Tìm hiểu về cơ chế

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp rất nhiều lần xuất hiện của từ "cơ chế". Tới các cơ quan Nhà nước, gặp đủ các thủ tục phiền hà, chỉ than phiền rằng "Tại cơ chế". Trong cuộc thi Robocon Toàn quốc, một giảng viên miền Nam tội nghiệp cho một sinh viên miền Bắc "Cơ chế là vậy. Các em chịu rất nhiều thiệt thòi so với các bạn miền Nam.".

Chính bản thân tôi cũng nhiều lần nhắc đến hai chữ "cơ chế". Nhưng khi tự hỏi mình đó là cơ chế gì, có nghĩa cụ thể là gì thì lại không tự trả lời được. Câu hỏi này đến giờ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời đầy đủ. Vì vậy, nhân tiện trong khi tìm tòi các thông tin về "cơ chế" trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng xin tổng hợp lại những gì mình tìm hiểu được.

Cũng xin nói thêm là tình hình nước ta hiện nay đang có nhiều tín hiệu đáng mừng. Việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, cùng với sự bình thường hóa quan hệ, mở rộng hợp tác với nhiều nước, đã và đang đưa nền kinh tế nước nhà phát triển rất tích cực. Nói như vậy, để một số bạn hiểu là đề cập đến vấn đề "cơ chế" - một mặt trái, tôi không có ý là bôi nhọ hay nói xấu nhà nước mình, dân tộc mình.
 
Tuổi Trẻ Cuối tuầnThứ Bảy, 16/10/2004, 10:43 (GMT+7)

Cơ chế và con người
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=51848&ChannelID=119

TTCN - Không rõ từ “cơ chế” bắt đầu được dùng ở nước ta tự bao giờ, nhưng có thể khẳng định rằng nó được dùng trước tiên và từ lâu trong ngành y. Các thầy thuốc thường nói đến cơ chế gây bệnh và cơ chế tác dụng của thuốc.
Và khi người ta đã nhận biết được những cơ chế ấy, có nghĩa là đã giải thích được bệnh và phương pháp chữa bệnh có cơ sở khoa học. Nếu chưa nhận biết được thì việc chẩn đoán và điều trị vẫn chỉ là theo triệu chứng, theo kinh nghiệm mà thôi.
Từ “cơ chế” được dùng rộng rãi trong lĩnh vực quản lý từ khoảng cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là những qui định về quản lý. Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người như nêu trên.

Suy nghĩ cách dùng của ngành y, xem thêm từ điển tiếng nước ngoài và tiếng Việt, có thể thấy từ “cơ chế” là chuyển ngữ của từ “mécanisme” của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa “mécanisme” là “cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau”. Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện”. Điều đáng lưu ý là cả cách dùng trong ngành y, cả định nghĩa trong từ điển, đều cho thấy “cơ chế” được dùng với hàm ý chỉ hiện tượng ở trạng thái động chứ không phải ở trạng thái tĩnh. Cho nên hiểu cơ chế chỉ là các qui định quản lý là hiểu theo trạng thái tĩnh, chưa thấu triệt hết tính chất động của hiện tượng.

Bàn về cơ chế quản lý như là một hiện tượng đang chuyển động, không thể không nói tới những con người hoạt động trong đó như là những chi tiết không thể thiếu của bộ máy quản lý. Con người nằm trong cơ chế, tham gia vào sự vận hành của cơ chế, bị cơ chế điều khiển, chứ không nằm ngoài cơ chế và điều khiển cơ chế. Quan hệ giữa cơ chế với con người là quan hệ giữa cục bộ với toàn bộ. Cho nên nó không chỉ bao gồm những qui định về cách thức vận hành, mà còn bao gồm cả con người hoạt động theo những cách thức đã được định sẵn trong thiết kế cơ chế. Và chính những hành động của tất cả chi tiết con người như thế tạo nên cơ chế như là một bộ máy quản lý đang vận hành.

