Trường học phải là nơi tốt nhất thực hiện quyền trẻ em

lion

Moderator
Staff member
Thời gian gần đây đã xuất hiện liên tiếp các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo ở một số địa phương, nhất là ngay trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP. HCM. Báo chí và dư luận hết sức bất bình, lên án các hành vi vô đạo đức, phản giáo dục.


Tại Hà Nội, HS Trần Vương Duy, học lớp 2G trường TH Tây Sơn đã bị cô giáo N.B.T dùng thước kẻ nhựa 30cm đánh vào tay khiến 2 tay thâm tím, sưng tấy đỏ; Cháu Nhím 3 tuổi, bị nôn, không chịu ăn tiếp, hai cô giáo Mai và Hà, GV trường mầm non SmartKids đã mắng, đưa cháu ra khỏi lớp và dọa nhốt vào máy giặt; Lớp 3A, trường TH Trưng Vương, em Phương Thảo bị cô giáo Phạm Quỳnh Anh dùng thước quật mạnh vào tay rồi tát vào mặt chỉ vì không viết hoa đúng quy định; Bực tức vì cháu Nguyễn Đặng Việt Dũng sinh năm 2005, cô giáo Đặng Thị Thu Huyền- trường mầm non tư thục Sơn Ca đã thẳng tay tát vào mặt cháu khiến một bên má cháu bị sưng tấy.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Mohamad Zamath, 14 tuổi, gốc Malaysia, quốc tịch Việt Nam, HS lớp 9/1 trường THCS Trần Phú bị thầy giáo Đặng Đình Học giao cho dân quân phường 15, quận 10. Tại trụ sở Ban chỉ huy quân sự phường 15, em đã bị 4 dân quân đánh đập dã man; Nghiêm trọng hơn cả là vụ cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân, 18 tháng tuổi do khóc nhiều đã bị cô Lê Thị Lê Vy, GV trường mầm non tư thục Thiên Thơ dùng miếng băng keo dài 15cm, rộng 4cm dán vào miệng. Hậu quả bé Trân bị ngưng thở dẫn đến phù não và có nguy cơ tử vong cao.
Tại Hải Phòng, Em Phạm Thạch Ngọc, HS lớp 10A4 trường THPT Thuỷ Sơn bị thầy giáo Đào Văn Cương đánh, đá vào mặt, ngực khiến phần mặt trái của em bị sưng to, ảnh hưởng đến thị lực.
Tại Nghệ An, em Đinh Nho Phú, HS lớp 12B, trường THPT dân lập Hưng Nguyên bị thầy Hồ Sĩ Hữu tát vào mặt và thầy Thái Xuân Tưởng đánh vào đầu, đạp vào hông khiến em bị đập đầu vào tường; Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, GV trường TH Quang Trung dùng thước đánh và ném vào mặt em Huỳnh Vũ Kiệt, HS lớp 1A khiến mi mắt rách một đường dài và chảy máu;
Tại Vĩnh Phúc, trường mầm non Thố Tang, HS bị ăn bớt khẩu phần ăn và bị đánh đập. Cháu L.V.Công, 5 tuổi, bị cô lấy thẻ sách ném vào mặt tím cả mắt, cháu Nguyễn Khánh Linh bị cô đánh tím sườn, cháu Nguyễn Văn Mạnh 4 tuổi bị cô dùng cột màn đánh tím da…
Tại Đồng Tháp, em Nguyễn Ngọc Hải Thanh, HS lớp 6A trường THCS Lưu Văn Lang bị thầy giáo Nguyễn Bảo Quốc dùng thước bằng kim loại nhắm vào người… đánh thẳng tay gây bầm tím nhiều nơi trên cơ thể.
Tại Trà Vinh, thầy giáo Trần Quý Phúc, GV trường TH Lê Văn Tám dùng thanh cây dài 70cm đánh vào lưng em Nguyễn Phan Phương Khánh học lớp 3/1.
Những ai quan tâm đều cho rằng, đây là một hiện tượng không bình thường, bất chấp cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” của ngành; bất chấp cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn GD Việt Nam phát động nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo VN vừa qua, một bộ phận giáo viên không đủ phẩm chất, không được đào tạo bài bản đang đứng trong hàng ngũ các nhà giáo VN đã làm tổn thương nền GD Việt Nam.
Trước những hiện tượng đó, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Đặng Nam - Phó vụ trưởng Vụ Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Trương Bích Hà- Tiến sỹ tâm lý, giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý, sức khoẻ gia đình.
Tại sao trong xã hội văn minh, nhất là trong môi trường giáo dục, khi sư đức luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu mà vẫn xảy ra những vụ GV đánh đập, bạo hành trẻ em?
Ông Đặng Nam: Bên cạnh nhiều GV quan tâm, chăm lo thậm chí hy sinh vì học trò thì dư luận vẫn đang rất bức xúc vì có những GV có hành vi đi ngược với đạo đức nhà giáo như vậy.
Tôi cho rằng hơn ở đâu hết, trường học phải là nơi thực hiện tốt nhất quyền lợi của trẻ em. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp lâu dài, chứ không phải chỉ là những giải pháp để khắc phục những hậu quả trước mắt. Đó là những giải pháp phát hiện sớm các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Nếu các tiêu chuẩn về đạo đức đã quy định có thể đã bị lạc hậu thì cần phải sửa đổi. Cần tăng cường những quy định đủ mạnh để hạn chế tối đa sự vi phạm của GV.
