Symphonia - Oratoria kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh Bác Hồ

Sưu tầm nguồn http://www.giaidieuxanh.com.vn/nhaccodien/2005/05/424815/

Hòa trong không khí những ngày lễ lớn năm 2005, Gs.Ts.NSND Quang Hải đã sáng tác bản Symphonia - Oratoria kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam.

Oratoria là một thể loại thanh nhạc giao hưởng lớn thể hiện các đề tài mang kịch tính sâu sắc, thường đề cập đến những nội dung anh hùng ca, sử thi hoặc những cốt truyện mang tính tư tưởng lớn của thời đại. Cũng giống như opera, trong oratoria cũng bao gồm những tiết mục đơn ca, hát nói, hợp ca, hợp xướng... và các đoạn khí nhạc. Nhưng trong oratoria chủ yếu là hợp xướng còn đơn ca chỉ như những hình tượng cá biệt. Điểm khác nhau cơ bản giữa opera và oratoria là: nội dung opera được khai thác trên cơ sở hành động và tâm lý kịch của sân khấu còn oratoria chỉ mô tả những sự kiện xảy ra với việc trình các tiết mục mà không có hành động kịch.

Symphonia - oratoria là sự kết hợp giữa hai thể loại symphonia và oratoria. Ở tác phẩm này tác giả đã sử dụng hình thức cấu trúc của thể loại symphonia và những yếu tố thanh nhạc, kể chuyện của thể loại oratoria, chúng được vận dụng một cách sáng tạo, ngoài hợp xướng còn có đọc thơ trên nền nhạc, sự đối đáp giữa các giọng đơn ca, hợp xướng...

Tác phẩm gồm 5 chương diễn tả câu chuyện của người con ưu tú của dân tộc ra đi tìm đường đưa dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ.

Chương I - Bình minh trên làng Sen

Chương này được viết theo hình thức 3 đoạn phức, vào đầu là âm điệu của Ví dặm Nghệ Tĩnh, mênh mang, lắng sâu do kèn hautbois diễn tấu, tiếng kèn u uất như giãi bày tâm sự buồn đau. Kế tiếp là giai điệu của dàn dây như tiếng vọng tang tóc. Nhưng những nét nhạc này sau đó được chuyển sang thể trưởng với cường độ lớn dần, âm nhạc tươi sáng hơn, như báo hiệu một ánh bình minh sẽ xuất hiện trong màn đêm.




Chương II - Bao năm bôn ba

Cấu trúc 3 đoạn và với những thủ pháp phức điệu (fuga), âm nhạc mô phỏng theo thanh điệu của câu thơ "Bao năm bôn ba tìm đường cứu nước".




Với thủ pháp phức điệu, các nhạc khí, nhóm nhạc khí thi thố với các bè độc lập, có khi đối đáp nhau như một cuộc đối thoại,cũng có khi bổ trợ nhau như sự gặp gỡ, cũng có khi một giai điệu đơn như lặn lội kiếm tìm... Nhưng những sự gặp gỡ đầu tiên vẫn chưa phải là chân lý. Đoạn basso ostinato thể hiện rõ nhất ý đồ này.




Con đường kiếm tìm chân lý thể hiện qua 6 nét nhạc khác nhau để rồi cuối cùng xuất hiện ở cao trào,tất cả 6 nét nhạc cùng âm điệu bài Quốc tế ca được dàn nhạc thể hiện theo thủ pháp tổng hợp hòa âm và phức điệu. Giai điệu Quốc tế ca được thể hiện nổi trội bởi âm sắc kèn trumpet, như sự khẳng định chân lý của con đường đấu tranh mà Bác đã tìm được sau "bao năm bôn ba".

Chương III - Ngày trở về

Chương III cũng được viết với hình thức 3 đoạn phức. Giai điệu được mô phỏng từ thanh điệu của 3 âm "ngày trở về" tương tự như chương II mô phỏng từ câu thơ "Bao năm bôn ba tìm đường cứu nước". Phương pháp này có thể xem là một trong những đặc điểm sáng tác của tác giả, khi sử dụng trong một số sáng tác khí nhạc của mình khá hiệu quả.




Âm điệu dựa trên điệu thức 5 âm và với sự xuất hiện nốt lướt tạo nên quãng 2 thứ như tô đậm thêm tính chất bi thương, da diết của tâm trạng sau bao năm xa cách trở về quê hương. Nhưng chương III vẫn kết thúc với âm hưởng lạc quan như niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng...

Chương IV - Đêm nay Bác không ngủ

Chương này dàn nhạc làm nền minh hoạ để đọc bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (của Minh Huệ). Đưa bài thơ vào tác phẩm tác giả như muốn dùng hình tượng "không ngủ" để nói lên những thao thức, trăn trở của Bác với con đường cách mạng. Đoạn cuối chương này là 3 giai điệu hòa quyện vào nhau. Đó là những giai điệu quen thuộc, tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Pháp: Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Hò kéo pháo (Hoàng Vân) và giai điệu tươi vui hùng tráng như khúc khải hoàn: Giải phóng Điện Biên (Đỗ Nhuận).

Chương V - Không có gì quý hơn độc lập tự do

Chương này dùng hình thức 3 đoạn phức nhưng với thủ pháp phức điệu cao cấp - fuga kép. Ở đây là sự kết hợp chặt chẽ 2 tập thể: dàn nhạc giao hưởng và dàn đại hợp xướng - một sự kết hợp tiêu biểu của thể loại oratoria. Lời của hợp xướng đơn giản, ngắn gọn, nhưng là một chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và lời đồng vọng của dân tộc: "Lời Bác vang vọng ngàn năm. Lời Bác vang vọng bốn phương. Lời Bác vang vọng núi sông".






Bè này gợi thì một bè khác đáp, cứ như thế âm nhạc luân chuyển qua nhiều điệu tính khác nhau, dẫn đến cao trào của chương kết. Ở cao trào, hợp xướng chia làm 2 khối hát đuổi, dàn nhạc cũng chia làm 2 khối: khối kèn đồng chia đôi hỗ trợ cho 2 bè hợp xướng; khối kèn gỗ và bộ dây đi một nét nhạc khác buộc chặt các khối với nhau tạo thành một âm hưởng thống nhất.

Ở đoạn cao trào, lời hợp xướng là âm hưởng của cuộc mitting mừng thắng lợi và tưởng nhớ lãnh tụ: "Muôn năm, muôn năm Hồ Chí Minh" rồi âm nhạc nối tiếp với bài Giải Phóng miền Nam. Tất cả như gợi cho chúng ta không khí của ngày thống nhất đất nước, ngày mà "lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng" kết thúc một chặng đường cách mạng.

Hữu Trịnh
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top