Cần nhấn mạnh rằng cơ chế phải và chỉ có thể vận hành theo những cách thức định sẵn, trong đó mỗi chi tiết phải đóng được vai trò của mình. Chỉ cần một chi tiết hư mòn hay kém chất lượng, sự vận hành của cơ chế sẽ lập tức trục trặc. Cho nên cơ chế tự nó có khả năng phát hiện và đòi hỏi loại trừ những chi tiết, ở đây là những con người không phù hợp với nó.
Cơ chế phân bổ quota hàng dệt may đã không đạt được tới mức như thế nên mới có vụ Mai Thanh Hải. Cho nên không thể qui vụ này chỉ là do có người xấu, mà phải thấy ngược lại, chính là do cơ chế có khiếm khuyết. Nếu cơ chế tốt thì dù có Mai Thanh Hải là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, y cũng không dám làm và không thể làm. Và nếu y cả gan làm thì cũng sẽ bị cơ chế phát hiện và thải loại, vụ việc không thể xảy ra. Còn nếu cứ theo cơ chế hiện hành thì dù không có Mai Thanh Hải đang bị tạm giam hiện nay, cũng sẽ có một hay những Mai Thanh Hải khác. Người ta bàn nhiều về tính không minh bạch, không công khai của cơ chế phân bổ quota hiện nay. Vì vậy kết quả phân bổ không phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào người làm việc phân bổ. Phải chăng chính vì thế mà tiêu cực đã xảy ra, và còn có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khác.

Có người lý luận rằng trong quan hệ giữa cơ chế với con người, con người là yếu tố quyết định vì cơ chế do con người tạo ra. Ở đây có sự lẫn lộn giữa người tạo ra cơ chế và đứng ngoài cơ chế với người thực hiện nằm trong cơ chế như là một bộ phận của cơ chế. Cơ chế đúng là do con người tạo ra, nhưng người đó không phải là ông vụ phó Lê Văn Thắng hay ông chuyên viên Mai Thanh Hải, mà là những người thiết kế ra cơ chế và giám sát nó vận hành. Xét cho cùng trách nhiệm phải qui về đó.

Đến đây có thể gút lại câu chuyện như sau: cơ chế phân bổ quota khiếm khuyết đã khuyến khích và tạo điều kiện khách quan cho Mai Thanh Hải và đồng bọn tiêu cực. Đó là lỗi về cơ chế. Tất nhiên nếu Mai Thanh Hải là người liêm chính thì tiêu cực có thể không xảy ra, song đó là trường hợp may mắn, mà quản lý thì không thể dựa vào may rủi được. Đến lượt mình, cơ chế không tốt là do người thiết kế cơ chế yếu kém hoặc cũng không tốt nốt. Đó mới là lỗi về con người. Câu chuyện đã đi tới cội nguồn của nó.
LÊ VĂN TỨ
 
Năm 2005, Hà Nội phải triệt tiêu cơ chế "xin - cho"!
14:39' 10/12/2004 (GMT+7)
(VietNamNet) - Đây là một trong những quyết tâm của Hà Nội trong năm 2005, vừa được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh tại Lễ bế mạc kỳ họp thứ 3, HĐNDTP khoá XIII vừa diễn ra sáng nay, 10/12.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu: "Trong năm 2005, phải triệt tiêu cơ chế xin - cho, chuyển sang đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch...". Ảnh N.M

Tại Lễ bế mạc, Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu đề cao yêu cầu: Trong năm tới, chính quyền các cấp phải công khai, minh bạch tất cả những vấn đề quan hệ thiết thực đến công ăn việc làm, đời sống của nhân dân, thực sự để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ.
Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, cơ chế "một cửa" đã có ở tất cả các ngành, cấp. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng hoạt động, triệt tiêu cơ chế "xin - cho". "Diễn đàn QH vừa rồi đã nói rất rõ: cơ chế xin - cho chính là mảnh đất màu mỡ của hối lộ, tham nhũng. Ngành, cấp nào còn duy trì "xin - cho" là dung túng, tiếp tay cho tham nhũng" - ông Triệu nói.

