Bản án chế độ thực dân Pháp - Nguyễn Ái Quốc

Miền Cận Đông và Viễn Đông, kể từ Xyri đến Triều Tiên - chỉ tính những nước thuộc địa và nửa thuộc địa thôi - có một diện tích rộng hơn 15 triệu kilômét vuông, với số dân hơn l.200 triệu người. Tất cả những nước rộng lớn ấy hiện đang ở dưới ách của chủ nghĩa đế quốc tư bản. Và mặc dầu dân số của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa bao giờ ra sức tìm tòi thật đến nơi đến chốn con đường tự giải phóng, cho nên họ chưa hiểu được giá trị của sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Họ chưa có những mối liên hệ giữa các lục địa như các dân tộc châu Âu và châu Mỹ. Họ có sẵn trong bản thân một sức mạnh vô cùng to lớn mà họ chưa biết! Việc thành lập Trường đại học phương Đông đánh dấu một kỷ nguyên mới; trong khi tập hợp những người trẻ trung, hoạt bát, thông minh của các nước thuộc địa lại, nhà trường đang tiến hành một sự nghiệp vĩ đại là:
a) Giáo dục cho các chiến sĩ tương lai ấy nắm được nguyên lý đấu tranh giai cấp là nguyên lý mà một mặt, những cuộc đấu tranh chủng tộc, mặt khác, những tập tục gia trưởng đã làm cho mơ hồ, lẫn lộn trong đầu óc họ.
b) Làm cho đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này; chỉ có sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng.
c) Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong nhưng cái cánh của cách mạng vô sản.
d) Nêu lên cho giai cấp vô sản ở những nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa, một tấm gương về những điều họ có thể làm và phải làm cho những người anh em của họ đang bị nô dịch.
 
V. HỠI ANH EM VÔ SẢN VÀ NÔNG DÂN CÁC THUỘC ĐỊA!
Cuộc chém giết đẫm máu thế giới đã mở mắt cho hàng triệu vô sản và nông dân các thuộc địa thấy rõ hoàn cảnh sinh sống không sao chịu nổi của mình. Một loạt những cuộc bùng nổ cách mạng mãnh liệt, nhưng chưa được tổ chức, đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh thế giới. Lực lượng tự phát không gì ngăn nổi và khát khao chiến đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn ấy, là do giai cấp tư sản dân tộc bản xứ tổ chức và lãnh đạo. Lớn mạnh lên trong thời kỳ chiến tranh, giai cấp tư sản dân tộc đó không muốn nằm mãi trong nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc và để cho chúng nắm phần to lớn nhất trong việc bóc lột "công nhân và nông dân của mình" nữa. Khẩu hiệu đấu tranh giải phóng dân tộc của giai cấp tư sản trẻ tuổi ở thuộc địa đề ra, được quần chúng lao động ở Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. hoan nghênh nhiệt liệt và ủng hộ mạnh mẽ.
Quốc tế Cộng sản đấu tranh không ngừng chống bọn cá mập tư sản ở tất cả các nước trên thế giới. Có thể nào nó lại giả vờ quay lưng lại với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được không ?
Không! Quốc tế Cộng sản đã công khai tuyên bố ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh ấy, và trung thành với mục tiêu của mình, Quốc tế Cộng sản vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh ấy.
(Trích Tuyên ngôn của
Ban Chấp hành Quốc tế thứ ba)
VI- MỘT BẢN HIỆU TRIỆU CỦA QUỐC TẾ NÔNG DÂN
GỬI NÔNG DÂN LAO ĐỘNG CÁC THUỘC ĐỊA
Quốc tế Nông dân mới đây họp Đại hội lần đầu tiên ở Mátxcơva đã ra lời kêu gọi dưới đây để tỏ rõ sự quan tâm của mình đối với nông dân lao động các thuộc địa:
Hỡi anh chị em nông dân lao động các thuộc địa!
Hỡi anh chị em nông dân thuộc địa, anh chị em là những người nô lệ hiện đại: hàng triệu anh chị em ở ngoài đồng ruộng, trên thảo nguyên và trong núi rừng của hai lục địa, đang rên xiết dưới hai tầng áp bức của chủ nghĩa tư bản nước ngoài và bọn chủ bản xứ.
Họp lần đầu tiên ở Mátxcơva để thành lập một tổ chức đấu tranh mà cho đến nay nông dân chưa có, Đại hội Quốc tế Nông dân kêu gọi ý thức giai cấp của anh chị em và yêu cầu anh chị em hãy gia nhập hàng ngũ tổ chức đó.
Anh chị em còn khốn khổ hơn các bạn nông dân ở chính quốc, vì ngày công quá dài, vì đói khổ, vì ngày mai bấp bênh.
Anh chị em thường bị cưỡng bách lao động như khổ sai, bị bắt đi khuân vác đến chết người và đi lao dịch không thời hạn.
Anh chị em bị đè bẹp dưới thuế khoá.
Chủ nghĩa tư bản bóc lột dìm anh chị em trong cảnh tối tăm ngu dốt, áp bức anh chị em về mặt tư tưởng và tiêu diệt nòi giống của anh chị em bằng rượu và thuốc phiện.
Chế độ bản xứ bỉ ổi do bọn đế quốc tư bản đặt ra, tước mất của anh chị em mọi quyền tự do cá nhân, mọi quyền lợi chính trị và xã hội, do đó, đã hạ anh chị em xuống thân phận trâu ngựa.
Đẩy anh chị em vào cảnh cùng khổ và phá sản như vậy chưa đủ, chủ nghĩa tư bản còn bắt anh chị em lìa bỏ gia đình, đồng ruộng, đưa anh chị em ra làm bia đỡ đạn, ném anh chị em vào những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đánh lại nhân dân bản xứ khác hoặc chống lại nông dân, công nhân ở chính quốc.
Hỡi anh chị em cùng khổ ở các thuộc địa!
Hãy đoàn kết lại!
Hãy tổ chức lại!
Hãy phối hợp hành động của anh chị em với hành động của chúng tôi, chúng ta cùng nhau đấu tranh cho công cuộc giải phóng chung!
Công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa thành công muôn năm!
Quốc tế lao động muôn năm!
Quốc tế Nông dân muôn năm!
 
