Trách nhiệm thuộc về ai trong bão ChanChu?

Bão Chanchu: Dự báo đúng nhưng chỉ...muộn một chút!!!
21:17' 25/05/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Trước thiệt hại quá lớn mà bão Chanchu gây ra, người dân tỏ ra nghi ngờ về hệ thống dự báo. Đại diện Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn khẳng định đã làm hết sức trong khả năng.

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 25/5, ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn khẳng định:

- Nếu chúng tôi dự báo sai, thiếu sót để đồng bào thiệt mạng thì chúng tôi là người đau xót đầu tiên. Với người làm nghề dự báo khí tượng thủy văn, thành quả lao động lớn nhất chắng phải là tiền bạc, chẳng phải danh tiếng mà là việc tránh được thiệt mạng cho đồng bào mình.

- Dư luận cho rằng, dự báo của Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn chậm và thiếu chính xác, nếu so sánh với dự báo của các đài quốc tế. Cụ thể là các đài quốc tế dự báo bão đi lên phía Bắc thì Trung tâm lại dự báo bão đi sang phía Tây?

- Chúng tôi cũng dự báo đúng hướng nhưng chỉ muộn hơn một chút. Tại thời điểm này, đúng là bão vẫn đang chuyển động theo hướng tây tây bắc; 12 giờ sau, khi phát bản tin tiếp theo, chúng tôi phát bản tin bão đi hướng bắc thay thế cho bản tin cũ.

- Nói như vậy là Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn đã không dự báo sai?

- Hiện nay với điều kiện cho phép, chúng ta mới chỉ dự báo được trong vòng 24 giờ tới. Để có 1 bản tin dự báo khách quan, chúng tôi phải dựa vào nhiều dữ liệu để phân tích. Việc dự báo được sớm 2 - 3 ngày thì cần nỗ lực rất nhiều.

Nhiều người thắc mắc: Tại sao các đài quốc tế đưa tin bão chuyển hướng lên phía bắc, Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn vẫn dự báo bão đổ bộ vào Việt Nam (hướng tây)? Trong mỗi bản tin chúng tôi đều ghi trong 24 giờ thì bão di chuyển theo hướng tây tây bắc. Sau 24 giờ đó, vào tình hình bão gần, một ngày chúng tôi phát 7 bản tin (tức là chỉ 3 giờ sau đó có bản tin mới; bản tin này lại dự báo tiếp đường đi của bão trong 24 giờ nữa). Nếu xem lại toàn bộ tập bản tin, thì rõ ràng, bắt đầu vào thời điểm 24 giờ trước khi bão chuẩn bị đổi hướng, thì trong bản tin của chúng tôi đã có cảnh báo bão sẽ đổi hướng.

- Nếu điều kiện không cho phép dự báo xa hơn, tại sao chúng ta không theo dõi các đài quốc tế và đưa theo họ?

- Hiện dự báo 48 giờ mới bắt đầu có, nhưng chưa đạt đủ độ chính xác để phòng chống. Chúng ta phải hiểu dự báo nào cũng có sai số. Nếu dự báo có sai số lớn hơn giá trị cho phép thì không những không có hiệu quả trong phòng chống mà có thể còn gây thiệt hại nhiều hơn.

So sánh dự báo 24 giờ của Việt Nam với các trung tâm khác thì trung tâm Nhật Bản đứng đầu với sai số 49km so với tâm thật của bão, Trung tâm của Mỹ đứng thứ hai với sai số 56km, Trung tâm ở Bắc Kinh là 103km, Trung tâm của Anh là 107km, của hải quân Hoa Kỳ là 105km, của mô hình toàn cầu khí tượng Hoa Kỳ là 83km và của Việt Nam là 79km.

- Thưa ông, dự báo sai số 24 giờ hiện nay là bao nhiêu?

- Sai số của tâm bão theo dự báo 24 giờ vào khoảng 120km. Nếu bão đi tốc độ ổn định thì sai số có thể nhỏ hơn, cỡ vào khoảng 80 - 90km. Nếu bão chuyển hướng như bão Chanchu thì sai số khoảng 150 - 170km. Sai số cho dự báo 48 giờ, trình độ tiên tiến của thế giới là khoảng 150km. Cũng như vậy, với dự báo 72 giờ, sai số khoảng 400 - 450km.

