Nhạc cụ dân tộc !

vichia

Active Member
( Tổng hợp từ nhiều nguồn )

Ngay từ thời cổ cư dân ở Việt Nam đã rất say mê âm nhạc. Đối với họ âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Bởi vậy trong quá trình phát triển lịch sử cư dân ở đây đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, để có thêm sự phấn chấn và sức mạnh trong lao động, trong chiến đấu, để giáo dục cho con cháu truyền thống của ông cha, đạo lý làm người, để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng và để bay lên với những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai...
Trải qua bao biến thiên, ngày nay tại Việt Nam còn lưu giữ một kho nhạc khí đủ loại từ những dạng đơn sơ nhất cho tới những dạng có sự phát triển khá cao với những kỹ thuật diễn tấu tinh tế.
Tại đây ta có thể nghe những điệu hát ru, những bài đồng dao của trẻ nhỏ, những thể loại ca nhạc trong các nghi thức cúng lễ hoặc dùng trong việc giao tiếp giữa các thành viên cộng đồng, trong lao động, trong vui chơi giải trí với những thể hát đố, hát đối đáp thi tài của trai gái, những điệu hát khi chơi bài hoặc khi kể những áng trường ca, những câu ca tiếng đàn của những người hát rong, của các ban "tài tử" cùng những thể loại ca kịch truyền thống...
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Điệu hát ru Việt khác ru Mường, ru Thái, ru Tây Nguyên... Có tộc dùng lời ca tiếng hát để đưa trẻ vào giấc ngủ. Có tộc lại ru con bằng tiếng đàn, tiếng sáo êm ái.
Xưa kia âm nhạc cổ truyền đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Ngày nay nó vẫn giữ một vị trí đáng kể trong xã hội. Một số thể loại ca nhạc vẫn tồn tại trong cuộc sống dân dã. Một số khác đã bước lên sân khấu, tiếp tục làm đẹp cho đời và phát huy tác dụng trong cuộc sống mới.

- Đàn bầu
- Đàn cò
- Đàn nguyệt
- Đàn tranh
- Đàn T'' rưng
- Đàn Tỳ bà
- Sáo Trúc
- Tam Thập Lục
- Klông Pút
- Đàn Sến
- Coang tác
- Đàn đá
 

vichia

Active Member
1. Đàn bầu

Trong kho tàng văn hoá âm nhạc dân tộc Việt Nam, đàn bầu được coi là nhạc cụ độc đáo và hấp dẫn nhất. Tiếng đàn du dương, trầm lắng khiến ai đã nghe một lần thì thật khó quên. Chẳng thế mà các cụ ngày xưa đã kín đáo nhắn nhủ: "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu"
"Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha. Ngân nga em hát, tích tịch tình tang"
Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hoà quện với tấm lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Điều gì đã kiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến như vậy?
Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn bầu trong kho tàng văn hoá dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời nhà Lý, đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy nhạc cụ này chỉ được dùng để đệm cho những người hát xẩm. Thời gian qua đi cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm từ những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Đỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm đàn Bầu nói "cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguông từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh, Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre họ lấy dây rừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng". Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì cây đàn bầu đã gắn bó với làng quê con người Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết.
Cái độc đáo ở đây là cây đàn cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh cũng mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người ưa thích.
Để có được cây đàn như ý, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "Mặt ngô thành trắc", có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung, còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn được lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ. Từ những chất liệu hết sức giản dị ấy gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Thước đã cho ra đời bao đứa con tinh thần này. Sinh trưởng trong gia đình ba đời đều làm nhạc cụ dân tộc, năm 1953 bác Thước đượ ông ngoại và cậu truyền cho nghề này. Đến nay khi đã nghỉ hưu, bác lại cùng vợ con chế tạo nên những chiếc đàn cao cấp chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ chơi đàn trong các đoàn nghệ thuật. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề cấu tạo cây đàn. Người thì cho rằng nên kéo dài đàn ra để có được tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn bầu thành hai dây (một cao, một thấp), hai cần và mở to thùng đàn ra, nhưng cuối cùng tất cả đều không phù hợp. Việc dùng vòi đàn để căng dây lên hoặc hạ chùng dây xuống đã tạo ra nhiều âm thanh và cao độ khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thới gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong. Đàn còn được trang trí nhiều hoa văn hoặc khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam. Ngày nay người ta thường có xu hướng thay thế đàn gỗ bằng đàn điện, kéo dài và làm mỏng thân đàn để tạo âm trường và tiếng vang hơn.
Đàn Bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu của nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ. Nghệ sĩ đàn Bầu Kim Thành cho biết, hiện anh còn giữ chiếc đàn bầu có tuổi thọ 70 năm của nghệ sĩ Bá Sách để lại. Chơi đàn dân tốc không phải là một nghề đem lại sự giàu có, nhưng với anh đó là niềm đam mê từ khi còn là đứa trẻ. Đến nay đã 32 năm trong nghề, bằng lối chơi đầy sáng tạo qua mỗi lần biểu diễ, anh đã khiến người nghe say mê. Anh cho biết "năm 1994, tôi được mời đến nước Anh biểu diễn cho nữ hoàng Elizabeth tại nhà hát Hoàng Gia. Buổi biểu diễn rất thành công. Sau đó tôi được mời ở lại định cư tại đất nước này. Nhưng tôi không thể rời bỏ được tổ quốc và gia đình ruột thịt của mình. Đến năm 1995 một lần nữa nữ hoàng Anh lại mời tôi sang biểu diễn. Đây thật là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Không chỉ mình tôi, đến nay chúng ta đã có rất nhiều tài năng trẻ chơ đàn Bầu đang được cả nước và thế giới biết đến như Hoàng Tú, Huỳnh Tú..."
Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến Việt Nam, nhiều khác nước ngoài đã cây đàn bầu như một biểu tượng của Việt Nam "Đất nước đàn Bầu". "Quê hương đàn Bầu". Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú".
 

