Hồ Anh Thái !!!

vichia

Active Member
Bây giờ ngồi nghĩ lại mới hiểu lúc đó tôi phản ứng như một độc giả trung thành của báo an ninh. An toàn cá nhân được thấm nhuần triệt để. Võ nghệ chủ động thì đánh được dăm ba người, khi bị động thì không đánh nổi một người. Năm năm võ Tàu bảy năm võ Tây không bằng võ củ đậu bay. Đấy là chưa kể đồng bọn trấn lột còn ẩn nấp bên đường.

Một thằng tức thì nhảy lên ngựa lên con dem của tôi. Nó thành thạo thoáng nhìn kim đồng hồ đo xăng rồi quay hỏi xin anh giai cái chìa khoá mở hộp. Thằng chó chết tinh mắt thấy xăng đã cạn, ổ khoá xe tôi đã thay bằng ổ khoá tròn, hộp xe vẫn dùng chìa cũ. Tôi lục túi quần đưa nốt cái chìa khoá hộp. Cả bọn kềnh càng nghênh ngang tiến vào trạm xăng dềnh dàng đổ đầy một bình.

Đến thế tôi chỉ muốn có một que diêm để búng vào vòi xăng. Cũng phải đến thế tôi mới mong đêm nay lũ khốn này sẽ lao vào một cuộc đua xe tan đầu nát mặt

Võ sư chia buồn về cái xe. Lại bảo tôi phản ứng thế là đúng, người giỏi võ không bao giờ dụng võ. Tôi không nghi ngờ triết lý này. Chỉ nghĩ cớ gì anh vẫn còn dạy võ, cớ gì tôi vẫn còn học võ. Triết lý thế chẳng hoá ra người không có võ mới là kẻ được trục lợi từ người có võ.

Tôi lẳng lặng bỏ võ sư. Tinh thần chiến binh, tinh thần hiệp sĩ cáo chung ở cuối thế kỉ hai mươi thực ra là quá muộn.

***

Tôi trở lại phòng khách. Thầy dạy võ không bao giờ trở lại phòng khách nữa. Thầy cư xử như một giáo sư thỉnh giảng tự trọng, mãn khóa rồi thì không lảng vảng, ve vãn làm gì.Các giáo sư văn chuyên gia phân tích xác ướp vẫn cầm ly cốc tay lượn vè vè khắp phòng tìm đầu ra ngoại quốc. Thêm mấy nhà dính líu đến lịch sử, máy tính, doanh nhân mới đoạt giải sao xanh. Một ông dụ tôi về với lịch sử. Tôi đã chán cái đời lang thang dở dang từ văn sang võ, gợn nghĩ có lẽ đến lúc neo đậu bến quê, tôi mỉm cười. Mỉm cười ở đây được hiểu là thôi thì nhắm mắt đưa chân. Ông sử đầu bù răng bựa tức thì có ngay vẻ mặt của người đang đồng hành với lịch sử.

Hội thảo chọn một ngành nghề cho tôi đang sôi nổi thì một âm thanh khiếm nhã thoát ra từ dưới chỗ ngồi của ông sử. Bíp một cái. Xa lông các phòng khách bây giờ có mốt bọc đồ giả da, bóng lộn trơn nhẫy và hay có hiệu quả âm thanh phụ. Bíp một cái bủm một cái bỉm một cái là chuyện thường. Rắm rởm nhiều nên lỡ có cái thứ thiệt cũng khó phân biệt. Kêu to đích thị là thùng rỗng, rắm kêu cũng như chó sủa thì không cắn, vô hại. Biết thế, tôi vẫn làm ra vẻ hơi giật mình theo kiểu tôi nghe thấy rồi đấy. Mấy vị ngồi cạnh ông sử mặt buồn ngây ngô theo lối vô can, vội vàng đưa cái nhìn sang phía ông theo kiểu tôi cũng nghe thấy từ phía ấy. Một biến thái của kiểu chối cãi không phải tôi.

Ông sử đã lường trước được sự phản bội hấp tấp của đám khách sang trọng trong một phòng khách sang trọng. Miện vẫn thao thao kể chuyện tiếu lâm “lịch sử là cái thằng cha nào mà nó bắt chúng ta gồng gánh cái sứ mệnh hao người tốn của đến thế”, miệng kể chuyện, ông đánh mông thuần thục một thao tác trượt, trượt theo kiểu nhúc nhắc bên phải một cái bên trái một cái rồi trượt sát sạt trên bề mặt giả da. Bíp. Bủm bỉm. Bủm bỉm. Những ai vừa mới thoáng nghi ngờ thì bây giờ vỡ lẽ. Chỉ tại cái xa lông. Bủm bỉm. Bủm bỉm. Bíp. Bíp.

***

Đến chỗ này, để tiếp tục, tôi xin phép chưa rút thêm một sợi chỉ. Mà chỉ là lật lên một lá bài hồi ức.

Ông sử không xa lạ với gia đình tôi. Ngày bà vợ ông, nay đà quá cố, đi dự hội thảo ở Mỹ, tôi mang gửi bà cầm sang cho bố tôi một cuốn sách. Hình như là một cuốn thuộc loại ngủ đi em mộng bình thường. Nước Mỹ thường xuyên mất ngủ ở Seattle cần nhiều cuốn sách như vậy. Bà vợ ông trưng bày ở phòng khách cái va li mở toang của mình, đồ lề được sắp xếp sao cho dễ thấy nhất ở bên trên là đồ lót và chiếc lược giắt đầy tóc. Mấy người ôm bọc lớn bọc nhỏ vây quanh bà, định tranh thủ gửi không cước cho chồng con em cháu bạn. Bà vẩy tay về phía cái va li chật cứng bảo còn chỗ đâu mà đút, nếu còn chỗ thì chị cho các em đút chứ chị tiếc gì. Đám người không còn chỗ đút rút lui ê chề. Chỉ còn lại mình tôi. Tôi chìa ra cuốn sách như liều an thần cho nước Mỹ. Lại điệp khúc còn chỗ thì cô cho cháu đút ngay. Ông sử phụ hoạ : Còn một chỗ nhỏ cũng cho đút. Bà vợ bảo sao mãi hôm nay mới gửi. Ông sử: Sao mãi hôm nay muộn thế mới gửi. Bà sử : Thanh niên mà thế à. Ông sử: Thanh niên mà chậm chạp thế à.
 

vichia

Active Member
Bà quăng ra một câu, ông đớp lấy, rắc thêm một tính từ làm gia vị. Ông sử bên cạnh vợ theo kiểu bảo vệ tiếp cận sẵn sàng lấy thân mình chồm lên đón đạn thay thân chủ. Nhâu nhâu nói leo đến mức chủ cũng bực mình. Bà sử bất chợt quát chồng, thôi đi anh, rồi bảo đưa cô xem. Bà nâng cuốn sách trên tay như cân nhắc trọng lượng kích cỡ, xoa xoa bóp bóp vuốt vuốt một lát thì gật gù thôi đành, bỏ tọt vào va li. Rốt cục bà vẫn còn chỗ để đút.

Ông bà là một đôi sam quấn quýt hiếm thấy. Chỉ có những chuyến xuất ngoại của bà mới tách được họ ra. Ông nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ và lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được. Bà đi Mỹ dự hội thảo tơ tằm, bà có việc của bà, nhưng riêng tư thì như một kiều bù trừ cho chồng, một kiểu báo hận chồng đền nợ nước.

Ông thì nhìn bà ngưỡng vọng, bà như ước mơ đau đáu một đời vật vã ngược dòng lịch sử của ông. Bà bốn lăm ông năm chín, bà váy ngắn ông quần bò, đi đâu cũng ríu rít cốm non như liên đội phổ thông cơ sở. Đùng một cái bà có khối u trong não, bà đi rất nhanh. Ông quay cuồng dứt tóc gào khóc như một bà nhà quê chết đời chồng thứ ba. Khóc cho cả ba lần dồn góp. Khóc cho chứng tỏ đến lần thứ ba vẫn không chai sạn nỗi đau. Khóc cho em nghe em thấu em hỡi em hời. Khóc cho em hiểu lòng anh em ơ ơ hờ.