Theo quan điểm của ông, "tất cả những gì liên quan đến tiền bạc đều phải chuyển sang đấu thầu, đấu giá công khai minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng, chống tiêu cực; tăng cường phân cấp, uỷ quyền theo quy hoạch, đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân: trao quyền đi đôi với trách nhiệm".

Về mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 11% trong năm tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu đề nghị nên coi đó là mức tăng trưởng tối thiểu được đặt ra, Hà Nội phải thật sự nỗ lực, tích cực phấn đấu đạt tăng nhiều hơn nữa. "Hiện nay, mức tăng trưởng GDP ở TP. Hồ Chí Minh đã là 12%" - ông Triệu so sánh.

Đề cao nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực giao thông, cư trú, quản lý chợ. Ông cho biết sẽ làm quyết liệt như báo cáo của Giám đốc Công an TP Phạm Chuyên về giao thông. Đồng thời, sẽ chấp nhận việc cư trú hợp pháp theo tiêu chí có việc làm, chỗ ở theo luật định.

Cũng tại Lễ bế mạc sáng nay, HĐHD TP. Hà Nội đã thông qua 7 Nghị quyết quan trọng trong năm 2005. Đó là:
Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của TP Hà Nội năm 2005 (bao gồm cả kế hoạch sử dụng đất, các dự án nhóm A, thực hiện Pháp lệnh lao động công ích, hỗ trợ các cơ quan TP...)
Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách TP năm 2005
Nghị quyết về việc thu một số khoản phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐNDTP trên địa bàn Hà Nội
Nghị quyết về khung giá đất
Nghị quyết thông qua kế hoạch phân bổ biên chế của TP năm 2005; về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBNDTP và quận, huyện; về việc quyết định số lượng và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
Nghị quyết về việc đặt tên một số công viên, đường phố và công trình công cộng (kéo dài đường Đào Tấn, Giang Văn Minh, Nguyễn Tuân; đặt, đổi tên công viên Lý Thái Tổ, I.Gandi).
Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐNDTP năm 2005.

Trong số các Nghị quyết nói trên, khung giá đất là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại Hội trường. Một số đại biểu vẫn "kêu" rằng, giá đất cho thuê sản xuất, kinh doanh tối đa hơn 23,5 triệu đồng/m2 vẫn là mức cao so với sức chịu được của doanh nghiệp; một số lại cho rằng, không nên tăng mức tối đa giá đất nông nghiệp lên 20%, theo như điều chỉnh của HĐNDTP (mức giá tối đa đất nông nghiệp ban đầu UBNDTP trình là 90.000đồng/m2 đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và 105.000đồng/m2 đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Nay tăng tương ứng là 108.000đ và 126.000đồng/m2).
Lý giải những thắc mắc nói trên, Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Quý Đôn cho rằng, việc định giá đất phải căn cứ trên quyền lợi hợp lý của cả người mua lẫn người bán, chứ không thể nghiêng về quyền lợi của một bên nào.

Tuy còn một vài băn khoăn về giá đất, song 7 Nghị quyết trên đã được thông qua với sự biểu quyết tán thành của 100% đại biểu.
· Nguyệt Minh
 
“Khi cơ chế XIN-CHO bị thu hẹp, đất sống của thư tay sẽ ít đi”
(23/09/200510:55)


Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Khi cơ chế XIN-CHO bị thu hẹp, đất sống của thư tay sẽ ít đi”

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thu hồi đất sử dụng trái quy định bởi luôn phải chịu áp lực từ thư tay, điện thoại, công văn..., tức là sự can thiệp ngoài lề, của các cơ quan cấp trên. Đã có thời điểm câu chuyện thư tay rộ lên, gây tác động rất xấu trong đời sống xã hội khiến Thủ tướng Chính phủ từng phải vào cuộc. Nhưng như một dòng chảy âm thầm, câu chuyện thư tay vẫn tỏ ra chưa bao giờ cũ khi trong nhiều vụ án tiêu cực gần đây, các cơ quan chức năng lại lần ra dấu vết khá rõ ràng của sự can thiệp trái pháp luật này. LS. Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định:

