Nhớ trường Bưởi (hồi ức của một "ông" cựu học sinh Chu Văn An)

Grenouille_vert

Moderator
Cái này GV lấy bên Trái Tim Việt Nam, chưa xin phép được chủ nhân bài viết nhưng chắc là bạn ý cũng sẽ đồng ý thôi :)

(nick: mydiplomat2003 forum: www.ttvnol.com/cva.ttvn/31330 12/6/04)
Ông ngoại tớ ngày xưa học ở trường Bưởi và ông đã viết hồi ký về trường. Ông tớ viết hồi ký này cũng khá lâu rồi (năm 1998) và bây giờ tớ muốn chia sẻ cùng các bạn với mong muốn giúp bạn hiểu thêm về mái trường và học sinh của trường thuở trước ...

-----------------------------------------------------

NHỚ TRƯỜNG BƯỞI


(nguồn: www.hanoi.gov.vn - Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội)


Có lần trở về Hà Nội thăm trường, bạn cũ sau khi đã về hưu (1975), khi dạo qua vườn Bách Thảo tôi thấy vang lên trong đầu mấy câu thơ của Anatole France. Thời học trường Bưởi tôi đã học thuộc lòng những câu thơ này để mãi mãi nhớ chúng, chắc cũng giống như nhiều bạn già khác.
"Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agite'' de l''automme, les premiers dinors a la lampe et les feuilles qui jaurissent dans les arbres qui frissonment.
Je vais vous dire que je vois quand je travers le Luxembourg dans les premiers jours d'Octobre, alors qu'il est un peu triste et plus beau que jamais, car c'est le temps ou les feuilles tombent une a une sur les blanches epaules des statues.
Ce que je vois alors dans ce jardin, c'est un petit binhomme an dos, s'en va au college en saulillant comme un moi neau. Ma pusee ... le voit, car ce petit bon homme est une ombre: c'est l'ombre du moi que j'etais il y a vingt cinq ans"

Tạm dịch:

"Tôi sẽ kể bạn nghe điều mỗi năm tôi nhớ lại do bầu trời xáo động mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những lá cây đang úa vàng dần từ trong những vòm cây run rẩy.
Tôi sẽ kể bạn nghe tôi đã nhìn thấy gì khi tôi đi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng lá một trên bả vai trắng muốt của những pho tượng.

Điều tôi nhìn thấy lúc đó trong vườn ấy là một chú bé con, đang đút tay túi quần, cặp khoác trên vai tới trường đi nhảy nhót như con chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là hình bóng bản thân tôi hai lăm năm trước ..."

* * *

Cũng vẫn là mùa thu ...

Khi còn nhỏ tôi yêu âm nhạc. Vì chăm học, luôn thi đỗ, tôi được mẹ thưởng cho một chiếc vĩ cầm. Tôi say mê khuya sớm tập đàn mùa hè trong vườn vắng. Nghỉ hè song tôi lại về trường học. Mẹ tôi vuốt ve tôi: "Con đi học xa, mẹ làm vườn cứ nghe thấy tiếng đàn."

Tôi vẫn yêu âm nhạc. Nay bóng chiều đã xế nhưng chiếc vĩ cầm vẫn ở bên tôi. Tôi không đánh đàn nhưng những câu thơ của Paul Verlaine vẫn còn réo rắt.

"Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Bercent mon ceur
D'une langeur
Monotone
Tout suffocant
Et bleme quand
Sonne l'heure
Je me anciens
Et je pleure."

Tạm dịch:

Những vĩ cầm rung
Nức nở rung dài
Khi mùa thu tới
Ru mãi lòng tôi
Lả lướt, vấn vương
Cứ vấn vương hoài
Tôi đã đứt hơi
Và đã tái tê
Khi giờ đã điểm
Tôi nhớ làm sao
Nước mắt tôi trào.

