Truyện kinh dị - Ai hát giữa rừng khuya !!!

chuabietgi

Member
Lời tác giả
Tôi dụi mắt ngắm kỹ một lần chót nữa. Quả nhiên, cũng như cảnh tượng vừa hiện ra lúc tôi mới đến, tất cả sự vật chung quanh mình tôi cứ tựa hồ chứa đầy một vẻ bí mật thiêng liêng rùng rợn, một vẻ bí mật mà hình ảnh rõ rệt tôi được mục kích càng làm cho dữ dội, nặng nề.
Hiện trạng đương phô bày trên mái đồi kia, trước mắt tôi không xa mấy, dưới ánh nắng vàng đỏ của buổi chiều tà, hiện tượng đó có quả thực là một hiện tượng hay không, hay chỉ là một hình ảnh mơ hồ mà đôi mắt quáng của tôi lầm tưởng là một bức tranh kỳ quặc? Tôi phân vân không biết tự đáp thế nào. Ngắm đi ngắm lại, nhìn rồi lại dụi mắt, dụi mắt xong lại nhìn, tôi hết sức kinh nghiệm để chắc chắn, cho kỳ mối ngờ vực của tôi thành hẳn ra ngờ vực, hoặc biến thành một tín ngưỡng sâu xa. Nhưng... có lẽ nó hóa ra tín ngưỡng mất.
Vì, chỉ cách tôi bảy tám cột đèn, nghĩa là non hai trăm thước, giữa ban ngày, sự lạ lùng hiện ra cho tôi trông thấy vẫn không hề biến đi, mà cũng không thay đổi. Sự ấy thực là một kỳ quan độc nhất vô nhị, một sự tối vô lý mà mình phải tin là thật, nhưng cũng có nghi ngờ là giả dối, mơ hồ. Cứ lấy con mắt hết sức chú ý nhìn, thì sự đó vẫn không trốn tránh tính tò mò hiếu sự của ta; song, hễ khi nào ta dùng đến một vật gì để đi gần lại trường hoạt động của nó, thì nó biến vụt ngay như làn khói bị gió lùa. Hoặc ta tìm cách đi gần chân đồi, còn độ hai ba cột đèn sẽ tới nơi, trông lên thì không thấy gì nữa cả; hoặc ta đưa lên mắt một cặ ống nhòm để phóng đại trường qua sát, phong cảnh càng to ra bao nhiêu thì hình ảnh ta muốn thấy lại mờ đi bấy nhiêu, có khi hóa thành trong như vắt như kính, nghĩa là không có hình sắc nữa.
Bằng cứ chịu khó đứng xa xa mà ngắm nhìn, thì dẫu ngắm chán mắt, sự kỳ quặc kia cũng vẫn hiện ra cho mình trông thấy, hiện ra một cách nửa rõ rệt, nửa mơ hồ, lạ lùng khó tả quá! Nhưng không phải ngày nào, giờ nào, bất cứ lúc nào, ta cũng có hạnh phúc được nhìn nó. Nó chỉ thoát khỏi cõi âm trở về cõi dương một năm có vài kỳ, mỗi lần sự biến thiêng của khí hậu gợi cho nó nỗi nhớ tiếc thời oanh liệt thuở xưa.
Sự biến thiên đó họa hoằn mới xảy ra; ấy là một điều tối không may cho những khách tò mò hiếu sự. Như tôi chẳng hạn. Tôi đã phải dằng lòng gắn sức đợi đến ngót tháng trời được trông thấy hình bóng tôi muốn thấy; nào phải đâu là sự dễ dàng.
Cảnh tượng dị kỳ tôi đã được chứng kiến, nó là hai con ma, hai cái oan hồn uất ức của hai kẻ chịu tử hình, lâu ngày không tiêu đi được nên tụ lại thành bóng, hấp thụ mãi khí thiêng liêng của trời đất, nên mỗi khi bị hoàn cảnh xúc động đến là hiện được lên ngay, hiện lên để diễn lại một tấn trò mà xưa kia, hai oan hồn đó thường diễn những giờ cao hứng.


Phàm giả người ta, trong buổi bình sinh, có một thú gì mình yêu nhất, mê nhất, một thú gì làm then chốt cho tất cả bao nhiêu tính tình dục vọng của mình, một thú gì mình đã biết hưởng và đã đặt trên tất cả những khoái lạc của cuộc đời, thì nhiều lúc, sau khi đã lìa bỏ cõi tục rồi, vẫn còn nhớ tiếc đến thú ấy luôn luôn, chỉ ngong ngóng chờ có dịp hưởng lại là chộp lấy ngay, không bỏ sót.


Cũng bởi cớ đó nên một khi thi nhân đã chết, hồn thi nhân còn muốn ngâm thơ; một khi nhạc công đã chết, hồn nhạc công còn muốn gảy đàn. Câu thơ Ðường của Vương Bột văng vẳng trên dòng sông Lạc, điệu đàn của Sư Quyên véo von trên mặt sông Bộc đó chẳng phải là những chứng cớ rõ ràng cho thuyết ấy hay sao?


Mà nhất là khi kẻ bị thác lại là người mệnh bạc, vì nghiệp chướng mà chết oan, chết yểu, bất đắc kỳ tử hay bị nhục hình, thì một điểm linh hồn bay phiêu diêu trong gầm non nước không tài nàosiêu linh tịnh độ được, cứ mập mờ khi tan khi tụ, bơ vơ trôi dạt, không đâu là bờ bến. Ðiểm linh hồn đó vẫn còn nhớ rõ rệt cuộc sinh hoạt mình trải, vẫn còn đầy dục vọng và tình cảm, nhưng chỉ vì không có xác vật chất nên khó lòng diễn được dục vọng và tình cảm đó mà thôi. Nhiều khi linh hồn còn muốn sống thêm nữa trên cõi thế, bởi chưa dứt hẳn trần duyên, còn muốn vẫy vùng nữa, ganh đua nữa cùng với người đời cùng tranh đấu cho tới cùng. Có linh hồn khi thác bỗng tỉnh ngộ ra, bay lên một cõi thiêng liêng cao sạch để ngao du, tĩnh dưỡng.... Còn như các linh hồn bị nghiệp duyên dục vọng buộc chặt với cuộc sinh hoạt củ loài người, thì chúng thường hay bay vơ vẩn quanh quẩn bên mình ta, trông ta một cách ham muốn thèm thuồng, chỉ đợi có dịp là tất là trở về sống chung với ta, dẫu rằng trong một phút.


Ðó là những chúng sinh.


Mỗi khi có đàn tràng cúng tế, là chúng lần mò cùng đến, để rồi cướp lộc cướp cơm, mỗi khi có kẻ ngồi đồng, hay có kẻ thần hồn bị suy nhược là chúng ám vào người để được cử động quay cuồng cho đắc ý. Lại những cuộc thi hội, thi hương, thì chúng tụ lại họp cả ở cửa trường, để đợi gọi đến thì ùa vào mà báo ân báo oán.


Nói ra không hết được; ta chỉ biết bởi cớ có nhiều âm hồn còn muốn sống nữa, nên khi có xảy ra những chuyện kỳ dị mà, nếu mắt ta chịu khó bỏ hết các thành kiến, nếu ta chịu lưu tâm suy xét đôi chút đến nhẽ huyền vi của máy âm dương, ta sẽ nhận thấy rõ là không có sự gì hoang đường cả. Trên đời chỉ hoàng toàn có sự thực mà thôi, cái gì có thể xảy ra được đều là sự thực cả. Chỉ có một điều là không phải ma nào, oan hồn nào cũng hiện lên được cả. Ma muốn hiện hình tất phải đủ tư cách, phải ở trong những trường hợp không bị ngăn trở mới biến hóa được. Thí dụ như vàng muốn biến thành nước tất pphải nấu lên ngoài ngàn độ, sự biến từ thể nọ sang thể kia không phải bất cứ trường hợp nào cũng xảy ra được.


