Blitzkrieg -- ai yêu thích WW2 thì không thể bỏ quạ

Chiến tranh chớp nhoáng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Blitzkrieg là chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng, hay đánh nhanh thắng nhanh, của học thuyết quân sự Đức. Trong tiếng Đức, "Blitzkrieg" là một từ ghép, blitz-krieg, có nghĩa là cuộc chiến tranh chớp nhoáng, mà trong cuộc chiến tranh đó hành động tấn công căn bản là dùng khối lượng xe tăng thật lớn với sự yểm hộ của phi cơ thọc sâu một cách táo bạo vào trung tâm của đối phương. Đây là chiến thuật quân sự mà quân đội phát xít Đức đã sử dụng trong Đệ nhị thế chiến.

Trong Đệ nhị thế chiến, quân đội phát xít Đức từ trước khi tấn công vào Liên Xô đã có kinh nghiệm chiến đấu trên các chiến trường khắp châu Âu trong hai năm: Pháp, Bỉ, Hà Lan và một số nước khác. Các cuộc chiến tranh ở Pháp, Bỉ, Hà Lan và nhất là cuộc chiến tranh chống Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 đã khẳng định trong điều kiện chiến tranh với một kẻ địch yếu thì những hình thức tiến hành chiến dịch mà quân đội Hitler đề ra ngay từ hồi đó (tháng 9 năm 1939) theo chiến thuật Blitzkrieg là rất hợp lý.

Sự phát triển

Đệ nhất thế chiến (1914–1918) là một quá trình phát triển của chiến thuật của quân Đồng Minh trong việc sử dụng một khối lượng lớn bộ binh để tấn công sau một thời gian bắn phá mãnh liệt, nhưng do hiệu quả của pháo binh lúc đó còn thấp và quân Đức có thể chuyển sang chiến thuật phòng ngự trận địa kiên cố. Các năm 1916–1918 quân Đức bố trí đội hình chiến đấu thành từng toán, nên quân đội Anh – Pháp phải trang bị rất nhiều phương tiện hỏa lực để gây tổn thương cho bộ binh và kị binh càng nhiều càng tốt. Nhưng cũng trong cuộc chiến tranh này, sự xuất hiện của hai loại phương tiện chiến tranh mới đã làm thay đổi nhiều trong các học thuyết chiến tranh sau này: xe tăng thiết giáp và máy bay có vũ trang. Thứ nhất, chúng trở nên bất khả xâm phạm với các loại vũ khí bộ binh và có sức cơ động chiến đấu rất cao. Các ưu điểm này đã thay đổi toàn bộ về cách thức tiến hành chiến tranh.

Sau chiến tranh, nhiều ý kiến tập trung vào phát triển các loại phương tiện chiến tranh mới đã này được đề xuất; đồng thời cũng có các nghiên cứu về chiến thuật chiến đấu của các phương tiện đó trong sự phối hợp với các binh chủng khác. Các phương tiện chở máy bay trên biển cũng được phát triển để có thể đưa máy bay chiến đấu đến gần lãnh thổ đối phương hơn, và dần dần giảm nhu cầu trang bị pháo hạm tầm xa. Tại Nga, vì đất rộng nên sự xuất hiện của các đơn vị bộ đội nhẩy dù đã đem lại cho bộ binh những sức cơ động chiến đấu mới, và các hạm đội lớn có nhiều xe tăng hạng nhẹ với tốc độ nhanh đã được hình thành để tăng cường sức cơ động của bộ binh. Ở Anh, dù ngăn cách với châu Âu bằng biển Manche, nhưng người ta cũng phát triển những đơn vị được trang bị "bộ binh thiết giáp" hay "bộ binh xe tăng" để hỗ trợ cho bộ binh bằng sự yểm hộ trực tiếp của hỏa lực xe tăng. Chính vì thế mà xe tăng hạng nhẹ được chế tạo nhiều để thay thế cho kị binh đã tỏ ra lỗi thời.

Các quân đội khác như Pháp và Ba Lan vẫn dùng lý luận chiến tranh trận địa lỗi thời: xây dựng hệ thống phòng ngự công sự với những bãi mìn (như ở trong chiến lũy Ma-gi-nô). Mặc dù có trang bị nhiều bunker bằng bê-tông và pháo binh hạng nặng, chiến thuật phòng ngự này tỏ ra quá yếu trong chiến tranh hiện đại. Còn quân đội Ba Lan thì thậm chí vẫn còn phát triển kị binh.

Quân đội Đức sau chiến tranh, bỏ lại những khó khăn hạn chế của một nước bại trận, đã tập trung vào việc phát triển lý luận quân sự mới. Kéo theo là sự phát triển nhanh chóng của xe tăng và máy bay tấn công loại mới cho quân đội, chủ yếu dựa trên lý luận của nhà quân sự người Anh Basil Liddell Hart đã được phổ biến rộng rãi trong thời hậu chiến.

Trong đầu thập niên 1920, tướng Đức Hans von Seeckt, đứng đầu quân đội Đức lúc đó, đã viết rằng đóng vai trò quyết định những cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ thuộc về các lực lượng tấn công nhỏ hơn nhưng có trang bị hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, với sự yểm hộ hiệu quả của một lực lượng không quân tấn công mạnh. Tướng Đức Heinz Guderian, được bổ nhiệm chủ nhiệm trường xe tăng Nga-Đức ở Ca-dan, đã thu thập được nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện chiến đấu trên chiến trường Nga và có nhiều đóng góp trong việc dứt bỏ hẳn những gì rơi rớt lại của cuộc đại chiến thế giới I mà nước Đức đã là nước bại trận.