VII- TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN Ở THUỘC ĐỊA

Trích biên bản phiên họp ngày 27 tháng 6 năm 1923, kỳ họp thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Công hội đỏ.
Đấu tranh công đoàn ở thuộc địa
Chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa. Theo quan điểm đó, việc tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa có một tầm quan trọng đặc biệt. Thế mà đoàn viên của Quốc tế Công hội đỏ hầu như chưa hề làm được gì ở Ai Cập, ở Tuynidi và ở tất cả các nước đương nằm dưới gót sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Mối liên hệ hiện có giữa các nhóm công nhân ở các thuộc địa Pháp và các công đoàn Pháp chỉ là do ngẫu nhiên. Không có một hoạt động có hệ thống nào cả, mà rõ ràng là nếu chưa tranh thủ được quần chúng ở thuộc địa thì chúng ta không đủ sức phá huỷ bộ máy đế quốc chủ nghĩa. Việc cần thiết hiện nay là phải phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai. Ngoài ra, chúng ta cần phải tỏ rõ tình hữu ái giai cấp thực sự giữa những người lao động thuộc mọi dân tộc, mọi chủng tộc để khắc phục sự nghi kỵ của những người lao động thuộc địa đối với những đại diện của những chủng tộc thống trị. Mối liên hệ hữu cơ giữa công đoàn thuộc địa và công đoàn chính quốc chỉ có thể là kết quả của một quá trình công tác rất lâu dài trong các thuộc địa.
Không được quên những người lao động thuộc địa, phải giúp đỡ các tổ chức của họ, đấu tranh bền bỉ chống những chính phủ của chính quốc đang áp bức các thuộc địa, đó là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất của tất cả các công đoàn cách mạng, nhất là ở các nước có giai cấp tư sản đi nô dịch và bóc lột các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

