Gieo chữ cho những mảnh đời dang dở

lion

Moderator
Staff member


Nhiều người cho rằng việc làm của cô là “khác thường”, nhưng cô vẫn miệt mài với sự lựa chọn của mình. Giờ đây, cô giáo Huyền đã trở thành cái tên thân thương của những học trò có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vẫn vẻ mặn mà của phụ nữ xứ Tuyên, cô giáo Phạm Thị Huyền bộc bạch: Tôi thương các em hoàn cảnh khó khăn, phải vất vả mưu sinh trong cuộc sống đầy âu lo. Cuộc đời đã dang dở lại không có cái chữ, khó khăn sẽ chồng lên khó khăn với cuộc sống của các em. Vì vậy, tôi đã dạy chữ cho các em bằng tất cả tấm lòng của mình…
Năm 1972, khi mới 17 tuổi, cô giáo Huyền đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm ở Tuyên Quang. Ra trường, cô được phân công về giảng dạy học sinh cấp I (nay là bậc tiểu học) ở xã Lưỡng Vượng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), rồi chuyển về Trường cấp 1-2 Phan Thiết (thị xã Tuyên Quang). Đến năm 1981, do điều kiện gia đình, cô Huyền xin nghỉ việc theo chế độ, cùng gia đình chuyển về Thủ đô sinh sống. Thời điểm năm 1997-1998, quan sát tại phường Hạ Đình nơi ở của mình, cô Huyền thấy quanh khu vực này thường xuyên có một số em trong độ tuổi đến trường nhưng không được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Thấy các em chỉ ngày ngày đi lao động kiếm tiền, cô Huyền đến khu nhà trọ tìm gặp để hỏi chuyện các em. Cô bảo: Lân la hỏi chuyện, tôi mới biết em nào cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Có em sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh xa phải ra Hà Nội kiếm sống, có em bố mẹ ly hôn, em thì bố mẹ vướng vòng lao lý, có em không biết mặt bố. Một số em còn sống với ông, bà. Ông bà đều không có lương nên cuộc sống của em đầy khó khăn, vất vả, phải sớm bươn trải lao động kiếm tiền. Công việc của các em là đi nhặt rác, phụ xây, bán hàng rong…”Không thể để các em mù chữ, thất học trên đất Thủ đô này" – sau bao trăn trở, cô giáo Huyền bàn với gia đình quyết định dành riêng một gian nhà, mua bàn ghế học sinh, đồ dùng giảng dạy và sách vở, bút mực để chu cấp cho các em rồi vận động các em đến học. Cô Huyền trực tiếp làm giáo viên, dạy học hoàn toàn miễn phí cho các em.
Không tiếng trống trường, không khoác trong mình bộ đồng phục học trò, không được chạy nhảy trên sân trường đầy nắng…, nhưng lũ học trò nhỏ vẫn háo hức bước chân đến lớp học của cô giáo Huyền. Lớp học thực sự là điểm đến đầy ý nghĩa với các mảnh đời dang dở. Buổi đầu lớp học chỉ có cô giáo Huyền và 6 học sinh từ 6 đến 11 tuổi. Thầy miệt mài “gieo” những chữ cái đầu tiên, trò đón nhận những bài học đầu đời với niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Ngoài giờ học, cô giáo Huyền còn lặng lẽ tìm đến quê của các học trò ở xa để tìm hiểu cặn kẽ hơn hoàn cảnh của các em. Nhà em Thuyết ở tận Xuân Mai, cô cũng tìm đến tận nơi hay như nhà em Đẹp ở Thường Tín, cô Huyền tới tận nhà để thăm hỏi gia đình… Gần đây, 3 chị em gái của một gia đình ở Đội Cấn đã tìm đến lớp học của cô. Cô chị lớn nhất 22 tuổi, 2 em 14, 12 tuổi đều chưa biết chữ. Tìm đến nơi ở của các em, cô biết các em đang trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bởi mẹ mất, bố bỏ đi lang thang, bản thân các em còn bị chậm chạp về trí tuệ và nhận thức. Cô bảo: Có đi mới hiểu hoàn cảnh của các em rất đáng thương, nhiều em 18-20 tuổi mà vẫn chưa biết chữ, chỉ biết làm bạn với gió bụi để mưu sinh. Thế nên tôi càng quyết tâm phải dạy cho các em cái chữ để các em có chút kiến thức cơ bản khi sống ngoài xã hội. Ngoài dạy chữ theo chương trình của Bộ GD&ĐT, cô giáo Huyền còn dành nhiều công sức dạy các em về lễ nghĩa, nền nếp sinh hoạt, học tập, dạy kỹ năng sống và hướng nghiệp cho các em. Nhận thấy trẻ em đường phố cần phải được trang bị một số kiến thức cơ bản, cô giáo Huyền còn giành thời gian dạy cho các em kiến thức xã hội, như: Tránh bị lạm dụng ở trẻ em gái, tránh bị bóc lột sức lao động ở trẻ em trai, cảnh giác những cạm bẫy của kẻ xấu, tư vấn cho một số em lớn có thể hồi gia về sống đoàn tụ với gia đình…Vào dịp Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, lớp cũng tổ chức liên hoan, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng…Nhân những dịp này, cô Huyền thường tranh thủ dạy các em cách nấu ăn, nữ công gia chánh để có thể phục vụ được bản thân mình trong cuộc sống. Được cô giáo Huyền dạy bảo bằng tấm lòng yêu thương bao dung như người mẹ, các em dần tự tin, bớt mặc cảm, ngoan ngoãn vâng lời cô dạy.

