Văn học sex qua cái nhìn 1 nhà phê bình.

Văn học sex: Chấp nhận để tìm cách đổi khác?
13:41' 30/03/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nòi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào ...


Một tình hình bình thường.

Bản năng con người … Sex …ám ảnh tính dục … ở nước nào cũng vậy, các nhà văn vốn dành cho đề tài này một sự ưu đãi đáng kể. Bước sang thời hiện đại càng nhiều người đổ xô vào để viết, trong số này có cả những nhà văn lớn, xem đó là con đường làm nên sự nghiệp, chẳng hạn như Moravia, Henry Miller, Nabokov ... Những trang liên quan tới sex là một phần làm nên giá trị văn chương của họ và quả thật chỉ bằng cách đó mới biểu hiện được tư tưởng cao đẹp.

Ở nước ta sau chiến tranh và trong giai đoạn mở cửa hiện nay, lẽ tự nhiên đề tài này cũng được khuấy động! Bởi nếu tính dục là một nhu cầu tự nhiên của con người, thì việc quan tâm tới nó cũng là tự nhiên, làm sao người ta lẩn tránh mãi được.

Nhà văn Liên xô cũ Ju. Trifonov từng nhận xét rất hay về lớp trẻ: họ giống cha ông họ thì ít mà giống với thời đại thì nhiều. Thành thử sự xuất hiện của những tác phẩm kiểu như thơ Vi Thuỳ Linh, thơ của nhóm Ngựa trời, hoặc các loại truyện như kiểu Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu – nên được coi là bình thường. Cũng như rất bình thường là chuyện trước các sáng tác ấy - tôi muốn nói là với từng trường hợp cụ thể - mỗi người một ý, rồi sinh ra cùng lúc cả những ủng hộ biểu dương , những phản cảm, những lời phê phán dè bỉu. Tình hình theo tôi không có gì đến nỗi phảI làm ầm ĩ .

D. H. Lawrence là một nhà văn lớn của Anh, tác giả nhiều cuốn sách được đưa vào các từ điển lớn, vậy mà Người tình của Chatterley phu nhân của ông (in lần đầu 1928 ) khi ra đời ở quê hương mình cũng một thời gian dài bị cấm ngặt, và bản thân ông thì bị ra toà, trong khi ở một số nước nó lại được trọng vọng. Tại sao như vậy ? Bởi ngay ở những nước mà các giá trị văn hoá được xác lập một cách chắc chắn và hệ thống luật pháp đã hoàn chỉnh thì việc phân biệt giữa tác phẩm khiêu dâm, vi phạm đạo đức nhân bản, và tác phẩm dùng sex để biểu hiện khao khát nhận thức, khao khát tự do của con người, cái đó bao giờ cũng quá khó và dễ bị giải thích sai lệch.

Biểu hiện méo mó của một khao khát chân chính.


Không nên nghĩ rằng việc một số cây bút trẻ ở ta thích viết về sex chỉ là do sự lây lan ảnh hưởng từ nước ngoài, là học đòi theo thói rởm. Phải nói đây cũng là nhu cầu của bản thân lớp trẻ trong nước. Nay là lúc xã hội đang đổi khác, các khung nhận thức cũ ai cũng xem là chật hẹp, cũng như chuẩn mực đạo đức cũ là cần thay đổi, song cái mới chưa hình thành, nên trong đầu óc nhiều người vẫn chỉ có những giá trị cũ ngự trị. Cái đó lớp người lớn tuổi có thể thấy quen, nhưng lớp trẻ thì không chịu. Lớp trẻ muốn khẳng định quyền tự do của mình, bằng cách thích làm ngược lại, cứ cáI gì cấm thì họ thử làm xem sao. Nói riêng trong phạm vi văn học: thứ văn mà họ bị nhồi nhét trong trường phổ thông không có sức lôi cuốn với họ nữa. Họ phảI tìm những cáI mà nhà trường không dạy. Trước là đọc, sau rồi tự làm ra để mình đọc và bạn bè đọc .