Xin đừng phạt vi cảnh tôi vì giữa nơi công cộng đã miêu tả nỗi đau người khác bằng nụ cười nên nhịn. Người có bộ mặt đau khổ nhất trong đám tang hôm ấy là sếp của bà sử, ông vụ trưởng kiêm trưởng ban lễ tang đọc điếu văn cũng phải bấm bụng nén cười. Tôi phải kể lể một chút như vậy để dễ hình dung hơn việc tám tháng sau ông sử cưới vợ, vợ Mỹ. Chỉ có tám tháng. Như thế ông chỉ chờ cho vợ chết để lấy vợ mới.

Từ ấy trong tôi bừng bừng kết luận vợ chết mà khóc như cha chết, khóc ơ hờ ơ hời, đánh đu lên cả quan tài làm quan tài suýt đổ, hai người con trai mười tám đôi mươi phải xông tới giật bố ra xốc nách lôi đi, khóc như thế chỉ tổ càng chóng đi lấy vợ mới. Đàn ông nhiều nước mắt và trường giọng nỉ non luôn luôn cần có vợ làm chỗ dựa, mất chỗ dựa này thì phải mau mau dựa sang chỗ khác.

Phòng khách vẫn lớp lớp người đến lớp lớp người đi. Mỗi lớp là một học kỳ chuyên tu tại chức của tôi. Một tiệc ngồi là học kỳ ba tháng có bài kiểm tra. Một tiệc đứng là học kỳ sáu tháng có tiểu luận. Tiệc trà tiệc cốc tay là bài kiểm tra giữa giờ linh tinh không kể. Tôi quen dần chả thấy phải gắng công khổ sở gì cho lắm. ta sinh ra ở một đất nước thơ ca. Ta có dân ta hầu như ai cũng biết ghép vần thành thơ, ho ra thơ thở ra văn hắt hơi ra tiểu luận.

Lại những bóng người cầm ly rượu di chuyển khắp phòng tìm đầu ra đối tác bạn đồng nghiệp. Rượu đổ chỗ này. Đĩa vỡ chỗ kia. Cả đống giấy ăn vò nhàu ném hết xuống gầm bàn gầm ghế, thói quen Dao Chỉ khó bỏ. Tất cả vì một cái nền văn học, sử học, khoa học nhân văn, khoa học com piu tơ bình dân gọi là tin học, luật học, khoa học quản trị kinh doanh. Tôi đi dạo trong rừng khoa học lòng hoang mang chưa thấy ánh đèn le lói ngôi nhà phía xa để xin trú nhờ qua đêm.

Bộ pha lê Pháp có thói quen thay thầy đổi chủ. Chẳng bao lâu một chiếc lại bỏ đi, theo về nhà ông sử. Tôi nhìn thấy ông bỏ cái ly vừa uống cạn vào túi quần, sửa sang kéo vạt áo vét che cái cục cồm cộm lềnh lệch. Chỉ khi khách khứa tan hết rồi, tôi mới chỉ cho bố thấy bộ cốc chỉ còn lại bốn chiếc. Bố như đã biết tỏng từ lâu gạt đi ngay thôi con ạ, người ta nghèo. giọng ông đầy cảm thương. Hễ có một nhân vật đáng kính sơ suất để lọt ra tiếng bíp trên xa lông, ông lại như giật mình nhìn về phía ấy, kiểu nhìn không buông tha, kiểu nhìn đòi được giải thích cho kỳ được. Tôi giống bố ở điểm này. Đám thực khách khốn khổ cứ phải giấy giụa trên xa lông, trằn mông trượt khu gây ra những âm thanh nhân tạo chứng tỏ không phải tôi. Bủm bỉm bủm bỉm. Bíp. bíp.

Thôi con ạ, người ta nghèo. trong mắt người đời ông sử không còn nghèo nữa. Lấy Mỹ cơ mà. Phòng khách nhà tôi là nơi hai đối tượng tình yêu gặp nhau, tiếng sét ái tình nổ ra ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Yêu nhất là cái chữ nhưng ấy, ông bảo. Chỉ là một chữ mà lịch sử phải đi hơn một trăm năm kể từ sứ thần Bùi Viện. một chữ nhưng nối giữa hai mệnh đề như nhịp cầu hoà giải.

Đến đoạn này thì tôi cho biết ông sử và cô Mỹ Rose Hồng đang gỡ bí cho câu chuyện từ đầu tới giờ thiếu tình yêu. Truyện không có yêu đương tươi mát ma nó đọc. Vậy thì để tỏ lòng biết ơn, nào ta hãy cùng đồng thanh nhắc lại lời cô. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Một hai ba. Giọng phải hơi chơn chớt ngọng nghịu như ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Một hai ba.

Cô Hồng học tiếng Việt ở Cali, một thứ tiếng Việt Hà Nội đầu những năm năm mươi thế kỷ hai mươi, sau thành giọng Bắc di cư, rồi tung tẩy một phần tư thế kỷ ở nắng gió Cali mà bây giờ thành ra một giọng chấp chới nửa ba nửa bốn như giọng Thanh. Cô Mỹ theo Việt Nam học, rất thích giai thoại lịch sử Lê Lai liều mình cứu chúa, cho nên vừa gặp ông sử là cô Mỹ mê ngay, mê cái sự liều mình của ông dạy sử Mỹ mà chưa hề đến nước Mỹ, mê sự khảng khái trí thức – nói chuyện với người Mỹ chỉ nói bằng tiếng Việt và chỉ tiếng Việt mà thôi.

Cô Mỹ đã qua ba đời tình với người gốc Việt. Cô xanh rờn bảo những bồ ấy không còn là người Việt nữa, mặc dù vẫn đầu đen mũi tẹt. Cô đã lên sân khấu cộng đồng thưa thớt dăm bảy chục người mà hát dân ca bà rằng bà rí, chồng gì mà chồng bé. Cô Mỹ cao mét bảy tám, mấy anh bạn trai chỉ đến tai, người Việt lại bảo chồng thấp vợ cao như đôi đũa lệch so sao cho vừa. Đó là thời kỳ cô Mỹ đi làm phiên dịch ở một bệnh viện cho người Việt. Bệnh nhân là những người Việt ban đêm là nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, ban ngày thành đạt trong nghề thợ mộc, thợ may, thợ nề, thợ làm đầu, đánh máy vi tính... như cầy nhà lá vườn của cộng đồng. Một co bé mười bốn tuổi khai bệnh rằng cô nghi trong người có u. Cô Mỹ dịch thế nào mà bác sĩ chuyển co bé sang khám phụ khoa vì hiểu rằng cô bé có chửa. Về sau cô Mỹ thanh minh rằng ở đồng bằng Bắc Bộ u là mẹ, cô tưởng cô bé kia dùng tiếng lóng thử thách kho từ vựng của nữ nông thôn.

Em là người Mỹ nhưng tên em là Hồng. Chỉ một câu Tây mắm tôm làm ông sử choáng váng xây xẩm đến rần rật khắp người. Hình như hễ dính dáng đến sử học là có tính dâm dật, người ta dính cái vô độ truyền nhiễm từ các triều đại đế vương. ông sử cắp ngay cô Mỹ đi điền dã thực địa những nơi mỗi nắm đất là một pho lịch sử. Ông đưa cô Mỹ về quê. Cả làng mừng cho ông vợ chết tám tháng nay đã có người nâng khăn sửa túi. Cả làng lượn quanh cầu ao mỗi sáng cô Mỹ theo đất lề quê thói ra ngồi cầu tõm tụt quần thả mồi nuôi cá. Cả đàn cá đói hung dữ sùng sục quằn quẫy bên dưới, cô Mỹ chấp tất, cô cứ kiên cường rung rinh trên mấy nhịp cầu tre.

Tôi đã có lần nói phòng khách nhà tôi là trạm chuyển tiếp. Ai đến đó cũng ao ước có ngày được lọt qua màng lọc, lên tới phòng khách chiêu đãi của những đại sứ quán ở Hà Nội. Phòng chiêu đãi sứ quán, những đại sảnh, những banquet hall ở khách sạn sang trọng mới là cái đích vinh quang. Hoạt động tíu tít quanh năm ở những nơi này tạo nên loại người chuyên môn đi ăn tiệc. Người Á Đông coi miếng ăn là miếng nhục, để sỉ nhục được tức thị miếng ăn là to, tôn vinh cho ngồi mâm trên, chưa đến tầm thì mâm dưới, không có tầm thì ăn xó ăn niêu. Được mời đến ăn, mà Tây mời, thì cũng đáng tất bật ngược xuôi để vận động gợi ý giới thiệu tiến cử.

