"8X kiêu và già hơn chúng tôi"

"8X kiêu và già hơn chúng tôi"23:14' 16/01/2007 (GMT+7)

Nhà văn Vương Trí Nhàn hy vọng mình sai khi cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. "Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng. Còn cái tự nhiên hơn, bất cần hơn... thì đó đâu có phải cái hay ho đáng tự hào".



Khi được hỏi về lời khuyên dành cho người trẻ, ông cho rằng, các bạn nên dành thời gian để sống một mình, đơn độc suy nghĩ tính toán, hãy làm khác đi và vượt qua thói quen cũ. Hãy có những khát vọng cao quý cho bản thân.

Chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” của nhà văn Vương Trí Nhàn đã nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà những lời “cảnh tỉnh” này được giới trẻ đón nhận đến thế. Có lẽ họ đã tìm được ở Vương Trí Nhàn những sẻ chia tâm huyết như người “trong nhà”.

Ông đã có những đánh giá, nhìn nhận xung quanh vấn đề “rác văn hoá” tác động đến giới trẻ.

Thưa nhà văn, trong chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” giới trẻ có phải là đối tượng được ông quan tâm và đề cập nhiều?

Vấn đề giới trẻ là vấn đề của xã hội, không ai có quyền nói rằng mình không quan tâm đến giới trẻ. Quan tâm đến giới trẻ là điều tất yếu của những người làm nghề văn chương. Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng: “Nói chuyện với giới trẻ là thích nhất bởi nó vừa khó vừa thú vị. Khó ở chỗ, nếu nói chán thì họ không nghe và bỏ ngay bởi mình không phải là những người chấm bài cho chúng. Nhưng nó thú vị khi mình nói hay thì họ rất hứng thú”. Và tôi học được nhiều điều từ giới trẻ.

Mới đây, trong một bài viết ông có đề cập đến vấn đề “rác” văn hoá đang ảnh hưởng đến giới trẻ. “Rác” ở đây hiểu như thế nào thưa nhà văn?

Trước đây chúng ta chưa quan hệ mở rộng cửa với nước ngoài, nhưng gần đây chúng ta đã mở rộng nên những thông tin trên mạng, báo chí, sự cập nhật thông tin rất mới mẻ tràn lan. Tuy nhiên bên cạnh điều đáng mừng thì cũng bộc lộ nhiều cái “dở”. Xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sính ngoại, học đòi nhiều quá, từ đầu tóc, guốc dép đến quần áo...

Theo dõi người mẫu trình diễn trên tivi, tôi thấy họ thay đổi nhiều quá. Mỗi năm một mốt, vậy cái gì sẽ là cái chuẩn? Có lẽ chúng ta vẫn chưa có. Tôi không giám nói tất cả đều rởm nhưng sự tiếp nhận quá ồ ạt dẫn đến tình trạng chúng ta chưa kết tinh, chắt lọc được tinh tuý... Cái hay thì không tiếp nhận được mà cái dở, cái kém thì lại du nhập. Đấy là nói về khía cạnh “rác” văn hoá, chứ còn “rác” hiện đại đúng nghĩa đen thì “rác” của họ còn tốt chán. Có vứt cái chai ra ngoài đường thì cũng khối người nhặt về dùng lại.

Vậy lỗi ở đây thuộc về những người định hướng?

Sự tiếp nhận nước ngoài của chúng ta mang nặng tính tự phát chứ chưa có sự hiểu biết và thắt chặt mặt quản lý. Ví dụ một điều rất nhỏ trong việc chiếu quá nhiều phim Hàn Quốc. Người du nhập phim ảnh, văn hoá của họ liệu đã hiểu biết về lịch sử, văn hoá, con người của họ? có lẽ chưa có. Ta mới chỉ mang máng thấy họ chiếu nhiều trên ti vi và thấy hợp thì mang về. Rất nhiều bộ phim hay đặc trưng tính lịch sử văn hoá... của người Hàn Quốc thì chúng ta chưa được xem, chúng ta đang xem toàn những mối tình tay ba yêu lâm ly chết bi thảm. Chắc hẳn ngoài mục đích giải trí đơn thuần, thanh niên khó học được gì nhiều ở đó.

Áp dụng vào bản thân mình, khi cầm bút ông có cân nhắc xem giới trẻ đang thiếu gì? cần gì? muốn đọc gì? hay ông chỉ viết theo thế mạnh và sự yêu thích của bản thân?

Tôi cân nhắc cả hai yếu tố đó. Cách đây mấy chục năm, người viết chỉ biết mình viết cái gì mà không quan tâm chú ý đến bạn đọc, còn bây giờ đã chú ý đến bạn đọc nhiều hơn nhưng cũng xảy ra tình trạng chiều nịnh ve vuốt bạn đọc. Tôi không đồng tình với những cây bút đó. Tôi có thể mang đến cho bạn đọc những điều mà trước mắt họ chưa thích nhưng càng đọc họ sẽ thấy đây thực sự là cái mình cần. Tôi quan niệm đối với người viết văn cần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhưng phải đáp ứng nhu cầu sang trọng, cao quý của họ chứ không nên đáp ứng nhu cầu tầm thường dễ dãi của người đọc. Nhà văn nào viết chỉ để đáp ứng cả những điều tầm thường dễ dãi của độc giả thì chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong lịch sử.