*
* *
TUYÊN NGÔN CỦA "HỘI LIÊN HIỆP THUỘC ĐỊA"23,

TỔ CHỨC CỦA NHỮNG NGƯỜI DÂN BẢN XỨ
Ở TẤT CẢ CÁC THUỘC ĐỊA


"Hỡi anh em ở các thuộc địa! Năm 1914, vì phải đương đầu với một tai hoạ ghê gớm, những người cầm quyền nhà nước đã quay về phía anh em và yêu cầu anh em đồng tình góp phần hy sinh của mình để cứu vãn một tổ quốc mà người ta nói là của anh em, nhưng thật ra cho đến khi đó, anh em chỉ biết có cái đầu óc thống trị của nó mà thôi.
“Để làm cho anh em không ngần ngại, họ không quên làm loé lên trước mắt anh em những quyền lợi mà sự hợp tác với họ sẽ đưa lại cho anh em. Nhưng qua cơn bão táp rồi, thì đâu lại hoàn đó, anh em vẫn phải sống trong chế độ bản xứ, với những toà án đặc biệt, thiếu hẳn các quyền lợi gắn liền với phẩm giá con người như quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại ngay cả trên đất nước của anh em. Đó là về mặt chính trị.
“Về mặt kinh tế, anh em vẫn phải chịu nạn sưu dịch nặng nề mà nhân dân oán ghét, vẫn phải đóng thuế muối, vẫn bị đầu độc và cưỡng bách tiêu thụ rượu và thuốc phiện như ở Đông Dương, vẫn bị đi gác đêm để canh giữ tài sản cho bọn cá mập thực dân, như ở Angiêri.
"Lao động như nhau, nhưng công sức của anh em lại bị trả tiền ít hơn các bạn người Âu của anh em.
"Cuối cùng, người ta hứa hẹn với anh em đủ mọi thứ trên trời dưới biển, nhưng giờ đây anh em thấy toàn là những lời lừa dối cả.
"Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?
"Vận dụng công thức của Các Mác1), chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em.
"Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy.
"Với sự giúp đỡ của các đồng chí ở chính quốc đồng tình với sự nghiệp của chúng ta, Hội tập hợp tất cả những người quê ở thuộc địa hiện sống trên đất Pháp.
Biện pháp hoạt động: Để thực hiện sự nghiệp chính nghĩa ấy, Hội quyết định đưa vấn đề ra trước dư luận bằng báo chí và ngôn luận (tổ chức nói chuyện, mít tinh, thông qua các bạn dân biểu mà đặt vấn đề ra trên diễn đàn các nghị viện) và bằng tất cả mọi biện pháp mà chúng ta có thể làm.
"Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn.
"Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác:
"Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!".
"Hội Liên hiệp thuộc địa"