Guderian đã dùng những tư tưởng của Lidell-Hart với những ý tưởng phát triển mới, và sau này đã có vài năm để hoàn thiện chúng trên thực tế huấn luyện chiến đấu.

Chính những tư tưởng của Guderian lại được sự hậu thuẫn của Hitler vì chiến tranh được coi là một phương tiện cần thiết để tiến tới bá chủ thế giới. Giới cầm quyền Đức gấp rút tái trang bị và tái vũ trang quân đội theo hướng quân phiệt hóa mọi hoạt động xã hội.

Hitler và hiểu rõ sự khác biệt giữa cuộc chiến tranh sắp tiến hành so với cuộc chiến tranh đã qua, và đã đạt được những kỳ tích trong việc vượt qua những khó khăn của một nước thua trận để xây dựng lại nền công nghiệp quốc phòng. Chính trong môi trường này, những ý tưởng của Guderian tìm được mảnh đất màu mỡ để phát triển. Với sự ủng hộ của Hitler, công nghiệp xe tăng đã chế tạo rất nhiều xe tăng nhỏ và xe thiết giáp tốc độ cao để trang bị cho bộ binh, và lực lượng này phát triển hết sức nhanh. Guderian đã trở thành một sư đoàn trưởng xe tăng của sư đoàn xe tăng Con Báo đầu tiên và, năm 1938, trở thành Quân đoàn trưởng của Quân đoàn xe tăng Con Báo của Đức, sau đó trở thành tư lệnh của lực lượng cơ động chiến đấu Đức, trực tiếp dưới quyền Tổng tư lệnh Hitler. Với những kinh nghiệm của Guderian và trang bị rất tốt và hiện đại, quân đội Đức đã sẵn sàng tiến hành chiến thuật "Chiến tranh chớp nhoáng" trên chiến trường.
 
Trang bị và vũ khí

Nhìn chung, chiến thuật “Blitzkrieg” của quân đội phát-xít Đức được xây dựng trong thời kỳ của xe tăng, của máy bay tấn công chiến thuật và chỉ huy bằng vô tuyến điện, với phương châm “tốc độ” và “hỏa lực”.

* Tập trung lực lượng tấn công cơ động mạnh: cơ động, hỏa lực, tấn công nhanh, thọc sâu bằng khối lượng xe tăng và cơ giới lớn. Lúc này công nghiệp xe tăng Đức đã đạt được những thành tựu lớn trong chế tạo ra những loại xe tăng mới rất tốt, hiện đại, còn bộ binh thì có các vũ khí hiệu quả, hỏa lực mạnh, vũ khí chống tăng cũng tốt. Các lực lượng của các đơn vị tấn công được huấn luyện tốt, thiện chiến, say máu nhất là lính tăng. Đi cùng xe tăng là bộ binh cơ giới được bảo vệ tốt khỏi sức sát thương của đối phương và có vũ khí chống tăng tốt. Loại bộ binh này chỉ dùng xe để di chuyển, còn thì chiến đấu bằng chân trên mặt đất.

* Yểm hộ bằng khối lượng không quân tấn công lớn và mạnh: Pháo binh là một lực lượng yểm hộ tốt cho tấn công nhưng tính cơ động quá thấp, nên giới quân sự phát-xít nghiêng về phát triển các lực lượng không quân tấn công nhất là không quân oanh tạc. Đến đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai, không quân Đức đã được trang bị một số lượng lớn máy bay oanh tạc bổ nhào Gioong-ke Ju-87 (Stuka), nhanh chóng phối hợp cùng xe tăng và bộ binh cơ giới trong tấn công. Thời gian này cũng chính là thời gian mà những quan điểm học thuyết sai lầm của Đu-ê nhấn mạnh vai trò của một “hạm đội ném bom mạnh” ảnh hưởng sâu sắc trong giới quân sự Xô-viết, chế tạo những máy bay ném bom khổng lồ nhưng bất lực. Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh vai trò tấn công thọc sâu vô hiệu hóa chủ lực bộ binh, đánh các cầu, đường, bến vượt, sân bay và pháo binh đối phương của loại Stuka rất hiệu quả này. Và quả thực chúng đã làm mưa làm gió trên chiến trường châu Âu.

