Gieo suy nghĩ đúng để gặt hành động đẹp

lion

Moderator
Staff member
Với mục đích khơi dậy niềm tự hào, vai trò, trách nhiệm của học sinh Thủ đô trong việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, ngành GD&ĐT Thủ đô đã đưa Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Sau 2 năm triển khai giảng dạy, giáo viên và học sinh đều cho rằng nên tiếp tục giảng dạy bộ tài liệu, tuy nhiên một số điểm về nội dung và cách giảng dạy, đánh giá cần được sửa đổi.
Chưa bao giờ cần như bây giờ
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú khẳng định: “Đây là bộ tài liệu quý và thực sự cần thiết cho việc giáo dục học sinh Thủ đô. Những người thầy thật sự có tâm với giáo dục học sinh thì sẽ không thắc mắc về việc tại sao dạy mà là tại sao không dạy sớm hơn? Việc giáo dục nếp sống, lối sống cho học trò theo một chuẩn mực chưa bao giờ cần như bây giờ. Thực tế, phụ huynh và xã hội trông đợi rất nhiều ở giáo dục học đường bởi thời gian họ dành cho gia đình và con cái ngày càng bị cắt giảm”.
Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nhận định, chúng ta cần tiếp tục giảng dạy bộ tài liệu này bởi lẽ xã hội phát triển đã đặt giáo dục đứng trước những thách thức không nhỏ. Những vụ bạo hành trong học sinh ngày càng tăng, những mối quan hệ tốt đẹp đã thành truyền thống của người Việt Nam đang có nguy cơ rạn nứt, lòng nhân ái, niềm tin và lý tưởng sống ở lớp học sinh THPT đang mai một đã liên tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với những người làm công tác giáo dục.
Theo cô Huyền, 6 vấn đề đưa ra (tương ứng với sáu bài học chia đều cho khối 10 và khối 11) trong bộ tài liệu là những nội dung thiết thực, có ý nghĩa giáo dục cao, nhằm khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh ngày nay và kế thừa, gìn giữ truyền thống thanh lịch, văn minh - nét văn hóa đặc trưng của của người Hà Nội. Điều quan trọng là góp phần tạo sự chuyển biến từng bước về nhận thức và hành vi cho học sinh trong sinh hoạt và đời sống.
Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh được triển khai giảng dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 11. Trong hai năm qua, các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên giảng dạy trong giờ sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ lên lớp… Từ phương pháp dạy học liên môn, tích hợp đến việc lồng ghép với một số nội nội dung có trong các môn Lịch sử (phần sử địa phương), môn Giáo dục công dân… Riêng khối 12, chưa có tài liệu nhưng một số trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy. Tại trường THPT Phan Huy Chú, BGH đã giao chuyên đề, đề tài mở rộng để giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cũng có thể dạy nếp sống thanh lịch, văn minh. Chuyênđề tương ứng với các bài của khối 10, khối 11 và phù hợp với các ngày truyền thống của địa phương. Ví dụ, trong tháng 10 có ngày 10/10 kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô. Khối 10học bài: Xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh”; khối 11 học bài: “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng nên BGH đó giao chuyên đề mở rộng cho khối 12 là “Văn hóa người Hà Nội”. Tuy khó có thể định lượng được hiệu quả nhưng có thể nhận thấy bộ tài liệu đã tạo ra phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh và thay đổi nhận thức, hành động của không ít bạn trẻ.
Nội dung còn nặng về lý thuyết
Vừa qua, trường THPT Tây Hồ đã tổ chức hội thảo đánh giá về công tác giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Trong hội thảo, nhiều giáo viên đã đưa ra nhận xét: Nội dung chương trình (đặc biệt là khối 10) còn nặng về lí thuyết, nhiều khái niệm khô khan, khó nhớ, khó hấp dẫn; các ví dụ minh họa trong bài (cả chương trình lớp 10, 11) đôi khi còn xa rời thực tế, chưa thiết thực và chưa mang tính thời sự với học sinh, ít tình huống... Phát biểu của đại diện học sinh cũng đã chỉ ra một số ví dụ minh họa có tính giáo dục và thiết thực hơn như cơn sốt thần tượng, cách dùng từ ngữ đáng báo động của học sinh ngày nay, bệnh vô cảm…Theo các giáo viên, nên có tiết học riêng, có kiểm tra đánh giá, cho điểm (một đầu điểm trong môn Lịch sử hoặc GDCD).