 
PHỤ LỤC


GỬI THANH NIÊN AN NAM

Ông Đume, nguyên toàn quyền Đông Dương đã viết: "Khi nước Pháp đến Đông Dương, thì dân tộc An Nam đã chín muồi để làm nô lệ". Từ đó đến nay hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhiều biến cố phi thường đã làm đảo lộn thế giới. Nhật Bản đã đứng vào hàng đầu các cường quốc trên thế giới. Trung Hoa đã làm cách mạng. Nga đã tống cổ lũ bạo chúa đi để trở thành một nước cộng hoà vô sản. Một luồng gió giải phóng mạnh mẽ đã làm cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Người Airlan, Ai Cập, Triều Tiên, Ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ.
Hãy nghe đoạn văn khốn nạn này của một tên khách An Nam trong một bữa tiệc hai trăm người ăn, tổ chức ra để chiêu đãi bọn Utơrây, Valuyđơ và bè lũ và để được ngửi mùi bít tất thối của bọn "liên minh dân tộc" này. Anh chàng An Nam ấy đã không ngại bỏ ra 85 quan cho một bữa chè chén. Hắn đọc diễn văn tại bữa tiệc:
"Tôi lấy làm tự hào được thay mặt cho toàn thể cử toạ nói lên tấm lòng tôn kính sâu sắc, niềm vui mừng và lòng biết ơn của chúng tôi đối với các vị. Đối với con mắt khâm phục của chúng tôi, các vị thật là những người tiêu biểu cho chính phủ của dân tộc Pháp vinh quang.
"Tôi không tìm ra được danh từ nào đủ đẹp để nói lên cho thật đúng ý nghĩa của tư tưởng sâu kín trong chúng tôi, nhưng thưa các vị, các vị hãy tin ở tình gắn bó thuỷ chung, ở lòng trung thành, ở sự sùng bái của chúng tôi đối với nước Đại Pháp, là người đỡ đầu và bảo hộ, đã coi chúng tôi như con, không phân biệt màu da và chủng tộc.
“Mỗi người chúng tôi đều đã tự mình nhận thấy tất cả những ân huệ mà Nhà nước chí tôn và những vị đại diện cho nước Đại Pháp đã ban cho chúng tôi bằng cách áp dụng đúng đắn và sáng suốt những luật pháp rộng rãi và khoan hồng".
Trong đám tang viên toàn quyền Lông, ông N.K.V, tiến sĩ luật, tiến sĩ khoa chính trị và kinh tế, làm việc tại toà biện lý Sài Gòn, đã quả quyết rằng, nếu có thể phát biểu thay toàn thể nhân dân Đông Dương, thì ông sẽ đau đớn nói lên lời cảm tạ thiết tha đối với quan toàn quyền về tất cả những gì mà Ngài đã làm cho dân tộc An Nam. Rồi ông V. kêu to lên rằng:
“Những người mà nhờ những biện pháp bao dung của Ngài, ngày nay đang được cùng các vị đại diện của Nhà nước bảo hộ góp phần vào sự phồn vinh không ngừng tăng lên của xứ Đông Dương, những người ấy cảm tạ Ngài tự đáy lòng và sùng bái hình ảnh của Ngài. Kinh tế là vấn đề mà Ngài lo nghĩ đến nhiều nhất. Ngài đã muốn cho Đông Dương có đủ trang bị kinh tế để trở thành một nước Pháp thứ hai, một nước Pháp hùng cường ở Viễn Đông, một chi nhánh của nước Pháp Cộng hoà!
“Ngài đã đem hết tâm hồn, trí não vào sứ mệnh của Ngài là khai hoá cho một dân tộc bị ngăn cản trên con đường tiến bộ vì nhiều điều kiện lịch sử và khí hậu. Ngài là người chiến sĩ vô song của tiến bộ và là sứ giả của văn minh ...".
Còn ông Cao Văn Sen, kỹ sư, hội trưởng hội những người Đông Dương tại Pháp, thì nói rằng việc ông Lông chết quá sớm là một cái tang cho Đông Dương. Rồi ông kết thúc bài điếu văn bằng những lời sau đây:
“Thưa quan toàn quyền, chúng tôi chân thành thương tiếc Ngài vì đối với tất cả chúng tôi, Ngài là một ông chủ bao dung, khoan thứ như một người cha".
Từ những việc trên, tôi xin kết luận rằng, nếu quả thật tất cả mọi người An Nam đều rạp mình sát đất như bè lũ tay sai ấy của chính quyền thì người An Nam có phải chịu số kiếp nô lệ cũng là đáng đời.