Bố tôi dắt tôi qua nhiều phòng chiêu đãi như vậy. Hình như ông có ý cho tôi trải nghiệm thực tế giao tiếp lễ tân để dần dà làm chủ phòng khách gia đình, để dẫn dụ đưa đẩy mối manh giữa tầng lớp chuyên gia ăn tiệc mới hình thành. Lực lượng này cũng non trẻ hãnh diện như lực lượng tư sản dân tộc, như cánh giàu xổi nouveau riche mới hình thành từ sau tám sáu.

Những bậc những nhà là thực khách thường xuyên ở phòng khách nhà tôi lần này thấy mặt trăm phần trăm ở phòng tiệc sứ quán. Một tỷ lệ đỗ đáng thèm ước cho tất cả các trường học. Ông sử tung tăng khoác tay vợ mới đi vào. Đám thực khách bản xứ phũ phàng xé toạc hai người ra làm đôi. Cô Mỹ bị quây chặt để thử thách trình độ đối đáp tiếng Việt. Ông sử bị bỏ rơi đi vẩn vơ qua rừng ly cốc cà phê.
 

vichia

Active Member
Em là người Mỹ nhưng tên em là Hồng. Cô Mỹ được tán thưởng, tiếng Việt của cô càng uốn éo luyến láy vô tội vạ như ca sĩ Ánh Tiết. Kiểu người như cô thường không thể lấy đàn ông Âu - Mỹ. Đều thế cả những người theo mốt nhìn sang phương Đông, cải sang một cái đạo châu Á, bỏ cái dìa phuốc sét chuyển sang ăn đũa ăn bốc ngồi bệt ngồi quỳ. Họ trống vắng lạnh lùng trong xã hội của chính mình như những người bất bình thường. Không dưng chẳng có lý gì họ như thay máu, chuyển sang vật vã quay cuồng mê mẩn một nền văn hoá không thuộc về máu thịt của họ. Cô Mỹ bây giờ còn nói cười rổn rảng suồng sã hơn cả một người châu Á thường gây mất trật tự ở nơi công cộng. Sau làn áo mỏng hai hòn bi nâu thâm đội lên như thách thức. Cái cooc xê vốn dĩ thực hiện công lý một cách rất nhân văn : Trấn áp những kẻ bành trướng, nâng đỡ những kẻ sa sút, che chở những kẻ nhỏ nhoi. Cô Mỹ hôm nay ăn mặc rất thiếu tính nhân văn.

Ông sử vẫn một mình trầm tư cầm những cái ly đẹp lên ngắm nghía. Ông sắp sang Mỹ ít lâu ra mắt gia đình vợ. Môn lịch sử nước Mỹ không giúp ông đến Mỹ được, rốt cục chỉ người vợ Mỹ mới giúp được ông. Sắp sang cái nước Mỹ đến cái vỉa hè cũng lát bằng vàng rồi, ông sử vẫn không sao thản nhiên mà đi qua những chiếc ly ngoại. Rồi mối quan tâm chuyển sang bộ dao thìa dĩa bằng bạc. Tôi đến gần ông bình phẩm những vật bằng bạc chính cống. Tôi than phiền về sự sơ suất của chủ tiệc, một tài sản như thế này mà không có camêra bảo vệ trong phòng tiệc, không có cả máy báo động kim loại.

Tôi đã nhầm. Ông sử cũng tin tôi mà nhầm theo. Tàn bữa tiệc, ông chuếnh choáng khoác tay cô Mỹ ra cửa thì được bảo vệ sứ quán mời đi qua máy kiểm tra. Máy kêu reng reng có kim loại. Cô Mỹ tháo cái kiềng vàng tây ra, ông tháo đồng hồ ra, bỏ chùm chìa khoá ra. Máy vẫn kêu. Ông há mồm chỉ mấy cái răng vàng. Người ta không đếm xỉa đến răng vàng mà tìm thấy trong túi áo ông hai cái thìa bằng bạc. Trong ví đeo bên hông cô Mỹ thì một thìa ba dĩa cũng bằng bạc. Cả hai lúc ấy mới tỉnh rượu, ra sức phẫn nộ mà rằng có kẻ đã bỏ bộ đồ bạc vào túi của họ.

Cái sứ quán nọ đã lật lọng một giai đoạn kiểm tra. Người ta thông thường chỉ đặt máy dò khi khách đến. Như vậy mới là bảo vệ an ninh. Họ lại đặt máy dò khi khách đi. Như vậy là chỉ nhằm bảo vệ tài sản cho chính họ.

***

Từ dạo ấy bố tôi không tổ chức chiêu đãi nữa. Việc của ông đã xong. Toàn bộ khách của ông được ông un trồng bón lót nuôi dưỡng nay đã được sang tên chuyển tiếp cho các sứ quán. Đám thực khách ăn mòn bát đĩa nhà tôi cũng một đi không trở lại. Họ đang tất bật vận động gây cảm tình ở những phòng khách mới. Trong số họ rồi sẽ nhiều người đi thỉnh giảng tham quan hội thảo ở nước ngoài. Mọi con đường đều dẫn tới Rôma. Biết đâu tỉ lệ đỗ sẽ là trăm phần trăm.

Họ đi để đỗ, còn tôi ở lại đây dở dang đại học, tôi lại đỗ hàm thụ những khoá học phòng khách.

Một buổi tối chỉ có hai bố con làm cuộc tổng kiểm kê trong phòng khách. Bố tôi nhắc cái chuyện cái máy kiểm tra ngược đời ở sứ quán nọ. Bố tôi biết cả chuyện tôi thừa rõ sứ quán sẽ kiểm tra mọi người lúc ra về nhưng tôi cố tình không báo cho ông sử biết, tôi còn cố tình mời mọc bộ đồ bằng bạc với ông ta. Không có gì qua được mắt bố tôi. bây giờ cũng vậy. Bố tôi xua tay kiểm kê mà làm gì. Chắc chắn không còn bộ đồ ăn nào nguyên vẹn. Tôi cứ tính đếm một lúc mới thấy bố tôi nói đúng. Tất cả đều ly tán lưu lạc tan đàn xẻ nghé.

Cuối cùng là bộ ly pha lê Pháp, sáu chiếc còn một. Có lẽ hôm nào đó tôi sẽ đóng gói gửi nốt đến nhà ông sử cho nó khỏi lạc đàn.

Bố tôi cứ thâm trầm ngồi nhìn tôi bần thần tính đếm. Từ chỗ ông ngồi vang lên một tiếng bíp. Chẳng bao giờ kèm theo những âm thanh bủm bỉm bủm bỉm. Một người chủ tự tin như ông chẳng bao giờ thèm dùng hiệu quả âm thanh phụ để thanh minh. Ai mà biết đồ rởm hay đồ thật.
 

vichia

Active Member
Chợ

Bệnh viện. Ngủ gà ngủ gật như khoá họp thường niên, sêmina, hội thảo quốc tế và khu vực. Lơ mơ gà gật ngủ ngồi trông người bệnh. Khi nào người nằm giãy giụa thì mở mắt, trói lại chân tay cho chặt. Khi nào máy rú lên thì chạy đi gọi bác sĩ. Khi nào y tá đi hút đườm thì thêm một tay giữ cái khăn, xoẹt một cái xoẹt hai cái thì nhăn mặt đau đớn hơn cả người bệnh.

Chính lúc ấy tôi nhìn lên thấy gã. Đúng hơn là tôi nghe gã xuýt xoa trước, ôi khổ thân bác quá. Gã đang nhìn chòng chọc xuống cái hình nhân quằn quại run giật sau mỗi cú xoẹt xoẹt hút đườm đau rát. Gã ngồi xổm ôm gối thu lu, đúng kiểu người Việt ra đến nước ngoài rồi vẫn ngồi. Chồm hổm cả một dây tư thế đi cầu đại tiện trên quảng trường, công viên, ga xe điện ngầm. Tư thế đệ nhất khoái ngồi xổm thượng lên cả xí bệt văn minh. 15 năm ở Đức rồi vẫn ko thay đổi thế ngồi. ko thay đổi giọng nói khê khê lổn nhổn bán sơn địa. Yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ, ai gọi thân sinh là bủ, tôi êm đềm nghe em nói trên xe.