Công nghệ dự báo của VN mới chỉ có thể đạt được sai số trung bình của thế giới. Còn dự báo 48 giờ, chúng tôi biết chắc chắn rằng khả năng dự báo 48 giờ của chúng tôi còn rất yếu. Cơn bão số 1 là cơn bão đầu tiên được đưa ra trên bản đồ dự báo hai ngày, chỉ trên website. Chúng tôi chưa đưa vào bản tin vì bất cứ thông tin nào đưa ra đại chúng, cũng phải chắc chắn độ chính xác của nó. Nếu đưa ra thông tin thiếu chính xác thì đôi khi độ thiệt hại còn lớn hơn.

- Cụ thể, nếu so sánh với đường đi thực tế của bão thì dự báo của Trung tâm sai số như thế nào?

- Vị trí thực tế của tâm bão vào lúc 19h ngày 14/5 nằm ở 14 độ vĩ Bắc, 116 độ kinh Đông, còn bản tin dự báo 24 giờ phát đi trước đó của chúng tôi ghi tâm bão nằm ở 15,3 độ vĩ Bắc và 115,8 độ Kinh Đông. Như vậy, tâm bão dự báo nằm cách tâm bão thực tế khoảng 120km.

Tiếp theo vào thời điểm nhạy cảm nhất mà mọi người nói về sự chuyển hướng của bão, lúc 19h ngày 14/5, chúng tôi dự báo sau 24h tâm bão sẽ nằm ở 15,3 độ vĩ Bắc, 114,2 độ kinh Đông và thực tế vào 19h ngày 15/5, tâm bão nằm ở 15,4 độ vĩ Bắc, 115 độ kinh Đông, cách tâm bão chúng tôi dự báo khoảng 90km.

- Hiện nay, hệ thống dự báo của chúng ta như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay chúng tôi sử dụng các mô hình dự báo như các nước đang sử dụng: ảnh máy vệ tinh, các phương pháp dự báo truyền thống và theo dõi tất cả các sản phẩm dự báo của các nước.

- Trước hậu quả đau lòng do cơn bão Chanchu gây ra, ông có ý kiến gì?

- Đồng bào thiệt hại đau đớn như vậy, chúng tôi hoàn toàn không muốn nói chúng tôi dự báo đúng. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại cả quá trình dự báo một cách khoa học, khách quan.

- Ông có nghĩ nếu thông báo trước hướng di chuyển của bão thì người dân sẽ tránh được bão?

- Đúng, nhưng chưa đầy đủ. Nếu thông báo trước cho bà con hướng chuyển động của bão trước 2 ngày và biết rõ được bà con đang ở đâu thì mới quyết định được hướng di chuyển để tránh bão.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Linh

THeo VNN
 
Hướng đi bão số 1 lẽ ra đã được dự đoán đúng
15:06' 25/05/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Đó là kết luận của Tiến Sĩ Ngô Đức Thành, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Khoa Học Công Nghiệp, Đại Học Tokyo.

Theo TS Thành, hướng đi của cơn bão rõ ràng là hướng Bắc kể từ ngày 14/5 chứ không phải là Tây - Tây Bắc như đã được dự báo. Kết luận trên được đưa ra dựa trên kết quả tính toán bằng mô hình máy tính cho phép dự báo trước 3 ngày, thậm chí 10 ngày.

Một kết luận muộn màng và chẳng góp phần vào việc giảm thiểu rủi ro, nhưng cũng cho ta thấy một hy vọng lớn đã bị bỏ qua, có thể là sự hạn chế về khoa học dự đoán. Việc tại sao các chuyên gia trong nước chỉ dự báo trước 12h-24h vẫn còn la một câu hỏi lớn, chỉ biết đó là khoảng thời gian vô cùng ngắn cho các con thuyền nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông.

Và nếu như vậy thì sinh mạng của hàng chục con người, sự mất mát tài sản và nỗi đau của gia đình đồng bào miền Trung lẽ ra đã nhẹ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là một kết luận muộn màng. Các nhà khoa học dự báo thời tiết, các cơ quan hữu trách rồi sẽ lại ngồi lại với nhau để tìm ra đâu là nguyên nhân. Tiến sĩ Thành cho biết anh sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học để cùng nhìn lại công tác dự đoán cơn bão số 1 vừa qua.