* Quân nhảy dù là một dạng mới, khác của hoạt động không trợ, được sử dụng trong việc cần chiếm những mục tiêu chiến thuật đặc biệt mà không được phá hủy nó. Trong chiến thuật “Blitzkrieg” quân dù đổ bộ đường không thường được dùng để chiếm cầu và các đầu mối giao thông để đảm bảo tốc độ tiến quân của xe tăng và bộ binh cơ giới.
* Chỉ huy chiến đấu bằng vô tuyến điện – trong khi đến tận năm 1940, các cơ quan tham mưu của quân đội Pháp vẫn chưa dùng vô tuyến điện để chỉ huy thì với quân Đức, mỗi một chiếc xe tăng, xe thiết giáp và máy bay đều có máy thu phát vô tuyến đàm thoại trực tiếp. Chính đây là một ưu thế hơn hẳn của quân đội Đức trong chỉ huy chiến đấu hợp đồng trong chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng”.
* Tính mềm dẻo và đơn giản trong chiến thuật: chiến thuật chiến đấu của quân đội Đức hết sức mềm dẻo, phụ thuộc vào tình huống thực tế mà quyết định nhanh chóng thông qua liên lạc vô tuyến, kết hợp với hỏa lực mạnh của xe tăng cơ động và không trợ, cho phép quân Đức lựa chọn phương án tác chiến tối ưu nhất ngay trong trận đánh. Chiến thuật “blitzkrieg” là rất đơn giản dựa trên trang thiết bị kỹ thuật chiến tranh mới, hiện đại và hiệu quả, và là một phần của tính mềm dẻo trong chiến thuật tấn công. Quân Đức tấn công theo tinh thần của kị binh trước đây, không có gì khác.
* Bất ngờ và gây hoang mang: trước lúc tấn công, quân Đức thường sử dụng biệt kích thám báo nhảy dù vào hậu phương đối phương, cắt đường dây thông tin liên lạc, khủng bố, gây hoang mang… và kết hợp với chiến thuật tấn công nhanh, chớp nhoáng và mạnh gây choáng cho đối phương, bỏ chạy liên tục không thể tổ chức đánh lại được.
* Làm chủ trên không - chiến lược phát triển không quân đúng đắn của phát-xít Đức trong thời kỳ đầu chiến tranh đã đem lại những kết quả lớn: phát triển một lực lượng thích đáng không quân tiêm kích nhằm làm chủ trên không, tiêu diệt ngay không quân đối phương khi còn ở trên sân bay.
* Hậu cần – công tác hậu cần trong chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng” là rất quan trọng, do tốc độ tiến rất nhanh của các đơn vị tấn công mà các đơn vị hậu cần thường rớt lại phía sau, dễ dẫn tới việc các chi đội tiên phong phải dừng lại vì thiếu đạn dược và nhiên liệu.

“Blitzkrieg” trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai: Như trên đã nói, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã hoàn toàn đập tan lý luận lỗi thời về chiến tranh trận địa mà một số lớn các nhà lãnh đạo quân sự nhất là Pháp vẫn khăng khăng giữ lấy trong những năm sát trước chiến tranh. Kỹ thuật mới, nhất là xe tăng và máy bay đã có quá nhiều thay đổi lớn làm tính chất của chiến đấu cũng thay đổi theo. Các sư đoàn quân xe tăng của phát-xít Đức có sự yểm hộ của không quân đã dễ dàng chọc thủng những mặt trận phòng ngự của quân đội Anh, Pháp dàn đều nhưng không sâu và do đó rất yếu, nên quân Đức dễ dàng vượt qua khu phòng ngự chiến dịch mà không gặp phải bất kỳ một sự kháng cự mãnh liệt nào. Bọn phát-xít Đức nhanh chóng làm chủ trên không; chủ yếu là do chúng đã tiêu diệt được một bộ phận lớn các phi cơ Anh, Pháp trên các sân bay, nên không quân Đức rảnh tay tập trung lực lượng lớn vào công kích mọi điểm trong hệ thống phòng ngự của đối phương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng dự trữ của đối phương, làm tê liệt mọi sự chỉ huy, phá tan việc chấn chỉnh lại quân đội và phá hoại mọi công tác hậu phương. Bộ chỉ huy Pháp đã không chuẩn bị đối phó với cách thức tiến hành chiến tranh như vậy nên ở một mức độ đáng kể đã làm Pháp bị thất bại nhanh chóng hơn.

Nét đặc biệt nhất là phương pháp tiến hành chiến dịch của quân đội Hít-le sau khi đã kết thúc chiến cục ở Pháp là tấn công bằng cách tập trung cao độ lực lượng xe tăng có sự yểm hộ tích cực của máy bay trên một chính diện mặt trận nhỏ. Trong cuộc chiến đấu với những đối thủ tương đối yếu và không sẵn sàng chiến đấu, cách tấn công như vậy đã làm cho quân đội phát-xít Đức thu được thắng lợi.

Qua kinh nghiệm chiến đấu ở Pháp đã khiến Bộ tổng tham mưu lục quân Đức phát-xít đề ra được một số kết luận về các phương pháp tiến hành chiến đấu tấn công (chỉ thị ngày 20 tháng Mười một năm 1940): “Nhanh chóng, cơ động, tập trung lực lượng ở hướng tấn công chính, dũng cảm giải quyết và hoàn thành việc tấn công đó là cơ sở của thắng lợi. Để giành được thắng lợi việc thực hiện bất ngờ về mặt chiến dịch cũng như chiến thuật cũng có tác dụng quyết định. Cương quyết công kích không có sợ gì hai bên sườn bị đe dọa mới có thể phá tan được mặt trận của đối phương. Trong khi truy kích đối phương với các phương tiện đảm bảo vận động, ồ ạt dũng cảm tiến lên thì địch khó bảo đảm được việc tổ chức và củng cố trận tuyến phòng ngự mới. Về mặt đó việc phối hợp động tác với các phi cơ oanh tạc đặc biệt có giá trị rất lớn”. Như vậy là kết quả của chiến đấu tấn công trước hết phụ thuộc vào sự tấn công bất ngờ. Việc phối hợp chiến đấu với máy bay được đề lên hàng đầu còn tầm quan trọng của pháo binh thì coi nhẹ.