vichia

Active Member
2. Đàn Cò (Đàn Nhị)

Cây đờn cò (nhị) đã có mặt trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam từ lâu đời, đã trở nên thân quen và gần gũi với mọi người dân Việt Nam, nó được trân trọng quí báu như cổ vật gia bảo. Đờn cò đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng và đắc lực không thể thiếu trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay.
Người Sài Gòn gọi là "đàn cò" vì hình dáng giống như con cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ cò- Cần đờn như cổ cò - thân đờn như con cò - tiến đờn nghe lảnh lót như tiếng cò. Trong các dàn nhạc phường bát âm, ngũ âm, nhã nhạc, chầu văn, sắc bùa, nhặc tài tử, cải lương dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dân ca... đều có đờn cò

3. Đàn Nguyệt (đàn kìm )

Đàn nguyệt được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ XI, cho tới nay nó vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt và là nhạc cụ chủ yếu dành cho nam giới.
Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại.
Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú- khi thì sôi nổi ròn rã, lúc lại nỉ non sâu lắng, do đó đàn nguyệt có mặt cả trong những cuộc hoà tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, những lễ tang bùi ngùi xúc động cũng như những cuộc hoà tấu thính phòng thanh nhã với những hình thức diễn tấu khác nhau: đệm cho hát, hoà tấu và độc tấu.

4.Đàn Tranh

Được hình thành trong ban nhạc từ thế kỷ XI đến thế kỷ thứ XIV. Thời Lý - Trần đờn tranh chỉ có độ 15 dây, nên bấy giờ gọi là "Thập ngũ huyền cầm" và được dùng trong ban "Đồng văn, nhã nhạc" (Đời Lê Thánh Tôn thế kỷ thứ XV). Sau này được dùng trong cả ban nhạc giáo phường. Thời Nguyễn (thế kỷ thứ XIX) được dùng trong ban "nhạc Huyền" hay "Huyền nhạc". Lúc bấy giờ được xử dụng với 16 dây nên được gọi là "Thập lục huyền cầm".
Hình dáng đờn dài, có 16 dây bằng kim loại. Mặt đờn nhô lên hình vòng cung. Từ trục đờn đến chỗ gắn dây đờn, khoảng giữa của mỗi dây đều có một con nhạn gọi là "Nhạn đờn" để tăng âm, lên dây đờn từ nửa cung đến một cung, khi đờn cần chuyền đổi dây, về sau này đờn tranh rất thông dụng được đứng thứ ba trong bộ tam tuyệt của dàn nhạc tài tử.
Vì đờn tranh được thiết kế theo hình thức nhiều dây, nên khi tấu nhạc, đờn tranh phát ra âm thanh đanh tiếng, sắt tiếng hơn khi tấu chữ, đờn thường là "song thanh", ví dụ khi hết một câu hay hết một đoạn nhạc, hoặc một láy đờn nào đó thường lặp lại một nốt, một chữ nhạc của láy đờn (hò - líu, xàng - xang, xề - xê...).

5. Đàn T''''rưng

Với người Tây Nguyên lời ca tiêng đàn luôn luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống. Đêm đêm quan ngọn lửa hồng dưới mái nhà rông người ta kể Khan, kể H''''mon và hát lên những làn điệu dân ca Jôn-jơ, đợi chờ, giã gạo...
Nói tới âm nhạc Tây Nguyên không thể không nhắc tới kho tàng nhạc khí hết sức phong phú với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau. Hầu hết các nhạc khí cổ thường dùng chất liệu sẵn có trong thiên nhiên như sáo, tiêu, goong rel, tù và, k''''lông pút và T''''rưng.
Đàn T''''rưng là một loại nhạc khí "thô" được chế tác từ những khúc gỗ bóc vỏ phơi khô hoặc những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý đem treo lên một cái giá đủ trở thành một cây đàn gõ "phím" cho một hoặc hai người diễn tấu bằng cách cầm những dùi tre gõ vào phím này.
Đàn T''''rưng thường được diễn tấu bên trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ hội truyền thống hay trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc người Banah, Jarai, Êđê...
T''''rưng có khả năng diễn tấu phong phú và đa dạng. Với nguồn âm thanh bất tận khi êm nhẹ theo giai điệu trữ tình của một khục hát giao duyên, khi hoà cùng dàn nhạc tấu lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ... Trong giao lưu văn hoá T''''rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại phụ hoạ theo tiếng hát rực lửa của những người con Tây Nguyên, nâng cánh cho những giọng ca vàng vang đến mọi nơi chốn xa xôi.
Là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên, âm thanh độc đáo của T''''rưng không chỉ lôi cuốn làm say đắm tâm hồn các dân tộc anh em trên đất Việt, mà còn ra khỏi biên giới ngân vang đến tận những vùng đất xa xôi và được các bạn bè khắp năm châu, bốn bể nhiệt tình đón nhận.
Trải qua quá trình sàng lọc với bao biến thiên của lịch sử, đàn T''''rưng đã và sẽ tồn tại mãi mãi cùng với các dân tộc Tây Nguyên và cộng đồng dân tộc Việt.
 

vichia

Active Member
6. Đàn Tỳ Bà

Tỳ Bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, Tỳ Bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa.
Người ta chế tác Tỳ Bà bằng gỗ Ngô Đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa.
Ở Việt Nam đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc .

"Tâm sự của cây đàn tỳ bà VN " - không rõ tác giả

Cùng chung một số phận với chị Đàn Tranh, mà chị càng ngày càng được muôn người ưa chuộng, bao nhiêu thiếu nữ xinh đẹp khắp ba miền Bắc, Trung, Nam nâng niu, chăm sóc, ôm trong tay, để trong tay, để trên đùi, còn tôi chỉ được một số ít nhạc sĩ miền Trung chiếu cố, toàn là những nhạc sư lớn tuổi của đàn Nhã Nhạc cung đình ngày xưa còn sống, hay những thầy dạy đàn Tỳ Bà, các cụ trang nghiêm có mặt trong đàn Ngũ Tuyệt của ca Huế.
Chúng tôi đã chịu thử thách của thời gian, hơn ngàn năm, đã nói được trung thực tiếng nhạc của dân Việt, chúng tôi mới sống sót đến ngày nay. Không phải như anh Đàn Cầm, cùng có mặt trong đàn Tiểu Nhạc do Lê Tắc ghi lại, sau nổi một thời dưới nhà Trần, nhờ có sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại sự kiện của nhạc sư Trấn Cụ, thông thạo Đàn Cầm và đã dạy cho Thái Tử biết Đàn Cầm và đá cầu. Nhưng rồi, có lẽ không nói được rõ ràng tiếng nói âm nhạc Việt, Đàn Cầm bị chìm trong quên lãng. Ngày nay, không còn thấy ai biết Đàn Cầm nữa.
Suốt đời nhà Trần, không nghe ai nhắc đến hai chị em tôi. Chúng tôi an phận trong đàn Tiểu Nhạc dùng trong dân gian. Qua đời nhà Lê, khi Lương Đăng quy định nhạc cung đình theo mẫu của nhạc nhà Minh, tôi còn có mặt trong đàn Đường Hạ chi nhạc. Hỏi thăm tìm chị Đàn Tranh, thì nghe nói chị không được ai tán thành cả. Cụ Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với Vua vì sao người đã từ chức không ở trong ban lo việc quy định Nhạc triều đình, nêu những cái sai của Lương Đăng. Những đại thần am hiểu âm nhạc như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận đều không tán thành những quy chế do Lương Đăng bày ra. Tôi ở trong đàn Đường Hạ chi nhạc mà có được ra mắt triều thần đâu.
Nhưng đến đời Hồng Đức (1470 – 1497), ba vị đại thần nói trên chế ra hai đội Đồng Văn và Nhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình, tôi được biết chị Đàn Tranh cũng như tôi được tuyển vào trong hai đội ấy. Nhưng các vị đại thần không muốn giữ tên "Tranh" hay "Tỳ Bà" là tên Trung Quốc, nên đặt cho tôi tên "Tứ Huyền Cầm" (đàn 4 dây), còn chị Đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là "Thập Ngũ Huyền Cầm".
Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578) hai đội Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo Phường trong dân gian thay thế. Lúc này, tôi bị bỏ quên và chị Đàn Tranh may mắn hơn tôi được sung vào đội Giáo Phường, góp mặt với Đàn Đáy, Đàn Trường cùng làm bằng cây tre dài 3 - 4 thước ta, do một bà lão nghệ nhân gõ để giữ nhịp, có trống yêu cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là quyển thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ phách, có cả sinh tiền. Khi đờn trong cung điện gọi là đi "hát cửa quyền" thì đội Giáo Phường có rất nhiều nhạc công đờn "cầm", tức là loại đàn dây, trong đó chị Đàn Tranh 15 dây được gọi trở lại bằng tên tộc của mình là Đàn Tranh. Vì còn nhiều trống ta, trống nhỏ, ống địch, hải loa...

Nhưng đến lúc cuối đời nhà Lê, chẳng biết ai đã tổ chức lại dàn nhạc trong cung đình, mà lại có một lần thay đổi lớn. Chị Đàn Tranh không còn có mặt trong Nhạc triều đình, mà người ta lại tuyển tôi vào để góp mặt với Đàn Nguyệt (lúc đó tôi nghe các nhạc công gọi là "Cái Đàn Sông Vận", Đàn Tam, Đàn Nhị, có hai cái sáo, một trống bản, một tam âm la và một sinh tiền.
Chúng tôi được gởi sang Trung Quốc để sung vào loại cửu tấu của nhà Thanh. Chúng tôi có gặp mấy nhà sử học của Trung Quốc đến hỏi thăm chúng tôi về tên các nhạc khí, xem xiêm y chúng tôi và ghi chép rõ ràng. Họ nói họ vâng lệnh triều đình ghi lại nhiều chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh, họ chép vào quyển Khâm Định đại than hội điển sự lệ.

Đến lúc vua Quang Trung thắng trận Đống Đa xong, gởi một phái đoàn hữu nghị sang chầu vua Càn Long, vua nhà Thanh phong cho vua Quang Trung tước An Nam Quốc Vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc chúng tôi là "An Nam Quốc Nhạc".
Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng lúc này. Trong triều đình các ông hoàng, bà chúa không ngại ôm tôi vào lòng. Tôi vừa có mặt trong dân gian, vừa được tham gia đàn Nhã Nhạc trong Đại Nội. Nhưng chị Đàn Tranh được nhiều người ưa chuộng hơn tôi. Các thiếu nữ, con nhà trâm anh thế phiệt đua nhau học Đàn Tranh. Mừng cho chị và cũng lo cho mình.
Tôi có theo cụ Trần Quang Thọ từ Trung di cư vào Nam, sanh con là Trần Quang Diệm, nổi tiếng là ông Năm Diệm, cũng chuyên đàn Tỳ Bà. Ông Năm đặt tên 4 dây của tôi là Tòng, Lan, Mai, Trúc đúng theo giọng Hò Xang, Xê Líu.
Hậu duệ của ông Năm là Trần Văn Khê, còn giữ cách đàn của ông, qua những buổi dạy truyền ngón của bà Ba Viện, con gái của ông Năm.
Tôi rất vui mừng khi biết rằng UNESCO trong năm 2003 đã ghi Nhã Nhạc tức Nhạc cung đình Huế vào danh sách các "Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại". Và tôi rất mong rằng người Việt hữu trách ngày nay, biết giữ gìn cái hay cái đẹp của thời xưa, và "phát huy" không có nghĩa là đổi mới bằng cách chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài của nhạc phương Tây mà quên cái tế nhị thầm kín bên trong của nhạc cổ Việt Nam.
 