Có thể nhìn thấy rõ ràng sự di chuyển theo phương Bắc (thẳng lên phía trên) qua hình ảnh minh họa hướng đi của cơn bão ngày 14/5 do tiến sĩ Thành cung cấp.Trong khi đó, các dự đoán được đưa ra trong nước đến tận chiều ngày 15 tháng 5 vẫn cho rằng cơn bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc vào sâu trong lục địa. Thật đáng tiếc khi biết rằng đã có một khả năng bị bỏ lỡ.

Tính toán của tiến sĩ Thành một lần nữa xác minh dự đoán về lộ trình tử thần cơn bão của các nước trong khu vực cũng như của hải quân Mỹ từ ngày 13, 14 tháng 5.

Làm sao mà không bất ngờ và sững sờ được, khi cơn bão dữ tợn ấy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các tỉnh ven biển VN. Báo chí đã đưa tin rất sớm về cơn bão này...ngay khi nó vừa đổ bộ vào Philippines. Kèm theo bản tin là bản đồ dự báo lộ trình bão của Đài khí tượng Hong Kong, cho thấy bão có khả năng không đi thẳng vào VN mà chuyển hướng lên phía Bắc từ ngày 14 tháng 5.

Ngày hôm sau, 14/5, Tuổi Trẻ tiếp tục cập nhật lộ trình này với dự báo rõ ràng hơn: bão số 1 đang hướng về phía bắc (khu vực giữa đảo Hải Nam và Đài Loan). Trên màn hình máy tính, các dự báo của Đài Philippines, Hawaii, Hong Kong, hải quân Mỹ đều xác định lộ trình đó.

Có nghĩa là: không có chuyện bão đột ngột chuyển hướng, mà đã được tất cả các cơ quan khí tượng khu vực (trong đó có VN) tính toán đường đi của nó

Tiến sĩ Thành cho biết việc dự báo thời tiết trước 72 giờ là hoàn toàn khả thi với công nghệ và các tính toán bằng máy tính hiện nay. (Bạn đọc có thể xem trực tuyến dự báo 72 giờ bằng mô hình số trị MM5 cho khu vực biển Đông và Việt Nam tại đây). Mô hình này cũng chính là đề tài nghiên cứu cấp bộ của viện khí tượng thủy văn.

Các tính toán có thể đưa ra dự báo trước cả 3 ngày, thậm chí 10 ngày (tất nhiên khi thời gian dự đoán càng lâu thì độ chính xác càng giảm) trong khi những cơ quan chức năng lại chỉ đưa ra các dự báo về cơn bảo hủy diệt vừa qua với thông tin nhỏ giọt trước ...12 giờ đồng hồ.

Dự báo sớm và đầy đủ giúp ích rất nhiều cho việc giảm thiểu thiệt hại do bão. Có thể hiểu được sự cần thiết của dự báo sớm qua lời trả lời phỏng vấn báo chí của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban chỉ huy phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng: "Khi bão chuyển hướng đột ngột thì chúng tôi không thể thông báo được. Trách nhiệm dự báo là của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong khi đó họ chỉ dự báo với thời gian trong vòng 24 hoặc 12 giờ đến, bão sẽ di chuyển theo hướng Bắc.

Nếu như họ dự báo xa hơn, nghĩa là trong vòng 48 hoặc 72 giờ đến thì ngư dân đã chủ động. Đằng này họ quá bị động, biết nhưng không thể di chuyển kịp. 15h ngày 15/5, họ nghe tin bão chuyển hướng lên phía Bắc thì chiều tối 17/5, các tàu cá chìm trong bão. Không thể tránh kịp bởi lẽ các tàu cá chỉ đi được 3-4 hải lý/h (1 hải lý xấp xỉ 1,9 km), trong khi bão lại di chuyển 10-15 km/h. "

Câu hỏi về việc tại sao công tác dự báo sớm không được thực hiện, sự hợp tác quốc tế, việc cập nhật thông tin qua...internet và nhiều kênh liên lạc khác tại sao chẳng giúp ích được gì? Còn biết bao nhiêu câu hỏi đau lòng xin dành cho các cơ quan hữu trách.

Theo VietNamNet, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm về cơn bão số 1, đặc biệt trong công tác dự báo bão. (Xem dự báo ngày 15/5 của Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn)

Chúng ta cũng như nhưng người Việt Nam trong nước cần một câu trả lời, nhưng quan trọng hơn hãy cầu chúc và chung sức cùng các đồng bào yêu dấu vượt qua nỗi đau này để xây dựng lại cuộc sống yên bình ở ven biển miền Trung ruột thịt.