Dựa trên cơ sở tác chiến ở Pháp, bộ chỉ huy phát-xít Đức đi đến kết luận là xe tăng cần phải chỉ hoạt động trong tổ chức sư đoàn xe tăng, còn việc để các đơn vị xe tăng phối thuộc với các sư đoàn bộ binh là không đúng. Theo quan điểm của bọn Đức phát-xít, trong tấn công sư đoàn xe tăng đã tự xác định vai trò quan trọng cốt yếu và là một binh đoàn không thể xé lẻ được. Trong chỉ thị có nêu ra yêu cầu các sư đoàn xe tăng phải phụ thuộc về chiến thuật của bộ binh nếu như đơn vị đó tấn công qua khu vực của nó. Nếu như trong quá trình tấn công các lực lượng căn bản của sư đoàn xe tăng tách rời khỏi bộ binh thì sự phụ thuộc lại thay đổi, lúc đó bộ binh yểm hộ cho xe tăng là cần thiết để xe tăng có thể tiến lên được.
 
Dựa trên kinh nghiệm năm 1940, bộ chỉ huy của Hít-le yêu cầu các đơn vị tiếp tục truy kích về đêm để có thể bất ngờ tiếp cận đối phương. Trong khi truy kích và tiếp cận, việc tấn công của xe tăng vào lúc hoàng hôn và ban đêm thường được coi là lúc có thể tiêu diệt được hoàn toàn đối phương.

Việc tấn công vào nơi bố trí phòng ngự sẵn của đối phương yêu cầu phải tiến hành sau khi đã tấn công bằng hỏa lực, đồng thời trong quá trình tấn công hỏa lực tập trung bắn gần của bộ binh cũng có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao.

Đây là một số kết luận trong các chiến cục năm 1940, là những điều cơ bản trong các phương pháp chiến thuật chiến đấu của quân đội phát-xít Đức năm 1941 ở mặt trận phía Đông.

Bên cạnh những điểm mạnh, chiến thuật của quân đội phát-xít Đức trước khi tấn công vào Liên Xô cũng có những sai lầm lớn. Chiến thuật của Đức cho rằng sẽ chiến đấu với một đối phương yếu, trang bị và huấn luyện kém, trình độ vận động thấp và lại có những quan điểm tiến hành chiến tranh đã lỗi thời. Trong cuộc chiến đấu với một đối phương như vậy, bọn phát-xít Đức hy vọng rằng sự tấn công bất ngờ, bất thình lình thậm chí có thể dùng những lực lượng không lớn lắm cũng đủ tiêu diệt đối phương. Chúng tính toán sẽ làm cho đối phương phải kinh hoàng, hoang mang để đạt được thắng lợi và trước hết là để cho đối phương không kịp tổ chức chống lại. Việc đột nhập vào hậu phương bằng những đơn vị cơ giới không lớn lắm để gây hoang mang; việc đổ bộ những đơn vị đổ bộ chiến thuật; việc hoạt động của những chi đội đi trước cách rất xa chủ lực; việc bắn phá ầm ỹ, loạn xạ… tất cả những biện pháp đó là cái mà bọn Hít-le đã nghiên cứu trong các trận chiến đấu hồi năm 1939 – 40 dựa trên việc nghiên cứu tâm lý của một đối phương kém vững vàng đã được áp dụng một cách máy móc khi chiến đấu với quân đội Xô-viết, mà không tính gì đến đặc điểm và khả năng của họ. Nếu như lúc bắt đầu chiến tranh trong điều kiện tấn công bất ngờ nó có những hiệu quả nhất định thì không bao lâu chiến thuật mạo hiểm đó đã bị phá sản hoàn toàn. Tinh thần dũng cảm và kiên cường đặc biệt của các chiến sỹ Xô-viết trong các cuộc chiến đấu gay go đã chứng minh sự sai lầm trong chiến thuật của địch.

Bên cạnh những sai lầm về phương pháp chiến thuật khác của quân đội phát-xít Đức, cần phải nói đến sự đánh giá quá cao một số quân chủng mà coi nhẹ các thứ khác. Vì đặt tính chất bất ngờ và nhanh chóng lên hàng đầu, nên bọn chỉ huy Đức hoàn toàn dựa vào những quân chủng vận động cao như các binh đoàn xe tăng và cơ giới hóa có sự yểm hộ của không quân. Về nguyên tắc, vai trò của vận động của quân đội trong giai đoạn cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 có giá trị rất lớn. Nhưng trong chiến thuật của quân đội phát-xít lại coi các quân chủng đó có tầm quan trọng tuyệt đối vì chúng có tư tưởng quá đề cao tính chất vận động và dẫn đến chỗ sai lầm trong việc sử dụng các quân chủng khác, mà trước hết là pháo binh, là binh chủng của Đức trong suốt quá trình chiến tranh bị coi nhẹ. Quân đội Xô-viết đã nhận ra được sự phiến diện đó và đối phó lại với chiến thuật sử dụng nhịp nhàng các binh chủng, đó là một điểm hơn hẳn so với chiến thuật của phát-xít Đức.