* * *

Thời xa xưa ấy, ở thị xã Hải Dương chỉ có một trường nhà nước dạy đến hết tiểu học, tuy lúc ấy Hải Dương là một trong bốn nơi sầm uất nhất Bắc Kỳ (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định). Học sinh Hải Dương muốn thi tốt nghiệp phải ra Hải Phòng thi. Bố tôi đưa con ra Hải Phòng, tìm chỗ trọ cạnh nơi thi. Khi tôi đã đỗ xép-phi (Certificat d''etudes primarié - Giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học) bố tôi lại đưa tôi đi Hà Nội để tôi thi vào trường Bưởi.

Rồi mẹ tôi thu xếp tiền nong, mang mấy con gà lớn nhất nhà nuôi được để đưa tôi đi Hà Nội vào trường học. Chờ đợi, trọ ở một hàng cơm nhỏ gần Quốc Tử Giám. Một quán vắng, một phố nhỏ yên tĩnh cạnh hồ Tây và Vườn Bách Thảo, có vòi nước phun lên trời, từ đó vào trường Bưởi, cạnh đường xe điện đi Thuỵ Khuê.

Tôi lần đầu tiên xa nhà, xa mẹ. Hàng tuần mẹ tôi từ Hải Dương lên, vào đón tôi ra Hà Nội chơi ngày Chủ nhật. Đi chơi Hàng Ngang, Hàng Đào, thăm nhà người quen, rồi đến Hàng Buồm ăn tươi ở hiệu Mỹ Kinh nổi tiếng rồi đến chiều đưa tôi về trường để ra tầu về Hải Dương.

Ở nội trú ở trường Bưởi, các bạn gọi tôi là Hoán chị vì tuần nào cũng có mẹ và chị đến thăm. Cái tên đó tôi vẫn mang mãi đến nay, khi các bạn ngày xưa viết thư cho tôi gửi đến nơi tôi hưu trí.

Tuần lễ đầu, xa nhà, do nhiều thay đổi về sinh hoạt, hoàn cảnh, tôi như ốm dở, và đứng ở góc sân trường mà khóc nhớ nhà, y như một bài học khác trong sách văn lúc ấy:

"On voit dans les sombres ecoles
Des petits qui pleurent toujours
Les autres font des cabrioles
Eux, its restent au fond des cours ..."

Tạm dịch:

"Ta thấy trong những trường ảm đạm
Những trẻ thơ cứ khóc mãi khóc hoài
Các bạn khác vui chơi thoải mái
Cuối sân trường các em nước mắt đầy ..."

Rồi cũng quen dần. Hà Nội, bạn học, thầy cô, những đổi thay của cuộc sống. Các tháng năm trôi qua với các diễn biến liên tục trong tình cảm, nghĩ suy của tuổi thơ rồi tuổi trẻ.

Sau kháng chiến chống Pháp, khi ở báo Tiền Phong tôi đi viết về ngày khai trường ... Cũng lại mùa thu ... Tôi xúc động quay về trường xưa. Và tôi viết về trường tôi "như một hòn đảo đẹp, từ đó tuổi thơ tôi đi vào cuộc đời tàn nhẫn ..." Câu đó không chính trị nhưng là tiếng nói của lòng tôi. Anh Mạc Lân, con Lê Văn Trương, cũng ở báo Tiền Phong lúc ấy, đọc bài tôi đã cười: "Ông Hoán làm văn chứ không phải viết phóng sự."
 

Grenouille_vert

Moderator
Trường Bưởi đã là một hòn đảo đẹp, ở thủ đô nhưng lại gần giữa thiên nhiên. Xa và gần ba mươi sáu phố phường nhưng lại ở bên núi Nùng, vườn Bách Thú, với cây xanh, tiếng chim kêu, vượn hú và bên Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch bát ngát, thơ mộng với tiếng thuyền chài gõ nhịp ngày đêm.

Vào giữa những năm 30, khi tôi học ở đó, trường Bưởi chiếm một khoảng đất rộng, giữa hồ và chân núi Nùng, gọn gàng với những toà nhà lớn cao tầng, và một số dãy nhà một tầng là những nơi nội trú, phòng học với các sân vận động, cái preau gần cổng trường vó mái sắt che, với y xá, các phụ cận tạo cho thầy trò yên tĩnh học hành, xa những tiếng động của thành phố. Lúc đó, Lycee du protectorat, gọi tắt là Lypro (Trường Bưởi) gồm ba bộ phận:

1 - Bốn năm trung học (như cấp II bây giờ) không có nữ sinh. Học sinh thi tốt nghiệp trung học (Diplome)

2 - Các lớp sư phạm đào tạo giáo viên (Anh Nguyễn Tài Uyên, tức Hồ Trúc- Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã học lớp đó.)