Một số bạn trẻ hiện nay có nói rằng: họ chưa có nhiều những cuốn sách đúng gu, đúng mong muốn đọc gì xem gì phù hợp với lứa tuổi. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Quả thực, lớp trẻ hiện nay chưa có được những tác giả của mình (vừa để đọc, để học, vừa để họ nâng cao). Nhưng để khắc phục điều này cũng rất khó, nó đòi hỏi sự cố gắng của toàn xã hội. Song nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhiều nước Đông Nam á cũng đang rơi vào tình trạng như chúng ta.

Cảm nhận riêng của ông về thế hệ trẻ hiện nay?

Tôi mong là tôi sai, nhưng tôi có cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng. Còn cái tự nhiên hơn, bất cần hơn... thì đó đâu có phải cái hay ho đáng tự hào.

Không ít thanh niên đang bị lôi cuốn theo tệ nạn của xã hội, nhưng những sân chơi bổ ích, lôi cuốn lành mạnh để họ đi đúng hướng thì chưa nhiều?

Tôi rất thông cảm với các bạn trẻ về điều này. Bên trong sai lầm của giới trẻ luôn có sự trống trải trong tâm hồn. Có thể phía bản thân họ chưa chuẩn bị tốt hành trang bước vào cuộc sống, nhưng có khi gia đình, xã hội cũng chưa thực sự là điểm tựa của họ. Sân chơi cho giới trẻ hiện nay không chỉ ít mà nếu có thì cũng chỉ là mục đích tốt nhưng thực hiện kém. Và đôi khi chúng bị biến thành nơi đầu cơ, kiếm lời của một số người.

Ông chia sẻ với giới trẻ có xuất phát từ sự thấu hiểu của một người cha biết được con mình muốn đọc gì, chơi gì? hay từ thực trạng đã có ngoài xã hội?

Tôi làm công việc viết văn nhưng tôi lại sống với gia đình khá nhiều. Một năm tôi chỉ không ăn cơm trưa ở nhà vài buổi còn lại tôi luôn sống gần gũi với chúng. Tôi luôn quan tâm đến chúng trong mọi vấn đề, tìm ra những điều gì chúng khác với thế hệ của tôi và chúng mong muốn gì. Tôi ngẫm thấy, dạy con sẽ biết được xã hội của nó. Đó chính là cần ăng ten của tôi nối với xã hội.
Một lời khuyên của ông với lớp trẻ hôm nay.


Các bạn nên dành thời gian để sống một mình, đơn độc suy nghĩ tính toán, hãy làm khác đi và vượt qua thói quen cũ. Hãy có những khát vọng cao quý cho bản thân.

Xin cám ơn nhà văn.

(Theo Giáo dục Thời đại)
 
Cú ngã ngựa 8X
10:17' 04/01/2007 (GMT+7)

Năng động - sáng tạo - chuyên nghiệp… hàng loạt tính từ tốt đẹp được dành tặng cho thế hệ 8X. Và có những người 8X bị "choáng" vì sức bật của thế hệ mình, không kiểm soát được ước mơ lẫn khát vọng, lao ra thương trường khi chưa kịp "đủ lông đủ cánh". Và họ ngã ngựa, những cú ngã khá đau.

“Dịch” doanh nhân 8X

Những 8X vốn được coi là năng động, sáng tạo nhưng để tạo được một sự khởi đầu thành công thì điều cần thiết là họ cần biết thật rõ mình và học nhiều hơn từ cuộc sống... - Ảnh: Đ.N.T

Một giảng viên Trường ĐH Kinh tế đã phải thốt lên: "Đúng là thành dịch rồi, học trò tôi, đứa nào cũng mở công ty. Có đứa thì còn khả dĩ nhiều tiềm năng, có đứa bình thường về tất cả mọi mặt, lấy gì mà cạnh tranh trong thị trường khốc liệt hiện nay".

Rồi anh buồn rầu kể về cậu học trò cưng nhất, một sinh viên mà ông đánh giá rất cao ngay khi ngồi trên ghế nhà trường về tài marketing. Nhưng ra trường, anh chàng bán xe, lấy giấy tờ nhà vay tiền và mở một công ty xuất nhập khẩu sau khi giúp người anh họ một dự án nhập linh kiện điện tử thành công. "Nó bảo là cơ hội rất hiếm, mình phải nắm bắt ngay mới thành công được". Cũng gần một năm, hỏi thăm nhiều nơi mới biết công ty của nó đang sống dở chết dở vì bị đối tác nước ngoài kiện vi phạm hợp đồng. Kèm theo đó là một khoản nợ không nhỏ mà nó đang vướng vào, chẳng biết lối nào để thoát ra.

