Nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng.

Chuyện “gu” âm nhạc: ai cao, ai thấp?
06:47' 21/04/2006 (GMT+7)

Để tiếp tục câu chuyện về hiện tượng “lệch pha” giữa tai nghe của công chúng và sản phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ ở bài trước: Nhạc sĩ và công chúng, ai bảo thủ hơn ai?, không gian so sánh bây giờ chuyển từ trước/sau - tức là giữa sự bảo thủ của công chúng và sự “tiên tiến” của nhạc sĩ - sang trên/dưới - tức là giữa trình độ cao của nhạc sĩ (hay ca sĩ) và sự “thấp kém” của công chúng!

Việc giải thích hiện tượng “lệch pha” trong tương quan trước/sau bằng quy luật vận hành của cơ chế thị trường nghe ra còn xuôi tai, nhưng giải thích hiện tượng “lệch pha” trong tương quan trên/dưới dù theo cung cách nào cũng có màu sắc khôi hài. Một nhạc sĩ khí nhạc có thể viết ra những tác phẩm đi trước thời đại và hứng chịu sự ghẻ lạnh hay bài bác của công chúng là chuyện thường xảy ra và cũng dễ hiểu, vì những tác phẩm đó thuộc về một hệ thẩm mỹ mới, một hệ thẩm mỹ chỉ manh nha trong tiến trình phát triển tinh thần của xã hội. Phải một thời gian sau, khi hệ thẩm mỹ phôi thai ấy đã trở thành khí hậu tinh thần của toàn xã hội thì những tác phẩm vượt thời gian (theo nghĩa đi trước thời đại chứ không phải theo nghĩa sống lâu) mới được công nhận rộng rãi và giá trị sáng tạo của chúng mới trở thành kinh điển.

Hiện tượng “lệch pha” này đôi khi được dùng để biện hộ cho nhiều trường hợp thất bại của các sản phẩm thị trường nhưng lại bị chính thị trường ghẻ lạnh và chê bai. Những sản phẩm này ra đời để phục vụ cho thị hiếu công chúng đương thời và đã được cân đong đo đếm cho vừa với thị hiếu. Nhưng thị hiếu thì luôn luôn đỏng đảnh khó chiều nên chuyện thành công hay thất bại đôi khi có tính chất xổ số, ngay cả khi việc tiếp thị đã được làm khá chu đáo. Cũng hệ thẩm mỹ ấy, cũng dòng nhạc ấy, cũng cung cách nghe/nhìn đại chúng ấy … nhưng sản phẩm lại lạc lõng và nằm yên trên kệ đĩa cho bụi phủ. Biết giải thích làm sao khi chúng vốn chỉ là những sản phẩm thị trường chứ không có chuyện đi trước thời đại gì hết? Thì cứ việc đổ cho tai nghe của công chúng ... thấp, còn “gu” của nhạc sĩ (hay ca sĩ) thì cao!

Trong tương quan trước/sau, thời gian sẽ làm trọng tài. Có không ít những tác phẩm tự cho rằng đi trước thời đại đã bị thời gian chứng minh là chẳng có chuyện đi trước gì hết mà chỉ là đi lạc đường thôi. Còn trong tương quan trên/dưới, hầu như không có thước đo nào có thể dùng để khẳng định chiều cao của tác phẩm so với tầm nhận thức thấp của công chúng là hơn kém nhau bao nhiêu. Chính vì thế mà việc tự phong chiều cao cho tác phẩm là dễ dàng nhất, chẳng ai kiện cáo gì được, lại thoả mãn lòng tự ái vốn đã rất cao của nghệ sĩ.

Câu chuyện này khá gần với ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho” của nhà hiền triết Hy Lạp cổ Aesop: Con cáo với mãi không tới chùm nho bèn chê rằng chùm nho còn xanh nên không thèm ăn. Còn trong thị trường âm nhạc, nhiều nhạc sĩ chê “gu” thẩm mỹ của công chúng thấp quá nên không với tới được tầm sáng tạo của tác phẩm mà mình muốn cống hiến. Chẳng khác nào bảo rằng các Thượng đế mà mình tình nguyện phục vụ có tai nghe nhạc hơi bị … kém nên không thưởng thức được tiếng đàn giọng hát của mình!

