Giáo dục Nhật Bản vì sao được ngưỡng mộ?

lion

Moderator
Staff member
Vừa qua tôi có dịp đưa đoàn học sinh gồm 28 em sang giao lưu học tập kinh nghiệm với học sinh Nhật Bản. Về rồi, tôi trăn trở mãi câu hỏi, tại sao mỗi người dân Nhật Bản có ý thức chấp hành luật, ý thức vì cộng đồng, vì mọi người tốt đến như vậy?




Học sinh Nhật Bản.
Việt Nam có làm được như vậy không? Và muốn làm như vậy thì chúng ta bắt đầu từ đâu?

Sau hai tuần tại nước bạn, tôi nghiệm ra rằng, dù ở Tokyo hay Hiroshima hoặc bất kỳ thành phố nào trên đất nước Mặt trời mọc thì đường phố cũng vô cùng sạch sẽ, không hề có chút nước nào từ nhà dân hoặc cơ quan chảy ra đường phố. Về chấp hành Luật Giao thông thì khỏi phải nói, nơi đèn xanh đỏ dù là ngõ nhỏ, ít người qua lại, thì mọi người vẫn chấp hành một cách nghiêm chỉnh...

Khi vào thang máy, nếu đi đông người mà có người Nhật đi cùng, dù quen hay lạ thì họ cũng giữ nút mở cho mọi người vào và họ vào cuối cùng, nếu đông quá họ sẵn sàng đi chuyến sau; khi ra thang máy cũng vậy, nếu người Nhật đứng cạnh nơi bấm mở, thì bao giờ họ cũng đứng lại giữ nút mở, cho mọi người ra hết và họ ra sau cùng.

Để có được ý thức đó, người Nhật bắt đầu từ giáo dục trong nhà trường và dạy các em học sinh cách ứng xử, lối sống tự lập từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Về mô hình giáo dục phổ thông, ở Nhật Bản gần giống Việt Nam, giáo dục phổ thông là 12 năm, từ lớp 1 đến lớp 12 (6 tuổi đến 17 tuổi). Tuy nhiên, mô hình ở Nhật Bản là Tiểu học 6 năm, THCS 3 năm, THPT 3 năm. Việt Nam theo mô hình: 5-4-3 (Tiểu học là 5 năm, THCS 4 năm, THPT 3 năm); Về giáo dục lao động cho học sinh ở Nhật khác hẳn so với Việt Nam, các trường không phải thuê lao công mà hoàn toàn tự các em lao động làm sạch đẹp trường lớp. Tại trường Trung học nữ sinh Sho Wa thuộc Thủ đô Tokyo, học sinh học 8 tiết/1 ngày (sáng học 4 tiết, chiều học 2 tiết và 2 tiết lao động).

Ăn trưa cũng các em tự nấu và chia ra từng suất ăn cho các bạn (luân phiên từng lớp nấu ăn trưa). Buổi chiều, sau 2 tiết học đầu tiên là thời gian giải lao và thay quần áo để lao động làm sạch đẹp trường lớp (mỗi em có 1 tủ để quần áo và bảo hộ lao động).

Giờ lao động các em tự quản và phân công công việc: nhóm lau sàn nhà, nhóm lau bàn ghế, nhóm lau kính, nhóm lau cầu thang, nhóm tỉa cây, tưới cây, quét sân trường, nhóm làm vệ sinh... các em làm rất tự giác và với tinh thần rất thoải mái. Khoảng 5 chiều các em hoàn tất công việc, thay quần áo và về nhà.

Chỉ được tham khảo một phần nền giáo dục của nước bạn, cũng đủ thấy ý thức con người tất cả phải bắt đầu từ giáo dục: giáo dục trong nhà trường và giáo dục trong gia đình, nhưng điều hết sức quan trọng là hai nền tảng giáo dục đó phải thống nhất: đến Trường mầm non cô giáo dạy trẻ tính tự lập, thì về nhà bố mẹ, ông bà không thể làm thay các cháu, ở trường dạy Luật Giao thông thì không thể bố mẹ đưa cháu đi học lại vượt đèn đỏ...những xích mích trong nhà trường, cô giáo đều hướng dẫn học sinh, không phải tranh luận mình đúng hay sai mà xem bản thân có lỗi gì để xin lỗi bạn, thì về nhà cũng vậy, khi con cái xảy ra mâu thuẫn gì, bố mẹ, ông bà cũng phải có cách giải quyết như vậy, điều này vô cùng có ý nghĩa khi giáo dục con người ý thức vì mọi người.

Hơn nữa ở Nhật Bản, cô giáo thường xuyên chia sẻ với phụ huynh những vấn đề đồng nhất trong giáo dục trẻ em, đồng thời ở Nhật Bản, người mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em, nhất là ý thức tự lập, ý thức vì mọi người, giữ gìn vệ sinh chung và ý thức chấp hành kỷ luật.

Giáo dục Nhật Bản rất cụ thể, nếu trong nhà trường giáo dục ý thức lao động, ý thức vì mọi người, thì không chỉ có lý thuyết là khẩu hiệu “mình vì mọi người", hay “lao động là vinh quang” mà là làm gì được gì cho bạn, cho thày cô, cho bố mẹ, bản thân tự làm gì để trường lớp sạch sẽ.

Thiết nghĩ, đất nước ta còn nghèo, việc giáo dục ý thức lao động cho học sinh là rất cần thiết. Tại sao các bậc cha mẹ học sinh Việt Nam dù kinh tế gia đình chưa dồi dào lại cứ phải đóng tiền thuê lao công trường học, trong khi việc này các em hoàn toàn có thể làm được.

Ở trường, các em cứ vứt giấy rác không nương tay, vì đã có người quét, về nhà bố mẹ lại nuông chiều, không yêu cầu các con phải làm bất cứ việc gì, chỉ có học thôi.

Cứ như vậy, đến bao giờ các em học sinh mới yêu lao động, mới biết quý trọng những sản phẩm mình làm ra bằng chính sức lực của mình. Trong nhà trường cứ hướng nghiệp, cứ dạy nghề trong khi các em có yêu quý lao động đâu.

Cải cách giáo dục phải thay đổi căn bản nhiều nôi dung, nhưng chắc chắn việc giáo dục lao động cho học sinh phổ thông phải có sự thay đổi, thay đổi cả tầm vĩ mô và vi mô, nhưng điều quan trọng nhất là cải cách thế nào, để giáo dục trong nhà trường, giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội là một thể thống nhất.



Theo Đào Thịnh

Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em VN (báo Văn Hóa)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top