Việc huấn luyện chiến thuật của Hồng quân hồi đầu chiến tranh về cơ bản là thích hợp với yêu cầu và đặc điểm của chiến đấu hợp đồng. Tuy vậy quân đội Xô-viết lúc đó còn thiếu thực tế chiến đấu và chưa được huấn luyện đầy đủ để chống lại một số phương pháp chiến thuật của phát-xít Đức là những phương pháp ở một chừng mực nhất định đối với Hồng quân là một sự bất ngờ. Với phương pháp đó, quân Đức có thể sử dụng tập trung trong những mặt trận hẹp các sư đoàn xe tăng là lực lượng tấn công ở thê đội 1 của quân cơ giới hóa có sự yểm hộ đắc lực của không quân, sử dụng những đội đổ bộ đường không nhỏ, đồng thời sử dụng rộng rãi các binh đoàn đi trước để hoạt động trong tung thâm phòng ngự chiến dịch. Điều đó đã khiến cho Bộ chỉ huy Xô-viết ngay từ đầu chiến tranh đã phải có những quan điểm chính xác về phương pháp chiến đấu chống đơn vị xe tăng của Đức đặc biệt là về tổ chức phòng ngự chống tăng… Trong thời kỳ đầu của cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại quân Đức đã sử dụng toàn bộ những kinh nghiệm có sẵn, do đó những đặc điểm về chiến thuật và chiến dịch của Đức đã bộc lộ hoàn toàn.

Quân Đức định nhanh chóng tấn công bất ngờ chủ yếu dùng các đơn vị vận động có sự yểm hộ của không quân chọc sâu vào tung thâm phòng ngự, chia cắt binh lực bố trí của Hồng quân, bao vây và tiêu diệt các đơn vị đó, đồng thời chiếm các nơi có lợi trong tung thâm để tiêu diệt các lực lượng dự bị chiến dịch, ngăn cản việc vận động của các đơn vị đó ra mặt trận. Lực lượng tấn công cơ bản của Đức là các đơn vị xe tăng thuộc các sư đoàn xe tăng và mô-tơ hóa đang tấn công ở hướng chủ yếu của chiến dịch. Khi tấn công có phối hợp chặt chẽ với không quân trên một phạm vi hẹp của mặt trận, các đơn vị xe tăng của quân Đức trong quá trình tác chiến ở biên giới đã hoạt động nhanh và linh hoạt, với những trận công kích quyết liệt đã đạt được những kết quả chiến dịch rất lớn. Ví dụ như Tập đoàn quân xe tăng số 2 và 3 phối hợp tấn công với Tập đoàn quân dã chiến số 4 và 5 trong giai đoạn từ 22 đến 27 tháng Sáu năm 1941 đã tiến sâu đến 300 ki-lô-mét và liên lạc được với vùng Min-xcơ. Các sư đoàn xe tăng trong các đơn vị đó trong tấn công đã phối hợp chặt chẽ với các sư đoàn cơ giới hóa là những đơn vị có tốc độ tấn công nhanh tương đương, và với sự tấn công của máy bay oanh tạc. Các sư đoàn cơ giới hóa đã chiếm các vị trí phòng ngự quan trọng, củng cố các khu vực mà các sư đoàn xe tăng đã chiếm được đang phát triển thắng lợi trong tung thâm.

Các Tập đoàn quân dã chiến của phát-xít Đức tấn công trên một chính diện tương đối rộng, từ 80 đến 200 ki-lô-mét. Các Tập đoàn quân xe tăng với một mật độ dày đặc hoạt động trong những khu vực chính diện rất nhỏ. Các sư đoàn xe tăng thuộc các Tập đoàn quân đó trung bình hoạt động trên một chính diện chỉ từ 8 đến 10 ki-lô-mét. Trong quá trình chiến đấu ở biên giới, tốc độ tấn công trung bình của Tập đoàn quân xe tăng Đức là từ 35 đến 55 ki-lô-mét một ngày, còn của các Tập đoàn quân dã chiến là từ 10 đến 20 ki-lô-mét. Việc chỉ huy bộ đội xe tăng nhất là đối với các đơn vị đang tấn công rất linh hoạt và kịp thời vì dùng vô tuyến điện.
 
Đặc điểm

Việc tấn công do các sư đoàn bộ binh và xe tăng tiến hành, các đơn vị này nằm trong biên chế của Quân đoàn cơ giới hóa. Các sư đoàn bộ binh hoạt động ở hướng chủ yếu thì diện tấn công rộng từ 3 đến 6 ki-lô-mét. Đôi khi các sư đoàn bộ binh có tăng cường từ 1 đến 2 trung đoàn pháo và xe tăng, mật độ pháo binh trong khu vực tấn công của sư đoàn chỉ có khoảng từ 50 đến 70 khẩu trên một ki-lô-mét chính diện mặt trận. Các sư đoàn bộ binh thường tấn công thành đội hình có hai thê đội, ít khi có một thê đội, đặc biệt, đặc điểm của nó là nhanh chóng vận động và cơ động linh hoạt. Bộ chỉ huy các sư đoàn liên tục tấn công thật sâu vào trong tung thâm và nhiệm vụ chung không chia thành từng giai đoạn. Các sỹ quan chỉ huy lính tác chiến và binh đoàn được phép linh hoạt và chủ động trong khuôn khổ nhiệm vụ chung.

Hoạt động của các đơn vị tiên phong dùng để thọc sâu vào tung thâm phòng ngự của Hồng quân và để chiếm các vị trí quan trọng trong khi hành tiến.