Tất nhiên, không có lửa thì sao có khói, “gu” âm nhạc của công chúng quả là có hơi … thấp nếu dùng thước đo trình độ phổ thông. Bởi vì công chúng là một khối thính giả đông đảo bao gồm cả những tai nghe được giáo dục thẩm mỹ đầy đủ cũng như giới bình dân mà quá trình phổ cập kiến thức âm nhạc trong phạm vi toàn xã hội đã đến những kết quả đáng buồn. Lấy con số trung bình cộng về trình độ thưởng thức âm nhạc của khối thính giả đông đảo ấy (nếu lượng hoá trình độ này bằng các trắc nghiệm) thì khái niệm “thấp” là có thể hiểu được. Nhưng còn “gu” của các nhạc sĩ (hay ca sĩ) thì có gì để bảo rằng cao? Hay chỉ vì nhạc sĩ (hay ca sĩ) có thể ký xướng âm một ca khúc ngon lành hơn bất kỳ ai trong đám công chúng đông đảo sẽ mua đĩa và mua vé xem show diễn của họ?

Nếu nói rằng chỉ cần biết solfège hay có một thanh quản tốt là tự khắc có trình độ thẩm mỹ âm nhạc cao thì câu chuyện đã chuyển sang một chủ đề khác. Viết ca khúc - thậm chí viết khí nhạc – cũng như hát, là một nghề: nghề viết nhạc hay nghề hát. Làm nghề giỏi đôi khi chỉ là việc thủ đắc một số kỹ năng chuyên môn nào đó của nghề chứ không hẳn là đã có trình độ thẩm mỹ cao, huống chi chưa có gì đảm bảo rằng những nhạc sĩ (hay ca sĩ) tự cho mình ở tầm cao so với công chúng nghe nhạc đã là những người làm nghề giỏi mà thường chỉ là những tay nghề tạm “sạch nước cản”, thậm chí chỉ là những thợ thủ công hạng xoàng. Công chúng nhạc Việt vốn dễ dãi và vốn có tai nghe trung bình cộng “thấp” nên tương quan so sánh trên/dưới, cao/thấp ở trường hợp này mang màu sắc khôi hài là vậy!
Soạn: AM 756171 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hơn nữa, chúng ta gần như không có sinh hoạt lý luận/phê bình âm nhạc ở bất kỳ cấp độ nào, cả cao cấp lẫn thấp cấp, việc chê bai cao/thấp, trên/dưới, trước/sau … gì cũng chỉ là chuyện nói cho vui, vì tự ái hay sĩ diện của cả công chúng lẫn nghệ sĩ. Cũng như việc tự phong hay tấn phong lẫn nhau không có một chuẩn mực nào cả nên dù có là “diva”, là “ngôi sao”, “nữ hoàng nhạc nhẹ” hay “vua nhạc nặng” ..v..v.. cũng chỉ góp chút màu mỡ riêu cua cho đời sống âm nhạc lâu nay vẫn bị phê phán là buồn tẻ và trì trệ mà thôi!

Xét cho cùng thì việc so sánh cao/thấp, trên/dưới … theo kiểu nào cũng vô hại. Vui cả làng mà!
 
Nhạc sĩ và công chúng, ai bảo thủ hơn ai?
07:11' 19/04/2006 (GMT+7)

Trên thị trường âm nhạc, nhạc sĩ là nhà sản xuất và là người bán món hàng do mình sản xuất, còn công chúng là người tiêu thụ những món hàng ấy. Quan hệ giữa nhạc sĩ và công chúng trong nền kinh tế thị trường chỉ đơn giản là quan hệ giữa người bán và người mua.

Nếu không kể đến các thành phần trung gian tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối các sản phẩm âm nhạc, đôi khi những thành phần này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nhào nặn tâm lý tiêu dùng của xã hội, việc mua/bán các sản phẩm âm nhạc cũng chẳng khác việc mua/bán bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào. Người sản xuất hàng hoá phải nghiên cứu thị hiếu khách hàng và đưa ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu đó, đồng thời phải có khả năng tiếp thị để sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng bằng con đường ngắn nhất. Trong quy trình phổ thông này, ai bảo thủ hơn ai?