Chúng ta đang kêu gọi một môi trường sống an toàn, lành mạnh. Vậy thì trẻ em phải được coi là đối tượng ưu tiên hàng đầu được sống trong môi trường đó.
TS. Trương Bích Hà: Tôi cũng cho rằng học đường phải là nơi giáo dục cho HS hướng tới chân- thiện-mỹ. Giáo viên là người ảnh hưởng trực tiếp, là tấm gương mà HS luôn soi vào đó để noi theo. Do vậy, không thể chấp nhận các hành vi hành hạ HS hoặc tiếp tay cho người khác hành hạ HS, gây thương tích, thậm chí là đe doạ đến tính mạng HS.
Dưới góc độ tâm lý, chúng tôi hiểu người GV trước hết cũng là một con người, cũng bị chịu tất cả những áp lực của cuộc sống. Theo quy luật tâm lý bình thường thì có thể lý giải hành động đó có thể là do “giận cá chém thớt”. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng với người GV thì không được phép hành xử như vậy, bởi hơn ai hết GV phải là người có phẩm chất đặc biệt, có tính kiềm chế rất cao. Mỗi HS có một cá tính khác nhau, GV phải có cách ứng xử hết sức mềm dẻo, linh hoạt.
Phải chăng hiện tượng này đang trở nên phổ biến, giá trị đạo đức của một bộ phận GV đang có sự mai một hay vì một lý do gì khác?
Ông Đặng Nam: Tôi thì đặt câu hỏi: Phải chăng đã và đang có sự nới lỏng kỷ cương trong các nhà trường khi để xảy ra các hiện tượng này? Tuy nhiên, bất luận lý do nào, trường hợp nào, đặc biệt là môi trường dành cho trẻ em phải là môi trường văn hoá, là “chốn thiêng liêng”; bởi vậy chưa nói đến bạo lực, chúng ta cũng không thể chấp nhận những hành vi thiếu văn hoá của người GV.
Điều mà chúng tôi quan tâm là ngành GD có cách nào tránh những tác động tâm lý tác động lên trẻ em. Chúng tôi đã có những mô hình tham vấn học đường. Nhưng có lẽ thời gian tới phải nhân đôi mô hình này lên, nghĩa là sẽ không chỉ dành cho học sinh mà cần phải quan tâm đến cả tâm lý của GV để có những điều chỉnh kịp thời.
TS Trương Bích Hà: Tôi được biết trong trường sư phạm hiện nay cũng ngày càng quan tâm đến bộ môn tâm lý sư phạm, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới phong phú và đa dạng hơn nhằm rèn luyện cho những người GV tương lai có phẩm chất vừa kiên trì, vừa mềm mỏng. Bộ môn mới nhất được đưa vào là môn giao tiếp sư phạm mà mục đích chính là giúp cho GV các kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống.
Vậy khiếm khuyết của chúng ta trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay là gì?
Ông Đặng Nam: Chúng ta cần có những biện pháp và các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt hơn nữa. Với mục đích là để những người dân dù ở thành thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều có cơ hội và được bảo vệ để dám tố cáo những hành vi bạo hành và ngược đãi trẻ em. Bộ Lao động- Thương bình và Xã hội đã thiết lập một đường dây nóng (số điện thoại là 18001567) để người dân có thể gọi đến xin tư vấn, tìm hiểu về các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em. ở đó chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để quyền trẻ em không còn bị xâm hại.
Hơn chục năm ngồi trên ghế nhà trường, HS chắc chắn sẽ không tránh khỏi một vài lần vi phạm nội qui. Tuy nhiên, nếu áp dụng những hình thức xử phạt như thời gian qua của một bộ phận GV thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ?
TS. Trương Bích Hà: Không thể nói rằng những hành vi bạo hành của người lớn đối với con trẻ như vậy sẽ không gây ra những sang chấn tâm lý cho các em. Việc khắc phục hậu quả này sẽ rất khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Nguy hiểm hơn, nếu những hành động này diễn ra thường xuyên sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Trong quy luật tâm lý, nếu chúng ta đối xử với trẻ bằng bạo lực thì tương lai có thể nhìn thấy là đứa trẻ đó sẽ lớn lên và tiếp tục hành xử với nhau bằng… “nắm đấm”.
Bởi vậy, riêng ở môi trường học đường, điều quan trọng hơn cả khi nói về nhân cách người thầy vẫn là lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự bao dung, độ lượng.
Xin cảm ơn ông, bà!



GD&TĐ
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top