Mà trên xe thật. Gã ngồi đúng tư thế ấy trên xe khách Tây Bắc về Hà Nội. Cô hành khách ngồi bên hỏi anh cũng về HN hả anh. Gã bảo ừ anh về Hà Nội. Nếu dừng ở đó thì câu trả lời đúng nội dung đúng nghi thức, hỏi A thì trả lời A. Nhưng quê ta hỏi A thì sẽ được câu trả lời ABCD, thậm chí cả EGHI cho đến hết bảng chữ cái. Thế là gã trả lời ừ anh về Hà Nội, có thằng em đang học tại chức tháng này tập trung ở trường nó bảo anh lên chơi HN cho vui, anh đi Đức 15 năm, tháng nào cũng gửi tiền về cho nó, nó khoe đang đại học, hoá ra về thì thấy nó đang tại chức, dốt chuyên tu ngu tại chức, thôi thì méo mó có hơn ko, như thế là nó cũng có chí tiến thủ chờ đề bạt. Đến đây hết bảng chữ cái tiếng Việt, gã có thể chuyển sang bảng chữ cái tiếng Đức, nhưng cô gái chặng ngang bằng một cái kẹo cao su chìa ra mời. Ko anh ko ăn, em cứ tự nhiên. Chối xong lại nhớ đến cái đoạn quảng cáo tivi, trai gái chĩa mồm vào mặt nhau mà nói, kẻ đối thoại phải phẩy tay xua bớt uế khí vì ko chịu ăn kẹo. Thế là nhận kẹo. Thế là nhai chóp chép. Kể tiếp. Cô gái đồng hành chỉ việc thỉnh thoảng mồi một câu ngắn, hỏi một thì được trả lời hai ba, dấn thêm tí nữa đến bốn năm sáu, rướn tí nữa đến mười. Bao nhiêu năm lao động châu Âu vẫn thật thà có gì nói nấy, bao nhiêu năm vẫn yêu quê hương nguyên vẹn thổ âm thổ ngữ, vẫn sắc tố da nước mặn đồng chua, vẫn thế ngồi rung rinh mấy nhịp cầu tre. Nơi quê nhà là anh chăn vịt thì sang xứ người vận là anh chăn vịt. Nơi quê nhà chăn trâu cắt cỏ, anh xe ôm chợ người buôn nước bọt chỉ trỏ thì đến gầm trời choáng lộn nào đắp cả vàng lên người hàng chục năm vẫn còn đó rưa rứa xêm xêm.

Gã bảo, em ko ngờ người ác mà có người đẹp thế. Trông như sinh viên. Da trắng má hồng mắt bồ câu hoang dã. Cô ấy mời em cái kẹo, một ngụm nước trong chai Lavi, thế là em lăn quay. Ngả lưng ra ghế há hốc mồm mê man. Thực ra em bay lên trần xe chất lượng cao thấp tèm em nhìn xuống thấy nó thản nhiên lục túi em lấy 12 triệu cộng cái đồng hồ Đức cộng vài thứ quà linh tinh cho họ hàng. Em hô hoán lên. Mấy hành khách ngồi gần cửa sổ mở cửa ra phẩy tay xua một con ruồi tưởng tượng vo ve bay lạc vào trong xe máy lạnh. Em bay vút lên hét vào tai bác tài, bác ta thò ngón út dài ngoáy lỗ tai gẩy ra một cục ráy tai. Xe đến bến, hành khách xuống hết, em vẫn mê man giấc mộng bá vương.

Em ko ngờ người đẹp thế mà ác thế. Trông như sinh viên. Có cặp sách hẳn hoi. Ngọt ngào lắm. Tí nữa thì em đời đã thiên thu. Bây giờ em thấy nó vẫn đang ôm cặp sách lảng vảng ở bến xe kia kìa, anh hô hoán bắt nó hộ em với.

Gã hơn tôi fải đến chục tuổi, mặt già hơn cả bố tôi, mà cứ xưng là em. Người Bắc lạ thế. Khó mà xưng hô với nhau theo kiểu công dân được. Gặp nhau lần đầu chẳng cần biết tên tuổi cứ xưng em với bất kì ai. Gọi nhau trên điện thoại giao dịch, nào có biết người ta mà cứ ton ton xưng em. Nhưng cứ thử quệt xe vào em, thử nhỡ mồm nhỡ tay với em một cái mà xem, em sẽ nhảy lên thành bố mình ngay.

Gã hỏi hình như trong hôn mê em la hét ghê lắm phải ko? Tôi bảo anh cứ như lợn thọc tiết. Ôi giời, em làm phiền ông quá, chắc làm ông ko ngủ được. Gã ái ngại thực lòng vì gây ô nhiễm âm thanh cho ông người bệnh của tôi, cho cả phòng cấp cứu. Rồi gã mời tôi khi nào gã khỏi về thăm gã ở xã ấy huyện ấy tỉnh ấy, dân ở đấy ko ăn kẹo cao su ko uống Lavi, hai tháng nữa gã mới trở sang Đức, nếu tôi có dịp sang thì tìm gã ở khu ấy quận ấy thành phố ấy. Đời này được mấy người như gã. Đến chết vẫn ko hết ngô nghê tin người.

*

Cùng lúc gã trai ở góc phòng vặn vẹo quăng quật trên giường. Máy đo huyết áp tim mạch của gã rú rít. Giường gã nằm chỉ là một cái băng ca có bánh xe, người ta mới đẩy vào, cho nằm luôn trên băng ca mạ kền sáng loáng. Gã như hổ rứt xích. Bánh xe cứ trượt đi, băng ca xoay vẹo vọ. Cô người nhà cố giữ cái băng ca cho khỏi đổ. Tôi phải chạy tới giúp. Phải công nhận gã điển trai, sống mũi thẳng tuyệt đẹp. Một con đực lúc thường tốn gái, tội nợ gì chỉ vì tình uống 50 viên thuốc ngủ. Tình hiện hình qua đứa con gái đứng cạnh gã lúc này: một mắt thâm tím, vành mắt rách máu đóng vẩy. Trước khi bỏ về nhà làm một giấc ngàn thu, gã quai vào mặt nàng hai quả búa tạ.

Tôi fải cố giúp cô kia xoay người gã lại cho ngay ngắn. Cô tua lại cái bài trên chợ báo chí sáng nay rằng gã uống nhầm thuốc. Chả nhẽ tôi tua lại cái băng văn phòng tôi sáng nay rằng nó là thương nhân nhìn đâu cũng thấy tiền, ko gì qua được mắt nó, lại những 37 tuổi đầu, nó ko thèm cho ai uống nhầm thuốc thì thôi. Chỉ nghĩ vậy đã nghe tiếng khoái trá trên đầu.

Tôi thì bao giờ cũng ngưỡng mộ những kẻ tự tử. Họ còn có lương tâm, còn liêm sỉ, còn trọng danh dự. Chí ít còn là kẻ lãng mạn cuối cùng như gã. Gã có một thằng bạn hàng chí cốt, bố người Tàu, mẹ người Mĩ còn nó sinh ra ở Pháp. Một mình nó mang trên người cả ba châu lục. Ko chỉ là bạn hàng, thằng ấy còn là bạn chơi. Hai đứa cắp nhau đi châu Á châu Âu châu Mĩ. Làm. Ăn. Chơi. Chơi mãi, cô thư kí của gã kết thằng kia. Quấn nhau tin nhau đến nỗi đi đâu cũng ba, có khi ở khách sạn nước ngoài ba đứa nằm một giường, thằng hợp chủng nhân nằm giữa, gã một bên và con kia một bên. Thằng nằm giữa ko sợ gã thò tay qua người nó như trong chuyện tiếu lâm châu Âu. Tin nhau yêu nhau đến nỗi vài ba năm nay thằng kia ko sang làm ăn thì gã và cô thư kí nằm chung giường, cũng chẳng có ý dành một chỗ cho thằng kia nằm nữa. Yêu nhau kết nhau đến nỗi cô người yêu đòi cưới. Cưới thì sẵn sàng. Nhưng đến thế gã bắt đầu đắn đo. Ngập ngừng. Ngại ngần. Cô người yêu sẽ thành vợ gã. Vợ gã ngày nào cũng biết đến tận cùng. Vợ gã cũng đã biết đến tận cùng của thằng bạn gã ... Gã đọc thấy phép so sánh của người gã muốn cưới. Gã lảng gã lờ gã lơ gã ngây ngô gã trì hoãn. Nhưng mà gã đau. Nhưng mà nàng khóc. Nước mắt đàn bà làm gã nhụt chí, gã chỉ muốn lấy quách nàng đi. Gã quay sang hận thằng kia.