Theo tôi, có thể chia làm 3 loại thư tay: thư từ dưới lên, thư đi ngang và thư từ trên xuống. Dù ở dưới bất kỳ hình thức nào, thư tay cũng gây những tác hại không nhỏ. Thư tay từ dưới lên sẽ làm mất đi cơ hội của người khác, thậm chí có thể khiến cấp trên đánh giá sai đối tượng và có những quyết định không đúng. Thư tay từ trên xuống nguy hiểm hơn bởi đây bỗng trở thành mệnh lệnh bất thành văn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng của người nhận thư. Đặc biệt, nhiều trường hợp cấp dưới đã bỏ qua những quy trình, thủ tục hành chính để thực hiện thư tay của cấp trên khiến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thư tay đi ngang không gây ảnh hưởng lớn, nhưng lại hình thành câu chuyện “có vay, có trả”.

+PV: Thưa ông, điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, thư tay, cũng như những hành vi can thiệp trái pháp luật, đã có mặt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội và pháp luật. Và trên thực tế, nhiều loại thư tay hiện đang lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để tồn tại?

-LS. Trần Hữu Huỳnh: Không phải tất cả thư tay đều mang động cơ xấu, đều vì mục đích xấu. Nhưng đối với một xã hội pháp quyền, chúng ta phải xây dựng quy định để công chức được làm những gì pháp luật cho phép, người dân và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đây là một hướng mà chúng ta đang phấn đấu. Trong lộ trình đó, có thể pháp luật chỗ này, chỗ kia chưa hoàn chỉnh nên đôi lúc, công chức có thể thể hiện ý định muốn giúp đỡ của mình và cũng không loại trừ trường hợp công chức lợi dụng những khoảng trống pháp luật để can thiệp.

+PV: Có người viết thư tay từng giải thích rằng, việc làm đó xuất phát từ thực tế hoàn toàn đúng?

- LS. Trần Hữu Huỳnh: Có thể, nếu không tính đến hậu quả đích thực của nó. Ví dụ, một quan chức viết một lá thư giới thiệu Công ty bảo hiểm A có thành tích, có khả năng về tài chính, dịch vụ tốt (trên thực tế Công ty này đúng như vậy) và đề nghị tham khảo để ký hợp đồng. Nếu kết luận quan chức trên sai phạm thì không hẳn, nhưng về mặt cạnh tranh thì ông ta làm như thế là không đúng. Trong Luật Cạnh tranh đã quy định rất rõ rằng, cấm các công chức dùng vị thế của mình để làm ảnh hưởng đến cạnh tranh. Khi vị quan chức trên giới thiệu Công ty A, tức là đã làm giảm những cơ hội gia nhập thị trường của các công ty nhỏ hơn.

Thư tay trong một số trường hợp khác được coi là dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là của người ở vị trí xã hội quan trọng và có khả năng ra những quyết định có ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Sự dính dáng tiêu cực của không ít quan chức Nhà nước trong các vụ án gần đây lại một lần nữa báo động về mức độ nguy hại của thư tay. Trong vụ tham nhũng hơn 14 tỷ đồng bằng cách nâng giá thành in niên giám điện thoại và các ấn phẩm khác của một số bưu điện tỉnh, thành phía Bắc, cơ quan điều tra đã thu giữ một số thư tay môi giới làm ăn của một số quan chức Nhà nước. Hay trong vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo cung cấp thiết bị bưu điện, Bộ Công an phát hiện có công văn của một số nhân vật quan trọng giới thiệu “tập đoàn” của Nguyễn Lâm Thái với bưu điện tỉnh, thành, mà nổi lên trong đó là một Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính viễn thông...

+PV: Mặc dù các vụ việc có liên quan đến thư tay vẫn xảy ra, nhưng ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng, so với trước đây, thư tay đã giảm nhiều?

-LS. Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Nguyên nhân là bởi cơ chế xin- cho ngày càng giảm, kinh tế chuyển hướng sang thị trường mạnh hơn, có nghĩa là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hay quyền quyết định của công dân (theo xu hướng dân chủ hoá, công khai, minh bạch trong xã hội) ngày càng phát triển hơn. Khi cơ chế xin- cho bị thu hẹp lại, cũng có nghĩa đất sống của thư tay sẽ ít đi.