Mặt khác phải nhận chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhiều giá trị rơi vào khủng hoảng. Làm ăn cẩu thả. Buôn gian bán lận. Dối trá tràn lan. Tham nhũng đến mức kinh hoàng. Lòng tin bị xói mòn và nhân tính bị hạ thấp. Trong hoàn cảnh ấy, sự xuất hiện thứ văn chương đậm chất sex không có gì khó hiểu. Người ta cần một chỗ để lẩn tránh và tự khẳng định. Vơ đũa cả nắm bảo rằng những gì liên quan đến tính dục là phản văn hoá là có hại thì không thuyết phục được ai nữa. Mê tín dị đoan, theo tôi, còn gây tác hại rõ rệt hơn. Các trò bói toán đẩy con người xuống tình trạng u mê và hoàn toàn phó mặc họ cho định mệnh. Tôi nhớ là vào nhiều cơ quan cũng như tới các nhà làm ăn buôn bán thường gặp nhiều bát hương và cả các sếp lớn cũng đi cầu cúng. Tại sao mê tín chỉ bị lên án sơ sài và trong thực tế là buông thả đến đâu thì đến? Chẳng qua ở đó người ta thường nhân danh một truyền thống lâu đời, và nhất là có sự có mặt đông đảo cùa lớp người già, còn sex thuộc về lớp trẻ, thế thôi .

Mấy điều phản bác sơ bộ

Nói vậy không phảI tôi hoàn toàn chấp nhận mọi thứ văn chương tính dục như nó đã có và còn có thể có.

Bên cạnh một ít tác phẩm biết gắn sex với nhu cầu nội tâm của con người, dùng sex như một thứ ngôn ngữ, thì ở ta, có quá nhiều bàI thơ thiên truyện ở đó người ta nói tới các cơ quan sinh dục và kể chuyện làm tình theo cái cách đứa trẻ vầy vò một thứ đồ chơi nhớp nháp, và mê muội trong cơn say của mình. Trước mắt tôi lúc này thường khi là một nhân cách kém sức đề kháng, dễ làm mồi cho bệnh tật .

Lại thấy có người lý luận “ Sex thuộc về con người và tất cả những gì thuộc về con người đều gần gũi với tôi . “ Ôi nghe có lý quá! Thế nhưng hãy thử bình tâm điểm lại. Nhu cầu tinh thần của nhân loại mở ra theo rất nhiều hướng. Nỗi thèm muốn được hiểu biết ngoại giới và bản thân. Ao ước vươn tới những đỉnh cao trí tuệ. Khao khát phiêu lưu và nhất là khao khát hướng thượng. Có bao nhiêu thứ khác thuộc về con người mà chúng ta cần khám phá chứ lẽ nào chỉ có sex, nhất là thứ sex trần trụi như nhiều người lôi ra để tự thoả mãn ?!

Tôi hiểu rằng sở dĩ một số cây bút trẻ đi vào tính dục chỉ đơn giản là vì ở đó họ không phải mất công học hỏi hiểu biết, ở đó họ được dịp vuốt ve phỉnh nịnh mình mà không phải đối diện một cách nghiêm túc với chính mình (có biết đâu khi thiếu cái ánh sáng của trí tuệ thì những trang sex mà họ thu được cũng nghèo nàn và thấp hèn đi rất nhiều so với nó có thể có).

Trong cả lớp trẻ chỉ có một bộ phận nhỏ đi vào đề tài này thì không sao. Nhưng nếu mọi người đua nhau nói tới sex, người nào nẩy nòi lên cũng đều là qua con đường sex, và chỉ có vài cây bút bất tài mới dở giọng chính chuyên chê bai sex, thì điều đó chẳng có gì là đáng tự hào nếu không muốn nói là một thảm hoạ thực sự.

Cũng nên nói thêm rằng trong những con đường lập danh cho nhanh cho xôm trò thì viết về sex theo kiểu hiện nay có vẻ ngon ăn hơn cả. Một lớp công chúng lười nghĩ và ham hưởng thụ rất cần được vuốt ve chiều chuộng. Họ sẵn sàng tung hô những tác phẩm nói hộ điều họ muốn, còn mấy cây bút kia lại càng có dịp vênh vang mà nói rằng đã có công tạo ra trong văn chương một làn sóng mới. Tôi công nhận một phần sự thực đang là như vậy và trong xã hội hiện đại đây là một hiện tượng hợp quy luật. Trong cuộc đấu tranh với những cái tầm thường, nhân loại chưa bao giờ chiến thắng hoàn toàn, mọi chuyện không phải một lúc mà dọn dẹp ngay được. Điều phải lo là đờI sống văn hoá của cả xã hội. Một khi cái nền chung này phát triển theo đúng quỹ đạo của văn hoá hiện đại với những chuẩn mực mới mẻ của nó thì tự nhiên cái gọi là bộ phận văn học về sex cũng sẽ thay đổi để trở nên trong sáng và sâu sắc hơn.