Ngày nào cũng nước mắt. Ngày nào cũng xung đột. Đỉnh cao. Gã hận thằng bạn làm ăn bạn chơi ngày trước. Hận chính gã. Hận con kia. Gã đấm vào mặt con kia hai cái, bỏ về nhà. Tay đau, mà cảm thấy mặt cũng đau. Tìm rượu. Rồi tìm năm mươi viên thuốc ngủ.

*

Tôi gặp lại gã ở một cái chợ khác. Phần lớn đàn ông gặp nhau ở đấy. Những bãi bia ngổn ngang chi chít trên bản đồ các đô thị. Ngành nào cũng có thể lụn bại trừ sản xuất bia. Bia như thác đổ xuống đầu thị dân. Ném theo thác lũ ngôn từ phong phú tươi mởn sinh động. Rửa sạch giải toả đôi ba nỗi niềm. Tặng thêm miễn phí mấy cái tiểu đường tim mạch gan thận gút ghiếc. Sá gì. Bác sĩ cấm nhưng bác sĩ có khi cũng theo ta ra bãi bia, bia hơi Hà Nội ai cưỡng được. Mọi khó khăn khúc mắc được giải quyết ở đấy. Mọi xung đột được giải quyết hoặc khởi lên ở đấy. Mọi hợp đồng thoả thuận văn bản ghi nhớ được kí ở đấy.

Ba vại bia rồi, tôi đi vào toa-lét. Cái máng dẫn nước tiểu lát gạch men trắng bong, dốc dần xuống, nước trôi triền miên vệ sinh lịch sự. Có một gã vào theo ngay. Gã đứng ở đầu nguồn, một dòng nước hùng dũng nam tính trôi xuống phía tôi ở hạ lưu dòng chảy. Cả hai đi ra gần như cùng lúc. Tôi đưa mắt sang ngang. Nhận ra gã. Gương mặt điển trai ấy, cái sống mũi thẳng tuyệt đẹp ấy.

Gã thú vị nghe tôi giải thích vì sao tôi biết gã. Gã đang ngồi uống bia với thằng bạn ba lục địa mới trở sang làm ăn. Làm. Ăn. Chơi nữa. Rốt cục gã chẳng lấy người gã yêu. Tỉnh dậy sau năm chục viên thuốc ngủ, gã thấy đời cái gì cũng nghiêm trọng mà cái gì cũng nhẹ nhàng. Yêu thì cứ để thế mãi cho nó đẹp, sao lại mưu toan huỷ diệt nó bằng hôn nhân? Hôn nhân rồi nằm bên A so sánh với bên B rách việc. Dạo này lại như trước, duy trì một giường ba người bạn, gã một bên và con kia một bên, bên cạnh cả A và B thì chẳng ai buồn so sánh nữa, mà thằng nằm giữa cũng chả ngại thằng nằm bên thò tay qua người mình...
 

vichia

Active Member
Báo

Sao chúng mình không cùng nhau ra một tờ báo nhỉ. Một câu buông bất chợt vào giữa hội. Rộn ràng hẳn. Hội ăn nhậu chị em, nhân sự gồm mấy chị và một em. Mấy chị đều ăn nên làm ra, buôn bán từ bất động sản cho đến đánh hàng xuyên quốc gia, mỗi người mấy nhà nội thành kèm mấy miếng đất ngoại thành ngoại tỉnh. Một em trai chưa đến tuổi tam thập nhi lập, thuộc diện sống bằng thừa kế, cha mẹ ki cóp cho cọp con xơi, lên đời xe máy từ uyn đến a còng, lên đời xe hơi từ Tô sang Pho sang Métxìđẹt. Thanh niên sành điệu từ đầu đến chân toàn hàng hiệu, phụ tùng trên người ước tính cả chục cây vàng, chân đi giày da đen lại mang tất trắng. Lấp ló cổ chân trắng phớ như chân sản phụ.

Khoan vội nói chuyện chị em xuất thần nổi hứng rủ nhau đi làm báo. Báo chí là chủ đề dềnh dàng trong toàn bộ trước tác này. Xin tuần tự bắt đầu từ chuyện họ là hội ăn nhậu. Ăn cho đến không còn gì mà không ăn nữa. Đám nouveaux riche nhà giàu mới phất ban đầu gắng gượng ăn Âu, gắng mãi chuyển sang ăn Á, cố ăn Ấn dần qua Nhật bật về Tàu, cuối cùng cáo chết quay đầu về nơi đặc sản đồng quê An nam. Miến ngan, bún cua, bún đậu mắm tôm thực sự khoái khẩu. Người châu Á ăn sạch những con hai chân, bốn chân, nhiều chân kềnh càng như cua đến không chân như sâu rắn, các loại bọ xít cào cào chẩu chấu biết bay cho đến chuột rết không biết bay. Xơi hết.

Từ thực phẩm xác thân sang thực phẩm làm hồn. Xơi đến báo cả chị lẫn em đều thực sự hào hứng. Em trai duy nhất trong nhóm bảo em quen một chị nhà văn đang sáng chói văn đàn, chị này đứng sau rất nhiều tờ báo. Bốc điện thoại gọi ngay. Chi nhà văn đủng đỉnh đi đến. Cằn nhằn buổi chiều đang ngồi viết tiểu thuyết, đang cho nhân vật chửi thằng cò đất thì em gọi. Sà ngay xuống bên nồi nước dùng bún ốc. Tờ báo coi như hoài thai bên nồi nước dùng nghi ngút mùi gừng mùi sả sực nức.


*
* *


Chị nhà văn bảo chị thường trực có thái độ ngần ngại trước báo chí. Phản ứng đầu tiên của chị là can thằng em đứng đâm đầu làm báo. Bên phương Tây người ta bảo muốn giết ai thì xui người đó bỏ tiền ra làm báo. Mỗi năm có hàng trăm tờ báo chết yểu cùng lúc hàng trăm tờ báo mới mở ra thiêu thân tự lao mình vào lửa. Bên ta báo phát hành nhiều nống số lượng lên nhiều hơn nữa, báo phát hành ít thì xít ra nhiều. Để xin được quảng cáo. Phát hành được một vài ngàn bản cũng vẫn ra báo, thu nhập nhân viên mỗi tháng trăm ngàn cũng còn hơn không, lừa được thằng quảng cáo nào thì lửa lấy tiền nuôi nhau. Nhưng mấy chị một em hăng máu lên rồi, sẵn sàng mất cả một cái nhà để chơi báo. Chơi. Ôkê, thì chơi.

Tài chính là chuyện hàng đầu coi như đã yên tâm. Mấy chị một em ai cũng có thể lo được mỗi kì nguyệt san mấy trang quảng cáo. Công ty của chính mình, của cha mẹ anh chị em mình. Các ngân hàng xí nghiệp của người thân thiết hoặc của đối tác. Đều đều mỗi tháng mươi cái quáng cáo là đủ tiền in báo. Nhưng nói chuyện sẵn sàng bán nhà chỉ là để yên tâm mà chơi xông vào trưởng văn trận báo thì phải có quyết tâm làm ăn có lãi. Lãi không chỉ vì mình hám tiền, lãi vì báo mình bán được, bán được tức là có người đọc, có người đọc thì mới có động cơ có cảm hứng để tiếp tục. Ai đủ can đảm đứng hét to mãi vào một bãi trống, không tiếng vọng?

Tính đến đây tức là phải lo việc phát hành. Chị nhà văn đôn đáo dẫn mấy chị một em đi gặp trùm phát hành. Một nhà báo quyền thế, trong tay có tập đoàn cả đường dây phát hành trong nam ngoài bắc. Ông từng từ chối chức tổng biên tập một tờ báo, ông chỉ thích đứng đằng sau tất cả mà điều khiển tất cả. Ôkê, ông bảo êkíp làm báo này khiến tôi tin tưởng.