Nhưng cũng chính những chiến thuật này của quân Đức đã ảnh hưởng rất lớn đến chiến thuật phòng ngự của Hồng quân, nhất là trong giai đoạn mùa hè và mùa thu 1942. Chỉ huy Hồng quân đã nhận được ra rằng, với chiến thuận đó tất yếu phải có được một hệ thống vững chắc, linh hoạt trong phòng ngự chống tăng. Trong bộ đội Hồng quân đã bắt đầu sử dụng rộng rãi hơn việc bắn thẳng, không phải chỉ như trước chỉ pháo chống tăng 45mm mới bắn thẳng, mà cả các cỡ pháo lớn hơn. Hệ thống phòng ngự phải được tổ chức và xây dựng sâu, nhiều tầng, được tổ chức thành nhiều thê đội. Các lực lượng dự bị chống tăng được thành lập. Việc lập nên các điểm tựa chống tăng, việc nghiên cứu các phương pháp bộ binh cận chiến với xe tăng, tất cả đã có ảnh hưởng quan trọng đến việc chống lại hiệu lực tấn công của xe tăng Đức. Việc vận động đột phá của quân Đức vào những khoảng cách và nơi tiếp giáp và hai bên sườn đã khiến vấn đề bảo đảm nơi tiếp giáp và hai bên sườn là một vấn đề quan trọng và cần thiết. Một số vấn đề về phương pháp phòng ngự nơi tiếp giáp bắt đầu được áp dụng. Vì lúc này không quân Đức vẫn làm chủ trên không nên Hồng quân từ đại đội đến tiểu đoàn phải tích cực áp dụng những biện pháp phòng không và ngụy trang kín đáo. Tuy nhiên, các phương pháp và cách thức tiến hành chiến tranh của Hồng quân trong giai đoạn mùa thu và mùa đông năm 1941 thì chưa đáp ứng được tình hình. Việc phòng ngự chưa phải nơi nào cũng đủ sức chống cự được hoạt động tập trung xe tăng của Đức. Mật độ chiến thuật còn chưa cao và tung thâm thì không đáng kể. Công sự phòng ngự thường là yếu. Hố cá nhân và hào chưa đảm bảo được đầy đủ đúng mức độ cần thiết, không có hầm cho người và nơi vận động của các phương tiện hỏa lực. Nhưng chính đó lại là những trường học lớn cho các cán bộ chỉ huy Xô-viết sau này.

Mùa xuân năm 1942, Bộ tổng chỉ huy Đức đã đề ra những “chỉ thị đặc biệt về huấn luyện cho bộ binh dựa trên cơ sở kinh nghiệm ở mặt trận phía Đông”, các chỉ thị này đã có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chiến thuật tấn công và phòng ngự của quân đội phát-xít Đức. Trong các chỉ thị đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của hỏa lực trong chiến đấu, từ đó về sau quân Đức mới nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của hỏa lực pháo binh trong chiến đấu với Hồng quân. Trong các bản chỉ thị có các nhận định:

“Trong tấn công và phòng ngự cần thiết phải nhanh chóng tập trung hỏa lực, không phải chỉ của một số loại súng nào đó mà phải đồng thời sử dụng vũ khí bắn thẳng và bắn cầu vồng… Việc tập trung đúng chỗ và đúng lúc các loại vũ khí hiện có (ở hướng chủ yếu) có ảnh hưởng rất nhanh chóng và đắc lực”. Trong chiến đấu tấn công yêu cầu trước hết là phải lập nên “những hướng công kích chính của hỏa lực” bằng cách “trao cho các đại đội các vũ khí nặng để nó sử dụng trong tấn công, đồng thời tập trung việc chỉ huy hỏa lực của tiểu đoàn ở các khu vực quyết định bằng cách sử dụng vũ khí hạng nặng của đơn vị và phối hợp với pháo binh”. Mỗi một người chỉ huy phải “cố sức để tập trung mọi lực lượng công kích, hỏa lực và dự bị ở nơi quan trọng có tính chất quyết định”.

Điều rất quan trọng trong quá trình tấn công là “nhanh chóng điều hỏa lực đúng chỗ và đúng lúc, thường xuyên yểm hộ cho tấn công bằng cách dùng các hình thức mới để tập trung hỏa lực của các loại hỏa khí bắn thẳng và cầu vồng”. Chỉ huy bộ binh có nhiệm vụ phải đảm bảo hỏa lực có hiệu quả trong khi bộ đội vận động tiến công và vận động sát với hỏa lực từng đợt của pháo binh.

Đây là một biến đổi rất quan trọng của quân Đức trong chiến thuật tấn công, trước đây chỉ chủ yếu đề cao vai trò của nhanh chóng cơ động là điểm quan trọng nhất của chiến thuật.

Nhưng những nhận thức đó đã tỏ ra là muộn màng, khi mà phương hướng chiến lược của quân đội phát-xít Đức đã đi theo hướng khác ngay từ đầu: đến chiến dịch tấn công lớn cuối cùng của quân Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận Cuốc-xcơ, pháo binh của Đức đã tỏ ra “không lại” được với pháo binh Xô-viết. Trận đánh phản chuẩn bị của các Phương diện quân Xô-viết đã gây cho quân Đức thiệt hại nặng nề cả về pháo binh và xe tăng. Hơn thế nữa, về chiến lược Hít-le vẫn đặt nhiều hy vọng vào các loại xe tăng mới hạng nặng như Con Cọp, Con Báo… mà tự bản thân chúng không thể đem lại được bước ngoặt của chiến tranh.