Cách đây hơn một năm, hầu như ngày nào báo chí cũng nhắc đến một doanh nhân thế hệ 8X nào đó với một ý tưởng độc đáo và những tuyên bố rất chắc chắn. Những giấc mơ kinh doanh vươn dài hơn biên giới được cổ vũ một cách nồng nhiệt. Công thức thành lập một công ty 8X quả thật quá đơn giản: có một kỹ năng nhất định nào đó trội lên, nhặt được một ý tưởng là lạ, gom góp vay mượn được ít tiền, rủ thêm được vài người bạn, đi đăng ký, thuê một văn phòng be bé. Thế là hiên ngang bước vào thương trường với cái nhìn ngưỡng mộ của nhiều người kèm theo lời tấm tắc: đúng là dân 8X có khác.

Và sau ngày khai trương rình rang, sau vài dự án có vẻ tốt đẹp, họ bắt đầu gặp trở ngại. Thiếu vốn để tiếp tục "gồng" khi chưa có uy tín trên thị trường, thiếu tiền làm tiếp thị, thiếu quan hệ với các đối tác, thiếu hiểu biết về những luật lệ bất thành văn của thương trường, thiếu hụt những kỹ năng tổng hợp mà một giám đốc phải biết, thiếu luôn cả hoạch định tương lai và những dự phòng rủi ro. Và thế là, những cây nấm sau mưa chưa kịp trưởng thành đã bị gục ngã. Thử nhìn quanh mình xem, bạn sẽ thấy nhiều công ty như thế lắm.

Tất cả có là thử thách?


Trong tất cả những lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế hay dành cho sinh viên, thì triết lý sống của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung rất thường được xem là kim chỉ nam khi bước vào đời: "Không bao giờ là thất bại - tất cả là thử thách". Và rất nhiều người xoa đầu các doanh nhân 8X ngã ngựa bằng lời khuyên này. Nó đúng thật. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí và tài năng, chưa kể đến một chút thời vận như Chung Ju Yung. Đâu phải ai cũng đủ bản lĩnh và khát vọng "làm lại từ đầu" như vị doanh nhân huyền thoại này. Và đâu phải ai cũng có cơ hội để ấn nút "re-start" sự nghiệp của mình.

Bản thân người viết cũng từng khoác trên người cái mác doanh nhân 8X, và hậu quả của một lần ngã ngựa đến giờ vẫn còn tím bầm cả người: 4 năm cày cật lực để trả cho hết nợ nần. Nhưng như thế vẫn là còn may mắn, vì một người bạn khác đã phải sa vào vòng lao lý khi cố vùng vẫy thoát khỏi những cái ách mà mình đã trót mang vào người bằng những hành động không hợp pháp. Cái giá phải trả cho một cuộc chơi ngẫu hứng trong sân chơi không bao giờ có chỗ cho người ngoại đạo này chưa bao giờ là rẻ. Và dấu ấn để lại luôn là một ám ảnh trong đời.

Các bạn trẻ luôn ăm ắp khát vọng và ước mơ, luôn tràn đầy niềm tin vào tương lai của mình. Và các bạn, phần lớn, rất tin tưởng vào những điều đọc được trong rất nhiều tập sách “học làm người” hằng hà sa số những lời khuyên bổ ích dịch từ sách vở nước ngoài. Nhưng tất cả những điều đó chưa đủ để có thể khởi nghiệp một cách trọn vẹn. Hãy nghe lại lời khuyên của “Những người làm thuê số một” trong bước đầu dựng nghiệp: "Cần biết thật rõ mình, cần tìm một môi trường đủ lớn để rèn luyện kỹ năng, cần học nhiều hơn từ thực tế cuộc sống và từ những kho tàng kiến thức chuẩn của thế giới, cần nạp đầy đủ năng lượng và kiến thức từ một môi trường kinh doanh thực sự chứ không phải lý thuyết hoàn hảo. Khi đó, bạn sẽ đủ chín để có thể bắt đầu khởi tạo một sự nghiệp thành công".

(Theo Thanh Niên)
 

chuon_chuon9x

New Member
8x và 9x ngày nay có nhìu điều kiện để học tập và phát triển hơn các bạc tiền bối nhưng xem ra chúng mình chưa tận dụng hết cơ hội và vận dụng hết khả năng của mình! (vd: tớ....+_+). Nhà văn VTN nói k hề sai về 2 thế hệ đc coi là tương lai của đất nước! Và tớ tin là ai cũng muốn chúng mình trưởng thành, nhưng là trong hành động và suy nghĩ chín chắn chứ k phải già nua và dần lão hóa vì những điều k đâu!
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top