Báo ra đời bên một nồi nước ốc. Sau này chị nhà văn bảo đấy là tín hiệu buộc ta phải cưỡng lại, báo chí quyết không được quyền nhạt. Trong văn chương báo chí, trăm thứ tội đều tha thứ được, hãnh tiến quê mùa dốt nát, trắng trợn trâng tráo đểu giả, uỷ mị cải lương lạc thời đều tha thứ được. Nhạt thì không. Nhạt nhẽo bị kết tội đóng đinh câu rút vĩnh viễn, ném đá triền miên, thả bè trôi sông đời đời. Chị nhà văn bảo nội dung sẽ còn phải bàn nhiều, sinh ra con thì trước tiên hãy đặt tên cho con đã. Đừng đặt những cái tên kép, tam tứ ngũ ngôn, không ấn tượng. Cứ trần một chữ mà choáng. Mới. Tức là không cũ không quá đát không lạc hậu. Trẻ. Tức là không già không nhăn nheo không thủ cựu, nhưng cái tên này bị nhiều nơi xài quá rồi sống. Tức là không chết không ươn không thối. Chơi. Tức là không tất bật bươn chải bần tiện vương vấn sự đời. Chơi. Là phong lưu là tiêu xài là nghệ thuật thưởng thức là cái đích của mọi cái đích ở kiếp người. Chơi.

Chơi được chọn.


*
* *


Tạp chí Chơi. Chị nhà văn cung kính mời đến một nhà thơ lão luyện trong làng báo. Ông về hưu đã lâu, chẳng thiếu tiền, ông chỉ cần được làm báo cho đỡ nhớ nghề, cho có cảm giác không bị gạt ra bên lề đời sống. Từ lão tướng cầm chòm này mà ra một êkíp làm báo thành thục. Toàn là những cây bút viết chuyên mục, nhuận bút bảy chữ số. Họ bắt đầu lập ra đề án. Chơi là tạp chí văn hóa văn nghệ lối sống. Lần đầu tiên xứ ta có một tạp chí toàn diện theo kiểu Pari Mát hoặc Niu Oóckờ và hơn thế nữa. Mọi vấn đề đều có ở đó, từ văn hóa văn nghệ cho đến lịch sử đến khoa học và kinh tế thế giới, tử xu thế thời đại cho đến lối sống, cái ăn mặc cái ở cái làm cái giải trí cổ kim đông tây, tức là tất cả những gì tạo nên con người và xã hội, không có một giới hạn nào. Chỉ trừ chính trị nhà nước và tôn giáo. Báo chí như thế là bổ ích và an toàn. Các mảng nội dung được phân công ngay. Nhà phê bình A giữ mảng Văn học, chém cho đẹp vào, văn chương chữ nghĩa đang trên đà biến thành câu lạc bộ phường xã. Nhà báo B giữ phần Truyền hình Điện ảnh. Không, lâu nay tôi vẫn thường làm các mục trả lời bạn đọc, trả lời quê quê tếu tếu. Thì quê quê tếu tếu mới đúng là truyền hình điện ảnh, B giữ mảng ấy là phải rồi. Tiến sĩ C, thạc sĩ D, cử nhân E lo phần Khoa học và Kinh tế thế giới. Dịch giả G làm chuyên mục Chữ S to tướng trên hành tinh nhỏ bé. Một tay chơi nức tiếng bạn của nhà thơ thì cho giữ mục Chơi, chưa hề viết bao bao giờ thì bây giờ viết, chơi được thì viết được. Chơi rụng rời thì viết rơi rụng.

Họ muốn mời thêm những cây bút thời thượng như Lâm Thị Hoan Hỉ hay Hai Cắc Cớ viết chuyên mục nhưng nhà thơ trưởng lão bác ngay. Ông ghét các cây bút nổi tiếng, họ cũ mòn rất nhanh. Ta đây còn nổi tiếng gấp vạn lần. Không cần. Người chưa viết bao giờ như tay chơi kia làm sao cho hắn viết được thì ra ngay cái lạ. Sướng hơn.

Mấy chị một em lo phần trị sự phát hành. Mấy chị chạy quảng cáo tổ chức phát hành, thằng em làm chủ nhiệm báo. Mấy chị một em lâu nay đầu tư vào khách sạn nhà hàng, khi nào muốn làm giàu văn hóa thì nhập phim Mỹ, phim Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, khi nào muốn gia ân cho phim Việt Nam thì mua quyền phát hành bộ phim chiếu một ngày rồi đứt. Bây giờ đang rục rịch ra báo thì có ngay một ông bạn tài phiệt đầu tư cho bộ phim nội hóa mang tên Của lạ mời cả bộ sậu đến họp báo. Ông tài phiệt cứ tưởng cái phong bì cho nhà báo là to, ông đi xa hơn dạy các nhà báo cách viết sao cho ngọt cho khán giả kéo đến chiếu cố phim nội. Ôi giời dạy khỉ đu cây. Cuộc họp báo đầu tiên của cả bộ sậu kết thúc bằng một liều thuốc ngủ tại cái rạp mênh mông mang tên Thung sâu vắng lặng.
 

vichia

Active Member
*
* *


Nhân sự xem thế đã dần dần hình thành. Nhà thơ trưởng lão và chị nhà văn gọi đến một nhà báo trẻ làm thư kí tòa soạn thường trực bên cạnh chú em chủ nhiệm báo. Thư kí tòa soạn như một thứ cửu vạn cho cả tổng biên tập trên và ban biên tập dưới. Phải có sức mạnh cơ bắp. Chị nhà văn giới thiệu dăm ba ứng cử viên, người nào chị cũng chú thích là thanh niên to cao, đến mức trưởng lão phải vặn lại cô chọn thư kí tòa soạn hay cô đi mua thịt. Cuối cùng thư kí tòa soạn được chọn cao to đen tươi, cao mét tám nặng bảy mươi sáu cân. Chàng chọn khoa báo chí vì báo chí đang thịnh, nghe đâu là quyền lực thứ tư, đất nước có gần sáu trăm tờ báo viết kiểu gì cũng chẳng lo không xin được việc. Qua cầu qua phà đến cơ sở chìa thẻ nhà báo là khối kẻ hãi hùng.

Một đồng nghiệp xui chàng chuyển sang viết kinh tế, xuân hạ thu đông tứ kì các nhà máy xí nghiệp công ty doanh nhân tự ý cống nộp, coi như đóng thuế báo chí để cho yên thân. Nhà báo không cần thiên tài vào nghề dăm năm đã có quyền hóa phép ra đất xây nhà. Dịp Tết lại các doanh nhân vây ra cái quảng cáo, mấy chóp bu làm báo bội thu, còn lại cái móng tay đến nhà báo cũng đủ xơi tạm, đến ông nhà văn cộng tác còn lại hạt mảy hạt tấm lót dạ. Chàng chí khí máu mê văn nghệ, trót dại chưa nghiên cứu kinh tế như người bị bắt nạt trót dại chưa học võ, chàng vững vàng kiên định với văn nghệ, chàng bèn chuyển sang đầu quân cho báo này.