Chuẩn bị để tiếp đón thích đáng cuộc tấn công của quân Đức, một hệ thống phòng ngự chống tăng nhiều tầng theo chiều sâu, có sự phối hợp chặt chẽ của pháo binh chống tăng bắn thẳng, pháo binh bắn cầu vồng với sự yểm hộ của các binh đoàn xe tăng và pháo tự hành, của những Tập đoàn quân không quân Xô-viết hùng mạnh… đã làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “Blitzkrieg” khét tiếng toàn châu Âu của phát-xít Đức.

Không thể không nhắc đôi dòng đến chiến thuật “Blitzkrieg” Nga - Xô-viết. Từ sau trận hội chiến ở Cuốc-xcơ, Hồng quân bước vào giai đoạn tấn công chiến lược. Chiến thuật tấn công của Hồng quân cũng dựa trên vai trò vận động tấn công hết sức quan trọng của các đơn vị xe tăng và cơ giới, nhưng còn kết hợp với bộ binh đổ bộ bằng xe tăng. Quan trọng hơn, là lý luận quân sự binh chủng hợp thành phối hợp chặt chẽ giữa xe tăng bộ binh có sự yểm hộ mạnh mẽ và trực tiếp của pháo binh và không quân. Mật độ pháo binh trên một ki-lô-mét chính diện mặt trận đạt tới 200 khẩu pháo và súng cối! Đến cuối cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại, tốc độ tấn công của các đơn vị xe tăng Xô-viết kết hợp với bộ binh đã đạt được tốc độ 150 ki-lô-mét/ngày.

Ở đây tất nhiên còn có vai trò sức mạnh tổng hợp của quốc gia Xô-viết đã hết sức lớn mạnh xây dựng được một lực lượng quân đội to lớn và hùng mạnh, kết hợp với nhân tố con người, đó là nguồn gốc của chiến thắng.
 
“Chiến tranh chớp nhoáng.” Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. 6 tháng 3 năm 2006, 04:26 UTC. 6 tháng 4 năm 2006, 02:56 <http://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Chi%E1%BA%BFn_tranh_ch%E1%BB%9Bp_nho%C3%A1ng&oldid=162642>.
 

hot_cat

Member
Xin cho hỏi :

+ Tại sao các lực lượng chiến đấu khủng bố và quân phiến loạn thường được trang bị súng
tiểu liên Ak-47 chứ các lực lượng đặc nhiệm hầu như không sử dụng ?

+ Hiện nay trong chiến trận thường sử dụng súng máy tới 1000 viên/1 băng trang bị cho xe tăng và xe bọc thép nhằm "bắn xối xả" đè đầu quân địch, theo tôi nghĩ thì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho lính sử dụng súng phun lửa (vì chỉ trúng 1 viên đạn đã đủ cháy xém rồi !). Vậy hiện nay trong các chiến thuật đòi hỏi có sự tham gia của lính phun lửa (như trong chiến thuật đánh thành phố) chẳng hạn thì lính phun lửa còn có tác dụng nữa không ?
 
Xin trả lời anh:
AK 47 là loại súng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Giá rẻ, dễ vận chuyển( với cả ý nghĩa vận chuyển ngầm và vận chuyển với số lượng lớn), dễ sản xuất khiến Ak tràn ngập thị trường vũ khí. Đa số AK tất cả các phiên bản đều sản xuất bởi các nước xã hội chủ nghĩa cũ, khi các nước này tan vỡ, chế độ quản lí lỏng lẻo cộng với không có kinh phí duy trì khiến 1 lượng lớn được bán ra ngoài dưới nhiều hình thức. Công năng của Ak cũng rất cao, lại rất ổn định. Các dòng như AK 75 nhỏ gọn được dùng cho đặc nhiệm của Nga trong 1 thời gian dài (Thông tin này không được chính xác lắm).

Súng phun lửa bắt đầu chứng tỏ vai trò quan trọng trong thế chiến thứ 2. Vai trò của súng phun lửa theo em là như 1 thứ vũ khí shock và để triệt tiêu các cứ điểm mạnh nhưng nhỏ như lô cốt, nhà ... Vì trang bị của súng phun lửa nặng cho nên thường súng phun lửa đi sau, áp sát mục tiêu để tấn công khi các lực lượng khác đảm bảo khoảng cách. VD chiến dịch Normandy, Warsaw. Hiện tại em nghĩ lính phun lửa không trực tiếp mang vác thiết bị trên bình diện phổ biến. Thay vào đó người ta tích hợp súng phun lửa lên các loại xe thiết giáp. Hơn nữa bây giờ các loại đầu đạn, tên lửa sinh nhiệt được sử dụng rộng rãi có khả năng thay thế súng phun lửa (Điều này không xuất hiện trong thế chiến nên vai trò của lính phun lửa có phần giảm bớt theo thời gian.)

Thông tin thêm về súng phun lửa:

http://en.wikipedia.org/wiki/Flame_thrower
 

katysha

New Member
Các dòng như AK 75 nhỏ gọn được dùng cho đặc nhiệm của Nga trong 1 thời gian dài (Thông tin này không được chính xác lắm).
=> Cơ bản là còn fơm thông tin này cho đồng chí. Nhưng Nga ngố không có AK75 mà là AK74. Cỡ đạn AK47 là 7,62 còn AK74 là 5,45 (giống cỡ đạn tiêu chuẩn của NATO). AK74 lần đầu tiên được lính đặc nhiệm của gấu béo sử dụng ở nước ngoài trong 1 cuộc chiến là các trận tấn công vào Áp ga năm 1979. Sau này Gấu béo còn cho ra lò sê di AK100 nữa cơ. Đồng chí Hù gố chà vẹt ở vê nê dùa ê la vừa nhập 100K khẩu AK thuộc sê di AK100 đó.