Trước hết, thế nào là bảo thủ? Đó là việc kiên trì với thị hiếu cũ và không chấp nhận thử nghiệm cái mới. Như vậy, khách hàng bảo thủ là điều đương nhiên vì họ sẽ chỉ chấp nhận những thứ hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đã có sẵn chứ không bao giờ bỏ tiền ra để thử nghiệm những nhu cầu tiêu dùng còn chưa hiện hữu của mình. Việc ấy là của người sản xuất, nghĩa là người sản xuất phải biết dự phòng tình trạng bão hoà thị trường khi cung vượt quá cầu. Khi ấy, hoặc là nhà sản xuất phải ngưng việc sản xuất và dẹp tiệm, đợi đến khi nào nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng để tiếp tục sản xuất trở lại, hoặc là tạo ra những nhu cầu mới, làm thay đổi tâm lý tiêu dùng quen thuộc, khiến công chúng chấp nhận những sản phẩm mới. Bước đột phá này bắt buộc người sản xuất phải phiêu lưu, sẵn sàng chịu đựng rủi ro tổn thất để thử nghiệm cái mới.

Việc này vượt ra khỏi quy trình phổ thông và làm kích hoạt năng lực sáng tạo của người sản xuất. Trong một nền kinh tế thị trường sôi động, người sản xuất phải đặt mình trong tâm lý thử nghiệm thường trực vì cán cân cung cầu luôn luôn chao đảo và tình trạng cạnh tranh ngày càng ác liệt. Những lời phàn nàn về sự bảo thủ của công chúng âm nhạc chỉ chứng tỏ rằng nhạc sĩ (người sản xuất âm nhạc) chưa nắm vững quy luật thị trường và chưa thành thạo nghệ thuật nhào nặn thị hiếu. Thị hiếu là một thứ tâm lý tiêu dùng cực kỳ phù phiếm và dễ lây lan, do đó cũng rất dễ bị nhào nặn. Từ việc nắm bắt thị hiếu đến việc nhào nặn thị hiếu là quá trình thành thục của kinh tế thị trường, hay nói đúng hơn là quá trình thành thục của những thế lực có khả năng thao túng thị trường.

Các nhạc sĩ có khả năng trở thành thế lực thao túng thị trường hay không? Kể ra họ cũng ít có khả năng đó mà hầu hết chỉ là người sản xuất thuần tuý, nghĩa là người cung cấp các sản phẩm âm nhạc theo đơn đặt hàng của những nhà kinh doanh âm nhạc chuyên nghiệp. Trong vai trò này, họ có thể thử nghiệm cái mới bằng tiền của người khác và theo chỉ đạo của người khác. Đây chính là hình ảnh cổ điển của người nghệ sĩ - người chỉ biết sáng tạo và thử nghiệm liên tục trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình. Công chúng bảo thủ hay không cũng không phải việc của họ, vì chắc chắn là với họ, công chúng bao giờ cũng bảo thủ và lạc hậu, nếu không thì họ đã chẳng phải là nghệ sĩ - kẻ sáng tạo.

Nhưng trong tình trạng nhạc Việt hiện nay, thị trường âm nhạc còn phôi thai và manh mún nên các nhạc sĩ thường kiêm luôn vai trò nhà kinh doanh âm nhạc. Họ phải thử nghiệm các sản phẩm mới, hy vọng tạo ra thị hiếu mới bằng tiền của mình và với trình độ tiếp thị của mình. Rất ít người trong số đó có khả năng trở thành những nhà kinh doanh âm nhạc chuyên nghiệp mà thường chỉ là những nhà sản xuất kiêm kinh doanh âm nhạc nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu, trong một thị trường vừa tầm với vốn liếng và năng lực kinh doanh của họ. Khi thử nghiệm thất bại, hoặc vì năng lực làm mới kém cỏi, hoặc vì năng lực nhào nặn thị hiếu còn ở … thời đồ đá, các nhạc sĩ kiêm nhà kinh doanh âm nhạc bèn đổ lỗi cho sự bảo thủ của công chúng.