Cho nên, ma có thể hiện hình được, trước hết cốt phải thiêng, mà muốn thiêng, thì thao như chúng ta biết, phải có một vài điều kiện. Một là chết đúng giờ, hai là chết trẻ, ba là chết một cách thê thảm, bốn là chết oan, năm là được chôn ở đất có mạch hay là hấp thụ được khí thiêng của trời đất.


Phi mấy điều kiện ấy, thì chỉ là một mảnh hồn yếu ớt, phất phưởng, khi tán khi tụ, bay là là vô định trong gầm vô định mà thôi. Mà có được cả mấy điều kiện vừa kể, cũng phải tùy từng tuổi, từng chỗ, từng thời mới hiện lên được...


Cuộc sống ồn ào đã đánh tan âm khí, ma thiêng phải bạt đi xa. Những linh hồn, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng khó có lòng hiện lên được, vì khí dương mạnh quá. Có lẽ các ma thiêng đều chạy cả về những chốn đồng rừng xa vắng, ở lẫn lút trên đồi, trên ải, không còn hy vọng gì phảng phất ở những đô thành.


Chả bù với thời thái bình êm ái thuở xưa: đâu đâu âm khí cũng đều vượng cả, muốn rong chơi chỗ nào cũng được, không bị một mãnh lực gì ngăn cản, đánh tan đi. Thuở đó, người âm phủ với người dương gian nào có xa nhau mấy: ông Bồ đã vì sự người với ma hay chung chạ mà viết nên pho truyện Liêu Trai. Ðến thời nay, Liêu Trai đã hóa ra một cuốn truyện hoang đường vô lý! Cho hay ma cũng có thời.


Tôi có lẽ còn được nhiều hạnh phúc hơn Bồ tiên sinh là tôi đã được thấy tận mắt ma hiện hình giữa ban ngày, trong thời đại bây giờ, lại ở một nơi không cách xa đô thành phồn nhiệt mấy. Ðó thực là một sự lạ; và, cũng vì sự lạ đó, tôi mới chép nên câu chuyện này...
 

chuabietgi

Member
Ma không đầu


Hôm đó, cách đây chừng khoảng 20 năm, tôi đi về vùng Nam Ðịnh xuống ga Gôi, vào thăm một người bạn cũ.
Lâu ngày mới được bặp nhau, bạn tôi mừng lắm, vội vàng sai vợ con đi giết gà mổ vịt, lại cho người ra chợ đón mua những thứ quà ngon. Tôi gặp lại bạn cũng mừng, hai anh em ngồi uống trà đàm đạo mãi cho tới chiều, không biết mệt.
Lúc ấy, vào khoảng bốn giờ chiều. Trời tháng quy hạ, nóng nực lắm, tuy sắp sang thu mà cũng vẫn oi ả. Tôi đến lúc một giờ chiều, ngồi hàn huyên với bạn đã ba giờ có. Lúc tôi đến, trời còn nắng chang như lửa đốt, nhưng khi vào nhà bạn được hơn một tiếng đồng hồ thì trời bỗng đâu sa sầm mặt lại; mây đen bốn bề rầm rộ kéo đến, rồi sấm chớp nối tiếp nhau xé toạc quãng không gian bằng những tiếng nổ ầm ầm và những luồng quang tuyến sáng xanh chói lọi. Sau cuộc thị uy thị hùng ấy, mưa ở lưng chừng tưới xuống trần ai như thác chảy, nhưng chỉ trong khoảng nửa giờ lại tạnh ráo ngay. Mây đen, tụ lại ít lâu, cũng theo chiều gió tan đi hết. Trời lúc nãy bị vẩn ám, bây giờ quang đãng như không, vài tiếng sấm cuối mùa thỉnh thoảng trổi dậy, nhưng chậm rãi uể oải, không có vẻ hùng tráng như khi mưa chưa nhỏ giọt.


Mặt trời, khói bị che kín sau ức màn mây tối, lại vui vẻ tia ra những luồng ánh sáng đỏ rực và gay gắt; hình như sau mỗi cơn mưa rào, thì ánh nắng càng nồng càng đượm; để cỏ cây mau chóng được khô ráo nhẹ nhàng. Mưa xuống nắng lên là một sự rất thường trong thời tiết, nhưng sự đó không mấy khi xảy ra trong các mùa êm dịu như xuân thu, và trong cụ mấy tháng mùa đông rét mướt. Nó chỉ thường xảy ra giữa mùa hạ, là một mùa hay có giông tố thất thường.


Mỗi một lần mưa xuống nắng lên, thì khí đất lại ngùn ngụt bốc cao khỏi đầu ngọn cỏ, hơi thở của Tạo vật lại nặng nề bực bội, mà khí hậu thì hóa ra độc địa vô cùng.


Những buổi trái trời trái đất ấy, ngoài sự làm cho khí hậu hóa nên ám chướng, có lẽ còn có một mãnh lực gì u ẩn, huyền bí, xúc động cả các âm hồn. Người ta thường nghiệm ra rằng, sau một cơn bão, khí trời ở chốn thôn quê có mùi khen khét, khiến nhiều kẻ tưởng lầm là sét đốt cháy một vùng nào. Sự thực chỉ là, dưới sức mạnh âm ỉ của các luồng điện nhấp nhoáng trong không gian, dưỡng khí tụ đặc lại mà gây nên mùi khét. Sự tụ đặc ấy vô hình, ta chỉ nhận thấy ảnh hưởng của nó mà thôi; nếu không có nhà bác học thí nghiệm xét ra, có lẽ ta cũng cho là hoang đường.


Hoang đường là tất cả mọi sự mà loài người chưa tìm ra cội rễ căn nguyên vậy.


Sự tôi sắp nói ra đây, vì chưa dò xét duyên cớ, nên cũng phải tạm liệt vào hoang đường. Ấy là sự thay đổi trong cõi huyền bí do sức có luồng điện trong không khí tạo nên. Âm hồn làm bằng chất gì, ta không được rõ; ta chỉ biết nó vô hình vô ảnh, nó nhẹ nhàng phảng phất, đầm như hơi sương, thoảng như làn gió, nó tan đi hay tụ lại theo những luật riêng óc mình không thể xét đoán được. Nó ví như những làn khói, những luồng điện trong vũ trụ vậy...
 

chuabietgi

Member
Vì tình cờ run rủi, tôi đã được chứng kiến sự âm hồn hiển hiện, sau một trận mưa trong một ngaỳ gay gắt nắng. Hôm đó, ngồi đàm luận cùng bạn, tôi đương vui vẻ, kể lể mọi nỗi hàn huyên tâm sự, thì bỗng thấy bạn tôi như chợt nghĩ đến điều gì, vùng đứng dậy, vừa kéo tay tôi vừa nói:

-Bác hãy theo tôi, sẽ cho bác xem một sự lạ lắm!

Tôi ngạc nhiên, hỏi bạn:

-Trời đang mưa xuống nắng lên thế này, khí đất bốc lên ngùn ngụt như kia, bác muốn chúng ta đi đâu?

-Bác cứ theo tôi, rồi tự khắc rõ! Bác sẽ không phải hối hận đã xông pha mưa nắng đâu. Mau lên, kẻo bỏ lỡ mất dịp này thì uổng quá!

Nói đoạn, bạn kéo tay tôi rõ mạnh. Tôi không cưỡng cũng không dùng dằng, vội đứng dậy cùng đi một quãng khá xa, gần tới một cái đồi. Ðến một nơi cổ am, có bóng cây cao rườm rà phủ kín một vùng đất rộng, bạn tôi ra hiệu bảo tôi ngừng bước. Tôi theo đúng lời bạn, đứng tựa lưng vào gốc cây, nhưng chưa hiểu bạn tôi định tâm cho xem một cảnh vật thế nào.

