Những giọng hát thế hệ 8X của chúng ta

Nguồn
http://www.giaidieuxanh.com.vn/nhacviet/2005/01/361447/

Những giọng hát thế hệ 8X

Vào những ngày cuối năm này, nhìn lại một chặng đường của nhạc Việt, hãy cùng “ôn cố tri tân“ qua 8 gương mặt của thế hệ 8X (sinh sau 1980) với nhiều tiềm chất đáng để hy vọng về một “làn sóng mới“ sẽ giúp sân khấu ca nhạc Việt xanh tươi hơn...


Hồ Quỳnh Hương (1981): So với bảy người kia, Hương đáng mặt “chị cả“ bởi kinh nghiệm sân khấu và bề dày thành tích đáng nể của cô. Chất giọng khỏe mạnh, cách hát "phiêu" kỹ thuật “à la Céline Dion” của Hương gợi nhớ một Thu Minh thuở trước. Sau album đầu tay Vào Đời khá ấn tượng, hiện tại, Hồ Quỳnh Hương đang cố gắng đa dạng hóa phong cách của mình trong nỗ lực hướng đến một lớp khán giả đại chúng hơn. Có vẻ cô đang đi đúng đường khi hợp tác với các nhạc sỹ Đức Trí và Lê Quang trong album sắp ra mắt Ngày Dịu Dàng. Nhưng liệu đó có thể là loại âm nhạc sẽ giúp cô thành sao? Hãy chờ xem.


Ngọc Khuê (1983): Với lối hát táo bạo, Khuê đã ít nhiều thành công trong việc gây dựng một hình ảnh đỏng đảnh “Thị Mầu” cho mình bên “bờ ao” Lê Minh Sơn. Nhắc đến Khuê là nhắc đến một ấn tượng tức thời với lối hát, phong cách cùng những bài hát không giống ai, nhưng để giữ được ấn tượng lâu dài, đòi hỏi Khuê có nhiều nỗ lực hơn. Khuê cần mở rộng biên độ âm nhạc của mình vì giờ đây, cô không còn độc chiếm “bờ ao” kia khi những ca khúc tưởng chừng của riêng Khuê cũng được Thanh Lam thể hiện một cách đầy thuyết phục. Con đường nào dành cho Khuê sau những ca khúc dân gian của Lê Minh Sơn, Phó Đức Phương? Cô sẽ phải lựa chọn cho mình lối đi ấy.


Tùng Dương (1983): Đã lâu rồi, sân khấu nhạc nhẹ Việt mới thấy lại một giọng nam xuất sắc như Tùng Dương. Xuất sắc vì một chất giọng đẹp? Không hẳn, chưa kể kiểu gằn giọng đãi chữ nhằm tạo ra “cái gì đó rất đàn ông”, kịch tính như một “Thanh Lam nam“ của Dương. Bù lại, Dương có cách xử lý đa dạng biến hóa, có chiều sâu trong những bài tự sự, có thể bốc lên nhưng cũng biết tiết chế và scat rất “chất” trong những khúc jazz/blues ngẫu hứng. Không chắc sẽ thành sao nhưng anh sẽ luôn là một giọng ca được nghe và nhắc tới. Có thể khẳng định, Tùng Dương là một trong những niềm hy vọng của nhạc Việt.



Mai Khôi (1983): Gọi Khôi là một biểu tượng mới của sự quyến rũ, sau Hồng Nhung và Mỹ Tâm, cũng chẳng ngoa. Vì bản thân cô cũng như giọng hát đều rất nữ tính. Cô mang sự quyến rũ ấy làm chủ đạo cho chính cách hát của cô: ngọt ngào, êm dịu. Qua Những Chuyện Kể, cô cho thấy mình “trị“ được nhiều thể loại nhạc khác nhau, nhưng lại chưa thực sự xuất sắc và gắn với một phong cách âm nhạc nào. Tuy nhiên, Khôi còn nhiều thời gian để chọn lựa và định hình chân dung của mình. Một phong cách “mở” sẽ giúp Khôi dễ hòa nhập, chuyển mình khéo léo trong cách viết đa dạng của Quốc Bảo khi mà cô còn cộng tác nhiều với nhạc sỹ này.


Lê Hiếu (1984): Với cá tính ”không chạy theo trào lưu mà chỉ hát những gì mình thích”, một “công tử Hà thành” đi hát có lẽ là cách miêu tả gần nhất với Hiếu. Qua Lê Hiếu Vol.1 và 2, hai sáng tác của Hiếu Đêm tan và ngày lên và Đợi em về là những ca khúc đáng chú ý nhất. Giọng barytone trầm ấm với âm vực hạn chế của Hiếu vẫn thường được mô tả bởi những ngôn từ như “cách hát vô cảm”, “kìm nén cảm xúc” để rồi trở thành một “phong cách Lê Hiếu“. Điều mà Hiếu cần trong quá trình khẳng định mình là những sáng tác phù hợp chất giọng cùng một chút gì đủ gây ấn tượng hơn khi mà những gì Hiếu đem đến dù dễ nghe nhưng vẫn còn ... thiếu muối.