Phan Hữu Duy Quốc (Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản)
 
Nếu được tin bão sớm, ngư dân đã không chết!
15:42' 25/05/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Thuyền trưởng tàu Dna-90151 Phạm Văn Thắm uất ức nói: "Nếu được báo sớm vài ngày tin bão đổi hướng sang phía Bắc thì họ đã không chết!".

Họ đã được sống, nếu...

Lúc 8h30 sáng nay 25/5, chiếc tàu Dna-90370 chở theo 26 thuyền viên sống sót đã cập cảng. Cháu Tô Thanh Hải (15 tuổi, ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã được đặt chân lên bờ nhưng gương mặt vẫn còn thất thần. Chuyến đi biển đầu tiên của Hải cũng chính là chuyến hành trình nhớ đời. Ông Tô Văn Lập, cha Tô Thanh Hải, cùng đi trong chuyến biển này cho biết, qua hơn 10 năm làm nghề này, ông đã gặp không ít cơn bão lớn nhưng chưa thấy cơn bão nào dữ dằn, hãi hùng như lần này.

Ông cho biết: "Tàu của tui đang neo đậu trong vùng biển Đài Loan thì bão ập tới dữ dội quá, sóng gió mịt mù, tàu bạn ở sát một bên mà cũng không nhìn thấy. Chiếc mô trôi thì trôi, chiếc mô đứt neo thì đứt, cứ giòng máy chạy miết rứa đó. Tụi tui tháo giàn phơi mực quăng hết. Tới sáng gió bớt săn mới hoàn hồn đôi chút. Nhìn quanh thì cả đoàn tan tác hết. Tàu bạn ở gần xịt một bên mà chìm hồi nào không biết!".

Cập bến cảng Đà Nẵng sau cơn bão kinh hoàng, nhiều ngư dân còn sống sót vẫn không tin nổi mình đã thoát nạn. Nhưng khi nghe có người nói do họ chủ quan nên mới lâm nạn, nhiều người đã không kìm được sự uất ức.

Anh Trần Công Sỹ (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) - người đầu tiên trong số các thuyền viên trở về hôm 23/5 bước chân lên bờ - nghẹn ngào kể: "Ngay từ khi nghe tin bão xa, tụi tui đã tìm nơi trú ẩn an toàn. Mấy anh em trên các tàu còn đàn hát, đánh bài với nhau, rồi điện báo về nhà an tâm không sao cả. Nhưng từ ngày 16 đến chiều 17/5, bão mạnh dữ dội, sóng cao hơn 30m liên tục ập đánh tơi tả. Ai nấy hoảng loạn vì mới nghe tin bão xa đây mà sao bây giờ đã ập tới thế này?

Chẳng còn bắt được chút tín hiệu liên lạc nào. Cả đoàn tàu trú bão tan tác, vứt hết dàn phơi mực, ngư lưới cụ xuống. Tàu của tui bị chìm một đầu, một đầu kê lên đá ngầm. 25 thuyền viên ôm mũi tàu hơn 1 ngày đêm mới được tàu bạn đến cứu!".

Ông Phạm Văn Vui, ngư dân tàu Dna-90079 vừa bước lên bờ cũng òa khóc nức nở. Ông cho biết khi nghe dự báo bão số 1, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng có liên lạc qua ICOM báo với ở nhà tàu đã vào tránh bão ở một hòn đảo. Nhưng từ ngày 16-17/5, bão nổi lên dữ dội. Tàu liên tục gào thét báo tin cho ở nhà biết và vứt hết ngư lưới cụ, vật dụng để giữ tàu, giữ người. Nhưng tới đêm 17/5 thì không còn cầm cự được, tàu Dna-90079 đã bị chìm kéo theo 22 ngư dân vĩnh viễn nằm lại. Chỉ còn ông và một người nữa may mắn thoát nạn.

"Thế tàu của ông có nhận được tin báo bão chuyển hướng qua phía Bắc hay không?" - Phóng viên VietNamNet hỏi. Ông Vui không trả lời thẳng mà hỏi ngược lại: "Để đến khi bão ập tới rồi mới báo tin thì tụi tui làm sao nghe được? Báo tin bão đổi hướng vào lúc đó thì chỉ như trêu ngươi chứ có ích gì nữa?".

