Học sinh cần "học chữ" ít đi

lion

Moderator
Staff member


Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm đồng thời hoạt động lâu năm trong công tác biên tập sách giáo khoa, PSG.TS. NGƯT Vũ Dương Thụy – Nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục, Hiệu trưởng trường phổ thông đa cấp Hoàng Diệu- Victoria đã thẳng thắn trao đổi về những nghịch lý trong giáo dục cũng như những quy luật tất yếu cho sự phát triển giáo dục trong xu thế hiện nay.
KIẾN THỨC CHỒNG LÊN KIẾN THỨC
*PV: Thưa thầy, nền giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể, từ dành cho thiểu số người đi học thành nền giáo dục đại chúng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nền giáo dục của chúng ta vẫn phát triển chậm hơn so với kinh tế xã hội. Thầy nhận định gì về ý kiến này?
- PGS.TS.NGƯT Vũ Dương Thụy: Nền giáo dục phát triển chậm hơn so với kinh tế xã hội thì không phải chỉ diễn ra ở nước ta mà còn ở đa số các nước khác. Bởi vì, giáo dục luôn đứng trước một mâu thuẫn mang tính cố hữu, đó là mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên rất nhanh với thời gian học ở bậc phổ thông không được tăng (chỉ từ 10 đến 12 năm). Vì thế, người ta phải điều chỉnh lại từ dạy kiến thức là chủ yếu sang dạy cách học là chủ yếu.
Mặt khác, điều cần nói nữa là giáo dục của chúng ta còn chậm đổi mới, thiên về những "cải cách" để đối phó chứ chưa đi vào thay đổi căn bản theo quy luật phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện xã hội hội nhập, cạnh tranh, phát triển.
* Đã tham gia biên soạn nhiều cuốn sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông, thầy nghĩ sao khi dư luận cho rằng chương trình và sách giáo khoa của chúng ta quá nặng với học sinh?
- Chúng ta đang đứng trước một nghịch lí là nhà trường đang dạy nhiều chữ nghĩa của nhiều môn học nhưng xã hội lại ít cần đến; ngược lại những cái xã hội đang cần thì nhà trường lại ít dạy. Học sinh lứa tuổi ở bậc phổ thông, từ tiểu học đến trung học, là lứa tuổi có học tập, có vui chơi với tất cả tính hồn nhiên, tươi tắn nhất của tuổi học đường. Nhưng lại bắt chúng chỉ có học. Bố mẹ bắt học vì đầu óc còn nặng tâm lí khoa cử. Thầy cô cũng ép học để dạy cho hết chương trình, để có thành tích trong thi đua…
Ở trường phổ thông, học sinh phải học đến 12 môn học, môn nào cũng có SGK, sách bài tập đầy đủ. Biết bao kiến thức chồng lên kiến thức. Trong khi đó, xã hội thời kì hội nhập rất cần những người không phải chỉ có kiến thức trong đầu mà cần những người lao động có kĩ thuật, có kỷ luật, có khả năng giao tiếp ứng xử văn hóa cả về ngoại ngữ lẫn phong cách, có khả năng làm việc theo nhóm…Những kĩ năng sống này ở nhà trường lại không được dạy theo một chương trình và sách giáo khoa nào. Ngay ở bậc THPT, đa số học sinh sẽ vào đời bằng một nghề lao động kĩ thuật, còn một số ít tinh hoa sẽ học tiếp để trở thành trí thức, nghiên cứu khoa học. Vì thế, không phải học sinh THPT nào cũng nhất thiết phải học hết 12 bộ SGK của 12 môn học như hiện nay. Học sinh cần “học chữ” ít đi và học giá trị sống, rèn kĩ năng sống nhiều hơn. Cho nên có người nhận xét tỉ lệ "vô bổ" trong chương trình hiện nay còn quá cao!

Học sinh Hà Nội phải được rèn luyện theo phong cách người Hà Nội

* Lâu nay ngành Giáo dục nói nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều ý kiến cho rằng việc đổi mới này phải bắt nguồn từ công tác đào tạo đội ngũ giáo viên của các trường Sư phạm. Thực tế, chúng ta đã làm được đến đâu, thưa thầy?
- Lẽ ra chúng ta phải cải cách sư phạm một cách cơ bản và hệ thống trước thì lại đi cải cách giáo dục phổ thông trước. Cả hai chu kì thay sách của ngành Giáo dục vừa qua hầu như đều làm ngược quy trình này nên cứ làm cho giáo dục chậm trễ!.
Thực tế giáo dục, đào tạo con người cho thấy, phải đào tạo được đội ngũ giáo viên sung sức, giầu tiềm lực cho nhà trường phổ thông tương lai để có thể ứng chiến được với bất kì chương trình phổ thông nào thì mới tạo điều kiện cho việc đổi mới giáo dục ở phổ thông có hiệu quả. Việc đào tạo giáo viên ở trường Sư phạm phải nhằm phục vụ cho nhu cầu người giáo viên của tương lai, nghĩa là phải biết “dạy người” rồi đến “dạy chữ”. Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên hầu như chưa có thay đổi gì đáng kể. Đào tạo lí thuyết là chính, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới cách dạy, chưa biết dạy học sinh cách học để giúp học sinh tự học suốt đời…Vì vậy, điều cần làm là phải thay đổi một cách cơ bản phương pháp đào tạo trong các trường sư phạm hiện nay.
GIỮ GỐC VIỆT NAM, TRỞ THÀNH CÔNG DÂN TOÀN CẦU
* Thầy nghĩ sao về tầm quan trọng của việc xây dựng các trường học của Hà Nội mang sắc thái riêng của Thăng Long- Hà Nội?
- Tôi luôn ước mong làm sao học sinh Hà Nội phải được rèn luyện theo phong cách của con người Hà Nội, nghĩa là bên cạnh nền tảng văn hoá chung còn phải có những nét lịch lãm, văn minh và cả "cầm, kì, thi, hoạ" trong đời sống tinh thần người Tràng An nữa và như thế sức sống của con người Hà Nội sẽ mãi mãi trường tồn. Tôi tin là sẽ có những trường học, những lớp học mang đậm nét Hà Nội như vậy.