3 - Các lớp tú tài, có nữ sinh học. Học sinh được học hai năm tú tài phần I (Bacalaureat, 1ere partie). Học xong đi thi, nếu đỗ thì vào học tú tài phần hai, một năm, có phân chia thành tú tài triết học (Bac Phylo) và tú tài toán (Bac Math). Đỗ tú tài phần II thì xin hoặc thi vào đại học.

Trong trường chỉ có hai gia đình ông Tây ở: nhà ông hiệu trưởng (ông proviseur tên là Autigeom, sau đó là ông Hauloe) đẹp như một villa trên hồ phía sau trường, và nhà ông tài vụ (đồng thời là phòng tài vụ) ở sát cổng trước của trường, có cái vườn con trồng dâu tây rất ngon, học sinh hay thò tay qua rào lấy trộm.



Các thầy, cô khác từ hiệu phó trở xuống đều ở ngoài trường, đến giờ vào làm việc.

Trong nội trú không có nữ sinh. Chỉ có nam. Vào trường, tôi ở luôn nội trú và tập sống theo giờ giấc. Tôi ngủ trên gác ba một nhà lớn ở gần nhà ông tài vụ và sân vận động của trường. Tầng một của nhà đó gồm hai phòng lớn. Một phòng là phòng ăn của học sinh nội trú, có bàn ghế đủ trên trăm người. Phòng bên là phòng nhạc rộng có cái piano.

Buổi sớm khi ánh sáng ban mai lọt bào qua các cửa kính, chớp cùng gió hồ, tiếng chim kêu, vượng hú, tiếng thuyền chài lách cách thì kẻng nhà trường báo thức. Ông giám thị cũng trực tiếp tới phòng. Chúng tôi dậy ra phòng rửa mặt cạnh phòng ngủ, có toalet, có nước máy, điện sáng, sàn lát gạch men sạch sẽ và đẹp đẽ để rửa ráy, đánh răng rồi trở về giường của mình. Tôi xếp chăn gối, vắt màn, để quần áo bẩn vào cái sac a linge (là cái tủ để quần áo bẩn đặt dưới giường). Sau một ngày, các quần áo đó được giặt, là đặt trên giường cho chúng tôi. Chuẩn bị rời phòng ngủ chúng tôi xếp những thứ không dùng tới vào ngăn tủ của mình trong tủ đặt ngoài hành lang. Rồi với sự đôn đốc của ông giám thị có chùm chìa khoá leng keng trong tay chúng tôi xuống thang đi về phòng học nội trú. Tại đó cũng có bàn học, ngăn tủ của mình. Ôn bài, chuẩn bị cho buổi học, rồi đến giờ đi vào phòng ăn sáng. Tự do chơi một lúc bóng chuyền hoặc bóng rổ. Đến gần 7 giờ, hai cổng của trường mở cổng chính cạnh phòng tài vụ và phòng khách (parloir) của trường. Cổng thứ hai rộng hơn trước bến xe điện Hà Nội Thuỵ Khuê đỗ trước đó, mở cho học sinh ngoại trú đi bộ hoặc dắt xe đạp vào. Xe đạp treo ở phòng giữ xe đạp. Căngtin cho học sinh cũng gần cổng đó.

Nhộn nhịp một lát rồi là những giờ im ắng của các tiết học buổi sáng. Đến 11 giờ học sinh ngoại trú ra về, nội trú đi ăn cơm. Nghỉ trưa một tiếng rồi xuống phòng học nội trú chuẩn bị cho buổi chiều đi học. Học chiều, cơm chiều rồi tự do đi nửa tiếng. Vào phòng học nội trú. 9 giờ, ra chơi, rồi lên gác chuẩn bị đi ngủ. 10 giờ, ngủ. Đèn tắt. Cũng có bạn học gạo đêm trốn vào phòng toalet - rất sạch sẽ và có điện để học thêm.