Là trường có nhiều lợi thế trong việc giảng dạy bộ tài liệu với 2 năm “tạo đà” bằng việc tổ chức dạy 9 chuyên đề về kỹ năng sống hàng năm cho học sinh, trường THPT Phan Huy Chú đã triển khai hiệu quả việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh với nhiều giờ học sống động và thiết thực. Tuy nhiên, công tác giảng dạy tại trường này cũng đã chỉ ra một số điểm hạn chế của bộ tài liệu. Thứ nhất, việc chia xếp số tiết dạy còn nặng. Các giáo viên của trường cho rằng, cần tách nhỏ hơn để có thể giáo dục thường xuyên hơn bởi vì thực tế làm công tác chủ nhiệm ở nhà trường phổ thông cho thấy công việc của công tác chủ nhiệm luôn cần được dành một phần thời gian của tiết sinh hoạt. Nếu choán cả tiết đó để dạy chuyên đề thì khó “vẹn cả đôi đường”. Một bài, nên chừng 30 phút, còn lại là các sinh hoạt giáo dục khác.
Kinh nghiệm 2 năm tổ chức giảng dạy tại trường Phan Huy Chú cũng cho thấy, muốn lý thuyết của bộ tài liệu thành hành động thì giáo viên cần chủ động và sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động thực tế. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, bên cạnh bộ tài liệu, chúng ta cần trang bị những thước phim, hình ảnh tư liệu, những đĩa nhạc những bài hát hay về Hà Nội. Việc này giáo viên cũng có thể làm nhưng có sự đồng bộ hoặc định hướng vẫn hơn. Ngoài ra, để giảng dạy hiệu quả thì cần tạo không khí thi đua dạy và học Bộ tài liệu như một môn học được chú trọng. Ví dụ có thể tổ chức thi GVDG hoặc thi học sinh viết thu hoạch cảm nhận sau khi được giáo dục Nếp sống thanh lịch, văn minh. Thực tế, tại trường Phan Huy Chú giáo viên có thể dạy Hội giảng bằng tiết giáo dục nếp sống TLVM. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho rằng, tốt nhất nên để giáo viên chủ nhiệm đảm trách dạy bộ tài liệu này vì họ là những người hiểu rõ nhất đặc điểm, tính cách của học trò.
Tô An
Điều giản dị:
Một thói quen đẹp
Sau buổi gặp mặt truyền thống của Hội CCB sư đoàn, đại tá Đình Tùng, là đồng đội đơn vị cũ mời tôi về thăm nhà. Trời hôm ấy có mưa, mở cửa ra trong nhà tối om. Ngay từ đầu tôi nghĩ ông này “ki bo” có mỗi ngọn đèn vài chục oát mà cũng tắt ngóm, bước vào nhà ông mới bật đèn lên. Đang ngồi hàn huyên tôi nhìn cái tivi nhà ông giống hệt ti vi nhà tôi nhưng không thấy có đèn đỏ. Tôi hỏi, ông cười: “Xem xong là tôi rút phích ra, loại tivi này không xem, tắt đi vẫn còn đèn đỏ báo chờ, nếu cứ để chạy cả ngày chí ít cũng tiêu thêm điện năng đấy”. Tôi hiểu và hưởng ứng: “Từ nay về nhà tôi cũng làm theo ông, tất cả ti vi không sử dụng chỉ còn đèn chờ là rút phích ra?”. Ông hóm hỉnh: “Mọi người cho là tôi hâm, nhưng đó là cách của tôi tiết kiệm điện và đặc biệt khi có sự cố về điện thì tivi nhà mình cũng không sao”. Rồi ông bộc bạch: tiết kiệm điện đã trở thành thói quen cho cả gia đình, ra khỏi nhà tắt hết các nguồn điện. Ở nhà cũng vậy, tối đi ngủ, tất cả các thiết bị chờ cũng rút phích ra hoặc gắn thêm một công tắc vừa tiết kiệm điện vừa an toàn cho thiết bị. Nhà tôi thay một loạt đèn tuýp 40 oát bằng loại bóng tiết kiệm từ 7 oát đến 20 oát mà ánh sáng không bị suy giảm, thậm chí tôi lắp đèn chùm trên đầu- ông dừng lại bật đèn chùm- với ba bóng 9 oát vậy mà sáng hơn hẳn bóng 40 oát trên cao kia. Mỗi tháng gia đình cũng tiết kiệm được gần trăm nghìn tiền điện. Hôm vừa rồi hưởng ứng “giờ trái đất” nhà tôi cũng thực hiện tắt điện đúng 1 tiếng đồng hồ…


Ngạc nhiên khi thấy một vị đại tá lương khá cao so với mặt bằng hưu trí, vậy mà tính toán từng li từng tí. Hiểu được băn khoăn của tôi, ông giải thích: Thực ra, việc tiết kiệm điện không phải cho gia đình mình, mà cho cả cộng đồng và xã hội, bớt đi gánh nặng cho ngành điện của đất nước. Ông kể một lần về Sơn La, thấy nhà đồng đội chỉ có mỗi bóng điện mà đỏ quạch như con đom đóm, tối đến con cái học hành phải thắp đèn dầu vì đường dây quá tải nên mất điện luôn... Trở về thành phố ông suy nghĩ rồi đề ra cho mình và gia đình một “quy định” thực hiện tiết kiệm điện để làm được việc tốt. Chia tay ông, ra về, tôi cảm nhớ mãi hình ảnh ông đại tá tiết kiệm điện, nếu ai cũng làm được như gia đình ông thì việc góp phần khắc phục vấn đề thiếu điện hẳn sẽ làm được.

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top