Cô giáo Huyền bên cạnh các học trò của mình
Năm 2000, nhờ có sự giúp đỡ của Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em quận (khi còn đang hoạt động), UBND phường Hạ Đình giúp đỡ, lớp học chính thức trở thành "Lớp học tình thương" của địa phương, được cấp thêm bàn ghế, đồ dùng dạy và học, sách giáo khoa… Số trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến với lớp học cũng nhiều hơn, trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Khi đó, mỗi buổi dạy, cô giáo Huyền phải dùng nhiều giáo án phù hợp với từng đối tượng. Lớp học tại nhà không còn đủ chỗ ngồi, năm 2007, địa phương đã cho mượn phòng họp của khu dân cư làm nơi giảng dạy. Để giúp các em yên tâm học tập, cô Huyền còn báo cáo xin phép làm học bạ cho học sinh, giúp làm giấy khai sinh cho những trường hợp chưa có, báo cáo với UBND phường trợ cấp đối với trường hợp quá khó khăn…Năm 2008, lớp học được cô giáo Chu Thị Liên Hương- Giám đốc Trung tâm GDTX Thanh Xuân đưa vào trực thuộc Trung tâm. Cô giáo Huyền sau bao năm dạy học không có bất cứ khoản thù lao nào, giờ đã trở thành giáo viên của Trung tâm. Học sinh của lớp học được tham gia đầy đủ các hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa để các em có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống.
Tròn 15 năm, từ lớp học tình thương của cô Huyền gây dựng đã có hơn 100 học sinh theo học. Khi hết lớp 5, các em đều được tạo điều kiện chuyển cấp vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Xuân. Lớp đầu tiên của cô Huyền hiện nay, một số em đã và đang theo học đến lớp 11, 12. Có em đã trưởng thành đi học nghề. Đó chính là niềm vui, nguồn động lực để cô giáo Phạm Thị Huyền tiếp tục giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cô bảo: Lớp học hiện nay đang có 10 học sinh theo học, mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng các em đều chịu khó học hành, ngoan ngoãn vâng lời cô giáo. Điều may mắn là việc làm của tôi luôn có sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình. Con trai, con dâu và con gái tôi thường xuyên giúp đỡ cho các học sinh của lớp. Có những lúc tôi bị mệt, không nỡ để các em quay trở về nhà, các con tôi lại thay tôi dạy học cho các cháu. Tôi luôn tâm nguyện sẽ làm công việc dạy học cho các em có hoàn cảnh khó khăn này đến khi nào có thể. Mong muốn lớn nhất của tôi là các em sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội, cuộc đời của các em sẽ không còn dang dở mà trở nên trọn vẹn hơn trong tương lai phía trước…
Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top