vichia

Active Member
Có hứng viết tiếp rồi :D

7.Sáo trúc

Sáo trúc là tên gọi một nhạc cụ họ hơi, chi hơi vòm của dân tộc Việt. Đặc biệt rất được phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam.
Sáo được làm bằng một đoạn ống trúc, hoặc nứa có chiều dài 40 - 55 cm, đường kính 1,5 - 2 cm. Ở phía đầu ống có một lỗ hình bầu dục đó là lỗ thổi. Trong lòng ngay gần lỗ thổi được chặn bằng một mẩu nút bấc hoặc gỗ mềm để điều chỉnh độ cao thấp khi cần thết. Thẳng hàng với lỗ thổi có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm thứ nhất cách lỗ thổi 12 cm, các lỗ bấm còn lại cách đều nhau (1 cm). Mở dần các ngón ở 6 lỗ bấm ta sẽ có các âm Do1, Rê1, Mi1, Fa1, Sol1, La1, Si1, Do2. Phía sau cuối ống sáo có một lỗ không bấm là lỗ định âm.
Khi thổi sáo, thân sáo đặt ngang sang bên phải, miệng đặt lên lỗ thổi. Người thổi sáo có thể điều chỉnh luồng hơi (rót hơi yếu đường hơi đi từ từ và yếu, rót hơi mạnh đường hơi đi nhanh và mạnh). Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc chèo, hát văn, tiểu nhạc.
Khoảng cuối thập kỷ 70 nghệ sĩ Đinh Thìn và Ngô Nam đã cải tiến cây sáo 6 lỗ thành sáo 10 lỗ để mở rộng âm vực, cho các nghệ sỹ chơi những tác phẩm tương đối dễ dàng hơn như "Tiếng gọi mùa xuân" của Đinh Thìn, "Tình quê" của Hoàng Đạm, "Tiếng sáo bản Mèo" của Ngọc Phan v,v...




8. Đàn Tam Thập Lục

Là nhạc khí dây, chi gõ của dân tộc Việt. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục.
Đàn Tam thập lục hình thang cân, mặt đàn hơi phồng lên ở giữa, làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng, trên mặt đàn đặt so le hai hàng ngựa, mỗi hàng 18 ngựa. Cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây, bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí. Que đàn được làm bằng hai thanh tre mỏng, dẻo, ở đầu được quấn dạ để tiếng đàn được êm. Âm thanh đàn Tam thập lục trong sáng, thánh thót, rộn rã.
Âm vực đàn Tam thập lục tương đối rộng. Từ âm trầm nhất đến âm cao nhất trên hai quãng 8, được mắc theo gam nguyên.
- Khoảng âm dưới: Tiếng đàn ấm áp, khá vang.
- Khoảng âm giữa: Tiếng đàn đầy đặn, trong.
- Khoảng âm cao nhất: Tiếng đàn sắc, gọn.
Khi biểu diễn nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra các ngón như: Ngón rung, ngón vê, ngón bịt, ngón á, đánh cồng âm, hợp âm...
Đàn Tam thập lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
 

vichia

Active Member
Nói về đàn tam thập lục - Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Ở Sài Gòn trước năm 1975, những người thích đi ăn nhà hàng Tàu trong Chợ Lớn đôi khi được nghe nhạc Trung Hoa từ những dàn nhạc nhỏ, qua đó họ gặp một nhạc cụ nhiều dây, tạo âm thanh do đôi que gõ vào dây. Sau năm 1975, trong một số dàn nhạc dân tộc cải biên, của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, người ta thấy cây đàn này xuất hiện, chiếm vị trí giữa dàn nhạc … Đàn có tên là “tam thập lục”, nó có thể tham gia trong các dàn nhạc dân tộc nhưng ít thấy độc tấu hay trình diễn nhiều thể loại âm nhạc như những nhạc cụ khác.

Đàn tam thập lục chỉ gia nhập vào hệ nhạc khí của dân tộc ta từ những năm 60 thế kỷ XX. Cây đàn thuộc họ dây (cordiophone) và có những sợi dây mắc song song với mặt đàn nên thuộc “gia đình cithare”. Hộp đàn hình thang, với rất nhiều dây được mắc song song theo chiều ngang của mặt đàn. Tuy gọi là tam thập lục, tức ba muơi sáu dây nhưng số dây thực sự nhiều hơn rất nhiều, đó là do mỗi một âm thanh, một bậc âm người ta gắn từ 2 đến 3 sợi dây đàn và nó được định âm do những con lăn (con nhạn) và sự căng dây.

Người chơi đàn có thể gõ lên những sợi dây bằng đôi que đàn bằng tre có đính phần nỉ ở đầu, mà người ta gọi là búa. Đôi khi người ta còn chơi bằng cách gẩy, búng, bốc bằng ngón tay, gẩy bằng đuôi que v.v… nhưng lối gõ bằng “búa” là thông dụng nhất. Do vậy, đàn tam thập lục thuộc họ dây – gõ.

