Lâm Thị Mĩ Dạ:" Ta thành trái mà hồn còn như lá"

Alex_sanda

New Member
Lâm Thị Mỹ Dạ: "Ta thành trái mà hồn còn như lá"




"Ta thành trái mà hồn còn như lá"
Yêu cái mơ mộng của người Huế mà lấy chồng, Lâm Thị Mỹ Dạ đâu hiểu được Hoàng Phủ Ngọc Tường - người luôn trăn trở thao thức đến đau đáu về thế sự, về những điều lớn lao trong tư tưởng, trong tinh thần, về nhân dân, về dân tộc... nhưng lại đơn giản, tuềnh toàng trước đời sống cơm áo hàng ngày.
Với một ông chồng nhà văn không hề biết đến tiền, trong những năm tháng bom đạn gian khổ đói kém, chị đã sinh con, nuôi con và không nhớ là mình đã dành chỗ cho sự mơ mộng của thơ mình ở đâu nữa. Hai sáu tuổi đời, bế đứa con 8 tháng tuổi trên tay theo chồng về Huế vào năm 1975, cô gái của miền Trung cát bụi bước ra khỏi cuộc sống đơn giản trong chiến tranh để thực sự sống cuộc đời làm dâu của Cố Đô nền nếp.
Các đồng nghiệp bạn bè của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhắc vui chuyện Mỹ Dạ đã từng "bù lỗ" cho sáng tác của chồng như thế nào. Năm 1979 khi chiến tranh biên giới nổ ra, trái tim yêu nước lại sôi lên trong con người cầm bút, cầm súng một thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chờ lệnh tổng động viên để lại lên đường. Rồi sốt ruột vì tin chiến sự, không đợi được nữa, chỉ mười ngày sau, nhà văn bảo vợ: "Anh phải đi thôi, trong nhà mình có bao nhiêu tiền?". Hiểu được mong ước của chồng, Lâm Thị Mỹ Dạ lẳng lặng mang 3 xấp vải áo dài đi bán rồi đưa thêm cho chồng 2 tháng lương cộng thêm một số tiền vay mượn nữa để anh có thể tự đi thực tế lên biên giới.
Sau chuyến đi ấy, cộng thêm 20 ngày đóng cửa ngồi trong nhà với 3 tút thuốc lá và 1kg trà, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho ra đời bút ký nổi tiếng "Rừng hồi". Nhuận bút mà báo Văn Nghệ trả cho bút ký này sau khi đăng là 3 đồng! Thì các nhà văn đa số đều phải có người bù lỗ. Đương nhiên người bù lỗ nhiều nhất không ai khác chính là những người vợ của họ.
- Chị bù lỗ cho sáng tác của chồng, vậy ai bù lỗ cho sáng tác của chị?
...Cặp mắt Lâm Thị Mỹ Dạ rưng rưng. Chị kể ngày vào học trường viết văn Nguyễn Du, chị phải mang theo cả con nhỏ. Bé Hoàng Dạ Thi lúc đó mới 3 tuổi. Hà Nội những năm vừa ra khỏi chiến tranh chắc chẳng ai quên. Chị phải chắt chiu từng đồng tiền phụ cấp để mỗi ngày mua được một mớ rau, mấy bìa đậu và một tuần mua được vài lạng thịt cho con.
Một lần dắt con đi chợ, khi qua quầy có bày mấy hộp sữa, bé Hoàng Dạ Thi đã không chịu đi nữa. Hỏi mãi bé mới nói. "Con thèm sữa quá rồi, con không đi được nữa, mẹ mua sữa cho con". Nếu mua 1 hộp sữa cho con thì tiền ăn cả chục ngày sau sẽ không còn. Chị đành dỗ dành "Con thèm đến mức nào? Thèm ít thì để bữa khác mẹ mua cho, hôm nay mẹ hết tiền rồi", bé Thi lập tức nói "Con thèm giống như cái lò xo bật hết nấc lên rồi". Câu nói kỳ lạ từ miệng đứa con 3 tuổi đã làm chị không chịu nổi, chị quyết định mua cho con hộp sữa và quay về.
Cũng vào dạo đó, một lần khác bé Thi đòi ba dắt ra con đường ven hồ Quảng Bá để ngóng mẹ. Ngóng mãi không thấy mẹ về, đói mà không dám khóc. Ngồi dưới tán cây nhìn lên thấy mặt trời đỏ sau vòm lá, bé hỏi ba "Ba ơi mặt trời có phải là trái không? Có ăn được không?". Nhà văn nói để cho con khuây khoả "mặt trời có thể ăn được". Không ngờ bé Thi liền đòi: "Ba tìm sào chọc mặt trời cho con ăn, đói lắm rồi". Tiếp tục trò chơi với con, nhà văn loay hoay đi tìm cành cây, khi tìm được thì vầng mặt trời đã trôi khỏi vòm cây ra giữa hồ, đứa trẻ lăn quay ra đất gào khóc "Mặc kệ ba, ba phải chọc mặt trời cho con ăn, con đói lắm rồi"...
- Bây giờ mỗi ngày chị sống ra sao?
- Thường là thức dậy lúc 4h30, tập thể dục, rồi tập cho anh Tường. Mỗi đêm dậy ba hoặc bốn lần để giúp mỗi khi anh khó thở hoặc đi vệ sinh. Nếu lần cuối cùng mà vào chừng 4h là mừng lắm vì có thể thức đến sáng, chứ nếu vào lúc 1h hoặc 2h thì sợ vô cùng vì ngủ lại không được mà thức thì quá dài. Sau đó là bữa sáng, rồi tiếp khách, rồi đọc lại và sửa chữa các sáng tác của anh ấy do người giúp việc ghi, sau đó đưa đi đánh máy.
Sau một cơn đột quỵ, sáu năm nay nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị liệt một chỗ. Vừa chạy chữa khắp nơi, nhà văn vừa sáng tác. Ông đã viết được 4 cuốn sách trong đó có cuốn bút ký nổi tiếng "Ngọn núi ảo ảnh". Cuộc sống của ông giờ đây trông chờ vào đôi bàn tay chăm nom của vợ. "Hiện giờ tôi chỉ có một mong muốn thực tế, một mong muốn tưởng như giản đơn nhưng thật không dễ đối với tôi là có sức khoẻ, để còn có thể chăm chồng, có thể yêu đời, có thể bước tiếp trên con đường thơ ca".
Tôi chợt nhớ một câu thơ của chị "Ta thành trái mà hồn còn như lá".

Nga Linh Nga
(VietNamNet)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top