Vài nét về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Deathknight

Active Member
Thành viên: 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Liên minh châu Âu; 32 nước đang trong quá trình gia nhập.
{Hiện tại VN là thành viên thứ 150 ^^}

Dân số: 3,557 tỷ người (chiếm 64% dân số thế giới).

Tổng sản phẩm quốc dân: 23.682 tỷ USD (chiếm 93% sản lượng thế giới).

Kim ngạch thương mại: 7.908,9 tỷ USD (thương mại nội khối chiếm 91%).

Tổ chức Thương mại Thế giới thành lập ngày 01-01-1995 với tư cách là thể chế pháp lý điều tiết các mối quan hệ kinh tế - thương mại quốc tế mang tính toàn cầu. WTO ra đời trên cơ sở kế thừa tất cả các nguyên tắc, luật lệ của tổ chức tiền thân đã tồn tại gần 50 năm trước đó là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).

Các quy định của GATT (gồm 38 điều và 9 phụ lục) được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới của thương mại quốc tế, nhưng về cơ bản các nguyên tắc vẫn được giữ nguyên. Trong vòng đàm phán Urugoay, ngoài thương mại hàng hóa, một số lĩnh vực mới được đưa vào: Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS). Các thỏa thuận này được áp dụng theo nguyên tắc tự do hóa thương mại của WTO, mặc dù có một số ngoại lệ. Ngoài các quy định chung, các thỏa thuận cũng bao gồm cam kết cắt giảm thuế và các rào cản thương mại đối với hàng hóa của các nước và cam kết nâng cao khả năng tiếp cận thị trường đối với lĩnh vực dịch vụ. Vòng Urugoay cũng đạt được một cơ chế giải quyết tranh chấp cho phép mối quan hệ trong thương mại quốc tế được giải quyết một cách công bằng hơn, hạn chế rất nhiều những hành động đơn phương, độc đoán của các nước lớn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thương mại đa phương.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu chung của GATT trước đây, WTO đã xác định ba mục tiêu cụ thể là:

(1) thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới,

(2) giải quyết các bất đồng, tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, và

(3) nâng cao mức sống, tạo công ăn việc làm cho người dân các nước thành viên.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên một cách hiệu quả, WTO đã đặt ra một loạt các nguyên tắc hoạt động mang tính ràng buộc mà tất cả các thành viên WTO phải tuân thủ. Có 4 nguyên tắc quan trọng nhất cần được đề cập:

a) Nguyên tắc "Tối huệ quốc" (MFN) được hiểu là nếu một nước dành cho một nước thành viên một sự đối xử ưu đãi nào đó, thì nước này cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các nước thành viên khác.

b) Nguyên tắc "Đối xử quốc gia" được hiểu là hàng hóa nhập khẩu, dịchvụ và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài phải được đối xử không kém phần thuận lợi hơn so với hàng hóa cùng loại trong nước.

c) Nguyên tắc "Cạnh tranh công bằng" thể hiện nguyên tắc "tự do cạnh tranh trong những điều kiện bình đẳng như nhau".

Về cơ cấu tổ chức của WTO: có một cơ cấu gồm ba cấp:

1) Các cơ quan lãnh đạo chính trị và có quyền ra quyết định bao gồm Hội nghị Bộ trưởng, Đại hội đồng WTO, Cơ quan giải quyết tranh chấp và Cơ quan kiểm điểm chính sách thương mại;

2) Các cơ quan thừa hành và giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương, bao gồm Hội đồng GATT, Hội đồng GATS và Hội đồng TRIPS;

3) Cuối cùng là các cơ quan thực hiện chức năng hành chính - thư ký là Tổng Giám đốc và Ban Thư ký WTO.

Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO từ ngày 01-01-1995. Cho đến nay (tháng 5-2002), Nhóm Công tác về Việt Nam gia nhập WTO đã họp 4 phiên. Tháng 8-2001, Ban Thư ký WTO đã gửi và đề nghị Việt Nam góp ý sửa đổi, bổ sung đối với tài liệu Tóm tắt hiện trạng về hệ thống chính sách thương mại Việt Nam (Factual Summary). Tài liệu này đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành giai đoạn minh bạch hóa hệ thống chính sách thương mại. Hiện nay, ta đang chuẩn bị bước vào đàm phán song phương về mở cửa thị trường với các nước thành viên WTO.

Nhìn chung, trong quá trình gia nhập WTO, Việt Nam có những thuận lợi và thách thức nhất định. Về mặt thuận, Việt Nam đã khắc phục tình trạng bị một số nước phân biệt đối xử, tạo dựng và dần dần nâng cao thế và lực của Việt Nam; tạo dựng được môi trường phát triển kinh tế công bằng, không phân biệt đối xử; nâng cao tính hấp dẫn thu hút đầu tư và công nghệ bên ngoài; nâng cao khả năng tiếp thu kinh nghiệm quản lý theo chuẩn mực quốc tế. Về mặt nghịch, một khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa các nước, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động yếu kém phải chấp nhận cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài; trình độ chuyên môn của cán bộ ta còn thấp...


Nguồn: Việt Nam: Hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa - Vấn đề và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, tr.436-439.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top