Lí luận và phê bình : Thành tựu 30 năm - Thiếu vắng tiếng nói phê bình

Thành tựu 30 năm - Thiếu vắng tiếng nói phê bình
http://www.giaidieuxanh.vietnamnet.vn/bantronamnhac/2005/06/463389/


30 năm nhạc Việt được tính từ sau 30-4-1975 đến nay, giai đoạn mà đất nước chủ yếu sống trong hòa bình dựng xây đất nước (ngoại trừ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cuối năm 1978 đầu năm 1979).

Thành tựu 30 năm nhạc Việt

Trong bối cảnh hòa bình cùng đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, âm nhạc không còn tính chất hùng tráng thúc giục kêu gọi đấu tranh, không đề cập đến cái “ta” như những giai đoạn trước. Cái “tôi” - cái riêng tư - của con người lại được đề cập và trở thành một trong những nội dung chính trong ca khúc của đời sống âm nhạc.

Ba mươi năm qua, nhạc Việt đã đạt được rất nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng mục đích của tham luận này không phải nhằm tổng kết thành tựu 30 năm nhạc Việt mà chỉ đề cập đến một số thể loại âm nhạc cơ bản tạo nên đời sống sinh hoạt âm nhạc của xã hội, và trọng tâm là đề cập đến lĩnh vực sáng tạo âm nhạc. Còn lĩnh vực biểu diễn và thưởng thức - hai lĩnh vực tiếp theo sau công việc của người sáng tác để tạo nên đời sống hoàn chỉnh của một tác phẩm - tạm thời chưa đề cập đến. Tất cả chỉ với mục đích nêu rõ vai trò của công tác phê bình đối với nhạc Việt trong 30 năm qua.

Thành tựu 30 năm của nhạc Việt có thể nhìn nhận qua một số lĩnh vực cơ bản như sau:

I. Về ca khúc

Ca khúc chỉ là một thể loại đơn giản trong rất nhiều thể loại của âm nhạc. Tuy nhiên, ở Việt Nam từ khi ca khúc hình thành cho đến ngày nay nó đã trở thành một thể loại âm nhạc quan trọng và phổ biến trong đời sống âm nhạc của xã hội Việt Nam.

Trong 30 năm qua, ca khúc đã phát triển rất đa dạng, phong phú, có chiều sâu nghệ thuật, đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ và nó vẫn tiếp tục là thể loại chủ lực bao trùm sinh hoạt âm nhạc của đông đảo công chúng.

Ca khúc sau ngày giải phóng có thể nhìn nhận qua hai trào lưu chính. Thứ nhất: Trào lưu tiếp nối giai đoạn 1945-1954; thứ hai: trào lưu nhạc nhẹ (mà công chúng thường gọi là nhạc trẻ).

Trào lưu thứ nhất

Thành tựu nổi bậc của trào lưu thứ nhất, đó là sự thể hiện đa dạng về đề tài của cuộc sống xã hội. Điều đáng ghi nhận của giai đoạn này là sự phát triển của thể loại tình ca và ca khúc được sáng tác từ chất liệu âm nhạc dân gian.

Tình ca, thể tài mà trong những giai đoạn trước các tác giả đề cập một cách dè dặt, thì giai đoạn này đã phát triển nở rộ. Nội dung tình ca đã đi sâu vào những ngõ ngách sâu lắng của tâm hồn con người với những điều rất riêng tư, có khi là những day dứt, đớn đau tột độ của tâm hồn. Âm nhạc với những cung bậc tình cảm mới lạ, ngôn ngữ giàu cảm xúc có sức lay động lòng người. Chúng được thể hiện với một bút pháp chuyên nghiệp. Một vài tình ca tiêu biểu cho giai đoạn này như Thuyền và biển, Thơ tình cuối nùa thu (Phan Huỳnh Điểu), Tình ca cho em (Nguyễn Nam), Giọt nắng bên thềm, Một mình (Thanh Tùng) …

Những ca khúc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian giai đoạn này cũng thật phong phú với việc khai thác nhiều nguồn chất liệu âm nhạc gian, cổ truyền ở các vùng miền đất nước.