Anh ta đứng trước mặt tôi độ vài ba bước, nghoảnh đầu nhìn cả bốn phía, rồi ngước mắt trông ra mé chân đồi như tìm kiếm cái gì. Một lát, hình như anh ta đã thấy được sự gì mà muốn cho tôi chứng kiến, anh lùi lại, bá vai tôi, một tay trỏ ra phía sườn đồi xanh biếc.

-Này, anh cứ thẳng tầm mắt trông theo ngón tay tôi chỉ, có phải ở ven đồi, chỗ có nương khoai mà ta nhìn xa chỉ thấy màu đất vàng đỏ hiện rõ giữa một màu xanh thẫm, chín chỗ ấy, có hai người đang diễn võ dương oai, vật nhau chán thì cùng múa một bài quyền...

Trong lúc bạn tôi nói, tôi chăm chú thu hết nhãn lực cố phóng luồng nhãn tuyến ra mé đồi để ghi lấy cảnh vật mà anh đương tả một cách hùng dũng. Nhưng khốn nạn cho tôi! Hai mắt đã hết sức nhận xét cho rõ rệt, mà vẫn chưa thấy tí gì! Ngàn trùng mây lam lợt lợt, ruộng lúa xanh rờn, đồi cây thẫm biếc; chả có một dấu hiệu gì chứng tỏ cho tôi là có người đương nhảy múa cả. Bạn tôi thì cứ níu chặt lấy vai tôi, bắt đầu tôi phải gần sát đầu anh, hình như muốn truyền sang cho tôi nhãn lực của anh vậy.



-Chết nỗi? Anh chưa thấy gì ư? Kia kìa, anh cứ chú ý nhìn vào nương khoai đo đỏ kia, chúng nó đang vờn nhau hay lắm. Anh đã thấy chưa?



Bấy giờ hình như mắt tôi mới đỡ quáng đỡ mờ, tôi thình lình thấy một vệt trắng xám, hung hung ở sườn đồi, mé dưới nghiêng về bên tả. Liền lúc ấy, tôi cũng hình như trông thấy hai cái bóng sẫm, tựa hồ hình dáng người nhưng rất lạ. Buột mồm, tôi kêu lên rằng:

-Quái! Làm sao nó không có đầu.

Tôi vừa dứt tiếng, một đống cát bụi, ở đâu cạnh chỗ chúng tôi đứng, bỗng vụt bốc lên. Tôi nhắm mắt lại. Bụi cát và lá khô phả vào mặt tôi rõ mạnh, tôi cảm thấy một luồng gió dữ dội đương quấn lấy thân tôi, hút tôi, làm cho tôi nghẹn ngào khó thở. Mũ tôi tự nhiên bị cuốn lôi lên. Tôi níu chặt lấy bạn.

Một khắc như thế, không thấy bụi phả vào mặt nữa, tôi mở mắt ra, thì bị một cảnh tượng làm cho giật mình kinh sợ. Một luồng gió lốc, nhanh như chớp, cuốn chiếc mũ trắng của tôi lôi đi rất xa, ở lưng chừng trời. Cơn gió lốc ấy như tiến lại mé chân đồi vùn vụt. Khi đến chỗ nương khoai, chiếc mũ tôi – lúc đó trông chỉ là một điểm trắng cỏn con, bỗng rơi xuống đất, tỏ rằng cơn gió đã tan rồi.

Cố nhìn, thì chả thấy bóng dágn của hai anh chàng múa võ nữa. Tôi lấy làm lạ, chưa kịp hỏi thì anh đã cười bảo tôi:

-Thực là anh làm uổng mất một tấn tuồng đặt biệt! Vì anh mà cuộc phô diễn này bị bỏ dở; nếu không, ta đã được một phen khoái trá vô cùng.

-Cớ sao anh lại bảo vì tôi...

-Anh mới đến nên không biết. Sự kiện mà tôi muốn cho anh được chứng kiến là một sự lạ lắm: ma diễn võ giữa ban ngày. Ở chân đồi kia, có hai oan hồn của hai nhà thiện xạ, vì phạm phép nước nên bị chém đầu. Hễ cứ có mưa xuống nắng lên, thì oan hồn đó lại hiện về, cùng nhau thí võ. Muốn xem họ nhảy múa, phải đứng rõ xa mới thấy, lại gần quan sát thì biến mất. Mà lại phải kiêng, không nên nói đến sự mất đầu. Nếu lỡ mồm, ắt xảy ra cái cảnh tượng như hai anh em vừa mới thấy đó. Tho6i, bây giờ ta hãy đi lại nương khoa nhặt cái mũ về, rồi đợi đến dịp khác sẽ thưởng ngoạn cuộc múa võ kia, tưởng không lấy gì làm muộn...

Bạn tôi dìu tôi cùng đi lại mé chân đồi. Nhưng can đảm của tôi ít ỏi quá, tôi đành mất mũ, không dám đi xa nữa chỉ cầu xin bạn dẫn về nhà mà thôi.

Bạn cười tôi hèn nhát, song cũng chiều lòng; anh đem tôi về nhà và sai một tên gia đinh ra chân đồi lượm mũ về cho tôi.

Tôi ở nhà bạn non ba tuần lễ, ba tuần nóng ruột muốn thỏa chí tò mò hiếu sự của mình ngay, nhưng ngặt nỗi không gặp ngày nào có mưa xuống nắng lên cả. Tôi đã xếp sẵn những khí cụ để sự quan sát được dễ dàng; lại luôn luôn mình tự dặn mình đừng bao giờ thốt lên hai tiếng "không đầu" khiến cho hỏng việc một lần nữa.

Thắm thoát vài hôm sau, tính đốt tay thì ra tôi quấy rầy bạn đã hai mươi hai ngày. Hôm đó, may quá, vào khoảng chíng mười giờ sáng, trời đương nắng chang chang bỗng có cơn mưa. Tôi mừng quá. Mưa vừa ngớt hột, tôi thủ ngày máy ảnh và ống nhòm rủ bạn đi lại chỗ có cái miếu thần và cây cổ thụ mà chúng tôi đã đến một lần hôm trước.

Tới nơi, không cần bạn phải chỉ bảo, tôi tự đứng lên mé trên nhìn phương hướng, rồi quay trông đầu về vệt hung đỏ ở sườn đồi. Quả nhiên bạn tôi nói có ngoa đâu, tôi nhận thấy hai cái bóng đương vờn nhau nhảy nhót.

Mới đầu tiên, trông không được rõ lắm; nhưng dần dần mắt tôi trông càng quen càng sáng suốt ra. Cảnh vật tôi được chứng kiến thật kỳ dị; từ bé đến giờ tôi mới thấy một sự thú vị như thế này.

 

chuabietgi

Member
Ðó chỉ là hai cái bóng, nhưng quái dị làm sao! Hai cái bóng giống hệt như hai người, có tay chân, biết cử động, song chỉ vị không có đầu. Hai cái bóng ma cụt trốc! Ðứng mé xa trông lại, tuy hình ảnh mình được thấy không có gì là chính xác, nhưng cũng rõ rệt vô cùng. Mới trông thì chỉ thấy lờ mờ hai vệt xám, hiện rõ trên màu hung đỏ của nương khoai; để ý nhìn lâu tí nữa, thì rõ ràng là hai thân thể đàn ông, đương đấm đá nhau hùng dũng lắm. Hai cái bóng ấy màu xám thẫm, xanh biếc, như màu khó đặc tụ lại. Không thấy rõ quần áo mặc ra làm sao, chỉ hình như cùng mặc áo chẽn mà quần thì xắn đến tận đùi. Ðó là một thứ y phục tôi tưởng tượng ra, vì tôi trông na ná như thế: sự thực thì chỉ có hai cái bóng chập chờn như hai hình ảnh nhấp nháy trên màn ảnh. Ngắm kỹ quái trạng hiện ra đó, ta có thể vừa trông vừa đoán, nhận ra rằng hai bóng ma kia là hai thân thể vạm vỡ cường tráng mà cũng lanh lẹn phi thường. Chúng nó tuy không đầu, song đánh nhau chả kém gì người có mắt, lại có phần giỏi giang, sắc sảo, hơn những người có mắt nhiều.