I. Nguồn gốc đàn tam thập lục
Về nguồn gốc, đàn tam thập lục còn gọi là Dương cầm, theo phiên âm từ tiếng Trung hoa (yang - qin). Theo nghĩa từ nguyên Trung Hoa, “Dương” có nghĩa là từ ở ngoài, nước ngoài. Như vậy cho thấy, đàn tam thập lục từ nước ngoài đưa vào Trung Hoa.
Đến thế kỷ thứ 15 mới thấy có những tài liệu chính thức nghiên cứu, ghi chép về những cây đàn có dạng như vậy, hình ảnh được khắc trên ngà voi, được chế tác vào khoảng thế kỷ thứ XII và có gốc Ba Tư. Những cây đàn dạng này rất phổ biến ở khu vực các nước Trung Á và được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Ngoài ra nó còn được phổ biến ở các nước phương Tây thời Trung cổ.

Đến thế kỷ XVIII nó được truyền vào Triều Tiên và tiếp tục vào Trung Hoa, Nhật Bản. Ở mỗi nước các cây đàn này có tên gọi khác nhau : ví dụ như ở Ba Tư nó có tên là Santur, hoặc những tên khác như Santari, Santuri, Santir, Suntur. Ở Syrie, Arab nó có tên là “Qanun”. Ở Trung Quốc nó có tên là yang - qin, Mông cổ là Yoochir, Nhật là Yan kin, Triều Tiên là Yanggum, Thái Lan là Kim … các nước Trung Á gọi là Yenjing , các nước phương tây gọi là Cymbalom v.v…

II. Đàn tam thập lục ở Việt Nam


Có thể nói, dân ca là thể tài được các nhạc sĩ quan tâm trước nhất để chuyển soạn cho cây đàn tam thập lục diễn tấu ở Việt Nam. Đàn tam thập lục không có phím để bấm, cũng không thể dùng tay trái nhấn, rung, mổ luyến láy như những nhạc cụ dân tộc Việt nên nhiều nhạc sĩ khi chuyển soạn rất thận trọng chọn lựa tác phẩm dân ca.. Với những bài Lý (dân ca), cây đàn tam thập lục sẽ làm nổi bật hơn âm điệu trong sáng, vui tươi, nhất là dân ca Nam Bộ.
Dân ca ở các vùng khác như Quan họ Bắc Ninh, dân ca các dân tộc thiểu số … cũng được biên soạn với những kỹ thuật đơn giản, những nét luyến láy sẽ được thay bằng những nốt nhỏ đánh nhanh dẫn vào nốt chính để tạo cảm giác luyến. Ngoài việc dựa vào những kỹ thuật và những đặc điểm riêng của cây đàn, ví dụ như hệ thống dây đàn tam thập lục là theo thang âm bình quân (thang âm có 12 bán âm đều nhau), đàn tam thập lục có thể đi song thanh, song thanh lệch, tạo ra những câu nhạc chạy liền tiếng rất nhanh thay cho những nét nhấn nhá, luyến láy. Các nhạc sĩ cũng thích chuyển đổi hệ thống thang âm, viết lại với những giọng có dấu hóa để có thể luyến bằng những nốt nhỏ cao độ bán âm v.v… để có thể diễn tấu những nét đặc trưng của dân ca.
Ngoài dân ca, những bài bản âm nhạc cổ truyền cũng là mục tiêu chuyển soạn của các nhạc sĩ. Với mong muốn mở rộng khả năng diễn tấu của, các nhạc sĩ đã chuyển soạn các bài nhạc Chèo cho đàn tam thập lục. Những bài này chiếm vị trí quan trọng trong nhạc mục của cây đàn, đôi khi trở thành những bài độc tấu cho đàn tam thập lục. Tất nhiên, những đặc điểm âm nhạc của Chèo vẫn phải giữ và cũng bằng những kỹ thuật của cây đàn. Đó là nét nhạc chạy lướt mềm mại, những kiểu nhân đôi giai điệu của hai bè, giai điệu bị chia cắt, có nhiều nét đan xen với phần đệm v.v…

Diễn tấu đàn tam thập lục đối với những bài bản cổ truyền có nhiều điểm không thuận lợi, nên khi chuyển soạn các tác phẩm, bài bản âm nhạc cổ truyền, đặc biệt là bài bản nhạc Tài tử Nam Bộ, các nhạc sĩ đã chú ý chuyển soạn các bài bản thuộc điệu Bắc, hơi Bắc do ít luyến láy, hoặc những bài có hơi Quảng.

Ngoài bài bản thuộc hơi Bắc, hơi Quảng, các nhạc sĩ cũng chuyển soạn các bài bản thuộc các hơi, giọng khác như Oán, Xuân, Ai.
Ngoài ra các nhạc sĩ còn có những sáng tác theo kỹ thuật âm nhạc phương Tây: Variation cho đàn tranh, sáo và đàn tam thập lục (của NGƯT Nguyễn Văn Đời); hòa tấu đàn tam thập lục và dàn nhạc dân tộc (của giảng viên Nguyễn Thị Bích Thủy) …

III. Kết luận
- Việc tham gia vào gia đình nhạc khí Việt Nam của đàn tam thập lục đã làm hệ thống nhạc khí nước ta phong phú hơn, có thêm âm sắc nhạc cụ mới, làm cho số lượng bài bản phát triển.