Cũng với tâm trạng uất ức như vậy, máy trưởng tàu Dna-90299 Nguyễn Tấn Dũng cho hay, sau khi nghe tin bão số 1 vượt qua Philippiness rồi di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, theo kinh nghiệm đi biển lâu năm, tàu của anh tránh sang hướng Bắc để lánh nạn. Ai nấy đều yên tâm chờ bão đổ bộ vào Trung Quốc rồi quay ra tiếp tục bám ngư trường.

Đến 19h tối 16/5, tàu của anh mới nhận được tin bão số 1 chuyển hướng sang phía Bắc thì không thể trở tay kịp nữa. Anh Dũng cho hay: "Tàu của mình công suất nhỏ trong khi vận tốc của bão rất lớn, đường kính của nó lên đến 190km. Lúc đó tàu Dna-90299 đang ở toạ độ 20,450 Bắc - 116,470 Đông, coi như rơi ngay vào tâm bão, có muốn thoát ra cũng không kịp. Chỉ có may mắn mới còn sống đây thôi!".

Từng gắn bó với nghề biển gần 30 năm hiện là thuyền trưởng tàu Dna-90151, ông Phạm Văm Thắm có thừa kinh nghiệm về cách đối phó với bão tố. Trong cơn bão số 1, ông đã tìm cách xoay xở để tàu không bị vỡ và bảo toàn được tính mạng của 21 thuyền viên. Nhưng phải nói, ngoài sự dạn dày trong nghề, theo ông thì tàu của mình cũng có phần may mắn.

Cùng ra khơi với ông Thắm còn có 7 người khác trong đại gia đình nhưng đã có đến 4 người bị tử nạn. Lúc gió cấp 7, anh Phạm văn Hoa (em trai ông Thắm) đi trên chiếc tàu Dna-90199 cùng 7 chiếc khác vào nấp chung ở một vị trí. Chỉ sau đó vài giờ, khi gió lên đến cấp 12 thì ông Thắm đã không còn thấy tàu của em trai và 7 chiếc kia.

Ông nói: "Nghe đài báo có bão di chuyển về hướng Tây - Tây Bắc, tụi tui cho tàu chạy vô đảo Đài Loan, cứ nghĩ là an toàn rồi. Không ngờ cơn bão lên tới 20,220 Bắc - 115,10 Đông khiến tàu của tui nằm ngay giữa tâm bão luôn. Nếu dự báo thời tiết mà cho tụi tôi biết bão chuyển hướng phía Bắc sớm chừng vài ngày thì họ đã không chết rồi. Đằng này, hôm nay họ báo thì ngày mai bão đã tới, làm sao chạy cho kịp!".

Không chỉ các ngư dân ở ngoài khơi xa bó tay với những tin dự báo thời tiết quá cận kề mà chính Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng cũng hoàn toàn bất ngờ về tai nạn do cơn bão số 1 gây ra cho tàu thuyền của ngư dân miền Trung. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Đài cho biết, từ ngày 12/5, Đài đã nhận tin của Trung tâm Khí tượng - Thuỷ văn quốc gia về cơn bão số 1 và bắt đầu phát bản tin theo dõi về bão xa và duy trì cho đến 7g40 ngày 18/5 thì phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 1 đã đi khỏi biển Đông.

"Thế nhưng đến 10h40 ngày 19/5, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận được thông tin tìm kiếm cứu nạn từ Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn khu vực 2 yêu cầu thông báo hàng hải về việc một số tàu đánh cá VN bị nạn tại khu vực có toạ độ 200 Bắc - 1190 Đông. Và từ đó đến nay, chúng tôi phát liên tiếp 12 phiên/ngày đêm để lưu ý các phương tiện qua lại khu vực này tăng cường quan sát, giúp đỡ khẩn cấp các tàu bị nạn!" - ông Lê Tiên Dũng nói.

Trong đêm qua cũng có thêm 3 tàu ngư dân nữa về Đà Nẵng, gồm tàu Dna-90189, Dna-90062 và Dna-90127 với tổng số 73 thuyền viên. Tất cả những tàu này sau khi thoát nạn đều tham gia cứu hộ trong cơn bão và đã cứu được nhiều ngư dân sau khi bão tan. Đặc biệt, tàu Dna-90127 không những bảo toàn tính mạng của tất cả thuyền viên trên tàu mà còn cứu được 26 ngư dân của các tàu khác và vớt được 2 thi thể. Số thi thể này đã chuyển qua tài HQ 628 của hải quân.
 
