Sách giáo khoa điện tử: Góc nhìn đa chiều

lion

Moderator
Staff member
Sự xuất hiện của SGK điện tử (Classbook) là một bước đột phá trong giáo dục – Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia giáo dục. Bên cạnh những tính năng ưu việt, không ít ý kiến băn khoăn rằng nếu có SGK điện tử, vai trò của người thầy sẽ như thế nào? Tương lai của sách giấy đi về đâu?... Những câu trả lời từ các chuyên gia giáo dục phần nào mở một góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn về SGK điện tử.
Không phương tiện hiện đại nào thay thế được người thầy

Đem thắc mắc hỏi PGS Văn Như Cương: Rằng có SGK điện tử, chắc hẳn người thầy sẽ mất dần đi vị thế? Vì đâu cần phấn trắng bảng đen nữa? Chỉ cần một SGK điện tử như chiếc Ipad, rồi cứ thế mà chấm chấm, kết nối, tìm lời giải là đủ rồi… Thầy Cương dứt khoát lắc đầu, vung tay khẳng định: Sách giáo khoa điện tử không thể thay thế được vai trò của người thầy trên lớp.
Ví như giải một bài toán trắc nghiệm đưa ra trong classbook, sau khi làm, các em có thể kiểm tra xem đáp số của mình đúng hay sai. Nhưng nếu học sinh thấy mình ra đáp số sai nhưng muốn hiểu cặn kẽ ngọn nguồn thì lại không thể hỏi classbook. Nếu có thầy giáo, em có thể hỏi ngay và được giải đáp tận tình.
Chính bởi vậy, theo thầy Văn Như Cương, trong bất kỳ phương pháp giáo dục nào, người thầy vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Classbook chỉ là một phương tiện hỗ trợ cho các giáo viên, làm cho một số một công việc của thầy cô giáo được tiếp cận với học sinh một cách tốt hơn. “Tôi nhắc lại, phương tiện hiện đại nào cũng không thay thế được vai trò của thầy giáo” – Thầy Cương nhấn mạnh.
Khẳng định được như vậy vì chính thầy Văn Như Cương cũng đã mua SGK điện tử về cho các cháu trong nhà dùng. Ông kể, mới đầu, chúng nó cũng háo hức, rồi cũng nguội dần đi, có lẽ bởi chưa quen mà vẫn thích lật giở sách giấy hơn. Ông cũng đã “nghiên cứu” thử SGK điện tử. Ưu điểm thì thấy rõ. Nhưng quan trọng nhất chính là công cụ giáo dục hiện đại này có giúp cho việc dạy và học tốt hơn hay không.

Cần dụng công kết hợp truyền thống và hiện đại
Nhiều bậc cha mẹ quan tâm rằng nếu mua SGK điện tử cho con học lớp 1, lớp 2, viết còn chưa thạo, mà cứ mê mải lướt tay trên sách điện tử thì không biết sẽ thế nào. NGƯT Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, đơn vị đang thí điểm sử dụng SGK điện tử trong giảng dạy - cho biết: Khi dùng bất cứ một thiết bị nào để dạy và học đều có tính hai mặt. SGK điện tử có rất nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên giáo viên dạy phải biết kết hợp để không ảnh hưởng đến việc rèn kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng viết.
Ở đây vai trò của giáo viên cần phải phát huy tác dụng rất cao vì không phải tất cả thời gian học ở trên lớp các con chỉ sử dụng SGK điện tử, mà còn dành thời gian để rèn kỹ năng. Đối với học sinh tiểu học thì việc các em luyện viết, luyện vẽ bằng tay rất quan trọng, trong khi đó SGK điện tử lại chưa làm được điều này. Bởi vậy, với môn Toán và Tiếng Việt, nhất thiết phải có sự kết hợp ở sách giáo khoa giấy.
Chính bởi vậy, việc dạy và học ở trong nhà trường vẫn phải có sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Và giáo viên cần phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc dạy HS khi có SGK điện tử. Để làm sao học sinh hứng thú với các môn học có hình ảnh minh họa đẹp, âm thanh hay, nhưng vẫn yêu mến lật giở từng trang sách giấy để học môn thủ công, mỹ thuật, công nghệ…
Sự kỳ vọng
NGƯT Nguyễn Thị Hiền cho rằng để đạt hiệu quả tốt nhất trong dạy và học, cần kết hợp SGK giấy và SGK điện tử
Theo nhiều chuyên gia, hiện các sách điện tử vẫn không khác gì nhiều sách giáo khoa thông thường, thậm chí nhiều học sinh vẫn thích được mở sách giáo khoa theo cách truyền thống. Chính bởi vậy, sách giáo khoa điện tử cần thực sự tận dụng được những ưu điểm “điện tử” mà những cuốn sách thông thường không có được.
Với PGS Văn Như Cương, môn Toán được chú ý nhất, đặc biệt là môn Hình học không gian - có lẽ bởi ông là một trong những người viết sách giáo khoa môn Toán. Thầy Cương chờ đợi ít nhất là trong các hình vẽ của môn học này, classbook sẽ có những hình 3D để cho học sinh quan sát hình dung một cách dễ dàng hơn. Các hình vẽ có thể chuyển động, có thể quan sát ở góc cạnh này hay góc cạnh khác - điều mà sách giấy không thể làm được. Chính vì vậy mà các thầy giáo thường phải dùng các mô hình trực quan bằng giấy, bằng bìa để cho học sinh hiểu rõ. Vậy nhưng hiện tại SGK điện tử chưa làm được điều này. “Công việc này hết sức phức tạp cho classbook nhưng dứt khoát phải làm. Tôi hy vọng rồi đây những người xây dựng cho các bộ môn học như vậy sẽ làm tốt hơn. Muốn vậy phải có sự đóng góp của những nhà chuyên môn, những người viết sách giáo khoa và những thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp bộ môn này” – Thầy Cương bày tỏ kỳ vọng.
Còn NGƯT Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Theo tôi thì hiện nay sách giáo khoa điện tử đã chép nguyên toàn bộ sách giáo khoa giấy, bởi vậy không bỏ sót một vấn đề gì. Cái lợi của classbook là có những phần mà sách giáo khoa không có được, chẳng hạn như phát âm tiếng Anh, một bài văn về lão Hạc thì có một đoạn phim minh họa hoặc một bài thơ thì có giọng đọc truyền cảm... Tuy nhiên điều đó đối với một số môn như Toán, Lý... thì cũng chưa minh họa được nhiều thậm chí có thể nói là chưa minh họa được gì.
Cần thêm thời gian để học sinh, các bậc cha mẹ và giáo viên… thử nghiệm tính tiện ích của SGK điện tử và để nhà sản xuất tiếp thu các ý kiến đóng góp, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng xét cho cùng, sách giáo khoa điện tử hay sách giáo khoa truyền thống cũng chỉ là một trong nhiều công cụ hỗ trợ quá trình dạy học, không phải là tác nhân chính quyết định chất lượng giáo dục của một nhà trường. Vì để có được chất lượng giáo dục tốt, cần phải có sự phối kết hợp của nhiều yếu tố khác nữa.
Classbook là sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã được triển khai thí điểm tại khoảng 80 trường - tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.

sgd&dt
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top