Ngày đầu đến văn phòng, chàng thư kí chìa ngay ra một bài báo cho mục Du lịch, bài báo giải thích vẻ lừ đừ như chuột phải thuốc của chàng. Chuyến đi lên miền núi Thái Nguyên, gần một giờ chiều mới đến uỷ ban huyện. Một ông cán bộ văn phòng xin lỗi đoàn lên đột ngột không kịp chuẩn bị cơm nước: mời đoàn ra quán dùng tạm. Cơm dọn ra chàng ăn một bát thấy hai thái dương buôn buốt nghẹn ngào buồn nôn. Chàng chống đũa nhìn mâm cơm đắm đuối. Lại còn hỏi xin quả ớt may ra xơi thêm được bát nữa. Chủ quán bảo vùng này không trồng ớt cũng không nhập ớt nơi khác về. Cơm nước xong đoàn lên xe đi tiếp vào bản. Mấy nhà báo đi cùng kêu ngột ngạt nóng bức lột hết xống áo ra chỉ còn may ô. Lái xe thì kêu buồn ngủ không cưỡng nổi, cố chạy thêm hai chục cây số rồi rúc xe vào dưới bóng cây gục xuống lịm đi. Sau buổi chiều tất cả đều váng vất nghẹn ngào, buổi tối về đến thành phố, kể chuyện ăn trưa ở vùng nọ, dân địa phương ai cũng tròn mắt. Dám ăn cơm ở đó cơ à? Chúng tôi người ở đây mà đi công tác về đấy cũng phải mang thức ăn theo, có chết đói cũng không dám ăn cơm hàng cháo chợ. Một ông cán bộ thành phố tổ chức cưới vợ cho con ở đấy, mời quan khách trên tỉnh về phải mời cả công an đứng vòng trong vòng ngoài các bàn ăn. Dân vùng ấy có kẻ bỏ bùa, tán bột từ lõi cây, và nhớt sâu, phơi sương hạ thổ mấy lần, mỗi năm bắt lấy một nhân mạng lớ ngớ đi lạc vào vùng. Nhân mạng ấy sẽ làm ma nhà họ, trông nhà, trông nương rẫy cho họ, bảo toàn sinh mạng cho họ không bị người hành giời vật. Bùa của họ ăn vào có người ba ngày chết ngay. Không chết ngay thì thành kén trong bụng một tháng sau mới chết. Có ớt ăn vào thì giải độc bùa ấy nhưng cả vùng đó bói không ra một quả ớt.

Mọi triệu chứng thông tin trùng khớp. Chàng thư kí tòa soạn muốn đưa bài vào mục Giữa đường thấy chuyện. Chàng chất vấn chính quyền huyện xã, nếu không có thì phải chính thức xua tan những lời đồn đại về bùa, ngải, nếu có thì phải cho biết họ đã có biện pháp xử lí ra sao.

Chàng thư kí không thuộc diện chết sau ba ngày. Như vậy chàng mất thêm một tháng phấp phỏng chờ bùa độc làm kén trong người. Một tháng chàng lừ đừ ngồi trong văn phòng đúng triệu chứng say thuốc. Văn phòng là nhà của chàng chủ nhiệm báo, một phòng xịn trong khách sạn của gia đình. Điện thoại kéo vào văn phòng không hiểu sao toàn người gọi đến nói chán chê mới biết nhầm máy. Chàng thư kí tòa soạn trực cái điện thoại ấy. Reng reng reng. A lô anh Tèo đấy à? Thư kí xẵng giọng: Tèo thua đề bán nhà này cho tôi rồi. Chết, thua nhiều không anh. Tám trăm triệu. Anh có biết anh Tèo chuyển đi đâu không. Trốn rồi. Thằng Tí nhà anh ấy đi đâu. Cũng trốn hết rồi, ở lại có chết cả lũ. Dập máy.

Tạp chí có đủ bộ sậu từ chủ nhiệm sang tổng biên tập đến thư kí tòa soạn. Đó là nhân sự thực tế, nhưng muốn xuất bản được phải đi tìm một cơ quan chủ quản, phải là phụ trương cuối tháng của một tờ báo có giấy phép. Phụ trương báo Người đô thị còn đang bỏ trống. Đúng ra là nó đã từng do một ông đầu nậu làm theo kiểu chơi thử, làm được một năm thì hết hơi sập tiệm. Sau đó một bà nhà văn cấp quận lao vào. Thiếu ảnh bà xông vào các cuộc họp, gí máy tự động vào mặt các quan chức văn nghệ mà chụp. Thiếu truyện bà in truyện ngắn của bà. Thiếu thơ bà in thơ của bà. Trang âm nhạc bà thầu ca khúc của bà luôn. Còn trống mấy trang nữa bà in kịch bán phim tài liệu của bà lấp đầy chỗ trống. Báo Tết tổng biên tập còn không dám cho đăng ảnh của mình, sợ mang tiếng hâm hoắng, thế vào bà in ảnh bà to như lãnh tụ cùng lời chúc mừng năm mới. Trình bày bà làm lấy nốt. Tờ báo như tập san độc quyền của các ngành thuỷ lợi thuỷ nông đường sông đường mía. Cũng một năm thì thở hắt ra.

Báo như thế là đã có dớp. Không hết hơi thì cũng dẹp tiệm. Cái chính là nó đã mất tên đã chết trong lòng độc giả từ lâu, không nên chơi trò xác ướp trở lại. Mọi người quay sang báo Ngày đẹp. Phụ trương Chơi của báo Ngày đẹp, nghe ngon tai. Nhưng Ngày đẹp lâu nay chỉ in được 1.000 bản vừa bán vừa cho, chủ thầu trước thua lỗ bỏ trốn sang Đông Âu mang theo nợ nần truyền kiếp. Tai tiếng ấy có đáng cho bộ sậu những nhà báo hàng đầu như ta ghề vai vào đi tỉếp chặng đường đứt gánh? Rốt cục toàn những người cấp tiến cởi mở với nhau, ngại ngần dẹp sang bên, ta chọn báo Ngày đẹp. Toàn bộ Ngày đẹp do một ông phó tổng tung hoành tổng biên tập và tòa soạn không ai biết làm báo, chẳng qua cơ quan chủ quản bổ nhiệm thì phải làm. Ông phó tổng có thực quyền. Ông sốt sắng. Ông động viên ông nhiệt tình hợp tác cho tạp chí Chơi về làm dưới vòm ông.

Bộ sậu Chơi được mời đến nhà ông tổng biên tập Ngày đẹp. Ăn lươn nướng ống bương kiểu Nghệ An. Lươn nướng chui hết ra khỏi ống bương thì ông tổng mới oang oang nói như nói vào nơi không người rằng phó tổng Ngày đẹp đã qua mặt ông, lâu nay ông vẫn xử sự theo kiểu nhà có con gái bị trêu ghẹo là để yên xem sao. Người ta khinh ông không biết làm báo ông cũng để yên xem sao. Người ta định ra một tờ báo mới không báo cáo ông cũng để yên xem sao. Bọ cứ để yên xem các chú còn kéo con gái bọ đi đến đâu nữa.

Bậc trưởng lão nghề báo và bộ sậu Chơi đã xơi hết lươn. Ra về mặt thì yên mà trong lòng lươn quằn quại. Một cô nhà báo ãngti ghen ghét với bộ sậu ở lại kích ông tổng. Chú dẹp bọn này là phải. Chúng nó đã tai tiếng với trên với dưới từ lâu. Chúng nó có tài phiệt đứng sau, cậy trường lực, chúng nó gây hấn nội dung, ba bữa người ta dẹp. Nếu không dẹp được âm binh nổi loạn, Chơi là báo non tuổi hơn Ngày đẹp báo mẹ thì cũng phiền chú. Dẹp.
 

vichia

Active Member
*
* *


Thời hạn án treo một tháng chưa hết, chàng thư kí Chơi ngày ngày ngồi ôm bàn trực điện thoại. Chờ bùa ngải làm kén. Chờ chết làm ma cho một miền rừng. Ngày ngày ra vào phấp phỏng. Bứt rứt. Tức tối. Ngồi chờ mãi như thế ai mà chịu nổi, chàng lừ lừ lên đường ra quần đảo đông bắc viết thêm bài du kí. Một tay xe ôm chở chàng đi trên con đường xuyên đảo. Thao tác kiểu gai hướng dẫn viên du lịch anh xe ôm chở thư kí vào làng, chỉ hai cái giếng cổ dưới chân núi. Đúng lúc một đám con gái đang tắm tiên dưới suối thấy động chạy toé bốn phương tám hướng. Cứ nồng nỗng thế mà chạy, hai bàn tay úp mặt chứ không che hai điểm trên một điểm dưới. Họ cho rằng con người chỗ ấy ai cũng như ai, chỉ có cái mặt lộ ra mới phải ngượng. Tay xe ôm bảo đấy là giếng Long Nhãn mắt rồng, có từ ngày xửa ngày xưa. Con gái làng này chỉ ăn nước giếng ấy mà đẹp nổi tiếng, đẹp nhất quần đảo. Từ ngày có đường ống nước, nước máy vào tận nhà, người ta ngứa tay thế nào lấp giếng đi. Thế là hai chục năm qua làng thành trại cá sấu, con gái làng mắt lồi răng vổ. Cả làng sợ quá phải khơi lại giếng, nước càng trong leo lẻo mà chẳng ai dám lấy về dùng. Thư kí thử phản biện, cậu nói thế nào ấy chứ. Thật mà, em thề, vợ em cũng người xã này. Vợ cậu làm sao? Vợ em cũng vổ. Vổ cũng có duyên đấy. Anh nói thế nào, em tưởng răng khểnh mới có duyên chứ?