Sự bảo thủ của công chúng quả là một cái sọt rác có thể chứa cả thị trường âm nhạc èo uột, trình độ giáo dục âm nhạc xã hội kém cỏi, lẫn sự bất tài của các nhạc sĩ kiêm nhà kinh doanh âm nhạc … Nhưng đấy chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt kia có thể phản ánh một cách nhìn khác về sự bảo thủ. Các nhạc sĩ có thể bảo thủ hơn công chúng khi họ tưởng rằng công chúng không chấp nhận cái mới mà họ đưa ra là vì công chúng chỉ quen ăn những món ăn truyền thống và dễ dãi trong việc tiêu thụ các sản phẩm tinh thần, trong khi thực ra thì các sản phẩm gọi là mới của các nhạc sĩ cũng chỉ là xào xáo cái cũ hay chỉ là những cái không ra mới cũng chẳng ra cũ, dở dở ương ương, không thể nào xài được!

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công chúng có thể tiếp cận với những cái mới từ thế giới bên ngoài dội vào dẫu chỉ là cái mới thời trang, để rồi lại sớm trở về với cái cũ quen thuộc. Nhưng ngay cả như thế nữa, công chúng vẫn có một khái niệm khá rõ ràng về cái mới chứ không hoàn toàn lạc hậu để kiên trì cái cũ như một quá trình “vôi hoá” tâm lý. Có chăng chỉ có thể viện dẫn rằng, bản chất của nghệ thuật âm nhạc là luôn luôn vẫy gọi ký ức con người. Và dù như vậy, sự bảo thủ nhiều khả năng nằm ở cả hai phía: công chúng và nhạc sĩ. Tại anh tại ả, tại cả đôi bên!

Thiên Lang
 
Nghĩ về các trào lưu ca nhạc sớm nở tối tàn …
07:31' 17/04/2006 (GMT+7)

Trong đời sống nhạc Việt hiện nay, có hiện tượng một vài trào lưu âm nhạc đột nhiên bùng lên một thời gian ngắn rồi biến mất cũng nhanh chóng như khi chúng xuất hiện. Đôi khi, tình trạng sớm nở tối tàn này mang vẻ đẹp phù du, thoáng qua trong chốc lát rồi tan biến, để lại một chút tiếc nuối. Và một chút hoài nghi…

Giải thích tình trạng không khó, nhưng vấn đề không phải chỉ là giải thích mà là chúng ta phải làm gì để xây dựng nền âm nhạc hiện đại trên nền đất luôn bập bềnh như thế? Tuy nhiên, việc đầu tiên cũng vẫn là giải thích. Giải thích đúng hy vọng sẽ dẫn chúng ta đến những giải pháp đúng. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của tình trạng là do các ca sĩ không có khả năng trung thành với một dòng nhạc nào. Họ cứ nhảy cóc từ dân gian hiện đại sang hip-hop rồi về rock … Nhưng nói như thế thì cũng bằng như không nói gì cả. Ca sĩ thì lúc nào mà chẳng chiều theo thị hiếu thính giả. Họ hát là để phục vụ tai nghe của các Thượng đế chứ không bao giờ để tự phục vụ mình, dù không ít ca sĩ tuyên bố khơi khơi rằng tôi hát theo ý thích của tôi, theo thẩm mỹ âm nhạc của tôi bất chấp “gu” thính giả. Giá như họ chỉ hát thầm, hát đủ cho mình nghe mà không làm CD hay lên sân khấu thì chúng ta cũng có thể tạm tin …

Vậy nguyên nhân của tình trạng sớm nở tối tàn là thị hiếu công chúng? Nhưng tại sao thị hiếu công chúng lại xoay như chong chóng khiến ca sĩ phải chạy theo bở hơi tai, để rồi nhạc sĩ cũng phải tất tả đuổi theo ca sĩ mà đón gió chiều lòng các Thượng đế? Đơn giản là vì các Thượng đế coi âm nhạc như một món thời trang, chỉ có chức năng giải trí mua vui trong phút chốc, rồi thôi. Thị hiếu của công chúng hiện tại là một thứ thị hiếu phù phiếm và đầy tính tạp kỹ. Thị hiếu bao giờ cũng phù phiếm, sớm nở tối tàn, nhưng một thị hiếu vừa phù phiếm vừa tạp kỹ thì thậm chí chưa nở đã tàn, tàn xong lại nở tiếp … Hơn nữa, vì là tạp kỹ nên cùng một lúc mọi trào lưu có thể vừa nở lại vừa tàn như pháo hoa, khi đã tàn chẳng còn lại chút gì đáng kể ngoài một làn khói mỏng manh …

