Bao giờ hết ca nhạc “mậu dịch”?

Bao giờ hết ca nhạc “mậu dịch”?

Sưu tầm
Nguồn http://www.giaidieuxanhcuoituan.vietnamnet.vn/tieudiem/2005/08/476162/

Bây giờ nhắc đến những show ca nhạc mà ca sĩ xếp hàng lên hát, dấu vết sáng tạo của đạo diễn chẳng thấy đâu, sân khấu thiết kế sơ sài ..v.v.. là cả người làm nhạc lẫn người xem đều... ngán đến cổ. Nhưng ngán thì ngán, kiểu show ca nhạc "mậu dịch" ấy vẫn rất thịnh hành dù thời bao cấp đã xa từ lâu, và chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ lối làm ca nhạc ăn xổi ấy sẽ sớm "tiến hoá"...

Quyền lực trên sân khấu bây giờ dường như thuộc về ca sĩ chứ không phải đạo diễn hay biên tập. Có cảm tưởng trong đa số chương trình ca nhạc lớn nhỏ, biên tập chỉ làm công việc đơn giản là lên danh sách ca sĩ, đạo diễn sắp xếp ai trước ai sau, còn hát gì là quyền của ca sĩ, họ cứ việc mang bài "tủ", bài "hit" của mình ra hát thoải mái, cho dù chủ đề của chương trình có là gì đi nữa. Bên cạnh những lời dẫn chương trình đôi khi rất trau chuốt (hoặc khuôn sáo), cố hướng người xem vào chủ đề định sẵn, là những trang phục chẳng ăn nhập, những bài hát chẳng liên quan. Tư duy mậu dịch là thế.

Mậu dịch ở chỗ khán giả phải xem một chương trình không như họ hình dung (và vì thế mới bỏ tiền ra mua vé). Vì đã mua vé rồi nên họ buộc phải chấp nhận một "thực đơn" mà những người làm chương trình đưa ra. Những lời hứa trước đó về tính hoành tráng, về chủ đề xuyên suốt cùng những ý đồ dàn dựng công phu ..v.v.. thì khi chương trình diễn ra không ai có nghĩa vụ thực hiện. Tình cảnh chẳng khác bao nhiêu thời bao cấp khi người mua hàng phải xếp hàng để bị buộc phải mua những gì mình không thích (dù có thể vẫn cần). Khán giả cần giải trí bằng âm nhạc, vì thế mua vé đi xem, và đến sân khấu rồi thì phải chấp nhận những gì diễn ra, rất "mậu dịch".

Sự bùng nổ của thị trường ca nhạc suốt 10 năm qua, sự tiến bộ và mức độ cập nhật công nghệ của ngành biểu diễn cũng như khả năng tổ chức, dàn dựng chương trình... đã được chứng minh qua hàng loạt những live show lớn, có show đã trở thành "thương hiệu" hẳn hoi. Nhưng vẫn còn đó lối làm ăn mậu dịch. Khi mà live show cá nhân của ca sĩ, nơi lý tưởng nhất để thể hiện những cá tính sáng tạo trong lối tổ chức biểu diễn, còn chưa được nhìn nhận đúng đắn mà vẫn bị coi như một cách thức tự lăng-xê, tự "đánh bóng", những khái niệm thường không giành được nhiều thiện cảm do tư duy cào bằng ngự trị suốt mấy chục năm qua, thì lối làm show mậu dịch sẽ vẫn còn đắc dụng.

Đắc dụng ở chỗ người làm show chỉ cần nghĩ đơn giản làm sao show của mình tập hợp được càng nhiều ca sĩ nổi tiếng càng tốt, rồi dùng những "hàng mẫu" ấy để "nhử" người xem. Còn việc khán giả có nhận được thành phẩm với chất lượng tương đương như hình thức không thì không nằm trong trách nhiệm của những người làm mậu dịch. Ngày trước, nhắc "phở mậu dịch, kịch truyền hình" để vừa kinh hãi vừa tự trào về một thời gian khó, ngày nay, nhắc đến ca nhạc truyền hình còn đáng sợ hơn, và không chỉ ca nhạc truyền hình miễn phí, ca nhạc live show tưng bừng tố tiền tỉ dàn dựng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu về tính sáng tạo, có chăng chỉ hơn ở chỗ nhiều ca sĩ "sao" hơn, nhiều đèn, nhiều màn hình hơn, đại loại thế.

Khi mà những mảng miếng hình thức sân khấu được trưng ra chỉ để khoả lấp cho sự nghèo nàn về ý tưởng nghệ thuật thì những show "mậu dịch" sẽ vẫn còn tiếp tục ngự trị. Người xem hồi hộp chờ Duyên Dáng Việt Nam 14 để biết ý tưởng về Sen sẽ được hiện thực hoá trên sân khấu ra sao để rồi ngạc nhiên khi thấy hàng loạt bài hát ồn ào không khác bao nhiêu ở những show ca nhạc nhỏ khác được ca sĩ tranh thủ mang luôn đến đây cho tiện. Những gì "sen" nhất thì hoặc diễn ra nhợt nhạt, hoặc không được khán giả chấp nhận vì không thuộc kênh cảm thụ của họ (màn biểu diễn của Ea Sola). Vài tháng sau, "Sen" ấy lại lặp lại gần như nguyên xi ở một show ca nhạc truyền hình trực tiếp khác. Gần đây hơn, show ca nhạc dành cho tuổi học sinh Bay đến ước mơ dù đã được "phòng ngừa" từ trước nhưng cuối cùng sân khấu vẫn tràn ngập những bài hát tình yêu nỉ non và vô duyên, không thích hợp tí nào với khán giả vị thành niên. Chẳng lẽ "ước mơ" của bao nhiêu người trẻ lại chỉ là những chuyện tình tan nát như thế?

Những kiểu làm ca nhạc ăn sẵn như thế quá nhiều, như một minh chứng cho việc nói một đằng làm một nẻo của những nhà tổ chức biểu diễn, và một phần cũng thể hiện sự bất lực của những người tâm huyết muốn có những sự thay đổi cơ bản mà không làm được gì. Khán giả, sau những thất vọng rồi cũng dần quen đi, như đã từng bị buộc phải chấp nhận những gì mà một thời mậu dịch quốc doanh áp đặt. Cái vòng luẩn quẩn xếp hàng lên hát, xếp hàng đi nghe ấy vẫn sẽ còn tiếp tục và người ta có quyền nghi ngờ mọi tuyên bố về show này show nọ với ý tưởng to tát. Thay đổi cả một tư duy có bao giờ đơn giản, cho dù khái niệm "mậu dịch" tưởng như đã thuộc về quá khứ bao cấp xa xôi
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top