Một số ca khúc tiêu biểu: Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (Trần Hoàn), Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai, thơ Đỗ Thị Thanh Bình); Sao em nỡ vội lấy chồng, Ngẫu hứng sông Hồng, của Trần Tiến; Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý); Khúc hát người đi khai hoang, Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ, lời Lê Giang), Một thoáng hồ Tây (Phó Đức Phương), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Một nét ca trù ngày xuân (Nguyễn Cường), Anh ở đầu sông em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu), Làng Quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo)…

Đặc biệt hai nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường đã có nhiều ca khúc khá thành công trong việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian ở vùng đất Tây Nguyên. Tiêu biểu một số ca khúc như: Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên của Trần Tiến; Hơren lên rẫy, Ơi M'Đrak M'Đrak , Ly cà phê Ban Mê của Nguyễn Cuờng...

Gần đây nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng đã rất thành công qua loạt ca khúc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian Bắc bộ như: Người ở người về (1998), Chuồn chuồn ớt (1998), Bên bờ ao nhà mình (1998), Ôi quê tôi (2000)…

Trào lưu thứ hai - nhạc nhẹ

Nhạc nhẹ Việt Nam sau ngày giải phóng bắt đầu từ cuối năm 1977 đầu năm 1978 tại Tp.HCM với phong trào ca khúc chính trị mà thực chất là dòng “nhạc trẻ” Sài Gòn trước 1975 được tái hiện với những cảm xúc mới lạ và với bút pháp sáng tác già dặn hơn so với trước đây.

Nhạc nhẹ khởi nguồn từ Tp.HCM và tràn ra miền Bắc, nó như một làn gió mới cuốn hút thanh niên ở thánh địa nhạc dân ca, thính phòng từ nhiều thập kỷ nay, bỏ qua những trăn trở về “nhạc nhẹ ở Việt Nam - tiếp nhận hay chối bỏ” của giới lãnh đạo văn hóa. Nhạc nhẹ như một hạt mầm mạnh khỏe được gieo trên mảnh đất màu mỡ đã nhanh chóng đâm chồi nẩy lộc, thu hút đại đa số lứa tuổi thanh niên của cả nước.

Trên nhiều mặt của đời sống xã hội, ca khúc nhạc nhẹ đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Tiêu biểu có thể kể một số tác phẩm như:

Hãy đến cùng Trị An (Thanh Tùng), Ngọn lửa trái tim, Mùa xuân gọi, Thành phố trẻ, Mặt trời bé con (Trần Tiến); Như khúc tình ca, Người mẹ (Nguyễn Ngọc Thiện); Lời tỏ tình mùa xuân (Thanh Tùng), Hãy đàn lên của Từ Huy; Một thoáng quê hương (Từ Huy - Thanh Tùng); Hoàng hôn trên đại dương (Vũ Ân Khoa); Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập); Tuổi trẻ và ước vọng (Vi Nhật Tảo); Em như tia nắng mặt trời, Hạt mưa long lanh (Nguyễn Đức Trung), Đợi chờ trong cơn mưa (Thế Hiển); Tiếng sóng biển (Dương Thụ)...
 
II. Nhạc thính phòng, giao hưởng



Là loại hình nghệ thuật đặc trưng, những người sáng tạo, biểu diễn phải cần một quá trình học tập trong nhiều năm. Ba mươi năm qua nhạc thính phòng giao hưởng hầu như chỉ tồn tại ở những địa phương có cơ sở đào đạo chuyên sâu về âm nhạc cổ điển như Hà Nội. Tp.HCM, Huế.

Sau ngày giải phóng, trong quá trình giao lưu văn hóa nếu miền Nam đã giới thiệu hình thức nhạc nhẹ trẻ trung sôi động đến công chúng miền Bắc, thì ngược lại miền Bắc đã giới thiệu loại hình âm nhạc “bác học” vào miền Nam từ những ngày mừng chiến thắng 30-4-1975.