- Để phát huy khả năng trình diễn của cây đàn, làm cho nó trở thành thành viên của hệ nhạc khí Việt Nam, các nhạc sĩ đã nỗ lực sáng tác bài bản, sáng tạo nhiều kỹ thuật diễn tấu. Với hàng trăm sáng tác mới, tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc cho đàn tam thập lục, tác phẩm nước ngoài v.v… nhưng trong chương trình giảng dạy chính thức của 2 nhạc viện quốc gia tại Việt Nam, phần chủ yếu vẫn là âm nhạc truyền thống: nhạc thính phòng Huế, nhạc Tài tử, những làn điệu của tuồng, chèo, cải lương…

- Đưa đàn tam thập lục vào hệ nhạc khí Việt nam cũng nhằm tiếp thu và phát huy những di sản âm nhạc thế giới. Nhưng đó không phải là việc làm duy nhất trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền âm nhạc dân tộc ngày nay. Chúng ta đã có bài học tốt trong việc tiếp thu những di sản văn hóa thế giới và phát huy truyền thống âm nhạc dân tộc như việc cải tiến cây đàn guitar Tây Ban Nha thành cây guitar phím lõm và đưa nó vào âm nhạc Tài tử – Cải lương, đây cũng là bài học quý để chúng ta rút kinh nghiệm khi tiếp thu cây đàn tam thập lục và đưa nó vào hệ nhạc khí dân tộc Việt Nam.
 

Pham Vu Ngoc Ha

Active Member
Ai bỏ chút thời gian ra đọc mấy bài này thì công nhận là đáng lắm... :D

Nhưng mà Việt ơi, em có ảnh của những nhạc cụ này không??
Nhiều lúc đọc chị cũng không tưởng tượng được ra hình dáng nó thế nào (mặc dù có miêu tả... :D ).

Mà có nhiều chỗ chị đọc thấy em viết là "đờn", đấy là do em copy từ nguồn của trang web miền Nam hay là gõ nhầm hay là có ý nghĩa khác thế hả em?
 

BlackDragon

Active Member
Em từng được xem dàn nhạc dân tộc chơi rồi, may mắn được nhìn thấy 8 loại nhạc cụ ở trên kia. Tuy nhiên em cũng chỉ thích mỗi sáo trúc thôi, cả đàn bầu cũng có âm thanh rất độc đáo. :D
 

chocomog_257

Moderator
Thích mỗi sáo trúc với đàn tì bà, các loại đàn còn lại thì em vẫn chưa quen tai lắm, có lẽ vì các bản nhạc của những loại đàn này nghe có phần thê lương, não ruột quá nên nghe mãi cũng chán...
Mỗi tội đọc xong bài của bác Việt mắt em toàn thấy sao là sao :D
 

vichia

Active Member
Không phải đâu chị Hà ạ, em nghịch một tí nên viết thế thôi :D .


9. Klông pút

Một trong số không nhiều nhạc khí dành cho nữ giới. Tên gọi tiếng Xê-đăng này đã trở nên phổ thông để chỉ loại nhạc khí hơi của một số tộc trên Tây Nguyên như Xê - đăng, Bâhnar, Gia - rai, Hrê...

Klông pút là một dàn gồm 2 - 3 cho tới 5 - 12 ống nứa, lồ ô hoặc tre cỡ tương đối lớn. Đường kính các ống khoảng 5 - 8 cm, chiều dài 60 - 120 cm, có khi 20 - 200 cm. Có loại klông pút kín một đầu và có loại rỗng hai đầu. Khi diễn tấu các ống được đặt nằm ngang vừa tầm tay người vỗ trong tư thế đứng lom khom hoặc quỳ. Dùng hai bàn tay khum vỗ vào nhau trước miệng ống, các cô gái tạo nên luồng hơi lùa vào ống làm vang lên âm thanh.

Klông pút được coi là nhạc cụ gắn với sản xuất nông nghiệp và là nơi trú ngụ của Mẹ Lúa. Vì vậy klông pút là nhạc cụ của giới nữ và chỉ được chơi trên rẫy vào mùa tra lúa và trong buôn làng vào ngày lễ đóng cửa kho lúa hoặc vào dịp tết của tộc và lễ hội ăn lúa mới với số lượng bài hạn chế. Ngày nay klôngpút đã được đưa lên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp để diễn tấu nhiều loại bài bản khác nhau.

10. Đàn Sến:

Là nhạc khí dây gẩy của dân tộc Việt. Được dùng phổ biến ở Miền Nam. Hộp đàn hình hoa đào sáu cánh hoặc hình lục giác, đường kính 28 cm. Mặt đàn và đáy đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Thành đàn dày 6 cm, làm bằng gỗ cứng. Cần đàn dài 70 cm, trên mặt đàn có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Đàn có 3 trục gỗ nhưng chỉ dùng 2 trục để lên dây còn 1 để trang trí. Hai dây đàn bằng tơ se, được lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5: Fa - Do1 hoặc Sol - Do1. Khi diễn tấu nhạc công gẩy đàn bằng miếng gẩy nhựa tạo ra âm sắc trong trẻo, tươi sáng.
Đàn sến thường dùng trong các dàn nhạc sân khấu tuồng, cải lương.
 

vichia

Active Member
11. Kooangtác- Ðàn Nước của dân tộc Xêđăng ( sắp hết rồi :D )

