sách của trẻ".

Rõ ràng, nhìn nhận khách quan, đọc những cuốn sách mà con cái đọc là cách tốt nhất để cùng con trao đổi, kịp thời xử lý những "sự cố" của cả sách lẫn nhận thức người đọc. Doraemon - một hiện tượng của làng xuất bản Việt Nam cũng từng xảy ra tình trạng một số phụ huynh "mê" không kém con và nhiều phụ huynh thì đùng đùng phản đối. Nhưng chắc chắn những ai đọc Doraemon cùng con sẽ có nhiều cơ hội đối thoại, điều chỉnh hành vi của con hơn. Trong một bộ phim về gia đình của điện ảnh Mỹ, có một câu nói của người con trai 16 tuổi khiến người mẹ phải bất ngờ và thay đổi quyết định cho cuộc sống của mình là "Con sẽ làm theo yêu cầu của mẹ, nếu mẹ nói cho con đúng tên cuốn sách mà con đang đọc".

Cuối cùng xin kể câu chuyện về nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Chị đang sinh sống và làm việc tại Philippines. Khi gửi cậu con trai vào trường quốc tế ở đây, chị cùng các phụ huynh đã sáng lập CLB cùng con đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng bản ngữ. Nghĩa là người nước nào thì đọc sách bằng tiếng nước ấy. Cách làm này để giúp con yêu tiếng nói của đất nước mình, để biết con đang đọc gì, nghĩ gì và để điều chỉnh kịp thời suy nghĩ, lối sống của con.

Hy vọng, chuyện dông dài từ một cuốn sách có "sự cố" sẽ nói được với bạn đọc một điều gì đấy có ích, dù nhỏ.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top