Chúng diễn những đường võ cực kỳ bí hiểm, trông ngoạn mục và lý thú vô cùng. Cũng đấm, cũng đá, cũng né, cũng xông, cũng quay đi lộn lại, cũng cúi xuống ngửng lên, thực chả khác gì hai võ sĩ còn sống cùng nhau thi quyền trong một kỳ đả lôi đài hay thi cử võ vậy. Võ vẽ đôi ba miếng côn quyền học lỏm, tôi nhận rằng bản lĩnh của hai oan hồn kia siêu quần, xuất chúng, ít người thời nay sánh kịp. Có lẽ hai con ma đó thuộc về thế hệ trước, mộtthế hệ còn trọng những môn đao kiếm, một thế hệ chỉ suy tài nghệ trong các đường quyền hiểm hóc, chớ không ỷ vào súng đạn để thủ thân. Thế hệ ấy ngày nay đã mất, đã biết trong cuộc dĩ vãng xa lắc xa lơ; vết tích của nó, có chăng chỉ còn là hai bóng ma này, lạc loài vào một thời đại mới, mà vẫn còn mê muội trong cái chí hướng ngang tàng của thưở bình sinh?

Hai bóng ma kia cứ rập rờn quay lượn mãi. Chúng nó xử nhau những miếng võ tuyệt kỹ như các miếng "Song long quá hải. Mãnh hổ tầm sào, Thái sơn áp đỉnh, Hạng võ phi truy" v.v... nhưng tựa hồ chúng không có ý làm hại nhau chỉ thi nhau trổ hết tài nghệ cho thỏa thích, cho bỏ nhớ nhung cái thời oanh liệt chúng đã từng sống, mà không được sống đến cùng.

Ðứng ngắm nhìn sự phô diễn tự nhiên kia, cũng thật là khoái lạc ý vị. Trong buổi văn minh ngày nay, dễ đâu đã có dịp xem hai người xử võ?

Giả sử có xem xiếc hay xem tuồng Tàu, thì chỉ toàn một màu là múa may cho qua loa câu chuyện; mấy khi đã gặp hai thiện nghệ hết sức trổ tài quyền cước cho mà coi? Bởi thế khi gặp trường hợp mà tình cờ tôi được trải qua, tôi ngắm nhìn mãi không hền mỏi mắt.

Ngắm chán,tôi lại giơ ống nhòm lên quan sát cho rõ rệt; nhưng, thật là kỳ quặc, mỗi khi tôi để mắt vào ống nhòm, thì chỉ còn thấy nương khoai hiện ra, tuyệt nhiên không nhậ được bóng dáng hai nhà võ sĩ "cụt đầu" nữa! Tôi thí nghiệm đến mười mấy lượt; lượt nào cũng vật; cứ bỏ ống kính ra thì tha hồ mà trông mà ngắm, hễ đem ống kính lên mắt, hình ảnh kia đã lại biến lúc nào rồi...

Kế ấy không xong, tôi dùng kế khác. Tôi trao ống nhòm cho bạn, chỉ đeo có một chiếc máy ảnh, một mình đi sát lại chân đồi. Cách xa độ bốn cột đèn, tôi còn trông rõ bón hai con ma ấy cứ mờ dần đi, rồi, sau cùng, khi tôi chỉ còn cách đồi độ chừng mươi bước, trông lên chỉ thấy không khí một màu như không hề xảy ra chuyện gì cả. Cho rằng mắt tôi bị các âm hồn làm cho mờ quáng đi, tôi đem máy ảnh ra cứ chụp lấy năm sáu bức, mong rằng may ra con mắt kính sẽ hơn tôi, ghi được cảnh thần bí mà mắt người không thấy nổi. Về nhà, rửa ảnh, tôi vẫn bị thất vọng như thường; trên ảnh không có dấu vết gì của hai người võ sĩ cả.



Sự bí mật thực là hoàn toàn bí mật. Tôi vừa ngạc nhiên kinh dị, vừa tức tối khó chịu. Khó chịu cũng đành vậy, chớ biết làm thế nào! Mình còn ở cõi dương gian, lại muốn vén tấm màn huyền bí của tạo hóa để nhìn rõ sang cõi âm, thì làm sao cho được. Hai oan hồn kia chỉ có thể hiện lên cho loài người thấy chúng một cách lờ mờ mà thôi.
 

chuabietgi

Member
Tôi có hỏi bạn về sự tích hai nhà võ sĩ bạc mệnh chết bất đắc kỳ tử; bạn tôi chỉ biết lờ mờ rằng hai người đó chết đã năm chục năm nay, lúc anh chưa ra đời, mà, theo như lời các cụ già kể lại, là hai tên tướng cướp bị sa vào lưới pháp luật và bị hành hình ngay ở chỗ chân đồi. Bạn tôi chỉ biết có thế thôi, câu chuyện của anh chàng làm tăng tính tò mò hiếu sự của tôi, càng gợi lòng tôi muốn đi sâu vào bí mật của Thời gian để giải cho ra vấn đề tôi suy nghĩ. Tôi muốn biết thuở bình sinh, hai vong hồn kia làm gì, mà tại sao cùng chịu chết thảm thương uất ức. Uất ức, bởi lẽ họ hiện lên múa võ như thế; chớ nếu họ làm nên tội rồi bị giết, thì còn oan khổ nỗi gì mà đến nỗi ngoài năm mươi năm, khối ân hận ấy vẫn chưa tiêu? Thực là một sự lạ.

Tôi nhất định phải dò xét sự lạ ấy cho tới gốc ngọn, dù phải tốn công khó nhọc cũng cam lòng! Trong lúc hăng hái, tôi tự nhận lấy một nhiệm vụ bí hiểm như thế; nhưng rồi dần dần, tôi phải tin rằng, một kẻ cuồng ngông, chỉ nói khoác hão huyền và ước muốn những điều vô lý. Làm gì có đủ vật liệu mà đi ngược Thời Gian để đem ra ánh sáng một câu chuyện trong hàng nghìn chuyện có lẽ còn ly kỳ hơn, đã xảy ra hồn nước Ðại Pháp vừa dựng cờ Bảo hộ trên đất Việt Nam này?

Tuy nghĩ thế thì nghĩ, nhưng lòng tôi cũng muốn biết vì sao lại có hai oan hồn cụt đầu, cứ mưa xuống nắng lên, là hiện lên diễn võ. Trước còn là một ý muốn, rồi sau dần thành một dục vọng, sau nữa thành hẳn một định ý cứ bám chặt lấy hồn tôi. Tôi như kẻ đứng trong cảnh ngộ một nhà toán học chưa tìm ra kết quả của bài tính khó nhưng thú vị. Cả ngày, cả đêm, tôi chỉ mãi mê về chuyện ma không đầu của tôí rồi tôi lục các sách trong nhà Bác Cổ, để họa may có tìm được một vết tích gì về hai nhà võ sĩ bạc mệnh kia không. Trong sách, tôi thấy nói đến rất nhiều chuyện về ấu trĩ của cuộc Bảo hộ, xong chả có pho nào đá động đến hai nhà thiện xạ chịu tử hình ở mạn núi Gôi...

Sau khi tôi ở nhà bạn ra về, cách đến hai năm, tôi vẫn còn nhớ cảnh vật tôi trông thấy tựa như nó mới vừa xảy ra ngày hôm qua vậy. Tôi rất bực mình vì đã cố tận gắng sức, mà không tài nào biết thêm tí gì về quái trạng ấy cả. Những chuyện mà các người ở quanh vùng Gôi kể cho tôi nghe đều là những vật chứng lờ mờ, không chuyện nào giống chuyện nào, vì mỗi người lại thêm bớt mỗi vẻ theo ý riêng của mình.