*
Vương Trí Nhàn
 

chouchou

Member
tớ ko dám ý kiến về bài viết này. Chỉ hỏi ai đọc "Bóng đè" rồi mà thấy giá trị hay của nó thì bảo tớ cái. Tớ đọc xong chỉ thấy rợn hết tóc gáy, cố gắng suy nghĩ mà chẳng hiểu nàng Đỗ Hoàng Diệu định viết hàm ý gì???
 

DarkTemplar

Member
Theo anh một tác phẩm là có thể gọi là hay khi nó đọng lại trong người đọc và bắt họ phải suy nghĩ..Như anh khi đọc xong "Bóng đè" thì cũng "bị" băn khoăn ở một vài khía cạnh: thân phận của người phụ nữ, thái độ tiếp nhận quan hệ của họ, thái độ người chồng khi vợ bị làm nhục..Đối với một truyện ngắn thế là đủ..
Ai có ý kiến gì về "Búp bê Bắc Kinh" hay "Thiếu nữ đánh cờ vây" không?
 

winter09

Moderator
Thực ra trong văn học có sex cũng ko sao. Cái đấy tùy thuộc vào việc sử dụng cái đó ntn? Họ có biết cách viết sạch sẽ ko? Chứ ở VN nhiều tác phẩm cứ học đòi phương Tây, nói về cái đấy như là câu khách, bẩn ko chịu được!
 
Về những cảnh tình dục trong tiểu thuyết Mỹ La tinh
09:51' 17/04/2006 (GMT+7)

LTS - Cái gọi là “văn học sex” đã và đang là mối quan tâm của nhiều người viết văn và độc giả ở nước ta. Đây là một thực tại không chỉ trong văn học và cần được phân tích mổ xẻ để có cách nhìn đúng về nó. Tiếp theo bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây về “những cảnh tình dục trong tiểu thuyết Mỹ La tinh”. Đây là một tư liệu tham khảo giúp những ai quan tâm có một sự quy chiếu cần thiết đến văn cảnh thế giới khi bàn về “văn học sex” hay “văn học tính dục” ở Việt Nam.


Tôi muốn lưu ý các vị đến một đặc điểm của các tiểu thuyết Mỹ La tinh mà có lẽ với tư cách bạn đọc tất cả chúng ta đều vấp phải, còn nhiều người trong số bạn bè tôi lại là diễn giả, làm nhiệm vụ giảng giải. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai dù chỉ một lần đọc bài giảng trước công chúng nói về văn học Mỹ La tinh cũng sẽ tức khắc bị thính giả chặn lại bởi một câu hỏi viết bằng giấy hay nói bằng lời: "Xin cho biết vì sao các nhà văn Mỹ La tinh lại rất chú trọng đến tình dục, vì sao các tác phẩm của họ đầy dẫy những cảnh tình dục công khai, đôi khi gần như là trơ trẽn?". Nghe thế chúng ta thường nhìn lảng đi và trả lời: thì quý vị biết rồi đấy, đó là đặc thù của Mỹ La tinh, ta phải đành chấp nhận như chúng vốn có vậy thôi.

Tôi không tin chính đấy là cách hành xử nên có ở địa vị diễn giả, nhưng còn ở địa vị nhà nghiên cứu thì hiển nhiên là không thể như thế được. Vậy nên xem xét thế nào những cảnh tình dục mà theo thị hiếu và thói quen của chúng ta là quá dư thừa đó? Nên xem xét thế nào sự chạy theo mốt buông thả và trơ tráo của phương Tây, ý muốn chiều theo thị hiếu thấp kém của những kẻ "háo ngọt"? Hay chỉ đơn giản là người xứ nhiệt đới khí chất mạnh hơn nên chuyện "sex" trong đời sống của họ có vị trí quan trọng hơn, còn văn học thì phản ánh theo lối hiện thực chủ nghĩa thực tế đời sống đó?

Mặc dù mỗi cách giải thích trên đây có thể có phần đúng, tuy nhiên chung lại thì chúng không thỏa mãn được vấn đề. Hành vi tình dục của các nhân vật tiểu thuyết Mỹ La tinh có mối liên hệ sâu sắc với hành vi của họ trong tất cả các lĩnh vực đời sống khác. Tất cả những cảnh tình dục đó, tất cả những cái mà chúng ta quen gọi là khiêu dâm đó, ở trong tiểu thuyết Mỹ La tinh đều gắn với cốt truyện, mà tuyệt nhiên không phải gắn một cách sơ sài, do đó không thể dễ dàng vứt chúng đi được (như đã thường xảy ra trong thực tế xuất bản của chúng ta), làm thế có những mắt xích quan trọng - về tính cách, đặc biệt là về mặt tiên đề - sẽ bị mất đi. Nếu coi khiêu dâm trong tiểu thuyết Mỹ La tinh như là sự nhượng bộ thị hiếu thị dân hay như "phong vị lạ nhiệt đới", chúng ta sẽ có nguy cơ bỏ rơi mất đặc trưng của toàn bộ cấu trúc nghệ thuật.