*


* *

Thanh niên ta cũng cần biết là hiện nay có hơn hai nghìn thanh niên Trung Quốc trên đất Pháp và độ năm vạn ở châu Âu và châu Mỹ. Hầu hết những thanh niên ấy đều đã tốt nghiệp Hán văn và tất cả đang là sinh viên - công nhân. Còn chúng ta, thì chúng ta có những sinh viên được học bổng và những sinh viên thường, nhờ ơn nhà nước hay tiền của cha mẹ (hại thay, hai cái nguồn ấy lại không bao giờ cạn cả), mà đang dành một nửa thì giờ vào các việc... chơi bi a, một nửa của nửa thì giờ còn lại để đến các chốn ăn chơi; số thì giờ còn lại, mà ít khi còn lắm, thì để vào trường đại học hoặc trường trung học. Nhưng sinh viên - công nhân Trung Quốc thì lại không có mục đích nào khác hơn là nhằm thực sự chấn hưng nền kinh tế nước nhà và họ theo châm ngôn: "Sinh sống bằng lao động của bản thân và vừa học hỏi vừa lao động".
Họ đã làm như thế này: vừa đặt chân lên đất nước người là tất cả những người có năng khiếu giống nhau và cùng muốn học một nghề thì tập hợp lại thành nhóm để vận động xin việc với bọn chủ. Khi được nhận vào xưởng thợ hay nhà máy, thì cố nhiên là họ bắt đầu bằng cách học việc, rồi sau trở thành thợ. Đối với nhiều người đã được nuôi dưỡng trong cảnh giàu sang và được gia đình chiều chuộng, thì làm những việc nặng nhọc là một điều gian khổ. Nếu họ không có một quyết tâm vững chắc, không được một sức mạnh tinh thần phi thường thúc đẩy thì phần lớn đã phải chùn bước. Nhưng cho tới nay, tất cả vẫn tiếp tục làm việc. Một trở lực thứ hai là ngôn ngữ bất đồng, họ đã khắc phục được trở lực ấy nhờ biết lợi dụng khiếu quan sát, cái khiếu gần như là một bản năng đặc biệt của những người Viễn Đông chúng ta. Nếu họ không hiểu được hay hiểu một cách khó khăn những lời chủ họ nói, thì họ chăm chú quan sát những cái mà chủ chỉ cho họ.
Họ kiếm không được bao nhiêu tiền. Với số tiền công ít ỏi, trước hết họ phải tính sao cho đủ sống. Và, họ coi việc không xin tiền chính phủ, không xin tiền gia đình là một vấn đề danh dự. Sau nữa, tuỳ theo số tiền kiếm được họ trích một phần để đóng vào quỹ tương tế do họ lập ra. Quỹ này nhằm hai mục đích: 1) giúp đỡ những sinh viên đau ốm có giấy chứng nhận của thầy thuốc, và những sinh viên thất nghiệp có giấy chứng nhận của chủ; 2) trợ cấp một số tiền trong một năm cho tất cả những người mới học nghề xong để giúp họ bổ túc nghiệp vụ.
Lao động ở nước nào, họ cũng xuất bản ở đấy một tờ tạp chí (luôn luôn là do sinh viên - công nhân đóng góp). Tạp chí ấy viết bằng chữ Hán, cung cấp tin tức của Tổ quốc và đăng những vấn đề thời sự lớn trên thế giới, v.v.. Tạp chí dành một mục cho độc giả trao đổi những điều bổ ích cho việc học nghề của họ, báo cho nhau biết sự tiến bộ của từng người, khuyên nhủ và động viên nhau. Ban ngày họ làm việc, ban đêm, họ học tập.
Kiên trì, quyết tâm và đoàn kết như thế, các "ông chú trẻ tuổi"1) của chúng ta chắc chắn sẽ đạt mục đích. Với một đạo quân 50.000 công nhân dũng cảm đáng khâm phục, lại được đào tạo trong kỷ luật và kỹ thuật hiện đại, thì không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ có một địa vị trong hàng các cường quốc công nghiệp và thương nghiệp thế giới.
Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như: hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la; chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù.
Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức! Bởi thế công nghiệp và thương nghiệp của chúng ta là một con số không. Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi!
Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh.



-----------------------------------------------------------------
1) Từ "chú” thường dùng để chỉ Hoa kiều ở Việt Nam (“chú khách" hay “khách trú”).
 
Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc đến đây là hết. Tuy có nhiều đoạn đọc thấy thật kinh dị vì tính tàn bạo dã man, nhưng mình hy vọng là qua đây các bạn thanh niên sẽ hiểu được thực trạng đất nước ta chỉ cách đây 90 năm. Mình cũng hy vọng đây là một nguồn tài liệu tốt cho các bạn học lịch sử, vì khi lên Internet tìm kiếm các tài liệu về Bác Hồ, hầu như chỉ tìm thấy những lời xuyên tạc trắng trợn về Bác. Chúc các bạn học tốt, và đừng mơ thấy ác mộng! :D
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top