Học sinh cần được rèn kỹ năng sống nhiều hơn

* Từng là giảng viên của ĐH Sư phạm, nay về làm quản lý một trường ngoài công lập, thầy có suy nghĩ, đề xuất gì để học sinh được thực sự phát huy hết những khả năng của mình?
- Trước hết, cần phải có Triết lí giáo dục và tầm nhìn xa như ở trường đa cấp Hoàng Diệu- Victoria "Giữ gốc Việt Nam, trở thành Công dân toàn cầu". Nhưng trước mắt, cần phải biết xã hội đang cần gì ở học sinh ra trường, cha mẹ học sinh đang mong đợi gì ở con cái họ, từ đó xây dựng chương trình đào tạo bên cạnh phần cứng theo chương trình cơ bản của Bộ GD&ĐT phải có chương trình phần mềm dạy học sinh những giá trị sống, rèn kĩ năng sống cần thiết trong những giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng như trong dạy học mỗi bộ môn văn hoá...Đặc biệt, trong dạy học tất cả các bộ môn đều phải rất chú trọng phương pháp giảng dạy mà chủ yếu là dạy học sinh cách học, cơ bản là cách tự học trong điều kiện có nhiều phương tiện và cơ hội như máy tính cá nhân, iPhone, truyền hình, báo chí...Bên cạnh đó, cần tổ chức những Câu lạc bộ để học sinh có cơ hội khám phá những năng lực, sở thích riêng như câu lạc bộ ca hát, hiphop, bóng đá, thời trang, viết báo, điện ảnh, doanh nhân trẻ...Có những em học sinh Hoàng Diệu- Victoria đã trưởng thành từ câu lạc bộ này và trở thành diễn viên điện ảnh, ca sĩ...có chỗ đứng vững chắc trong xã hội.
* Ngành Giáo dục hiện nay dường như đang loay hoay đi tìm những quy luật để phát triển. Theo thầy, việc đi tìm này cần tập trung vào những điều gì?
- Theo tôi, cần phải chăm lo cải cách sư phạm một cách cơ bản và kiên quyết để giải quyết khoa học và hợp lí việc đào tạo ban đầu và đào tạo lại liên tục đội ngũ giáo viên, trong đó cần quan tâm cả chế độ chính sách. Ai cũng biết người thầy giáo có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục, quan trọng hơn cả chương trình và sách giáo khoa. Do đó để cải cách giáo dục phổ thông tốt thì trước hết và lâu dài phải cải cách sư phạm. Các trường sư phạm, ĐH và CĐ, là những trường dạy nghề, đó là nghề dạy học. Cùng với đó, muốn dạy học sinh cách học thì chính người thầy tương lai phải biết cách học: tự học và học tập hợp tác.
Việc xây dựng chương trình giáo dục cần phải theo đúng qui trình khoa học của nó. Chẳng hạn như xây dựng một chương trình chuẩn cho các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Sau đó là chương trình khung cho từng môn ở mỗi lớp để căn cứ vào đó, các tác giả có thể biên soạn những cuốn sách giáo khoa khác nhau cùng một bộ môn để mỗi nhà trường lựa chọn phù hợp với học sinh ở vùng miền mình.
Để giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập còn cần đưa nội dung dạy kỹ năng sống cho học sinh vào chương trình cấp học phổ thông. Ngoài ra, chúng ta cũng phải phổ cập nghề cho thanh niên. Việc phổ cập nghề trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
Chúng ta bắt tay vào đổi mới nhưng bên cạnh đổi mới về chương trình, sách giáo khoa…thì điều không kém phần quan trọng là đổi mới giáo dục phải được xem xét trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước đang phải hội nhập toàn diện nhưng thu nhập bình quân mới ở mức 1.500 USD/người/năm để có chương trình thích hợp cho hiện tại và tương lai gần...Nghĩa là cần phải chọn một bước đi thích hợp để tăng tốc phát triển mà không nên duy ý chí cho rằng phải có ngay một chương trình và sách giáo khoa ngang tầm với các nước tiên tiến.
* Xin cảm ơn thầy!
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top