Tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học của Cách mạng tháng Tám

lion

Moderator
Staff member


Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng tháng Tám cũng để lại cho những thế hệ đi sau những bài học lịch sử quý báu, trong đó là bài học về tinh thần đoàn kết, biết tận dụng thời cơ và khả năng tổ chức, lãnh đạo khôn khéo.

Vào năm thứ ba của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai do tập đoàn phát xít Đức – Ý – Nhật gây ra, gần hết châu Âu đã bị chiếm, châu Á đang bị Nhật xông vào, trong đó có Đông Dương.
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc dự đoán đây là thời cơ để giải phóng dân tộc, thoát cảnh một cổ hai tròng áp bức của Pháp, Nhật. Đầu năm 1941, Người trở về nước để tiếp tục xây dựng, huấn luyện và chuẩn bị lực lượng vùng lên tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Dựa vào dải núi biên cương Cao Bằng, Người đã lập được vùng chiến khu và từ đó mở dần ra các tỉnh biên giới phía Bắc.

Đoàn kết là sức mạnh
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Người đã đưa ra tư tưởng và đường lối chiến lược trước mắt của Đảng là phải làm “cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. Người nêu rõ: “Nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân, không phân biệt công nhân, nông dân, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ, tôn giáo và xu hướng chính trị. Ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất vào mặt trận chung, đem toàn lực dân tộc để giành quyền độc lập, tự do. Mặt trận ấy là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
Nhờ chính sách mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc mà Người đã tập hợp được nhiều nhân sĩ trí thức, những người thuộc các tầng lớp trên cho đến giai cấp công, nông, lao động tụ hội trong mặt trận ngày càng đông. Các đội Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân ra đời lập chiến công ngay từ lúc xuất quân. Hoạt động tuyên truyền cách mạng bung ra rộng khắp cả nước, gây được khí thế ủng hộ Việt Minh sôi nổi. Tình hình chiến cuộc thì nước Ý đã đầu hàng quân Đồng Minh từ tháng 9/1943, Đức đầu hàng ngày 8/5/1945 sau thất bại xâm lược Liên Xô. Tiếp đến ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng. Cùng lúc này Hội nghị Toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thời cơ đã đến, phải làm chủ nước nhà, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng Minh vào giải ngũ quân Nhật trên đất Đông Dương.
Tổng bộ Việt Minh khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân ngay từ chiều ngày 16/8/1945. Hơn 60 đại biểu, đại diện cho các tổ chức chính trị, các đảng phái, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo, đại biểu Nam bộ, Nam Trung bộ và Việt kiều ở Lào, Thái Lan đã về dự Đại hội. Một Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gồm 15 thành viên, được coi như Chính phủ lâm thời, đã được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Thành quả của sự khôn khéo và kiên quyết
Nghị quyết của Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là ta tự nhiên được độc lập… Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền độc lập hoàn toàn”. Người ra lời kêu gọi nhân dân: “Hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm chễ!”.
Nhạy bén trước tình thế thời cơ đã đến, Thành bộ Việt Minh Hà Nội lập tức cướp diễn đàn của cuộc mít tinh do công đoàn ngụy tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn ngày 17/8/1945, hô hào đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, nổi dạy tổng khởi nghĩa vào hôm sau. Một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn được buông xuống gần phủ kín mặt tiền Nhà hát lớn càng tăng khí thế cách mạng.
Ở cửa ngõ phía Nam thành phố, các làng Giáp Tứ, Giáp Nhị (nay thuộc phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) đã nổi lên cướp chính quyền, bắt lý trưởng nộp sổ sách, con dấu, dọn đường cho cuộc khởi nghĩa.
Từ sáng sớm ngày 19/8, nhân dân ngoại thành với các vũ khí thô sơ và cả cuốc, liềm, đao, đòn cân… ào ào kéo qua các cửa ô vào nội thành. Trong phố các cửa hàng đều đóng. Người đổ ra đường nườm nượp kéo về quảng trường Nhà hát lớn chen kín các phố. Tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh! Đả đảo chính quyền bù nhìn! Việt Nam hoàn toàn độc lập!” cứ nối tiếp nhau vang lên cả một vùng trời. Cờ đỏ trải dài rộng khắp nơi. Bài hát Tiến quân ca được hát bằng cả bầu máu nóng của trái tim người.
Đồng chí Nguyễn Khang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã kể trong hổi tưởng của mình: “Mười giờ sáng, cuộc mít tinh bắt đầu làm lễ chào cờ. Sau khi nghe đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa giành chính quyền của Việt Minh, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành. Nửa bên trái tiến về phủ Khâm sai Bắc kỳ, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên đỉnh cao nhất của tòa nhà tiêu biểu cho quyền lực của viên Thống sứ Pháp hơn 60 năm qua, tiếp theo là chiếm tòa Thị chính, Bưu điện, Sở cảnh sát Trung ương. Nửa bên phải đi chiếm trại Bảo an binh, ty Liêm Phóng Đông Dương và nhà tủ Hòa Lò”.
Hà Nội đã về ta! Khí thế cách mạng dào dạt khắp phố phường. Hà Nội đã mở đầu để các địa phương trong cả nước liên tiếp nối theo nhau vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân.
Hà Nội, nghìn năm là kinh đô Thăng Long văn hiến, thanh lịch, hào hoa đã vinh dự trở lại làm Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Từ đó cho đến nay, sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại và chống Mỹ cứu nước, kéo dài 30 năm để hoàn thành thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà, người dân Việt Nam đã cùng đoàn kết xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững trong quốc hiệu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 43 (tháng 8/2013)


 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top