Học thời đó bằng tiếng Pháp. Có giờ chữ nho và giờ quốc văn thì dùng tiếng Việt. Học tú tài phần I có học ngoại ngữ: một ngoại ngữ là tiếng Anh do người Anh dạy. Về cơ sở vật chất: trường có thư viện cho học sinh mượn sách. ở phòng thí nghiệm có các dụng cụ, vật liệu để học vật lý, hoá, có bộ xương người, xương thú ... để học sinh vật. Học vẽ học sinh có giá vẽ, ghế ngồi vẽ, trong phòng có các tượng. Học nhạc có phòng học nhạc, đàn piano, thầy nhạc người Pháp. Thể dục thể thao cũng có giáo viên người Pháp, và các sân bãi, bóng, dụng cụ, kể cả găng tay tập boxing, túi cát để đấm ... Học sinh không phải trả tiền học. Ở nội trú cũng không nhiều mà ba bữa ăn có chất lượng. Vào y xá không mất tiền thuốc men khi yếu đau bình thường.
 

Grenouille_vert

Moderator
Về học sinh trường Bưởi, lớp người tiền bối chúng tôi, lúc học tôi không biết, gần đây tôi mới biết là cố vấn Phạm văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Tạ Quang Bửu ... đã từng học ở đây. Những lớp học sinh từ sau ngày kháng chiến chống Pháp cũng có nhiều nhân tài mà tôi không được quen biết. Tôi chỉ biết về số học sinh gần tuổi tôi, những anh lớn hơn một ít và bạn kém một, hai tuổi.

Tôi học ở Bưởi từ năm 1936 cho đến năm 1941 rồi sau đó học Đại học Luật Hà Nội do đó tôi quen biết khá nhiều bạn.

Có những bạn người nước khác đến học với chúng tôi:

Từ Lào, anh Kaysone Phông Vi Hản đã vào trường Bưởi học nội trú. Sau anh cũng học Luật ở Hà Nội. Khi mất anh là Tổng bí thư Đảng Lào.

Từ đất nước của ông Tưởng Giới Thạch cũng có vài bạn:

Có Anh Hoa Chê Loan, con một quan to bên Tàu không biết tại sao lại uống thuốc tự sát. Anh ấy hiền, hay cười và hay đọc sách tiếng Trung Hoa, xã hội Tàu. Gia đình, bản thân anh có chuyện gì khiến anh quên sinh?

Sau Trung Hoa cách mạng, được sự lãnh đạo của Mao chủ tịch, Lưu Thiếu Kỳ tôi có lần gặp lại một bạn học cũ người Trung Hoa đã học trường Bưởi. Anh ta hay chơi bóng rổ, học sau tôi một naw, và ngồi gần nhau trong phòng học nội trú.

Năm 1950 khi tôi đi phục vụ đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội sinh viên quốc tế lần thứ II ở Praha, đoàn qua trường Trung Quốc cùng với đoàn đại biểu của Trung Hoa sang Tiệp họp. Tới Tiệp vì đã quen, tôi đã đi chơi với các đại biểu Trung Hoa. Căn phòng mở cửa, tôi ngạc nhiên. Anh bạnh này sau nhiều năm xa cách thế nào lại ở đây? Anh ta cười nói: "Ơ kìa Hoán chị trường Bưởi?" Thì ra anh ta học Luật bên Pháp, từ Pháp sang nhập vào đoàn đại biểu từ trong nước ta.

Về các bạn người Việt Nam thế hệ tôi, tôi có nhiều hiểu biết hơn.

Những bạn học của tôi, từ những tỉnh, huyện, những gia đình có hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có một cuộc đời, một tính cách riêng đã cùng nhau gần gũi trên một hòn đảo đẹp này, cùng ở đó lớn lên, và phát triển theo đường của mình, để rồi từ hòn đảo đó ra đi muôn ngả, mỗi người một số phận khác nhau, trong cuộc đời ...