Đi cơ sở, chàng chỉ thích lân la với những nhân vật như thế. Chán người, chàng chỉ thích viết về thiên nhiên du lịch sinh thái lịch sử. Theo đường công tác chính thức, phải chìa thẻ nhà báo, lòng cứ tê tê vì đọc được ý nghĩ trong đầu người địa phương: nhà báo à, chắc lại đến xin quảng cáo hoặc moi móc nã tiền; nhà văn à, vừa mới có mấy ông nhà văn chả thấy nổi tiếng bao giở đến bình văn bình thơ xin phong bì nặng.

Chàng thư kí về lại văn phòng. Lại điện thoại nhầm số. Gọi đến cho người ta mà lại quát hỏi a lô ai đấy. Thư kí lạnh tanh: Đội tra tấn xét hỏi hình sự số Năm đây. Một lát lại reng reng a lô chị Cậy đấy à. Thư kí: Chị Cậy chết rồi. Ôi, em vừa gặp chị ấy sáng nay mà. Chết lúc chiều rồi. Em đang chờ chị ấy mang hàng đến, khách đang chờ. Thế thì xuống âm phủ mà chờ.

Mấy người ngồi quanh ai cũng lắc đầu. Điện thoại bưu chính viễn thông độc quyền thế đấy. Thư kí tòa soạn nói năng thế đấy. Trông vẫn chưa ra một tòa soạn báo.


*
* *


Cuối cùng xin được giấy phép ở báo Tiếng vọng. Cái tên hơi hoài cổ. Bù lại báo con tên Chơi nghe rất hậu hiện đại, rất mốt.

Thư kí lao vào làm ngày làm đêm. Dựng trang với họa sĩ trình bày. Gào thét các ban bệ nộp bài. Nhà phê bình bỏ đi kinh doanh công ty nước ngoài vứt mảng Văn học lại cho một nhà thơ trẻ đang thất nghiệp. Thơ chàng chết yểu năm chàng hai mươi tuổi. Uất ức Làng văn không xếp chàng vào chiếu nào. Căm hờn. Chàng chủ trương trang văn học chỉ có tiểu khí xỏ xiên đánh đấm tất cả những kẻ thành đạt. Chàng kí đủ mọi bút danh nấp trong bụi rậm mà vãi đạn ra. Làm sao cho báo mình số nào cánh văn nghệ sĩ cũng phải thấp thỏm liếc qua một cái, xem họ có bị lên thớt hay không. Chỉ có chàng nộp bài hăng hái sớm nhất. Các trang khác thì thư kí hò như hò đò, vò đầu bứt tai như ngứa gầu ngứa chấy. Chàng đề nghị chủ nhiệm trói buộc các trưởng trang bằng cách kí hợp đồng trả thù lao để họ không biến được. Chị nhà văn thấy bộ sậu bắt đầu khởi động được chị bèn lẳng lặng rút về viết tiếp tiểu thuyết, không biết thằng cò bất động sản trong bản thảo của chị còn lươn lẹo những mánh lới gì nữa. Ai cũng bảo vui thì làm báo thôi chứ không muốn nhận tiền ràng buộc. Không ràng buộc. Vậy thì lấy ai nộp bài bây giờ? Ông trưởng lão bảo chính vì thế ông không thích mời các cây bút nổi danh hoặc nhà văn nhà thơ. Ông chỉ thích nhà báo thuần tuý. Họ không có sự nghiệp nào khác ngoài làm báo, họ sẽ không tạt ngang tạt ngửa khơi khơi amatơ, họ chỉ duy nhất tâm niệm làm báo mà thôi.

Đang nước sôi lửa bỏng thì được tiếp hai ông nhà thơ. Ông đi xe hơi của con trai đến, đũng quần ướt đẫm khai mù, răng lợi xiên xẹo mắt đầy lá hành nhánh tỏi. Ông bảo chưa bao giờ ông sáng tác sung sức như bây giờ. Ông đưa thư kí một chùm mười bài thơ bảo đăng cho nhà thơ lớn. Ông thơ thứ hai không danh không tiếng, một đời ngơ ngẩn mất hồn vì thơ. Nhà ông xập xệ bão sập, ông chui vào lôi được cái tập bản thảo ra bỏ đi luôn. Đến nhà bạn ngồi làm thơ. Vợ con ông nhếch nhác bồng bế nhau về nhà ngoại ở nhờ mấy năm coi như không có ông. Sau này vợ buôn bán giàu phổng lên. Thằng con ba mươi tuổi thì có hẳn công ty riêng. Ông thơ mò về xin tiền vợ in tuyển tập thơ. Bà vợ bảo là căm thơ. Ông xin tiền con trai. Chàng doanh nhân bảo bố muốn gì con cũng chiều nhưng in thơ thì không. Con hận thơ. Thơ của bố suýt nữa làm mẹ con con đi ăn mày. Thế mà ông vẫn in được tập thơ, con không cho tiền thì lấy trộm tiền của con, mỗi tập tiền rút ruột vài tờ 100 nghìn, con trai nghi ngờ đuổi việc mấy đời thủ quỹ. Thế mà còn kể lại cho tòa soạn nghe. Thế mà cứ ra vẻ quân sư tha thiết khuyên tạp chí Chơi mở trang thơ, in thơ của ông mở hàng. Việt Nam là đất nước thơ ca, báo chí không in thơ là giết đi một lượng lớn độc giả tiềm tàng.

Điện thoại gọi đến reng reng reng. Chả biết người ta có nhầm không mà thư kí nhấc ống nghe lên nói ngay, không, không nhận thơ đâu, thơ ca thời này bốc mùi lắm. Dập máy luôn.


*
* *


Báo ra. Cuốn tạp chí cầm nặng tay cũng sặc sỡ bìa người mẫu trong nước và nước ngoài. Mấy đêm liền thư kí cùng trưởng lão làm ngày làm đêm, hai ba giờ sáng lăn ra ngủ trên bàn làm việc dưới nền nhà. Báo đưa phát hành vào các sạp báo, những sạp nhỏ chỉ xin nhận ba cuốn bán thử, hết sẽ lấy nữa, nhỡ bán không được tối lại khiêng về nặng gãy lưng em. Thư kí qua các sạp báo đánh mắt liếc vào sản phẩm của mình nằm tênh hênh thiếu nữ ngủ ngày theo kiểu thiếu nữ vô hồn, vô tư và hồn nhiên. Cẩn thận liếc thêm một cái xem sạp báo có dán áp phích quảng cáo Chơi hay không.

Về văn phòng vừa lúc có chuông điện thoại. Thư kí vui vẻ cầm ống nghe đúng bài bản: Tòa soạn báo Chơi xin nghe. Đầu tiên bên kia xối xả một tràng. Báo cái đầu bờ bố mày đây này. Chúng mày bảo chị Cậy chết làm suốt một buổi chiều bố mày chạy đi khắp nhà xác bệnh viện tìm. Rồi bố mày sẽ cho báo chúng mày không còn chỗ mà chôn.

Ngẩn ngơ một lúc sau mới nhớ ra hiểu ra. Trong một ngày vui thế này ai còn nhớ chuyện nhấm nhẳng của những ngày hoang mang chưa biết bùa bả có làm kén trong bụng hay không. Chiều cả bọn kéo nhau đi bún ốc. Trùng hợp thế nào, ngày báo hoài thai cũng đã bún ốc. Lại thấy chàng chủ nhiệm báo cười cười khi mọi người nhắc chuyện hôm nay có thằng mô mở hàng gọi đỉện thoại chửi báo. Chủ nhiệm lại còn nháy mắt hỏi thư kí có thấy giọng thằng chửi quen quen. Bỏ cha giọng ấy quen thật. Hay chính là chủ nhiệm chửi đểu chửi đùa? Bọn tài phiệt bị khinh thường nhân văn đôi khi không từ cơ hội để xỏ xiên cánh chữ nghĩa. Mà đúng là lúc ấy tay chủ nhiệm không có trong văn phòng. Hay chính là hắn?./.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top