Từ xa xưa, cooangtác đã sống với người Xêđăng. Người ta đặt nó cạnh các con suối dọc theo nương rẫy. Ban đầu, có thể nó chỉ là chùm những ống nứa, ống tre dựa sức chảy của dòng nước, đập vào nhau để đuổi chim muông, thú vật cắn phá hoa màu. Dần dần về sau, do nhu cầu về thưởng thức âm nhạc, người ta sáng tạo và gắn thêm chức năng của nhạc khí cho cái dụng cụ phục vụ sản xuất ấy.
Tại vùng đất Xêđăng, dàn đàn được làm bằng gỗ cây rồng. Vật liệu chế tác đàn là tre, nứa, lẹ, mây và các loại thân dây leo. Kích thích của đàn không cố định, tùy thuộc vào làn điệu dân tộc do nhạc phẩm của nghệ nhân mà nới dài hoặc thu ngắn (thêm âm thì phải thêm ống đàn). Một đàn hoàn chỉnh thể hiện nhiều làn điệu có thể đến 120 ống, dài 60 mét. Đàn phát âm nhờ những thanh gỗ hoặc thanh tre đặc ruột gõ vào những ống nứa với kích thước khác nhau được khoét gọt có độ cao thấp.
Lực để "đánh đàn" là từ một khung dao động; khung này gồm một sợi dây dài, đầu dây này được mắc vào một hòn đá lớn, đầu dây kia mắc vào một máng nước. Khi máng nước không có nước, nó nằm ngay vị trí mà thác nước đổ xuống (nhờ sức kéo của hòn đá). Lúc máng đầy nước, nó kéo chùng xuống làm dây chuyển động và vị trí của máng nước cũng chuyển dời khỏi thác nước. Theo thiết kế, máng nước sẽ bị nghiên, làm nước chảy hết ra ngoài. Máng nước đã hết nước, trọng lượng hòn đá ở đầu dây đằng kia lại kéo dây chùng xuống và làm sợi dây chuyển động kéo máng nước trở về vị trí cũ (ngay dòng thác). Chu kỳ dao động tiếp diễn mãi, nếu dòng thác không ngừng chảy.
Điều quan trọng là phải sắp đặt sao cho vị trí của máng nước và trọng lượng hòn đá thật hợp lý để dao động tiếp diễn tiếp tục. Dọc theo hai bên sợi dây đó, được cặp song song hai thanh tre dài để nó cùng chuyển động. Và, trên mỗi thành tre đó được treo nhiều thanh tre đặc ruột hoặc thanh gỗ đặt nằm ngang. Thanh này được treo bằng hai sợi dây, một sợi mắc vào màn tre cố định, một dây mắc vào thanh tre dài cùng dao động theo sợi dây dài. Xen vào đó là một dàn tre cố định có treo nhiều ống nứa đã được khoét gọt có độ cao thấp, theo phương thẳng đứng. Dây dao động làm cho thanh nằm ngang gõ vào những ống đàn, tạo hàng âm thanh.
Mỗi ống nứa là một âm, cả dàn đàn với nhiều cung bậc, sắp xếp phối hòa âm hợp lý, thuận tiện, cho phép nghệ nhân sáng tác và điều khiển đàn đạt đến sức thể hiện phong phú, nhiều mầu nhiều vẻ, chọn lọc, cắt gọt từng ống nứa, gõ chúng, lắng nghe âm phát ra, chỉnh âm dần dần, sắp xếp chúng vào dàn đàn - người thiết kế và làm cooangtác trút vào đấy niềm say mê, tâm hồn của nghệ sĩ núi rừng.
Hiện nay, cooangtác có mặt trong gian phòng giới thiệu văn hóa các dân tộc của Nhà bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nghệ nhân Piu, thuộc nhánh K''dong, dân tộc Xêđăng (huyện Trà My) thiết kế và làm cây đàn này. Dàn để mắc đàn làm bằng gỗ được chứ không phải với cây rừng sần sùi, thô nháp. cooangtác này dài 10,40 mét với 52 ống đàn.
Theo yêu cầu sáng tạo làn điệu, cách tạo âm, sự sắp xếp ống đàn thật tài hoa, khéo léo: - 2 ống treo dọc có que gõ ngang và tự đập vào nhau (hòa âm kéo dài), 2 ống buộc dằng vào nhau (hòa âm ngang, dọc, ngắn gọn) ống tự do đong đưa, không bị buộc dằng vào que gõ (âm vang rộng, dài), ống có quen đập rồi, dừng lại chỗ không đong đưa (hãm tiếng, giảm âm), ống có thanh gỗ giữ trên ngọn hoặc dưới gốc (âm nhắc, vang vừa phải). Để cho khung dao động, thay thế cho dòng nước, dòng thác từ con suối, người ta dùng máy bơm đưa dòng nước vào máng, để "đánh đàn".
Với một dòng nước nhỏ chảy đều đặn vào máng, âm thanh congtác điểm nhặt khoan thai, dài trải, như một bản nhạc với nhiều bè khi thì đối đáp nhau, khi thì đuổi theo nhau, khi là giai điệu và chồng âm nhiều dạng. Khi dòng nước đổ nhanh và mạnh hơn, dây được kéo nhanh hơn, âm thanh trở nên đồn dập, với những tiết tấu khẩn trương, cường độ hơn, cùng với những chồng âm, hợp âm màu sắc mới lạ.
Trên quê hương của người Xêđăng, buổi sáng, dòng âm thanh cooangtác thúc giục người ra rẫy, lên nương. Những khoảng khắc nghỉ ngơi, giai điệu của cooangtác mang đến niềm vui, cái đẹp. Chiều đến, người về buôn, sum họp dưới mái nhà thân thương, tâm hồn mềm mại, thiết tha với cuộc sống... trong bản hòa tấu trữ tình đằm thắm, thanh thản của âm thanh cooangtác. Người Sài Gòn, người Đà Nẵng, nghe tiếng cooangtác giữa thành phố khó có thể cảm nhận cái đẹp của thứ âm nhạc rừng núi thiên nhiên này.
 

vichia

Active Member
12. Đàn đá: "Báu vật" không chỉ của Việt Nam

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc thì hiện nay: “Ngoài Việt Nam ra, thế giới chưa có đàn đá đúng nghĩa”. Ở Trung Quốc, Triều Tiên và một vài bộ tộc châu Phi cũng đã xuất hiện những thanh đá phát ra âm thanh, nhưng đó chỉ là những chiếc “khánh” đá có âm vực đơn giản không đủ khả năng diễn tấu như các bộ đàn đá tìm thấy ở Việt Nam. Nếu như thế thì đàn đá là báu vật không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới!