Tuy nhiên sau giải phóng không bao lâu, trên toàn quốc, trào lưu nhạc nhẹ gần như lấn át loại hình âm nhạc bác học này cho đến hết thập niên 80. Nhưng giai đoạn này cũng chính là giai đoạn mà âm nhạc giao hưởng thính phòng âm thầm xây dựng cho mình một lực khá hùng hậu gồm những nhạc sĩ, nghệ sĩ tốt nghiệp từ các nước Đông Âu và Liên Xô trở về, cùng với lực lượng của giai đoạn trước.

Những năm của thập niên 90, sau thời gian ngắn lúng túng trước cơ chế thị trường, âm nhạc giao hưởng thính phòng cũng tìm được phương thức khả dĩ để tồn tại. Với lực lượng biểu diễn khá hùng hậu cùng với sự hợp tác với những nghệ sĩ, chỉ huy nổi tiếng nước ngoài mà chủ yếu là Pháp, trình độ biểu diễn của các dàn nhạc có một bước tiến đáng kể và đã tạo được một sinh hoạt âm nhạc thính phòng giao hưởng tương đối có chất lượng ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Và âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam được xem là đầu đàn ở các nước Đông Nam Á.

Về sáng tác nhạc thính phòng có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Giai điệu quê hương viết cho violoncelle và piano của Hoàng Dương, tổ khúc Ký ức dòng sông viết cho dàn dây của Hoàng Cương, ballade Huyền thoại mẹ cho violon, piano và Basson của Nguyễn Thị Nhung, Bốn bức tranh cho Hautbois và gõ của Đỗ Hồng Quân, Ký ức của Vũ Nhật Tân, Tứ tấu dây 94 của Nguyễn Cường, Fantaisie số 1 cho piano của Quang Hải, 2 bản tứ tấu dây của Ca Lê Thuần…

Tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng: giao hưởng Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng), giao hưởng thơ Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung), ballade giao hưởng Niềm tin gởi lại (Trí Thanh), rhapsodie Việt Nam, giao hưởng Mở đất (Đỗ Hồng Quân), giao hưởng Mẹ Việt Nam, giao hưởng Chuyện nàng Kiều (Nguyễn Văn Nam), concerto Quê tôi giải phóng cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng (Quang Hải), ballet Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga (Ca Lê Thuần)…

Giao hưởng thính phòng giai đoạn này là một bước tiến lớn so với giai đoạn trước. Qui mô thể loại được mở rộng, ngôn ngữ âm nhạc phong phú, bút pháp kỹ thuật già dặn hơn. Việc xây dựng chủ đề không sử dụng nguyên dạng làn điệu dân ca hoặc chủ đề các bài ca cách mạng. Mà việc xây dựng chủ đề là việc khí nhạc hóa những nhân tố đặc trưng của các điệu dân ca dân vũ, ca khúc hoặc là sự vận dụng những quãng đặc trưng trong các thang âm điệu thức của dân tộc. Cá biệt có một vài tác phẩm là nhạc vô điệu tính. Về hòa âm bắt gặp nhiều hợp âm chồng quãng 4 hoặc là sự tập hợp của những nốt chiều ngang.

Tuy nhiên, nhìn chung đa số được sáng tác với bút pháp cổ điển, việc tiếp cận với những kỹ thuật sáng tác của những trào lưu âm nhạc hiện đại thế giới chưa được cập nhật và ứng dụng rộng rãi.

III. Nhạc cổ truyền dân tộc



Bên cạnh những thành tựu trong công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca với những công trình như: Dân ca Nam bộ, Kiên Giang, Bến Tre, Cửu Long, Hậu Giang, Long An… của nhóm Lư Nhất Vũ – Lê Giang; dân ca Quan họ của Hồng Thao; dân ca Thái của Tô Ngọc Thanh; Lý Huế của Dương Bích Hà; Hát ví Nghệ Tĩnh của Đào Việt Hưng…

Bên cạnh những công trình nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc, việc sưu tầm các bộ đàn đá Khánh Sơn, Tuy An, Bác Ái… cũng như việc sưu tập những bài bản, hình thức diễn xướng của Nhã nhạc cung đình Huế (được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại). Thì những tác phẩm mới cho các nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc dân tộc tổng hợp được sáng tác với một số lượng khá lớn và đa dạng.