Đến 9h sáng nay, cảng Đà Nẵng lại một lần nữa đón những nạn nhân xấu số trở về từ biển khơi. Tàu hải quân HQ 628 làm nhiệm vụ cứu hộ đã cập cảng, chở theo 27 thuyền viên và 3 thi thể ngư dân, trong đó chỉ mới có một thi thể được nhận dạng là anh Hồ Ngọc Sơn ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê (Đà Nẵng). Đồng thời kéo theo 2 chiếc tàu Dna-90369 và Dna-90334 bị hỏng máy, chở 51 ngư dân.

Ra đón các nạn nhân tại chân cầu cảng có Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo các ngành và quận Thanh Khê. Bàn hương án cùng với những vòng hoa tưởng niệm vong linh của các nạn nhân xấu số lại một lần nữa phải đưa tiễn người đi.

Trung uý Tô Văn Trung, thuyền phó tàu HQ 628 tham gia cứu nạn, cung cấp nhiên liệu cho tàu cá của ngư dân bị nạn cho hay: "Tàu chúng tôi ra cách bờ khoảng 360 hải lý, làm nhiệm vụ cơ bản là tìm kiếm, cứu vớt và tiếp tế cho tất cả ngư dân bị nạn. Sau hơn 1 tuần, chúng tôi đã cung cấp nhiên liệu cho 13 tàu và hướng dẫn cho 20 tàu. Trên đường trở về, chúng tôi còn vòng ngược lại 45 hải lý để cứu kéo 2 tàu bị hỏng máy. Sau khi đón các ngư dân lên tàu, chúng tôi chăm sóc sức khoẻ, bố trí chỗ ăn ở cẩn thận và động viên tinh thần của họ!".

Không chỉ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển, quân chủng Hải quân còn phát động cán bộ chiến sĩ quyên góp ủng hộ các gia đình bị nạn. Sáng 25/5, Phó Đô đốc, Tư Lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân VN Nguyễn Văn Hiếu đã gặp chia buồn với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trước những nỗi đau, mất mát của ngư dân TP trong cơn bão số 1 vừa qua. Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiếu đã trao cho TP Đà Nẵng 80 triệu đồng tiền ủng hộ khắc phục hậu quả cơn bão.

Đồng thời Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc tìm kiếm những người bị nạn trên biển đang tiếp tục được tiến hành khẩn trương. Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các tàu hải quân quần đảo ở khu vực xảy ra tai nạn, thả vật trôi để suy đoán hướng gió, dòng chảy nhằm tìm kiếm thêm ngư dân. Hy vọng vẫn chưa tắt hẳn với những gia đình có người thân đang nằm trong diện mất tích trong cơn bão này.

Theo số liệu do Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và các cơ quan chức năng cung cấp, tính từ cuối giờ chiều qua đến trưa nay có thêm 18 tàu đánh cá với 432 ngư dân thoát nạn từ tâm bão trở về đến cảng Sông Hàn. Như vậy đến thời điểm này đã có tổng cộng 20 tàu đánh cá với 511 thuyền viên cùng 18 thi thể ngư dân được đưa về đến cảng Sông Hàn. Hiện còn 3 tàu Dna-90019, Dna-90046 và Dna-90062 chưa trở về.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, trong ngày hôm nay sẽ có 5 tàu của ngư dân hai xã Nghĩa An, Nghĩa Hoà (huyện Tư Nghĩa) đưa 64 người còn sống (gồm 41 người của xã Nghĩa An và 23 người vớt được từ các tàu khác; trong đó có 4 ngư dân tỉnh Bình Định) và 1 thi thể sẽ về đến cảng cá Kỳ Phú, Tư Nghĩa. Lúc 11h30 trưa nay 25/5, chiếc tàu cá đầu tiên đã cập bến. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc đã ra tận cầu cảng đón những người bị nạn trở về.

Được biết, trong đợt bão này, hai xã Nghĩa An và Nghĩa Hoà có 11 tàu với 94 thuyền viên đang đánh bắt xa bờ. Trong đó có 5 tàu với 47 ngư dân đã gặp nạn trong bão làm 1 người chết và 26 người mất tích.