Ở đây cần nói rõ một điều. Tất cả những cảnh đó khác biệt cơ bản với sự phản ánh "sex" trong các nền văn học châu Âu hay Bắc Mỹ (tôi nói thứ văn học nghiêm túc chứ không phải thứ rẻ tiền). Lúc nãy trong lời phát biểu của Erofeyev có để lộ một sự khinh tởm của người Âu khi ông nói rằng thỉnh thoảng ở đây phản ánh những đam mê thú vật. Đúng, đôi khi ở đây phản ánh những biểu hiện mang nặng tính thú vật, nhưng chúng không bao giờ được phản ánh như là những đam mê thú vật. Đồng thời chúng cũng không bao giờ được phản ánh như là tình yêu. Tình yêu trong tiểu thuyết Mỹ La tinh rất ít: trong "Dì Hulia và nhà văn quèn" của Mario Vargas Losa, trong "Ký sự về một cái chết được báo trước" của Gabriel García Marquez, nếu không kể thêm niềm khao khát tình yêu mà không đạt được trong tác phẩm của Onetti. Chỉ có thế thôi, anh không thể nhớ thêm gì nữa. Tình dục, như thường lệ, không đi đôi với tình yêu (tình yêu theo quan niệm của chúng ta - sự căng hết tất cả sức mạnh cảm xúc của con người, sự thử thách con người như một sinh vật đạo đức).

Trong các nền văn học châu Âu người ta luôn muốn cao nhã hóa sự đam mê tình dục, phổ cho nó một nội dung tinh thần, do đó đưa nó gần lại với tình yêu. Trong tiểu thuyết Mỹ La tinh, "sex" không được tinh thần hóa, thậm chí cũng không được cảm xúc hóa, và không được xích gần lại với tình yêu theo cách hiểu của châu Âu. Nhưng đồng thời nó cũng không bao giờ bị phản ánh như là thứ bản năng thuần túy thú vật, như là một cái gì chỉ có tính thô bỉ, nhơ bẩn, đáng xấu hổ. Tình dục luôn luôn được gắn với hệ thống đánh giá - không phải là sự đánh giá đạo đức trực tiếp, mà với sự đánh giá ngầm ẩn và phức tạp hơn, thêm nữa không chỉ đánh giá các nhân vật, mà còn cả các hiện tượng, các lực lượng xã hội, các sự kiện. Có thể đứng từ quan điểm này để phân tích hầu như bất kỳ cuốn tiểu thuyết Mỹ La tinh nào, nhưng tôi chỉ xin dừng lại ở một thí dụ - cuốn "Cuộc trò chuyện trong nhà thờ" của Vargas Losa. Nó đầy các cảnh và các môtíp tình dục, kể cả những cảnh có tính bệnh hoạn và phản tự nhiên. Nói chung, cuốn tiểu thuyết này là một câu chuyện lịch sử rộng lớn, tái hiện rất chi tiết các sự kiện xã hội của Peru thời kỳ độc tài của tướng Odria. Vargas Losa chỉ ra sự vận hành cơ chế của một nền độc tài khủng bố điển hình ở Mỹ La tinh. Trong số các nhân vật chính có kẻ đứng đầu cơ quan an ninh, một tên Caio Bermudes nào đấy, mà dân chúng gọi là "Caio Dermo". Hầu như tất cả các cảnh tình dục trong tiểu thuyết đều gắn với ngôi nhà của nhân vật này.