Có những người đã phát triển tốt, thành đạt. Tôi có thể kể không theo một thứ tự sắp xếp nào:
- Nguyễn Chương (Lợi) đã mất sau khi về hưu;
- Đỗ Trọng Dậu (Trung tá Mai Lâm) nay ở đâu?
- Vũ Quang, Hồ Trúc (Đoàn thanh niên);
- Nguyễn Đình Thi, Trần Lâm - Người treo lá cờ đỏ sao vàng lên khi Nhà hát lớn ngày cách mạng tháng 8, Thép Mới, anh Kỳ (thư ký Bác Hồ), Từ Giấy, anh Hường và anh Phan Hữu đã chết ...
- (Tôi mở ngoặc) ở trường Bưởi có ba Hoán:
Phạm Đồng Hoán vào những năm 60 ở Bộ Đại học;
Vũ Tam Hoán đã mất khi là viện trưởng Viện quân y 9 ở Vĩnh Yên, bạn cùng khoá với tôi;
Và tôi, Hoán chị, còn sống.

Cũng có những người cũng phát triển bình thường trải qua sóng gió xưa, thuộc loại vô thưởng vô phạt, như tôi và thành đạt hơn tôi một chút. Và cũng có người đã ngã gục trong cuộc đời "tàn nhẫn" thậm chí có người đã chết nhục nhã như Nguyễn Thiện Giám (bạn cùng lớp với tôi) đã làm tay sai cho Nhật và ta đã giết chết một cách xứng đáng hồi Cách mạng tháng 8. (Tôi nói có cơ sở: Tôi có hai bạn chết vì theo Nhật: Trần Văn Nhung, vì tiêm nhiễm tư tưởng Đại Đồng Á đã hy sinh bị Pháp bắn chết, khi Nhật đảo chính Pháp. Anh đó đáng thương và tôi vẫn mến trọng. Nhưng Giám do cảnh nhà nghèo, mẹ kiếm sống nuôi con, lớn lên đầu óc đi vào cơ hội: nịnh nọt thầy, rổi NỊNH NHẬT, rồi đưa lên chiến khu hòng kiếm quyền lợi cho bản thân nên khác hẳn Nhung. Hắn bị khinh và chết là đáng kiếp.)

Sau chút hồi tưởng về trò tôi ghi vài hồi ức về thầy.

Có những thầy nay vẫn còn tên tuổi: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, ...
Thầy cô tây đầm:

Tôi nhớ một cô giáo (Pháp, dạy văn năm thứ ba trung học, như lớp 8 bây giờ) không giỏi, chỉ có hiền dịu, cần cù.

Tôi nhớ một ông thầy gốc xứ Bretagne, dạy văn thứ nhất tú tài, khi Pháp thua Đức và thống chế Petain quỳ gối đầu hàng, thày đã chảy nước mắt trước chúng tôi vì cái nhục của mẫu quốc. Nhưng thầy có thông cảm với người Việt Nam mất nước không khi Tây bắt chúng tôi hát bài "MARECHAL, nous voila" (Thưa thống chế có chúng tôi đây) và tăng cường đàn áp cách mạng Việt Nam?

Có một hiệu phó (Censeur) tên là De Rozario. Tên có chữ De tức là lớp quý tộc nhưng tâm hồn ông ta không có chữ De. Ví dụ: Thầy Tường đã đỗ ba bằng tiến sỹ ở Paris lúc mới hơn hai mươi tuổi. Thầy mang đĩa hát đến giới thiệu nhạc Mozart với chúng tôi. De Rozario văn hoá thì thấp, chức vụ thì cao. Thấy thầy được chúng tôi kính mến cứ đi đi lại lại ngoài sân nhìn vào, hậm hực vẻ đe doạ. Thầy trò thấy rõ, phớt đi, cứ vui, nghe nhạc Mozart. Nhà quý tộc De Rozario cũng có truyền thống hiếu sắc. Mỗi khi gia đình học sinh đến thăm con em ở parloir mà có một phụ nữ nào có nhan sắc là censeur Dezario tới gần ngay tỏ tình mến khách.