Hồ Ngọc Hà (1984): Một ca sỹ làm sáng sân khấu với vóc dáng cùng kinh nghiệm của một siêu mẫu và dù không kỹ thuật, chất giọng khàn đục, trầm tối của cô cũng đủ thuyết phục cho dòng nhạc cô chọn. Cộng tác với nhạc sỹ Huy Tuấn, Hà trở về với bản chất của cô, “bốc" và sinh động. Khuyết điểm của Hà là chưa biết thể hiện tâm trạng, chưa chuyển tải được cảm xúc - điều mà cô không thiếu - qua giọng hát của mình. Không hoang tưởng về những đỉnh cao nghệ thuật, Hà có thể là mẫu hình ca sỹ mới với thanh sắc, tài năng vừa đủ để tẩy xóa phần nào những thành kiến nặng nề về nền âm nhạc giải trí.



Khánh Linh (1984): Với chất giọng soprano, “họa mi” Linh hát như chim hót, có thể tạo “độ tưng” (?) ở âm vực cao tới mức bất ngờ - theo lời nhạc sĩ Dương Thụ. Trong album đầu tay Họa Mi Hót Trong Mưa, Khánh Linh được nhiều thiện cảm bằng lối hát tự nhiên, tươi trẻ. Ngược lại, Linh trong Nhật Thực II có lối hát “nhập đồng“, nhưng dường như phảng phất bóng của Trần Thu Hà. Có lẽ với Linh, âm nhạc Ngọc Đại chỉ chớp nhoáng như hiện tượng nhật thực. Tô đậm và dấn thân vào phong cách bán cổ điển, Linh sẽ được hát với chất giọng của cô và có thể tìm được vị trí riêng trong làng ca nhạc.



Thủy Tiên (1985): Chưa một lần lên sân khấu, thu âm chưa đủ để gom thành một tuyển tập riêng, chính điều đó làm cô khác với bảy người trên qua giọng hát “trinh nguyên” của mình. Cô không bị ảnh hưởng từ diva nội đến diva ngoại, cũng do thế mà cô hát chẳng giống ai, dù cũng chẳng khác người. Gây tò mò chỉ với hai ca khúc Tình em và Ta đã yêu trong mùa gió trong album Những Chuyện Kể, Thuỷ Tiên như một ẩn số thú vị. Cô sẽ như thế nào trong hai năm tới? Điều đó phụ thuộc nhiều vào bàn tay nhào nặn của producer Quốc Bảo hơn là khả năng vẫn chưa thể hứa hẹn điều gì rõ rệt ở Tiên, dù đã thấp thoáng trong cô những tố chất đáng quý.



Những gương mặt của thế hệ 8X này đều là những tiềm năng, nhạy với công nghệ hiện đại, biết tìm tòi phong cách cho mình, và trên hết, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hãy đặt hy vọng vào họ và chờ xem họ sẽ chứng tỏ mình như thế nào.


Phong Trần
 
Giới thiệu thôi mà. Đâu phải chỉ có những ca sĩ trên mới hát. Mọi người đều có sở thích khác nhau. Tại sao không nhân cơ hội này mà giới thiệu với bạn bè ca sĩ mình yêu thích nhỉ ? :)
 

vichia

Active Member
Tùng Dương à =)) . Tớ cá là có đến 80% người từng nói Tùng Dương hát hay là vì .. các nhạc sĩ bảo thế ! Vn có mấy ai cảm thụ được nhạc jazz ! Chẳng ai muốn bị bảo là ngu dốt cả. Điều này làm tớ liên tưởng đến chuyện chiếc áo choàng của nhà vua ! =))

À, đã nói đến jazz thì phải lôi cả Mr Lê Minh Sơn vào đây nữa ! Tớ thấy Mr ý chỉ cố tình làm khó giai điệu, chứ chẳng có tí bác học nào cả . Nghe album Tùng Dương ( 7 ca khúc Lê Minh Sơn ) thì có đến 3 bài có giai điệu DK gần giống nhau ( yêu, lửa mắt em, trăng khát ) - tối kị đối với 1 nhạc sĩ ! Điều này thể hiện sự bí ý tưởng, hạn chế trong tư liệu . Cũng giống như mấy thằng nhà thơ dởm viết văn xuôi, ngắt câu lung tung rồi bảo đấy là thơ tự do ! :))

Tóm lại, tớ thấy Tùng Dương cũng đâu xuất sắc đến vậy, có chăng là giúp cho công chúng VN biết được là có tồn tại nhạc jazz ...
 
Tiên phong mà em. Phải khích lệ người ta cho người ta có cảm hứng sáng tác đồng thời khơi dậy phong trào mà. Bài viết của anh cũng chỉ thể hiện 1 khía cạnh thôi ( bài sưu tầm nên không có ý kiến cá nhân của mình đâu nhé ) Đừng khắt khe quá nhạc cổ điển phải mất hàng thế kỉ mới được phổ biến cho thế tục mà. :)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top