Người đọc được giáo dục theo truyền thống văn học châu Âu tất sẽ có ý muốn đánh giá tất cả những cái đó như là "biểu hiện sự suy đồi của tầng lớp chóp bu". Nhưng rồi anh ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng điều đó không hoàn toàn như vậy, bởi vì tác giả có thái độ đồng cảm rõ ràng đối với phần đông những người tham gia vào cuộc truy hoan, thậm chí còn đặt vào giữa họ một nhân vật hấp dẫn nhất của cuốn tiểu thuyết. Trên thực tế, tất cả những cảnh miêu tả đó có một "tiêu điểm" chung - sự bất lực giới tính của Caio Bermudes, kẻ đã cố bày ra đủ trò bẩn thỉu để khắc phục chứng liệt dương của mình. Dần dần tất cả các đường dây cốt truyện của tác phẩm đều gắn vào đây: bất luận thế nào vai trò của nhân vật trong tấn kịch chung đều bị ràng buộc với thái độ của nhân vật đối với chuẩn mực giới tính tự nhiên. Sự phá vỡ, sự phản bội lại chuẩn mực tự nhiên đều đi kèm với sự sai lệch, méo mó vị trí xã hội-đạo đức của nhân vật. Đôi khi điều này thậm chí gần như sơ đồ: Ambrocio, người say sưa với danh dự đàn ông, với tình yêu trai tráng khỏe mạnh của mình, thì cũng say sưa với các quyền lợi giai cấp chân chính của mình. Tất nhiên, trong cấu trúc tự sự nghệ thuật, hình tượng nhân vật không bị phân ra thành các phần đối xứng nhau. Caio Bermudes đáng ghê tởm về mọi mặt, số phận của Ambrocio đầy kịch tính. Nhưng bao giờ thái độ của các nhân vật đối với cái có thể gọi là chuẩn mực tự nhiên, là xúc cảm lành mạnh của con người, cũng đều tương ứng với vai trò xã hội của chúng.

Tôi muốn thu gọn lại số dẫn chứng mà mỗi người đều có thể kể ra rất nhiều. Ta hãy rút ra kết luận. Tận sâu trong cảm quan thế giới của nhà tiểu thuyết Mỹ La tinh có một phản đề mà, nếu dùng ngôn ngữ hình thức hóa, có thể gọi là cặp đối lập "sức mạnh giới tính - sự bất lực". Tôi nghĩ rằng, đối với tư duy Mỹ La tinh, cặp đối lập này thuộc số những cặp nền tảng. Nhưng tôi không muốn để những người chống lại bài phát biểu của L.S.Ospovat xem những lời của tôi như thêm một bằng chứng khẳng định tính huyền thoại không gì tiêu diệt nổi của tiểu thuyết Mỹ La tinh. Bởi vì, theo ý tôi, cặp đối lập đó chỉ mới là xuất phát điểm, tiếp sau mới bắt đầu cái chủ yếu nhất.
 
Cặp đối lập này nằm ở đâu đó rất sâu trong vũ trụ nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi thành tố của nó có hàng loạt môtíp đi kèm, chúng rất khác nhau ở từng nhà văn. Gắn với sức mạnh giới tính là các môtíp hay hình tượng về bữa ăn (ở Jorge Amado, Alejo Carpentier), về sự cuồng nộ của tự nhiên (ở Vargas Losa), về chuyển động, nhảy múa, nói chung là về nghệ thuật. Nối kết sau đó, dờng như ở cấp độ tiếp theo, là các môtíp mang tính trừu tượng hơn: tính tự nhiên của hành vi, tính dân tộc, đặc thù dân tộc. Chẳng hạn, trong cuốn "Sự tráo trở của phương pháp" của Carpentier, viên độc tài khi đang hùng mạnh thì khinh rẻ quê hương, mê theo Paris và cuộc sống kiểu chủ nghĩa thế giới nơi kinh thành đó, nhưng khi về già, quyền lực đã rời khỏi tay, hang ổ quyền lực không còn, y mới quay trở lại với "sex" trong sự sung mãn tự nhiên của nó và đau khổ nhớ lại lối sống dân tộc, món ăn dân tộc, tất cả những gì mà y từng được biết đến thời nhỏ. Vậy là hai khối đá đánh giá nhô lên đối chọi nhau - từ lĩnh vực giới tính đến sự đánh giá cao nhất về vai trò xã hội của con người, vai trò lịch sử của nó.

Nhà dân tộc học Mỹ Steward Hewjack có nói rằng tư duy nguyên thủy, tư duy huyền thoại mang tính quyết định luận bao trùm và toàn bộ. Thuộc tính đó ai cũng biết: tôi cảm thấy công thức này là đạt. Đối với nhà văn hiện đại, người ở trên đỉnh cao của sự tự ý thức nghệ thuật trí tuệ - mà chính các nhà văn Mỹ La tinh là như vậy -, thế giới không còn có thể hiện ra với tính quyết định luận toàn bộ và bao trùm được nữa. Nhà văn tất nhiên hiểu rằng sự cảm nhận thế giới theo cách huyền thoại là điều ảo tưởng. Và lẽ dĩ nhiên, ngay cả García Marquez, người tạo nên các cấu trúc huyền thoại to lớn của mình, cũng không chia sẻ với các nhân vật của ông tính quyết định luận đó.