Thầy dạy Triết George Bois, ngày ngày dạp chiếc xe đạp cà tàng tới dạy học, dạy Triết không có chút cá tính sáng tạo gì, chỉ nói lại theo đúng sách giáo khoa để kiếm ăn.

Ông Vouillon, thầy dạy về "Làm vườn" là một ông thầy tốt. Ông nông dân đó có vườn hoa ông trồng cực kỳ tốt. Chúng tôi tới thấy bên hoa thơm có bao nhiêu phân bón ông tự tay bón cho cây trong vườn nhỏ của ông ở vườn Bách Thảo.

Về các thầy cô học sinh lớp chúng tôi nhớ mãi "ba Khang" tức là Thầy Khang dạy ở trung học. Thầy có kiến thức rộng và qua các bài giảng về lịch sử, về cách mạng Pháp đã truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước, dân chủ, tự do, tổ quốc và cách mạng.

Tôi nhớ hai thầy cô dạy vẽ:

Thầy Tô Ngọc Vân, nhà danh hoạ, người thì đen nhưng tranh thầy vẽ thì quá tuyệt vời.

Cô Lê Thị Lựu, vẽ đẹp nhưng người còn đẹp hơn. Khi học vẽ, mỗi khi cô tới giá vẽ để kiểm tra chúng tôi bồi hồi ngắm cô. Và mỗi khi cô mệt như ngất đi bên cạnh bàn là cả lớp buồn, lo như người nhà bị ốm nặng.

Thầy Phó Đức Tố, dạy toán. Hôm ấy anh Lợi (Nguyễn Chương) đã viết khẩu hiệu và rải truyền đơn trong trường (1940), rủ tôi đi canh gác cho anh làm nhiệm vụ. Anh rải cả truyền đơn trong gầm bàn học sinh lớp chúng tôi. Vào giờ học các bạn xem nhưng anh P.V.Ph thì sợ quá đem truyền đơn lên trình thầy Tố. Thầy im lặng buồn và nói với chúng tôi: Vì anh này là thế này nên buộc tôi phải trình lên trường các em hiểu cho. Rồi mật thám Tây đến tận lớp đe doạ. Tôi nhớ mãi thái độ hôm đó của thầy và mến thầy.

Trường Bưởi hàng năm có ngày hội trường. Đi đá bóng với trường Đỗ Hữu Vị, Albert Sarrant đấu boxing, bóng rổ, bóng chuyền, thể dục dụng cụ tấp nập và ca nhạc nhảy múa.

Tôi nhớ tiếng vĩ cầm réo rắt và điêu luyện của anh Lương Hàm Châu (Hàng Đào, Hà Nội) đánh những bài phổ thông lúc đó "đàn ơi, tan nát tim ta, nhiều rồi mà sao ta vẫn say xưa hoài ..." hay "Les millions d'Arlequin", "O Sole Mio" ... Hay tiếng hát của My Apollore. Anh hát rất hay bài hát "Le plus beau refrain de la vie c'est ce lui qu'on chante a vingt ans ..." (Điệp khúc hay nhất trong đời là các bài ca khi tuổi 20 ...)

* * *

Mấy hôm nay, mùa thu gió lạnh ... (lại mùa thu ...) mùa thu của những ngày khai trường, của trường Chu Văn An đón nhận Huân chương độc lập khi sang thế kỷ 21. Tôi cũng tròn tám chục mùa xuân khi vào thế kỷ mới.

Những mùa thu gần đây tôi nhớ nhiều thời xưa cũ. Khi sẽ đi xa, tôi ghi lại vài nét về trường. Nay tôi sửa lại. Không biết có ai sẽ đọc không? Nhưng tôi vẫn nhớ lại mấy câu thơ của A. France. Đó là văn, hay là thơ, hay là nhạc, những lời tuyệt diệu đó về mùa thu khai trường? Tôi nhớ lại câu của Verlaine khi mở đầu bài này và nghĩ rằng cùng với mùa thu, với "Thu cảm", "Thu hoài", qúa khứ không bao giờ chết!


(Nguồn: www.ttvnol.com/cva.ttvn)
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top