Sau cùng, biết rằng tôi vô lực, tôi đành gắng quên dục vọng của tôi đi. Quên làm sao được? Càng ở những chỗ phồn hoa đô thị, lòng tôi lại càng như quằn quại khó chịu; tôi càng tự trách mình sao không cố gắng thêm chút nữa, dò xét thêm chút nữa; biết đâu trong một pho sách ở Viện bảo tàng, hoặc trong ký ức của một ông già đã sống thời loạn lạc, lại không có một vết tích, một dấu hiệu, chỉ cho tôi biết đường lần mò để đi sâu vào câu chuyện huyền bí của hai nhà võ sĩ không đầu, hiện lên mỗi lần mưa tạnh nắng lên?

Ấy, cũng bởi tin rằng có người biết được sự tôi cần biết, nên tôi bỏ hẳn nhà một dạo, đi ngao du khắp đây đó, mong rằng sự tình cờ sẽ cho tôi được thỏa lòng. Không ngờ khi đến Ðồng Giao, tôi đã không tìm được một tí gì về câu chuyện của tôi, lại nghe thêm được một chuyện ly kỳ hơn, khiến cho tính tò mò của tôi càng sôi nổi thêm lên nữa...
 

chuabietgi

Member
ack ! bạn có thể ko đọc , ai ép đâu mà nói vậy ?
Tui post cho ai thik đọc thôi ! uhm, tuy vậy ... Cảm ơn vì bạn đã vào .. dù ko đọc !

Hạt Ðồng Giao


Khi chuyến tàu Hà Nội-Vinh ghé một phú tại ga Ðồng Giao để trút xuống mỗi một một người hành khách và một kiện hàng, thì kim đồng hồ nhà ga chỉ đúng 7 giờ 55 phút. Trời hôm ấy là một vòm trời đen tối; mưa phùn rả rích phủ kín không gian bằng một tấm màn ảm đạm; khí hậu nặng nề ẩm thấp; quang cảnh bốn bề lạnh lùng bí mật, chung quanh nhà ga đều là đồi núi rừng cây, khiến càng tăng thêm vẻ hoang vu rùng rợn.



Chỗ đó, xưa kia là một khu rừng sâu thẳm, ở vào một nơi đồi núi hiểm hóc, chỉ có thể dùng làm sào huyệt cho lũ giặc cỏ ẩn nấp hoặc làm trường mai phục cho hai đạo quân Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh khi Bắc Nam xung đột binh đao. Chỗ đó ở chính giữa khoảng giáp giới hai xứ Bắc và Trung Kỳ, nó chia rẽ bờ cõi hai kỳ bằng ba từng núi liền nhau; vì cớ ấy người ta gọi là đèo Tam Ðiệp.


Ai đã từng đi xe lửa từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, chắc cũng đã để ý đến một quãng đường sắt gập ghềnh, hiểm trở, có lắm đoạn khúc khuỷu, mỗi lần xe đi qua lại ngửa nghiên lúc lắc, phải nghìm bớt đà lại, làm cho hành khách khó chịu mỗi khi nghe tiếng nghiến kèn kẹt của b’anh xe ép chặt trong máy hãm, giữa khi thân thể thì bị rung chuyển vì con tàu quằn quại, lượn ngùng ngoằng như con rắn uốn éo trên một con đường hẹp hòi, đực ở giữa núi. Ló đầu ra ngoài cửa sổ để nhìn phong cảnh, ta chỉ thấy mặt đá trơ trơ, dựng cao như bức tường, và chung quanh toàn là thứ cây sậy khẳng khiu, mọc ở ven sườn đá. Một khi tàu chui qua khỏi núi ra tới nơi đất phẳng thì lại chỉ là một khoảng đất mênh mông bát ngát, lởm chởm những đá, trên mọc xanh um kín mít những thứ cây nhỏ không tên tuổi, lan rộng khắp vùng; trông bụi không ra bụi, đồng không ra đồng, chỉ thuần một màu xanh thẫm, không thấy mặt đất đâu nữa. Thứ cây đó chả hiểu là những loại gì, nó thấp lè tè, quá mặt đất độ hơn nửa thước, mọc chen lẫn với lau và sậy, với cỏ, với rêu, biến quãng bình địa ra một khu hoang vu xanh thẫm, rừng cây không ra rừng cây, nội cỏ chẳng ra nội cỏ. Trong muôn vàn thứ cây đó, thứ mọc nhiều nhất là cây săng, cây sim; có thứ lại có hoa trắng và hoa tím, điểm một nét diễm lệ trên vẻ trơ tẻ cằn cỗi của ngàn lau.

Ðã từ mấy năm nay, có một ông hào phú được nhà nước cho phép khai khẩn chốn hoang vu đó để làm đồn điền. Nhưng dáng chừng sự khai hoang khó khăn quá, nên nhà hào phú kia đành bó tay chịu thua Tạo Hóa, chỉ để lại trên đường sắt một tấm biển báo hiệu cho công chúng biết đất Ðồng Giao là nơi sắp thành ấp nay mai. Ai đi qua Ðồng Giao mà chẳng thấy một tấm biển gỗ to, đứng sừng sững trên ngàn cỏ xanh đã mấy năm nay, trên có một hàng chữ đập mạnh vào những người khách qua đường: "Concession Nguyễn Văn X..."

Sự mở mang khi đất rộng giáp với đường sắt ở vùng Ðồng Giao hẳn phải là một công trình vĩ đại, mà trong một thời gian ngắn ngủi, sức người khó nỗi làm xong. Muốn cho bãi đất hoang thành những cánh đồng phì nhiêu phong phú, tất phải bỏ ra một số tiền ức vạn, một là để phạt hết cây hoang cỏ xấu, hai là để san bằng mặt đất, vạt cho hết lượt sỏ đá gồ ghề. Công trình ấy cũng đủ nuốt hết một gia sản khổng lồ, huống chi lại còn phải xây nhà cửa, nuôi xúc vật, và trồng trọt! Có lẽ cũng vì thế nên nhà hào phú kia đành nhẩn nha làm việc, không thể tiến hành công cuộc khai khẩn một cách nhanh chóng nữa.

Ấy là chưa nói về khí hậu xứ Ðồng Giao. Ai đã từng ở vùng ấy độ dăm bảy tháng, ắt phải rùng mình ghê sợ, mỗi khi nói về thủy thổ miền giáp giới Bắc, Trung Kỳ. Ðó là tổ sốt rét rừng, dẫu uống ký-ning đến điếc tai cũng khó lòng tránh khỏi. Khí hậu thực là kỳ quặc: tuy ở vào miền gần bể, mà Ðồng Giao về phương diện thời tiết cũng chả khác gì những chỗ ở mạn Thượng Du, và có lẽ còn độc hơn các tỉnh lỵ vùng Thượng Du nữa. Ðêm thì lạnh buốt phải đắp chăn tới sáng, ngaỳ lại nóng bức như giữa mùa hè. Sống trong bầu hàn thử tương xung đó, phải có xương đồng da sắt mới tránh khỏi sự ốm đau quặt quẹo. Buổi sáng, tám giờ, sương trắng như sữa, đặc như khói, còn phủ kín non sông cây cỏ; mãi đến khi mặt trời lên cao lắm mới tan dần. Chiều tới, vào khoảng bốn năm giờ, sương đã bắt đầu rỏ xuống rồi tụ lại, chỉ chốc lát là phong cảnh bị chìm đắm trong một bức màn trắng đục, ẩm thấp, khiến người đi trong năm bước khó lòng trông thấy mặt nhau. Trong cụ quý xuân, mỗi khi có mưa dầm rả rích, sự nặng nề ướt át càng tăng gấp bội, trời thu một màu tiêu điều xám đục, đất thì vắng lạnh đìu hiu, phong cảnh thực là thê lương ảm đạm. Có lẽ vì vùng Ðồng Giao ở cao hơn mặt bể, lại có các rừng núi bao bọc, nên tuy không xa đồng bằng mấy, mà khí hậu thời tiết khác hẳn các miền ở đồng bằng. Quanh năm không khí bao giờ cũng đầy hơi nước; sự ẩm thấp không làm sao tả xiết; cỏ hoang rêu lạ tha hồ được tươi tốt nhưng quần áo đồ đạc thì luôn luôn phải hơ, phải sấy, nếu không ắt bị mốc bị mục một cách mau chóng lạ thường.