Trong cuốn tiểu thuyết của Cortazar "Sách của Manuel" có một chi tiết liên quan trực tiếp đến đề tài chúng ta đang bàn luận. Một nhân vật là người Âu rất bực mình trước tính thiển cận Mỹ La tinh. Người Mỹ La tinh các anh, ông ta nói với người đang đối thoại, coi mình là những nhà cách mạng, vậy mà lại theo thói đạo đức nghiêm ngặt khi xét đoán con người qua các phẩm chất tình dục của nó. Thử hỏi tại sao công lý xã hội lại không thể đi kèm với sự yếu ớt hay thậm chí ốm yếu trong lĩnh vực tình dục? Người đối thoại là một người Mỹ La tinh - nhân vật tích cực chính trong tác phẩm - đồng ý với ông người Âu và nói rằng về mặt lôgích thì người này đúng, gắn hai cái đó lại với nhau quả thật là ngu ngốc. Nhưng khi cuộc nói chuyện kết thúc, suy ngẫm lại, nhân vật phải thú nhận với mình rằng sự đồng ý của anh ta chỉ là thuần túy bề ngoài, còn thâm tâm anh ta cảm thấy không thể tách rời hai lĩnh vực đó. Sức mạnh đàn ông đối với anh ta vẫn là thuộc tính bất di bất dịch của "công lý". Những lập luận lôgích không làm lung lay định hướng đánh giá.

Cortazar là nhà văn có tính mỉa mai ở mức cao, ông biết gián cách để nhìn vào cái thế giới do ông tạo ra, thậm chí vào chính bản thân mình. Nhưng tôi cảm thấy rằng tình tiết này để lộ một khe hở bên trong, một mâu thuẫn mà các nhà văn Mỹ La tinh tìm cách vượt qua bằng những cấu trúc nghệ thuật này hay khác. Ở đây, tôi nghĩ, có thể gác tình dục sang một bên, và thử rút ra những kết luận rộng hơn.

Cũng như con người hiện đại nói chung không còn bị chi phối bởi tính quyết định luận nghiêm ngặt của tư duy cổ mẫu, trong tiểu thuyết Mỹ La tinh không có tính huyền thoại tuyệt đối. Trong bất kỳ nước Mỹ La tinh nào, dù đó là nước lạc hậu và kém phát triển nhất, xã hội cũng không phải là thuần nhất để có thể nói về một cách nhìn nhận thế giới thống nhất. Đồng thời trong tiểu thuyết Mỹ La tinh cũng không có tính huyền thoại bị vượt qua để thay vào đó là chủ nghĩa cá nhân, như đã xảy ra trong các nền văn học châu Âu. Nhà văn Mỹ La tinh nằm ở một điểm nhìn đặc biệt: hắn chiêm quan cái huyền thoại ở bên ngoài và bên trong mình. Hắn có đầy đủ khả năng nhìn vào môi trường chất đầy ý thức huyền thoại và nhìn chính cái ý thức đó từ ngoài vào, đầy đủ khả năng chia cắt, phân tích và tái tạo lại nó, nhưng hắn còn cảm nhận được nó ngay ở bên trong mình như một cái gì không xa lạ, gần gũi, như là cơ sở cho sự chấp nhận và chối bỏ, thán phục và ghê tởm đối với nó. Và công việc của hắn với tư cách nghệ sĩ là trải nghiệm lại, nhận thức lại cái nền tảng tạo huyền thoại đó (như tôi đã thử chỉ ra qua một phản đề mang ý nghĩa) trong thế giới do hắn phản ánh.

*
Inna Terteryan

Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga, sách: Inna Terteryan. Con người tạo huyền thoại, nxb Nhà văn Xô viết, M. 1988, tr.308-313.
 

kiddo

Member
Hik, ban` may chuyen nay` thi` cung nhu kieu "Con ga` co' trc hay qua trung co' trc?" :(
Viet^' van la` chu quan cua tac' gia, doc. the nao` lai la` chu quan cua doc^. gia, lam` sao co' chuan muc de fan' xet' day???
Cung~ nhu anh? nude nghe thuat va` porno, bao tang` MT va` Playboy nhieu khi chi cach nhau 1 cai' lan(` ranh :p
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top