Đồng chí Apa gửi bài dài qué nhưng mà cũng được. Có điều Áp dụng cái bờ lít zích này không chỉ có Đức, Xôviết mà còn có Mỹ hay chính Việt Nam nhà. Năm 1979, Việt Nam áp dụng chiến thuật này, tiến vào giải phóng Phnôm Pênh trong thời gian cực ngắn: từ ngày chiều 2-1 đến trưa ngày 7-1 năm 1979, quân đội Việt Nam đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Oánh Cam bốt có thể coi như đỉnh cao trong việc áp dụng chiến thuật bờ lít zích của Việt Nam. Lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, vũ khí dồi dào hùng hậu: cả của khối XHCN lẫn của Mẽo. Oánh bằng cả hải-lục-không quân (thiếu mỗi cái quân dù để chặn lính Pol Pot ở biên giới Thái thôi). Lần đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ 2, trừ Mẽo, Việt Nam là nước thứ 2 đổ bộ đường biển với quân số trên 1 trung đoàn (Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 đã đổ bộ vào cảng Công pông xom, oánh nhau với hải quân Pol Pot). Lần đầu tiên Việt Nam không vận cả 1 quân đoàn trong thời gian cực ngắn: chỉ có 9 ngày, không vận cả quân đoàn được coi là thiện chiến nhất của Việt Nam lúc đó-Quân đoàn 2 với toàn bộ quân và vũ khí nhẹ từ sân bay Đà Nẵng vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Nói thêm chút ít về quan điểm quân sự của Đức-Xô. Đức: chú trọng nhiều về chất lượng nên vũ khí của họ nói là cực tốt nhưng Đức không phải là nước có nhiều tài nguyên nên số lượng vũ khí đó ít. Ngược lại, Xô: do họ là nước rộng lớn và sẵn tài nguyên nên vũ khí của họ có xu hướng lấy số lượng bù chất lượng. Ví dụ: Tăng Đức, cực tốt từ hỏa lực cho đến giáp cũng như tính cơ động nhưng khó sản xuất, bảo dưỡng nên số lượng ít. Ngược lại, Tăng Xô, điển hình là T-34 dễ sản xuất, bảo dưỡng, giáp cũng như hỏa lực vừa phải nên số lượng sản xuất cực lớn. Trong trận Cuốc xờ cơ, mặc dù bị thiệt hại nhiều hơn nhưng với số lượng áp đảo về vũ khí, đặc biệt là T-34, quân Xô vẫn thắng. Hầu hết các nhà máy của Xô đều có tham gia làm 1 số bộ phận hoặc bảo dưỡng cho T-34. T-34 có thể tiến thẳng ra chiến trường từ các nhà. Điều này làm cho các tướng Đức phải kinh ngạc. Chính những điều này làm cho T-34 được đít sờ ca vơ ri bầu chọn là 1 trong 10 loại tăng hàng đầu thế kỷ XX. Về sau T-34 được anh Xô cho thằng em Việt Nam, từ đó có bài 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng vì T-34 lúc đó có 5 lính chứ không như tăng các đời sau này.

Ừ, đồng chí Apa cũng nói về pháo binh Xô. Việt Nam cũng học theo ông Xô này đó. Trong chiến tranh với Mẽo: quân Mẽo tự hào có pháo 175mm-Vua chiến trường với tầm bắn >30Km nhưng khi đấu pháo với quân Bắc Việt nếu không có sự yểm trợ của không quân thường thua. Do một trận địa pháo 175mm của Mẽo thường chỉ có từ 2-4 khẩu còn lại là pháo tầm ngắn 105 ly. Tốc độ nạp đạn của pháo 175 chậm vì khi nạp phải chúc nòng xuống (để đạn không rơi ngược lại) và khi bắn cũng chậm. Ngược lại, phía Bắc Việt thường sử dụng pháo 130 ly tầm xa và đặt ngoài tầm với của pháo 105. Pháo 105 của mẽo-ngụy chỉ đạt 10,5km; 155 chỉ đạt 14,5km. Ngược lại, pháo của Bắc Việt: pháo 85 ly đạt 14km; pháo 122 đạt 17km và pháo 130 đạt 27km. Vì vậy khi đấu pháo, thực chất chỉ có 2-4 khẩu 175ly đấu với cả đống pháo 130 ly của Bắc Việt.
Đó là chưa kể đến các loại pháo phản lực bắn loạt như H12, ĐKB, bm14 bắn cũng tầm như thằng 105 nhưng tốc độ thì ác liệt hơn nhiều.
Như vậy rõ ràng khi đấu pháo, không kể không quân thì Bắc Việt mạnh hơn hẳn mẽo-nguỵ

Cả vấn đề hậu cần nữa: đồng chí Apa nói đúng. Trong chiến tranh chớp nhoáng, hậu cần cực kỳ quan trọng. Mẽo cũng học theo đúng vở nhưng đến vấn đề hậu cần thì tệ hơn nhiều. Oánh Iraq năm 2003 đó, khi gặp bão cát, hết xăng các đơn vị tiền tiêu của Mẽo chết dí luôn. Nếu gặp phải những đối thủ cứng cựa thì quân Mẽo sẽ bị phản công và ăn đòn đủ.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top