Ðem so sánh các tỉnh rải rác trên quãng đường thiên lý chạy từ Hà Nội đến Huế, thì có lẽ hạt Ðồng Giao là chỗ độc địa nhất. Sở dĩ nước độc, tại vì bống chung quanh hạt toàn là rừng rú, ngàn nội, truông sậy hãi lau; những cây lá mục nát từ thuở xưa còn chồng chất cả trên mặt đất, trong lòng suối, khiến nước xanh lè như màu rêu, hoặc đục váng lên như nước ao tù.
 

chuabietgi

Member
Những cây cỏ thường hay giữ lấy hơi nước, không cho tan đi, lại nhuốm các khí độc ở đất bốc lên, thu tấ cả bao nhiêu những nguồn ám chướng vào lòng rừng rú. Gia dĩ trong rừng, bóng mặt trời không lọt vào được, lá cây cổ thụ rườm rà che lấp hẳn ánh nắng, hóa nên sự ám chướng thiêng niên vạn đại cũng chưa tiêu. Lá cây, khi rụng xuống, xếp lên thành khối, lâu ngày mục dần biến ra một tảng đất đen hôi thối, có khi rơi vào nước, hoặc ngấm vào mạch nước, đầu độc cả các suối, các ngòi. Dân cư bởi thế, không tài nào tránh khỏi bệnh tật, vì ai ai cũng đều phải lấy nước làm một sự cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Ðấy, chỉ là xem qua như thế, ta cũng đủ thấy đất Ðồng Giao là một vùng ám chướng; mà không những hạt ấy chỉ độc ở khí hậu, chỉ buồn tẻ cằn cỗi ở phong cảnh, nó lại còn dữ dội tàn ác ở chỗ rừng núi bụi bờ chứa đầy các mãnh thú sinh hoạt một cách rất hùng cường phồn thịnh trong vẻ phồn thịnh của cỏ cây.

Bởi địa thế hiểm hóc, Ðồng Giao đã làm trường thí nghiệm cho muôn ngàn tấn bi kịch khủng khiếp. Nào là cướp bóc, chém giết, nào là hãm hiếp, giam kìm v.v... Những các trò thương tâm ấy đều là của loài người, tranh cạnh với loài người, mà diễn ra, nó không có tính cách lạ lùng cho lắm. Thê thảm bi đát hơn ấy là sự mãnh thú, vì đói ăn, bắt loài người cấu xé ra từng mảnh, xác thì dùng để lót dạ, mà hồn thì đày đọa vào kiếp nô lệ ma trành. Một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện Hổ hại người, tình cờ khi đặt chân lần đầu trên đất hạt Ðồng Giao này tôi đã được nghe thuật lại.

Bạn hãy theo tôi xuống tàu vào ga một chút, rồi chúng ta sẽ cùng đi tới đầu đề. Hôm đó, trời mưa rả rích, lại tối đen như mực, dẫu vừa mới tám giờ đêm. Quang cảnh nhà ga trông quạnh hiu hoang vắng, sự buồn sự lạnh thấu trời rơi vào tận đáy tâm hồn. Tàu huýt còi rồi nặng nề lăn bánh trên con đường sắt, chui vào bóng tối chập chùng. Tôi ngẩng trông trời, mưa phăn tạt vào mặt, tỉnh táo ra đôi chút. Một mình thui thủi, tôi xách va ly thất thiểu trên vỉ đường ẩm thấp, đi vào cửa ga.

Cửa ga hé mở có một cánh. Một người thư ký gần gò trong chiếc áo the lụng thụng, giơ tay đón lấy cái vé tôi trao. Tôi cũng chả buồn nhìn xem ông ta già hay trẻ và mặt mũi thế nào. Vả lại tối lắm.

Bước vào mé trong ga, tôi thấy ấm áp dễ chịu. Ánh sáng các ngọn đèn dầu tây tỏa ra một cách dịu dàng trong gian phòng hẹp vắng, bẩn thỉu, trên tường có tranh ảnh của sở hỏa xa xuất bản, ở một góc lại có một c ái cân to.

Tôi còn đương bàng hoàng ngần ngại, ở bóng tối bỗng đâu nhô ra một người vạm vỡ, mũ dạ đội sụp lấy trán, áo tơi mưa bọc kín cả người. Chàng lực sĩ ấy ra nắm lấy tôi, rồi nhe ngay bộ răng trắng nhởn.

-Tôi đợi anh đã lâu. Sao tàu chậm thế?

Tôi mới nhận ra rằng đó là Trần Văn Thủy, bạn tôi, mà nhà thầu khóan to hiện đương dở công việc xây đắp nhà cửa và đường sá ở mạn Ðồng Giao. Anh Thủy thấy tôi mừng quýnh như kẻ được vàng, vội kéo tôi xềnh xệch ra khỏi ga, đẩy tôi lên xe ô tô, mở máy chạy vèo vèo trên con đường đá vụn. Tôi ngồi trên xe, chỉ nhìn thấy một vùn vô định, lờ mờ u ám, không còn nhận rõ sự gì. Duy chốc chốc lại nghe tiếng sỏi bắn vào thành xe, kêu rắc rắc, và luôn luôn bên tai tiếng động cơ xoay chuyển đều đều. Một nửa giờ như thế, xe ngừng lại. Bạn tôi bấm đèn "pile" rọi sáng, đưa tôi vào một tòa nhà.

Trời tối lắm, tôi cũng chả biết nhà ấy lợp bằng ngói hay bằng gồi, tiến vào nhà thì thấy trên nền nhà cao ráo, phòng ốc rộng rãi, tường tuy bằng rơm và phên trát vữa, nhưng có cửa kính cửa chớp chắc chắn, mé trên thì cũng có trần như các nhà tây. Trong nhà có ghế xa lông rơm, và dăm bộ phản, cùng một bộ bàn ăn. Bày biện rất sơ sài, song thực là ngăn nắp sạch sẽ, thoạt mới vào ai cũng phải võ đoán chủ nhân là một kẻ làm ăn cẩn thận, ưa sự thực tế mà ghét thú xa hoa. Trên tường, quét vôi trắng toát, chả có tranh ảnh gì cả. Gian giữa, thì thấy treo một khẩu súng trường dài nòng và ba thứ khí giới ta; một thanh mã tấu, hai thanh quất và một cái nỏ. Thế là hết. Các đồ trang hoàng chỉ có thế, còn thì trơ trụi mặt tường không.

Nhưng ta cũng chớ nên vì thấy vẻ sơ sài đó một vội liệt chủ nhân vào hàng người chỉ có óc buôn bán, không có óc mỹ thuật. Thực ra, Thủy là một thanh niên rất chuộng văn chương, âm nhạc; sở dĩ chàng chịu sống trong hoàn cảnh trơ tẻ như thế chỉ bởi chàng muốn theo đúng chí hướng của cha, muốn tự buộc mình luôn luôn phải nghĩ đến sự làm ăn để làm thí dụ cho đứa con thơ và cho vợ. Cái nhà ở Ðồng Giao này, chẳng qua chỉ là chỗ sống tạm bợ mà thôi, hà tất phải vẽ vời trang hoàng bày biện mỹ lệ làm gì cho tốn. Có quen Thủy lâu ngày, có đi sâu vào tâm lý chàng, mới có thể hiểu chàng là một nhân vật dễ xúc cảm, dễ mơ mộng, dẫu bề ngoài chàng cố hết sức nén đè các tính tình nhu nhược của mình đi.