Bạn có thể thấy những màn pháo hoa như thế ở rất nhiều sân khấu ca nhạc, rất nhiều album của ca sĩ và nhạc sĩ. Mỗi loại pháo hoa cũng chỉ được sử dụng thật “tiết kiệm” vừa đủ để chương trình sân khấu hay album biến thành một gánh hàng xén ca nhạc. Và làn khói mỏng manh vương vấn trên nền trời cũng chỉ đủ cho một chút tiếc nuối rồi tan biến. Sở dĩ chúng ta có cảm giác tiếc nuối vì thực ra ca sĩ và nhạc sĩ không phải không có tài để có thể làm một cái gì hơn thế, hoặc một màn pháo hoa mãn nhãn hơn thế hoặc một cuộc trình diễn âm thanh đã tai hơn thế. Nhưng tất cả chỉ có vậy, vừa phù phiếm vừa tạp kỹ chợ phiên …

Dường như công chúng Việt không đủ kiên nhẫn để thưởng thức trọn một chương trình sân khấu hay một CD “chuyên trị” chỉ một dòng nhạc. Ngay cả thứ show diễn rất chuyên đề là rock cũng pha trộn đủ thứ rock trên đời, không kèm thêm tấu hài hay trình diễn thời trang là may lắm rồi! Và cùng với cảm giác tiếc nuối là cảm giác hoài nghi, rằng thứ âm nhạc phù phiếm và tạp kỹ kia có thật là nhạc Việt không hay chỉ là những trò chơi âm thanh mô phỏng? Trên nền đất bập bềnh của thị hiếu Việt, chúng ta có thể xây dựng một nền âm nhạc như thế nào để nó có thể tồn tại một cách thực sự chứ không phải là những trò chơi âm thanh mô phỏng các trào lưu âm nhạc của thiên hạ?

Cảm giác hoài nghi không phải chỉ có sau khi “chịu đựng” đủ một chương trình sân khấu hay một đĩa nhạc mà xuất hiện ngay khi ánh sáng laser còn đang rực rỡ trên phông màn, khi đầu máy còn chưa đọc hết nửa số track của chiếc CD. Những trào lưu sớm nở tối tàn không phải vì ca sĩ hay nhảy cóc từ dòng nhạc này sang dòng nhạc kia, không phải vì các nhạc sĩ không có khả năng “chung thuỷ” với một phong cách âm nhạc, không phải vì công chúng có thứ thị hiếu chập chờn như chuỗi đèn trang trí trên cây thông Giáng sinh … mà có lẽ vì nhạc Việt là một nền âm nhạc không có … nền. Nó được xây dựng trên sự bập bềnh của các tiêu chí thẩm mỹ luôn luôn lâm thời, hay nói cách khác, đó là các tiêu chí thẩm mỹ mà chúng ta vay mượn tạm của thiên hạ, chưa bao giờ thực sự là của mình.
Soạn: AM 750533 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Chúng ta đã quen với việc nghe bằng tai của người khác, nhìn bằng con mắt của người khác, lý luận bằng cái đầu của người khác, thậm chí yêu ghét bằng tâm hồn của người khác. Rock thì phải như rock của thiên hạ, hip-hop thì phải như hip-hop của thiên hạ, opera cũng phải như opera của thiên hạ … Đã trình diễn như thiên hạ thì thưởng thức cũng phải như thiên hạ, mà thiên hạ có những gì thì ta cũng phải có đủ bộ như thế!

Trên một nền thẩm mỹ bập bềnh chao đảo, âm nhạc cũng sẽ bập bềnh chao đảo chẳng khác nào những cánh bèo trên mặt sóng. Dĩ nhiên, chúng có vẻ đẹp riêng của sự phù du chốc lát. Nếu chúng ta an lòng với vẻ đẹp ấy thì chẳng nói làm gì, vì cuộc đời này “có bao lâu mà hững hờ” như một lời bài hát của Trịnh Công Sơn! Nhưng hình như chúng ta lại là một dân tộc chuộng sự “ăn chắc mặc bền” chứ không ưa thích những thứ phù du chốc lát …

Thiên Lang
 

Tra cứu điểm thi

Phần mềm mới

Quảng cáo

11223344550983550000
Top