Giờ học nhiều…nước mắt

lion

Moderator
Staff member
Chỉ sau gần 1 tiếng đồng hồ ngồi nghe giảng, nhiều học sinh đã bật khóc nức nở, nhiều em khác mắt đỏ hoe cố giấu đi những giọt nước mắt luôn trực trào ra…Giờ học không có tài liệu, không có đánh giá, cho điểm, không có những kiến thức cao siêu, nhưng đã đem lại cho học sinh nhiều giá trị sống đích thực mà lâu nay các em chưa hiểu hết, chưa thấy hết…



Những giọt nước mắt…hạnh phúc
Hội trường của Trung tâm GDTX Thanh Xuân lúc đầu còn ồn ã tiếng nói cười, trêu chọc nhau của một số học sinh. Nhưng chỉ sau khi nghe giảng viên nói, chia sẻ một vài câu chuyện, hội trường đã trở nên im ắng. Nhiều em hiểu rằng, tiếng nói cười của mình vốn đã không tôn trọng mọi người, giờ càng trở nên vô duyên, đáng trách, bởi những gì họ được nghe ngày hôm nay là những bài học về cuộc sống, về cách làm người có ích…mà không phải lúc nào các em cũng được nghe, được hiểu ngọn nguồn.
Giảng viên Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam bắt đầu bài giảng của mình bằng những câu chuyện. Những câu chuyện tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng những giá trị sống sâu sắc về tình cảm của cha mẹ với con cái, của thầy cô với học trò, của người với người…Sau mỗi câu chuyện là hình ảnh những đứa trẻ chưa biết trân trọng tình cảm máu thịt mà cha mẹ giành cho mình, chúng quay lưng lại với chính cha mẹ mình khi họ làm những điều không đúng với ý muốn của chúng. Những người cha, người mẹ dành cả đời cho con cái, nhưng họ nhận được những lời nói, hành động khiến họ không khỏi đau lòng. Vậy mà họ vẫn thứ tha, vẫn một lòng lo cho con…Nhiều học sinh có lẽ đã tìm được mình ở đâu đó sau mỗi câu chuyện nên nước mắt cứ thế tuôn rơi. Với ông Nhân thì đó là “những giọt nước mắt hạnh phúc”.
Em Cung Tuấn Việt - Học sinh lớp 12A xúc động: Sau khi nghe những câu chuyện cảm động và gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mình, em nghĩ nhiều tới bố mẹ. Em thấy, lâu nay mình đã vô tâm, chưa hiểu hết tình yêu, sự hi sinh của cha mẹ dành cho mình. Em sẽ cố gắng phấu đấu học tốt hơn, sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội hơn…
Cùng chung tâm trạng, em Nguyễn Thu Hường, lớp 11B bộc bạch: Em đã khóc rất nhiều khi nghe thầy Nhân nói chuyện. Em hiểu hơn tấm lòng của cha mẹ, của thầy cô giành cho chúng em. Em chỉ muốn chạy thật nhanh về bên bố mẹ để nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” trước những việc làm còn chưa đúng của mình. Bên cạnh đó, nghe các câu chuyện, các tình huống ứng xử trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, chúng em có thể hạn chế được những thói quen xấu, tự xây dựng những thói quen tốt cho bản thân, như: thói quen trong sinh hoạt, trong tư duy, và cả trong tâm lý – tình cảm…Em mong sẽ được tham gia nhiều khóa huấn luyện như này để hiểu hơn về những giá trị sống xung quanh mình.
Học làm người có ích
Thầy Nhân chia sẻ: Với dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện nay, không ít bạn trẻ đã và đang bị cuốn theo trào lưu của cuộc sống, từ cách ăn mặc, cách ứng xử, thích nghi…được mô phỏng hay bắt chước từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…Điều này đã vô tình làm lãng quên đi những nét đẹp truyền thống và dần dần hình thành ở các bạn trẻ những thói quen tiêu cực, sâu xa hơn là tính thích nghi và độc lập ở mỗi bạn trẻ bị che mờ bởi trang phục đầy sắc màu và những phát ngôn, cách sống không phù hợp với lứa tuổi của mình.
“Trẻ em của chúng ta có nhiều yếu tố tốt, nhưng chưa có nhiều thói quen tốt. Một phần bởi các em không được học trong nhà trường, trong khi lại mải mê sa vào các trò chơi ảo qua chát, game o­nline…Cái xấu thường được tiếp nhận rất nhanh, nó khiến nhiều em có sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi sống”- Thầy Nhân khẳng định.
Trước thực trạng này, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đã tổ chức một chương trình đặc biệt mang tên “Học làm người có ích” với mong muốn dạy những thói quen tốt trong cuộc sống cho các bạn trẻ, những điều sẽ làm cho thanh thiếu niên, gia đình họ và mọi người xung quanh được hạnh phúc hơn. “Hãy để hạnh phúc được nhân lên” là phương châm của chương trình học này; là những nụ hôn của người cha, người mẹ dành cho đứa con yêu trước khi đi ngủ với lời thì thầm: Con yêu ơi, nhất định con sẽ trở thành người có ích trong cuộc sống; là hình ảnh cả gia đình sẵn sàng tham gia tình nguyện vì cộng đồng; là việc đứa cháu ngoan, đứa con ngoan biết chăm sóc ông bà, cha mẹ khi ốm; là đứa trẻ biết sống trung thực, không nói dối…
Thực tế, để xây dựng thói quen tốt, và loại bỏ thói quen xấu, không phải bắt đầu từ những điều lớn lao, mà phải “gieo hạt” ngay trong những điều gần gũi, bình thường, thân thuộc nhất với các em: Cách uống nước, giao tiếp, tạo dựng tình bạn, trò chuyện với bố mẹ, kiểm soát cảm xúc bản thân, ước mơ đúng cách và đạt đến ước mơ… và càng không phải những lý thuyết phức tạp, mà phải là những “bí quyết” nho nhỏ, dễ dàng nhưng hữu ích, để các em có thể áp dụng ngay và cảm nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Từ đó, các em được tiếp thêm động lực và quyết tâm để đạt đến những điều cao hơn. Qua quá trình đó, mục đích sau cùng là các em “tự động” có được thói quen tự đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện chính mình ngay từ những việc nhỏ nhất đến những điều lớn lao nhất.

vn

 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top