+PV: Nhưng trong một số lĩnh vực vẫn đang tồn tại cơ chế xin- cho dưới nhiều hình thức?

- LS. Trần Hữu Huỳnh: Không chỉ có thế, cơ chế này có thể tồn tại ngay trong chính những quy định của pháp luật. Tôi cho rằng, quy định là phải có, nhưng nếu trong một số lĩnh vực không thật sự cần thiết mà lại lạm dụng mở rộng nó để bằng cấp hoá, chứng chỉ hoá, giấy phép hoá thì đó lại chính là nguy cơ tiềm ẩn sự bùng nổ cơ chế xin- cho.

+PV: Tức là theo ông, cơ chế xin- cho tuy đã giảm bớt, nhưng mầm mống của nó vẫn đang tiềm ẩn và hoàn toàn có thể bùng phát trở lại?

-LS. Trần Hữu Huỳnh: Ví dụ, Thủ tướng Chính phủ đã từng ra các chỉ thị bãi bỏ nhiều loại giấy phép, nhưng hiện nay, trong quá trình xây dựng pháp luật lại xuất hiện các loại giấy phép và chứng chỉ hành nghề khác. Tháng 11 năm 2003, VCCI thống kê được 246 giấy phép, vượt hơn nhiều so với thời điểm Thủ tướng bãi bỏ các loại giấy phép. Nhưng đến tháng 3 năm 2005, giấy phép đã là 298 loại. Đây là một bằng chứng cho thấy số lượng giấy phép đang tăng lên. Hiện chúng tôi chưa có sự đánh giá tổng thể các loại giấy phép và chứng chỉ hành nghề trên có thật sự cần thiết không? Điều quan trọng nhất là, khi ban hành giấy phép này, cơ quan chức năng đã chú ý tham khảo, xin ý kiến rộng rãi để giấy phép này là thật sự cần thiết?...

+PV: Thưa ông, hậu quả từ thư tay là khá nghiêm trọng nhưng thư tay vẫn chưa được coi là chứng cứ pháp lý để có thể xử lý thỏa đáng đối với những trường hợp viết thư?

- LS. Trần Hữu Huỳnh: Quả là hiện nay chưa có sự xử lý nghiêm túc về các trường hợp này. Theo tôi, nếu không xử lý về mặt hành chính Nhà nước, thì cần xử lý theo quy chế, đạo đức công vụ... Những quy định trong Pháp lệnh Cán bộ công chức, trong Bộ luật Hình sự đã quy định khá rõ về vấn đề sai phạm của cán bộ công chức nói riêng và công dân nói chung.

+PV: Liệu việc chúng ta còn thiếu các điều khoản cụ thể về thư tay trong các quy định của pháp luật có là nguyên nhân của tình trạng trên?

- LS. Trần Hữu Huỳnh: Chúng ta chưa có các quy định cụ thể về việc cấm thư tay và cũng không thể cấm, nhưng đối với thư tay vi phạm pháp luật thì cần phải xét trong từng trường hợp cụ thể.

+PV: Vậy theo ông, làm gì để chấm dứt tình trạng thư tay trái pháp luật nêu trên?

- LS Trần Hữu Huỳnh: Thứ nhất, cần chấm dứt cơ chế xin- cho, mảnh đất màu mỡ của thư tay hiện nay. Thứ hai, đối với các dịch vụ từ nguồn ngân sách Nhà nước, cần công khai hoá cơ chế đấu thầu, cạnh tranh. Thứ ba, việc mỗi công chức Nhà nước cần xác định đúng vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mình trong bộ máy hành chính Nhà nước là hết sức cần thiết.

+PV: Xin cảm ơn ông!


Báo Hải quan 115
 

VnDevil

Member
Spam quảng cáo thương hiệu cho cuốn ebook Lịch sử đầu tiên của Vietnam mừ :"> . Kể ra cũng không đến nỗi tội đồ lắm chứ, hjx, em sr vì xoắn anh lúc đấy đang ức chế mấy chuyện :-s
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top