Những tác phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu tiêu biểu như: Trở về Tây nguyên của Đỗ Lộc và Âm vang cao nguyên của Doãn Tiến viết cho đàn t’rưng; Thúy Kiều của Văn Thắng viết cho tỳ bà độc tấu. Những bản hòa tấu cho nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng có: Quê tôi giải phóng; Đất và hoa (đàn tranh) của Quang Hải; Biển quê hương (đàn bầu) của Trần Quý…

Về dàn nhạc dân tộc tổng hợp Viện Âm nhạc đã có 5 tập tổng phổ Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại của nhiều tác giả.

Thiếu vắng tiếng nói phê bình

Điểm qua những lĩnh vực chủ yếu của sinh hoạt nhạc Việt để thấy những kết quả to lớn mà nhạc Việt đã đạt được trong 30 năm qua. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận như đã nêu trên, thực tế sinh hoạt cũng đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, nhất là những vấn đề nóng bỏng sôi động và cấp thiết cần những tiếng nói phê bình trên diễn đàn âm nhạc, thì nó lại thiếu vắng.

Đơn cử một vài ví dụ như:

- Năm 2004 có cuộc biểu diễn của Nguyên Lê và Hương Thanh, các nghệ sĩ đã dùng hòa âm và dàn nhạc jazz để đệm cho những bản dân ca Việt Nam. Đây là khuynh hướng world music đã và đang thịnh hành trên thế giới. Khuynh hướng này đã chạm đến quan điểm thẩm mỹ trái ngược với thẩm mỹ của âm nhạc cổ điển “giai điệu nào thì hòa âm đó”. Điều này sẽ dẫn đến việc thay đổi tư duy sáng tác cũng như thay đổi cảm nhận âm nhạc đã được xây dựng trước đây.

- Những buổi biểu diễn những tác phẩm âm nhạc đương đại của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, của nhóm nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, nhóm “Dân ca miền không biết” ở Hà Nội… Chúng rất cần một tiếng nói phê bình sắc sảo để có những nhìn nhận đúng mức trước những khuynh hướng trào lưu âm nhạc mới ở trong nước cũng như thế giới.

- Trên lĩnh vực ca khúc trong sinh hoạt âm nhạc hiện nay, phát sinh rất nhiều vấn đề, ngoại trừ những ca khúc thị trường, vẫn có những ca khúc mà nhạc sĩ dành hết tâm huyết cho con đường sáng tạo của riêng mình, như những sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Đại, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn… Nhưng chúng vẫn chưa nhận được những tiếng nói phê bình, nhận định mang tính chất học thuật để nói lên cái hay, chưa hay và lớn hơn là triển vọng cho những lối đi trong sáng tác ca khúc.

- Trên lĩnh vực sáng tác cho dàn nhạc dân tộc cũng có những biểu hiện như: sáng tác với tư duy của người nhạc công, việc sử dụng tràn lan những âm thanh của đàn organ để thu âm các bản hoà tấu dành cho dàn nhạc dân tộc làm mất đi đặc thù âm sắc nhạc cụ và những kỹ xảo tinh tế của nó…

Trước những sự kiện và những vấn đề trong sinh hoạt âm nhạc tương tự như trên, giới phê bình gần như im hơi lặng tiếng. Thực tế 30 năm qua, sinh hoạt nhạc Việt gần như không nhận được sự đóng góp thiết thực và kịp thời của lĩnh vực phê bình - lĩnh vực có tác dụng kích thích sự sáng tạo và góp phần định hướng thẩm mỹ đối với công chúng.

Phê bình âm nhạc đã không đồng hành được cùng thành tựu to lớn của nhạc Việt trong 30 năm qua. Đó là điều cần được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top