May mắn là, trong nỗi đau đớn chung, vẫn có những niềm hạnh phúc hiếm hoi. Bà Trần Thị Thuận (phường Thanh Khê Đông, Đà Nẵng), có tất cả người thân đi trên tàu Dna-90370 (trong đó có con trai và cháu trai) trở về an toàn. Không giấu được xúc động, bà nói: "Cho tui mấy chục cây vàng cũng không bằng con cháu tui được trở về. Tui cám ơn trời đất, cám ơn chính quyền đã cứu giúp con cháu của tui, chứ ngồi ở nhà mấy ngày vừa rồi coi như đã bó tay rồi!".

Những chuyện buồn - vui sau bão số 1 rồi cũng qua đi. Nhưng, giá như, chuyện bão số 1 khiến các nhà quản lý ngành thuỷ sản, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão từ trung ương đến địa phương và nhất là các nhà chuyên môn trên lĩnh vực dự báo khí tượng - thuỷ văn của VN thấm thía nỗi đau của bao gia đình ngư dân và tự nhận trách nhiệm...

Hải Châu
 
Đà Nẵng: Ngư dân cứu nhau, ngành chức năng chờ họp!
22:44' 19/05/2006 (GMT+7)
(VietNamNet) - Tin mới nhất, có tới 11 tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng bị chìm và mất liên lạc. Ngư dân đang cứu nhau, còn ngành chức năng... chờ họp!

Liên quan đến việc tàu thuyền của ngư dân miền Trung gặp nạn trên biển do bão số 1, lúc 22g ngày 19/5, qua điện thoại, Giám đốc Sở Thủy sản - Nông Lâm Đà Nẵng Trần Văn Huy cho hay: Tính tới thời điểm này, các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã xác nhận được có 6 chiếc tàu đánh cá của ngư dân TP bị chìm ở vùng biển Đài Loan - Trung Quốc. Ngoài ra còn có 5 tàu khác đang bị mất liên lạc, chưa rõ thông tin.



Theo ông Trần Văn Huy, hiện có 13 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng đang tiến hành cứu vớt lẫn nhau trên biển, nhưng chưa có thông tin gì cụ thể. Bình quân trên mỗi tàu bị nạn có 20 - 25 lao động. Như vậy là có khoảng 220 - 275 ngư dân đang gặp nguy hiểm!



Riêng về phía các cơ quan chức năng địa phương, ông Trần Văn Huy cho hay, do mới nhận được thông tin chiều nay nên tới thời điểm này, vẫn chưa đề ra biện pháp gì khả dĩ để có thể cứu giúp các ngư dân đang gặp nạn ở ngoài khơi. Mọi việc phải chờ đến cuộc họp sáng mai 20/5 tại Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP!



Ngay sau đó, VietNamNet liên lạc với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng và cũng được xác nhận số lượng tàu thuyền đã bị chìm và đang mất liên lạc như nêu trên. Hiện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng đang làm văn bản đề nghị Ủy bản quốc gia Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ cứu giúp các ngư dân bị gặp nạn trên biển.



Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng không xác định được số ngư dân hiện có trên các tàu thuyền đang gặp nạn, nhưng cho biết có một số người đã được cứu vớt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cơ quan này cũng chưa rõ số lượng là bao nhiêu, ngư dân của tỉnh nào?



Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng cho biết là phải mất vài ngày nữa, các ngư dân gặp nạn được cứu vớt ở vùng biển Đài Loan - Trung Quốc mới có thể về tới VN. Và rốt lại, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng cũng cho hay là phải chờ tới cuộc họp vào sáng mai 20/5 mới biết được tình hình cụ thể để đề ra các biện pháp cứu giúp!

Hải Châu
 
nói nhiều chứ nói mãi cũng thế thôi, có phải lần đầu thế này đâu
cứ phải có hậu quả rồi thì lãnh đạo mới chịu nhận trách nhiệm là sao???????
 

kiwi_vn

Active Member
Trách nhiệm thuộc về nhiều người , nhiều cơ quan , nhưng bây giờ người ta tập trung vào công kích các vị khí tượng thủy văn quốc gia , chê các vị lạc hậu 40-50 năm so với thế giới . Lại thờ ơ , không quan tâm dịch dự báo của nước ngoài .
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top