Ở Việt Nam, lần đầu tiên một bộ đàn đá hoàn chỉnh được tìm thấy ở Khánh Sơn (Cam Ranh, Khánh Hòa) vào năm 1979. Sau đó lần lượt tìm thấy những bộ đàn đá khác nhau ở Bình Đa, Bác Ái... Gần đây nhất là đàn đá Tuy An (Phú Yên - 1992). Như vậy, Việt Nam đã tìm thấy trên dưới 10 bộ đàn đá, tập trung ở khu vực Nam Trung bộ. Các bộ đàn đá này đều giàu nhạc tính, có thể diễn tấu được những bản nhạc theo thang âm ngũ cung nhưng hầu hết đều mang âm hưởng nhạc dân gian Tây Nguyên, chỉ duy có bộ đàn đá Tuy An là mang âm hưởng đồng bằng (dân tộc Kinh) rất gần với điệu thức Oán của Nam bộ...

Thế nhưng, để công nhận một bộ đàn đá đúng là ... “đàn” (chứ không phải là “khánh”) phải có người biểu diễn, phải có tác phẩm dành riêng cho đàn đá và phải có Hội đồng nghiệm thu.

Khi tìm thấy bộ đàn đá ở Khánh Sơn (1979), cố GS Viện sĩ Lưu Hữu Phước - lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã giao cho nhạc sĩ Đỗ Lộc nghiên cứu và ứng dụng sao cho hiệu quả. Khi nhạc sĩ Đỗ Lộc biểu diễn tác phẩm Gọi nhau lên nguồn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trên cây đàn đá trong lễ công bố Đàn đá Khánh Sơn thì bản nhạc này trở thành tác phẩm đầu tiên trên thế giới viết riêng cho đàn đá bằng phương pháp ký âm.

Vì là “báu vật” nên tìm được bộ đàn đá nào, sau khi thử nghiệm, công bố là... cất kỹ ở các nhà bảo tàng nên “dân trong nghề” ai cũng thèm muốn. Giới nghiên cứu âm nhạc thì muốn có để mày mò, tìm hiểu, các nhóm biểu diễn âm nhạc dân tộc thì muốn bổ sung thêm cho dàn nhạc của mình một nhạc cụ độc đáo chưa từng có trên thế giới.

Không sở hữu được thì... photocopy! Người đầu tiên chế tác đàn đá là nhạc sĩ Thế Viên (Trung tâm Văn hóa TP.HCM). Ông đã cất công lặn lội tìm kiếm những “thanh đá kêu” ở Khánh Sơn, Tuy An... để “nhái” đúng âm thanh của bộ đàn đá mỗi vùng. Tính đến nay, nhạc sĩ Thế Viên đã “xuất xưởng” được 12 bộ đàn đá (8 Khánh Sơn, 4 Tuy An) cung cấp cho hầu hết các nhóm biểu diễn âm nhạc dân tộc trong cả nước.

Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc cũng đã chế tác một bộ đàn đá rất hiện đại, ông dùng cưa máy xẻ những “thanh đá kêu” để có một dàn gồm những thanh đá mỏng bằng phẳng, trơn tru (không sần sùi, góc cạnh như những bộ đàn đá nguyên thủy). Bộ đàn đá này có âm vực rộng đến 3 octave, có thể diễn tấu bất cứ bản nhạc nào dù là nhạc dân tộc hay nhạc Tây phương. Nghệ sĩ Đỗ Lộc đã diễn báo cáo với Hội đồng nghiệm thu của Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tại TP.HCM và được GS nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đánh giá cao. Trong vòng 3 năm (1994 - 1996), Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc đã “mang đá đi đánh xứ người” qua 4 nước: Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nhật Bản và dĩ nhiên đã gây được những “chấn động” tại các nước này. Việc “sản xuất” đàn đá rất khó khăn (có khi suốt cả đời người không tìm đủ “nguyên liệu”) nên các bộ đàn đá hiện đang lưu hành rất ít và hoàn toàn là “hàng nhái” nhưng chất lượng hơn nguyên mẫu bởi trình độ thẩm âm của các nhạc sĩ bây giờ hơn hẳn các nghệ sĩ - nông dân ngày xưa.

Tác phẩm viết cho đàn đá cũng là “của hiếm”. Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hùng (Trưởng đoàn nghệ thuật Âu Cơ) chỉ sáng tác được một bản Âm vang đất nước để truyền cho con trai là Hoàng Anh chơi. Ở nhóm nhạc Phù Đổng, hai anh em ruột Đức Dậu và Ánh Tuyết chỉ có một bài “tủ” Nhịp điệu nước non do nhạc sĩ Vũ Lân sáng tác. Nhóm Phù Đổng 2, các cháu Triệu Vũ, Thành Nam, Đức Chung, Phan Lâm cũng chỉ có một bản Dân ca cổ Tây Nguyên (Vũ Lân cải biên) để biểu diễn. Nhạc sĩ Thế Viên làm được 12 bộ đàn đá nhưng chỉ viết cho đàn đá có 2 bản: Âm vang đàn đá và Tây Nguyên mùa xuân. Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc có khá hơn nhưng cũng chỉ được vài bản: Âm vang mùa thu, Chào mặt trời mọc, Suối đàn quê hương, Lửa cháy lên rồi...

Đàn đá là khí thiêng sông núi ngàn năm hun đúc, tích tụ. Lời của đá là hồn sông núi. Ai đã một lần nghe tiếng đàn đá lúc thánh thót, khi trầm đục hẳn sẽ thấy lòng mình bay bổng dạt dào xúc cảm thấm đẫm tình non nước.

:D
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top