Thoạt vừa tới nơi, tôi đã thấy trên bàn bày sẵn sàng bát đũa và các món ăn nghi ngút. Có một sự làm tôi chú ý nhất, ngạc nhiên nhất, nhưng cũng vui thú nhất: ấy là một bộ khay đèn sáng loáng rất tươm tất bày trên một cái sập gụ ở góc phòng...

Ăn cơm có Lệ Thi, vợ Thủy, cháu Thu Nhi, con gái Thủy, bạn tôi và tôi. Chuyện trò vui vẻ, ăn ngon quá, đồ ăn hết nhẵn, vì Thủy ăn khỏe như hùm. Giữa chốn đồng rừng u tịch này, vợ và con gái Thủy tựa như hai đóa hoa thành thị, lạc vào bãi thảo mộc xanh um của đồi núi, ngõ hầu đem đến cho kẻ bị đày vào nơi hoang vắng một chút hương thơm của chốn náo nhiệt phồn hoa. Vợ con Thủy tức là một cái mục gia của chàng, cái mục gia mà, mỗi lần quá mệt nhọc ưu tư, chàng quay về ngắm nghía thì khuây hẳn nỗi âu lo sầu lao khổ. Có ở một chỗ xa xôi lạ người lạ đất, ở một chỗ mà "lau già trúc võ nẩy mầm quanh hiên", thì mới biết bàn tay mềm mại của người đàn bà và tiếng nói líu lo của trẻ con, thực quả là rất cần thiết cho sự sinh hoạt thường ngày. Mất hai thứ quý báu ấy cuộc đời dễ tẻ dễ chán lắm, và mỗi lần phải xông pha những cuộc khó khăn để đạt tới cong danh hay phú quý, thì không làm gì có sự khuyến khích thiết tha tâm trí để bền lòng gắng sức tiến lên.
Trong đời kẻ anh hùng, đem toàn thân thờ một quan niệm siêu quần, có lẽ vợ con là một điều trở ngại cho chí khí. Nhưng trong đời một kẻ sống một cách tầm thường bình dị thì sự thiếu vợ con quả là một nỗi buồn rầu, một động lực làm trở ngại sự tấn tới trên đường sinh hoạt.

Bởi thế, đối với Thủy, tôi thấy ngay rằng anh đem vợ con cùng ra Ðồng Giao là một điều chí lý, dẫu rằng khí hậu thủy thổ ở đất này không dược lành như ở đồng bằng. Song le, vì anh khéo giữ gìn, ăn đúng phép vệ sinh, nên cả nhà anh ít bị ốm đau quặt quẹo; vợ con anh trông đều khỏe mạnh cả, không đến nỗi mặt bủng da chì như phần nhiều dân ở nước độc rừng thiêng.

 

chuabietgi

Member
Cơm nước xong, cả hai vợ chồng bạn và đứa con thơ theo gót tôi cùng lại sập gụ ở góc phòng, bốn chúng tôi quây quần chung quanh bàn đèn, nói chuyện với nhau như họp chợ. Lệ Thi tự tay rót nước lọc ra ấm, đặt lên đèn cồn, đung một ấm nước sôi. Rồi lại tự tay nàng lấy cốc lấy đường, pha cho hai anh em tôi mỗi người một cốc cà phê rõ đặc.

-Hút thuốc có kèm theo cà phê đắng mới thú vị, em nghe cậu em ngày trước vẫn nói như vậy. Ở đây tuy có cà phê nhưng rang lấy không được ngon lắm, bởi thế thứ cà phê này, em phải gửi từ Hà Nội xuống đây. Nhà em uống quen rồi, cứ gần hết em lại vội nhắn mua kỳ được, nếu không cơn nghiện ông ấy lên, ông ấy ray rứt cho đến khổ!... Nhưng mà... anh thử uống xem có phải đúng Moka hảo hạng đó không?

Hôm đó thực là ngày hội. Nào là Lệ Thi, nào cháu Thu Nhi, nào Thủy, nào tôi, cứ cướp lời nhau mà nói, nói đến chỗ vui quá lại cười ầm lên. Cho đến khi cháu Thu Nhi buồn ngủ Lệ Thi mới chịu dắt con vào phòng. Chỉ còn hai anh em chúng tôi nằm đối diện nhau cạnh bàn thờ Phù dung nữ chúa mà thôi. Thủy đứng đậy bỏ màn xuống cho đỡ muỗi.

Ðêm lúc ấy đã khuya. Chim rừng queng quéc báo hiệu đầu giờ Tý. Bạn và tôi buổi này không đàm đạo nữa, cùng nằm yên hưởng thú tĩnh mịch của canh trường. Chúng tôi hiểu rằng nói chuyện với nhau vô ích; đã là đôi bạn tri giao thân thiết, thì nhiều khi kề bên nhau cũng đủ rồi. Chúng tôi được gần kề nhau, được thấy mặt nhau, còn gì sung sướng khoan khoái hơn nữa; tội gì đem lời nói phá tan sự khoan khoái ấy đi. Trong cái êm đềm quạnh quẽ, tình thân yêu quý mến còn nồng nàn hơn lúc nói cười. Có biết nằm yên để lẳng lặng nhìn nhau, đó mới thực là tương ái đến tột điểm. Mà có khi lại không cần nhìn nhau nữa; mỗi người nhắm mắt mơ màng một lối, miễn là đều có tín ngưỡng rằng cả hai cùng được gần nhau. Thế là đủ, trong tất cả cuộc đời thân thiện của Thủy và tôi, chúng tôi tương tri nhau ở chỗ ấy hơn cả.
Tôi bấy giờ mới thấy thuốc Mẹo thấm vào gân cốt, trong người nhẹ nhàng êm ái, say sưa một cách rất dịu dàng, chỉ muốn lơ mơ nằm điềm tĩn bên khay đèn mãi mãi, đừng bao giờ phải dậy nữa.

Thực là một thú vị, êm đềm và huyền ảo, không tài nào tả rõ được. Trong lúc bàng hoàng, yên chí rằng có bạn ở bên cạnh, và cũng đương trầm ngâm mơ mộng như mình, tôi cứ yên lặng nghĩ quanh nghĩ quẩn hết xa đến gần, thức cũng không phải thức, mà ngủ thì không ngủ được, linh hồn nửa tỉnh nửa mê, phiêu diêu phảng phất, đi sâu vào cõi Yên Hà. Bất giác tôi nghĩ đến đôi câu đối:

Cao ngọa gia san, hô hấp vân yên hàm bán tháp;
Ẩn cư cầu chí, trù mấu phong vũ đối có đăng...

Tôi bèn ngâm váng lên một cách rất tự nhiên, nhưng thực quả là vô lý.
Bạn tôi, có lẽ đương lim dim ngủ, giật mình tỉnh dậy. Nhìn đồng hồ, bấy giờ vào khoảng hơn một giờ đêm, đầu giờ Sửu. Thủy với tay lấy cốc cà phê, ghé lên mồm uống một hớp nhỏ. Tiếng cùi dìa sắt (cái muỗng) đụng vào thành cốc leng keng.

Liền lúc ấy, xa lắm, xa lắm, tôi thoáng nghe có tiếng đờn ca não ruột. Tôi lắng tay chú ý. Im lặng. Chỉ có tiếng mưa tuôn rả rích, tiếng gió phả vì phèo, tiếng trùng than dế khóc, và chốc chốc một con chim rừng kêu quạc quạc trên ngàn. Tôi lại ngả đầu xuống gối.

Bỗng đâu, một nhịp đàn hát lại văng vẳng lọt vào tay tôi, nhỏ lắm, xa lắm, tưởng chừng ở cõi vô hình đưa lại. Dưới manh lực của Phù dung, xúc động hết giác quan của tôi khi say khói, tai tôi nghe thính một cách lạ thường. Tôi áp tai xuống phản.
 

chuabietgi

Member
Thì này, không còn sai nữa, rõ ràng có tiếng hat ở đâu đây! Tôi hết sức lắng nghe. Từng quãng một, như xa như gần, như khoan như nhặt, âm thanh kia réo rắt từng hồi. Càng ngày nghe càng quen, càng rõ. Một chốc, tiếng đờn ca ngừng bặt, rồi lại tỏa ra; nhưng ước chừng gợn dư âm kia ở mãi ngọn đồi, chân ải, ở một vùng xa nhà bạn tôi đến dăm bảy trăm thước, không biết phát xuất từ hướng nào. Cũng có lúc, nhờ sức gió bạt sang, nghe rõ nửa câu, vài điệu; lại có khi gió quay đi hướng khác, chỉ nghe lờ mờ văng vẳng mà thôi.
Tôi chú ý đến nửa giờ, mới đoán được giọng hát kia là giọng một cô đào hát nói. Bởi lẫn trong đàn hát, một đôi khi thoáng nghe có dịp phách chấm câu. Thôi, đích thị rồi! Có lẽ quanh vùng này, có nhà hào mục, tổng lý nào được ăn khao, vui mừng nên đặt ra trò tiêu khiển thanh cao nhã đạm ấy. Nếu không phải thế thì trong hạt này làm gì có cái của hiếm, giống những nơi xa hoa phồn thịnh, tức là cái thú cô đầu?

Nghĩ thế, tôi ngồi nhỏm lên, với tay gọi bạn:
-Này Thủy, ở đây có nhà nào đặt tiệc ăn mừng không?

Bạn tôi mắt nhắm mắt mở, choàng thức dậy, với lấy cốc cà phê hớp mấy ngụm cặn cuối cùng. Xong, mới hỏi tôi:
-Cái gì thế? Anh không hút thuốc nữa à!
-Tôi muốn hỏi ở đây, có nhà tổng lý nào được sắc ăn khao mà hát xướng om sòm lên thế?
-Làm gì có ăn khao, làm gì có hát xướng! Có lẽ tai anh bị ù đấy.
-Nói lạ! Rõ ràng, tôi lắng nghe đến nữa giờ, có tiếng hát ả đào văng vẳng, nên mới tưởng rằng quanh vùng này có tiệc ăn khao...
-Anh nghe thấy tiếng hát ư? Thế thì anh có phúc thật! Tôi ở đây đã mười mấy tháng trời, mà cả hai vợ chồng, chả đứa nào nghe thấy gì cả!
-Anh nói cái gì tôi không hiểu? Nghe cái gì?
-Nghe hát.
-Hát gì?
-Hát cô ả đào...
-Cô đào ở đâu?
-Ở trong rừng nghĩa là ở trong rừng, chứ sao!
-Thằng cha này nói vô lý! Cô đào nào lại có thứ cô đào ở trong rừng?
-Thế mà ở trong rừng mới lạ chứ!
-Thôi, hẳn lại có sự bí hiểm gì ở chỗ này rồi, chớ không sai! Anh Thủy ơi! Anh làm ơn kể cho đệ nghe với nào!
-Dễ chửa, anh có gì biếu, tôi mới kể cho mà biết; chớ dễ thường mỗi lần muốn thỏa chí tò mò hiếu sự, thì anh cứ việc đang đêm hôm dựng cổ tôi dậy, là tôi phải kể hầu anh nghe đấy ư?
-Tôi lạy anh. Hễ anh kể tôi nghe, mà tôi viết được thành sách thì quyển sách ấy sẽ riêng tặng anh. Lệ Thi và cháu Thu Nhi! Thế là món quà quý nhất của tôi đó.
-Ừ, thì được, nhưng mà hãy thong thả một chút. Ðể tôi đánh thứ Lệ Thi dậy, bảo đun nước pha một cốc cà phê đặc uống cho tỉnh táo đã, sau đó mới kể cặn kẽ cho anh nghe.
-Thôi để tôi pha hầu, hà tất phải làm tội Lệ Thi như thế!
-Không được! Chỉ có vợ tôi pha, tôi uống mới ngon thôi, vì nó biết tính tôi rồi. Bao nhiêu nước, bao nhiêu đường, lại chỉ được lọc nửa cốc thôi, còn thì pha thêm nước sôi, nếu không, uống sẽ đắng mà không thơm. Lệ Thi! Còn thức đấy không? Dậy anh mượn tí.

Lệ Thi trong màn bước ra, vừa đi vừa vấn tóc. Dưới ánh đèn lờ mờ, trông nàng ban đêm đẹp quá. Nàng lịch kịch đun nước, pha cho hai cốc cà phê. Và nàng lại róc mía đường chèo chất đầy một đĩa cho chồng hãm giọng.
Ðương khi chờ đợi, Thủy uống hớp cà phê đầu thì lòng hiếu kỳ của tôi được mãn nguyện, và muốn cho câu chuyện đượm thêm vẻ nồng nàn đầm thắm, tôi lại khêu thêm đèn để hút thuốc nữa, khiến cho thời gian chung quanh mình cũng bớt phần ảm đạm, nặng nề.

Tiếng nước réo mãi không sôi làm tôi thêm sốt ruột. Lệ Thi quay vào buồng đắp kín chăn cho con cháu bé, xong quay ra giắt màn cho chúng tôi cẩn thận, rồi yểu điệu ngoan ngoãn ngồi thu hình sau lưng chồng, góp thêm trong quãng u tịch của đêm trường một cái bóng dịu dàng bên hai chiếc bóng cứng cỏi của tôi và Thủy.

Ngoài thềm, tiếng trùng than dế khóc ầm ĩ tỉ tê như một khúc nhạc rầu rĩ êm đềm. Vài chiếc lá khô, thỉnh thoảng bị gió bạt lìa khỏi cành, xào xạc rơi xuống mặt sân gạch. Gió từng luồng nhẹ, chốc chốc rúc vào khe cửa, rên lên một tiếng não nùng như tiếng thở dài. Mưa, nghe chừng đã tạnh, nên không có tiếng tí tách rả rích trên vỉa hè nữa. Vạc, hàng dãy, xé không trung bằng những tiếng rải rác, ngắn ngủi không hề có gợn dư âm. Lệ Thi vươn tay qua mình chồn, lấy cái lọc cà phê bỏ ra ngoài, Thủy hớp được vài hớp nước nóng, bấy giờ mới đằng hắng vài cái, bắt đầu nói chuyện. Bóng Lệ Thi vẽ lên màn một cái hình thiếu phụ mơ màng.
 

Tinkerbell

Member
Truyện này của Tychya bé Chưa biết gì nhỉ, đại loại tên như thế chả bít chị có viết sai không. Đọc truyện này lâu lắm lắm rồi. Đây là một trong những truyện ma đầu tiên ở Việt Nam có phải ko nhỉ?
 

tiamo_no1

Member
chuabietgi said:
ack ! bạn có thể ko đọc , ai ép đâu mà nói vậy ?
Tui post cho ai thik đọc thôi ! uhm, tuy vậy ... Cảm ơn vì bạn đã vào .. dù ko đọc
Nói câu này nghe mất lòng nhau wa'!!!
Viết thế kia chỉ là 1 cách ... câu thôi mà:)
Dẫu sao bạn nói thế cũng làm tớ phải bỏ thời gian ra để đọc rùi đó
 

chickie_guy

New Member
truyen nay minh cung doc roi, trong tap truyen " Dem buom ma" do cac ban, ra hieu sach co rat nhieu. nhung mot dac diem cua truyen ma VN la van con mang nhieu tinh triet ly, it tinh tiet li ki` va so hai, doc xong rui wen luon ha`>:)
 

superstar

New Member
chuyện này mình đọc từ lâu lắm rồi, từ hồi lớp 1 lớp 2 j cơ. mình ấn tượng nhất với đoạn con hổ ấy... bi h vẫn nhớ.
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top